Chủ Nhật, 24 tháng 8, 2014

Dấu hiệu Tàu quốc sắp leo thang gây hấn hơn nữa ở Biển Đông

Dấu hiệu Trung Quốc sắp leo thang gây hấn hơn nữa ở Biển Đông

(GDVN) - Sự cố trong tuần này cung cấp thêm bằng chứng cho thấy Trung Quốc đang chuẩn bị để thực hiện một đường lối hung hăng hơn về chủ quyền lãnh thổ.
J-11 Trung Quốc, hình minh họa.
Business Insider ngày 23/8 bình luận, báo cáo trong tuần này về một cuộc chạm trán cự ly quá gần giữa một chiến đấu cơ Trung Quốc và một máy bay do thám Mỹ ở Biển Đông (không phải Hoa Đông như bản tin đầu tiên của Washington Free Beacon ngày hôm qua) đã chứng minh rằng Trung Quốc không ngại hiện thực hóa đường lưỡi bò ở Biển Đông, bất chấp nguy cơ phải đối đầu với quân đội mạnh nhất thế giới - Hoa Kỳ.
1 chiếc J-11B (phiên bản nội địa Trung Quốc của mẫu Su-27 Nga) đã tiếp cận một cách nguy hiểm với chiếc P-8 của Mỹ đang có mặt để giám sát hoạt động tập trận quân sự "chưa từng có" của Trung Quốc gần đây đang tổ chức đồng thời ở Hoàng Hải, Hoa Đông và Biển Đông (vịnh Bắc Bộ). Địa điểm xảy ra vụ chạm trán cách đảo Hải Nam 200 km về phía Đông hôm 19/8. Động thái này một lần nữa dấy lên lo ngại về khả năng xảy ra một cuộc đối đầu quân sự ở Biển Đông.
Người phát ngôn Lầu Năm Góc John Kirby cho biết, có lúc chiếc J-11B của Trung Quốc cách chiếc P-8 của Mỹ chỉ 6,1 mét. Trong khoảng cách hết sức nguy hiểm đó, chiến đấu cơ Trung Quốc biểu diễn nhào lộn, phơi bụng để lộ những vũ khí nó mang theo hòng uy hiếp chiếc máy bay của Mỹ. Washington đánh giá, đây là một hành động "thiếu chuyên nghiệp và thừa nguy hiểm".

Đặng Tiểu Bình tới Tập Cận Bình, chính sách với láng giềng không đổi

(GDVN) - Thời gian xảy ra vụ giàn khoan 981, truyền thông Trung Quốc đưa tin Tập Cận Bình đã đến thăm 1 đơn vị quân đội, thúc giục binh lính phải "sẵn sàng chiến đấu".
Kirby cho biết, sở dĩ Lầu Năm Góc 3 ngày sau vụ việc mới công bố là vì muốn gửi kháng nghị tới Trung Quốc qua đường ngoại giao xem Trung Quốc giải thích thế nào về hành vi nguy hiểm này, tuy nhiên Bắc Kinh đã không có bất kỳ phản ứng nào về vụ việc.
Nan Li, một chuyên gia về chính sách quốc phòng Trung Quốc tại đại học Chiến tranh hải quân nói với Business Insider, Trung Quốc rất nhạy cảm với máy bay do thám Mỹ, nhưng Bắc Kinh có cách giải thích khá hạn chế về luật pháp quốc tế áp dụng trong khu vực xảy ra vụ chạm trán.
Thời gian gần đây tình hình Biển Đông trở nên đáng lo ngại hơn trên thế giới không chỉ bởi tranh chấp lãnh hải, tài nguyên mà còn là bởi sự lo lắng trong khu vực về sự trỗi dậy của Trung Quốc cùng với lịch sử cua sự nghi ngờ và thù địch giữa Trung Quốc với các nước láng giềng.
Sự cố trong tuần này cung cấp thêm bằng chứng cho thấy Trung Quốc đang chuẩn bị để thực hiện một đường lối hung hăng hơn về chủ quyền lãnh thổ trong khu vực. Điều này không có nghĩa là Trung Quốc đang tìm kiếm chiến tranh với Hoa Kỳ, nhưng đó là sự sẵn sàng để "khẳng định mình" theo những cách có thể làm phức tạp thêm mối quan hệ giữa 2 cường quốc, hoặc dẫn đến một cuộc đối đầu không lường trước được.
http://giaoduc.net.vn/Quoc-te/Dau-hieu-Trung-Quoc-sap-leo-thang-gay-han-hon-nua-o-Bien-Dong-post149025.gd

Phải thế nào mới có thể hy vọng có một nền giáo dục tử tế?

Phải thế nào mới có thể hy vọng có một nền giáo dục tử tế?

GIAO DUC TU TELời tác giả: Bài này đã được đăng trên blog Quê Choa của nhà văn Nguyễn Quang Lập. Nhưng vì khi đó có quá nhiều bài về giàn khoan Tàu Cộng nên có vẻ nó ít được chú ý. Mặt khác, vì từ khi đó đến nay vẫn thấy nhiều người tiếp tục bàn bạc và góp ý về giáo dục, một việc mà theo tôi là vô vọng trong bối cảnh hiện nay, nên xin nhờ blog Lề Trái đăng lại để tôi được nhắn gửi vài lời tâm sự. NTS
Trong mấy chục năm qua, không biết bao nhiêu tiền của thấm đẫm mồ hôi nước mắt của các tầng lớp lao động đã đổ ra để tiến hành những cuộc cải cách rầm rộ trong giáo dục. Không biết bao nhiêu giấy mực đã tốn để bàn về việc nâng cao chất lượng giáo dục. Hàng chục quan chức cao cấp, hàng trăm nhà quản lý giáo dục và các giáo sư, tiến sỹ, nhà báo, nhà văn,… đã viết những bài rất hay ho về lĩnh vực cốt tử này. Có những người còn đề cập đến những vấn đề cao siêu như “triết lý giáo dục”, cao siêu đến mức hình như đa số những người nói đến cụm từ đó cũng chưa rõ nó là cái gì, nó có vai trò gì trong sự nghiệp giáo dục của chúng ta, và cần bao nhiêu thập niên với bao nhiêu ngàn tỉ để tìm ra nó.
Với hiểu biết của một người lao động bình thường, kẻ viết bài này xin mạo bàn về một “nền giáo dục tử tế”, một khái niệm không có trong khoa học nào. Và tôi xin nói rõ cái tôi gọi là “nền giáo dục tử tế” đó là gì.
Xin thưa, đó là nền giáo dục đáp ứng được những yêu cầu hết sức bình thường. Nói ngắn gọn là nó đào tạo được những con người tử tế, tức là có những phẩm chất cơ bản sau: có lòng tự trọng và biết tôn trọng người khác (riêng với cha mẹ, thầy cô và những người cao tuổi còn phải biết lễ phép, nhưng không tuân theo những đòi hỏi phi lý và phi pháp), có năng lực lao động để đem lại lợi ích vật chất hoặc tinh thần cho chính mình và xã hội (có kiến thức và kỹ năng tốt hoặc đạt yêu cầu về nghề nghiệp), có ý thức tôn trọng pháp luật (nhưng không tuân theo vô điều kiện những luật lệ phản động, lạc hậu). Trong lịch sử các dân tộc phương Đông như Việt Nam, Trung Hoa,… người ta đã diễn đạt những yêu cầu đó bằng những khái niệm “nhân, nghĩa, lễ, trí, tín”. Chỉ thế là đủ. Chỉ có điều ở thời đại ngày nay, đừng lồng vào những khái niệm đó những nội dung như trung thành tuyệt đối với một cá nhân hay nhóm người nào.
Người tử tế không thể xoen xoét nói những điều nhân nghĩa nhưng trong hành động thì chỉ làm và sẵn sàng làm mọi việc vì quyền lợi bản thân, kể cả chà đạp lên quyền lợi người khác, kể cả lợi dụng quyền lực để đàn áp dân lành. Người tử tế không thể là kẻ bợ đỡ, liếm gót những kẻ có quyền lực, đem tiền đi mua bằng cấp, chức tước, dùng chức tước bòn rút tiền bạc và thành quả lao động của người khác. Người tử tế không thể bắt hàng triệu người phải theo mình, phục vụ mình, tôn thờ mình như thánh. Người tử tế không tự nhận mình là người thông thái nhất, là đỉnh cao trí tuệ.
Muốn đào tạo được thế hệ trẻ thành những con người tử tế, trong gia đình và nhà trường, đại đa số người lớn (cha mẹ và thầy cô) phải là những con người tử tế. Đội ngũ quan chức trong ngành giáo dục phải là những con người tử tế. Những người định ra đường lối giáo dục phải là những con người tử tế. Cả xã hội phải là xã hội tử tế. Con cái không thể thành người yêu lao động, nếu cha mẹ trí trá, luôn tìm cách tránh trớ để đỡ phải làm việc thật sự tích cực. Học trò không thể kính thầy và ham học, nếu thầy cô thường xuyên làm những việc như soạn giáo án bằng cách cóp thứ có sẵn trên mạng, viết những bản thành tích điêu, cho điểm khống để lấy thành tích,… thậm chí tìm cách bòn rút tiền bạc của cha mẹ học trò. Nhưng chính thầy cô cũng không thể làm gương cho học trò về cách sống tốt, nếu thường xuyên bị cấp trên bắt phải làm những việc giả dối và ngu xuẩn hàng ngày, hoặc những việc không xấu nhưng bất khả thi. (Hãy về các trường học, hãy tìm cách tâm sự được với các thầy cô với tư cách bình đẳng chứ không phải với tư cách quan trên, quý vị sẽ thấy người giáo viên thời nay bị chính ngành giáo dục bắt phải làm những việc vô nghĩa và điêu toa như thế nào.)
Không thể có nền giáo dục tử tế, nếu những người có quyền định ra sách lược giáo dục là những người không hiểu về giáo dục và chưa từng thực sự làm người học trò phải vật lộn với từng môn học, là những người nói “xây dựng xã hội học tập” nhưng bản thân mình không bao giờ cầm đến quyển sách. Không thể có nền giáo dục tử tế, nếu bộ máy quản lý giáo dục gồm toàn “cánh hẩu”, không có những người dám đấu tranh quyết liệt vì cái đúng, và không có những quan chức hàng đầu dám chấp nhận và khuyến khích những ý kiến trái chiều. Không thể có nền giáo dục tử tế, nếu “dự án” này, “đề án” nọ chỉ là những trò chia chác. (Dù quý vị có đưa ra những bản thanh toán, hóa đơn chứng từ kín kẽ đến đâu, dù người dân có hoàn toàn bất lực trong việc đưa ra chứng cứ về sự gian lận, thì ai cũng vẫn hiểu quá rõ rằng tất cả chỉ là những trò ảo thuật ma mãnh.) Không thể có nền giáo dục tử tế, nếu vẫn còn những trò “thi đua” nhảm nhí, trong đó những kẻ mà ai cũng biết là dốt nát năm nào cũng được công nhận là “giáo viên giỏi”, “chiến sỹ thi đua”, trong khi những người có năng lực thực sự lại không bao giờ “đủ tiêu chuẩn” để được thừa nhận. Không thể có nền giáo dục tử tế, nếu đội ngũ thạc sỹ, tiến sỹ, phó giáo sư, giáo sư được đào tạo và trao bằng cấp không phải do năng lực, mà chỉ để đủ chỉ tiêu số lượng. Không thể có nền giáo dục tử tế, nếu trường học, đặc biệt là các cơ sở đào tạo từ đại học trở lên được mở ra tràn lan và tùy tiện…
Không thể có nền giáo dục tử tế, nếu đến một quý ông thứ trưởng giáo dục mà đi viết một “bài báo” như “link” dưới đây. Không thể có nền giáo dục tử tế, khi một quan chức hàng đầu của ngành này nói mà không ai hiểu ông ta nói gì (kiểu như: “Phương pháp đọc sách của tôi gồm ba bước: tập luyện, tu luyện và tinh luyện” – Ô trời ôi!).
Không thể có nền giáo dục tử tế khi tất cả những thứ gọi là cuộc vận động học theo cái này cái nọ gây lãng phí ngân sách hàng ngàn tỷ đồng, trong khi người ta thừa hiểu rằng nó chỉ có tác dụng ngược: nhân rộng sự giả dối, điêu toa, làm con người đổ đốn thêm. Không thể có nền giáo dục tử tế khi môn học được coi là quan trọng nhất để xây dựng “con người mới” lại là một thứ “học thuyết” cổ hủ, hão huyền. Không thể có nền giáo dục tử tế khi việc đánh giá con người không dựa trên hệ thống giá trị phổ quát mà nhân loại đã xây dựng nên, mà dựa vào những giá trị phù phiếm và thói bợ đỡ, xu thời.
Chừng nào những con người bất hảo còn chi phối ngành giáo dục và những trò nhiễu nhương kể trên còn được dán những cái nhãn mỹ miều, thì bất kỳ cuộc đổi mới hay cải cách nào cũng đều vô tác dụng. Thậm chí những cuộc cải cách đó chỉ làm giáo dục càng xuống cấp thêm. Và tất cả những góp ý, hiến kế của những người tâm huyết đều vô ích!
NGUYỄN TRẦN SÂM 
P.S. Xin tham khảo bài viết của/về quan chức cao cấp trong ngành giáo dục:
http://daohieu.wordpress.com/2014/06/18/phai-the-nao-thi-moi-co-the-hy-vong-co-mot-nen-giao-duc-tu-te/

Danh sách bầu trung ương Đảng có số dư ít nhất 15%

Danh sách bầu trung ương Đảng có số dư ít nhất 15%

Tại cuộc họp báo quốc tế sáng 10/1, ông Trần Lưu Hải, Phó ban Tổ chức trung ương cho biết, sẽ giới thiệu số dư ít nhất 15% so với tổng số được bầu vào Ban chấp hành trung ương khóa XI. Tổng bí thư Nông Đức Mạnh sẽ không tham gia khóa tới.
- Xin ông cho biết, tỷ lệ số dư so với số lượng bầu Ban chấp hành trung ương khóa XI là bao nhiêu?
Ông Trần Lưu Hải, Phó ban Tổ chức trung ương: Tại đại hội Đảng các cấp số dư trong danh sách bầu Ban chấp hành là 15%, Ban Thường vụ ít nhất 20%. Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI cũng vậy, sẽ giới thiệu số dư ít nhất 15% so với tổng số được bầu vào Ban chấp hành trung ương Đảng.
Trưởng ban tuyên giáo trung ương
Ông Tô Huy Rứa (ngồi giữa) Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì cuộc họp báo. Ảnh: Việt Anh.
- Hiện có bao nhiêu trường hợp tự ứng cử vào Ban chấp hành trung ương khóa tới?
-  Ông Trần Lưu Hải, Phó ban Tổ chức trung ương: Hiện nay tiểu ban nhân sự Đại hội mới nhận được một hồ sơ tự ứng cử Ban chấp hành trung ương của ông Nguyễn Xuân Kiên sinh năm 1966, Phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu khoa học nghiệp vụ và tư liệu Ban Tuyên giáo trung ương.
- Thời gian qua, có ý kiến cho rằng, nên để các đại biểu đại hội bầu trực tiếp Tổng bí thư thay vì Ban chấp hành khóa mới bầu. Vấn đề này được xem xét thế nào tại Đại hội XI?
Ông Trần Lưu Hải, Phó ban Tổ chức trung ương: Đảng cộng sản Việt Nam đang trăn trở tìm cách đổi mới nội dung phương thức hoạt động cho hiệu quả nhất, trong đó việcđổi mới bầu cử lãnh đạo Đảng. Trong điều lệ khóa X chưa có quy định bầu trực tiếp Tổng bí thư, Bí thư ngay tại đại hội. Vừa qua chúng tôi đã thí điểm từ cơ sở cấp huyện, cấp tỉnh. Với cấp tỉnh thành chúng tôi đã chọn 10 địa phương bầu trực tiếp bí thư tại đại hội. Quá trình tổng kết thí điểm bước đầu đánh giá là tốt, được dư luận đồng tình.
Việc có bầu trực tiếp Tổng bí thư tại Đại hội Đảng lần này hay không là do đại biểu đại hội quyết định. Nếu đa số đại biểu thấy rằng nên bầu trực tiếp Tổng bí thư thì có thể làm.
- Hội nghị trung ương 15 kết thúc ngày 9/1 đã thông qua phương án nhân sự trình Đại hội Đảng XI. Tổng bí thư Nông Đức Mạnh có nằm trong danh sách giới thiệu vào trung ương khóa tới hay không?
Ông Trần Lưu Hải, Phó ban Tổ chức trung ương: Theo quy định của Đảng, Tổng bí thư không làm quá 2 nhiệm kỳ. Tổng bí thư Nông Đức Mạnh đã làm 2 nhiệm kỳ và tuổi cũng cao (71 tuổi) nên đồng chí không tham gia Ban chấp hành trung ương khóa tới.
Trung tâm hội nghị
Trung tâm hội nghị quốc gia Mỹ Đình - nơi sẽ diễn ra Đại hội Đảng XI (12-19/1). Ảnh: Việt Anh.
Những góp ý của nhân dân vào Văn kiện Đại hội sẽ được tiếp thu như thế nào?
Ông Nguyễn Văn Thạo, Phó Văn phòng Trung ương Đảng: Trong một tháng rưỡi lấy ý kiến nhân dân về các văn kiện trình đại hội XI, chúng tôi đã nhận được hàng vạn ý kiến tâm huyết. Việc tiếp thu ý kiến nhân dân đã được các cơ quan của Đảng tổng hợp và báo cáo Hội nghị trung ương 14. Tất cả ý kiến xác đáng, có chất lượng đều được tiếp thu nghiêm túc.
- Vụ Vinashin được đưa ra xem xét thế nào tại Đại hội XI ?
Đại diện Ủy ban Kiểm tra trung ương: Vấn đề Vinashin không phải chủ đề được đưa ra thảo luận tại Đại hội tới.
Trả lời câu hỏi của phóng viên quốc tế, ông Đinh Thế Huynh, Chủ tịch Hội nhà báo khẳng định: Việt Nam không có nhu cầu đa nguyên đa đảng và dứt khoát không đa nguyên đã đảng. Thực tế, năm 1946 Việt Nam đã có một số đảng nhưng sau khi thực dân Pháp quay lại xâm lược thì chỉ có Đảng Cộng sản Việt Nam cùng với nhân dân kháng chiến, bảo vệ tổ quốc. Bây giờ Đảng Cộng sản đang lãnh đạo nhân dân giành thắng lợi trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc.
Việt Anh ghi
http://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/danh-sach-bau-trung-uong-dang-co-so-du-it-nhat-15-2185094.html

Chỉ thị 37 về Báo chí Việt nam

Chỉ thị 37 về Báo chí Việt nam
 
Phóng viên trong nước đang 'tác nghiệp'
Phóng viên trong nước đang 'tác nghiệp' khi phỏng vấn một bộ trưởng
Ngày 29/11 thủ tướng Việt Nam, Nguyễn Tấn Dũng, ký chỉ thị 37CP với nội dung cấm tư nhân hóa báo chí.
"Kiên quyết không để tư nhân hóa báo chí dưới mọi hình thức và không để bất cứ tổ chức, cá nhân nào lợi dụng, chi phối báo chí để phục vụ lợi ích riêng, gây tổn hại lợi ích đất nước" như tin loan của Thông tấn xã nhà nước.
Nhiều trí thức, nhà báo tại Việt Nam thất vọng với chỉ thị này. Họ cho rằng trong giai đoạn bản lề quan trọng của quá trình hội nhập quốc tế, cách điều hành hoạt động của một ngành kinh tế, trong trường hợp này là truyền thông, bằng chỉ thị là thiển cận và vi hiến.

Người dân tỏ ý băn khoăn trước quyết tâm chống tham nhũng của chính phủ. Ra một chỉ thị mang tính răn đe sau một số vụ sì căng đan bị lột tẩy nhờ công của báo chí, đó là vụ biến nhà công thành nhà tư, vụ tiền giấy polymer, phải chăng chính phủ đang lo về sức mạnh chính đáng của báo chí và của công luận?
Họ chờ đợi lẽ ra người đứng đầu chính phủ Việt Nam phải có hành động gì đó để giúp người dân thực hiện quyền tự do ngôn luận qua trang báo, một trong rất ít diễn đàn còn tồn tại đến ngày nay để người dân nói lên quan ngại và suy tư của họ trước các vấn đề hệ trọng của đất nước.

Một nhà báo tại Hà Nội nói với đài BBC "Với cách quản lý báo chí tại Việt Nam từ trên xuống như hiện nay, khó mà có ai ngoài Đảng len vào cơ cấu cấp phép hay điều hành tờ báo"
"Sự tự do tương đối mà báo chí Việt Nam hưởng trong thời gian vừa qua là vô cùng quý giá và càng làm nổi rõ vai trò của báo chí đối với tương lai của đất nước. Trong đó có sứ mệnh làm sạch cơ cấu chính quyền bằng cách loại bỏ các thành phần tham nhũng, cửa quyền"
"Chính phủ không có gì phải sợ về điều này. Thay vì xiết chặt hay cấm đoán, chính phủ cần đưa ra một lộ trình cởi trói, hoặc tự do dần dần cho báo chí để năm năm hay mười năm sau, báo chí Việt Nam đóng vai trò cần có trong một xã hội pháp trị"

"Tôi hiểu giới nhà báo trong nước chẳng có ai muốn đòi hỏi một thứ quyền tự do tuyệt đối hay muốn tách ra khỏi quỹ đạo của ĐCS. Họ muốn làm việc, đưa tin, được trao cho một sự cởi mở tương đối, được nhà nước thừa nhận vai trò ngăn ngừa và kiểm soát các hành động tiêu cực, nhằm giữ cho bộ máy lãnh đạo trong sạch"
Chênh với hiến pháp?
Còn một luật sư hoạt động độc lập cho rằng nếu như người đứng đầu chính phủ Việt Nam tiếp tục điều hành kinh tế bằng chỉ thị mà không dùng tới luật, hay bằng cách thông qua bộ luật thì điều gọi là 'nhà nước pháp quyền' ở Việt Nam còn lâu mới xảy ra.
Thậm chí dùng chỉ thị để hạn chế quyền tự do báo chí của người dân có thể là hành động vi hiến, vì hiến pháp Việt Nam đảm bảo cho "người dân có quyền tự do ngôn luận"
Ông nói thêm là không cần tới một vị thủ tướng can thiệp hoặc dạy bảo báo chí cần phải như thế này, hoặc thế kia. Vì đây là chức năng quản lý ngành của Bộ Văn Hóa và Thông Tin.
"Một thông tư của Bộ này là đủ tác động đến cách hành xử của báo chí, và họ không có gì phải lo vì trong thực tế tất cả các phương tiện truyền thông tại Việt Nam, từ báo in, báo điện tử, cho đến các đài phát thanh hay truyền hình đều thuộc sở hữu của nhà nước, hay của đoàn thể như công an, quân đội".
Thủ tướng, theo ông, 'cần tập trung vào các công việc hệ trọng như chống tham nhũng, cải cách hành chính, đẩy mạnh cổ phần hóa, chấn chỉnh hoạt động của khối quốc doanh. Hay dành thời gian để mở rộng vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế".
Vụ tham nhũng lớn ở PMU18, cho đến nay vẫn chưa xong, mặc dù người đứng đầu chính phủ, khi nhậm chức hồi tháng bảy đã hứa với người dân là là sẽ giải quyết dứt điểm hồ sơ này.
"Cái quan trọng là cần hướng tới một lộ trình trong tương lai cho báo chí Việt Nam hoạt động một cách độc lập và trung thực, hoạt động theo luật, thoát khỏi sự rằng buộc của chính quyền. Như thế mới là việc làm có ích để giúp hình thành một nền báo chí sắc bén, chuyên nghiệp, và chất lượng, góp phần vào sự hình thành của một xã hội công bằng và văn minh, sánh vai với các tòa báo trong khu vực".
"Tôi tin là đội ngũ nhà báo Việt Nam cần cù và chịu khó học hỏi đang mơ ước đến ngày ấy"
Cũng có ý kiến ở nước ngoài cho rằng các tân lãnh đạo Việt Nam muốn qua việc ra chỉ thị cấm báo chí tư nhân để nói với Trung Quốc rằng Việt Nam không đi 'quá xa' về chính trị.
Nhưng ngược lại, cũng có người tin rằng trong thời đại hội nhập quốc tế và thông tin điện tử thì phép tính luôn lo ngại về địa chính trị với Trung Quốc không còn đúng nữa, và chuyện quản lý báo chí Việt Nam cần phải xuất phát từ nhu cầu thực tế của thị trường truyền thông trong nước.
-----------------------------------------------------------
Ẩn Danh
Chỉ thị hay không chỉ thị thì kết quả không khác nhau là mấy, đó là Tổng Công ty Vietnam, Inc. cũng bị quản lý quá kém. Lý do chính, đó là trong số trên dưới 4 triệu nhân viên chính phủ, hầu như KHÔNG người nào qua chọn lọc khắc khe, mà hầu như toàn bộ chỉ do quen biết, lý lịch gia đình, lo lót chạy chọt, v.v... mà ra. Thí dụ, các ngài Bộ trưởng cũng không do Thủ tướng bổ nhiệm, mà cũng không bị Thủ tướng cách chức. Do đó họ tha hồ làm càn, làm bậy, chưa kể cho dù họ có muốn thì đa số vẫn "lực bất tòng tâm" vì cái "lực" của họ quá kém, vì có qua trường lớp nào đào tạo đàng hoàng, có qua kinh nghiệm làm việc, quản lý nào đâu? Toàn là "nhảy ngang" vào chức cao quyền trọng mà thôi.
Có ai dám, hoặc đủ khả năng, trả lời báo chí trực tiếp không qua các câu hỏi, câu trả lời soạn trước? Duong Dan Chu gọi ""vị nào làm không tốt thì cứ đem ra mà trảm" nhưng như vậy phải "trảm" ít ra cả 1/2 trong tổng số 4 triệu nhân viên chính phủ rồi còn gì, chưa kể: phần lớn số công an không tính trong số 4 triệu đó, vì Việt Nam có bao nhiêu công an, bộ đội, thì không có con số chính thức. Thành ra kết quả việc gì cũng "dở dở ương ương", cho dù quan chức nào đó không tham nhũng thì cũng ít khi có khả năng làm việc, do đó kết quả luôn luôn kém dưới trung bình, theo các tiêu chuẩn trong vùng. Hầu như chưa thấy bất cứ việc làm nào của quan chức Việt Nam đạt tiêu chuẩn, sự trông đợi, tối thiểu nào cả, mà cũng không bao giờ thấy có ai bị mất chức vì thiếu khả năng cả. Họa hoằn lắm mới thấy một, hai người bị mất chức vì ăn hối lộ quá lộ liễu, chứ vào làm việc mà gác chân ngủ cả ngày thì không bao giờ bị mất chức cả. Đó là còn may, là quá trung thực, chứ nhiều quan chức lấy xe công đưa đón con đi học, vợ đi siêu thị, người tình đi nghỉ mát, đi nhậu hàng đêm đậu dài dài trước quán nhậu, sàn nhảy disco, thì có sao đâu?
Võ Tứ 
Tự do báo chí là chìa khoá đầu tiên giúp mở ra cách cửa tự do dân chủ, dân trí thế mà ngày nào tôi cũng vào đây mấy lượt, chả học hỏi được gì thêm ngoài ý kiến rất tinh tế, nhưng lẻ loi của Duong Dan Chu, Saigon. Hay là mọi người cho rằng tự do báo chí tư nhân ở VN đã mồ êm mả đẹp từ lâu rồi, có than khóc cũng không thể sống lại?
Minh Quang
Báo chí ở Việt nam là để phục vụ cho Đảng. Một vài vụ việc tham nhũng gần đây được đưa lên báo chí thực chất là do các phe phái trong Đảng mâu thuẫn nhau "chơi" nhau thôi! Người dân xem báo chí giống như đi xem đá gà, đá banh, hò reo một chút rồi thôi chứ không mong là một phần trong "cuộc chơi" này. Một việc bé cỏn con gây bức xúc cho các bậc phụ huynh khi thấy con em mình bị bắt học nhồi nhét ngày đêm đăng lên báo hết năm này qua năm nọ vẫn không có biến chuyển gì, thì hỏi làm sao thay đổi được những chuyện chính trị hay dân chủ dân sinh...?. Các nhà lãnh đạo thì đã được "lập trình chính trị" từ thuở ấu thơ, mở miệng ra toàn gang với thép, "rà soát" này nọ...thì làm sao mong có sự đột phá gì được?!
Thuý Vi
Không ngờ vào diễn đàn này đọc được ý kiến rất tâm đắc của Duong Dan Chu, Saigon. Đọc mãi chỉ thị này đến chỉ thị khác của thủ tướng, mình cũng cảm thấy thế nào ấy, chẳng lẽ đã lựa chọn được cả một lô tổng trưởng, bộ trưởng khả năng để giao trach nhiệm, mà bất kỳ việc lớn xuống tới việc nhỏ thủ tướng cũng còn phải bao biện suốt. Thủ tướng sợ không có chỉ thị thì không có thành tích, hay là mấy trăm tờ báo đều phục vụ cho đảng cho nhà nước nên không có gì khác ngoài những tin tức "chỉ thị"? Việc nước bận rộn, nhiều khi đối ngoại quan trọng hơn đối nội, thế mà báo đăng tin "Thủ Tướng hoãn công du nước ngoài để khắc phục bão" làm mình cứ tưởng nhân vật "Supper man" là không có thật.
Tony, Canada
Còn sống dưới chế độ cộng sản thì phải còn lệnh cấm dù vô lý, dù mâu thuẫn, dù ngụy biện quanh co. Cứ thử ráp hai vấn đề: Một là cho đảng viên làm kinh tế tư nhân và hai là cấm làm báo tư nhân thì sẽ thấp lòi ra cái mâu cái thuẫn liền. Cái gốc của vấn đề là cái gì có lợi cho đảng thì được làm dù bất lợi cho dân. Cái gì có lợi cho dân nhưng bất lợi cho đảng thì vẫn cấm như thường. Qua đó mới thấy đảng ta do dân vì dân là nhường nào. Dân VN sau giải phóng có khẩu hiệu "không có gì quí hơn độc lập tự do" là vì từ thời điểm đó bắt đầu mất tự do, chỉ còn là ước ao nên cứ phải hô khẩu hiệu đó hoài. Ở các nước dân chủ tự do thật sự trên thế giới quí vị tìm dùm tui có nước nào có câu này chăng.
Mai Ninh, Việt Nam
Vẫn cần các chỉ thị, nhưng chỉ thị là để hướng dẫn cấp dưới đặc biệt chú ý thực hiện những điều khoản luật nào đó. Không bao giờ chỉ thị có thể thay cho luật. Các nhà báo cứ làm theo luật báo chí là đủ. Khốn nỗi, Luật thì quốc tế đều biết có dân chủ hay không. VN không thể, không dám đưa vào Luật Báo Chí cái "kết luận" trái hiến pháp của cái bộ chính trị kia. Yên tâm đi, khi vào thật sâu trong WTO thì cái chỉ thị độc tài kia vẫn lộ ra và VN không thể không hoà nhập vào luật chung. À, mai đã là ngày Nhân Quyền Quốc Tế, tình cờ tôi biết được nhưng không hiểu gì cả. Xin BBC và các bạn chỉ bảo thêm cho.
Tôn Thất Sách
Khi thay mặt bộ chính trị để ra chỉ thị 37, ông Dũng có lường hết được hậu quả của nó chăng? Đến một lúc nào đó đảng CSVN không thể bưng bít được những tế bào ung thư từ bộ máy lãnh đạo, nghĩa là những tiêu cực, tham nhũng cứ tràn lan, gây thiệt hại tài sản quốc gia với những số tiền khổng lồ cỡ như PMU 18, kếm hàm sự phát triển của đất nước thì lúc ấy công luận, báo chí sẽ quay lại kết án những “cha đẻ” của cái chỉ thị quái gở này!

Một ý kiến
Chúng ta phải thừa nhận với nhau rằng những phần lớn các vụ tham nhũng lớn từ trung ương đến địa phương được đưa ra xét xử là nhờ sự làm việc không mệt mỏi của hàng loạt cơ quan báo chí. Đúng ra phải phát huy và nhân rộng việc làm của họ thì dân mới được nhờ. Như vậy họ chính là những nhân tố tích cực trong công cuộc chống tham nhũng của chính phủ. Thế thì chỉ thị 37 ra đời trong lúc này để nhắc nhở họ điều gì? Chính vì vậy tôi càng băn khoăn về quyết tâm chống tham nhũng của ông Thủ tướng.
Ba mươi năm qua, trong các cơ quan nhà nước, cứ đến cuối quý , cuối năm lại tự kiểm điểm, phê bình, rồi tự phê ... cuối cùng có đem lại điều gì hiệu quả cho công việc, cho xã hội mà chỉ tốn công , tốn của, nền hành chánh vẫn cứ trì tệ, nạn tham nhũng hoành hành tràn lan. Làm gì có phê bình cấp trên, rồi sau đó cấp trên tự phê mình. "Phê bình cấp trên xong, rồi sau đó mình bị phê", bởi những trù dập mà không ai cứu nỗi.
Bây giờ Thủ tướng hạ quyết tâm chống tham nhũng trong mọi ngành từ trung ương đến địa phương, tôi thấy trong một khía cạnh nó giống như phong trào " phê, tự phê " trong mấy mươi năm nay. Làm gì có ông quan cấp dưới mà đi chống ông quan tham nhũng ở cấp trên (hoặc ngang cấp ) đã " cưu mang" lên vị trí quan bự như ngày hôm nay. Lại thêm một vòng luẩn quẩn nữa rồi. Báo chí chính là một thành phần đứng ngoài vòng luẩn quẩn đó để chống tham nhũng, thế thì cần phát huy chứ sao ông thủ tướng ra chỉ thị 37?
Duong Dan Chu, Saigon
Thật ngán ngẩm cho cái chức danh Thủ Tướng của nước VN này khi ông cứ điều hành bằng những chỉ thị mà chẳng thèm biết nó có lý, có ích, có hiệu quả như thế nào. Cái chỉ thị 37 này, trước đó chỉ thị về tạm thời cấm xuất khẩu gạo, mới đây nhất là chỉ thị yêu cầu các địa phương phòng chống bão lụt cho thấy không có một lĩnh vực nào của xã hội VN thoát khỏi vòng kiềm tỏa của các mệnh lệnh hành chính chủ quan thay vì chỉ phải chịu chi phối của các bộ luật.
Dẫu vậy nhiều chỉ thị này chỉ có tính hình thức, ban hành cho có, cho ra vẻ một chính quyền quan tâm tới cuộc sống của người dân. Thử nhìn vào ba cái chỉ thị trên mà xem. Với lý do an ninh lương thực thủ tướng cấm xuất khẩu gạo, nhưng giờ có phải là những năm 70, 80 đâu mà phải sợ dân đói ăn, còn bao nhiêu thứ thực phẩm khác ngoài gạo nữa cơ mà. Cuối cùng cái chỉ thị này chỉ làm khổ cho những doanh nghiệp đã lỡ ký hợp đồng xuất khẩu gạo trước đó, nay phải bồi thường vì hủy hợp đồng. Rồi lại diễn ra cảnh chạy vạy xin xỏ quota để được xuất khẩu.
Sợ tư nhân được làm báo chí, Thủ tướng ra chỉ thị 37. Thực ra tư nhân làm báo chí, hay rộng hơn là truyền thông, là một thực tế diễn ra nhiều năm nay ở VN chỉ có điều họ núp bóng dưới các tổ chức chịu sự quản lý của nhà nước mà thôi. Trong số gần 1000 báo, tạp chí các loại có không ít những tờ báo mang tên của ban này ngành nọ, hội nọ đoàn kia, chỉ để được phép xuất bản. Họ cho mượn danh một ông lãnh đạo của hội, ngành, ban, đoàn.. làm tổng biên tập đổi lại tất nhiên là một khoản tiền cả trên lẫn dưới gầm bàn, còn toàn bộ hoạt động kinh doanh lời lỗ của tờ báo, tạp chí đều do tư nhân chịu trách nhiệm. Tất nhiên người làm báo tư nhân thừa hiểu đâu là giới hạn của mình, họ không bao giờ đi quá xa vào những vấn đề nhảy cảm vì miếng cơm manh áo.
Rồi tới chỉ thị chống bão. Bão tới là thủ tướng ra chỉ thị phòng chống bão cho các địa phương, ban ngành. Cứ làm như không có chỉ thị là mấy địa phương, ban ngành kia đều gác chân lên mà ngủ cả. Trách nhiệm phòng chống bão của các địa phương, ban ngành như thế nào đều đã được quy định, "vị" nào làm không tốt thì cứ đem ra mà "trảm" cớ gì cứ phải thúc chỉ thị vào "mặt" nhau như thế? Nó vừa rườm rà vừa không hiệu quả.
Thế để thấy Chỉ Thị và cách ra Chỉ Thị của Thủ Tướng VN nhiều lúc vô lý, vô hiệu và vô ích.
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/programmes/story/2006/12/vietnamtoday_week49_2006_baochi.shtml

Thủ tướng trực tiếp nắm ủy ban đổi mới giáo dục

Thủ tướng trực tiếp nắm ủy ban đổi mới giáo dục

Ngày 26/5, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định thành lập Ủy ban quốc gia Đổi mới giáo dục và đào tạo. Theo đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng làm Chủ tịch Ủy ban.
Ủy ban quốc gia đổi mới giáo dục và đào tạo là tổ chức phối hợp liên ngành giúp Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, chỉ đạo, điều hành, phối hợp, giải quyết những công việc quan trọng, liên ngành để thực hiện thành công đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo yêu cầu Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 của Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương khóa XI.
Theo quyết định của Thủ tướng, Trưởng ban Ban Tuyên giáo Trung ương Đinh Thế Huynh và Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam làm phó Chủ tịch Ủy ban.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch, Ủy ban quốc gia giáo dục
Những "từ khóa" về giáo dục tích cực được treo tại hành lang một trường THPT. Ảnh: Lê Anh Dũng
Nhiệm vụ của Ủy ban là giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương trong việc thực hiện các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; nhất là trong việc chỉ đạo xây dựng, hoàn thiện, hướng dẫn cơ chế, chính sách có liên quan và tập trung nguồn lực đầu tư để đổi mới giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực cho đất nước.
Đồng thời, Ủy ban có nhiệm vụ nghiên cứu, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ về các chủ trương, chiến lược, chương trình, kế hoạch, đề án, dự án quốc gia, cơ chế, chính sách, giải pháp có tính chất liên ngành để huy động nguồn lực của toàn xã hội cho việc thực hiện đổi mới giáo dục và đào tạo; giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ điều phối, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các chiến lược, chương trình, dự án quan trọng có tính liên ngành để tạo chuyển biến căn bản, mạnh mẽ chất lượng và hiệu quả giáo dục và đào tạo, dạy nghề…
Ủy ban có Bộ phận giúp việc đặt tại Văn phòng Chính phủ. Ngoài ra, Ủy ban có thể lập các tổ chức tư vấn về các vấn đề chuyên môn là đại diện một số tổ chức liên quan và chuyên gia được mời làm việc theo nhiệm vụ và có thời hạn.
  • Minh Anh
http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/177761/thu-tuong-truc-tiep-nam-uy-ban-doi-moi-giao-duc.html

Giáo dục của ta đang lạc điệu với thế giới văn minh

GS Hoàng Tụy: "Giáo dục của ta đang lạc điệu với thế giới văn minh"

(GDVN) - "Giáo dục đang đi lạc hướng, nếu không có bài thuốc nào chữa thì có hết cải tiến rồi lại lùi, đổi mới liên tục nhưng vụn vặt, chắp vá, đổi đi đổi lại chỉ thêm tốn kém tiền của, công sức của dân mà rốt cục lại quay về điểm xuất phát".
Trước Hội nghị Trung ương lần 6 khóa XI của Đảng sắp tới bàn về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục Việt Nam, nhiều trí thức Thủ đô bày tỏ quan điểm riêng của  mình cho sự nghiệp giáo dục nước nhà. Đáng chú ý GS Hoàng Tụy – người dành cả đời cho sự nghiệp giáo dục cũng phải thốt lên rằng, hiện đất nước đang đứng trước một thực trạng bi đát, xã hội nhiễu nhương, văn hóa suy đồi… Cuộc sống bức bách như bây giờ đòi hỏi phải cải cách giáo dục, coi đó là điều kiện sống còn của dân tộc. Cứu nước có nhiều việc khẩn cấp phải làm, trong đó có chấn hưng giáo dục là một nhiệm vụ khẩn cấp nhất.

GS Hoàng Tụy: Nhà trường không thể chỉ dạy chữ, dạy kiến thức mà còn phải dạy làm người.
(Ảnh: Nguồn Internet)
Theo ý của GS Hoàng Tụy, giáo dục đang đi lạc hướng, nếu không có bài thuốc nào chữa thì có hết cải tiến rồi lại lùi, đổi mới liên tục nhưng vụn vặt, chắp vá, đổi đi đổi lại chỉ thêm tốn kém tiền của, công sức của dân mà rốt cuộc lại quay về điểm xuất phát (điển hình nhất là vòng xoay chống tiêu cực trong thi cử, chống bệnh thành tích…).
Trước hội nghị Trung ương 6, vấn đề đổi mới giáo dục lại một lần nữa trở thành "điểm nóng". Giáo dục được coi là quốc sách hàng đầu, là nền tảng cho sự phát triển của đất nước… tuy nhiên sau ba lần hô hào đổi mới thì cho tới nay nền giáo dục nước nhà vẫn còn bộc lộ quá nhiều bất cập. Đó là lý do vì sao Báo Giáo dục Việt Nam tổ chức chuyên đề “Thất vọng và kỳ vọng vào giáo dục Việt Nam”.

Mời các chuyên gia, độc giả quan tâm tới vấn đề đổi mới giáo dục Việt Nam gửi bài về toàn soạn theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn


PGS.Văn Như Cương:
Tham nhũng trong giáo dục gây hậu quả nghiêm trọng với người nghèo
Trong sự nghiệp giáo dục nước nhà nếu tính khoảng 15 năm nay đã có nhiều người liên tục cảnh báo: Giáo dục của ta không chỉ lạc hậu mà nguy hiểm hơn đang đi lạc hướng ra xa con đường chung của nhân loại, đang phát triển lạc điệu với thế giới văn minh. GS Hoàng Tụy cho biết, đã đi lạc hướng, đã phát triển lạc điệu thì làm sao có thể đuổi kịp được người ta, cái lý hiển nhiên này ai cũng hiểu.
“Trong thế giới hiện đại, với xu thế toàn cầu hóa không thể đảo ngược được cái lý trên, nước nào không hội nhập, không thích nghi được tất sẽ bị cô lập, bị bỏ rơi, chết lâm sàng rồi từ từ bị đào thải, nếu không sớm tỉnh ngộ”, GS Hoàng Tụy khẳng định.
Cũng theo GS Hoàng Tụy, nguyên nhân sâu xa của “bước thụt lùi” trong giáo dục là do “khuyết tật cấu trúc”, lỗi thiết kế hệ thống của giáo dục, sự lạc hướng, lạc điệu không giống ai, sự “không giống ai” này đôi khi chúng ta lại tự coi là bản sắc độc đáo để tự hào và cố gìn giữ. Sự lạc hướng, lạc điệu này nhìn từ gốc vấn đề tức là triết lý giáo dục, từ tư duy, quan niệm cơ bản về mục tiêu, đường lối, cung cách làm giáo dục. Nói cách khác, nhà trường không thể chỉ dạy chữ, dạy kiến thức mà còn phải dạy làm người.
Nhận định về yếu tố cơ bản gây nên “lạc hướng” cho giáo dục, GS Hoàng Tụy cho rằng, tàn dư ở chế độ bao cấp vẫn còn. Với chế độ đó, chúng ta thường ưa thích những mẫu người chỉ biết ngoan ngoãn chấp hành, quen được dẫn dắt, bao cấp cả về tư duy và hành động, làm gì, nghĩ gì cũng chỉ dựa dẫm vào trên, không dám nghĩ khác, làm khác… Niềm tin mù quáng đó là "chân lý" bất di bất dịch bấy lâu nay, khiến cho cả hệ thống giáo dục dẫm chân tại chỗ.
GS Hoàng Tụy cũng nhấn mạnh: “Triết lý giáo dục cổ hủ trên chi phối, thịnh hành từ thời phong kiến, lỗi này ngay từ thời phong kiến đã bị nhiều người phê phán gay gắt, nhưng tiếc thay đến nay lại sống lại, dĩ nhiên với một hình thức khác dưới chế độ bao cấp của xã hội ta. Tàn tích của chế độ bao cấp những năm 1980 vẫn còn ngự trị trong hầu hết mọi lĩnh vực hoạt động thiết yếu của xã hội, đặc biệt là giáo dục.

Triết lý giáo dục bao cấp này hiển hiện ở hầu khắp các khâu giáo dục, từ chương trình, phương pháp giảng dạy, cách thức thi cử, cho đến tổ chức giáo dục, các chính sách tuyển chọn, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ…”.
Đóng góp ý kiến cho Hội nghị Trung ương lần 6 sắp tới, GS Hoàng Tụy cho rằng, giáo dục Việt Nam đang đứng ở ngã ba đường, giống như kinh tế những năm giữa thập kỷ 80. Ngày nay, sau mấy chục năm giáo dục chìm đắm trong khủng hoảng triền miên bởi các ràng buộc ý thức hệ cứng nhắc. Đã đến lúc chúng ta phải có sự lựa chọn dứt khoát: Hoặc là tiếp tục con đường cũ, tiếp tục giam hãm đất nước trong nền giáo dục ngày càng tụt hậu, hoặc là cương quyết thay đổi tư duy, thực hiện bước ngoặt cơ bản, mở đường cho một giai đoạn giáo dục khai phóng phát triển.
“Vì trách nhiệm trước lịch sử, vì nghĩa vụ đối với con cháu, thế hệ chúng ta cần vượt qua mọi trở lực tư tưởng, gạt bỏ các định kiến lỗi thời, tiến lên với trào lưu tiến hóa chung của nhân loại, đáp ứng tốt nhất mục tiêu tối thượng của dân tộc: Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”, GS Hoàng Tụy nhấn mạnh.

http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/GS-Hoang-Tuy-Giao-duc-cua-ta-dang-lac-dieu-voi-the-gioi-van-minh-post90742.gd

GS.TSKH. Nguyễn Minh Đường – Nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục dạy nghề (Bộ LĐ TB&XH):

“Khi nói đến sự khác biệt về giáo dục của một quốc gia so với các quốc gia khác, cái đầu tiên phải nói đến là Hệ thống giáo dục quốc dân (HTGDQD). Trên thế giới không có HTGDQD của nước nào giống nước nào, nhưng trong vài thập kỷ qua, nhiều nước đã tiến hành cải cách giáo dục và đều hướng tới việc xây dựng một HTGDQD mở, được phân luồng và liên thông để tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động có thể cần gì học nấy, học suốt đời và chuẩn bị cho việc xây dựng một xã hội học tập trong nền kinh tế tri thức. HTGDQD có 2 thành tố là Cơ cấu HTGDQD và Bộ máy quản lý HTGDQD.
Cơ cấu HTGDQD được coi là một trong những yếu tố căn bản nhất về giáo dục của mỗi nước, bởi lẽ cơ cấu HTGDQD quy định các trình độ giáo dục, các loại hình GD&ĐT, mối tương quan giữa chúng được bố trí một cách khoa học, đảm bảo tính hệ thống và tính chỉnh thể để mỗi trình độ giáo dục, mọi loại hình GD phối hợp với nhau tạo thành một sức mạnh tổng thể mà bản thân mỗi thành tố của HTGDQD đứng độc lập riêng biệt sẽ không thể có được. Cơ cấu HTGDQD cũng quy định hệ thống trình độm và văn bằng/chứng chỉ quốc gia, cũng như mối quan hệ giữa giáo dục với xã hội, với thị trường lao động và hội nhập quốc tế. Do vậy, cơ cấu HTGDQD được coi là cái gốc rễ, là xương sống giáo dục của mỗi nước”.