Thứ Hai, 11 tháng 8, 2014

Chống cộng sản hay chống độc tài?

Nguyễn Văn Thạnh

Nguyễn Văn Thạnh
Chia sẻ bài viết này
10498408_695666050482743_7164477562050819256_o.jpg

1. Một thực tế nghiệt ngã:

Ai cũng biết Đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay là lực lượng duy nhất lãnh đạo đất nước Việt Nam và lãnh đạo tuyệt đối. Có một luật bất thành văn là dù chức vụ nhỏ hay lớn đều phải đảng viên.
Và có một thực thế chua xót là nước ta hiện nay yếu kém mọi mặt. Từ kinh tế, giáo dục, y tế,… lĩnh vực nào đụng vô cũng nát. Việt Nam thuộc diện nước nghèo trên thế giới. Dân thì nghèo khổ còn quan chức thì giàu nứt đố đổ vách, tham nhũng như rươi.
Và còn nghiệt ngã hơn là ai mở miệng chất vấn sự chính danh của nhà cầm quyền hiện nay hay tranh đấu cho các giá trị dân chủ, dân quyền là có nguy cơ vô tù.

2. Một lịch sử phức tạp:

Từ một chủ thuyết hứa hẹn đưa đến sự tốt đẹp trong cuộc sống loài người “xóa bỏ nạn người bóc lột người, xây dựng thiên đường trên cõi nhân gian-làm theo năng lực hưởng theo nhu cầu” - nhưng khi đưa vào áp dụng vào thực tế thì hoàn toàn ngược lại. Ở đâu có chủ nghĩa cộng sản, ở đó có đói nghèo. Từ là thành trì vững chắc của chủa nghĩa cộng sản với bao đẹp đẽ được tuyên truyền, chủ nghĩa cộng sản đã sụp đổ tan tành ở Liên Xô. Từ sự sụp đổ, người ta thấy những điều kinh tởm của chủ nghĩa cộng sản được mang ra áp dụng từ thời Lenin đến Stalin,…
Những quốc gia châu Á áp dụng chủ nghĩa cộng sản đều nhận lấy những hậu quả, những bi kịch tương tự.
Hiện nay loài người văn minh đã thấy được hiểm họa của chủ nghĩa cộng sản nên đã dần loại bỏ nó. Chỉ còn một số ít nước là còn chủ nghĩa cộng sản thống trị, điều đáng buồn là trong đó có nước ta.
Từ thực tế yếu kém của đất nước cũng như những sự thật lâu nay bị bưng bít, nay bị phơi bày dưới ánh sáng, đã thúc đẩy một phong trào chống cộng sản mạnh mẽ, tiếp nối dòng chảy chống cộng trước đây của những người được gọi là quốc gia.
Chủ nghĩa cộng sản vào Việt Nam từ nhu cầu đánh Pháp, mưu cầu độc lập cho nước nhà. Ngày đó, trước thực trạng nước mất nhà tan, nhân dân làm nô lệ cho người Pháp, bao lớp thanh niên mưu cầu nền độc lập cho nước nhà. Rất nhiều xu hướng cứu nước nhưng không thành công. Cuối cùng, những người theo chủ nghĩa cộng sản chiếm ưu thế và nắm chính quyền.
Ngày nay, chủ nghĩa cộng sản trên toàn cầu lớp bị đào thải, lớp phải thay đổi với sự thích nghi của tình hình mới. Hiện nay, giá trị của chủ nghĩa cộng sản đã thay đổi nhiều, về kinh tế họ không còn tiến hành kiểu kinh tế tập trung, kế hoạch nhà nước; về xã hội họ không còn thực hiện chuyên chính sắt máu như năm xưa mà đã áp dụng luật lệ vô cai trị. Chỉ có điều duy nhất là họ vẫn nắm độc quyền chính trị.
Như vậy chủ nghĩa cộng sản ở Việt nam nó là một hỗn hợp của nhiều giá trị: sự ảo tưởng, sự nhiệt huyết, sự nham hiểm,… ngoài ra nó hiện nay nó còn là đặc quyền, đặc lợi của một nhóm nhỏ.
Hiện nay, theo thống kê có tầm 4 triệu, nếu lấy một đảng viên có gia đình gồm vợ con, bố mẹ, ông bà thì có tầm 10 người thân thích trong vùng ảnh hưởng của họ. Như vậy có thể thấy số người nằm trong vùng ảnh hưởng của cộng sản tầm 40 triệu.
Rất nhiều người là đảng viên cộng sản nhưng không hiểu gì về chủ nghĩa cộng sản, họ chỉ đơn giản thấy đây là một lý tưởng đẹp mang lại cơm no áo ấm cho dân.

3. Hãy chống độc tài thay vì chống cộng sản:

Nhiều người hỏi tôi “có phải anh là người chống cộng?”. Tôi trả lời: không, tôi chỉ là người lên tiếng tranh đấu cho những quyền cơ bản của con người, tranh đấu cho nền dân chủ. Họ nói, vậy anh là người chống cộng rồi.
Câu trả lời của họ làm tôi ngạc nhiên. Tôi tự hỏi mình: tôi chống cộng ư? Tôi chống cộng vì cái gì? Tôi suy nghĩ nhiều về điều này. Tại sao cứ phải chống cộng?
Từ những phân tích trên ta thấy, khi nói đến chống cộng thì chúng ta thấy phải chống lại một số lượng rất lớn người có dính đến yếu tố cộng sản. Lẽ tự nhiên, họ sẽ đoàn kết để chống lại.
Trong một số lượng lớn vì nhiều lý do khác nhau dính đến cộng sản nhưng chỉ một số lượng rất nhỏ là hưởng lợi. Số này được gọi là nhóm đặc quyền đặc lợi.
Nếu chúng ta giương cao ngọn cờ chống độc tài, ắt hẳn sẽ nhận được sự ủng hộ của nhiều người trong đó có người cộng sản.

4. Tinh thần của nền cộng hòa

Tư tưởng cộng hòa là quyền lực chính trị đến từ dân và bất cứ ai cũng có quyền tham gia tranh cử. Chính trị gia nào được nhận nhiều phiếu bầu nhất thì nắm quyền. Cơ hội lên nắm chính quyền được trao công bằng cho tất cả xu hướng, chủ trương,… miễn hợp với ý nguyện đa số của dân. Tất nhiên người nắm quyền phải bảo đảm các quyền của con người, bảo vệ quyền của thiểu số. Cộng hòa là nền tảng của nền dân chủ. Nền chính trị cộng hòa vận hành trên cơ chế tam quyền phân lập sẽ bảo vệ được quyền con người, sự công bằng cho tất cả mọi công dân dù họ có đồng ý hay không đồng ý với người nắm quyền.
Như vậy cộng sản nắm độc quyền chính trị hay những người tranh đấu muốn loại bỏ người cộng sản ra khỏi chính trường cũng ko phù hợp với giá trị cộng hòa.

5. Con đường hòa hợp dân tộc

Từ thực tế đau thương và chia rẽ của dân tộc, nhiều người trong đó có người cộng sản muốn có sự hòa hợp hòa giải dân tộc. Mong muốn là vậy nhưng bao năm qua vấn đề này vẫn chưa thực hiện được. Vì sao vậy?
Sẽ không thể nào có chuyện hòa giải nếu ai cũng nhắm đến cái việc loại bỏ nhau-có ta thì không có ngươi. Người cộng sản nắm độc quyền chính trị cũng xấu xa không khác gì những người tranh đấu muốn loại bỏ vĩnh viễn người cộng sản ra khỏi chính trường. Trong tình thế đối đầu như vậy thì chuyện người cộng sản muốn nắm độc quyền chính trị là điều dễ hiểu. Qui luật sinh tồn, không ai muốn mình bị đá văng, bị tiêu diệt.
Đứng về mặt lợi quyền, không cách nào có thể hòa hợp khi một người luôn muốn nắm đặc quyền đặc lợi còn một một người thì ở ngoài mâm. Chỉ khi nào có cơ hội công bằng cho tất cả thì mọi người mới có sự hào hứng hợp tác hay còn gọi là hòa hợp. Và quan trọng là lợi ích đến từ nỗ lực xứng đáng của bản thân, lợi ích đến từ phụng sự xã hội chứ không phải đến từ quyền lực và sự đặc quyền đặc lợi.
Chống độc tài là con đường đưa đến sự hòa hợp, hòa giải dân tộc.
Nguyễn Văn Thạnh
http://www.danluan.org/tin-tuc/20140810/nguyen-van-thanh-chong-cong-san-hay-chong-doc-tai

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét