Thứ Hai, 11 tháng 8, 2014

Doanh nghiệp bế tắc, tín dụng còn tụt dốc

Nền kinh tế còn khó khăn, các DN chưa có nhiều cơ hội làm ăn nên các ngân hàng cũng phải gánh chịu không ít hậu quả. Tốc độ tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm cho thấy điều này.
Tính đến ngày 2/7/2014, tăng trưởng tín dụng cả hệ thống là 3,6% so với cuối năm 2013. Con số này thấp xa so với mục tiêu từ 12% - 14% đề ra cho cả năm.
Trao đổi về vấn đề này, ông Võ Trí Thành - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương - cho rằng, con số này không quá bất ngờ bởi nền kinh tế phục hồi rất chậm chạp, nhiều khó khăn thể hiện rõ nhất là tổng cầu giảm, do vậy chưa tạo ra xung lực cho sản xuất kinh doanh, cơ hội làm ăn chưa nhiều.
Có thể nhìn nguyên nhân tổng cầu giảm dưới những biểu hiện nào thưa ông?
- Tổng cầu giảm thể hiện rõ nhất ở 3 yếu tố:
Nhìn vào tiêu dùng, thường người ta lấy chỉ số giá bán lẻ để thể hiện mức tăng tiêu dùng. Hiện nay, chỉ số này là 5,6%, cao hơn chút chút so với 2 năm trước nhưng chưa bằng một nửa so với giai đoạn khi nền kinh tế có tăng trưởng cao như thời gian sau năm năm ra nhập WTO. Lúc đó mức tăng tiêu dùng là khoảng 10% thậm chí có lúc là 15%.
{keywords}
Ông Võ Trí Thành - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương.
Sụt giảm mạnh, rõ nhất của tổng cầu là mức đầu tư, sau khi ra nhập WTO mức đầu tư trung bình là 42,6% GDP, nhưng trong năm ngoái và 6 tháng đầu năm tỉ lệ đầu tư so với GDP chỉ còn 30%.
Trên thực tế, các DN đang có cơ hội làm ăn, có dự án khả thi, đáp ứng đủ các điều kiện vay vốn thì đã tiếp cận được nguồn vốn. Còn những DN không đủ điều kiện vay vốn thì các tổ chức tín dụng không cho vay.
Vì thế, không nên nóng vội về việc tăng trưởng tín dụng cao nhưng lại cho vay dưới chuẩn thì sẽ nguy hại cho nền kinh tế.
Bên cạnh đó, quá trình phục hồi kinh tế dù đã có những tín hiệu lạc quan nhưng tiến triển chậm chạp. Các dự báo cho thấy mức tăng trưởng kinh tế VN quanh con số 5,5% so với 5,4% như năm ngoái thì có phục hồi nhưng không đáng là bao. Nên mức tăng trưởng tín dụng khó lòng đạt được như kỳ vọng từ đầu năm.
VAMC đi vào hoạt động được hơn 1 năm nhưng vẫn chưa tạo ra được đột biến đáng kể? Liệu nên tiếp tục hi vọng vào chiếc "phao" này để kích tín dụng?
Dòng tín dụng phụ thuộc nhiều vào xử lý nợ xấu, VAMC không phải là chiếc đũa thần, nhất là trong trong bối cảnh Việt Nam vừa phải làm lại vừa phải hình thành và phát triển thị trường mua bán nợ vốn đã có manh nha nhưng vẫn còn sơ khai.
{keywords}
Tính đến ngày 2/7/2014, tăng trưởng tín dụng cả hệ thống là 3,6% so với cuối năm 2013
Trong thời gian vừa rồi tốc độ xử lý nợ xấu chậm lại, do VAMC gắn với công tác chuẩn bị về pháp lý, thủ tục, giao dịch trên thị trường mua bán nợ, phân loại nợ, tìm kiếm thông tin với nhà đầu tư, các đối tác quan tâm... nhưng tổng thể các công việc còn nhỏ và đang hoàn thiện.
Tuy nhiên, chỉ mình VAMC là chưa đủ, còn liên quan nhiều đến vấn đề về tài sản đảm bảo, hay việc cho phép hay không người nước ngoài tham gia sở hữu và giao dịch trong thị trường bất động sản VN cũng như các tài sản khác. Và không chỉ là xử lý nợ xấu có tài sản đảm bảo, bên cạnh đó xử lý nợ xấu ở doanh nghiệp nhà nước còn gắn liền với tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước, mặt khác có nhiều đơn vị DNNN cần xử lý lại không có tài sản đảm bảo. Vì vậy, giải quyết nợ xấu lúc này còn phụ thuộc vào khung pháp lý của Bộ Tài chính...
Chúng ta đang kỳ vọng sẽ được hoàn thiện lúc đó giao dịch thực tế trên thị trường mua bán nợ sẽ diễn ra, nhờ đó VAMC có tiền tươi thóc thật, để xử lý tốt hơn.
Ông dự đoán tăng trưởng tín dụng trong những tháng cuối năm nay như thế nào?
- Tăng trưởng tín dụng trong 6 tháng đầu năm là 3,6%, trong đó tăng chủ yếu là ở tháng 5 và tháng 6, chứ tháng 4 thì mức tăng tín dụng rất thấp gần 0% và 3 tháng đầu năm còn ở mức âm.
Còn nếu nhìn mức tăng trong tháng 6, đặc biệt sau sự kiện căng thẳng trên biển Đông, ta thấy mức tăng trong tháng 6 khá mạnh so với các tháng trước, tháng 5 là 1.31% , thì trong tháng 6 tăng hơn 2,3%. Để đạt được con số tăng trưởng tín dụng là 12% mà chúng ta đặt ra từ đầu năm thì còn phải tăng thêm khoảng 8% nữa, như vậy mỗi tháng từ giờ đến cuối năm theo lũy kế cũng phải tăng khoảng 1,4%. Nhìn vào tính thời vụ của hệ thống ngân hàng tín dụng thì con số này không đến mức quá không khả thi.
Tuy nhiên, quan trọng hơn là quan tâm đến phối hợp chính sách và chất lượng tăng trưởng tín dụng để quá trình phục hồi có chất lượng và ổn định được kinh tế vĩ mô.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét