Thứ Ba, 2 tháng 9, 2014

Quyền dân sự chính trị vẫn xa lạ với xã hội ta

Hà Huy Toàn

HÀ HUY TOÀN
(Trả lời bài của Vĩnh An: “Quyền dân sự chính trị không xa lạ với xã hội ta trên Báo Quân đội Nhân dân điện tử).
Công ước Quốc tế Về các Quyền Dân sự Và Chính trị (Anh văn: International Covenant on Civil and Political Rights, viết tắt: ICCPR) đã được thông qua vào năm 1966 bởi Đại Hội đồng Liên hiệp Quốc khẳng định mỗi cá nhân phải có đầy đủ tất cả các quyền dân sự và chính trị, trong đó bao gồm các quyền: tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do thông tin, tự do lập hội, tự do hội họp, tự do bầu cử, tự do ứng cử, biểu tình ôn hòa, v. v.. Công ước này đòi hỏi phải có pháp luật cùng với cơ chế tương ứng mới có thể được thực thi nghiêm túc.
Pháp luật là những quy tắc xử sự mang tính chất bắt buộc chung đối với mọi cá nhân cấu thành xã hội được quy định đồng thời được bảo đảm thực hiện bởi nhà nước pháp quyền.
Nhà nước pháp quyền là nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật làm cho nó cũng chỉ có thể tồn tại được bằng pháp luật.
Như trên đã nói, pháp luật đòi hỏi phải có cơ chế tương ứng mới có thể tồn tại được. Cơ chế đó chính là nhà nước pháp quyền. Nhà nước này phải làm điều kiện cho pháp luật tồn tại.
Pháp luật đòi hỏi nhà nước pháp quyền phải dựa trên ba thiết chế cơ bản:
1/ Quy chế phân lập tam quyền, theo đó nhà nước pháp quyền phải được phân chia độc lập về nhân sự thành ba cơ quan khác nhau để thực hiện ba loại quyền lực tương ứng: cơ quan lập pháp thực hiện quyền lực lập pháp, cơ quan hành pháp thực hiện quyền lực hành pháp và cơ quan tư pháp thực hiện quyền lực tư pháp; sự phân chia quyền lực như vậy làm cho các nhà cầm quyền không thể lạm dụng được quyền lực nhà nước.
2/ Nguyên tắc đa nguyên bình đẳng, theo đó nhà nước pháp quyền phải bị kiểm sát chặt chẽ bởi nhiều tổ chức độc lập để ngăn ngừa các điều luật bất công dẫn đến tai hoạ cho dân chúng, cũng như phương tiện giao thông phải có phanh hãm thật tốt để phòng tránh tai nạn giao thông.
3/ Chế độ bầu cử tự do, theo đó mọi cá nhân đều phải được tham gia lựa chọn những người có cả tài năng lẫn đức hạnh làm người lãnh đạo đồng thời cũng đều phải được ứng cử làm người lãnh đạo, nhưng chỉ được ứng cử vào một trong ba cơ quan khác nhau: lập pháphành pháp và tư pháp, nếu ứng cử vào cơ quan này thì không được ứng cử vào hai cơ quan kia hoặc nếu đắc cử vào cơ quan này thì phải từ bỏ chức vụ ở hai cơ quan kia để người đắc cử chỉ nắm được một trong ba loại quyền lực khác nhau: lập pháphành pháp và tư pháp.
Quy chế phân lập tam quyền ngăn ngừa được các nhà cầm quyền lạm dụng quyền lực nhà nước. Nguyên tắc đa nguyên bình đẳng bảo đảm cho nhân dân làm chủ được các nhà cầm quyền. Chế độ bầu cử tự do làm cho nhà nước pháp quyền phải phụ thuộc vào nhân dân mà phục vụ nhân dân.
Ba thiết chế đó bổ sung cho nhau đồng thời cùng nhau bảo tồn pháp luật làm cho nhà nước pháp quyền trở thành nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Với ba thiết chế đó, nhà nước pháp quyền bảo đảm cho Công ước Quốc tế Về các Quyền Dân sự Và Chính trị được thực thi nghiêm túc.
Nhiều quốc gia khác nhau trên khắp thế giới đã ký kết tham gia Công ước Quốc tế Về các Quyền Dân sự Và Chính trị. Tuy nhiên chỉ những quốc gia nào đã có nhà nước pháp quyền mới có thể thực thi nghiêm túc công ước này. Còn lại các quốc gia khác cho dù cũng đã ký kết tham gia với thái độ trân trọng khi trân trọng ghi nhận công ước này, nhưng vì chưa có nhà nước pháp quyền nên sẽ khó hoặc thậm chí không thể thực thi nghiêm túc công ước này. Cần nhớ rằng trân trọng ghi nhận khác hẳn với nghiêm túc thực thi. Đối với các quốc gia đó, trân trọng ghi nhận là một chuyện, nhưng nghiêm túc thực thi lại là chuyện khác. Trân trọng ghi nhận có thể không bao hàm nghiêm túc thực thi nhưng nghiêm túc thực thi nhất định phải bao hàm cả trân trọng ghi nhận.
Việt Nam đã ký kết tham gia Công ước Quốc tế Về các Quyền Dân sự Và Chính trị vào năm 1982 nhưng thật đáng tiếc, vì vẫn chưa có nhà nước pháp quyền mà mới chỉ đang phấn đấu xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa nên Việt nam mới chỉ trân trọng ghi nhận mà chưa thể nghiêm túc thực thi công ước này.
Cái vẫn được gọi là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, về thực chất chỉ là nhà nước toàn trị, trong đó Đảng Cộng sản lãnh đạo toàn diện đối với xã hội về mọi mặt: kinh tế, chính trị, văn hóa – tư tưởng, v. v.. Trong một thời gian dài, nhà nước này đã được gọi đích danh là nền Chuyên chính Vô sản, trong đó “Chuyên chính” được chuyển dịch lắt léo từ “Dictatorship”, có nghĩa là Độc tài.  Chỉ đến khi thấy nền Chuyên chính Vô sản tan rã hàng loạt tại Đông Âu châu,  Đảng Cộng sản Việt Nam mới thay đổi tên gọi cho nhà nước toàn trị tại Việt Nam để che giấu bản chất thật sự cho nhà nước này.
Ở nước Đức từ năm 1933 đến năm 1945 cũng có nhà nước toàn trị, trong đó Đảng Quốc gia Xã hội (Đảng Quốc – Xã) lãnh đạo toàn diện đối với nước Đức về mọi mặt: kinh tế, chính trị, văn hóa – tư tưởng, v. v.. Mặt trận Lao động Đức làm cánh tay nối dài cho Đảng Quốc gia Xã hội, tương tự Mặt trận Tổ quốc Việt nam làm cánh tay nối dài cho Đảng Cộng sản ở Việt nam hiện nay cũng như Hội nghị Chính trị Hiệp thương Nhân dân làm cánh tay nối dài cho Đảng Cộng sản ở Trung quốc hiện nay. Tên gọi cũng như ý thức hệ có thể khác nhau nhưng hệ quả tất yếu lại không khác nhau bao nhiêu. Chính Friedrich August von Hayek (1899 – 1992), một trong các nhà tư tưởng lớn nhất thế giới trong thế kỷ XX, đã chứng minh được rõ ràng như vậy bằng lập luận khoa học (1).
Tương tự như nước Đức Fascist (1933 – 1945), nước Việt nam Cộng sản (từ năm 1954 đến nay) cũng có Hiến pháp nhưng Hiến pháp được làm ra bởi nhà nước toàn trị, tức là Hiến pháp Chuyên chế, lại chứa đầy mâu thuẫn loại trừ làm cho Hiến pháp đó trở thành Hiến pháp Giả ngụy mà không trở thành Hiến pháp Chân chính. Trong Hiến pháp Giả ngụy luôn luôn có sự xung đột giữa các điều luật công bằng với các điều luật bất công: nếu các điều luật này mà có hiệu lực thì các điều luật kia nhất định phải vô hiệu lực, hoặc ngược lại.
Ví dụ Hiến pháp 1992 có nhiều điều luật công bằng (Điều 2, Điều 52, Điều 69, v. v.) đã bị loại trừ hoặc đã bị vô hiệu hóa bởi các điều luật không công bằng hoặc các điều luật chưa công bằng mà điển hình nhất phải thuộc về Điều 4. Điều luật này có nghĩa là chỉ những người nào làm thành viên của Đảng Cộng sản Việt nam mới có thể được đảm nhiệm các chức vụ lãnh đạo trong bộ máy nhà nước, làm cho cả ba quyền lực khác nhau: lập pháphành pháp và tư pháp, đều được tập trung cả vào một số ít người nào đó có chung cả quyền lợi lẫn ý đồ.
Vào thế kỷ XVIII, triết gia chính trị người Pháp: Charles de Secondat Montesquieu (1689 – 1755) đã chứng minh được rằng: “Nếu một người hoặc một tổ chức của quan chức hoặc của quý tộc hoặc của dân chúng mà nắm luôn cả ba quyền lực khác nhau (lập pháp, hành pháp và tư pháp) thì tất cả sẽ mất hết” (2). Chính vì tập trung quyền lực như vậy nên Điều 4 không công bằng, đã loại trừ hoặc đã vô hiệu hóa tất cả các điều luật công bằng trong Hiến pháp 1992, như Điều 2, Điều 52, Điều 69, v. v.. Chính vì chỉ có nhà nước toàn trị được xác nhận rõ ràng bởi Hiến pháp 1992 quy định công khai tại Điều 4 nên xã hội ta vẫn xa lạ với các quyền dân sự chính trị. Chính vì vẫn xa lạ với các quyền dân sự chính trị nên xã hội ta chưa có xã hội dân sự theo đúng ý nghĩa đích thực cho khái niệm đó. Đây không phải là lỗi của riêng Đảng Cộng sản Việt nam, mà là lỗi của Văn hóa Chính trị tại Việt nam. Đảng Cộng sản Việt nam có thể chỉ khai thác lỗi của Văn hóa Chính trị tại Việt nam để kiểm soát đất nước Việt nam mà thôi.
Theo cách hiểu đúng đắn, xã hội dân sự là tập hợp các tổ chức tự nguyện hoạt động độc lập với chính quyền để vừa hợp tác với chính quyền vừa đấu tranh với chính quyền nhằm thăng tiến lợi ích chung: hợp tác với chính quyền để thực hiện các chính sách đúng đắn nhưng đấu tranh với chính quyền để ngăn chặn hoặc vô hiệu hóa các chính sách sai lầm. Các tổ chức này có đặc tính quan trọng nhất là độc lập với chính quyền. Phải độc lập với chính quyền mới có thể hợp tác với chính quyền; cũng như vậy, phải độc lập với chính quyền mới có thể đấu tranh với chính quyền. Tất nhiên, vì nhằm thăng tiến lợi ích chung (cả lợi ích của chính quyền lẫn lợi ích của dân chúng) nên khi đấu tranh nhất thiết phải không dùng bạo lực (bất bạo động) mà phải dùng các phương tiện nhân đạo theo các phương pháp nhân đạo, vì ai cũng có quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc, nên khi đấu tranh nhất thiết phải không dùng bạo lực (bất bạo động) mà phải dùng các phương tiện hữu ích theo các phương pháp hữu ích, vì cá nhân nào cũng muốn bảo tồn sự sống cho mình nên khi đấu tranh nhất thiết phải không dùng bạo lực (bất bạo động) mà cần phải tôn trọng đối thủ để sao cho tất cả các bên tranh chấp cùng thắng mà không bên nào bị thua (cả người đấu tranh lẫn người bị đấu tranh đều thắng mà không người nào bị thua). Đó chính là nguyên tắc cùng thắng. Nguyên tắc này cho phép tất cả các bên tranh chấp đều có thể biến kẻ thù thành bạn hữu hoặc biến đối thủ thành đối tác. Nguyên tắc cùng thắng cần phải được lấy làm nguyên tắc nền tảng cho chính trị hiện đại, trong đó bao gồm cả xã hội dân sự.
Một tổ chức xã hội phải có cả hai mặt thống nhất với nhau như vậy (vừa hợp tác với chính quyền để thực hiện các chính sách đúng đắn vừa đấu tranh với chính quyền để ngăn chặn hoặc vô hiệu hóa các chính sách sai lầm) mới có thể được coi là một tổ chức dân sự để có thể tham gia cấu thành xã hội dân sự. Để tránh mọi hiểu lầm, cần phải xác quyết rõ ràng rằng xã hội dân sự chỉ có thể độc lập với chính quyền mà tuyệt đối không thể đối lập với chính quyền. Chính quyền không có bất cứ lý do gì để lo sợ xã hội dân sự. Theo ý nghĩa đó, Việt nam hiện nay vẫn chưa có xã hội dân sự theo đúng nghĩa mà mới chỉ có một cái gì đó có cái vẻ bề ngoài giống xã hội dân sự mà thôi.
Trong một bài viết được đăng tải trên Báo Quân đội Nhân dân – phiên bản điện tử: Quyền dân sự chính trị không xa lạ với xã hội ta, nhằm dè bỉu Diễn đàn Xã hội Dân sự, tác giả Vĩnh An cho rằng tính tự nguyện và tự quản là tiêu chí chủ yếu của các tổ chức dân sự. Tại sao chỉ nói đến tiêu chí chủ yếu của các tổ chức dân sự mà không đề cập đặc tính quan trọng nhất của các tổ chức đó ? Thật ra, tự nguyện cũng như tự quản đều có hai kiểu đối lập nhau: tự nguyện theo kiểu lệ thuộc đối lập với tự nguyện theo kiểu độc lập, cũng như tự quản theo kiểu lệ thuộc đối lập với tự quản theo kiểu độc lập. Tại một đất nước được lãnh đạo toàn diện bởi nhà nước toàn trị như Việt Nam hiện nay, mọi tổ chức xã hội đều có thể tự nguyện và tự quản nhưng chỉ có thể tự nguyện và tự quản theo kiểu lệ thuộc mà thôi. Nhà nước toàn trị sẽ “bắt phong trầnphải phong trầncho phong lưumới được phần phong lưu”. Nếu tổ chức nào tự nguyện làm cánh tay nối dài cho nhà nước toàn trị kiểm soát xã hội thì tổ chức đó sẽ được tự quản để “được phong lưu” làm cho sự tự quản chỉ làm cái hình thức biểu hiện trái ngược cho sự lệ thuộc mà thôi.
Chính tác giả Vĩnh An đã cho độc giả biết Việt nam hiện nay có rất nhiều tổ chức xã hội thuộc loại này: “Số lượng các tổ chức này đăng ký ở Trung ương và các tỉnhthành phố cho đến nay là rất lớncó thể lên đến hàng nghìn”. Nhưng vì chỉ có thể hợp tác với chính quyền nhằm thực hiện các chính sách đúng đắn mà không thể đấu tranh với chính quyền nhằm ngăn chặn hoặc vô hiệu hóa các chính sách sai lầm nên các tổ chức đó chưa đạt được những tiêu chuẩn vốn có cho xã hội dân sự. Nếu dựa vào “số lượng các tổ chức này đăng ký ở Trung ương và các tỉnhthành phố cho đến nay là rất lớncó thể lên đến hàng nghìn” để khẳng định rằng “quyền dân sự chính trị không xa lạ với xã hội ta” thì thật mơ hồ hoặc chỉ thể hiện nhận thức sai lạc về xã hội dân sự mà thôi. Ngược lại, nếu tổ chức nào không chịu tự nguyện làm cánh tay nối dài cho nhà nước toàn trị kiểm soát xã hội thì tổ chức đó sẽ khó tránh khỏi bị phong trần (bị theo dõi, bị sách nhiễu, bị đe dọa, v. v.) để rồi phải tự nguyện giải thể như IDS chẳng hạn.
Việt nam hiện nay có thể cũng đã có một số ít tổ chức xã hội tương đối độc lập với chính quyền mà điển hình nhất có lẽ thuộc về Giáo hội Công giáo, nhưng thử hỏi rằng tổ chức đó đã phải chịu đựng bao nhiêu phong trần từ trước đến nay? Chưa kể những tai họa bất ngờ có thể giáng xuống bất cứ ai dám lên tiếng chỉ trích chính quyền về những chính sách sai lầm. Hiện thực này đã cho thấy rõ ràng quyền dân sự chính trị vẫn xa lạ với xã hội ta. Chính tác giả Vĩnh An đã tự phát xác nhận rõ ràng như vậy khi cho độc giả biết rằng: “Cho đến naychúng ta có 5 tổ chức chính trị – xã hộihoạt động dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Namđó là:Tổng Liên đoàn Lao động Việt namHội Nông dân Việt NamĐoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí MinhHội Liên hiệp Phụ nữ Việt NamHội Cựu Chiến binh Việt NamCác tổ chức chính trị – xã hội này là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt NamTuy những tổ chức này nằm trong hệ thống chính trịnhưng không phải là cơ quan chính quyềnmà là đại diện cho quyền lợi,tiếng nói của các giai tầng xã hộiKhác với những tổ chức Xã hội Dân sự nói trênnhững tổ chức này được sự giúp đỡ của Nhà nướcThiết nghĩ đây là một ưu việt của các tổ chức xã hội trong chế độ ta”!?
Tác giả Vĩnh An quên rằng hoạt động dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đương nhiên phải tuân thủ Đảng Cộng sản Việt nam; tuân thủ Đảng Cộng sản Việt nam chỉ chứng tỏ mình lệ thuộc vào Đảng Cộng sản Việt Nam; lệ thuộc vào Đảng Cộng sản Việt Nam ắt không thể trở thành xã hội dân sự. Nhất là lại được sự giúp đỡ của nhà nước sẽ lại càng dễ dàng bị lệ thuộc vào nhà nước. Thiết nghĩ, đây chính là khuyết nhược của cái có thể được gọi là “xã hội dân sự” tại Việt Nam hiện nay.
Phải thừa nhận rằng nhà nước toàn trị theo kiểu cộng sản tại Việt nam đã ghi nhận trân trọng các quyền dân sự chính trị cho nhân dân Việt Nam, nhưng vì ý thức hệ cùng với cơ cấu tổ chức đầy bất cập thể hiện rõ ràng ở việc tập trung quyền lực bằng Hiến pháp 1992 quy định công khai tại Điều 4 nên dù có thực tâm mong muốn cũng không thể thực thi nghiêm túc các quyền đó. Xin nhắc lại: ghi nhận trân trọng là một việc nhưng thực thi nghiêm túc lại là việc khác. Thành quả của cuộc cách mạng được lãnh đạo bởi Đảng Cộng sản Việt Nam mới chỉ là ghi nhận trân trọng các quyền đó thôi.
Hiện nay nhân dân Việt Nam được tiếp cận với nhiều thông tin khác nhau không phải nhờ xã hội dân sự, lại càng không phải nhờ Đảng Cộng sản Việt Nam, mà chủ yếu chỉ nhờ Cách mạng Công nghệ ở bên ngoài Việt Nam. Hiến pháp 1992 có điều 69 bị vô hiệu hóa bởi “quy định của pháp luật”, theo đó nếu không có một đạo luật cụ thể để thi hành điều luật đó thì điều luật đó sẽ chỉ có hiệu lực trên giấy tờ mà thôi.
Chính vì những điều luật đúng đắn trong Hiến pháp 1992 chưa được bảo đảm thi hành nghiêm túc nên xã hội ta đang đi nhanh đến sự bế tắc toàn diện, như Tuyên bố Về Thực thi Quyền Dân sự Và Chính trị đã chỉ ra: “Thể chế này đã tạo nên một bộ máy cầm quyền có nhiều quyết sách sai trái và quan liêu, tham nhũng nặng;…”, rằng: “Không ít người trong giới cầm quyền các cấp cùng với các nhóm lợi ích và sự hậu thuẫn của thế lực bên ngoài đang dựa vào bạo lực cùng nhiều thủ đoạn không chính đáng để duy trì quyền thống trị đất nước theo thể chế toàn trị, …”. Nhận định như vậy rất khách quan, rất công bằng, rất ngay thẳng, đầy thiện chí và có trách nhiệm.
Tình trạng bế tắc ở nước ta hiện nay đang cần có lối thoát để thoát khỏi tình trạng đó. Một trong những lối thoát quan trọng nhất đã xuất hiện chính là Diễn đàn Xã hội Dân sự. Diễn đàn này ra đời hợp quy luật, lại hoạt động hợp pháp theo đúng Hiến pháp 1992 quy định rõ ràng tại Điều 69. Nhưng vì Điều 69 bị vô hiệu hóa bởi “quy định của pháp luật” đồng thời lại bị vô hiệu hóa bởi Điều 4 nên diễn đàn này sẽ không tránh khỏi bị dè bỉu hoặc thậm chí còn có thể bị cản phá bởi việc “vận dụng” cả Điều 4 lẫn “quy định của pháp luật” mà tác giả Vĩnh An mới chỉ thể hiện được một phần nhỏ lẻ quá khiêm tốn.
Tuy nhiên thời tiết sẽ tốt hơn sau bão tố, dân trí đang lên sẽ phát huy hiệu lực thực tế cho các điều luật đúng đắn trong Hiến pháp 1992, trong đó có Điều 69. Vì ra đời theo đúng quy luật đó nên nếu được định hướng tốt thì diễn đàn này sẽ đóng góp tích cực cho sự ổn định và phát triển của xã hội ta để trong tương lai gần, các quyền dân sự chính trị sẽ không còn xa lạ với xã hội ta nữa: tình tạng bế tắc có thể sẽ được khai thông bởi lối thoát này. Cũng cần phải khẳng định thêm rằng: nếu Diễn đàn Xã hội Dân sự mà hoạt động tốt thì chỉ những người nào có dã tâm chống phá đối với nước ta mới có thể tuyên truyền xuyên tạc nhằm bôi bẩn hoặc kích động chống phá diễn đàn này. Việc ngăn chặn lối thoát này sẽ chỉ làm cho tình trạng bế tắc càng trầm trọng thêm mà thôi. Các lực lượng tiến bộ cần phải cảnh giác cao độ với bất cứ người nào có dã tâm đó.
Thiết nghĩ nếu ai thật sự mong muốn góp phần giải thoát xã hội ta khỏi tình trạng bế tắc đang ngày càng trầm trọng thì hãy nên tham gia Diễn đàn Xã hội Dân sự “nhằm góp phần chuyển đổi thể chế chính trị của nước ta từ toàn trị sang dân chủ một cách ôn hòa” như Tuyên bố trên đã tuyên bố công khai như vậy.
Cá nhân tôi chỉ muốn nói thêm rằng khi tham gia Diễn đàn Xã hội Dân sự, cần phải biết Đối thoại – Tương kính – Khoan dung. Chỉ đối thoại mà không đối đầu, không đối đầu mà chỉ đối thoại, chỉ đối thoại để tìm kiếm bằng được giải pháp đúng đắn cho tình trạng bế tắc ở nước ta hiện nay. Tương kính để xây dựng một quốc gia nhân bản trong đó mọi người tôn trọng lẫn nhau. Khoan dung cũng để xây dựng một quốc gia nhân bản trong đó mọi người yêu thương nhau như yêu thương chính mình. Vì ai cũng có thể sai lầm nên cần phải biết tương kính để tránh xung đột. Vì ai cũng có thể sai lầm nên cần phải biết khoan dung để xây dựng một xã hội nhân bản cho dân tộc ta. Với tinh thần đó, tôi nhiệt liệt hưởng ứng Diễn đàn Xã hội Dân sự. Nếu có thể được thì tôi sẽ tham gia diễn đàn này bằng cả lòng trắc ẩn lẫn tình yêu thương nhằm góp phần thay đổi Văn hóa Chính trị ở nước ta theo chiều hướng dân chủ hóa.
Chúc Diễn đàn Xã hội Dân sự thành công rực rỡ!
Viết bài này, tôi chợt nhớ Cố Nhạc sỹ Phạm Duy nhắc nhở:
“… Việt nam không đòi xương máu
Việt nam kêu gọi thương nhau
Việt nam đi xây đắp yên vui dài lâu
Việt nam trên đường tương lai,
Lửa thiêng soi toàn thế giới
Việt nam ta nguyện tranh đấu cho đời
Tình yêu đây là khí giới
Tình thương đem về muôn nơi
Việt nam đây tiếng nói đi xây tình người … ”
Kính mời Quý Độc giả thưởng thức tác phẩm trứ danh: “Việt namViệt nam” được sáng tác bởi thiên tài âm nhạc Phạm Duy để con tim cùng với khối óc luôn luôn hướng về Tổ quốc Việt nam !

HÀ HUY TOÀN

(1) Friedrich August von Hayek: Đường về Nô lệ. Nhà xuất bản Tri thức. Hà nội 2008 – 2009. Tác phẩm này đã trình bày chân thực sự tương đồng đến kinh ngạc về bản chất giữa chế độ cộng sản với chế độ fascist mặc dù chế độ fascist xung khắc kịch liệt với chế độ cộng sản về ý thức hệ như đã xảy ra trong Chiến tranh 1939 – 1945.
(2) Charles de Secondat Montesquieu: Tinh thần Pháp luật. Nhà xuất bản Lý luận Chính trị. Hà nội 2006, trang 106.
http://hienphap.net/2013/10/21/quyen-dan-su-chinh-tri-van-xa-la-voi-xa-hoi-ta-ha-huy-toan/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét