Thứ Hai, 11 tháng 8, 2014

Việt nam nên làm gì trước khủng hoảng? (1)

Phần 1

NGUYỄN VẠN PHÚ thực hiện
Chia sẻ bài viết này
Hiện nay cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã lan sang khu vực sản xuất với hàng loạt nước công bố GDP giảm mạnh bất kể nhiều gói kích cầu được chính phủ các nước liên tục công bố. TBKTSG mời các chuyên gia kinh tế là các cộng tác viên quen thuộc của TBKTSG thảo luận qua thư điện tử một số vấn đề nhằm góp phần tìm một chiến lược thích hợp cho Việt Nam trong bối cảnh đó.
Bao giờ phục hồi?
TBKTSG: Câu hỏi đặt ra là mọi việc rồi sẽ đi về đâu?
GS. Trần Hữu Dũng: Tôi nghĩ là tình hình sẽ trầm trọng hơn, ít nhất là trong khoảng ba tháng nữa. Từ đó đến cuối năm 2009 thì tình hình sẽ ổn định (tức là không xấu hơn, nhưng cũng chưa thật sự khởi sắc) và sẽ có những dấu hiệu thực sự phục hồi từ quí 1 hoặc quí 2-2010. Nhưng đây chỉ là dự đoán (khá lạc quan!) của tôi, tình hình tùy thuộc rất nhiều vào chính sách của các nước quan trọng như Mỹ, Nhật, EU.
TS. Vũ Quang Việt: Riêng với Mỹ, gói kích cầu gần 800 tỉ đô la sẽ giúp phần nào chặn đứng đà suy thoái, giảm bớt những khó khăn cho dân bị thất nghiệp, nhưng gói kích cầu này không thể đưa nền kinh tế đến hoạt động bình thường. Bởi hệ thống tài chính Mỹ vẫn còn trong tình trạng hấp hối. Vấn đề chính là các món nợ xấu, làm cơ sở cho các loại chứng khoán rác trên thị trường là một mớ bòng bong, chưa được giải quyết.
Ngay cả đến việc thiết lập một hệ thống để biết ai nợ ai, và từ đó xóa đi phần nợ lẫn nhau cũng chưa được thực hiện. Nếu chưa giải quyết được vấn đề tài chính thì tôi nghĩ việc phục hồi ngay cả vào năm 2010 cũng khó. Giải pháp cuối cùng mà Chính phủ Mỹ có thể làm là để ngân hàng phá sản, và rồi đứng ra tổ chức lại, tức là quốc hữu hóa.
GS. Trần Văn Thọ: Hiện nay, nước nào cũng đưa ra kế hoạch kích cầu, hướng vào thị trường nội địa. Có lẽ phải đến giữa năm 2009 các kế hoạch này mới bắt đầu có tác dụng, nhưng mức độ suy sụp của sản xuất đã quá trầm trọng nên nhìn chung năm 2009 là năm đen tối nhất của kinh tế thế giới từ sau Thế chiến II. Theo đa số các dự báo hiện nay, kinh tế thế giới sẽ vào quỹ đạo hồi phục trong năm 2010. Tôi cũng hy vọng như vậy.
TBKTSG: Nên nhìn vào các chỉ báo nào để biết được lúc nào tình hình sẽ xoay chuyển?
GS. Trần Hữu Dũng: Đối với Mỹ, chỉ báo nên theo dõi là tỷ lệ thất nghiệp. Nếu tỷ lệ này ngừng tăng thêm, hoặc tăng chậm lại, thì tình hình sẽ bắt đầu khá dần lên.
GS. Trần Văn Thọ: Ở Nhật, đó là tỷ lệ cung cầu lao động, tỷ lệ thất nghiệp, giá chứng khoán. Ngoài ra, tình hình liên quan đơn đặt hàng mua máy móc (giúp phán đoán khuynh hướng đầu tư sản xuất của doanh nghiệp) cũng thường được tham khảo.
TS. Vũ Quang Việt: Nước Mỹ làm đầu tàu cho kinh tế thế giới vì họ mua hàng khắp thế giới để tiêu, bằng cách vay mượn của chính những nước này. Trong cả hơn chục năm nay nước Mỹ mượn tiền của thế giới để tiêu, hàng năm họ mượn của thế giới khoảng 800 tỉ đô la. Khi khả năng vay bị hạn chế lại vì người vay thiếu khả năng chi trả thì tất nhiên nền kinh tế đình đốn. Khi nền kinh tế bình thường trở lại thì họ lại phải lo đối phó với ám ảnh lạm phát cao vì số tiền tung ra như giấy lộn thời gian qua.
Có thể nói kinh tế Mỹ không thể phát triển mạnh như trước. Và nên nhớ rằng thất nghiệp còn kéo dài nhiều quí sau đó dù GDP tăng vì doanh nghiệp chỉ tăng thu dụng khi đã yên tâm và năng suất đã đưa đến đỉnh điểm. Lúc đó chi tiêu mới khá lên.
TBKTSG: Hiện nay, các nhà kinh tế cũng không thể tìm ra tiếng nói đồng thuận về các giải pháp. Vì sao kinh tế học không làm được vai trò tư vấn cho chính trị?
GS. Trần Hữu Dũng: Đại đa số các nhà kinh tế nhìn nhận là phải kích cầu. Nhưng “gói kích cầu” cần bao nhiêu chi tiêu chính phủ, bao nhiêu giảm thuế... mới là chỗ tranh cãi (vì nó đụng chạm đến bất đồng ý căn bản - thậm chí có tính... triết lý - về vai trò của nhà nước, về tự do cá nhân, về sự công bằng trong xã hội...).
Các nhà chính trị thì còn phải quan tâm đến những mục tiêu khác mà nhà kinh tế không nghĩ đến, cũng như có những hạn chế, ràng buộc trên thực tế (ví dụ như dù cho nhà nước có muốn chi tiền cho dự án này, dự án nọ, nhưng không đủ dự án có sẵn để khởi công, thì làm sao mà tiêu?).
GS. Trần Văn Thọ: Đại khái tôi giống ý kiến anh Dũng. Thêm một điểm nữa là các nhà kinh tế cũng không hẳn giống ý kiến nhau khi bàn về mục tiêu tăng trưởng, phát triển, về tốc độ, bước đi của hội nhập vào thị trường thế giới... Dù có mục tiêu giống nhau nhưng chính sách, biện pháp có thể khác nhau tùy theo cách nhìn về hiệu quả và hậu quả của các chính sách.
Trong bối cảnh hiện nay, ai cũng đồng ý là phải phục hồi sản xuất, giải quyết thất nghiệp nhưng không giống ý kiến về biện pháp, về các công cụ tài chính, tiền tệ... Lãnh đạo chính trị cần lắng nghe các ý kiến khác nhau và cuối cùng chịu trách nhiệm về sự chọn lựa của mình.
TS. Vũ Quang Việt: Tôi ví dụ, rất khó đồng thuận với đề nghị của Tổng thống Obama là dùng tiền thuế 250 tỉ đô la để chi giảm lãi suất cho những người mua nhà đang có vấn đề trả góp. Nhiều người hỏi là tại sao tôi lại phải đóng thuế để chi cho anh như thế? Và tại sao ngân hàng cho vay bừa bãi mà không chịu trách nhiệm lại còn được hưởng hoa hồng khi làm chuyện này?
TBKTSG: Đã có dấu hiệu gì cho thấy một mô hình kinh tế - tài chính mới nổi lên làm nền tảng cho một sự chuyển đổi mô hình trong thời gian tới?
GS. Trần Hữu Dũng: Tôi nghĩ đây sẽ là hệ quả lớn nhất của cuộc khủng hoảng này (cũng như Đại suy thoái 1929 đã khai sinh kinh tế học Keynes). Khu vực tài chính chắc chắn sẽ bị điều tiết chặt chẽ hơn, thậm chí vấn đề quốc hữu hóa ngân hàng đã được đặt ra (ngay ở Mỹ).
Cơ cấu công nghiệp nhiều nước sẽ biến đổi sâu xa, chẳng hạn như công nghiệp ô tô ở Mỹ chắc chắn là sẽ thu nhỏ, lôi kéo nhiều công nghiệp khác, như công nghiệp thép, nhỏ theo...). Hệ thống sản xuất và phân phối toàn cầu sẽ qua nhiều tái cấu trúc...
TS. Vũ Quang Việt: Anh Dũng nói đủ nên tôi không thấy cần thêm. - GS. Trần Văn Thọ: Có thể có nhiều cách hiểu về mô hình kinh tế - tài chánh. Theo tôi, mô hình kinh tế - tài chánh từ thập niên 1980, nhất là từ 20 năm trước, đã xoay quanh ba thuật ngữ (key words): nhà nước, thị trường và toàn cầu hóa, trong đó thị trường và toàn cầu hóa giữ vai trò chủ đạo, dù đã có nhiều ý kiến khác.
Trong thời gian tới, mô hình mới cũng xoay quanh ba thuật ngữ đó nhưng vai trò của nhà nước sẽ được nhấn mạnh, nhất là việc kiểm soát hệ thống tài chánh, thị trường tiền tệ sẽ được chú trọng, và tiến trình toàn cầu hóa sẽ phải chững lại. Việt Nam nên làm gì?
TBKTSG: Trong bối cảnh đó, giữa những biến chuyển đó, Việt Nam nên làm gì, cả trong ngắn hạn lẫn dài hạn?
TS. Vũ Quang Việt: Xuất khẩu của Việt Nam lên tới 70% GDP, nhập khẩu thì hơn 90%, và nếu tiếp tục như thế thì Việt Nam sẽ luôn luôn phải đối mặt với ảnh hưởng trầm trọng của khủng hoảng kinh tế thế giới. Hầu hết những gì xuất khẩu chỉ là khai khoáng và sức lao động rẻ tiền. Chưa thấy có cái gì gọi là thương hiệu.
Kêu gọi đầu tư nước ngoài hầu hết cũng là khai khoáng, làm sân golf, tàn phá thiên nhiên và môi trường, chủ yếu cũng là phục vụ kinh tế nước ngoài. Và vốn không chỉ là từ FDI mà là vốn mình vay nữa.
Đây là lúc nên đặt lại vấn đề phát triển nội lực. Về ngắn hạn, làm kế hoạch đối phó với khủng hoảng thì phải tính đến tình huống xấu nhất để đối phó, không nên tô hồng, đòi đồng thuận.
Riêng bài học về cuộc khủng hoảng lạm phát ở Việt Nam, độc lập với cuộc khủng hoảng ở thế giới hiện nay, tôi chưa thấy Việt Nam rút ra được bài học nào đáng kể.
Cứ nhìn Công ty Điện lạnh REE, hình như họ đã cố rút ra được bài học, vì một công ty sản xuất và làm dịch vụ lại có vài công ty con đầu tư chứng khoán và địa ốc. Sản xuất thì không lỗ nhưng lỗ nặng vì mua chứng khoán. Tất nhiên là công ty tư nhân họ muốn làm gì thì làm nhưng không thấy ai ở Mỹ làm chuyện mua bán chứng khoán đầu cơ như vậy. Công ty có mua là mua nhằm đầu tư chiến lược kiểm soát các công ty khác. Thế nhưng Nhà nước ta, trong nghị định mới, vẫn cho phép các tập đoàn sản xuất lập ngân hàng, mở công ty địa ốc...
GS. Trần Hữu Dũng: Việt Nam đang gặp phải những thử thách trầm trọng, nhưng cũng có thể có nhiều cơ hội, đòi hỏi những chính sách khôn ngoan. Phải nhìn xa. Phải theo dõi thật sát và đánh giá thật kỹ biến chuyển hàng ngày trên thế giới, nhất là những nước có liên hệ kinh tế nhiều với ta như Mỹ, Nhật, Hàn - và đừng quên Trung Quốc! Cũng nên theo dõi chính sách của các nước ASEAN.
Đối nội, ưu tiên phải là giải quyết vấn đề thất nghiệp. Nhân dịp này, phải lành mạnh hóa hệ thống ngân hàng mà từ trước đến giờ vẫn là khu vực yếu nhất trong nền kinh tế nước ta. Nói chung, cần có một đội ngũ chuyên viên kinh tế tài chính thật sự có khả năng (nhất là về kinh tế quốc tế) và phải lắng nghe ý kiến của họ.
GS. Trần Văn Thọ: Trong một nước mà trình độ phát triển kinh tế còn thấp như nước ta, kích cầu hiện nay nên được hướng vào việc tăng cung cho giai đoạn tới, nghĩa là tạo ra nhu cầu để giải quyết sự suy thoái trước mắt nhưng đồng thời (thông qua biện pháp kích cầu) phải tăng năng lực sản xuất, năng lực cạnh tranh khi kinh tế thế giới hồi phục và cả trong dài hạn. Các biện pháp thực hiện gói kích cầu nên theo sát phương châm lớn đó.
Cụ thể, có thể nêu ra vài điểm như sau. Thứ nhất, chỉ đầu tư công ở những điểm yếu thật sự trong kết cấu hạ tầng kinh tế. Chẳng hạn, quốc lộ 1 cần được mở rộng và nâng cấp ngay, nhất là tại khu vực Bắc Trung bộ và duyên hải Nam Trung bộ, và mở thêm những con đường “xương cá” nối các thôn làng đến quốc lộ 1.
Thứ hai, tín dụng ưu đãi nên ưu tiên cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, là những nơi tạo ra nhiều công ăn việc làm nhưng lại đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn. Qua đó, công nghiệp phụ trợ cũng dễ phát triển.
Thứ ba, tập trung xây dựng nhà ở giá rẻ cho người có thu nhập thấp, nhất là tại các vùng phụ cận với các khu công nghiệp, và từng bước giải quyết các khu nhà “ổ chuột” ở thành phố. Đầu tư theo hướng này vừa có tác dụng an sinh xã hội, vừa tạo điều kiện cải thiện thị trường lao động, ổn định sản xuất cho giai đoạn tới.
Thứ tư, đầu tư cải thiện hạ tầng giáo dục, nhất là bậc tiểu học ở vùng sâu vùng xa. Giải quyết tình trạng thiếu phòng học, thiếu cơ sở vui chơi, giải trí của học sinh ở vùng sâu vùng xa. (Điểm thứ tư này không có tác dụng về mặt cung trước mắt nhưng quan trọng trong dài hạn).
Song song với chính sách kích cầu theo hướng vừa nói, trước mắt nên tìm biện pháp cải thiện quan hệ kinh tế với Trung Quốc.
Thứ nhất, Trung Quốc là thị trường rất lớn, lại ở sát nách Việt Nam. Nhập khẩu năm 2007 [của nước này] gần 1.000 tỉ đô la. Dĩ nhiên nhập khẩu Trung Quốc sẽ giảm nhiều trong tình hình hiện nay, nhưng vẫn là thị trường lớn. Theo nhiều dự báo, kinh tế Trung Quốc sẽ phát triển trên 5% trong năm 2009 và cao hơn trong các năm sau.
Thứ hai, hàng công nghiệp của Trung Quốc tràn ồ ạt vào thị trường Việt Nam, gây ra sự mất thăng bằng trầm trọng trong cán cân ngoại thương của ta. Nỗ lực thay thế hàng nhập từ Trung Quốc tại thị trường nội địa Việt Nam và đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc sẽ góp phần ổn định kinh tế vĩ mô (giảm nhập siêu) và tăng năng lực cạnh tranh của hàng công nghiệp Việt Nam trên thị trường thế giới.
Dĩ nhiên cũng nên tiếp tục quan tâm đến các thị trường khác, nhưng trong cuộc khủng hoảng này, cải thiện quan hệ với Trung Quốc là một mũi đột phá quan trọng.
GS. Trần Hữu Dũng hiện đang giảng dạy tại Đại học Wright State University, Ohio, Hoa Kỳ.
- GS. Trần Văn Thọ hiện đang giảng dạy tại Đại học Waseda, Nhật Bản.
- TS. Vũ Quang Việt nguyên là chuyên viên cao cấp về thống kê của Liên hiệp quốc.
http://www.danluan.org/tin-tuc/20090226/viet-nam-nen-lam-gi-truoc-khung-hoang-phan-1

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét