Cập nhật: 13:02 GMT - thứ năm, 28 tháng 8, 2014
“Thời hạn quản chế của tôi đã kết thúc từ hơn một năm nay, nhưng cuộc sống vẫn không hề thay đổi mà còn bị bóp nghẹt hơn,” bà Lê Thị Công Nhân nói với BBC Tiếng Việt.
Các bài liên quan
Chủ đề liên quan
Bà Công Nhân hồi 2007 bị kết án tù ba năm, kèm theo lệnh quản chế tại gia ba năm sau khi mãn hạn tù, với tội danh Tuyên truyền chống nhà nước xã hội chủ nghĩa.
Bà nói: “Họ [công an] thường xuyên canh gác bên ngoài nhà và bắt giữ tôi khi tôi ra đường, trừ khi đi chợ hay mua sắm đồ cá nhân ở quanh khu nhà.”
Theo luật định, người bị quản chế chỉ được phép đi lại trong phạm vi phường, xã nơi người đó cư trú.
Nếu muốn ra khỏi đơn vị hành chính này, người bị quản chế phải làm đơn xin phép và phải được sự đồng ý của chính quyền cấp quận, huyện phụ trách phường, xã đó.
Bà Lê Thị Công Nhân nói rằng bà “hoàn toàn không chấp nhận bản án tù”, gồm cả mức phạt chính là án tù, lẫn hình phạt quản chế mà giới chức đưa ra, cho nên bà không bao giờ “xin phép” khi đi lại trong thành phố Hà Nội, tức là “vượt gấp ba lần cấp quản lý hành chính như luật định, gồm cấp phường, quận rồi thành phố”.
'Ba lần phạt tiền'
Việc đi lại không xin phép đó đã khiến bà “bị bắt giữ tổng cộng chín lần trong số cả trăm lần” ra khỏi nhà trong thời gian một năm đầu kể từ khi ra tù, bà cho biết, trong đó có ba lần bà bị trao “lệnh phạt” với tội danh “vi phạm lệnh quản chế”, bà Công Nhân cho biết.
Hai lệnh phạt, mỗi lệnh ghi mức 1,5 triệu đồng, đã bị bà xé ngay trước mặt người đưa biên bản, còn một tờ được bà đem về nhà giữ làm kỷ niệm, bà Công Nhân cho biết thêm.
Luật sư Lê Công Định
Sáng nay, tôi đến Ủy ban nhân dân Phường nơi cư trú, cán bộ tư pháp lập hai biên bản, một về hành vi vi phạm lệnh quản chế của tôi và một về quyết định xử phạt của chính quyền.
Tôi ký tên cả hai biên bản và nêu rõ ý kiến rằng tôi chấp nhận nhưng không chấp hành. Vị cán bộ tư pháp thông báo vài ngày nữa sẽ đưa quyết định xử phạt cho tôi, nghe nói số tiền phạt là 3 triệu đồng. Khá cao nhưng không sao.
Quan điểm của tôi vẫn trước sau như một, đối với những quy định luật pháp bất công và bất hợp lý, tôi sẽ vi phạm cho đến khi chúng được nhà cầm quyền sửa đổi.
Trước đây, trong vụ án của mình tôi đã tuyên bố rõ rằng tôi vi phạm các Điều 79 và 88 của Bộ luật hình sự, bởi vì chúng bất công. Bây giờ, đối với quy định quản chế bất hợp lý này, tôi cũng sẽ tiếp tục vi phạm cho đến khi nhà cầm quyền phải loại bỏ nó.
Tôi chấp nhận bị phạt, nhưng sẽ không chấp hành quyết định xử phạt. Đây chính là hành động bất tuân dân sự mà tôi luôn cỗ vũ và áp dụng.
Nguồn: Trang Facebook của Luật sư Lê Công Định (ngày 26/08/2014)
https://www.facebook.com/LSLeCongDinh
“Khi tôi ra đường, công an chìm đi theo khá nhiều để theo dõi, đi rất gần sát. Nhưng không phải lúc nào tôi cũng bị bắt giữ.”
Theo bà Công Nhân, những lần bị bắt giữ thường là những lần bà có cuộc hẹn gặp nhân viên các tòa đại sứ hoặc hẹn gặp trả lời phỏng vấn với phóng viên nước ngoài.
Tuy nhiên, những lần bị phạt tiền dường như do quyết định ngẫu hứng của giới chức bởi theo bà, đó là những lúc “không có gì khác biệt so với những lần khác” bà bị bắt giữ, và không phải là ba lần liên tiếp.
Địa điểm bắt giữ cũng khác nhau, có lần là ngay khi bà chưa ra khỏi địa bàn phường, có lần là khi bà đã tới địa bàn quận khác.
Tuy nhiên, có một điểm chung là bà luôn được đưa vào trụ sở công an phường nơi xảy ra việc bắt giữ.
“Cách cư xử của lực lượng an ninh có thể nói như là ‘công an bố’ so với các công an phường. Khi họ cùng lúc đưa tôi vào công an phường, tôi thấy họ chỉ nói đúng một câu là “Chúng tôi bên an ninh,” hoặc “Chúng tôi bên Tổng cục 2”, sau đó việc trưng dụng phòng làm việc của công an sở tại được coi là mặc định."
"Họ không cần phải chứng minh hay xuất trình giấy tờ gì.”
Về ba lần bị áp lệnh phạt tiền, bà Công Nhân nói bà sau khi bị đưa vào trụ sở công an phường nơi diễn ra vụ bắt giữ, bà đến cuối ngày đều được đưa về công an phường nơi bà cư trú và “người đưa biên bản xử phạt cuối cùng lại là công an phường nhà tôi, là những người công an mà tôi đã rất quen mặt, sau khi lực lượng an ninh đã đi về”.
Quản chế vô thời hạn?
Ra tù vào ngày 6/3/2010, lệnh quản chế đối với bà Lê Thị Công Nhân chính thức kết thúc vào ngày 5/3/2013.
Tuy nhiên, bà nói: “Khoảng tháng Năm, tháng Sáu vừa rồi, ông tổ trưởng dân phố đưa tôi giấy mời ra phường nhận quyết định đã chấp hành xong án quản chế."
"Tôi nghĩ rằng nếu có một quyết định như vậy thì lẽ ra nó phải được trao cho tôi từ tháng 3/2013."
"Nếu họ trao hơn một năm sau như vậy thì họ phải ra quyết định gia hạn án quản chế, tuy nhiên, quyết định gia hạn đó phải đồng đẳng với bản án hình sự của tôi, tức là phải gia hạn bằng một bản án tương ứng.”
"Họ lên tận chiếu nghỉ tầng ba chỗ nhà tôi, mang cả bàn ghế chè chén, ống thuốc lào lên, ngồi đó để gác cửa nhà tôi"
Lê Thị Công Nhân
Về phần mình, bà nói bà “không đoái hoài tới việc ra phường nhận quyết định đó”, và trên thực tế thì kể cả sau khi nhận được thông báo trên, cuộc sống của bà vẫn bị theo dõi chặt chẽ.
“Kể cả khi không bị án tù, không bị án quản chế thì những người như tôi vẫn bị giam giữ ở nhà, biến nhà thành nhà tù, thậm chí có những người bị khóa cả cửa nhà lại, bị nhốt trong nhà.”
“Việc này theo tôi là sẽ còn diễn ra cho tới khi những người tranh đấu như chúng tôi chịu từ bỏ lý tưởng mình theo đuổi, hoặc cho tới khi chúng tôi tranh đấu đạt được mục tiêu.”
Gần đây nhất, bà cho biết việc bà cùng một số bạn bè dự định tới tham dự buổi kỷ niệm 100 ngày mất của thân mẫu bà Phạm Thanh Nghiên, một nhà hoạt động khác, cũng đã bị cản trở, với việc công an tới canh giữ không cho bà ra khỏi nhà.
“Tôi ở chung cư, trên tầng ba. Họ tới canh giữ ngay cửa nhà.”
“Hoặc mỗi khi có sự kiện gì có thể khiến cộng đồng quan tâm, như khi chúng tôi kêu gọi biểu tình ở Bộ Y tế về việc chống bệnh sởi chẳng hạn, công an mật vụ đều biết hết.”
“Họ lên tận chiếu nghỉ tầng ba chỗ nhà tôi, mang cả bàn ghế chè chén, ống thuốc lào lên, ngồi đó để gác cửa nhà tôi."
"Tôi không thể ra khỏi nhà mình chứ đừng nói tới việc xuống được tầng một của tòa nhà.”
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2014/08/140828_lethicongnhan_quanche.shtml
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét