Phần 2
TS. Lê Hồng Giang, TS. Trần Vinh Dự và TS. Vũ Thành Tự Anh.
Hiện nay cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã lan sang khu vực sản xuất với hàng loạt nước công bố GDP giảm mạnh bất kể nhiều gói kích cầu được chính phủ các nước liên tục công bố. Thời báo Kinh Tế Saigon mời các chuyên gia kinh tế là các cộng tác viên quen thuộc của TBKTSG thảo luận qua thư điện tử một số vấn đề nhằm góp phần tìm một chiến lược thích hợp cho Việt Nam trong bối cảnh đó. Tiếp nối bàn tròn qua thư điện tử giữa các chuyên gia kinh tế - tài chính về tình hình khủng hoảng kinh tế toàn cầu hiện nay và những điều rút ra cho Việt Nam, tuần này TBKTSG giới thiệu ý kiến của TS. Lê Hồng Giang, TS. Trần Vinh Dự và TS. Vũ Thành Tự Anh.
Bao giờ đến đáy ?
TS. Lê Hồng Giang
Việc GDP các nước hiện đang giảm không phải là điều đáng ngạc nhiên. Trong các nền kinh tế phát triển, hệ thống tài chính là huyết mạch của nền kinh tế nên khi gặp khủng hoảng nó sẽ làm tất cả các hoạt động kinh tế khác đình trệ. Một ví dụ cụ thể là khi các ngân hàng giảm mạnh việc mở tín dụng thư (L/C) cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu trong quí 4-2008, ngay lập tức làm đình trệ các lĩnh vực sản xuất và kinh doanh hàng xuất nhập khẩu, cho dù cầu của các mặt hàng này vẫn còn. Bên cạnh đó, khi hệ thống tài chính khủng hoảng kéo theo giá cổ phiếu và giá bất động sản suy giảm sẽ làm người dân mất một khoản tài sản lớn, dẫn đến tổng cầu của toàn nền kinh tế giảm.
Cho nên câu hỏi quan trọng nhất ở thời điểm này là liệu các hoạt động kinh tế đã giảm đến đáy chưa? Nếu chưa thì tình trạng suy thoái này còn kéo dài đến khi nào và sẽ còn sụt giảm đến đâu?
Đây là vấn đề gây nhiều tranh cãi giữa các nhà kinh tế. Phe lạc quan cho rằng kinh tế thế giới sẽ sụt giảm đến đáy trong nửa đầu năm 2009 và sẽ bắt đầu phục hồi trong nửa sau năm nay, cùng lắm đến năm 2010 sẽ thoát khỏi suy thoái. Nhóm này tin vào sự phục hồi nhanh vì cho rằng hệ thống tài chính đã qua khỏi cơn nguy cấp và bắt đầu có dấu hiệu phục hồi. Dấu hiệu quan trọng nhất là chênh lệch tín dụng (credit spreads) đã giảm xuống dưới ngưỡng tháng 9-2008. Nhà đầu tư đã bắt đầu chấp nhận rủi ro, ví dụ các hoạt động tận dụng chênh lệnh tỉ giá và lãi suất (carry trade) đã xuất hiện trở lại. Trong tháng 1-2009 số liệu bán lẻ ở nhiều nước đã có dấu hiệu tăng trưởng và lượng hàng tồn đã vượt qua đỉnh và sẽ giảm trong quí 2-2009. Giá năng lượng và nguyên vật liệu thô (commodity) tuy giảm nhiều nhưng đã bắt đầu ổn định. Chỉ số vận tải biển quốc tế BDI đã bắt đầu phục hồi trong hai tháng đầu năm. Điều này cho thấy những chính sách giải cứu và kích thích kinh tế của các nước đưa ra từ cuối năm 2008 đã phát huy hiệu quả.
Ngược lại, nhóm những người bi quan cho rằng thế giới sẽ rơi vào một cuộc suy thoái kéo dài, một tình hình như Nhật Bản thập kỷ 1990, nếu không phải là một cuộc đại suy thoái lần thứ hai giống như giai đoạn 1929-1933. Nhóm này cho rằng những chính sách giải cứu và kích thích kinh tế đã và đang được đưa ra quá chậm và quá yếu nên sẽ không có tác dụng. Các nền kinh tế lớn sẽ rơi vào tình trạng vòng xoáy nợ - giảm phát, điều mà Irving Fisher đã chỉ ra là nguyên nhân của cuộc đại khủng hoảng 1929-1933, tức là giá tài sản sụt giảm buộc các nhà đầu tư và cả các doanh nghiệp phải bán tháo bớt tài sản để trả nợ, điều này lại tiếp tục đẩy giá tài sản xuống thấp nữa. Một khi các chính phủ nhận thấy chính sách kích cầu của mình không hiệu quả họ sẽ đưa ra các chính sách “lợi mình hại người” (beggar-thy-neighbor) như bảo hộ mậu dịch hay đua nhau phá giá đồng nội tệ. Điều này sẽ tiếp tục làm tình hình kinh tế xấu đi và ngăn cản các nỗ lực phối hợp quốc tế giải cứu kinh tế.
Để trả lời cho câu hỏi kinh tế thế giới sẽ đi về đâu, tôi xin trích dẫn một lời phát biểu mới đây của Dennis Lockhart, Giám đốc Fed Atlanta: tình hình kinh tế không thể tồi tệ vĩnh viễn, không sớm thì muộn nó sẽ phải phục hồi. Chu kỳ kinh doanh luôn luôn có đỉnh và đáy. Hiện tại chúng ta chưa biết đã xuống đến đáy chưa nhưng chắc chắn chúng ta sẽ còn đạt được những đỉnh khác cao hơn những gì chúng ta đã đạt được trong quá khứ.
Một điều gần như chắc chắn là trào lưu tân laissez-faire (học thuyết cho rằng nhà nước không nên can thiệp vào kinh tế) khởi đầu từ kỷ nguyên Thatcher – Reagan sẽ chấm dứt. Ngay cả Alan Greenspan, người đã rất tích cực ủng hộ cho các chính sách gỡ bỏ các quy định (deregulation) trong thập kỷ 1990, đã phải thừa nhận tái lập hệ thống các quy tắc trong hệ thống tài chính là điều nên làm và cần làm. Tự do hoá thương mại vẫn sẽ được hầu hết các nhà kinh tế ủng hộ, nhưng dòng chảy vốn sẽ bị siết chặt hơn để giảm bớt các bất cân đối quốc tế. Vấn đề phối hợp quốc tế trong các chính sách kinh tế sẽ được xem trọng hơn, do đó vai trò của các tổ chức quốc tế như IMF, OECD, G7/G20 sẽ nổi bật hơn. Đã có đề nghị khôi phục lại vị thế của đồng SDR của IMF để tránh các cuộc khủng hoảng tiền tệ trong tương lai.
Đối với các nước đang phát triển, chiến lược tăng trưởng dựa vào xuất khẩu sẽ phải được điều hoà lại với các mục tiêu kinh tế - xã hội trong nước. Các vấn đề môi trường và khai thác tài nguyên sẽ càng được quan tâm hơn, ngay cả ở các nước đang phát triển như Việt Nam
TS. Lê Hồng Giang hiện đang quản lý danh mục đầu tư ngoại tệ cho Công ty Tactical Global Management ở Úc.
Tập trung giải quyết các điểm yếu
TS. Trần Vinh Dự
Đúng là chu kỳ kinh doanh có đỉnh và đáy, về dài hạn mọi chuyện rồi sẽ quay lại bình thường. Tuy nhiên, có thể hàng trăm triệu người trên thế giới sẽ không bao giờ có cơ hội hưởng lợi từ sự thịnh vượng trở lại của nền kinh tế thế giới trong dài hạn.
Về việc làm thế nào để thoát khỏi khủng hoảng, tôi cho rằng cách tiếp cận hiện nay của chính quyền Obama (Mỹ) là hợp lý. Nói ngắn gọn thì nó có ba nhánh: (1) ngăn chặn đà suy giảm của giá nhà đất, (2) chữa bệnh cho hệ thống ngân hàng, (3) kích cầu.
Nếu giá nhà đất ngưng giảm thì bản cân đối tài sản của các ngân hàng cũng không tồi tệ thêm. Tuy nhiên, chỉ riêng việc chặn đà suy giảm của giá nhà thì không đủ vì nhiều ngân hàng hiện nay đã lâm vào tình trạng zombie banks - tức là các ngân hàng có giá trị ròng (net value) nhỏ hơn không.
Để chữa bệnh cho hệ thống ngân hàng thì chỉ có hai cách là hoặc quốc hữu hoá hoặc tặng không tiền cho họ. Cách thứ hai đã được cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ Henry Paulson vạch ra từ năm ngoái và đã chứng tỏ thất bại. Cách đầu hiện nay vẫn chưa được chính quyền Obama chính thức công nhận nhưng có lẽ họ sẽ không thể không quốc hữu hoá một số ngân hàng lớn. Nếu đúng như vậy thì có thể nói chính quyền Obama khá quyết đoán và có lý do để hy vọng cuộc khủng hoảng sẽ kết thúc sớm chứ không đi theo mô hình “một thập kỷ bị đánh mất” như ở Nhật Bản.
Trong tình trạng tiêu dùng tư nhân bị thu hẹp thì việc kích cầu của chính phủ là hợp lý. Có nhiều người cho rằng kế hoạch này quá chậm. Tuy nhiên, tôi cho rằng làm được như vậy là rất nhanh. Khó lòng có thể hy vọng việc thông qua một dự luật chi tiêu cả ngàn tỉ đô la Mỹ diễn ra nhanh hơn được.
Theo tôi, có ít lý do để cho rằng khủng hoảng sẽ kéo dài tới năm 2010 và xa hơn, trừ khi chính quyền Obama phạm phải các sai lầm nghiêm trọng trong việc thực hiện các kế hoạch mà họ vừa vạch ra.
Riêng đối với vấn đề các “mô hình” tăng trưởng. Gần đây có một số thảo luận và nhiều người đồng ý rằng : (1) Kiểu tăng trưởng dựa vào mở rộng liên tục tín dụng cho tiêu dùng ở Mỹ trong khoảng 5-6 năm trước khủng hoảng sẽ không còn đất dung thân. Nước Mỹ đang tằn tiện hơn và phần còn lại của thế giới cũng sẽ như vậy. (2) Tăng trưởng dựa vào sự mở rộng liên tục của quy mô sản xuất và đánh cược vào thị trường xuất khẩu sẽ phải được cân đối lại. Bài học này sẽ áp dụng cho cả Trung Quốc, Việt Nam và các nước hướng vào xuất khẩu khác. (3) Tăng trưởng dựa vào đầu tư nước ngoài sẽ khó còn có cơ hội được áp dụng ở Việt Nam vì ít ra là trong tương lai gần. Việt Nam sẽ khó có thể tiếp cận được với nguồn tín dụng rẻ và dễ như trong thời gian vừa rồi.
Chúng ta đang ở trong một thời đại hỗn loạn. Của cải chúng ta tích luỹ được đang mất giá trị với một tốc độ chóng mặt. Con đường ra khỏi mớ bòng bong này còn chưa thực sự rõ ràng. Việt Nam là một nước nhỏ với tiềm lực kinh tế yếu. Năng lực phản ứng của chúng ta cũng rất bị giới hạn. Trong điều kiện đó, ngoài các giải pháp cấp thời (như chính sách kích cầu, chính sách tỷ giá, chính sách lãi suất…), điều quan trọng là tập trung giải quyết dứt điểm các điểm yếu của nền kinh tế vón đã bộc lộ từ lâu nhưng chưa được quan tâm thích đáng:
(1) Trong khoảng hơn một năm qua, Việt Nam thực sự đã trải qua hai cuộc khủng hoảng, một do chúng ta tự gây ra hồi đầu năm 2008 và một do ảnh hưởng của khủng hoảng toàn cầu từ hồi cuối 2008. Không nên trộn lẫn hai cộc khủng hoảng này để mơ hồ rằng tình trạng kinh tế Việt Nam hiện nay là do tác động xấu từ bên ngoài. Cuộc khủng hoảng tài chính, nhà đất, chứng khoán, cùng các vấn đề liên quan đến cán cân xuất nhập khẩu và tỷ giá cần phải được mổ xẻ và tìm bằng được lời giải để ngăn chặn các trường hợp tương tự trong tương lai.
(2) Nguồn lực quốc gia hạn hẹp của chúng ta đang bị phung phí quá mức bởi các tập đoàn kinh tế nhà nước độc quyền. Cá nhân tôi chưa có điều kiện tìm hiểu hết thực trạng của các tập đoàn này, tuy nhiên từ những gì chúng tôi đã được thấy thì có thể nói vấn đề đang rất cấp bách. Để nối lại được mạch tăng trưởng thì Việt Nam nhất định phải triệt để cải tổ các tập đoàn độc quyền trong các ngành công nghiệp xương sống của đất nước.
(3) Người nghèo cần phải được bảo vệ và hỗ trợ trong khủng hoảng. Chính phủ chưa làm được gì đáng kể để giảm bớt các khó khăn của người nghèo. Họ là bộ phận dễ bị lãng quên và không được đại diện một cách thích đáng nhưng lại là một trong những tài nguyên có giá trị nhất cho phát triển kinh tế của Việt Nam hiện nay.
(4) Bộ máy nhà nước cần phải có sự cải tổ mạnh mẽ. Thực tế năng lực quản lý kinh tế không phải hàng đầu của Chính phủ trong thời gian qua đã được dư luận mổ xẻ và giới nghiên cứu phân tích nhiều. Trong một nền kinh tế hội nhập toàn cầu như hiện nay, việc thiếu vắng các tinh hoa có quyền ra quyết định trong bộ máy quản lý và điều hành kinh tế của Nhà nước có lẽ là một trong những điểm yếu nhất của nền kinh tế Việt Nam nói chung.
TS Trần Vinh Dự hiện là chuyên gia tư vấn cho tập đoàn ERS Group, Hoa Kỳ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét