THỨ TƯ 21 THÁNG TÁM 2013
Ảnh minh họa.
Trung tuần tháng 7/2013 vừa qua, sau khi các kỳ thi đại học trong nước kết thúc, chính phủ Việt Nam ra quyết định miễn phí cho một số chuyên ngành học để khuyến khích sinh viên có hoàn cảnh khó khăn. Bên cạnh một số chuyên khoa y tế đặc biệt (như lao, phong, tâm thần…), có mặt hai môn học miễn phí được công luận quan tâm: “Triết học Mác-Lênin” và “Tư tưởng Hồ Chí Minh”. Tạp chí Khoa học của RFI xin chuyển đến quý vị một số tiếng nói của các giảng viên, sinh viên và nhà nghiên cứu xung quanh vấn đề này.
Sự quan tâm đến hai môn học này có nhiều lý do, nhưng một trong những điều chủ yếu là: Đây là hai môn đào tạo bắt buộc đối với mọi sinh viên, bất kể thuộc chuyên ngành nào, trong các năm học đầu tiên. Từ lâu nay, trên truyền thông Nhà nước tại Việt Nam, có nhiều quan điểm chỉ trích hai môn học này, ở mặt này mặt khác, vì tính chất nặng nề hay chất lượng giảng dạy kém… nhưng dường như chưa có cuộc tranh luận nào đi sâu vào một số vấn đề căn cốt như: Có nên giảng dạy bắt buộc hai môn học mang tính tư tưởng và chính trị này? Nội dung các môn học này có thực sự phù hợp với việc học tập ở bậc đại học?...
Để tôn trọng các quan điểm khác biệt, trong số các vị khách mời của tạp chí có cả những người ủng hộ, những người chống và những tiếng nói khác. Hy vọng những chia sẻ ban đầu từ các vị khách mời đến từ những chân trời khác nhau, có thể mang lại được cho quý vị một số hiểu biết bổ ích về chủ đề này.
Mở đầu tạp chí, mời quý vị nghe tiếng nói của bà Vũ Thị Phương Anh (từ TP Hồ Chí Minh), tiến sĩ chuyên ngành giáo dục học.
TS Vũ Thị Phương Anh : “Cái ngành này hiện nay đang được giảng dạy bắt buộc tại tất cả các trường. Nhu cầu có giáo viên khá cao. Vì trường nào cũng phải dậy, sinh viên nào cũng phải học. Nhưng số thầy cô giáo thì có lẽ là không đủ, cho nên Nhà nước mới có quy định miễn học phí cho các ngành này. Có nhiều ý kiến quanh việc đó. Mọi người cho rằng là ngành này là không cần thiết, nhất là sinh viên. Điều này phản ánh qua việc, ngay cả miễn học phí, thì ngành đó cũng khó tuyển được sinh viên.
Thí dụ gần đây có một phỏng vấn trên báo Thanh niên, anh Trưởng phòng Đào tạo trường Khoa học xã hội – nhân văn, trường đó có khoa triết, là một nơi đào tạo chính. Anh Trưởng phòng có phát biểu hàng năm chỉ tiêu ngành triết, chủ yếu là Triết Mác-Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh, là hơn 100, thì cũng không bao giờ tuyển đủ, mà bao giờ cũng phải có bổ sung tuyển thêm những em thi vào những ngành khác, rớt vì không đủ điểm. Với các hỗ trợ không phải đóng học phí, thì thường tuyển được các em ở tỉnh và nghèo khó. Đó (tức việc tuy miễn học phí nhưng không thu hút được thêm sinh viên năm nay. Vấn đề này cần được bổ sung thêm số liệu cụ thể - ndr) là chứng cớ là ngành này không hấp dẫn, trong khi nhìn khía cạnh nào đó, lẽ ra nó phải hấp dẫn, bởi vì sinh viên vào ngành này vừa không phải đóng học phí, vừa bảo đảm việc làm, vì đa số đi dậy cho các trường cao đẳng”.
Một chủ đề gây e ngại/một thực tế bị phủ nhận
Trong giới giảng viên, nghiên cứu, không phải ai cũng sẵn sàng trả lời câu hỏi của chúng tôi về chủ đề này như tiến sĩ Vũ Thị Phương Anh. Trong quá trình liên hệ để tìm người phỏng vấn, chúng tôi có đề cập đến câu chuyện này với một giảng viên đại học tư, một nhà văn và một nhà nghiên cứu. Cuộc đối thoại với hai người đầu tiên để lại cho chúng tôi một cảm nhận về một nỗi e dè, nếu không muốn nói lo ngại rất lớn trước tình huống phải bày tỏ quan điểm về chủ đề này trên truyền thông.
Người thứ ba mà chúng tôi hỏi ý kiến là một cựu lãnh đạo Viện Xã hội học Việt Nam. Theo ông, đề tài này là “hết sức cũ kỹ”. Ông từ chối trả lời về chủ đề này, vì theo ông “có những vấn đề hiện nóng bỏng, đáng bàn hơn nhiều”. Trước khi kết thúc cuộc điện đàm ngắn ngủi, nhà nghiên cứu kịp cho chúng tôi biết cách đây hơn mười năm ông đã từng viết một tiểu luận với nhận định « không có cái gọi là chủ nghĩa Mác-Lênin ». Về câu hỏi liên quan đến môn học Tư tưởng Hồ Chí Minh, không thấy ông cho biết ý kiến. Được biết cách đây không lâu, ông cũng từng là một trong những người giảng dạy và truyền bá khá sôi nổi cho “Tư tưởng Hồ Chí Minh”.
Chủ nghĩa Mác-Lênin : Hệ tư tưởng chính thống của Liên Xô và Đệ tam Quốc tế
Nói về chủ nghĩa Mác-Lênin hay triết học Mác-Lênin rõ ràng không phải là một điều đơn giản, cho dù môn học này đang được chính thức giảng dạy ở tất cả các trường đại học. Chúng tôi tìm đến nhà nghiên cứu Lữ Phương (Sài Gòn), người đã dành nhiều công sức cho các nghiên cứu về sự du nhập của chủ nghĩa Mác vào Việt Nam, để nhờ ông cho biết một đôi điều về triết học Mác-Lênin nói chung và triết học Mác-Lênin tại Việt Nam.
Nhà nghiên cứu Lữ Phương : « Đây là đề tài mà ở Việt Nam, theo tôi biết chưa có nhiều người nghiên cứu đến nơi đến chốn, tức là đầy đủ, để chúng ta có một cái nhìn chi tiết, thấu đáo. Đề tài này rất là phức tạp. (…) Ở đây không phải là nơi tôi có thể trình bày điều đó được. (…) Tôi chỉ đặt vấn đề như thế này : Tại sao trong các xu hướng các tác gia rất khác nhau, cái nội dung của chủ nghĩa Mác mà do ông Nguyễn Ái Quốc đưa vào Việt Nam lại trở thành một cái … chủ đạo quan trọng, suốt từ mấy chục năm nay, đến ngày nay vẫn là một cái mảng chi phối toàn bộ đời sống triết học của Việt Nam ?
Điều đơn giản là vì : Chủ nghĩa Mác của Nguyễn Ái Quốc không phải là chủ nghĩa kinh nghiệm hàn lâm, thuần túy triết học, mà là một ý thức hệ đấu tranh của đảng Cộng sản Việt Nam chống thực dân bấy giờ. Cuộc chống thực dân này của cụ Nguyễn Ái Quốc lại dính đến một phong trào quốc tế, gọi là Đệ Tam Quốc tế, do Liên Xô lãnh đạo và yểm trợ, coi chủ nghĩa Mác là ý thức hệ chính thống, để giải phóng toàn thế giới khỏi sự thống trị của chủ nghĩa tư bản… Sau này, chủ nghĩa Mác này qua một con đường khác đưa vào Việt Nam, đó là qua đảng Cộng sản Trung Quốc.
Cái chủ nghĩa Mác này thường được gọi là chủ nghĩa Mác-Lênin. Đó là một khái niệm đặc biệt, mới ra đời từ thời Staline. Đây không chỉ là hệ tư tưởng chính thống của Liên Xô không, mà là toàn bộ phe Đệ Tam Quốc tế, do Liên Xô lãnh đạo. (…) Chủ nghĩa Mác qua Lênin là khác hoàn toàn. Người ta gọi chủ nghĩa xã hội mà Lênin xây dựng ở nước Nga là ‘‘tiên thiên bất túc’’. Nó là của các nước thứ Ba nghèo khổ, lạc hậu, không phát triển. Cộng sản bấy giờ là cuộc đấu tranh của những nước nghèo, chống lại những anh nhà giầu. Nó là một chủ nghĩa Mác được Lênin ‘‘vận dụng sáng tạo’’ để chống để quốc ở những nước thứ ba, đói khổ. Cái chủ nghĩa Mác mà cụ Hồ đưa vào là chủ nghĩa Mác của Lênin, nó hoàn toàn xa lạ. Nó hoàn toàn không dính gì đến chủ nghĩa Mác từ nguồn, từ cội cả. Cho nên khi đem ra thực hiện, đưa ra những kết quả trái hoàn toàn với những điều Mác đã giả định”.
Triết học Mác-Lênin mà nhà nghiên cứu Lữ Phương nói đến đã có tuổi đời gần một thế kỷ. Trong quá trình du nhập, triết học Mác-Lênin đã có nhiều thay đổi, đặc biệt trong các đào tạo ở đại học Việt Nam, những năm gần đây, trong bối cảnh chế độ từng là xứ sở thành trì của nền triết học này đã không còn tồn tại và xã hội Việt Nam đang trong quá trình mở cửa hội nhập chưa từng có. Vậy cụ thể các sinh viên Việt Nam hiện nay nhìn nhận như thế nào về môn học này và bên cạnh đó là môn học Tư tưởng Hồ Chí Minh ?
Suy nghĩ của các (cựu) sinh viên
Trước hết mời quý vị nghe tiếng nói của chị Vũ Kiều Oanh, một sinh viên ngành tâm lý (Hà Nội):
Chị Vũ Kiều Oanh : « Em nghĩ là những bạn theo học khối xã hội, có lẽ sẽ cảm thấy nó rất là cần thiết và rất là gần gũi với mình. Em thấy những bạn học khối kỹ thuật hoặc nghiêng về kỹ thuật hơn bọn em thì có lẽ nó hơi khó hiểu so với bọn em. Em thấy một số bạn khối kỹ thuật được điểm khá là thấp với môn ‘‘Triết học’’ và ‘Tư tưởng’’. Em nghĩ là nắm được Triết thì sẽ hiểu được một cách lô-gíc và khoa học về tâm lý. Còn Tư tưởng Hồ Chí Minh thì khi em học, em không biết những người khác thì như thế nào, nhưng em cảm giác rất là ngưỡng mộ. Em đã được học từ cấp III, học khá là sâu về Sử. Những kiến thức của môn Tư tưởng Hồ Chí Minh là tiếp nối của những kiến thức thời cấp III với những người học khối C.
Khi mà dậy về Triết học Mác-Lênin hoặc là Tư tưởng Hồ Chí Minh thì bản thân các thầy cũng gợi mở cho bọn em rất là nhiều những trường phái khác và những lý thuyết khác. Và các thầy cũng có nói là việc của bọn em là sau đó tìm hiểu thêm. Các thầy luôn gợi mở cho em những hướng khác để tìm hiểu. Nói một cách hình ảnh, các thầy chỉ cho em những ô cửa, Triết học Mác-Lênin chỉ là một ô cửa đấy. Và việc đi theo cái nào, như một chuyên ngành hay một lý tưởng của mình đấy là việc của bọn em, chứ các thầy không bắt bọn em phải theo một cái gì đấy ».
Còn sau đây là quan điểm của anh Từ Anh Tú (nguyên quán Bắc Giang), từng là sinh viên hai chuyên ngành kỹ thuật và y tế, nhưng sau đó buộc phải thôi học, mà một trong những lý do là bất đồng quan điểm công khai với các giảng viên hai môn học triết học và chính trị nói trên :
Anh Từ Anh Tú : « Các chương trình học của sinh viên, thì em nghĩ rằng cần phải mang tính ‘‘giáo dục’’ hơn, còn trong khi những môn như Tư tưởng Hồ Chí Minh hay Lịch sử Đảng Cộng sản hay Chủ nghĩa xã hội, thì nó không mang nhiều tính ‘‘giáo dục’’ mà nhiều tính ‘‘đào tạo’’ hơn. ‘‘Đào tạo’’ có nghĩa là có thể xấu, có thể tốt. Em nghĩ rằng nó chỉ mang tính đào tạo một chiều, chỉ hướng người ta đến một cái gì đó theo Đảng Cộng sản, chứ nó không hướng người ta đến những suy luận riêng. (…) Trước mắt muốn cho con người ta có những suy luận mang tính chất cá nhân, suy luận riêng, thì phải bỏ lối đào tạo ấy đi. (…) Một vài ý thì em không thể nào nói được hết, bởi vì cái hệ thống giáo dục của Việt Nam bây giờ em nghĩ rằng quá là mục nát, quá là thối nát rồi. Tóm tắt lại, thì em nghĩ rằng cần phải thay đổi toàn diện, thay đổi những nền nếp giáo dục cũ, vì không thực chất, mang tính giả tạo nhiều.
Trước khi bị đuổi học, em đã những buổi tranh luận rất thẳng thắn với những cô giáo dậy những môn triết học ấy. Hầu hết những buổi tranh luận ấy, em luôn là người chiến thắng cuối cùng, em có thể tự tin mà nói lên điều ấy. Ví dụ như trong môn chủ nghĩa xã hội, người ta nói rằng yêu nước là yêu chủ nghĩa xã hội, thì em cũng thẳng thắn nói với những giáo viên ấy là từ hàng nghìn năm nay, ông cha mình đã yêu nước, nhưng lúc ấy đâu đã có chủ nghĩa xã hội, vậy thì điều ấy là không thể chấp nhận được. (…) Em nghĩ mình bị đuổi học cũng một phần là như vậy. »
Có góc nhìn khá gần gũi với của anh Từ Anh Tú, chị Nguyễn Nữ Phương Dung (Sài Gòn), sinh viên ngành thiết kế đồ họa chia sẻ :
Chị Nguyễn Nữ Phương Dung : « Các môn Triết học Mác-Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh khi sinh viên bắt đầu học, thì họ rất là ngán ngẩm, vì rất là lý thuyết và rất là giáo điều. Tất cả các sinh viên, và em nghĩ chắc chắn là, tất cả các thanh niên trong đoàn Thanh niên của trường, của bất cứ trường nào cũng đều ngán môn tư tưởng Mác-Lênin, chứ không phải chỉ là một sinh viên bình thường hoặc những người có nhận thức giống như tụi em.
Em thấy, một người bình thường (cũng) có thể có tư tưởng giống như ông, thì em nghĩ, tại sao người ta lại không có một tư tưởng riêng ? mà lại áp đặt một cái tư tưởng nào đó, bắt học tư tưởng của một con người (khác), mà mình không thể có một tư tưởng riêng, giành cho riêng mình ?
Còn cái môn học chủ nghĩa Mác-Lênin thì hiện thời cả thế giới đã công nhận, giống như là cái môn đã bị cho vào sọt rác, cái môn đó không thể nào mà có thể áp dụng cho một đất nước. Cái lý thuyết đó nó không có thể tạo cho con người ta một cái gì đó để mình có thể học hỏi ».
Cũng về hai môn học này, anh Phạm Sơn Tùng, một giáo viên trẻ về môn giáo dục đặc biệt cho những người khuyết tật tâm lý (tại Sài Gòn), cho chúng tôi biết cảm nhận của anh:
Anh Phạm Sơn Tùng : « (...) Triết học Mác-Lênin là một tư tưởng mang tính đường lối của Đảng, Nhà nước. Triết học Mác-Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh, thì hai cái này nó theo cái đường hướng của Nhà nước, vì vậy nó là môn bắt buộc, là yêu cầu riêng. Vì đối với Đảng, thì khơi nguồn từ bác Hồ Chí Minh. Bác Hồ Chí Minh trên đường tìm đường cứu nước, gọi là được tiếp xúc, trải qua, được học, sống trong đường lối tư tưởng của Triết học Mác-Lê. Nên sau khi chế độ xã hội chủ nghĩa của Việt Nam thành lập, thì tất nhiên (tư tưởng này) là đường lối cách mạng của Đảng, đã đem lại sự thành công cho Đảng, Nhà nước và đem lại những cái gì mà chúng ta được tận hưởng, chúng ta được sống trong xã hội, nhờ triết học Mác-Lê. Người đưa hướng dẫn đường là bác Hồ, chúng ta sẽ phải học thêm là làm thế nào mà bác Hồ đã làm gì để vận dụng được triết học Mác-Lê vào trong cuộc sống, cũng như vào trong đường lối cách mạng, đưa cách mạng đi đến thành công…”
Về thực tế học tập hai môn này ở Việt Nam, anh Tùng cho biết thêm :
Anh Phạm Sơn Tùng : « Hầu như là những môn này, em thấy ở Việt Nam hầu như là đọc cho chép, cái thứ hai là, có hiện tượng là hiện tượng đề mở, tức là để cho học sinh, sinh viên sử dụng các tài liệu, đề mở là để ‘‘qua môn'', để tiếp tục học các môn khác. Nếu như mà học môn này, càng sâu càng tốt, nhưng vấn đề là ở Việt Nam, không đi sâu vào thực tiễn được, học môn này chỉ mang tính hình thức mà thôi.
Môn triết học đặc biệt cần thiết cho cuộc sống, còn môn Tư tưởng Hồ Chí Minh không cần thiết cho lắm. (…) Nếu không được thực hành, không được mổ xẻ vấn đề, đi sâu vào nó, thì con người ta chỉ biết là học thế nào biết thế ấy, chứ không được như những môn kỹ thuật.
Nếu như một ngày nào đó, môn triết học và môn Tư tưởng Hồ Chí Minh được mổ xẻ như một môn máy móc, kỹ thuật nào đó như một môn cơ khí, ô tô chẳng hạn, thì khi đó cái suy nghĩ, cái đầu của mỗi người, mỗi sinh viên Việt Nam nó sẽ là rộng hơn và mở hơn rất nhiều ».
Cải cách môn Mác-Lê : “Cố gắng lớn” năm 2001
Thực tế giảng dạy hai môn học thuộc lĩnh vực tư tưởng và chính trị kể trên từ mươi năm trở lại đây đã có nhiều thay đổi, tiến sĩ triết học Hồ Bá Thâm (từ Sài Gòn), người từng nghiên cứu và giảng dậy trong lĩnh vực này trong hàng chục năm, cho chúng ta biết những thay đổi mà theo ông là đáng kể, kể từ đầu những năm 2000.
Tiến sĩ Hồ Bá Thâm : « Năm 2001 ở Việt Nam đã ra đời Bộ giáo trình quốc gia (bộ giáo trình chuẩn tức là chương trình cơ bản) các môn Chủ nghĩa Mác- Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, thay cho bộ giáo trình cũ. Và dựa vào đây, Bộ Giáo dục-Đào tạo vận dụng biên soạn các giáo trình giảng dạy trong các trường đại học và cao đẳng. Đó là một cố gắng lớn.
Trong thời gian này, so với trước, sách giáo trình các môn học này biên soạn có mấy điểm mới và ưu điểm : 1) bỏ các nội dung hiểu sai, lạc hậu, cực đoan, hoặc đã bị lịch sử vượt qua; 2) chỉnh lý hoặc bổ sung nội dung mới; 3) bám sát và cập nhật thực tiễn Việt Nam và thế giới đương đại…4) tinh gọn nội dung hơn và phổ quát hơn. Tức là theo tư duy lý luận mới mà giới khoa học Việt Nam tiếp thu và đổi mới (chẳng hạn, các nội dung kinh tế thị trường, toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, văn hóa và phát triển bền vững, dân chủ hóa, nhà nước pháp quyền, nhân quyền, cách nhìn nhận mới về thời đại, về các nền văn minh, về chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã hội…).
Đặc biệt môn Triết học, cố gắng làm rõ hơn phương pháp 1uận và tư duy phê phán, đổi mới, làm cho triết học Marx là “triết học của cái có thể”. Trên tinh thần chung đó, cũng có bổ sung một số nội dung và cấu trúc lại một số chương mục, nguyên lý (trong quá trình hoàn chỉnh dần giáo trình).
Đáng chú ý, như phần khái quát lịch sử triết học, trong đó tư tưởng triết học Việt Nam, có vị thế xứng đáng hơn, và hiểu lại các nội dung này đúng hơn; bổ sung chứng minh tinh thân duy vật biện chứng bằng thành tựu khoa học hiện đại; bổ sung nhận thức phi lý tính (hay ngoài lý tính như vô thức, linh cảm, trực giác…) ; chính xác hóa về qui luật mâu thuẫn biện chứng, là điều dễ bị hiểu sai khi gắn với vấn đề đấu tranh giai cấp; và vấn đề đấu tranh giai cấp cũng được hiểu lại khái quát hơn, tránh (hạn chế những nội dung đặc thù của quốc gia này, quốc gia khác), đồng thời cũng giảm bớt nội dung về đấu tranh giai cấp, về cách mạng xã hội, và đặc biệt là bổ sung lý luận về khủng hoảng và cải cách xã hội (nhận thức rằng phát triển bao gồm cả cách mạng và cải cách tùy theo những hoàn cảnh lịch sử… xưa cải cách ta cứ cho là “cải lương”) ; bổ sung động lực nhu cầu - lợi ích và giá trị, động lực đoàn kết dân tộc, hợp tác, đồng thuận xã hội; bổ sung tiếp cận "nền văn minh" bên cạnh tiếp cận chủ yếu là “hình thái kinh tế xã hội”; bổ sung vấn đề nhân loại vào chương "giai cấp và đấu tranh giai cấp..." (trước đây thường nói nhiều về giai cấp, nhân loại không trình bày rõ lắm, thậm chí coi là cái gì “phi giai cấp”, nên không chú ý); bổ sung, làm rõ hơn vấn đề con người, giải phóng, phát triển con người; và có cách nhìn mới đối với triết học phương Tây hiện đại, chú ý hơn đến hạt nhân hợp lý của nó (trước đây chủ yếu là phê phán).
Bản thân chúng tôi cho rằng, vấn đề con người, giải phóng, phát triển con người, chống “tha hóa”, suy thoái nhân cách, vấn đề chủ nghĩa nhân bản - nhân đạo - nhân văn triết học cần có vị trí và dung lượng nhiều hơn (mà tôi gọi là “chủ nghĩa duy vật nhân văn”), nhất là trong bối cảnh khủng hoảng văn hóa và nhân cách hiện nay.
Bên cạnh giáo trình biên soạn (quốc gia) nói trên còn được bổ sung bằng sách tham khảo Tìm hiểu về sự phát triển của học thuyết duy vật biện chứng, duy vật lịch sử cuối thế kỷ XX (NXB Chính trị Quốc gia, 2004). Từ đó tạo nên dòng chảy tư duy triết học xưa - nay/ đông- tây khá toàn diện! Dù gọi là phần giáo trình triết học Mác–Lênin, hay giáo trình triết học nói chung thì trong đó, hiện nay vẫn có phần triết “trước Mác” và “sau Mác”. Nhưng cách gọi giáo trình “Mác –Lênin” là làm nổi bật phần chính, phần trọng tâm mà thôi.
Nhưng nhìn chung, các môn này, hiện nay, sau gần 30 năm đổi mới tư duy lý luận, cũng đang có nhu cầu thay đổi, tái cấu trúc hệ thống các môn học ở tầm thời đại, đương đại. để thực sự cung cấp lý luận khoa học tiến tiến nhằm đáp ứng giai đoạn mới của công cuộc cải cách, dân chủ hóa, hội nhập, hiện đại hóa, phát triển bền vững tiến cùng thời đại của Việt Nam.
Như vậy, chủ nghĩa Mác-Lênin nói chung và triết học nói riêng cũng là nằm trong một triết lý “dĩ bất biến ứng vạn biến”, nghĩa là phải đổi mới, tự đổi mới, tự phê phán phát triển hơn nữa, (mà nền tảng là tư duy triết học), nếu không sẽ lạc hậu so với cuộc sống!
Gần đây ở Việt Nam có chủ trương xây dựng một “chủ thuyết phát triển mới”, khái quát, phát triển nhiều vấn đề của thời đại, trước đây các cụ không có điều kiện đề xuất, hoặc khái quát thành lý luận.
Trên đây là một số trình bày của chúng tôi về những nét, những điểm mới của giảng dạy các môn về chủ nghĩa Mác-Lênin nói chung và đặc biệt của triết học Mác-Lê nin (…) ».
Chủ nghĩa Mác-Lê đương đại : “Phản thực tế hoàn toàn” và là xiềng xích của tâm hồn
Những tâm sự của các bạn sinh viên hay cựu sinh viên kể trên cho thấy nhiều luồng suy nghĩ khác nhau xung quanh hai môn học cơ bản bắt buộc “Triết học Mác-Lênin” và “Tư tưởng Hồ Chí Minh”. Rất hào hứng như anh Phạm Sơn Tùng, người cho rằng nên duy trì như một môn học bắt buộc, cảm thấy thu được rất nhiều bổ ích như chị Vũ Kiều Oanh, nhìn thấy ở môn học này một cơ hội tìm đến những chân trời tư tưởng hết sức đa dạng, mà trong đó triết học Mác-Lênin chỉ là một… Bên cạnh đó là những người chán ngán và quyết liệt chỉ trích việc giảng dạy hai môn học kể trên như chị Nguyễn Nữ Phương Dung và anh Từ Anh Tú.
Sự thay đổi trong hai môn học bắt buộc với các sinh viên Việt Nam trong thời gian mươi năm trở lại đây, như tiến sĩ Hồ Bá Thâm mô tả, có vẻ như đã mang lại sức hấp dẫn nhất định cho các môn này. Tuy nhiên, có không ít ý kiến nghi ngờ về thực chất của sự thay đổi này như ý kiến nhà nghiên cứu Lữ Phương sau đây. Ông Lữ Phương cũng khẳng định với chúng tôi là sự thay đổi của việc giảng dậy môn triết học Mác Lênin tại trường đại học những năm gần đây không phải là đối tượng nghiên cứu của ông.
Nhà nghiên cứu Lữ Phương : « (…) Tôi thì tôi không có đảm nhận việc giảng dậy này, nhưng mà tôi cũng có con cháu, rồi sách vở, báo chí, tôi cũng đọc, thì tôi thấy đây là cái chủ nghĩa Mác mà người ta đem vào giảng dậy, đầu tiên ở các trường Đảng, trường Nguyễn Ái Quốc, các lớp chỉnh huấn, rồi các lớp đại học… là chủ nghĩa Mác-Lênin. Mà người ta khái quát lên là khoa học, là này khác, nhân danh ông Mác, nhưng là ông Mác không được nói đến đàng hoàng, mặc dù có xuất bản các sách vở của ông ấy, nhưng không ai nghiên cứu cả, mà cái chính là các giáo trình của Hàn lâm viện Liên Xô. Mác-Lênin đem ra giảng dạy không phải như một thứ triết học, mà giống như là một cái cẩm nang sửa xe đạp chẳng hạn. Mấy nguyên tắc, mấy phạm trù, mấy mâu thuẫn….
Đấy không phải là triết học ! Bởi vì triết học, nó gợi cho người ta cái suy tưởng, cái vấn để bao quát, để mà nhìn lại mọi thứ một cách phê phán. Ở đây người ta dạy như một công cụ, một công cụ sửa xe, hay làm cách mạng…. Và cứ như thế áp từ trên áp xuống, không học cũng bắt phải học. Đầu tiên là gây ra một tình trạng phản thực tế hoàn toàn.
Bảo là giai cấp công nhân làm chủ, giai cấp công nhân bây giờ nó đói, nó khổ, nghèo nàn hơn tất cả các giai cấp khác, nó phải đấu tranh chống lại những người chủ mới, còn người nông dân – đồng minh chia sẻ chính quyền Xô viết -, thì bây giờ bị cướp đất, cướp nhà…còn người trí thức được hứa hẹn tự do tư tưởng, chúng tôi hồi đó là sướng lắm, mình mơ tưởng một ngày nào mình tự do, tư tưởng bay bổng lên, sáng tạo những điều tuyệt vời… nhưng bây giờ đây bị cấm đoán trăm điều… Tức là nó ngược lại hoàn toàn những gì mà sách vở nói. (…)
Đem giảng dậy những điều đó trong xã hội này chỉ phản tác dụng mà thôi, không ai nghe cả. Những người mà nghe là những người dùng nguyên lý này để xây dựng chế độ, để chống lại những tư tưởng tiến bộ.
Đây quả thật là một môn thừa thãi, không có giúp ích gì cho trí tuệ, không có khai phóng tư tưởng gì cả, mà chỉ biến thành một cái gông cùm, một xiềng xích tinh thần, để nô lệ hóa cả một lớp người đang nắm… tương lai. Bây giờ có đổi mới gì chăng ?
Theo tôi chẳng có gì cả, nếu có chỉ là râu ria. Bây giờ, người ta không nói là ‘‘vận dụng’’ chủ nghĩa Mác-Lênin, mà nói chủ nghĩa Mác-Lênin là ‘‘cái nền tảng’’ thôi, tức là trên đó mình bày biện chủ nghĩa này, chủ nghĩa kia lăng nhăng cả, tín ngưỡng này kia, lăng nhăng cả…
Tôi có thể tóm lại là, đối với ‘‘cuộc cách mạng’’ Việt Nam, chủ nghĩa Mác đã bị biến thể thành chủ nghĩa Mác-Lênin, trở thành một công cụ thống trị, nhồi sọ và làm hư hỏng tâm hồn, không có tốt gì cả đối với nền giáo dục ».
Để hiểu « Mác-Lê » cần ra khỏi một cái nhìn « trừu tượng » về lịch sử
« (…) Mỗi dân tộc bước vào thời kỳ hiện đại một cách khác nhau. Việt Nam là thông qua chủ nghĩa Mác-Lê nin, do cụ Hồ đưa vào. Nếu theo dõi trên mạng, thì cuộc tranh luận xung quanh vấn đề này là cực kỳ gay gắt. Thế thì, mình đặt vấn đề như thế nào cho nó thỏa đáng, hợp lý ? Theo những anh em có suy nghĩ về vấn đề này, mình tránh đặt vấn đề một cách trừu tượng.
Thí dụ như cho là chủ nghĩa Mác là thế này, chủ nghĩa cộng sản là thế này, thí dụ như là cái ác, là cái xấu chẳng hạn. Rồi đến khi nó đưa vào Việt Nam, thì nó đưa vào Việt Nam như một hệ thống từ đầu đến cuối y như nhau… kết tội một cách toàn bộ từ đầu đến cuối.
Một version ngược lại, cho rằng chủ nghĩa Mác-Lênin là thời đại, là khoa học, là tất cả mọi thứ… Quan niệm này cũng là quan niệm trừu tượng. Tức là mình đưa một cái cụ thể, mang tính lịch sử đưa lên một vùng trừu tượng và như thế là cứ tranh luận với nhau. Cuộc tranh đấu như thế cứ liên tu bất tận. Anh nhân danh những giá trị trừu tượng, tôi nhân danh giá trị trừu tượng, chỉ cãi nhau muôn đời và chỉ có rút súng ra…
Chủ nghĩa Mác-Lênin là một hiện tượng cụ thể mang tính lịch sử. Nó có lý để ra đời, qua những giai đoạn này khác, nó có thể biến thái đi và có thể không thích hợp nữa... ».
Cần dạy triết như triết
Về vấn đề này, tiến sĩ Vũ Thị Phương Anh đưa ra một cái nhìn khác :
Tiến sĩ Vũ Thị Phương Anh : « Ở một cái nước mà tuyên ngôn là theo lý luận của Mác, tức là nói chung là do đảng Cộng sản lãnh đạo, thì họ cho đó là điều quan trọng. Tôi sẽ không tranh cãi điều này. Nhưng tôi nghĩ là, ngay cả nếu như đồng ý với quan điểm là phải dạy Triết học Mác-Lênin cho người học, thì tôi vẫn nghĩ là cách làm hiện nay là không có hiệu quả. Và lẽ ra họ nên có những suy nghĩ để cho nó có hiệu quả hơn.
Tại vì tôi tin là học bằng ấy tiết học về Triết học Mác-Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh, nhưng thực sự người Việt Nam không hiểu về triết học Mác thì phải. Dư luận lâu nay đề nghị là bỏ được thì càng tốt, nhưng là chắc là không bỏ, nếu như đảng Cộng sản vẫn lãnh đạo. Nếu vậy thì cũng phải đổi cách dậy khác. Tại vì tôi cho là, nếu dạy triết đúng nghĩa, thì nó cũng sẽ phát triển được khả năng tư duy, suy luận, và nó cũng là một phần của kiến thức nhân loại cần biết. Tôi nghĩ là, nếu phải dậy, thì dậy đúng như môn triết. Trong đó, người dậy cuối cùng cũng có thể ủng hộ Các Mác đi chăng nữa, thì tôi nghĩ phải dậy nó đúng như môn triết, chứ không phải như một môn chính trị, với những giáo điều mà mình phải tin, phải trả lại giống như đi theo đạo, học kinh sách của đạo, mà không cần hiểu ».
Trở lại với vấn đề xây dựng tư duy độc lập là điều mà dường như đa số những người phản đối hay ủng hộ việc giảng dậy môn Triết học Mác-Lênin đều đồng ý là điểm then chốt của quá trình học tập trong nhà trường, chúng tôi đặt câu hỏi với tiến sĩ Hồ Bá Thâm, đồng thời với việc hỏi ý kiến ông về những hiện tượng áp đặt độc đoán trong quan hệ giữa các giảng viên Mác-Lênin với sinh viên ở Việt Nam (cụ thể qua trường hợp anh Từ Anh Tú kể trên). Sau đây là một số nhận định của tiến sĩ Hồ Bá Thâm :
Tiến sĩ Hồ Bá Thâm : « Vấn đề tri thức của một dân tộc, của nhân loại, cần nhìn nhận như bầu sữa, như là một không khí, mỗi người cần hít thở, cần tiếp thu nó. Cố nhiên đây là quá trình sàng lọc. Nói như thế tức là chúng ta nghiên cứu, tiếp thu nó theo tinh thần dân chủ, tinh thần đối thoại sáng tạo. Đó cũng là tinh thần tự do ngôn luận trong quá trình học tập, đặc biệt là ở các nước phát triển thường được phát huy. (…)
Xét về phương diện văn hóa, Việt Nam có một cái Nho giáo, Tống Nho ngày xưa, hoặc ảnh hưởng ít nhiều của kiểu thần thánh hóa kinh điển, thần thánh hóa các tư tưởng của vĩ nhân. Đặc biệt đây là vấn đề nhiều khi lại gắn liền trực tiếp với đời sống chính trị, hết sức ‘‘nhạy cảm’’ – từ bây giờ thường dùng. Thường thường muốn trao đổi vấn đề này, thì người giáo viên phải có bản lĩnh, có trình độ, để nắm chắc bản chất vấn đề, có thể trao đổi thoái mái. (…)
Thông thường có một thời kỳ, nhiều khi bảo nói theo thầy, nói theo sách, đừng nói khác mất lập trường. Về mặt toàn bộ xã hội, thì đã qua rồi, nhưng mà trên lĩnh vực cụ thể, thời điểm cụ thể, thì vẫn còn tồn tại (sự áp đặt này – ndr). Thành thử ít nhiều cái môn học này, cần được nhìn nhận lại một cách dân chủ, đối thoại trao đổi để đi đến chân lý. Không nên trong quá trình tìm đến chân lý, thì quy kết về chính trị. Đụng chạm đến những vấn đề như thế, đúng là cần phải có thời gian, cần có phân tích cho cặn kẽ (…).
Phải học cách tranh luận, đối thoại, đặc biệt trong các lĩnh vực chính trị, lĩnh vực lý luận, lĩnh vực mà ta thường gọi là ''nhạy cảm'', dễ đụng chạm. Tin tưởng rằng những vấn đề như thế sẽ được giải quyết. Xã hội Việt Nam tiến lên ngày càng dân chủ hơn, bao dung hơn, càng khoa học hơn, càng tiến bộ hơn. Đấy là niềm tin của chúng tôi, mặc dù thử thách cũng còn rất lớn. »
Khảo sát về dạy-học Mác-Lê & Tư tưởng HCM : Một chủ đề « nhạy cảm »
Tạp chí Khoa hoc của RFI tuần này về chủ đề tranh luận tại Việt Nam về hai môn học về tư tưởng chính trị tại Việt Nam tạm khép lại với ý kiến của nhà xã hội học Trịnh Hòa Bình (từ Hà Nội), trả lời câu hỏi của chúng tôi về việc liệu có khả năng tổ chức các nghiên cứu khách quan về thực trạng giảng dậy và học tập hai môn học kể trên tại Việt Nam.
Tiến sĩ Trịnh Hòa Bình : « Nói chuyện xung quanh chủ đề này, nó dễ ở chỗ nếu quan niệm nó như là một trong những bộ môn khoa học bình thường khác, thì dễ thôi, nhưng mà ở đây người ta lại nhìn nhận nó là ‘‘nền tảng’’, nó là tính chất gắn liền với ý thức hệ. Rồi cái gọi là ‘‘ưu việt’’, tính ‘‘hơn thua’’, '‘ai thắng ai’’ (chủ nghĩa cộng sản/chủ nghĩa tư bản), thì khi bình luận, khi đánh giá về nó thì lúng túng như gà mắc tóc. Không phân tích được đến nơi, đến chốn. Nói chung là, nó mắc, nó bị chặn đầu, chặn đuôi.
RFI : Phải chăng điều đó là một nguyên nhân khiến ngành Xã hội học tại Việt Nam không thể tiến hành một nghiên cứu đo lường về vấn đề này ?
Tiến sĩ Trịnh Hòa Bình : Khoa học ‘‘Nhà nước’’ ở đây nói vui là phải được giao. Còn các nhà xã hội học hoạt động với tính cách tư nhân, thì họ có nguồn lực ở đâu để họ triển khai những nghiên cứu đó là một. Thứ hai là, họ nhận tiền tài trợ ở đâu đó để nghiên cứu về những cái này, thì sẽ được nhìn nhận đánh giá như thế nào, về động cơ ? Có những vùng rất hạn chế, nếu chúng ta không tiện sử dụng chữ ‘‘vùng cấm’’, mà các nhà khoa học độc lập, nếu có làm, thì cũng chỉ tiếp cận cho vui ở bình diện cá nhân, còn ở bình diện có tính cách như một thiết chế, một cơ quan, thì chắc chắn không được làm.
Không được làm, thì cũng không có văn bản cụ thể nào (cấm) cả. Nhưng cái không được làm rõ nhất là không được giao. Không được giao thì làm sao mà có mà làm. Bởi vì phạm vi nguồn lực của cá nhân thì không có. Thứ hai, anh vì động cơ gì mà anh làm ? Chẳng giải quyết được cái gì !
Có thể là người ta quan tâm đến những vấn đề có tính chất thời sự xã hội. Những vấn đề liên quan đến động thái, sự phát triển của xã hội, dưới dạng thức như là hành vi, như hoạt động xã hội… chứ còn những gì nghiên cứu liên quan đến tư tưởng, liên quan đến cái động lực hay là… thậm chí có những vấn đề người ta nói suốt ngày, cứ như là thoải mái lắm, quan tâm lắm, về dư luận chẳng hạn, thì cũng không phải là được làm một cách phổ quát, một cách rộng rãi. Phải là những cơ quan nào mới được phép làm.
Cơ quan được phép làm thì nói chung là các cơ quan của Đảng. Chứ tôi không bàn đến chuyện họ làm đến đâu và cách thức họ làm như thế nào và có đạt được chân lý khách quan không.
RFI : Dù sao đó cũng chỉ là những nghiên cứu nội bộ, vì không có những kiểm chứng của các phương pháp khác, cơ sở nghiên cứu khác ?
Tiến sĩ Trịnh Hòa Bình : Nói chung là chẳng có phương pháp gì cả. Nhiều cái vẫn xưa cũ lắm ! Chả có thay đổi gì cả. Có một thay đổi duy nhất. Tức là đã nhìn nhận nó (hai môn học kể trên) nặng nề : Phải tìm cách giản lược. Nhưng còn từ bỏ nó với tính cách như phần cơ bản, phần nền tảng, thì không có chuyện đấy, và chắc cũng còn lâu mới là đối xử với các môn đó bình đẳng như là các môn khác.
RFI xin chân thành cảm ơn các anh chị Nguyễn Nữ Phương Dung, Vũ Kiều Oanh, Phạm Sơn Tùng, Từ Anh Tú, cùng các nhà nghiên cứu Vũ Thị Phương Anh, Trịnh Hòa Bình, Lữ Phương và Hồ Bá Thâm đã dành thời gian cho tạp chí.
Toàn bộ phần trao đổi với các vị khách mời, quý thính độc giả có thể tham khảo thêm trong phần âm thanh trong bài tạp chí “Triết học Mác-Lê”, “Tư tưởng Hồ Chí Minh”: Môn bắt buộc ở đại học? trên trang mạng www.viet.rfi.fr
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét