Cập nhật: 13:17 GMT - thứ tư, 9 tháng 7, 2014
Trong bài viết trên báo Anh về các vụ biểu tình tại Hong Kong, ông Lưu Hiểu Minh phê phán các cuộc biểu tình tại Hong Kong thời gian vừa qua và bác bỏ cơ chế để dân tự đề cử ứng viên vào chức Chủ tịch Hành chính Hong Kong vào năm tới.
Đại sứ Trung Quốc viết trên trang Financial Times rằng ngay cả ở Anh và Mỹ cũng không có chuyện lãnh đạo quốc gia được người dân chọn qua cách tự đề cử (public nomination).
Các bài liên quan
Chủ đề liên quan
“Tôi làm việc nhiều năm ở cả Anh Quốc và Hoa Kỳ nhưng theo tôi biết thì không có thủ tướng Anh hay tổng thống Mỹ nào được chọn ra từ cơ chế người dân đề cử.”
Ông Lưu cũng phê phán cả tư duy kiểu “Mùa Xuân Ả Rập”, và cho rằng “Mọi nỗ lực làm bất ổn ở Hong Kong qua chính trị đường phố sẽ không thu hút được nhân tâm người dân Hong Kong”.
“Các diễn biến gần đây ở một số người cho thấy một sự thật đơn giản: chính trị đường phố không đem lại dân chủ mà chỉ gây ra rối loạn.”
'Con rối A hay Con rối B'?
Hôm 1/7, trong dịp kỷ niệm ngày Hong Kong trở về với Hoa lục năm 1997, hàng nghìn người đã tuần hành để nêu cao chủ đề đòi hỏi quyền tự do bầu cử cho người dân.
Vài hôm trước đó, khoảng 800 nghìn người dân Hong Kong đã tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý không chính thức đòi được tự do lựa chọn người đứng đầu đặc khu.
Trung Quốc nói người dân Hong Kong toàn quyền chọn lãnh đạo của mình nhưng muốn có ý kiến quyết định cuối cùng và không chấp nhận bất cứ ứng viên nào có quan điểm “chống lại sự thống nhất quốc gia”.
Theo kế hoạch cho đến nay, chính quyền trung ương và các nhóm dân sự thân Trung Quốc chọn ra các hội đồng bầu cử rồi từ đó bầu ra vị tân chủ tịch hành chính Hong Kong sau khi người đương nhiệm Lương Chấn Anh mãn nhiệm.
Báo Anh, trang The Telegraph hôm 9/7/2014 khi đưa tin về bài viết của ông Lưu Hiểu Minh đã trích ông Martin Lee, người sáng lập ra Đảng Dân chủ ở Hong Kong rằng "sự lựa chọn mà Bắc Kinh nêu ra là chọn giữa Con rối A và Con rối B".
Tuy không được công nhận về mặt pháp lý, cuộc trưng cầu này cho thấy mức độ bất đồng của người dân đối với chính quyền mà họ cho là đang ngày càng bị Bắc Kinh chi phối.
Các nhà tổ chức sự kiện hôm 1/7 nói khoảng nửa triệu người tham gia đoàn tuần hành đi từ Công viên Victoria tới trung tâm thành phố.
Tuy nhiên cảnh sát nói con số khoảng 100.000 người và họ đã tạm giữ hơn 500 người.
Các đại sứ Trung Quốc những năm gần đây, từ nhiệm kỳ của bà Phó Oánh (2006-2009) đến ông Lưu Hiểu Minh đều biết cách dùng truyền thông Anh để phổ biến quan điểm của chính phủ họ.
Ông Lưu Hiểu Minh cũng đã từng trả lời phỏng vấn BBC về Nhật Bản và chủ trì một hội thảo truyền thông ở London có BBC và các đài báo.
Ngoài ra, khác với nhiều đại sứ các nước ASEAN ít tiếp xúc báo chí, ông Lưu còn thường xuyên tham gia các diễn đàn cho giới học giả Anh để "giải thích" quan điểm của Trung Quốc về tranh chấp biển đảo trong khu vực.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét