Thứ Hai, 11 tháng 8, 2014

Nhân tài chính trị: Lời giải cho bài toán phát triển

Nguyễn Trần Bạt

Nguyễn Trần Bạt
Chia sẻ bài viết này
6 bài toán lớn cho nhân tài chính trị
Đến nay, quan niệm của ta về nhân tài tiến bộ hơn và chứa đựng những đòi hỏi cụ thể hơn, tuy nhiên, cũng mới chỉ chú trọng đến các nhân tài trong lĩnh vực khoa học tự nhiên, hay nói cách khác là "nhân tài công nghiệp". Như vậy, nhân tài là ai? Chúng tôi cho rằng, nhân tài là người nhận ra những yếu tố mà một dân tộc cần và đáp ứng một cách thông minh nhất. Cái mà dân tộc Việt Nam đang cần, do đó, là nhân tài chính trị.
Vậy thì một nhân tài chính trị cần phải giải quyết những vấn đề nào? Trong quan điểm của chúng tôi, nhân tài chính trị phải giải quyết không chỉ bài toán chính trị cụ thể của từng giai đoạn lịch sử mà cả những bài toán chính trị có tính truyền thống của lịch sử. Phải hiểu rằng những bài toán chính trị truyền thống bao giờ cũng chứa đựng trong nó những yếu tố riêng biệt của từng thời đại và do đó, nhà chính trị buộc phải giải các bài toán chính trị truyền thống bằng những lực lượng trong thời đại của mình trên cơ sở tính đến những nhân tố riêng biệt đó. Trong trường hợp của Việt Nam, một nhân tài chính trị cần phải giải quyết sáu vấn đề căn bản nhất - đó là định vị Việt Nam trong tiến trình phát triển của thế giới, xây dựng hệ tư tưởng kinh tế Việt Nam, xây dựng hệ tư tưởng quân sự Việt Nam, xây dựng chương trình phát triển kinh tế, chính trị, văn hóa bên cạnh Trung Quốc, xây dựng tầng lớp thượng lưu và đội ngũ trí thức trong xã hội Việt Nam và thừa nhận các giá trị phương Tây. Chỉ khi nào sáu vấn đề này được giải quyết thì chúng ta mới có thể thay đổi vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
1. Định vị Việt Nam trong tiến trình phát triển của thế giới
Nhiệm vụ đầu tiên và cũng là nhiệm vụ quan trọng nhất của nhân tài chính trị là trả lời câu hỏi Việt Nam đang ở đâu trong tiến trình phát triển của thế giới. Dường như, câu hỏi này chưa bao giờ được đặt ra một cách nghiêm túc, hay nói cách khác, chúng ta chưa bao giờ có nhu cầu nhận thức một cách chính xác về đất nước, tổ quốc và cộng đồng của mình trên tất cả các khía cạnh. Trong khi Nhật Bản tự nhận mình là một quốc gia nghèo, khan hiếm tài nguyên và người Nhật Bản cần phải có những phẩm chất nhất định để tạo ra sức mạnh dân tộc thì Việt Nam luôn tự ca ngợi mình như một quốc gia giàu đẹp, rừng vàng biển bạc với những con người Việt Nam anh dũng, thông minh... Phải chăng chúng ta có quá nhiều ưu điểm trong trí tưởng tượng của mình và chính điều đó đã khiến cả một dân tộc nhận thức sai về tầm vóc cũng như địa vị thực sự của mình?
Để nhận thức rõ về Việt Nam, trước hết là phải nhận thức về con người Việt Nam. Người Việt Nam có ưu điểm và nhược điểm gì? Người Việt Nam có những năng lực và khiếm khuyết như thế nào? Người Việt Nam được đánh giá ra sao trong quá trình hội nhập hay để hội nhập thành công, chúng ta còn thiếu những phẩm chất nào? Hết thảy những vấn đề này cần được nghiên cứu một cách cụ thể nhằm trả lời câu hỏi con người Việt Nam đang ở đâu trong tiến trình phát triển của thế giới. Có thể nói, Việt Nam là dân tộc ít tự giác về con người và các quyền con người nhất trên thế giới, thậm chí là so với các quốc gia châu Phi. Tuy đại bộ phận nhân dân châu Phi ở trong tình trạng lạc hậu về chính trị hơn so với người Việt Nam, nhưng bộ phận trí thức ở châu Phi lại tiến bộ hơn rất nhiều so với bộ phận trí thức của Việt Nam. Ở nhiều tổ chức quốc tế, người châu Phi nắm giữ những cương vị tương đối quan trọng. Tiêu biểu nhất là tổ chức Liên Hiệp Quốc, hai đời Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc là người châu Phi, gồm có các ông Boutros Ghali (1992 - 1996) và Kofi Annan (từ 1997 đến nay). Rõ ràng, các tầng lớp thượng lưu hay đội ngũ trí thức của các nước châu Phi có vị trí cao hơn đội ngũ trí thức Việt Nam trên trường quốc tế. Điều đó đồng nghĩa là cộng đồng người Việt nói chung và tầng lớp trí thức Việt Nam nói riêng hoàn toàn không phải là cộng đồng có địa vị cao trong tiến trình phát triển các giá trị con người trên thế giới. Đội ngũ trí thức Việt Nam, do đó, cần phải nhận thức về địa vị của mình bởi nếu ngay cả họ - những người đại diện cho trí tuệ của xã hội Việt Nam - mà còn không nhận thức một cách rõ ràng về địa vị của mình thì không bao giờ họ có thể nhận thức được địa vị của đất nước mình trên trường quốc tế và như vậy, Việt Nam sẽ không thể xây dựng lộ trình phát triển bởi chúng ta hoàn toàn không biết mình đang ở đâu.
Thứ hai là phải nhận thức về tài nguyên Việt Nam. Cần phải có một thái độ khách quan và dũng cảm khi đánh giá về những ưu thế của Việt Nam để chấm dứt tình trạng ngộ nhận về những ưu thế không tồn tại hoặc những ưu thế không còn giá trị trong đời sống hiện đại. Gần đây, khi xây dựng chiến lược phát triển thành cường quốc, Trung Quốc đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc khai thác tài nguyên biển. Biển trong nhãn quan người Trung Quốc không chỉ là một thứ tài nguyên kinh tế mà còn là một thứ tài nguyên chính trị và tài nguyên quân sự. Khi nhận thức về tài nguyên Việt Nam, chúng ta cũng nên có một cách tiếp cận như vậy để có thể khai thác một cách hiệu quả những ưu thế của mình.
Thứ ba là phải nhận thức về những điều kiện địa chính trị, địa kinh tế, địa quân sự của Việt Nam.Xét về mặt vị trí địa lý, Việt Nam là một quốc gia mặt tiền. Tuy nhiên, trong khi nền kinh tế hàng hải, nền kinh tế viễn dương đã hình thành từ rất lâu, đã tạo ra đế quốc Tây Ban Nha, đế quốc Anh, đế quốc Pháp, đã tạo ra người Hà Lan và một hệ thống thuộc địa mà phải mất đến hàng trăm năm chúng ta mới tạo ra các cuộc cách mạng giải phóng dân tộc thì Việt Nam vẫn chưa tham gia vào nền kinh tế hàng hải, vẫn chưa có hải quân, vẫn chưa có chiến thuyền. Việt Nam là một dân tộc mở cửa gần như muộn nhất ở khu vực Đông Nam Á và không có năng lực viễn chinh. Chính điều đó đã khiến Việt Nam, trong một khoảng thời gian rất dài, trở thành một bộ phận biệt lập trong các tiến trình quốc tế.
Khi bàn về các yếu tố địa kinh tế, địa chính trị và địa quân sự của Việt Nam, chúng ta buộc phải phân tích Trung Quốc như một trong những biến số quan trọng nhất. Hãy thử quan sát các quốc gia khác bên cạnh Trung Quốc. Nước Nga nằm phía trên Trung Quốc phát triển hơn Trung Quốc và có cả sức mạnh lẫn tham vọng của một cường quốc. Nước Mông Cổ, xét về mặt dân số, chỉ là một nước nhỏ nhưng đã từng làm rung chuyển cả thế giới. Đội quân gần như bất khả chiến bại của Thành Cát Tư Hãn đã trở thành ác mộng đối với cả châu Âu bởi vó ngựa của quân Mông Cổ đi đến đâu thì thêm một thành trì bị hạ tới đó. Đến thời Hốt Tất Liệt, ông ta không nuôi ý chí chinh phục thế giới như các Đại Hãn tiền nhiệm, mà dốc hết khả năng để chinh phục toàn cõi Trung Quốc trong một chiến dịch dài ngót mười năm. Năm 1263, ông rời kinh đô về Bắc Kinh. Trong trận hải chiến cuối cùng vào năm 1279 tại vịnh Quảng Đông, Hốt Tất Liệt đã đánh bại nhà Nam Tống. Từ đó, Hốt Tất Liệt cai trị toàn cõi Trung Quốc, xưng là hoàng đế, lập ra nhà Nguyên (1280-1367). Hải quân Nhật Bản cũng từng đánh bại Trung Quốc những năm 1894 - 1895 và làm thế giới sửng sốt với việc chiến thắng Nga trong cuộc chiến tranh Nga - Nhật 1904 - 1905. Nhật Bản cũng từng khiến thế giới phải ngưỡng mộ trước cái gọi là sự phát triển thần kỳ của Nhật Bản. Đến nay, quốc gia này vẫn tương đối thành công trong việc duy trì và khẳng định địa vị của mình trên trường quốc tế. Hàn Quốc cũng xác lập cho mình một vị thế bình đẳng so với Trung Quốc. Nam Hàn, đến nay, phát triển hơn Trung Quốc cả về kinh tế lẫn chính trị còn Bắc Hàn, mặc dù là một nước bé (xét về mặt dân số) nhưng đủ ý chí để biến mình trở thành kẻ đối thoại bình đẳng với Hoa Kỳ, thậm chí dám thách đố Hoa Kỳ trong lĩnh vực quân sự. Hồng Kông hay Đài Loan cũng không phải là những kẻ thất bại trong việc xử lý vấn đề Trung Quốc. Cả Hồng Kông và Đài Loan đều phát triển và tương đối độc lập với Trung Quốc, đặc biệt là Đài Loan vẫn không ngừng nuôi tham vọng trở thành một nước Đài Loan độc lập. Ấn Độ luôn luôn là một đối thủ đáng gờm của Trung Quốc và không ít người tin rằng trong tương lai, Ấn Độ sẽ trở thành một cường quốc châu Á. Rõ ràng, việc ở gần Trung Quốc không kìm hãm sự phát triển của chuỗi các quốc gia ấy.
Có thể nói, Việt Nam gần như là nước kém thành công nhất trong việc xử lý các vấn đề liên quan đến Trung Quốc. Tại sao lại như vậy? Có nhiều lý do, trong đó, đầu tiên và quan trọng nhất là bởi chúng ta không độc lập với Trung Quốc về mặt văn hóa nói chung và về mặt tư tưởng nói riêng. Khi viết về Ngô Thì Nhậm, chính em ruột của ông đã viết rằng "Anh ta lúc xuất thế thì dùng đạo Nho, lúc nhập thế thì dùng đạo Thiền" - đó là một sự thừa nhận về việc Việt Nam không có hệ tư tưởng của riêng mình. Hệ tư tưởng của Việt Nam, xét về mặt bản chất, là một sự vay mượn chủ yếu các tư tưởng Trung Quốc, trong đó nổi bật là Nho giáo. Trong một khoảng thời gian rất dài, người ta đã quan niệm rằng, tinh hoa trong hệ tư tưởng Trung Quốc chính là Luân lý Nho gia - cái mà một số quốc gia châu Á, trong đó có Việt Nam vin vào để tự hào về những giá trị châu Á của mình. Tâm lý này đã khiến Việt Nam không thể ra khỏi quá khứ và lệ thuộc vào Trung Quốc. Dường như các nhà chính trị Việt Nam không nhận thức được rằng nếu tiếp tục tự hào về những giá trị châu Á theo cái cách như vậy thì vĩnh viễn chúng ta sẽ không thể độc lập với Trung Quốc về mặt tư tưởng. Hãy thử nghiên cứu cách thức mà một số quốc gia khác lựa chọn để thoát ra khỏi những ảnh hưởng của Luân lý Nho gia. Rõ ràng, Nhật Bản và Hàn Quốc đều chịu ảnh hưởng của Khổng giáo nhưng họ vẫn có một nền văn hóa tương đối khác biệt với Trung Quốc bằng cách thừa nhận những giá trị tiến bộ của văn hóa phương Tây, trong đó nổi bật là các giá trị tự do dân chủ. Ngay cả người cộng sản Bắc Hàn họ cũng có lý thuyết riêng của họ - đó là lý thuyết chủ thể và hoàn toàn không chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa cộng sản Trung Quốc. Không thể phủ nhận rằng, chính sự độc lập về mặt văn hóa của hai quốc gia này đã tạo ra cho họ một vị thế khác trong mối tương quan với Trung Quốc. Do đó, Việt Nam cần phải tạo ra các giá trị của mình bằng cách dũng cảm vứt bỏ những giá trị văn hóa lạc hậu chứ không phải đoạn tuyệt với những giá trị châu Á hay văn hóa phương Đông bởi chúng là sản phẩm của lịch sử và không ai có thể đi tới tương lai mà không có hành trang là quá khứ. Quan trọng hơn, Việt Nam cần phải xây dựng một nền văn hóa "mở" - nền văn hóa có khả năng thải hồi những yếu tố lạc hậu và tiếp nhận những yếu tố tiến bộ.
Những phân tích trên đưa đến kết luận, xác định vị trí của Việt Nam trong tiến trình phát triển của thế giới là nhiệm vụ quan trọng nhất của các nhà chính trị Việt Nam. Họ buộc phải thực hiện sứ mệnh lịch sử ấy để biến Việt Nam trở thành một bộ phận trong các tiến trình quốc tế. Chỉ có như thế thì chúng ta mới có thể phát triển một cách thực thụ.
2. Xây dựng hệ tư tưởng kinh tế Việt Nam
Bàn về việc xây dựng hệ tư tưởng kinh tế Việt Nam, cần phải phân tích sự ảnh hưởng lẫn nhau của chính trị, kinh tế và văn hóa. Tài sản cơ bản của người Việt Nam là ruộng hay "làng xã". Kinh tế, do đó, là kinh tế làng xã và hình thành nền chính trị làng xã cũng như văn hóa làng xã. Bên cạnh đó, xét về mặt địa lý, Việt Nam nằm trong khu vực lạc hậu. So với Trung Quốc, Việt Nam giáp với các tỉnh Quảng Tây và Vân Nam, tức là vùng lạc hậu nhất của Trung Quốc. Xét trong khu vực, trước những năm 60, khu vực Đông Nam Á cũng rất lạc hậu. Tuy nhiên, cùng với sự xuất hiện của người Pháp vào cuối thế kỷ XIX, nhờ thứ "công cụ không tự giác của lịch sử" như Marx nói mà Việt Nam đã được tiếp cận với các tư tưởng tự do, dân chủ của "Thế kỷ Ánh sáng" và điều này phần nào đã cải thiện tình trạng lạc hậu trên nhiều phương diện, đặc biệt, là lạc hậu về nhận thức và tư tưởng của chúng ta. Như vậy, không thể phủ nhận rằng chính sự tồn tại dai dẳng và sâu sắc của yếu tố làng xã cùng với những đặc điểm địa lý cũng như lịch sử đó đã hạn chế không gian phát triển kinh tế, chính trị và văn hóa của chúng ta. Trong giai đoạn hiện nay, về vấn đề chuyển đổi cơ cấu kinh tế Việt Nam, chúng ta không có định nghĩa "chuyển đổi" rõ ràng và cũng không hoạch định lộ trình chuyển đổi một cách chủ động và hợp lý, không nhận ra rằng chính điều đó có thể khiến cho chúng ta rơi vào trạng thái chuyển từ sự phiêu lưu này đến một sự phiêu lưu khác.
Với những phân tích trên, chúng tôi cho rằng, xây dựng hệ tư tưởng kinh tế Việt Nam là xây dựng một cách trọn vẹn tư tưởng phát triển các nguồn lực, các trạng thái tự nhiên cũng như các quan hệ quốc tế của Việt Nam. Việc xây dựng hệ tư tưởng kinh tế Việt Nam cần phải dựa trên sự phân tích rất rõ các đặc điểm về tài nguyên, dân cư, xã hội, văn hóa cũng như các đặc điểm địa kinh tế, địa chính trị và phải theo xu hướng hội nhập. Cần phải nhận thức rằng, toàn cầu hóa là cơ hội của các nước lạc hậu và vì thế, các nhà chính trị của các quốc gia lạc hậu phải xem nó như một sự động viên có chất lượng quốc tế về cải cách. Do đó, cải cách cơ cấu kinh tế theo khuynh hướng hội nhập là một trong những điểm quan trọng của việc xây dựng hệ tư tưởng kinh tế Việt Nam. Cần phải nhắc lại rằng, bất kỳ dân tộc nào cũng phải phát triển (nói chung) và xây dựng hệ tư tưởng kinh tế (nói riêng) dựa trên những đòi hỏi nội tại về sự phát triển chứ không phải do sức ép, bởi sự phát triển do sức ép chính là tiền đề của sự phát triển bằng mọi giá. Với cách tiếp cận như vậy, chúng tôi cho rằng vấn đề đặt ra không phải là tình huống buộc phải cải cách, mà cải cách như một nhu cầu tự thân của nó, như một chương trình mà con người hoạch định về tương lai của mình. Do đó, xây dựng hệ tư tưởng kinh tế Việt Nam tức là xây dựng một hệ thống các mục tiêu mà ở đó con người tự giác hướng về tương lai của mình. Cần phải xây dựng hệ tư tưởng kinh tế Việt Nam trong điều kiện hiện tại của đời sống quốc tế chứ không phải bằng cách quay trở lại quá khứ bởi như trong phần trước đã phân tích, lời giải của bài toán chính trị truyền thống luôn chứa đựng chất lượng của thời đại, cụ thể là thời đại toàn cầu hóa. Thời đại hội nhập là thời đại nền cho việc xây dựng hệ tư tưởng kinh tế Việt Nam trong giai đoạn hiện nay và nó chính là xây dựng các giải pháp phát triển theo khuynh hướng hội nhập. Hiện Việt Nam đã gia nhập ASEAN, cố gắng gia nhập WTO, tham gia các Hiệp định song phương và đa phương. Mặc dù những bước đi này có thể không phải là những thành tố quan trọng nhất trong chương trình xây dựng hệ tư tưởng kinh tế Việt Nam, nhưng chúng là những giải pháp có giá trị làm nền cho việc xây dựng hệ tư tưởng kinh tế Việt Nam.
Hiện giờ, chúng ta đang có cơ hội để xây dựng các tư tưởng kinh tế, hay nói cách khác là xây dựng tư tưởng phát triển thời bình. Tuy nhiên, liệu chúng ta có thể làm việc đó một cách trọn vẹn hay không nếu vẫn tự trói mình trong những nỗi lo ngại không chính đáng? Và liệu chúng ta có thể tạo ra chất lượng anh hùng của mình trong cuộc sống thật hay không nếu vẫn chìm đắm trong ánh hào quang của quá khứ? Đó chính là những câu hỏi lớn mà một thiên tài chính trị phải trả lời trước khi bắt tay vào sứ mệnh của mình.
3. Xây dựng hệ tư tưởng quân sự Việt Nam
Theo ước tính, trung bình khoảng 200 năm, Việt Nam lại có một cuộc chiến tranh. Thời gian hòa bình, do đó, dài hơn thời gian chiến tranh. Tuy nhiên, người Việt Nam luôn tự hào về chiến thắng của mình và vì thế, biến chiến tranh trở thành nội dung quan trọng nhất trong lịch sử.
Lịch sử Việt Nam chỉ ra rằng các chính quyền mới đều được thiết lập sau một cuộc chiến tranh. Lực lượng chủ yếu tham gia một cách kiên nhẫn vào phần lớn các cuộc chiến tranh là nông dân. Chiến thắng, do đó, thuộc về những người nông dân chứ không thuộc về những đối tượng khác, chẳng hạn giới trí thức. Chiến thắng của người nông dân Việt Nam, chính vì thế, là thắng hai đối tượng cùng lúc - đó là giặc ngoại xâm và giới trí thức Việt Nam. Chính vai trò mờ nhạt của giới trí thức Việt Nam trong phần lớn các cuộc chiến tranh đã duy trì trạng thái chậm tiến bộ của các triều đại. Đó là một thực tế mà chúng ta buộc phải thừa nhận.
Tuy nhiên, nông dân Việt Nam không phải là người khởi xướng các cuộc chiến tranh. Có thể thấy phần lớn các cuộc chiến tranh của Việt Nam được khởi xướng bởi tầng lớp thống trị trong xã hội cũ, nhân dân là người được huy động và nông dân là đối tượng tham chiến. Điều đó nói lên rằng, Việt Nam không có quân đội chuyên nghiệp. Các triều đại phong kiến Việt Nam không đủ khả năng tài chính để xây dựng lực lượng quân đội chuyên nghiệp nên phải gửi đội quân của mình vào nhân dân; khi có chiến tranh, nhà nước sẽ huy động. Điều đó dẫn đến sự hình thành khái niệm chiến tranh nhân dân và đến nay, các tư tưởng chiến tranh nhân dân vẫn chi phối các trạng thái hiện tại của việc xây dựng lực lượng vũ trang Việt Nam.
Trong trường hợp của Việt Nam, nhân dân được huy động như một đại lượng vô hạn và chính điều đó đã vô tình làm mất đi bản chất nhân văn của khoa học quân sự. Hệ tư tưởng quân sự mới của Việt Nam, do đó, cần phải được xây dựng trên tinh thần kéo dài những khoảng thời gian hòa bình của nhân dân và để nhân dân không trở thành khái niệm và nội dung chủ yếu trong các cuộc chiến tranh.
Những cuộc chiến tranh giành độc lập dân tộc có thể sẽ không bao giờ xảy ra ở Việt Nam nữa, nhưng những cuộc chiến tranh khác có thể sẽ xảy ra. Chính bởi vậy, chúng ta cần phải xây dựng tư tưởng quân sự của mình để hoàn thiện hai nội dung căn bản: thứ nhất là xây dựng lực lượng quân đội chuyên nghiệp để có thể tham gia vào các cuộc chiến tranh như một động thái chính trị mềm dẻo và cần thiết và thứ hai là xây dựng đời sống dân sự nằm bên ngoài mọi sự lôi kéo của các cuộc chiến tranh. Đây là nhiệm vụ chính trị không kém phần quan trọng so với việc xây dựng các tư tưởng kinh tế, bởi nếu không làm được như vậy, dân tộc Việt Nam sẽ không có sự phát triển ổn định, chúng ta sẽ tiếp tục bị lôi kéo vào những cuộc chiến tranh và như thế, dân tộc Việt Nam sẽ không có tương lai.
4. Xây dựng chương trình phát triển kinh tế, chính trị và văn hóa bên cạnh Trung Quốc
Nhiệm vụ tiếp theo của thiên tài chính trị là giải quyết vấn đề sống, phát triển và hình thành các ưu thế bên cạnh nước Cộng hòa Nhân dân Trung Quốc. Đây là một trong những vấn đề chính trị truyền thống đối với Việt Nam. Thực ra, các nhà chính trị Việt Nam luôn khó khăn trong việc giải bài toán chính trị với Trung Quốc. Trung Quốc luôn nuôi trong mình tham vọng trở thành cường quốc và các nhà chính trị Trung Quốc cả trong quá khứ lẫn hiện tại không ngừng hoạch định các bước đi chiến lược để biến tham vọng đó trở thành hiện thực. Chính vì lý do đó, mà Trung Quốc ngày càng trở thành một biến số quan trọng trong bài toán chính trị của bất kỳ quốc gia nào trên thế giới, đặc biệt là Việt Nam trên tư cách một nước láng giềng của Trung Quốc với đầy đủ những ấn tượng về sự bị bành trướng cả về kinh tế lẫn văn hóa bởi Trung Quốc.
Xét về mặt văn hóa, các nước Đông Á nói chung và cụ thể là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Việt Nam là bốn quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của Khổng giáo. Cả bốn quốc gia này đều trải qua một khoảng thời gian rất dài xây dựng xã hội, điều hành và xử lý các vấn đề khác nhau, lãnh đạo từ thượng tầng kiến trúc đến hạ tầng cơ sở dựa trên các nguyên tắc của Khổng giáo. Tuy nhiên, trong số bốn quốc gia này, Việt Nam là nước khó khăn nhất trong việc thoát ra khỏi những ảnh hưởng của Khổng giáo. Điều này thể hiện rất rõ ở tình trạng lạc hậu về tư tưởng và lạc hậu về chính trị ở Việt Nam. Nhiều học giả cố gắng giải thích những thất bại của Việt Nam trong việc xử lý vấn đề Trung Quốc theo những cách khác nhau, cố tình không thừa nhận sự thật là Việt Nam rất lúng túng khi xử lý các vấn đề với Trung Quốc trong khi sự hào hùng là một trong những yếu tố thẩm mỹ rất quan trọng có tác dụng kích thích cảm hứng phát triển. Tại sao lại như vậy? Phải chăng là bởi một ngàn năm Bắc thuộc? Phải chăng, ngay cả sau khi có các triều đại phong kiến độc lập, cha ông ta vẫn phải sang tận Trung Quốc để xin được công nhận là An Nam Quốc vương, là một phiên thần của Trung Quốc? Trong quan điểm của chúng tôi, lý do quan trọng nhất là bởi Việt Nam không có một tầng lớp thượng lưu và đội ngũ trí thức thực thụ - những người đủ năng lực để đối thoại chính trị một cách bình đẳng và đủ khí phách để xử lý các vấn đề Trung Quốc.
Chúng tôi cho rằng, chiến lược tồn tại và phát triển bên cạnh Trung Quốc của Việt Nam cần phải được xây dựng trên tinh thần làm cho Việt Nam khác với Trung Quốc chứ không phải làm thế nào để Việt Nam có thể cạnh tranh với Trung Quốc. Một trong những lý do khiến chúng ta không thành công khi xử lý các vấn đề liên quan đến Trung Quốc, là chúng ta đã không nhận ra và khai thác những ưu thế của Việt Nam - trên tư cách một nước nhỏ và linh hoạt - so với Trung Quốc - một đất nước cồng kềnh, phức tạp và rất khó thay đổi. Chúng ta từng cố gắng học Trung Quốc về mặt chính trị và đó cũng chính là sai lầm của Việt Nam khi xử lý các vấn đề Trung Quốc. Trong khi đó, Nhật Bản và Hàn Quốc đã chủ động trong việc thay đổi các tiêu chí chính trị nhằm phát huy tối đa sức mạnh của dân tộc bé hơn để trở nên cơ động hơn, sắc sảo hơn, linh hoạt hơn và rõ ràng, họ đã thành công. Vậy thì làm thế nào để Việt Nam khác với Trung Quốc? Như trong phần trước đã phân tích, một trong những lý do khiến Việt Nam không thể thoát ra khỏi cái bóng của Trung Quốc là sự xâm nhập và bành trướng về mặt tư tưởng, cụ thể là ảnh hưởng của Khổng giáo. Do vậy, để đem lại cho hệ tư tưởng Việt Nam một bản sắc mới, chúng ta buộc phải thừa nhận các tinh hoa giá trị phương Tây với linh hồn là tự do, dân chủ. Hệ giá trị phương Tây sẽ trở thành đối trọng của hệ tư tưởng Trung Quốc và Việt Nam sẽ tự tìm ra mình, tự xác lập hình ảnh của mình giữa hai hệ giá trị đó. Điều này sẽ được phân tích kỹ hơn trong phần cuối của bài viết.
Như vậy, để có thể xử lý tốt các vấn đề liên quan đến Trung Quốc, cần phải nghiên cứu và tập hợp những lý luận và kinh nghiệm sống bên cạnh Trung Quốc trong mối tương quan với các điều kiện chính trị, kinh tế, xã hội cụ thể của Trung Quốc. Dựa trên cơ sở đó, chúng ta sẽ xây dựng các bài toán mẫu với những lời giải mẫu cho một số tình huống. Quan trọng nhất là luôn phải xem Trung Quốc như một biến số trong mọi toan tính kinh tế cũng như chính trị và từ đó, có các đối sách chủ động trong mối quan hệ với Trung Quốc. Hết thảy những việc này cần phải được tiến hành với một nhận thức mới - thay vì coi Trung Quốc là một nước lớn, hãy coi Trung Quốc là một thị trường lớn, chúng ta sẽ tiếp cận và xâm nhập Trung Quốc như những nhà buôn thực thụ với một đầu óc kinh doanh tỉnh táo, với những nhận thức chính trị thực dụng và với những bản sắc văn hóa khác biệt.
5. Xây dựng tầng lớp thượng lưu và đội ngũ tri thức Việt Nam
Khi lý giải tình trạng lạc hậu trên nhiều phương diện của Việt Nam, các học giả mới chỉ tập trung vào những lý do kinh tế hay lý do chính trị. Chúng tôi cho rằng, sự thiếu vắng một tầng lớp thượng lưu chính là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc chúng ta chậm phát triển. Sự thiếu vắng này, dường như, bắt nguồn từ cấu trúc quyền lực trong xã hội Việt Nam. Chúng ta không có niềm tự hào của tầng lớp thượng lưu hay nói cách khác, xã hội Việt Nam, dân tộc Việt Nam không có tầng lớp thượng lưu nên không có các cá nhân đối thoại bình đẳng, và do đó, không có sự đối thoại chính trị bình đẳng.
Nhằm chứng minh luận điểm này, chúng tôi cho rằng cần phải làm rõ hơn khái niệm tầng lớp thượng lưu. Tầng lớp thượng lưu, trước hết, khác với tầng lớp quan lại. Quan lại, hay nói cách khác, chức tước là do được phong còn thượng lưu phải là người có những tố chất cao quý thiên bẩm kết hợp với những tố chất hình thành trong quá trình tương tác với xã hội. Do đó, nếu tầng lớp thượng lưu thực sự tồn tại thì nó sẽ tồn tại với mọi thời đại và không phải lúc nào cũng đồng nhất với tầng lớp cầm quyền. Tìm hiểu lịch sử những dân tộc khác, chúng ta sẽ thấy nước Pháp mặc dù trải qua cuộc cách mạng hơn 200 năm nhưng tầng lớp thượng lưu Pháp theo đúng nghĩa cổ xưa vẫn tồn tại. Hiện nay, những người cộng sản Trung Quốc cũng đã bắt đầu xây dựng tầng lớp thượng lưu của mình. Trong khi đó, xã hội Việt Nam chưa bao giờ có tầng lớp thượng lưu bởi chúng ta không có cả cơ sở vật chất lẫn cơ sở sinh hoạt tinh thần cho tầng lớp thượng lưu.
Bàn về Trung Quốc, không phải vô cớ mà Giang Trạch Dân đưa ra lý thuyết Ba đại diện. Về bản chất, lý thuyết Ba đại diện chính là công cụ để giải quyết bài toán chính trị của Trung Quốc. Nó nhằm trả lời câu hỏi ai là người có đầy đủ những phẩm chất cần thiết để đại diện cho dân tộc Trung Quốc trong các đối thoại chính trị. Tuy nhiên, lý thuyết Ba đại diện cũng chỉ là một công cụ lý thuyết, nó không đủ và không thể thay thế việc xây dựng tầng lớp thượng lưu. Tầng lớp thượng lưu, theo đúng nghĩa, phải là những người có khả năng đồng nhất địa vị thượng lưu của mình với địa vị đại diện quyền lực của mình. Nói cách khác, tầng lớp thượng lưu chính là sự thống nhất giữa những giá trị cao quý mà nhân dân linh cảm thấy với quyền lực mà nhân dân tìm thấy. Đó cũng chính là chất lượng đại diện của tầng lớp thượng lưu. Linh cảm dẫn đến chất lượng đại diện chỉ có thể tồn tại dựa trên nền tảng của chế độ dân chủ phát triển - tại đó sứ mệnh chính trị được trao vào tay ai hoàn toàn dựa trên cơ sở sự linh cảm của nhân dân về chất lượng đại diện của một số tầng lớp nhất định.
Từ các phân tích trên có thể rút ra kết luận, nhiệm vụ của cải cách văn hóa Việt Nam là chỉ ra cho mọi người thấy các giá trị cơ bản tạo ra các tiêu chuẩn của tầng lớp thượng lưu trong xã hội Việt Nam. Nhiệm vụ của giới học giả nước nhà là chứng minh các giá trị có thể làm nền tảng để xây dựng tầng lớp thượng lưu Việt Nam. Song song với việc xây dựng tầng lớp thượng lưu, cần phải xây dựng đội ngũ trí thức. (Trong trường hợp tầng lớp thượng lưu đồng nhất với đội ngũ trí thức thì có thể nói xã hội đã đạt đến trạng thái phát triển lý tưởng). Cần nhấn mạnh rằng, tầng lớp trí thức phải được xây dựng dựa trên những dự báo chính xác về loại lao động đáp ứng tốt nhất các đòi hỏi phát triển của một dân tộc. Nếu không căn cứ vào những dự báo như vậy, chúng ta sẽ lại có một tầng lớp trí thức đóng vai trò mờ nhạt, thụ động trong mọi vấn đề. Xây dựng tầng lớp thượng lưu và đội ngũ trí thức của Việt Nam, do đó, trở thành một trong những nhiệm vụ quan trọng của các nhà chính trị Việt Nam, bởi đội ngũ trí thức chính là những người đại diện cho trí tuệ của cả dân tộc còn tầng lớp thượng lưu vừa phản ánh chất lượng của những dự báo chính trị, vừa truyền tải những thông điệp chính trị quan trọng nhất. Tuy nhiên, làm thế nào để những thông điệp này trở thành những "dòng chủ lưu" trong xã hội? Rõ ràng, nhiệm vụ đó thuộc về tầng lớp trung lưu - những người đóng vai trò khuếch đại các thông điệp chính trị quan trọng và lành mạnh. Xác lập cơ cấu xã hội hợp lý đảm bảo cho sự hình thành và phát triển của tầng lớp thượng lưu và đội ngũ trí thức Việt Nam, đó cũng chính là nhiệm vụ của nhân tài chính trị.
6. Thừa nhận các giá trị phương Tây với đặc trưng là tự do, dân chủ
Lịch sử phát triển của nhiều quốc gia châu Á, chẳng hạn Nhật Bản hay Hàn Quốc, chỉ ra rằng, sự xâm nhập của các giá trị phương Tây chính là một trong những chất xúc tác đối với tiến trình phát triển của những quốc gia này. Khi bàn về vấn đề hệ tư tưởng, nhiều học giả có khuynh hướng phân biệt hệ tư tưởng phương Đông, hệ tư tưởng phương Tây, thậm chí cố gắng chứng minh hệ tư tưởng phương Đông như một hình ảnh đối lập của hệ tư tưởng phương Tây. Thiết nghĩ, trong thời đại toàn cầu hóa, sự phân biệt thái quá này hoàn toàn không cần thiết nữa, và nếu chúng ta tiếp tục xử lý các vấn đề chính trị với cách nghĩ như thế thì phương Đông sẽ không bao giờ phát triển một cách thực sự và lành mạnh.
Tại sao Việt Nam cần phải thừa nhận các giá trị phương Tây? Thứ nhất là bởi các giá trị phương Tây, tiêu biểu là tự do, dân chủ đã được chứng minh là các giá trị tiên tiến. Chúng ta không nên coi những giá trị này là sản phẩm của phương Tây mà hãy xem đó như những sáng tạo của loài người. Phương Tây chỉ là kẻ đi trước, tận hưởng trước và trả giá trước. Thứ hai là bởi như trong phần trước của bài viết đã phân tích, chúng ta cần phải làm cho mình khác với Trung Quốc. Nếu "đóng cửa" về mặt tư tưởng và cố tình không thừa nhận tính tiên tiến của các giá trị phương Tây thì Việt Nam sẽ không bao giờ thoát ra khỏi ảnh hưởng của hệ tư tưởng Trung Quốc, cụ thể là Khổng giáo. Do đó, Việt Nam cần phải thừa nhận các giá trị phương Tây để chấm dứt tình trạng bị "Trung Quốc hóa" ít nhất về mặt tư tưởng. Sẽ là rất thiển cận nếu ai đó cho rằng việc thừa nhận các giá trị phương Tây sẽ khiến Việt Nam biến thành phương Tây bởi rõ ràng Nhật Bản hay Hàn Quốc đã thừa nhận các giá trị phương Tây nhưng họ vẫn là chính họ.
Không thể phủ nhận rằng hệ giá trị phương Tây với hạt nhân là tự do đã gieo trồng những mầm phát triển ở bất cứ nơi đâu mà nó có mặt. Bởi tự do là cảm hứng phát triển; tự do luôn dẫn đến sự sáng suốt trên tất cả các khía cạnh, đặc biệt là nhận thức và khi đã sáng suốt về mặt nhận thức thì các giải pháp sẽ rất đúng đắn. Một trong những nguyên nhân khiến mọi thời đại chính trị của Việt Nam không thành công khi giải quyết vấn đề chính trị với Trung Quốc là chúng ta không độc lập về mặt nhận thức. Chúng ta không chấp nhận các giá trị phương Tây và lấy Trung Quốc làm mẫu nên chúng ta không thể tách khỏi Trung Quốc. Do đó, thừa nhận các giá trị phương Tây chính là nâng cao năng lực đề kháng của Việt Nam khi sống bên cạnh Trung Quốc vĩ đại.
Không ít người đặt câu hỏi tại sao chủ nghĩa Marx lại có ma lực đối với những nước cộng sản. Trong tác phẩm Grand Failure, Brezensky đã cho rằng sở dĩ chủ nghĩa Marx hấp dẫn đối với các nước cộng sản là bởi nó hứa hẹn một tương lai không có bóc lột và điều này thỏa mãn khát vọng của tầng lớp lao động. Tuy nhiên, hơn cả thế, chủ nghĩa Marx còn thỏa mãn tuyệt đối sự kiêu ngạo của tầng lớp trí thức - những kẻ luôn khao khát cải tạo thế giới. Trung Quốc là một trong số rất ít những nước cộng sản còn lại nhận ra tính không thực dụng của chủ nghĩa Marx và vì lý do đó, họ đã sắp xếp hệ tư tưởng theo chiều dọc. Từ Khổng giáo đến chủ nghĩa Marx, đến tư tưởng Mao Trạch Đông, học thuyết của Đặng Tiểu Bình và lý thuyết Ba đại diện của Giang Trạch Dân. Đối với Khổng giáo hay chủ nghĩa Marx, Trung Quốc ứng xử theo lối kính nhi viễn chi. Họ có những người thực dụng như Mao Trạch Đông hay Đặng Tiểu Bình để đưa Trung Quốc ra khỏi quá khứ. Nhận ra sự tới hạn trong học thuyết của Đặng Tiểu Bình, Giang Trạch Dân đã sáng tạo ra lý thuyết Ba đại diện nhằm thay đổi chất lượng đại diện của Đảng Cộng sản Trung Quốc - tức thay vì đại diện cho những lực lượng cụ thể, Đảng Cộng sản Trung Quốc đại diện cho những giá trị tiên tiến cụ thể. Nhưng rõ ràng, sự phát triển tốt của một Đảng chính trị không thể thay thế sự phát triển tốt về mặt chính trị của cả một dân tộc; nói cách khác, một dân tộc chỉ có thể phát triển tốt về mặt chính trị khi thừa nhận sự đa dạng tinh thần như là tiền đề của nền dân chủ. Vì những lý do đó, Trung Quốc không thể nào trì hoãn quá trình tiệm cận nền dân chủ, và cần phải cảnh báo rằng khi nào Trung Quốc đạt tới trạng thái dân chủ về mặt chính trị, mọi sức mạnh trong cơ thể người khổng lồ ấy sẽ được giải phóng và liệu còn chăng cái gọi là cơ hội cải cách hay cơ hội phát triển cho Việt Nam? Một thiên tài chính trị cần phải dũng cảm đối mặt với câu hỏi đó.
KẾT LUẬN
Lịch sử Việt Nam thế kỷ trước được ghi dấu bởi Hồ Chí Minh - người đã giải quyết thành công vấn đề chính trị căn bản nhất - đó là độc lập dân tộc. Hy vọng rằng, trong thế kỷ XXI, chúng ta sẽ tìm thấy những tố chất Hồ Chí Minh trong các nhà chính trị Việt Nam đương đại. Tuy nhiên, trước khi đi tìm những tố chất đó, chúng ta phải tự do và quan trọng nhất là phải tự do với chính mình và với lịch sử của mình.
Nguồn: Trích bài “Nhân tài và và sử dụng nhân tài” – sách Suy tưởng, NXB Hội nhà văn, 2005
http://www.danluan.org/tin-tuc/20140710/nguyen-tran-bat-nhan-tai-chinh-tri-loi-giai-cho-bai-toan-phat-trien

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét