Thứ Hai, 26 tháng 8, 2013

Một thể chế dân chủ xã hội cho Việt Nam?

Nguyễn Gia Kiểng

Nguyễn Gia Kiểng
Chia sẻ bài viết này
“…Vậy vấn đề căn bản nhất vẫn là làm thể nào để sản xuất thật nhiều của cải, sau đó mới có vấn đề phân phối đồng đều. Sai lầm cơ bản của các chế độ dân chủ xã hội là nghĩ đến phân phối trước khi lo lắng cho sản xuất…”
LTS Thông Luận: Gần đây một số trí thức có uy tín trong nước trong khi thảo luận về vấn đề dân chủ hóa đất nước đã đề cập đến thể chế dân chủ xã hội như một giải pháp chấp nhận được cho Việt Nam, có người còn cho rằng đó là giải pháp tối ưu. Cuộc thảo luận về thể chế dân chủ xã hội càng sôi nổi sau khi ông Lê Hiếu Đằng kêu gọi các đảng viên cộng sản bất mãn bỏ ĐCSVN để thành lập Đảng Dân Chủ Xã Hội. Chúng tôi đăng lại sau đây quan điểm của ông Nguyễn Gia Kiểng về chủ đề này. Ông Kiểng phát biểu trong một bài phỏng vấn ngắn dành cho ký giả Đinh Quang Anh Thái của đài Little Saigon Radio và báo Việt Tide. Cuộc phỏng vấn này diễn ra vào tháng 11-2005, ba tháng sau một hội nghị của các chuyên gia và trí thức Việt Nam mùa hè 2005 tại Đà Nẵng trong đó giải pháp dân chủ xã hội được một số người đưa ra và được một phần dư luận tán thành. Cũng xin lưu ý độc giả là những con số về thất nghiêp tại Châu Âu mà ông Kiểng đưa ra năm 2005 cũng vẫn rất gần với thực tế hiện nay.
Phạm Đỉnh
* * *
Đinh Quang Anh Thái: Thời gian gần đây, một số trí thức Việt Nam trong hệ thống đảng và nhà nước cộng sản như tiến sĩ Phan Đình Diệu và tiến sĩ Lê Đăng Doanh, hay đối lập như Hà Sĩ Phu nhận định rằng, một thể chế dân chủ xã hội có thể phù hợp với Việt Nam hơn là thể chế dân chủ kiểu Mỹ. Ông nghĩ sao về suy nghĩ đó ?
Nguyễn Gia Kiểng: Trước hết cần hiểu rõ ý nghĩa của các từ ngữ.
Dân chủ kiểu Mỹ thì ai cũng hiểu vì rất giản dị, đó là một thể chế đặt nền tảng trên chủ nghĩa cá nhân tự do; các quyền căn bản của người dân được qui định trong hiến pháp và luật pháp và được triệt để tôn trọng, kinh tế vận hành theo qui luật thị trường.
Trái lại, khái niệm dân chủ xã hội phức tạp hơn nhiều và mỗi người sử dụng nó theo một nghĩa riêng, nhiều khi như là một thỏa hiệp giữa dân chủ và cái gọi là "chủ nghĩa xã hội". Thực ra khái niệm dân chủ xã hội có lịch sử, nội dung lý thuyết và cũng có sự thể hiện thực sự của nó tại Tây Âu.
Cần hiểu rằng cho tới đầu thế kỷ 20 các cụm từ "cộng sản", "xã hội", "dân chủ xã hội" được coi như đồng nghĩa. Trong suốt thế kỷ 19 phong trào cộng sản mạnh nhất tại Đức, và đảng cộng sản Đức mang tên là "Đảng Dân Chủ Xã Hội". Đảng cộng sản Nga của Lênin cũng có tên là "Đảng Lao Động Dân Chủ Xã Hội", chỉ đổi tên thành "Đảng Cộng Sản Liên Xô" vài năm sau khi đã cầm quyền. Cụm từ "dân chủ xã hội" lần đầu tiên mang một ý nghĩa đặc biệt năm 1875 khi đại hội của Đảng Dân Chủ Xã Hội Đức họp tại Gotha, phản bác một số nhận định trong duy vật lịch sử của Marx, thí dụ như sự bần cùng hóa tất yếu của giai cấp công nhân, sự tập trung các phương tiện sản xuất vào tay một số chủ nhân ngày càng ít. Lúc đó kinh tế châu Âu phát triển mạnh và thực tế phủ nhận những tiên đoán của Marx, đời sống công nhân không cơ cực thêm mà còn được cải thiện một cách ngoạn mục, số nhà tư bản không ít đi mà tăng lên một cách đột ngột, v.v. Từ những nhận định đó, cương lĩnh Gotha cho rằng có thể tiến tới xã hội cộng sản, được hiểu theo nghĩa một xã hội lý tưởng trong đó không còn phân biệt giữa chủ nhân và công nhân và mọi người làm việc theo khả năng và hưởng thụ theo nhu cầu, mà không cần phải dùng tới bạo lực và chuyên chính vô sản. Nói chung đó là một con đường khác, ôn hòa hơn, để tiến tới chủ nghĩa cộng sản. Karl Marx đã rất tức giận với cương lĩnh này và đã viết cả một cuốn sách với tựa đề là "Phản bác cương lĩnh Gotha".
Nhưng đây là những tranh luận lý thuyết. Trên thực tế chế độ dân chủ xã hội đã được thực hiện trên một qui mô lớn do các nước tư bản Tây Âu sau Thế Chiến 2 trong mục đích không phải là tiến tới chủ nghĩa cộng sản mà, trái lại, là để ngăn chặn chủ nghĩa cộng sản. Cho tới nay các nước Tây Âu nói chung vẫn còn là những chế độ dân chủ xã hội.
ĐQAT: Ông từng du học rồi sau đó sống nhiều năm tại Paris, theo ông thì thể chế dân chủ xã hội có những ưu và khuyết điểm nào đối với xã hội và đời sống của dân chúng Pháp ?
NGK: Ưu điểm của chế độ dân chủ xã hội là những bảo đảm an sinh rất lớn đối với người dân, sức khỏe hoàn toàn được bảo đảm, giáo dục miễn phí ở mọi cấp, học bổng dồi dào, một học sinh giỏi chắc chắn có một tương lai tươi sáng. Trợ cấp thất nghiệp khá cao và được duy trì trong thời gian dài ; số giờ làm việc ít, số ngày nghỉ có trả lương cao ; bất cứ ai cũng được cấp một lợi tức tối thiểu để sống. Lương hưu cao, bảo đảm những năm cuối đời an vui. Tóm lại con người được săn sóc và kính trọng.
Khuyết điểm của nó trước hết là cái giá phải trả cho những ưu điểm vừa kể và đồng thời là những tật bệnh tất nhiên phải có của một chính sách duy ý chí. Câu hỏi đầu tiên vẫn là "tiền đâu?". Một nhà nước dù tốt bụng đến đâu cũng chỉ có thể cho những gì mà nó có. Vậy vấn đề căn bản nhất vẫn là làm thể nào để sản xuất thật nhiều của cải, sau đó mới có vấn đề phân phối đồng đều. Sai lầm cơ bản của các chế độ dân chủ xã hội là nghĩ đến phân phối trước khi lo lắng cho sản xuất.
Một cách cụ thể, nhà nước ban phát nhiều tất nhiên cũng phải là một nhà nước to lớn kềnh càng đưa tới tham nhũng. Các chế độ dân chủ xã hội Tây Âu, đặc biệt là tại Pháp thể hiện bằng một khối lượng công chức đồ sộ, một khu vực kinh tế quốc doanh lớn với hiệu quả thấp, và nhất là những luật lệ rất gò bó đối với các công ty. Sa thải một công nhân là cả một thủ tục dài và tốn kém. Chính vì thế mà kinh tế Tây Âu đang trì trệ, các xí nghiệp không có lời nên không phát triển được và không thể tuyển dụng thêm công nhân. Hậu quả thấy rõ: hai nước dân chủ xã hội lớn tại châu Âu là Pháp và Đức đều có tỷ lệ thất nghiệp trên 10%, trong giới trẻ chưa có kinh nghiệm tỷ lệ thất nghiệp là gần 40%.
Chưa kể là những chính sách tốt đẹp nhất trên nguyên tắc mà duy ý chí cũng chắc chắn có mặt trái của nó. Lấy một thí dụ cụ thể về một điểm mà nước Pháp rất tự hào là giáo dục. Pháp có một số trường rất danh tiếng với các giáo sư thượng hạng, đầy đủ phương tiện học hỏi, lại hoàn toàn miễn phí. Sinh viên tốt nghiệp được bảo đảm một chỗ đứng vinh quang trong xã hội và dĩ nhiên một lợi tức thoải mái. Điều kiện duy nhất để được nhận vào các trường này là học giỏi để thi đậu trong những cuộc thi tuyển khó khăn. Thật là lý tưởng. Nhưng nếu nhìn vào thành phần sinh viên các trường này thì ta thấy hầu như tất cả đều là con cái của giới trí thức thượng lưu. Kết quả là những người nghèo đóng thuế để tài trợ cho con cái những người giàu.
ĐQAT: Nói như ông, vậy thì dân chủ của Mỹ tốt hơn ?
NGK: Đúng thế. Chế độ dân chủ xã hội của Tây Âu được hình thành sau thế chiến 2 để ngăn chặn sự bành trướng của chủ nghĩa cộng sản. Nó có những yếu tố mị dân nhằm tranh thủ hậu thuẫn quần chúng chống lại tuyên truyền cộng sản, để cắt cỏ dưới chân các đảng cộng sản lúc nào cũng sẵn sàng khai thác những bất mãn của quần chúng. Hoa Kỳ trái lại không có mối nguy cộng sản và do đó chỉ có một ưu tư duy nhất là làm thế nào để tổ chức xã hội một cách hiệu quả nhất. Mô hình Mỹ vì vậy chắc chắn là hợp lý hơn mô hình Tây Âu. Thực tế chứng tỏ xã hội Mỹ năng động hơn xã hội châu Âu.
ĐQAT: Liệu có một thể chế nào dung hòa được giữa dân chủ xã hội và dân chủ kiểu Mỹ ?
NGK: Thế nào là dung hòa ? Và tại sao phải dung hòa ? Mọi xã hội đều phải có chung ba ưu tư lớn: một là bảo đảm các quyền tự do của con người, nói cách khác là xây dựng và củng cố dân chủ ; hai là tổ chức một cách hiệu quả để mỗi ngày một giàu mạnh hơn ; ba là thực hiện liên đới xã hội để một mặt giúp những người thiếu may mắn gượng dậy và vươn lên, một khác bảo đảm hòa bình trong xã hội. Tùy theo hoàn cảnh của từng nước mà trong mỗi giai đoạn ưu tư nào phải được dành một trọng lượng đặc biệt quan trọng.
Một cách ngắn gọn, tổ chức chính trị có mục đích phục vụ con người và con người có hai loại quyền: những quyền không bị (freedom from) và những quyền được có (freedom to). Con người phải không bị cấm cản chọn lựa nghề nghiệp và nếp sống, phát biểu ý kiến của mình, thành lập hoặc tham gia các tổ chức, bầu cử và ứng cử tự do, đó là những quyền không bị. Mặt khác con người cũng phải được quyền có công ăn việc làm, có lợi tức, có lương thực đầy đủ và môi trường lành sạch, được săn sóc khi đau yếu, có phương tiện để học hỏi và tiến lên, nói chung là có cuộc sống lành mạnh và xứng đáng. Các quyền không bị là những quyền phải có ngay tức khắc và không điều kiện ; các quyền được có tùy ở khả năng của mỗi quốc gia, ở mỗi giai đoạn. Nói chung, mọi quốc gia và mọi chính quyền đều phải theo đuổi những mục tiêu giống nhau, nhưng không có những kiểu mẫu làm sẵn và do đó không có vấn đề dung hòa giữa các mô hình này.
ĐQAT: Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên chủ trương thể chế nào cho Việt Nam, sau khi chế độ toàn trị hiện nay không còn cầm quyền nữa ?
NGK: Như tôi vừa nói ở trên, những quyền không bị là những quyền có thể và phải được thực hiện tức khắc và không điều kiện. Những quyền này định nghĩa một thể chế dân chủ. Vậy vấn đề trước hết là thiết lập dân chủ đa nguyên, toàn diện và tức khắc. Trên điểm này không thể có một nhân nhượng nào.
Vấn đề liên đới xã hội đang đặt ra cho nước ta ở mức độ thấp nhất: mức độ cứu trợ. Một tỷ lệ lớn đồng bào ta thiếu lương thực và săn sóc sức khỏe. Một số lượng rất đông đảo thanh thiếu niên không thể đi học vì học phí quá đắt. Phải thiết lập một hệ thống y tế công cộng và một hệ thống giáo dục miễn phí có phẩm chất. Đó là những điều chúng ta có thể làm được một cách nhanh chóng. Hiện nay mức độ tăng trưởng của chúng ta là 7,5%, mặc dù chúng ta bị cai trị một cách vô lý và bị nạn tham nhũng đục khoét. Nếu có dân chủ, có luật pháp đúng đắn và đẩy lùi được tham nhũng chúng ta có mọi khả năng để duy trì một mức độ tăng trưởng 15% trong nhiều năm và có thể dùng một phần đáng kể của thành quả này để thực hiện những đòi hỏi cấp bách của liên đới xã hội.
Về lâu về dài, Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên quan niệm, như đã trình bày trong dự án chính trịThành Công Thế Kỷ 21 của chúng tôi, liên đới xã hội là ưu tư hàng đầu, không kém phát triển kinh tế, nhưng được thể hiện qua thuế. Nhà nước thu thuế và dùng thuế để thực hiện liên đới xã hội. Nếu nhu cầu cao thì mức thuế sẽ cao hơn, và ngược lại. Nhưng chúng tôi dứt khoát không chủ trương thực hiện liên đới xã hội bằng những luật lệ gò bó cho các xí nghiệp như mô hình dân chủ xã hội Tây Âu. Chúng tôi cũng tin tưởng rằng ngay cả nếu chúng ta có đạt mức thuế tương đối cao thì Việt Nam vẫn còn rất hấp dẫn với đầu tư nước ngoài trong nhiều thập niên. Các công ty sợ tham nhũng và thủ tục nặng nề hơn là sợ mức thuế 35% thay vì 30%.
Mặt khác, Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên cũng chủ trương thực hiện liên đới xã hội chủ yếu qua các tổ chức của xã hội dân sự, nghĩa là các hội thiện nguyện và các giáo hội, hơn là qua các công chức và công ty quốc doanh như các nước Tây Âu. Kinh tế phải được vận hành đúng qui luật thị trường. Nếu nói đó là dân chủ kiểu Mỹ thì cũng không sao. Không có gì hổ nhục khi học hỏi những kinh nghiệm đã thành công. Sự hổ nhục là thua kém.
Nguyễn Gia Kiểng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét