Thứ Ba, 2 tháng 9, 2014

Cuộc chiến chính trị ở Hong kong

Carrie Gracie

Cập nhật: 08:59 GMT - thứ ba, 2 tháng 9, 2014
Người đứng đầu đặc khu hành chính Hong Kong, ông Lương Chấn Anh, nói quyết định hôm Chủ Nhật là "một bước tiến to lớn" cho tiến trình dân chủ Hong Kong
Chính phủ Trung Quốc đã quyết định rõ ràng rằng dẹp tình trạng bất ổn dân sự trong một giai đoạn ngắn hạn thì tốt hơn là cho phép Hong Kong có tiến trình chính trị có thể thách thức nhà cầm quyền về mặt dài hạn.
Tuyên bố hôm Chủ Nhật từ Bắc Kinh không đưa ra bất kỳ nhân nhượng nào cho các lực lượng dân chủ Hong Kong.
Không cho phép áp dụng tiến trình đề cử ứng viên lãnh đạo một cách cởi mở, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tuyên bố rằng mọi ứng viên phải có được trên 50% ủng hộ từ một cơ quan đề cử "có đại diện rộng rãi".
Điều này thậm chí còn chặt chẽ hơn cả các dàn xếp đang có, và ít có khả năng sẽ được Hội đồng Lập pháp Hong Kong hậu thuẫn.
Nhưng các quan chức Trung Quốc nói người đứng đầu Hong Kong phải gắn bó lệ thuộc vào Bắc Kinh, và việc cho đề cử tự do vào vị trí này sẽ tạo ra một "xã hội hỗn loạn".
Người đứng đầu đặc khu hành chính phải là người "yêu tổ quốc và yêu Hong Kong", theo như từ ngữ được dùng trong quyết định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Bức tranh toàn cảnh

Các nhà hoạt động dân chủ Hong Kong nói tiến trình như vậy sẽ không trao "lựa chọn thực sự", điều mà theo họ hiểu phải là việc áp dụng phổ thông đầu phiếu.
Những người phản đối nói quyết định hôm Chủ Nhật không trao cho cử tri quyền lựa chọn thực sự
Họ cảnh báo rằng việc chiếm đóng khu quận trung tâm, vốn đã được đe dọa thực hiện từ lâu, nay sẽ được thực hiện.
Quan điểm không nhân nhượng của Bắc Kinh đối với Hong Kong là một phần trong bức tranh chính trị to lớn hơn.
Dưới sự lãnh đạo của ông Tập Cận Bình, Trung Quốc đã tiếp tục chống lại bất kỳ gợi ý cải tổ dân chủ nào. Đảng Cộng sản thậm chí còn củng cố mạnh mẽ hơn sự độc quyền của mình.
Hong Kong là nơi duy nhất các công dân Trung Quốc có thể chỉ trích nhà nước độc đảng hay tưởng niệm các cuộc biểu tình đòi dân chủ tại Thiên An Môn hồi 1989.
Tự do ngôn luận và tự do hội họp ở vùng đất từng là thuộc địa của Anh đã khiến Bắc Kinh mất dần kiên nhẫn, và tuy không muốn nuốt lời về việc hứa hẹn cho bầu cử trực tiếp trong lần bầu chọn lãnh đạo mới của Hong Kong vào 2017, Bắc Kinh không muốn rủi ro chấp nhận một nhà lãnh đạo có thể dám công khai chống lại các lợi ích của Bắc Kinh.
Cộng đồng chính trị Hong Kong không phải là nơi duy nhất, mà một vùng cựu thuộc địa châu Âu khác kế bên, Macau cũng vậy; ứng viên duy nhất và nhà lãnh đạo hiện thời đã được tái bầu trong kỳ cuối tuần bởi một ủy ban đa phần gồm các thành viên trung thành với Trung Quốc.
Đây là cách chính phủ Trung Quốc ưa dùng trong hoạt động chính trị.
Mặc dù tán thành cạnh tranh thị trường trong một số lĩnh vực kinh tế, Bắc Kinh cũng muốn đưa ra một thông điệp tới toàn Trung Quốc rằng nguyên tắc đó không áp dụng đối với chính trị.
Tin tức về quyết định của Bắc Kinh được tường thuật tràn ngập trên báo chí Hong Kong hôm 1/9

'Bước tiến'

Có một tâm trạng phòng thủ và bài ngoại đang nổi lên tại Trung Quốc quanh vấn đề Hong Kong.
Một bài báo trên Nhân dân Nhật báo của Đảng Cộng sản hôm thứ Bảy nói một số người ở Hong Kong đang thông đồng với các thế lực bên ngoài.
"Họ không chỉ làm xói mòn sự ổn định, phát triển của Hong Kong, mà còn âm mưu biến Hong Kong thành một đầu cầu nhằm lật đổ, xâm nhập vào Trung Hoa lục địa."
Khó có thể đánh giá bao nhiêu người tại Hong Kong hay những nơi khác tại Trung Quốc thực sự tin vào điều này. Nhiều người nói rằng sự thành công của Hong Kong được xây dựng trên cơ sở xã hội thành thị, chú trọng tới quốc tế của nơi này.
Chính quyền Hong Kong đã cố gắng nương theo Bắc Kinh.
Trong một bản phúc trình ra hồi tháng Bảy, Trưởng Đặc khu Lương Chấn Anh nói "xã hội chính thống Hong Kong" đồng ý với Bắc Kinh về cách cải cách bầu cử cần thực hiện ra sao và ông nói quyết định hôm Chủ Nhật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là "một bước tiến to lớn trong sự phát triển của xã hội Hong Kong".
Tại một khu lều trại phản đối, phong trào Chiếm đóng Khu trung tâm cảnh báo rằng họ có thể huy động 10.000 người tham gia biểu tình ngồi.
Cuộc chiến giành giật trái tim và tâm tư của cộng đồng nay đang bắt đầu đi vào quyết liệt.
Với việc không tin cậy vào sự lựa chọn tự do của cử tri Hong Kong, Bắc Kinh nay có lẽ đã châm ngòi cho tình trạng "xã hội hỗn loạn" mà họ vốn rất muốn né tránh.
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/world/2014/09/140901_hongkong_battle_democracy.shtml

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét