Thứ Hai, 11 tháng 8, 2014

Văn hóa từ chức trên một nền tảng hư không

Tùng Lâm - "Văn hóa từ chức" trên một nền tảng "không còn gì và chưa có gì"?

Tùng Lâm
"Văn hóa" là thứ đến muộn nhất sau khi người ta đã học đủ mọi thứ rồi. Muốn có "Văn hóa từ chức" thì trước hết phải học xong văn hóa làm người như các cụ thường dạy đơn giản như: văn hóa ăn, văn hóa nói, văn hóa đi, văn hóa đứng, văn hóa ngồi, văn hóa cười... Trong một cung bậc văn hóa Không còn gì và chưa có gì đã mấy ai được học hành hay dạy dỗ những văn hóa cơ bản đâu mà đòi hỏi thứ cao cấp như "Văn hóa từ chức"?
Chia sẻ bài viết này
Từ khi đại biểu Dương Trung Quốc đưa ra đề nghị "Văn hóa từ chức" tại phiên chất vấn Chính phủ của Quốc hội sáng ngày 14/11/2012 không biết bao nhiêu bài viết, lời bình luận trên rất nhiều trang mạng và cả các tờ báo lề đảng cũng phù họa theo. Phần lớn (99%) số các bài viết và lời bình tỏ thái độ chia sẻ, tán thành và thậm chí là ngưỡng mộ ý kiến xung trận thẳng thắn và có phần "táo bạo" của đại biểu Quốc. Phải thừa nhận đó là tiếng nói thể hiện được nỗi lòng, thái độ và mong muốn của người dân trong bối cảnh hiện nay.
Không chỉ có Nhân dân - những người đang gánh chịu và trả giá cho những hạn chế, yếu kém trong điều hành và sự nhũng nhiễu của bộ máy Chính phủ, mà ngay cả một số vị đại biểu Quốc hội - những người đang được hưởng bổng lộc từ cái sự "nhũng nhiễu" đó cũng muốn có thay đổi, nhưng họ không dám biểu lộ thái độ và chính kiến mà thôi.
Còn nhớ phiên chất vấn ngày 24/11/2010 tại Quốc hội khóa trước, đại biểu Nguyễn Minh Thuyết đã đề nghị lấy phiếu tín nhiệm đối với Thủ tướng sau những bê bối của Vinashin. Thế rồi, sau những "lời nhận lỗi" trước Quốc dân đồng bào kèm theo các lời thề, lời hứa... song, đến nay không những một Vinashin mà biết bao nhiêu Vina khác, cùng với những thất thoát lớn hơn ở tầm vĩ mô đang hủy hoại nền kinh tế; nhưng lời hứa vẫn chỉ là lời hứa. Những bức xúc của xã hội hay phản ứng của những người tâm huyết có vẻ chỉ là "chuyện phiếm", chẳng mang lại một sự thay đổi nào. Trong bối cảnh như vậy, thì "phát súng" của đại biểu Quốc đã đánh thức niềm hy vọng mới của đám đông và có vẻ đang thu hút được sự chú ý của dư luận xã hội nhiều hơn là lời cảnh báo của GS Thuyết năm 2010. Tuy nhiên nếu suy ngẫm kỹ một chút, ta sẽ thấy mặc dù ý kiến có thắng thắn nhưng lại hơi "mơ hồ". Có lẽ do ảnh hưởng nghề nghiệp và xuất thân của ông Quốc đã phần nào thể hiện trong cách trình bày chất vấn của ông.
3-chot.png
Không nghi ngờ gì cái chất "văn hóa" của ông Dương Trung Quốc - vốn là Nhà sử học đồng thời ông xuất thân (nghe đâu) từ một gia đình có giáo dục ở Hà Nội; có cả một nền tảng văn hóa của gia đình và bản thân ông cũng là người được học đến nơi, đến chốn. Ông đúng là một thành phần "Nhà Nho" nếu ở chế độ Phong kiến. Ông bị ảnh hưởng khá nhiều của đạo đức và văn hóa Nho giáo trong một xã hội có nền tảng Đức trị. Nền văn hóa mà những phẩm chất như lòng tự trọng, sự liêm khiết hay liêm sỉ cùng với lối sống gương mẫu luôn là thước đo và thường có tỷ lệ thuận với địa vị của xã hội. Những người càng có quyền chức lớn thì sự liêm sỉ và tự trọng càng cao. Đặc biệt là các đấng Quân Vương. Cũng không nghi ngờ gì nếu ông Quốc là Thủ tướng thì chẳng phải đợi đến Đại hội này, ông đã từ chức từ Đại hội trước rồi.
"Văn hóa" là một khái niệm rất rộng. Văn hóa: tiếng Anh: "culture", tiếng Latin: "cultura", đều có gốc là "vun trồng". Để tạo ra một nền tảng và cung bậc "văn hóa" cho một người, một cộng đồng xã hội, hay một chế độ, nó phải được trải qua rất nhiều tích lũy, vun đắp mới có được. Văn hóa là thói quen, là tập quán, là quá trình giáo dục, đào tạo, kế thừa, tích lũy và chắt lọc. Văn hóa luôn phải được đặt trong một môi trường nhất định về thời gian và không gian chứ không thể tình cờ hay muốn là có. Nước Nhật có một bề dày văn hóa Đức trị kết hợp với nền văn minh công nghiệp hàng trăm năm nay mới sản sinh ra những vị Thủ tướng có "Văn hóa từ chức", điển hình như các ông Hatoyama, Shinzo Abe, hay Naoto Kan... Các nước phương Tây gần đây nhất như Thủ tướng Hy lạp Lucas Papademos hay ở Italy là ông Sivio Berlusconi cũng xin từ chức một cách đầy văn hóa. Nước Mỹ có nền Pháp trị trên nền tảng của tự do và dân chủ tối đa hàng trăm năm mới có những vị Tổng thống vĩ đại cả về tâm lẫn tầm để làm nên một nước Mỹ như ngày hôm nay. Kể cả Việt nam ngày xưa, thời trước năm 1945 cũng thế, các cụ đã được thừa hưởng một nền giáo dục Quốc học rất căn bản cả về kiến thức lẫn đạo lý (kết luận của ông Dương Trung Quốc trong bài "Thế hệ chúng ta mất gốc hoàn toàn") nên cũng không thiếu những gương từ quan giữ tiết tháo. Xã hội Việt nam ngày nay đã khác nhiều rồi, nó không phải nước Nhật, không phải Hàn Quốc, Hoa kỳ hay Châu Âu... lại càng không phải ngày xưa. Nếu có giống thì cũng chỉ na ná như Trung Quốc, Triều tiên, Cu Ba mà thôi.
Chẳng phải riêng các nhà nghiên cứu văn hóa xã hội phải thất vọng về văn hóa Nước nhà mà chính ông Quốc đã từng thốt lên "Thế hệ chúng ta đã mất gốc hoàn toàn rồi sao?"; theo cách nói của ông Hà sĩ Phu thì đó là sự "Vong bản tuyệt đối". Vậy ông còn mong chờ gì "Văn hóa từ chức" kiểu tư bản giãy chết đối với những sản phẩm - con đẻ của một xã hội "Vong bản tuyệt đối"? Cái gốc đã bị đào xới, cắt bỏ không thương tiếc ngay từ khi những người Mác xít vô thần "cấp tiến" nhất có chủ trương tẩy chay tư tưởng hữu Thần, chỉ giữ lại "Thánh" để thờ mà thôi. Có thể một số ít người "chậm tiến" như ông Quốc không phải là người Mác xít, bị ảnh hưởng Nho giáo khá nặng, còn vương lại một ít "Thần" trong con người nên chưa bị mất hết gốc.
Vậy trước khi ông Dương Trung Quốc đề nghị Thủ tướng hướng tới một "Văn hóa từ chức" để từng bước đoạn tuyệt với những lời xin lỗi thì ông đã đặt bối cảnh văn hóa Việt nam hôm nay vào đúng với cái bản thể của nó chưa? Ông đã đặt những cá nhân phải có "Văn hóa từ chức" đúng với bản ngã của họ chưa? Chẳng phải sự "giãi bày hoàn cảnh" của Thủ tướng đã giải mã cho câu hỏi của ông rồi đó sao? Rằng Thủ tướng đã có 51 năm theo đảng (năm nay ông 63) điều đó có nghĩa là năm 12 tuổi ông đã phải vào rừng làm giao liên hay nhiệm vụ gì đó thì ông lấy đâu ra điều kiện học tập và thừa hưởng nền giáo dục Nho học như ông Dương Trung Quốc? Suốt quá trình từ đó đến nay, ông cùng với đảng của ông luôn phải bận tâm chống lại biết bao nhiêu kẻ thù văn hóa tư tưởng; nào là phá bỏ nền văn hóa Phong kiến hủ bại, lỗi thời, nào là đập tan nền văn hóa nô dịch của Thực dân Đế quốc và đặc biệt là chống lại văn hóa "độc hại" của của bọn Tư bản giãy chết. Trong khi nền "văn hóa bản sắc đích thực" định hướng Xã hội chủ nghĩa thì chưa kịp ra đời vì chưa định hình xong "con người Xã hội chủ nghĩa". Nói tóm lại có thể định dạng văn hóa nước nhà hiện nay đang trong trạng thái: không còn gì và chưa có gì.
"Văn hóa" là thứ đến muộn nhất sau khi người ta đã học đủ mọi thứ rồi. Muốn có "Văn hóa từ chức" thì trước hết phải học xong văn hóa làm người như các cụ thường dạy đơn giản như: văn hóa ăn, văn hóa nói, văn hóa đi, văn hóa đứng, văn hóa ngồi, văn hóa cười... Trong một cung bậc văn hóa Không còn gì và chưa có gì đã mấy ai được học hành hay dạy dỗ những văn hóa cơ bản đâu mà đòi hỏi thứ cao cấp như "Văn hóa từ chức"?
Ở những quốc gia Tư bản giãy chết - "một triệu lần kém dân chủ hơn ta", mặc dù được tự do đấy nhưng không phải đứa nào cũng dám đệ đơn ứng cử vào ghế Tổng thống hay Thủ tướng đâu. Nếu chúng tự thấy mình chưa xứng đáng và không đủ tầm thì (bố bảo) nó cũng không dám nhận nếu có cho. Cái đó gọi là "Văn hóa nhận chức", nó đã phải được học thuộc trước khi nhập môn "Văn hóa từ chức". Ở ta nếu được tự do như chúng nó có lẽ phải đến 3 triệu đảng viên ứng cử chức Thủ tướng không chừng. (Có lẽ đó cũng là lý do tại sao ở ta không được phép tự do ứng cử).
Nếu đòi hỏi những người đang ở nền văn hóa không còn gì và chưa có gì một "Văn hóa từ chức", chẳng hóa ra ông Quốc đã áp đặt cho người khác phải có một cung bậc văn hóa như ông hay như bọn tư bản giãy chết nhan nhản trên thế giới này chăng? Thật hài hước, lại có người lạc quan tếu, còn mở rộng thêm sáng kiến của ông bằng cách yêu cầu "Văn hóa từ chức trước hết phải bắt đầu từ đảng". Họ không biết rằng chính đảng cũng vừa là cha đẻ, vừa là con đẻ ra cái nền văn hóa đó.
Câu hỏi chất vấn của đại biểu Quốc vô hình chung đã dấy lên một phong trào đòi hỏi "Văn hóa từ chức" rộng khắp trong xã hội. Đó là một phong trào tiến bộ; song, chính sự mơ hồ đã làm chệch hướng đi của thời đại. Thay bằng những việc cấp bách cần làm ngay, thì người ta lại bắt đầu làm "phong trào văn hóa" ở một nơi không còn gì và chưa có gì. Văn hóa là công việc của trăm năm, không thể bỗng nhiên từ trên trời rơi xuống hay mong đợi sự "tiến hóa xuất thần" để khỉ biến thành Người. Điều này rất dễ khiến xã hội mất cảnh giác và rơi vào "cái bẫy hy vọng". Ông kêu gọi "Văn hóa từ chức" nghe rất "hào hoa phong nhã" nhưng xin... hãy cứ hy vọng!
Trên đây là vài suy nghĩ tản mạn xung quanh câu chuyện đang "HOT" của xã hội mà người đề xướng phong trào là ông Dương Trung Quốc để bày tỏ quan điểm cá nhân và góp thêm một cách nhìn khác chứ không hề có ý phản bác ông Quốc cũng như 99% những người đang cổ xúy cho phong trào. Về quan điểm, có lẽ cũng giống với ông Quốc và các FAN hâm mộ ông, nhưng tôi thích cách nói cụ thể của GS Nguyễn Minh Thuyết trả lời BBC gần đây hơn "nếu tôi có mặt trong phiên 14/11 tôi sẽ đề nghị Thủ tướng tự đưa ra hình thức kỷ luật cho mình". Thế là đủ, giản dị và dễ hiểu. Không nên đệm thêm "văn hóa" vào, nó không được đúng chỗ cho lắm.
Cuối cùng, mặc dù có những suy nghĩ hơi khác một chút với ông Quốc trong một ngữ cảnh cụ thể; song, về quan điểm thì không có gì mâu thuẫn. Còn về tư cách đại biểu Quốc Hội mà ông đảm nhận cho đến hôm nay: theo tôi đánh giá có rất ít người sánh được. Ông đã làm tròn nhiệm vụ của một người đại diện cho tiếng nói của dân. Rất cám ơn tấm lòng và tình cảm của ông đối với dân. Nếu ông tiếp tục "được phép ứng cử", ông sẽ là một trong những người đầu tiên tôi lựa chọn.
18/11/2012
TL
http://www.danluan.org/tin-tuc/20121120/tung-lam-van-hoa-tu-chuc-tren-mot-nen-tang-khong-con-gi-va-chua-co-gi

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét