Phạm Khiêm Ích
Xem ra, giữa lúc một xã hội đang băng hoại khủng khiếp như xã hội Việt Nam hôm nay, thế mà không cùng nhau lo tìm ra nguyên nhân chủ chốt và triệt tiêu nó tận gốc cho 90 triệu dân chúng được nhờ, lại đi bàn việc “nhận thức và trách nhiệm giáo dục đạo đức toàn cầu” thì có vẻ xa xỉ quá,… “gái góa lo việc triều đình” hay sao ấy. Nhưng đọc đến phần kết luận của tác giả, ít nhiều tâm lý “nhấp nhổm” của chúng ta được giải tỏa:“Từ bốn chục năm nay các thế lực bá quyền Trung Quốc đã gây ra cuộc chiến xâm lược ở biên giới phía Bắc nước ta năm 1979, dùng vũ lực chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa năm 1974, đánh chiếm một phần quần đảo Trường Sa năm 1988 và đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lực địa của ta từ đầu tháng 5-2014 đến nay, từng bước thực hiện tham vọng chiếm trọn Biển Đông. Hành động ăn cướp của chúng vừa trái pháp luật vừa vô đạo đức. Chúng đã dùng nhiều thủ đoạn ép buộc chúng ta lệ thuộc vào Trung Quốc về mọi mặt kinh tế, chính trị, tư tưởng, văn hóa xã hội.Thoát khỏi sự lệ thuộc này (tức là “Thoát Trung”, không phải “Bài Trung”) là con đường sống của dân tộc ta. Muốn vậy phải làm cho dân tộc ta mạnh lên về mọi mặt, bằng cách cải cách thể chế, dân chủ hóa xã hội, xây dựng nhà nước pháp quyền và xã hội dân sự, bảo đảm thực hiện đầy đủ quyền tự do dân chủ của nhân dân. Đồng thời phải chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, hợp tác và liên minh với các nước dân chủ. Đó là con đường đảm bảo độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, cũng chính là tạo nền tảng vững chắc cho Giáo dục Đạo đức Toàn cầu ở nước ta”.Vì lý do trên, xin giới thiệu bài viết của PGS Phạm Khiêm Ích đến bạn đọc xa gần.Bauxite Việt Nam
1. Tổng quan:
Vấn đề Đạo đức Toàn cầu đã được đưa vào chương trình nghị sự của Liên hiệp các Câu lạc bộ, Trung tâm và Hội UNESCO Thế giới (WFUCA) từ Đại hội 8 của WFUCA tháng 11 năm 2011 tại Hà Nội đến nay.
Nhiều cuộc Hội thảo quốc tế đã được tổ chức, tiêu biểu là Hội thảo “Global Ethics: Save the Planet Earth”(Đạo đức Toàn cầu: Cứu lấy Hành tinh Trái đất) ngày 22 – 23 tháng 8 năm 2013 tại Astana, Kazakhstan và Hội thảo “Global Ethics, Sustainable Development and Social Media”(Đạo đức Toàn cầu, Phát triển bền vững và Truyền thông xã hội) ngày 7 – 12 tháng 3 năm 2014 tại New York.
Hai bảnTuyên bố của WFUCA – The Florence “Declaration for the Proclamation of the International Day for Global Ethics” (Tuyên bố Florence về Công bố ngày Quốc tế Đạo đức Toàn cầu - 11/3/2013) và The Astana“Declaration on Global Ethics”(Tuyên bố Astana về Đạo đức Toàn cầu – Kazakhstan 22 – 23/8/2013) là những văn kiện quan trọng, thể hiện sự nỗ lực của WFUCA tìm câu trả lời cho cuộc khủng hoảng toàn cầu hiện nay, khủng hoảng không chỉ về kinh tế mà còn về sinh thái, về các giá trị và nền văn minh. Đúng như Giáo sư Eiji Hattori Chủ tịch danh dự của WFUCA khẳng định:
“Không xác lập đạo đức toàn cầu, chúng ta không thể tạo dựng nền văn minh tương lai của nhân loại, không thể để lại cho các thế hệ kế tiếp một hành tinh tươi đẹp”.
2. Vai trò đặc biệt của giáo dục
Để xác lập Đạo đức Toàn cầu không thể không coi trọng vai trò của giáo dục. Ở đây tôi muốn nói đến giáo dục theo quan điểm “phát triển con người” (human development) như ý kiến của Jacques Delors, Chủ tịchUỷ ban Quốc tế về giáo dục thế kỷ XXI do UNESCO thành lập. Tác giả khẳng định: “Giáo dục đứng ở trung tâm của sự phát triển vừa của con người, vừa của cộng đồng. Giáo dục có sứ mạng giúp cho mọi người, không trừ một ai, được phát huy tất cả mọi tài năng và tất cả mọi tiềm lực sáng tạo, bao gồm cả tinh thần trách nhiệm đối với đời sống của bản thân và việc đạt được những mục đích chung”.
Chúng ta đang sống trong một thế giới toàn cầu biến đổi nhanh chóng, khó lường. Mọi nền giáo dục ở các nước khác nhau đều phải thích nghi với những thay đổi ấy. Do vậy chính bản thân giáo dục cũng phải thay đổi. Quan niệm “giáo dục suốt đời”, “học suốt đời” giờ đây đã được thừa nhận rộng rãi.
Người đầu tiên dùng khái niệm “Giáo dục suốt đời” là Edgar Faure trong báo cáo Học để làm người: Thế giới giáo dục hôm nay và ngày mai (Learning to Be: The World of Education Today and Tomorrow) công bố năm 1972 dưới sự bảo trợ của UNESCO. Trong báo cáo này, tác giả nhấn mạnh rất cần đưa giáo dục suốt đời lên thành khái niệm cơ bản trong chính sách giáo dục.
Ngày nay khái niệm “giáo dục suốt đời” (lifelong education) thường được thay bằng “học suốt đời” (lifelong learning). Học suốt đời, được hiểu là việc học từ ấu thơ đến hết cuộc đời, nhằm đáp ứng yêu cầu đa dạng của người học trong nền kinh tế tri thức toàn cầu; bao gồm giáo dục chính quy, không chính quy và phi chính quy (formal, non-formal, informal education). Hệ thống học suốt đời đòi hỏi tinh thần tham gia dân chủ và ý thức trách nhiệm cao của cá nhân, xã hội dân sự và khu vực sử dụng lao động.
Như vậy hệ thống học suốt đời đòi hỏi mở rộng cả thời gian giáo dục lẫn không gian giáo dục. Nó không chỉ giới hạn trong giáo dục nhà trường, chính quy hay không chính quy, mà còn là giáo dục tại gia đình, tại nơi làm việc, bảo tàng, rạp hát, khi xem phim, xem ti vi, đi du lịch, v.v. “Hiểu như vậy thì xây dựng hệ thống giáo dục suốt dời là chuyển sang một giai đoạn phát triển mới về chất của giáo dục” (TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến).
Việc học suốt đời là sức sống của xã hội hiện đại. “Quan niệm về học suốt đời nổi lên như một trong những chìa khoá mở cửa đi vào thế kỷ XXI. Nó vượt xa sự phân biệt truyền thống giữa giáo dục ban đầu và giáo dục liên tục. Nó gắn với một quan niệm khác, thường tiên tiến hơn: quan niệm về một xã hội học tập, ở đó tất cả mọi thứ đều có thể tạo ra cơ hội học tập và phát huy tiềm năng của mỗi người” (Jacques Delors).
Ngày nay không ai hy vọng có thể tích lũy đầy đủ kiến thức trong thời trẻ cho cả cuộc đời. Thế giới đang thay đổi mạnh mẽ, đòi hỏi tri thức không ngừng được bổ sung và hoàn thiện. Bản thân giáo dục cũng đang biến đổi nhanh chóng. Ngày càng có nhiều cơ hội học tập bên ngoài nhà trường.
Ở nhiều nước ta thấy có sự bùng nổ thực sự nhu cầu học tập của người lớn. Một số nước như Thụy Điển, Nhật Bản có khoảng 50% số dân ngày nay tham gia vào Giáo dục cho người lớn (Adult Education). Trên khắp thế giới sự phát triển giáo dục cho người lớn là một xu hướng mạnh mẽ và lâu dài. Từ đó có thể buộc toàn bộ nền giáo dục phải định hướng lại theo hướng học suốt đời.
Quan niệm trên đây về giáo dục là cơ sở để cho ta thấu hiểu về Giáo dục Đạo đức Toàn cầu.
Trong Tuyên bố Florence về Công bố ngày quốc tế Đạo đức Toàn cầu có nhấn mạnh rằng: “Giáo dục là không thể thiếu đối với tất cả mọi người để nâng cao nhận thức và trách nhiệm trong việc thúc đẩy sự tương tác, quan hệ hợp tác và đối tác toàn cầu nhằm phát triển thái độ và các chương trình đối mặt với những khủng hoảng đang tồn tại ở mọi cấp độ của đời sống con người”.
Có thể xem đây là nội dung chủ yếu của Giáo dục Đạo đức Toàn cầu. Điều tôi muốn bổ sung là phải xem Giáo dục Đạo đức Toàn cầu là một quá trình học suốt đời để tạo ra những công dân biết thấu hiểu những giá trị và những nguyên tắc Đạo đức Toàn cầu, có kỹ năng giải quyết vấn đề một cách sáng tạo, cam kết tham gia vào hoạt động của cá nhân và tập thể một cách có trách nhiệm, cùng nỗ lực xây dựng tương lai mà chúng ta mong muốn.
Ông George Christophides – Chủ tịch Liên hiệp các Hội UNESCO Thế giới (WFUCA) trao tặng tác giả (Phạm Khiêm Ích) bản Tuyên bố Florence về Công bố Ngày Quốc tế Đạo đức Toàn cầu.
3. Những giá trị và những nguyên tắc Đạo đức Toàn cầu
Hiện nay có nhiều cách hiểu khác nhau vềĐạo đức Toàn cầu:
1. Đạo đức Toàn cầu là một vấn đề có tầm quan trọng cần nghiên cứu (The importance of Global Ethics’s issues – Tuyên bố Astana).
2. Đạo đức Toàn cầu là một ý tưởng (idea), hay một quan niệm (concept).
3. Đạo đức Toàn cầu là một cách nhìn, một tầm nhìn (vision). “Đạo đức Toàn cầu là một tầm nhìn về sự biến đổi của ý thức đạo đức của con người ở cấp độ toàn thế giới, dân tộc, hoặc địa phương, tuỳ thuộc vào việc họ chia sẻ những giá trị đạo đức cơ bản, những tiêu chuẩn và những thái độ nhằm chung sống hòa bình. Những giá trị đó có thể tìm thấy ở tất cả các tôn giáo lớn và các truyền thống triết học của nhân loại”. (Bài Đạo đức Toàn cầu là gì? Quỹ Đạo đức Toàn cầu, Tuebingen, Đức).
4. Đạo đức Toàn cầu là một tập hợp các giá trị và các nguyên tắc mà mọi người đồng thuận, cùng chia sẻ.
Ban chấp hành WFUCA trong phiên họp thường niên số 33 ngày 21-24 tháng Tám năm 2013 tại Astana khẳng định rằng: Đạo đức Toàn cầu là một tập hợp các giá trị và các nguyên tắc, là sự nhận thức của mọi công dân về quyền và trách nhiệm của mình, là sự đối thoại toàn cầu liên văn hoá, và sự tương tác của các đối tác, là nền giáo dục giới trẻ và nền văn hoá hòa bình, nhằm xác lập sự phát triển bền vững dựa trên cơ sở quyền con người và công bằng xã hội.
5. Những giá trị và những nguyên tắc cụ thể
Một nhóm các nhà khoa học quốc tế do Tiến sĩ Akito Arima – Nghị sĩ Quốc hội, cựu Bộ trưởng Bộ Giáo dục, Khoa học, Thể thao và Văn hóa Nhật Bản đứng đầu, nghiên cứu về Giáo dục vì phát triển bền vững. Theo các tác giả, Giáo dục vì phát triển bền vững về cơ bản là giáo dục về giá trị, trong đó sự Tôn trọng (Respect) là giá trị trung tâm: Tôn trọng người khác, kể cả những người thuộc thế hệ hiện tại và tương lai, tôn trọng sự sống, tôn trọng sự khác biệt và đa dạng, tôn trọng môi trường, tôn trọng nguồn lực của hành tinh mà ta cư trú.
6. Đạo đức toàn cầu là một nền đạo đức đang được xác lập. “Tuyên bố tiến tới một nền Đạo đức Toàn cầu” (Declaration Towards a Global Ethics), 12-5-2011 của Quỹ Đạo đức Toàn cầu, thuộc trường Đại học Tuebingen, Đức, do Giáo sư Hans Küng làm Chủ tịch. Hans Küng (1928 - ) là một Giáo sư Cơ đốc giáo, người Thụy Sĩ, làm việc tại Trường Đại học Tuebingen, Đức. Ông chuyên nghiên cứu đạo đức toàn cầu từ đầu những năm 1990. Ông là người đầu tiên khởi thảo bản “Tiến tới một nền Đạo đức Toàn cầu: Bản tuyên bố ban đầu” (Towards a Global Ethics: An Initial Declaration) được Nghị viện các tôn giáo thế giới thông qua vào năm 1993 với hơn 200 nhà lãnh đạo của 40 nước có truyền thống tín ngưỡng khác nhau ký tên.
Bản Tuyên bố ban đầu này xác lập “Những nguyên tắc thiết yếu của nền Đạo đức Toàn cầu”:
a. Cam kết xây dựng một nền văn hóa phi bạo lực và tôn trọng cuộc sống;
b. Cam kết xây dựng một nền văn hóa đoàn kết và một trật tự kinh tế công bằng đúng đắn;
c. Cam kết xây dựng một nền văn hóa khoan dung và một đời sống trung thực;
d. Cam kết xây dựng một nền văn hóa của quyền bình đẳng và đối tác giữa nam và nữ;
7. Nhà triết học và nhân học Pháp Edgar Morin (1921 - ) với việc “Tiến tới một nền đạo đức toàn hành tinh”.
Trong công trình chuyên khảo Phương pháp 6. Đạo đức học ông có nêu lên một quan niệm mới về đạo đức học: Đạo đức học phức hợp (Éthique Complexe)
Đạo đức học phức hợp chứa đựng trong nó Tư duy phức hợp (Pensée complexe) và Nhân học phức hợp(Anthropologie complexe) như là những thành phần tối cần thiết.
- Tư duy phức hợp: là tư duy tiến hành việc liên kết, nắm bắt vấn đề trong tính phức hợp của nó.
Tính phức hợp, hay cái phức hợp (la complexité, le complexus) được hiểu như là những gì liên kết lại với nhau, đan dệt cùng nhau. Tính phức hợp liên quan đến khối lượng khổng lồ những tương tác giữa các bộ phận cấu thành gắn bó hữu cơ với nhau, tạo nên “tấm dệt chung” (tissu commun) không thể phân cách và quy giản được.
Ba nguyên tắc của tư duy phức hợp: Nguyên tắc đối hợp logic (principe dialogique); nguyên tắc hồi quy (principe récursif) và nguyên tắc toàn hình (principe hologrammatique).
Tư duy phức hợp là tư duy bao quát, “ôm chặt” cái đa dạng và hợp nhất cái bị chia cắt.
- Nhân học phức hợp là cơ sở và điều kiện của nghiên cứu đạo đức học phức hợp. Trong nhân học phức hợp, Edgar Morin nghiên cứu tính thống nhất và tính đa dạng không thể tách rời của con người, mà ông gọi là “Tam vị nhất thể của con người” (trinité humaine). Trong nhiều khối tam vị ấy, ông đặc biệt chú trọng đến “tam vị nhất thể cá nhân – xã hội – giống loài” (trinité individu – société – espèce).
Trên quan điểm đạo đức học phức hợp, Edgar Morin khẳng định giá trị đạo đức cốt lõi của thời đại chúng ta là Liên kết chủ động. Khái niệm “Liên kết chủ động” (Reliance) là khái niệm của nhà xã hội học Marcel Bolle de Bal – Giáo sư danh dự về xã hội học và tâm lý học xã hội, trường Đại học Libre ở Bruxelles. Edgar Morin đã dùng khái niệm này để xây dựng lý luận về Đạo đức liên kết chủ động (Éthique de la Reliance) và định nghĩa: “Đạo đức là Liên kết chủ động, Liên kết chủ động là đạo đức”.
Ông giải thích: Mọi cái nhìn về đạo đức cần nhận rõ hành vi luân lý (acte moral) là hành vi của cá nhân để liên kết chủ động: liên kết chủ động với một người khác, liên kết chủ động với một cộng đồng, liên kết chủ động với một xã hội và ở một giới hạn nhất định, liên kết chủ động với cả giống loài. Liên kết chủ động, do vậy là Giá trị Đạo đức Toàn cầu của thời đại chúng ta.
Edgar Morin đi sâu phân tích các giá trị đạo đức khác:
Đạo đức vị tha là thứ đạo đức liên kết đòi hỏi duy trì mở cửa đón tiếp người khác, bảo vệ tình cảm bản sắc chung làm cho thái độ thông cảm với người khác thêm vững chắc.
Đạo đức về tự do. Nếu tự do thể hiện qua khả năng được lựa chọn, tức là khả năng tinh thần được xem xét và xác lập các lựa chọn, khả năng đối ngoại được thực thi một lựa chọn, thì đạo đức về tự do vì người khác sẽ được tóm lược trong câu nói sau đây: “Hành động thế nào để người khác có thể gia tăng số lượng lựa chọn khả dĩ”.
Đạo đức về tình bạn. Tình bạn không chỉ là mối quan hệ tình cảm gắn bó, đồng lòng hợp lực, tình bạn chân chính biến bạn bè thành anh em và xác lập mối dây đạo đức gần như thiêng liêng giữa bạn bè.
Theo Edgar Morin, tình bạn không phải là tình “đồng chí”. Ông nói “Tôi đã từng sinh hoạt giữa lòng một Đảng lớn với sức nóng của các “đồng chí”, nhưng tuy vậy đó không phải là tình bạn, tình bằng hữu thân ái, bởi vì ngay sau khi bị bộ máy của Đảng lên án, thì có người ngoảnh ngay lưng về phía bạn, tệ hại hơn nữa là vu cáo, tố giác bạn như kẻ thù. Đồng chí có thể trở thành người anh em giả dối. Bạn mới là anh em do lựa chọn. Đạo đức của tình huynh đệ biểu lộ tích cực và cụ thể trong tình bạn”.
Đạo đức về tình yêu. Tình yêu là trải nghiệm về liên kết về cơ bản của các thực hữu nhân tính. Nó giúp chúng ta phát huy nở rộ bằng cách liên kết chúng ta. Tình yêu đích thực coi đối tượng yêu thương của mình là bình đẳng và tự do; đúng như thi hào Tagore đã nói “Tình yêu bài trừ thói chuyên chế tàn bạo và đẳng cấp”.
Cuộc đời người ta đang khổ sở vì quá thiếu tình yêu. Song cuộc đời này cũng đau khổ vì tình yêu sai trái, vì tình yêu mù quáng đủ loại. Bởi vậy đối với mọi đam mê dù mãnh liệt đến đâu, ta vẫn phải luôn luôn thắp sáng ngọn đèn canh chừng của lí trí.
Đạo đức về khoan dung. Khoan dung là công nhận quyền khác biệt. Đạo đức về khoan dung đối lập với “làm thuần khiết đạo đức”. Có ba thứ khoan dung:
Khoan dung thứ nhất là thứ khoan dung mà văn hào Voltaire đã diễn tả, nó tôn trọng quyền phát biểu của người khác, tránh áp đặt quan niệm riêng của ta lên người khác cốt để cấm đoán một phát ngôn.
Khoan dung thứ hai không thể tách rời dân chủ. Nét đặc thù của dân chủ là tự nuôi dưỡng những ý kiến đa dạng và đối kháng. Nguyên tắc dân chủ đòi hỏi mỗi người phải tôn trọng sự phát biểu các tư tưởng đối lập với tư tưởng của mình.
Khoan dung thứ ba phục tùng quan điểm cho rằng cái trái ngược của một tư tưởng sâu xa là một tư tưởng sâu xa khác. Nói khác đi, có một chân lý hàm chứa trong tư tưởng đối kháng với tư tưởng của ta và đó là một chân lý cần khoan dung.
Ý tưởng tiến tới một nền đạo đức toàn hành tình, một nền đạo đức cho cả loài người vẫn còn rất trừu tượng, chừng nào loài người chưa hợp nhất một cách cụ thể bằng sự gắn bó và phụ thuộc qua lại với nhau. Ngày nay trong thời đại toàn cầu hóa, lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại, tính phổ quát (universel) đã trờ thành hiện thực cụ thể. Đó là sự đoàn kết qua lại khách quan của nhân loại, vận mệnh toàn cầu của hành tinh quyết định mạnh mẽ vận mệnh đơn nhất của các dân tộc. Đồng thời vận mệnh đơn nhất của các dân tộc làm biến đổi vận mệnh toàn cầu.
Tất cả mọi đạo đức các cộng đồng dân tộc đều đã từng là khép kín. Bây giờ cần có đạo đức của cộng đồng toàn nhân loại. Đạo đức ấy sẽ tôn trọng các đạo đức dân tộc bằng cách hòa hợp chúng thành một thể thống nhất. Ở đây có sự thống nhất trong đa dạng và đa dạng trong thống nhất. Đấy chính là nguyên tắc vàng của sự tồn tại Đạo đức toàn Hành tinh.
Để tiến tới một nền Đạo đức Toàn cầu, toàn Hành tinh cần phải tiến hành “một cuộc đa cải cách của loài người”:
- Cải cách xã hội.
- Cải cách tâm trí/ cải cách giáo dục.
- Cải cách cuộc sống.
- Cải cách đạo lý.
- Khoa học được cải cách.
Đấy là 5 con đường tái sinh của nhân loại, thoát khỏi cuộc khủng hoảng toàn cầu hiện nay.
4. Nhận thức và trách nhiệm
Giáo dục Đạo đức toàn cầu phải hướng vào việc nâng cao nhận thức và trách nhiệm của mọi người trong xã hội. Giáo dục giúp chúng ta năng lực hiểu biết về thế giới chung quanh, về bản thân, về người khác và mối liên hệ giữa ta với môi trường tự nhiên và xã hội rộng lớn. Sự hiểu biết này chính là cơ sở lâu bền để hình thành thái độ và trách nhiệm của chúng ta. Chẳng hạn ta biết các nhà khoa học về khí hậu ước tính rằng nếu mức phát thải khí nhà kính của con người trên khắp thế giới giống nhau như ở một số nước phát triển thì chúng ta cần tới chín Hành tinh Trái đất! Nhưng 7 tỷ người chúng ta chỉ có một hành tinh. Tìm đâu ra támhành tinh nữa? Chuyện thật như đùa đó, đòi hỏi chúng ta phải xem xét lại cách tư duy về các vấn đề phát triển, suy nghĩ về mô hình phát triển bền vững và trách nhiệm của mỗi người chúng ta cùng chung sức bảo vệ môi trường.
Giáo sư Hans Küng là một nhà nghiên cứu nổi tiếng về Đạo đức Toàn Cầu và Trách nhiệm Toàn cầu. Ngay từ năm 1991 ông đã cho xuất bản cuốn sách “Trách nhiệm Toàn cầu” (Global Responsibility). Gần đây ông công bố công trình “Đạo đức Toàn cầu và Trách nhiệm của con người” (Global Ethics and Human Responsibilities). Trong đó ông khẳng định mạnh mẽ rằng: “Trách nhiệm của con người tăng cường quyền con người”. “Không thể có quyền con người nếu không có trách nhiệm của con người”.
Tháng 4 năm 1997, lần đầu tiên trong lịch sử, một nhóm chuyên gia quốc tế tập hợp tại Vienna, Austria, với sự cố vấn của giáo sư Hans Küng và hai giáo sư khác đã soạn thảo bản “Tuyên ngôn toàn thế giới về Trách nhiệm của con người” (A Universal Declaration of Human Responsibilities). 5 tháng sau, ngày 01/9/1997 bản Tuyên ngôn đã được đệ trình lên Liên Hợp Quốc, để củng cố, tăng cường và bổ sung cho bản Tuyên ngôn toàn thế giới về Quyền con người (Universal Declaration of Human Rights – 1948).
Bản Tuyên ngôn về Quyền con người là văn bản pháp luật, còn bản Tuyên ngôn về Trách nhiệm của con người là mệnh lệnh đạo đức (moral imperative). Đạo đức và pháp luật không đối lập nhau, không thay thế nhau, mà bổ sung cho nhau. Tuyên ngôn về Quyền con người không đặt ra yêu cầu toàn diện về đạo đức. Tuyên ngôn về Trách nhiệm của con người, về một số khía cạnh đã vượt ra ngoài khuôn khổ Quyền con người, bổ sung cho nó về mặt đạo đức. Hai nguyên tắc cơ bản của Tuyên ngôn về Trách nhiệm của con người làm định hướng về đạo đức cho mỗi người trong cuộc sống hàng ngày. Đó là nguyên tắc “Tất cả mọi người phải được đối xử nhân đạo” (Every human being must be treated humanely) và nguyên tắc “Cái mà ta không muốn làm cho mình thì đừng làm cho người khác” (What you do not wish to be done to yourself, do not do to others – Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân).
Giáo sư Hans Küng là một nhà thần học, luôn luôn quan tâm đến những người có đức tin khác nhau, chăm lo thiết lập một nền tảng chung cho mọi người có tôn giáo khác nhau cùng thỏa thuận và cùng hợp tác xây dựng một cuộc sống tốt đẹp. Trong công trình “Đạo đức Toàn cầu và Trách nhiệm của con người”, ông khẳng định ba điều:
- Trái đất sẽ không thể sống sót, nếu không có Đạo đức Toàn cầu.
- Sẽ không có hòa bình giữa các dân tộc, nếu không có hòa bình giữa các tôn giáo.
- Sẽ không có hòa bình giữa các tôn giáo, nếu không có đối thoại và hợp tác giữa các tôn giáo, giữa các nền văn minh.
Ông chủ trương văn hóa hòa bình. Hòa bình ở đây không phải chỉ là không có chiến tranh, mà chính là không dùng bạo lực trong quan hệ con người, cũng như quan hệ giữa các dân tộc. Đây cũng chính là đường lối chiến lược của WFUCA mà ngài Chủ tịch George Christophides đã khẳng định:
“WFUCA cam kết hỗ trợ mạnh mẽ mọi hành động và sáng kiến nhằm xúc tiến các giá trị Đạo đức Toàn cầu và những nguyên tắc của văn hóa hòa bình trên toàn thế giới”.
Sự phát triển văn hóa hòa bình ở nước ta gặp nhiều khó khăn, phức tạp. Từ bốn chục năm nay các thế lực bá quyền Trung Quốc đã gây ra cuộc chiến xâm lược ở biên giới phía Bắc nước ta năm 1979, dùng vũ lực chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa năm 1974, đánh chiếm một phần quần đảo Trường Sa năm 1988 và đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lực địa của ta từ đầu tháng 5-2014 đến nay, từng bước thực hiện tham vọng chiếm trọn Biển Đông. Hành động ăn cướp của chúng vừa trái pháp luật vừa vô đạo đức. Chúng đã dùng nhiều thủ đoạn ép buộc chúng ta lệ thuộc vào Trung Quốc về mọi mặt kinh tế, chính trị, tư tưởng, văn hóa xã hội.
Thoát khỏi sự lệ thuộc này (tức là “Thoát Trung”, không phải “Bài Trung”) là con đường sống của dân tộc ta. Muốn vậy phải làm cho dân tộc ta mạnh lên về mọi mặt, bằng cách cải cách thể chế, dân chủ hóa xã hội, xây dựng nhà nước pháp quyền và xã hội dân sự, bảo đảm thực hiện đầy đủ quyền tự do dân chủ của nhân dân. Đồng thời phải chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, hợp tác và liên minh với các nước dân chủ. Đó là con đường đảm bảo độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, cũng chính là tạo nền tảng vững chắc cho Giáo dục Đạo đức Toàn cầu ở nước ta.
P.K.I.
Tác giả gửi BVN.
http://www.boxitvn.net/bai/28757
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét