Thứ Năm, 14 tháng 8, 2014

Đại học Việt nam không giống ai

GS Nguyễn Văn Tuấn
13-08-2014
Tôi có một ước vọng nho nhỏ: đó là sưu tầm và hệ thống hoá những qui định lạ lùng, nhưng câu chuyện “không giống ai” trong vài đại học ở VN. Có thể chỉ là những chuyện nhỏ, nhưng ý nghĩa thì không nhỏ chút nào, vì nó liên quan đến cái mộng đại học đẳng cấp quốc tế của VN.
Qui định về thời gian đào tạo tiến sĩ. Trước đây tôi đã bày tỏ ngạc nhiên về qui trình và thời gian đào tạo tiến sĩ ở một vài đại học trong nước. Ở một trường đại học có tiếng tại Sài Gòn, người ta qui định rằng thời gian đào tạo tiến sĩ là 4 năm nếu nghiên cứu sinh (NCS) có bằng tốt nghiệp đại học. Điều còn ngạc nhiên hơn là nếu NCS đã có bằng thạc sĩ [tức master] thì thời gian học chỉ … 2 năm.
Tôi không rõ có đại học nghiêm túc nào trên thế giới mà đào tạo tiến sĩ chỉ 2 năm. Ở UNSW (tôi chỉ nói khoa y), thời gian đào tạo trung bình là 4 năm, nhưng thường lấn sang năm thứ 5. Có người tốn cả 6 năm mới xong chương trình học. Đối với nhiều trường, thời gian không phải là qui định chính, mà công trình nghiên cứu được công bố quốc tế mới là qui định chính. Ở các nước Bắc Âu, luận án tiến sĩ là tập hợp 3-4 công trình đã công bố trên các tập san quốc tế. Do đó, NCS có thể tốn cả 7 hay 8 năm để “trả nợ” mới được bảo vệ luận án.
Qui định về công bố và luận án tiến sĩ. Cũng đại học nọ ở Sài Gòn có qui định rất lạ lùng. Đó là qui định rằng NCS không được công bố bài báo khoa học trước khi bảo vệ luận án. Đây là một qui định “ngược đời”. Ngược đời ngay cả đối với các đại học VN. Như đề cập trên, các đại học phương Tây người ta qui định NCS phải công bố bài báo khoa học trên các tập san quốc tế trước khi bảo vệ luận án; nếu không công bố kịp trên tập san thì cũng công bố trong các hội nghị chuyên ngành có uy tín. Đâu có ai lại qui định ngược đời như đại học đó.
Qui định về dự hội nghị nước ngoài. Đại học T kia cũng ở Sài Gòn có qui định cho nhân viên (bất kể giảng viên hay nhân viên hành chính) rằng mỗi năm chỉ được đi nước ngoài 2 lần, bất kể được mời hay tự nguyện. Tôi ngạc nhiên vì nếu ban tổ chức mời nói chuyện và trả tiền vé máy bay và tiền ăn ở, nhưng với qui định này đương sự đành phải từ chối.
Tôi chưa bao giờ thấy một qui định nào lạ lùng và phản học thuật đến như thế. Nếu nhà khoa học hay giảng viên có tiếng thì việc được mời giảng ở nước ngoài xảy ra thường xuyên. Người ta khuyến khích đương sự đi dự vì đó là một VINH Dự cho trường (và cho cá nhân đương sự), đâu có ai điên rồ đến nỗi cấm đoán không cho đi?! Có lẽ ở VN người ra qui định không biết luật chơi khoa học nên đề ra những qui định rất phản học thuật như thế.
Ấn phí. Công bố nghiên cứu trên các tập san quốc tế có khi phải trả tiền ấn phí. Số tiền này có thể từ 400 đến 1000 USD, tuỳ số trang và tuỳ vào tập san. Nhiều trường đại học ở VN ý thức được tầm quan trọng của công bố quốc tế, nên họ khuyến khích giảng viên và nhà khoa học công bố nghiên cứu trên các tập san quốc tế danh giá. Họ sẵn sàng trả tiền ấn phí. Nhưng cũng có những đại học lớn và tầm quốc gia thì chẳng những không khuyến khích công bố quốc tế, mà nếu giảng viên có công bố thì đại học cũng không trả tiền ấn phí.
Những đại học này lí giải rằng việc công bố là đem lại lợi ích cho cá nhân của giảng viên, chứ chẳng liên quan gì đến trường, nên họ không có lí do gì phải trả tiền ấn phí hay khuyến khích giảng viên phải công bố quốc tế. Đó là một tầm nhìn sai lầm và thiển cận, có phần đố kị. Ở nước ngoài, khi giảng viên có bài trên các tập san tốt (có impact factor cao) người ta tổ chức ăn mừng và cho cá nhân tác giả tiền thưởng hàng ngàn USD. Ở Tàu, các đại học có ngân sách khuyến khích công bố quốc tế bằng cách thưởng tiền, và số tiền thưởng tuỳ theo impact factor của tạp chí. Vậy mà có đại học ở VN thiển cận đến nổi xem công bố quốc tế là chuyện cá nhân của giảng viên!
Hệ số lương giảng viên không bằng bí thư chi đoàn. Hôm qua, một bạn đọc cho xem hệ số lương của một trường đại học bách khoa (và cũng có thể là qui định chung cho cả nước?) tôi hơi sốc. Theo qui định này, hiệu trưởng có hệ số lương 15, cao nhất trong trường. Phó hiệu trưởng có hệ số lương 10, cao hơn trưởng khoa (7-8). Nhưng cái sốc là trường cũng phải trả lương cho cán bộ đảng và đoàn! Hệ số lương của bí thư đảng uỷ là 12, tức cao hơn cả phó hiệu trưởng! Bí thư đoàn thanh niên có hệ số lương 6, cao hơn phó khoa (với hệ số 5).
Qui định này nói lên rằng một cá nhân chẳng cần học hành gì cho tốn công sức, chỉ cần phấn đấu làm bí thư đảng uỷ là cũng có lương cao. Trẻ hơn thì chỉ cần nắm được cái chức bí thư đoàn thì cũng hơn phó khoa. Qui định này, một cách hùng hồn, xem thường giới học thuật và giảng viên của trường. Giảng viên, trưởng/phó khoa là cái rường cột của trường đại học mà được đối xử như thế thì thử hỏi ai muốn phấn đấu học hành lên PhD làm gì.
***
Như tôi nói lúc ban đầu, những qui định và câu chuyện này nhìn bề mặt thì nó nhỏ hay rất nhỏ, nhưng nó là sản phẩm của những tư duy lỗi thời, bao cấp, độc quyền. Nó chứng minh rằng cái tư duy độc quyền đó vẫn còn ngự trị trong đầu một số người có quyền trong các đại học. Có hiệu trưởng còn phàn nàn rằng tại sao ban tổ chức hội nghị không gửi thư mời cho hiệu trưởng để họ phân công cán bộ đi dự, mà lại gửi cho cá nhân giáo sư. Đúng là tư duy độc quyền và độc tài còn sót lại thời bao cấp, và chẳng biết gì về luật chơi khoa học quốc tế.
Thử hỏi trên thế giới có ai lại cấm không có giáo sư đi nước ngoài hơn 2 lần? Ở trường tôi, những giáo sư nổi tiếng được các hội nghị mời, các trường khác mời, và họ đi nước ngoài như “đi chợ”. Họ là bộ mặt của trường, sự có mặt của họ trong các hội nghị, trên bục giảng là vinh dự của trường, là một quảng bá tuyệt vời cho trường. Người ta có thể không nhớ ông giáo sư Smith, nhưng người ta nhớ tên trường. Ấy thế mà có những đại học VN không nhận ra điều này và ra những qui định chẳng giống ai.
Những câu chuyện và qui định trên đây chắc chắn chưa đầy đủ, nhưng nó nói lên những bất cập một cách nghiêm trọng trong tư duy của một số người giới lãnh đạo đại học. Việt Nam muốn các đại học hội nhập quốc tế, tức là theo “luật chơi”, hay ít ra là phải am hiểu những qui ước và qui định của các đại học nước ngoài. Việt Nam cũng có ý nguyện muốn có một vài đại học thuộc vào nhóm “đẳng cấp quốc tế”, hiểu theo nghĩa có tên trong các danh sách đại học hàng đầu thế giới. Nghiên cứu khoa học là tiêu chuẩn số 1 để đại học VN có thể có tên trong các đại học hàng đầu thế giới. Nhưng hiện nay, đã ở thế kỉ 21 này, mà vẫn còn có những đại học có những qui định rất ư là phản học thuật, những tầm nhìn rất ư là cục bộ và chẳng có gì là đại cục quốc gia hay tầm nhìn thế giới. Nhiều người thích nói chuyện lớn “đẳng cấp quốc tế”, nhưng những chuyện nhỏ như thế này cho thấy với tư duy và tầm nhìn này, các đại học VN sẽ khó hội nhập quốc tế, và đừng mơ mộng đến “đẳng cấp quốc tế”.
Nguồn: FB Nguyen Tuan
http://anhbasam.wordpress.com/2014/08/13/2859-dai-hoc-vn-khong-giong-ai/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét