Nghị quyết 412: có lạc quan quá sớm?
Trong bối cảnh Trung Quốc ngày một lấn lướt trên Biển Đông Thượng viện Mỹ đã ra nghị quyết với số phiếu tuyệt đối yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan HD 981, giữ nguyên hiện trạng và không được cản trở lưu thông hàng hải đã khiến một bầu không khí lạc quan bao trùm đối với người quan tâm đến vấn đề này. Mặc Lâm phỏng vấn GS Nguyễn Mạnh Hùng, giảng dạy khoa bang giao quốc tế tại đại học George Madison để tìm hiểu thêm vấn đề sau đây:
Mặc Lâm: Thưa Giáo sư vừa qua Thượng Viện Hoa Kỳ đã ra nghị quyết S.RES.412 về Biển Đông mà không ít người lạc quan cho là Quốc hội Hoa Kỳ chính thức ủng hộ các nước tranh chấp trong đó có Việt Nam. Ông có lạc quan không trước nội dung của nghị quyết này?
GS Nguyễn Mạnh Hùng: Tôi không lạc quan bởi vì nếu mình đọc kỹ nghị quyết của Thượng Viện thì mình thấy nó không thay đổi gì cả. Tất cả những điều nói trong nghị quyết thì hành pháp đã làm rồi. Thí dụ như ổng (Thượng viện) chỉ trích Trung Quốc về đường chín đoạn. Chỉ trích Trung Quốc dùng võ lực hay dùng cách cưỡng chế và tìm cách thay đổi nguyên trạng. Ông ấy chỉ trích Trung Quốc đưa giàn khoan đến Biển Đông rồi lại nói trong đó ông ấy có quyền lợi việc tự do lưu thông trên đường biển nhưng ông ấy không có lập trường gì trong việc tranh chấp cả. Ông ấy muốn đứng giữa và nói mình có quyền lợi trong việc đang xảy ra, nhất là cách giải quyết tranh chấp. Ông ấy muốn giải quyết tranh chấp bằng hòa bình chứ không phải võ lực.
Riêng trong trường hợp của Nhật thì ổng không nói là ổng trung lập được mà phải nói rằng đảo Senkaku do Nhật quản lý và hiệp ước chung Mỹ Nhật áp dụng cho những trường hợp này và Mỹ có nghĩa vụ bảo vệ những nơi mà Nhật quản lý. Trường hợp này đảo Senkaku do Nhật quản lý và nếu Trung Quốc tấn công thì ông ấy can thiệp ngay lập tức.
Tôi không lạc quan bởi vì nếu mình đọc kỹ nghị quyết của Thượng Viện thì mình thấy nó không thay đổi gì cả. Tất cả những điều nói trong nghị quyết thì hành pháp đã làm rồi. Thí dụ như ổng (Thượng viện) chỉ trích TQ về đường chín đoạn. Chỉ trích Trung Quốc dùng võ lực hay dùng cách cưỡng chếGS Nguyễn Mạnh Hùng
Bây giờ về cái cách ông ấy muốn gì thì mình thấy ổng muốn giải quyết bằng biện pháp hòa bình, bằng luật quốc tế, bằng trọng tài quốc tế bằng phát triển phương cách đối xử chung. Ông ấy muốn phát triển đối tác với các nước Á châu, tìm cách tăng cường phòng thủ của các đối tác. Ông ấy ủng hộ sự tiếp tục hiện diện của quân sự Mỹ và vùng Thái Bình Dương.
Tất cả các điều này thì hành pháp Mỹ đã làm rồi, ông ấy không thêm gì cả. Nếu có thêm, có giá trị nào đó thì thể hiện rằng Mỹ hiện nay đang có một đồng thuận trong các cấp lãnh đạo về chính sách ở Biển Đông mặc dù hiện nay đang có phân hóa trầm trọng giữa hai đảng. Quốc hội nói ủng hộ thì chỉ có thế thôi, không có gì mới.
Mặc Lâm: Có phải do Quốc hội Mỹ không chịu phê chuẩn luật biển quốc tế UNCLOS 1982 nên mọi lên tiếng của họ xem ra khó thuyết phục các nước đã ký tên vào đấy, đặc biệt là Trung Quốc?
GS Nguyễn Mạnh Hùng: Ông ấy không phê chuẩn cái luật biển quốc tế thì ông ấy không có tư cách chính thống để làm việc đó. Hai nữa là ổng muốn củng cố hiện diện và ảnh hưởng của Mỹ và muốn có sự hợp tác chặt chẽ hơn giữa Mỹ và các nước Á châu. Việc các nước Á châu muốn là phát triển hơn qua Hiệp ước thương mại đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Mà muốn như vậy thì Quốc hội Mỹ phải biểu quyết đạo luật người ta gọi là Fast Track Authority bây giờ gọi là Trade Promotion Authority, luật này Quốc hội đã biểu quyết cho Tổng thống Bush rồi nhưng đến ông Obama thì Quốc hội không chịu biểu quyết rộng rãi để ông ấy có quyền rộng rãi hơn trong việc điều đình việc kết ước. Hai điều này tôi thấy rất quan trọng thì ổng không làm!
Mặc Lâm: Trước các hành động đơn phương áp đặt sức mạnh quân sự trên toàn bộ khu vực của Trung Quốc thì Việt Nam phải tìm một chỗ dựa cho mình. Theo Giáo sư nếu không còn lối thoát nào khác buộc Việt Nam phải lên tiếng nhờ Mỹ bảo hộ để tránh sự hiếp đáp của Trung Quốc, trong trường hợp ấy theo ông thì việc gì sẽ xảy ra?
GS Nguyễn Mạnh Hùng: Tôi không thấy Việt Nam đưa đề nghị nào nhờ Mỹ bảo hộ cả. Quyền lợi của Mỹ ở đâu mà có thề bảo hộ khơi khơi một nước không phải là đồng minh của mình? Ngay Phi Luật Tân mà họ còn đòi Mỹ lên đòi Mỹ xuống buộc Mỹ phải cam kết là anh có công nhận là có hiệp ước đó không và anh có tôn trọng không? Họ gọi ông đại sứ Mỹ đến và ông đại sứ phải nói là đồng ý, nước Nhật cũng thế.
Việt Nam không có hiệp ước gì cả mà muốn điều đình ký một Hiệp ước liên minh cũng phải kín và thương thuyết lâu dài lắm chứ không phải một sớm một chiều mà thành được đâu.
Tôi không thấy Việt Nam đưa đề nghị nào nhờ Mỹ bảo hộ cả. Quyền lợi của Mỹ ở đâu mà có thề bảo hộ khơi khơi một nước không phải là đồng minh của mình? Ngay Phi Luật Tân mà họ còn đòi Mỹ lên đòi Mỹ xuống buộc Mỹ phải cam kết là anh có công nhận là có hiệp ước đó không và anh có tôn trọng không?GS Nguyễn Mạnh Hùng
Mặc Lâm: Không thể kêu gọi Mỹ nhanh chóng vào cuộc giúp cho mình và đơn thân độc mã như vậy liệu Việt Nam phải làm gì trước sự áp đặt của Bắc Kinh?
GS Nguyễn Mạnh Hùng: Trong trường hợp thông thường mình bị một nước lớn mà nó áp đặt mình như thế thì có hai cách, một là mình nhân nhượng nó hai là nếu không nhân nhượng thì phải có hai việc, tự mình mình phải khỏe đã, mà khỏe có nghĩa là trong nước mình phải đoàn kết với nhau.
Mặc Lâm: Nhưng Giáo sư cũng biết Việt Nam đang bị lên án là đã tỏ ra nhường nhịn vượt sự cho phép qua rất nhiều sự kiện, không lẽ cứ nhường nhịn mãi cho tới khi mất tất cả?
GS Nguyễn Mạnh Hùng: Tôi nói là những cái khả năng có thể làm, nghĩa là possible solutions, khả thể thôi chứ tôi không khuyên họ phải nhường nhịn. Cái đó không có phải nói rõ để tránh hiểu lầm tôi không khuyên nhường nhịn, nếu mà thua thì phải nhường nhịn thôi. Nều mình không chịu nhường nhịn thì mình có nhiều giải pháp khác chứ.
Trong trường hợp không nhường nhịn thì như tôi dã nói là phải tăng cường khả năng nội bộ của mình. Khả năng nội bộ ngoài yếu tố mạnh về kinh tế, chính trị không phụ thuộc về kinh tế nhiều thì phải đoàn kết đã. Nhất là trong hàng ngũ lãnh đạo cao cấp nhất phải đoàn kết về một chính sách căn bản nào đó. Hai nữa mình yếu như vậy thì bao giờ mình cũng phải làm giống như mình không có tiền đi mua mà phải đi vay. Mình không có lực thì phải mượn lực người khác.
Lực đó là cái lực của thế giới, có thể là vô hình thí dụ như là sự ủng hộ của quốc tế, trong trường hợp này tôi thấy không ăn thua gì cả. Thứ hai là phải có đối lực mà đối lực hay đối trọng thì phải kiếm một nước lớn mà nó có khả năng và nó bằng lòng bảo vệ cho mình. Trong điều kiện đó thì phải có nhiều sự thương lượng và phải có sự trả giá chứ không phải dễ dàng mà làm được.
Mặc Lâm: Cái phao cuối cùng trong vấn đề này phải chăng là nước Nhật, khi họ có cùng một tình trạng như Việt Nam và hơn nữa họ đã đưa ra rất nhiều đề nghị hợp tác?
GS Nguyễn Mạnh Hùng: Nước Nhật bây giờ cương quyết hơn nhưng phải từ từ lắm. Hiến pháp đó không một sớm một chiều thay đổi được tuy nhiên cách giải thích hiến pháp của họ bây giờ rộng rãi hơn và họ cũng nói rõ họ muốn giúp Việt Nam tăng cường khả năng phòng thủ của mình. Thế nhưng mà nước Nhật không phải là đối trọng của Trung Quốc. Đối trọng của Trung Quốc hữu hiệu nhất chỉ là Mỹ thôi. Nếu không đi thẳng với Mỹ thì có thể đi với Nhật hay qua nước khác.
Trên nguyên tắc nói thì dễ lắm nhưng việc làm thì không dễ bởi vì nó tùy thuộc vào tình hình nội bộ của mình. Nó tùy thuộc vào quyền lợi cá nhân của mình. Nó tùy thuộc vào việc mình muốn cái gì và người ta đòi cái gì để mình được cái muốn đó. Những cái đó là những chuyện phải suy tính và thương lượng lâu dài chứ không phải một sớm một chiều mà làm được.
Mặc Lâm: Xin cám ơn Giáo sư.
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/senat-resolu-412-07142014071859.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét