Thứ Bảy, 17 tháng 8, 2013

LIBERALISM BY LUDWIG VON MISES (1881 - 1973)

Ngày 10 tháng 8 năm 2013

Ludwig von Mises (1881-1973) - Chủ nghĩa tự do truyền thống


Lời giới thiệu bản dịch tiếng Anh

New York, tháng 4 năm 1962

Trật tự xã hội hình thành từ triết lí của thời Khai Sáng khẳng định vai trò tối thượng của người dân “thường”. Trong vai người tiêu dùng, người dân bình thường trở thành người đưa ra quyết định cuối cùng về việc cái gì sẽ được sản xuất, với số lượng là bao nhiêu, chất lượng như thế nào, ai sản xuất, sản xuất thế nào, sản xuất ở đâu; trong vai người đi bỏ phiếu, người dân bình thường có toàn quyền quyết định đường lối của chính sách quốc gia. Trong xã hội tiền tư bản “ông trùm” là những kẻ có đủ sức buộc những người yếu hơn phải qui phục. Cái cơ chế bị nhiều người chỉ trích của thị trường tự do chỉ để ngỏ duy nhất một con đường dẫn tới thịnh vượng, đấy là phục vụ người tiêu dùng một cách tốt nhất và rẻ nhất có thể. Trong lĩnh vực công việc quốc gia, hệ thống chính phủ đại diện là hệ thống phù hợp nhất với “nền dân chủ” như thế của thị trường tự do. Sự vĩ đại của giai đoạn giữa những cuộc chiến tranh của Napoleon và Chiến tranh thế giới thứ nhất chính là lí tưởng xã hội: tự do buôn bán trong thế giới của những dân tộc hoà bình, một nền tự do mà những người kiệt xuất nhất đang đấu tranh để biến nó thành hiện thực. Đấy là thời đại mà đời sống của người dân được cải thiện với tốc độ chưa từng có. Đấy là thời đại của chủ nghĩa tự do.

Hiện nay người ta gần như đã quên hết các nguyên tắc của chủ nghĩa tự do thế kỉ XIX rồi. Ở châu Âu lục địa chỉ còn vài người nhớ mà thôi. Ở nước Anh, thuật ngữ “tự do” được đa số người sử dụng nhằm ám chỉ cái cương lĩnh mà thực ra chỉ khác chủ nghĩa toàn trị của những người xã hội chủ nghĩa ở những tiểu tiết. Hiện nay ở Mĩ, từ “tự do” lại được dùng để chỉ một tập hợp các ý tưởng và định đề chính trị trái ngược hẳn với cách hiểu về chủ nghĩa tự do của các thế hệ tiền bối. Người tự do kiểu Mĩ là người ủng hộ chính phủ toàn trí toàn năng, là kẻ thù không đội trời chung của tự do kinh doanh và là kẻ ủng hộ cho kế hoạch hoá mọi mặt của đời sống, tức là ủng hộ chủ nghĩa xã hội. Những người “tự do” này vội vã nhấn mạnh rằng họ phản đối chính sách độc tài của nước Nga không phải là vì tính chất xã hội chủ nghĩa hay cộng sản chủ nghĩa của những chính sách đó mà vì chúng có xu hướng đế quốc chủ nghĩa. Tất cả các biện pháp nhằm tịch thu tài sản của những người giàu có và hạn chế quyền của những người có tài sản đều được coi là tự do và tiến bộ cả. Các cơ quan của chính phủ nắm được quyền lực hầu như không hạn chế, toà án không có quyền phán xét quyết định của họ. Một vài công dân trung thực, những người dám phê phán xu hướng độc tài, bị coi là những kẻ cực đoan, phản động, bảo hoàng về kinh tế và phát xít. Người ta cho rằng đất nước tự do không thể dung thứ hoạt động chính trị của những “kẻ thù xã hội” như thế.

Đáng ngạc nhiên là ở đây người ta coi những quan điểm này là hoàn toàn của Mĩ và là sự tiếp tục của các nguyên tắc và triết lí của những người định cư đầu tiên (Pilgrim Father) ở Mĩ vào năm 1620, của những người đặt bút kí vào bản Tuyên ngôn độc lập, những tác giả của bản Hiến pháp và tờ Federalist. Chỉ một ít người biết rằng những chính sách được coi là tiến bộ này có xuất xứ từ châu Âu và trong thế kỉ XIX người đại diện tiêu biểu nhất của trường phái này chính là Bismarck, chẳng có người Mĩ nào lại coi chính sách của ông ta là tiến bộ và tự do hết. Chính sách Sozialpolitik của Bismarck xuất hiện vào năm 1881, tức là hơn nửa thế kỉ trước khi bản sao của nó là New Deal của tống thống F.D. Roosevelt được thi hành ở Mĩ. Theo sau sự vùng dậy của Đế chế Đức, hầu hết các nước phát triển, tất cả các nước công nghiệp châu Âu, nơi nhiều nơi ít, đều áp dụng hệ thống làm như là mang lại lợi ích cho quần chúng bằng cách tước đoạt quyền lợi của thiểu số những kẻ “cá nhân chủ nghĩa thâm căn cố đế”. Thế hệ những người đến tuổi bầu cử vào giai đoạn cuối cuộc Chiến tranh thế giới thứ nhất coi việc dựa vào nhà nước là đương nhiên và khinh thường tự do, cho rằng đấy là “định kiến mang tính tư sản”.

Ba mươi lăm năm trước, tôi đã từng cố gắng viết một tác phẩm ngắn, trình bày tóm tắt những tư tưởng và nguyên tắc của môn triết lí xã hội từng có tên là Chủ nghĩa tự do. Tôi không nghĩ rằng cuốn sách của mình có thể ngăn chặn được những thảm hoạ mà chính sách của các nước châu Âu đang đưa tới. Ước muốn duy nhất của tôi là tạo cơ hội cho một nhóm nhỏ những người ưu thời mẫn thế tìm hiểu mục đích của chủ nghĩa tự do truyền thống và những thành tựu của nó, và bằng cách đó, chuẩn bị cơ sở cho việc tái lập tinh thần tự do sau vụ sụp đổ đang đến gần.

Ngày 28 tháng 10 năm 1951, Giáo sư J. P. Hamilius từ Luxembourg hỏi nhà xuất bản Gustav Fischeri ở Jena (thuộc lãnh thổ Đức nhưng do quân đội Liên Xô chiếm đóng) để mua một cuốn Chủ nghĩa tự do. Ngày 14 tháng 11 năm 1951 nhà xuất bản trả lời rằng không còn cuốn nào và nói thêm: “Theo quyết định của chính quyền, tất cả các bản in cuốn sách này đều đã bị tiêu huỷ”. Bức thư không nói chính quyền ở đây là nước Đức quốc xã hay nhà nước “dân chủ” Đông Đức.

Trong những năm kể từ ngày xuất bản tác phẩm Chủ nghĩa tự do tôi đã viết rất nhiều về những vấn đề được nói tới trong tác phẩm này. Tôi đã nghiên cứu nhiều vấn đề mà lúc đó tôi không thể trình bày trong tác phẩm này vì không muốn làm cho độc giả chán nản vì quá dài. Mặc khác, lúc đó tôi đã xem xét một số vấn đề mà hôm nay thấy là không còn quan trọng nữa. Tuy nhiên, chỉ có thể hiểu và đánh giá đúng cách xem xét nhiều vấn đề thuộc về chính sách trong hoàn cảnh kinh tế và chính trị khi tác phẩm này được chấp bút mà thôi.
Tôi không sửa chữa bất kì điều gì và không can thiệp vào quá trình dịch do tiến sĩ Ralph Raico thực hiện cũng như quá trình biên tập do ông Arthur Goddard tiến hành. Tôi xin cám ơn hai nhà khoa học này vì công sức họ đã bỏ ra để tác phẩm có thể đến tay bạn đọc rộng rãi bằng Anh ngữ.

Ludwig von MisesNew York, tháng 4 năm 1962.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét