Chủ Nhật, 17 tháng 8, 2014

Á châu không nên sợ Chúa giáo

Cập nhật: 09:19 GMT - chủ nhật, 17 tháng 8, 2014
Các giám mục châu Á đến Nam Hàn để nghe Giáo hoàng phát biểu
Giáo hoàng Francis phát biểu ở Nam Hàn rằng chính phủ các nước châu Á ‘không nên sợ những người Thiên chúa giáo’ vì ‘họ không muốn đến với tư cách những kẻ đi chinh phạt’ mà họ là ‘một phần không thể tách rời của văn hóa bản địa’.
Giáo hoàng đã đưa ra phát biểu này trong một bài diễn văn trước khoảng 70 giám mục đến từ 35 nước châu Á tập hợp ở thị trấn Haeme, phía nam thủ đô Seoul, hôm Chủ nhật ngày 17/8, ngày áp chót trong chuyến công du Nam Hàn của Ngài.

Nhắm đến các nước cộng sản?

Hãng tin Anh Reuters nhận định thông điệp này rõ ràng là nhắm đến các nước do Đảng Cộng sản cầm quyền như Trung Quốc, Việt Nam và Bắc Hàn.
Ngài nói rằng Giáo hội Thiên chúa giáo La Mã muốn đối thoại với mọi người.
“Trong tình thần cởi mở, tôi chân thành hy vọng rằng những quốc gia trên châu lục của quý vị mà Tòa thánh Vatican chưa có quan hệ đầy đủ đừng chần chừ mà hãy đẩy mạnh đối thoại vì lợi ích của tất cả các bên,” Giáo hoàng phát biểu.
Trong lời phát biểu không được soạn sẵn, Giáo hoàng Francis nói rằng Ngài không chỉ nói về đối thoại chính trị mà còn ‘đối thoại của tình huynh đệ’.
Ông nhấn mạnh rằng đạo Thiên chúa ‘không đến với tư cách những kẻ chinh phạt’ để tiêu diệt bản sắc văn hóa và bản sắc dân tộc mà là ‘cùng đi chung’.
Những phát biểu của Giáo hoàng là nhằm vào một số nước châu Á nơi mà Giáo hội Thiên chúa giáo La Mã thường được xem là gắn liền với chủ nghĩa thực dân, nhất là ở Trung Quốc, vốn không có quan hệ chính thức với Vatican kể từ sau khi Đảng Cộng sản lên nắm quyền hồi năm 1949.
Giáo hoàng Francis đã có nhiều hoạt động trong 5 ngày ở Nam Hàn
“Đây là một lời đề nghị, sự cởi mở, sự sẵn lòng tham gia đối thoại vì lợi ích của Giáo hội và người dân ở những đất nước này,” phát ngôn nhân Tòa thánh, cha Federico Lombardi, nói với báo giới.
“Người Công giáo tốt cũng là công dân tốt. Chính quyền các nước không nên sợ Tòa thánh như là thứ gì đó có quyền lực trên đất nước của họ. Tòa thánh chỉ đơn thuần là tôn giáo,” ông nói thêm.
Quan hệ giữa Vatican và Việt Nam đã cải thiện đáng kể trong những năm gần đây mặc dù hai bên vẫn chưa có quan hệ ngoại giao đầy đủ.
Giáo hoàng cũng nói với các giám mục châu Á rằng Giáo hội đừng nên đặt mục tiêu phát triển bằng con đường ‘cải đạo hung bạo’ mà bằng cái mà Ngài gọi là ‘sự thu hút’.
Trong hành trình từ Rome đến Seoul khi bay qua không phận Trung Quốc, Giáo hoàng Francis đã gửi một thông điệp thiện chí đến Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình rằng Ngài ‘cầu nguyện cho hòa bình và hạnh phúc của tất cả người dân Trung Quốc’.
Vatican đang rất mong muốn gia tăng số người theo đạo Thiên chúa ở một quốc gia đông dân như Trung Quốc.
Theo thống kê chính thức thì con số tín đồ Công giáo ở Trung Quốc là 5,7 triệu còn các nguồn độc lập ước tinh con số này là 12 triệu.
Vatican đang đặt nhiều hy vọng tăng số tín đồ ở châu Á
Hồi tháng Ba năm ngoái, Bắc Kinh đã cảnh báo Giáo hoàng Francis khi Ngài vừa lên nắm quyền rằng không nên can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc thậm chí ‘dưới chiêu bài tôn giáo’.

‘Công giáo sáng tạo’

Cũng trong bài phát biểu ở Haemi, Giáo hoàng Francis nhấn mạnh vào ‘Công giáo sáng tạo’ ở châu Á để phù hợp với sự đa dạng của châu lục này, theo hãng tin Pháp AFP.
Ngài nói rằng Giáo hội không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc phải thích nghi ở châu Á khi rao giảng thông điệp của mình ở một châu lục có nhiều sự tương phản.
“Trên châu lục rộng lớn này, nơi có nhiều nền văn hóa đa dạng, Giáo hội cần phải linh động và sáng tạo,” Ngài nói.
Ngài cũng thừa nhận rằng các giáo xứ mà các giám mục đang cai quản ở châu Á chỉ là ‘những nhóm nhỏ’ trên một ‘vùng đất bao la’ và khích lệ các giám mục tìm cách giảm nhẹ những khác biệt về văn hóa mà họ đối mặt.
“Sẽ không có đối thoại thật sự trừ phi chúng ta có thể mở rộng khối óc và trái tim của mình trong sự thấu hiểu và lắng nghe chân thành đối với những người mà chúng ta tiếp xúc,” Ngài nói.
Đây là lần đầu tiên một Giáo hoàng đi thăm châu Á trong vòng 15 năm qua – một châu lục mà Vatican xem là rất có tiềm năng để họ phát triển tín đồ để bù đắp cho con số tín đồ ngày càng sụt giảm ở châu Âu và Bắc Mỹ.
Việt Nam nằm trong số các quốc gia chưa có quan hệ ngoại giao với Vatican, bên cạnh Trung Quốc, Bắc Hàn, Afghanistan, Ả Rập Saudi, Bhutan, Brunei, Lào và Miến Điện.

Thêm về tin này

Chủ đề liên quan

    • http://www.bbc.co.uk/vietnamese/world/2014/08/140817_francis_message_asia.shtml

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét