Thứ Ba, 2 tháng 9, 2014

Bác làm gì kệ Bác

45 năm giỗ Bác: Bác làm gì kệ Bác

Bac hut
Trong cuốn “Trần Đức Thảo Những Lời Trăng Trối” của Tri Vũ – Phan Ngọc Khuê, có kể câu chuyện đi xin việc làm của triết gia Trần Đức Thảo ở trang 324 và 325. Để bạn đọc dễ theo dõi, tôi xin tóm tắt nội dung:

Sau vụ đàn áp khốc liệt nhóm Nhân văn – Giai phẩm, Thảo bị tống cổ ra khỏi khoa Triết của Đại học Tổng hợp Hà Nội. Gia đình Thảo rơi vào cảnh túng quẫn, sống bấp bênh, bữa no bữa đói. Thảo cầm lòng chẳng đặng, đành hạ mình năn nỉ Đặng Thai Mai cho một suất dạy tiếng Pháp, không liên quan gì đến triết học hay chính trị cả. Đặng Thai Mai thẳng thừng: “Cụ Hồ không muốn anh dạy học nữa”.
Khó khăn chồng chất khó khăn, tai họa tiếp theo tai họa, không việc làm, không biên chế, bên bờ của sự khánh kiệt, vợ Thảo ôm đứa con nuôi bỏ nhà đi, Thảo xoay sở trong tuyệt vọng. Thôi thì xin một chân thơ ký văn phòng ở Viện Bảo tàng Lịch sử, nơi không quyền hành chính trị, kiếm đồng lương sống qua ngày. Hơn nữa, Viện này thuộc Bộ Văn hóa nơi mà Thảo quen biết nhiều.
Thảo ngỏ lời với Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên. Ông đồng ý ngay. Thảo liền đến gõ cửa nhà thơ Huy Cận, một người thân, hiểu hoàn cảnh Thảo, đang giữ chức Thứ trưởng Bộ Văn hóa. Huy Cận nhận lời nhưng lại trình lên Thủ tướng Phạm Văn Đồng, rồi Phạm Văn Đồng lại lên thỉnh thị ý kiến Bác.
Bất hạnh cho Thảo, Bác không trả lời đồng ý hay không đồng ý mà lại nhập nhằng phán rằng: “Chỗ của Trần Đức Thảo là tại một cơ quan nghiên cứu triết học thì hợp hơn”. Ý Bác là một lời nguyền. Mọi cánh cửa của các cơ quan ở Hà Nội đều cài then chốt khóa, không nơi nào dám nhận, Thảo bị ném ra rìa, bị loại khỏi xã hội, bị cô lập, bị lưu đày ngay trên chính quê hương mình.
Thực ra, Huy Cận chỉ việc lệnh cho Viện Bảo tàng Lịch sử làm thủ tục nhận Thảo. Bởi nhận một chân thư ký thì Trưởng phòng Tổ chức Cán bộ, hay Viện trưởng cũng đủ thẩm quyền quyết định. Giả như có ý kiến gì sau này thì có cớ Bộ trưởng đã đồng ý trước rồi, đâu phải mình Huy Cận chịu mà ông tìm cách thoái thác lên trên. Thế là chuyện đơn giản hóa ra nhiêu khê. Lẽ nào, Huy Cận lại không biết cách cứu Thảo đang giữa cơn hoạn nạn.
Thảo chưa phục hồi bởi cú đập Nhân văn, chưa hoàn hồn bởi trận đấu tố ở Đại học, nay lại bị giáng thêm một đòn nữa, cũng đau đến nhớ đời.
Thật đắng cay, cái chân thư ký cạo giấy thấp hèn, thấm tháp gì so với ánh hào quang của Bác. Một anh giáo quèn dậy tiếng Pháp, làm sao có thể trở thành một đối thủ thách đố ngai vàng của Bác. Bác cao thượng vị tha và nhân từ đến mức không dám làm đau một chiếc lá trên cành, nỡ lòng nào mà Bác triệt hạ mọi kế sinh nhai của một người trong cảnh khốn cùng như Thảo.
Bác đã biến một triết gia lừng danh giữa kinh thành Paris ra một kẻ thân tàn ma dại giữa Thủ đô Hà Nội.
Cũng khoảng thời gian này, Công hàm Phạm Văn Đồng 1958 ra đời. Đó là một văn bản chính thức của người đứng đầu chính phủ, liên quan đến an ninh quốc gia và sự vẹn toàn lãnh thổ, là chiến lược sách lược về ngoại giao và quốc phòng mang tầm quốc gia và quốc tế. Công hàm này sẽ phải đối mặt với những phán xét nghiệt ngã của lịch sử. Nó là công hay tội đối với đất nước, là thước đo về lòng trung thành hay sự phản bội Tổ quốc.
Dư luận cho rằng, chỉ có Phạm Văn Đồng phải chịu trách nhiệm trước lịch sử. Bác vô can.
Thảo xin chân thư ký mà mọi người còn phải xin ý kiến Bác. Huống hồ thông qua một văn bản quan trọng! Không thể nào có chuyện Bác không hay. Ngược lại, Bác đã toan tính, hoạch định kỹ lưỡng từng đường đi nước bước.
Nếu chính danh, tại sao Công hàm này lại được giấu kín. Miền Bắc trước đây, không một ai biết về nó. Không học sinh nào biết rằng quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc về Việt Nam. Trong khi con cá rô của Bác nuôi cũng được mô tả kỹ lưỡng đến từng người dân.
Sách Địa lý Lớp 9 phổ thông toàn tập của Nhà Xuất bản Giáo dục Hà Nội 1974, chương Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa, viết: “Vòng cung đảo từ các đảo Nam Sa, Tây Sa đến các đảo Hải Nam, Đài Loan, quần đảo Hoành Bồ, Châu Sơn làm thành một bức trường thành bảo vệ lục địa Trung Quốc”.
Ai là người soạn thảo chương này? Dựa vào tài liệu nào hay ý kiến của ai để viết như vậy? Soạn thảo từ thời gian nào? Tại sao lại mắc phải lỗi chết người này? Vai trò của Nhà Xuất bản Giáo dục ra sao? Việc thay đổi nội dung của sách giáo khoa có liên quan gì đến sự kiện Trung Quốc cưỡng chiếm Hoàng Sa từ tay Việt Nam Cộng Hòa cũng vào năm 1974?
Viết sách để giảng dạy cho hàng triệu thanh niên miền Bắc (lớp 9 thời đó tương đương với lớp 11 hiện nay) tự phủ nhận quyền lãnh thổ, lãnh hải của Tổ quốc, mà công nhận chủ quyền biển Đông, Hoàng Sa, Trường Sa của Trung Quốc. Đây đâu phải chuyện của Thảo đi xin việc.
Không ai tin những người làm ra cuốn sách giáo khoa này là vô tình mắc phải những lỗi kỹ thuật hay lỗi kiến thức. Từ ngày Bác mất đến khi cuốn sách ra đời mới chỉ 5 năm. Một khoảng thời gian rất ngắn. Ảnh hưởng của Bác còn rất sâu đậm trên mọi góc độ của guồng máy giáo dục hay tuyên truyền.
Từ trước tới nay, người ta cũng tin việc thủ tiêu cô Nông Thị Xuân và hủy hoại cuộc đời đứa con Nguyễn Tất Trung là do thuộc hạ lộng quyền, lộng hành. Người ta cũng tin việc khám nhà bắt giữ hai cha con ông Vũ Đình Huỳnh thư ký riêng của Bác là do phe nhóm Lê Duẩn – Lê Đức Thọ.
Việc cỏn con của Thảo mà Bác còn ra tay, thì những việc kinh thiên động địa trên, ai dám làm sai ý Bác. Tất cả chỉ biết vâng lời Bác dậy.
Thảo nêu ra một nhận định: Bác rất khéo léo tạo cho mọi người Việt Nam một thói quen tư duy rằng: Tất cả những gì hay, tốt, đẹp, có giá trị đều là của Bác, công lao của Bác, do Bác tạo dựng ra: Bộ đội của Cụ Hồ, cháu ngoan của Bác Hồ, ao cá của Bác Hồ, vườn cây của Bác Hồ, đạo đức của Bác Hồ, tư tưởng của Bác Hồ, đôi dép đơn sơ Bác Hồ, giản dị như Bác Hồ, thanh bạch như Bác Hồ, thành phố mang tên Bác Hồ.
Thế còn bao nhiêu những nỗi niềm cay đắng, đớn đau của dân tộc đã phải nếm trải từ ngày có Bác, thì tuyệt nhiên không thấy bóng dáng Bác đâu.
Thảo cũng đưa một quan sát thú vị. Mỗi khi đi công du nước ngoài, tiếp khách quan trọng ở Phủ Chủ tịch, hay đi thăm viếng các cơ sở trong nước, Bác thường đạo diễn, giàn dựng cho đoàn tùy tùng, và căn dặn: “Các chú phải ăn mặc, nói năng, ứng xử thật đúng quy cách còn Bác làm gì kệ Bác.”
Câu chuyện xin việc làm chỉ là một trong muôn vàn những câu chuyện bi hài mà Thảo kể ra. Nó không dừng lại ở nghĩa đen, mà nó gợi ý. Nó giống như định lý đảo trong toán học. Lật ngược mọi giả thuyết xem kết quả còn đúng nữa hay không. Nó mở ra một góc nhìn mới, một cách nhận thức khác về Bác: Bác làm gì kệ Bác.
September 2014
© Trần Hồng Tâm
© Đàn Chim Việt

http://www.danchimviet.info/archives/90120/45-nam-gio-bac-bac-lam-gi-ke-bac/2014/09

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét