Thứ Hai, 17 tháng 6, 2013

Xa cộng sản, gần con người: Bể dâu ở Tây Âu châu

Tháng 3 28, 2013
Tony Judt
Phan Trinh dịch
Giới thiệu của người dịch:
1. Có một thời, không ít trí thức Tây Âu say mê cộng sản như nghiệnthuốc phiện, nói theo cách của Raymond Aron (Marx: Tôn giáo là thuốc phiện mê dân. Aron: Chủ nghĩa Marx là thuốc phiện mê hoặc trí thức.) Nghiện  đến mụ mị, họ còn cho rằng ai theo cộng sản như họ mới tiến bộ, còn ai chống cộng là đi ngược dòng lịch sử.
Nhưng đến thập niên 1970, 1980, thì “ngược” lại hóa xuôi trong một cuộc bể dâu làm suy tàn danh tiếng của cả những trí thức hàng đầu.
2. Bàn về trí thức theo cộng sản, có ý kiến cho rằng “Đã thông thái và cộng sản thì không lương thiện”*. Đây là một cách nhìn, có lẽ đúc kết từ những kinh nghiệm đau đớn và phản ảnh một thực tế dữ tợn khó phủ nhận, vẫn diễn ra hàng ngày. Nhưng cũng có cách nhìn khác. Mượn lời Karl Popper, bà Aung San Suu Kyi, lãnh tụ đối lập Miến Điện, cho rằng “Không có cái ác… chỉ có sự ngu dốt mà thôi.”** Nói cách khác, ngu dốt đã sinh ra cái ác và sự bất lương.
Có lẽ, đó là một kết luận bao dung, không phán xét đạo đức, tin vàotính bản thiện của con người, tin vào khả năng thắp sáng của sự thật, có thể dùng làm nền tảng của đối thoại thay vì loại trừ. Và Aung San Suu Kyi đã làm điều bà tin trong cuộc đấu tranh cho dân chủ đang diễn ra.
Nhưng cũng có thể cắc cớ hỏi lại rằng: Hay vì không sống ở Việt Nam thời cộng sản nên Aung San Suu Kyi tin rằng “không có cái ác” chăng?
Dù sao, thiện ác là đề tài dễ gây tranh cãi. Ai cũng có thể chọn cách nhìn này hay cách nhìn kia, đứng giữa cả hai, phủ nhận cả hai, hoặc đứng ngoài, miễn bàn… Nhưng có lẽ, điều đáng nói hơn là sau khi tỉnh ngộ, người hiểu biết và có lương tri sẽ đứng đâu, làm gì.
Như được mô tả trong bài này, sự thật đã đẩy lùi dối trá và một thế hệ trí thức mới ở Tây Âu đã đứng về phía quyền con người. 40 năm sau, điều này dường như cũng đang diễn ra tại Việt Nam.
3. Cuộc biến cải lớn lao, ván đặt cược trắng tay của trí thức, và quyền con người như một ngọn cờ mới là nội dung đoạn văn dưới đây của sử gia Tony Judt ***, trích từ cuốn Post War - A History of Europe Since 1945 (Hậu Chiến – Một cách nhìn về Lịch sử Châu Âu từ 1945), do Nhà Xuất bản Penguine Books phát hành năm 2005. Đoạn trích dịch là phần đầu Chương 18, ‘Power of the Powerless’ (Quyền lực của Không Quyền lực) dựa trên tiểu luận cùng tên của Vaclav Havel. Chương này phần đầu nói về trí thức Tây Âu, và phần sau nói về trí thức Đông Âu trước khi cộng sản sụp đổ năm 1989. Tựa và tiêu đề các đoạn là của người dịch.
* Xem “Góp phần ‘giải mã’ một thế hệ dấn thân” của Hà Sĩ Phu, đăng trên trang mạng Bauxite Việt Nam, ngày 25/2/2013.
** “There’s no evil… but stupidity”. Xem Aung San Suu Kyi – The Voice of Hope, của Alan Clements và Aung San Suu Kyi, NXB Penguine Books, 1997, trang 130 và 36.
*** Tony Judt sinh năm 1948 tại Luân Đôn. Ông học tại King’s College, Cambridge, Anh Quốc, và École Normale Supérieure tại Paris. Ông dạy học tại Cambridge, Oxford, Berkeley và New York University. Năm 1995, ông sáng lập và điều hành Viện Remarque chuyên nghiên cứu Châu Âu. Ông là tác giả của hàng chục đầu sách, là cộng tác viên thường xuyên của The New York Review of BooksThe New York Times (NYT). Cuốn Post War, dài trên 900 trang, lọt vào chung kết Giải Pulitzer, là một trong 10 tác phẩm hay nhất năm 2005 của NYT, đoạt giải Arthur Ross Book Award sách hay nhất về lịch sử quốc tế năm 2006. Tony Judt mất năm 2010 tại New York.
NYT có câu nhận xét về Post War sau đây: “… đồ sộ, đầy học thuật và thật chi tiết, mô tả Châu Âu hồi phục từ đống đổ nát Thế chiến thứ Hai, tác phầm của Judt vừa cho thấy toàn cảnh cả một lục địa, vừa cho bùng nổ những kiến giải bất ngờ gần như trên từng trang giấy.”
___________________
Sức nặng của một cuốn sách đúng lúc
Nếu muốn tìm một thời điểm có tính biểu tượng, đánh dấu sự chuyển đổi của cục diện Châu Âu, một bản lề dựa trên đó cái nhìn của Châu Âu hậu chiến về chính mình xoay chiều, thì đó là ngày 28 tháng 12 năm 1973, tại Paris, ngày tác phẩm Quần đảo ngục tù (The Gulag Archipelago) của Alexandr Solzhenitsyn được xuất bản lần đầu tiên tại Phương Tây. Điểm bản dịch tiếng Anh của cuốn sách, nhà phê bình W. L. Webb viết trên tờ Guardian rằng: “Sống thời nay mà không biết tác phẩm này thì có nguy cơ trở thành một thứ thằng khờ lịch sử, sẽ bỏ sót một phần rất quan trọng của ý thức thời đại.” Tuy nhiên, như Solzhenitsyn công nhận, điều nghịch lý nằm ở chỗ thông điệp của cuốn sách – rằng “Chủ nghĩa xã hội như đang tồn tại trên thực tế” chỉ là một trò dối trá man rợ, một chế độ độc tài toàn trị được xây dựng trên nền tảng lao động khổ sai và thủ tiêu hàng loạt – lại không có gì mới.
Solzhenitsyn đã viết về đề tài này trước đó. Vô số nạn nhân, người sống sót, nhà quan sát, các học giả cũng đã viết về đề tài này trước đó. Quần đảo ngục tù tuy có bổ sung thêm cả trăm trang chi tiết và dữ liệu cho các tác phẩm trước, nhưng về khả năng đánh động lương tâm và cảm xúc người đọc thì phải nói tác phẩm này không hơn được cuốn tự thuật Đường vào tâm bão (Journey into the Whirlwind) của Evgenia Ginzburg, xuất bản năm 1967; hoặc cuốn hồi ký của Margarete Buber Neumann về kinh nghiệm bản thân trong cả hai ngục tù Xô-viết lẫn Đức Quốc xã, xuất bản lần đầu năm 1957; hoặc cuốn sách của Wolfgang Leonhard giải mã về niềm tin đặt sai chỗ của mình, ra mắt năm 1955; hoặc cả những cuốn góp phần đánh đổ huyền thoại Xô-viết sớm hơn nữa của Victor Serge và Boris Souvarine.[1]
Nhưng điều quan trọng hơn cả là Quần đảo ngục tù đã ra đời đúng lúc. Những trí thức phê phán chủ nghĩa cộng sản chẳng bao giờ thiếu; tuy nhiên, ảnh hưởng của họ trong nhiều thập niên lại bị lu mờ đi vì niềm hy vọng hão huyền, nhưng tràn lan ở Tây Âu (và cả Đông Âu thập niên 1960), của những kẻ cố tìm cho ra vài tia hy vọng trong đám mây đen có tên chủ nghĩa xã hội nhà nước đang bao phủ phần lớn lục địa Châu Âu, sau khi ra đời tại Nga năm 1917. “Chống cộng sản”, bất kể vì động cơ thật hay được gán ghép, dễ dàng bị xem là hành vi thách thức cả lịch sử lẫn tiến bộ, là bỏ qua “bức tranh tổng thể”, là cố tình chối bỏ sự gần gũi thiết yếu gắn kết nhà nước phúc lợi dân chủ (dù thiếu sót đến mấy) với chế độ tập thể của chủ nghĩa cộng sản (dù vấy bẩn đến đâu).
Đó là lý do khiến những trí thức chống lại hiện trạng hậu chiến bị đẩy ra ngoài lề. Những chủ trương như của Hayek và một số trí thức tương tự – rằng các kế hoạch nhằm kìm hãm kinh tế thị trường, nhân danh phúc lợi cho mọi người, dù có mục tiêu tốt vẫn không thể mang lại  hiệu quả kinh tế, và tệ hơn nữa, nó còn là bước đầu trên conđường dẫn tới nô lệ – bị xem là chủ trương sai lầm, là xé nát tấm bản đồ đưa đến tiến bộ của thế kỷ 20. Ngay những người chống độc tài cộng sản như Arthur Koestler, Raymond Aron, Albert Camus hoặc Isaiah Berlin cũng bị xem thường. Họ cho thấy cải cách dân chủ xã hội vì phúc lợi của mọi người không đồng nghĩa với độc tài đảng trị nhân danh tập thể, nhưng chủ trương của họ lại bị nhiều nhà phê bình, được gọi là “tiến bộ” lúc bấy giờ, xem như một thứ tiếng vọng nối dài phục vụ quyền lợi của phe chống cộng trong Chiến tranh Lạnh.
Hậu quả là họ đụng phải sự miễn cưỡng tràn lan, đặc biệt là của thế hệ 1960, thế hệ những kẻ không muốn từ bỏ thứ giáo lý cấp tiến đã theo đuổi bấy lâu nay. Quả thực, thấy được đại họa do Stalin gây ra và nhạo cười ông là một chuyện – dù sao thì Stalin cũng đã chết từ lâu và còn bị các thuộc hạ kế vị mình lên án – nhưng nhận ra rằng sai lầm không nằm ở cá nhân con người mà là lỗi hệ thống là một việc hoàn toàn khác. Xa hơn nữa, nếu ai nói rằng tội ác và các lầm lạc do đường lối Lenin gây ra xuất phát  từ một thứ chủ nghĩa không tưởng chứ không gì khác, thì họ sẽ bị xem như kẻ dám đặt mìn phá hoại rường cột chống đỡ nền chính trị hiện đại. Nhà sử học người Anh, E.O. Thompson, người được xem như thần tượng của thế hệ trẻ theo “chủ nghĩa Marx hậu cộng sản”, đã lên giọng phê phán Leszek Kolakowski (sau khi Kolakowsi phát hành một tác phẩm lên án chủ nghĩa cộng sản Xô-viết nhân những biến cố năm 1968) như sau: “Sự bất mãn của anh là mối đe dọa cho chính nghĩa xã hội chủ nghĩa của chúng tôi!”.
Tuy nhiên, vào năm 1973, niềm tin ấy đã bị lung lay nghiêm trọng, không chỉ vì các trí thức lên tiếng phê phán nó, mà còn vì các sự kiện thực tế nữa. Khi Quần đảo ngục tù được phát hành bằng tiếng Pháp, nhật báo cộng sản L’Humanité đã bài bác nó, họ nhắc nhở độc giả rằng “mọi người” đều đã biết mọi sự về Stalin rồi, vì vậy bất cứ ai muốn moi móc xào nấu lại những chuyện như thế thì chỉ có thể là những kẻ bị kích động theo “chủ nghĩa chống Xô-viết” mà thôi. Nhưng, lời tố cáo “chủ nghĩa chống Xô-viết” vào lúc đó cũng không còn nặng ký nữa. Sau vụ Liên Xô xâm lăng Tiệp Khắc chiếm đóng Praha [1968] và đàn áp kéo dài, sau khi thông tin lọt ra từ Trung Quốc vén màn sự thật về Đại Cách mạng Văn hóa, thì lời tố cáo cộng sản từ gốc lên ngọn của Solzhenitsyn bỗng nghe rất thật – ngay cả, và nhất là, cho những người vốn có cảm tình với cộng sản.
Di sản đổ vỡ
Càng ngày người ta càng thấy rõ chủ nghĩa cộng sản đã làm hư hoại và đánh mất di sản cấp tiến của mình. Và nó tiếp tục đánh mất mình khi nạn diệt chủng tại Kampuchea và bi kịch của “thuyền nhân” Việt Nam được biết đến rộng rãi.[2] Trí thức Tây Âu, con số này rất nhiều, vốn cho rằng Mỹ phải chịu trách nhiệm phần lớn về những tai họa xảy ra tại Việt Nam và Kampuchea. Tinh thần chống Mỹ của họ còn được tiếp thêm nhiên liệu sau khi xảy ra cái chết của Salvador Allende tại Chile do Mỹ giật dây, chỉ ba tháng trước khi xuất bản cuốnQuần đảo ngục tù. Nhưng ngay cả lớp trí thức đông đảo này cũng ngày càng tỏ ra e ngại khi phải đưa ra kết luận, thay vì ung dung phát biểu như trước đây, rằng phe chủ nghĩa xã hội đạo đức hơn phe kia. Đúng là chủ nghĩa đế quốc của Mỹ rất tệ – nhưng phía bên kia còn tệ hơn, thậm chí tệ hơn rất nhiều.
Vào lúc này, quan điểm “cấp tiến” quen thuộc khẳng định rằng mọi công kích nhắm vào chủ nghĩa cộng sản là đe dọa gián tiếp nhắm vào tất cả mọi nỗ lực cải thiện xã hội – quan điểm này cho rằng chủ nghĩa cộng sản, chủ nghĩa xã hội, dân chủ xã hội, quốc hữu hóa, quy hoạch tập trung, và những cải cách xã hội cấp tiến đều là thành phần của một dự án chính trị chung – bắt đầu trở nên tự mâu thuẫn. Lý luận kiểu trên thì cũng như nói rằng nếu Lenin và đồ đệ của mình đầu độc nguồn nước công bằng xã hội thì tất cả mọi người đều bị ngộ độc. Thực tế lịch sử của thế kỷ 20 cho thấy nhà nước bắt đầu trở thành một vấn đề nhiều hơn là một giải pháp, và không chỉ vì lý do kinh tế. Những gì được khởi đầu bằng quy hoạch tập trung phũ phàng thay lại kết thúc bằng giết người tập trung.
Dĩ nhiên, đó là một kết luận nghe rất “trí thức”, nhưng sự thoái trào của nhà nước được giới trí thức cảm nhận gần như lập tức. Cũng hợp lý thôi vì chính giới trí thức chứ không ai khác là giới đã hồ hởi cổ vũ cho nhà nước, cho việc cải tổ xã hội từ trên xuống. Như nhận xét của Jiri Grusa, một nhà văn Tiệp Khắc, viết năm 1984: “Chính chúng tôi [những người cầm bút] đã tôn vinh nhà nước của thời hiện đại.” Với bản chất của mình, như nhận xét của Ignazio Silone [một trí thức Ý có ảnh hưởng], các chế độ độc tài hiện đại rất cần giới trí thức hợp tác. Cũng tự nhiên thôi khi sự thất vọng của giới trí thức Châu Âu với đại tự sự về tiến bộ đã châm ngòi cho cuộc sụp đổ lớn lao tiếp theo; và cũng tự nhiên thôi khi sự bất mãn này được thấy rõ nhất tại Paris, nơi mà đại tự sự kia đã hình thành, và mang bộ mặt vừa trí thức vừa chính trị, hai thế kỷ trước đó.
Pháp và thế hệ thoát cộng
Nước Pháp vào thập niên 1970, 1980 đã không còn là “Thấu kính tạo lửa của Văn minh Tây Phương” như Arthur Koestler mô tả nữa, nhưng các nhà tư tưởng Pháp vẫn nồng nhiệt quan tâm tới những vấn đề mang tính toàn cầu. Trong khi đó, giới cầm bút và bình luận tại Tây Ban Nha, Tây Đức và Ý vào những năm này phần lớn chú ý tới những vấn đề nội bộ nước mình, mặc dù những đe dọa có tính khủng bố mà họ quan tâm cũng là dấu hiệu suy tàn của khuynh hướng không tưởng cực đoan. Còn giới trí thức Anh, vốn chưa khi nào có cảm tình sâu với chủ nghĩa cộng sản, phần lớn đều thờ ơ khi nó thoái trào và đều giữ khoảng cách với những gì đang diễn ra tại lục địa Châu Âu. Tại Pháp thì ngược lại, nhiều thành phần trí thức tại đây quan tâm dài lâu tới cộng sản. Trong khi chủ trương chống cộng ngày càng mạnh lên trong các cuộc thảo luận công cộng tại Pháp, Đảng Cộng sản lại ngày càng mất phiếu bầu và ảnh hưởng, điều này cho thấy cuộc suy thoái còn được châm thêm nhiên liệu bằng những ký ức và thực tế ngay trên sân nhà. Một thế hệ trí thức mới tại Pháp đã thoát khỏi chủ nghĩa Marx với sự sốt sắng đáng kinh ngạc, đôi khi họ như bị thúc đẩy từ bỏ những dan díu của chính mình trước đó một cách vội vã đến bất thường.
Nhưng, khi lên án sự biến dạng của chủ nghĩa không tưởng cực đoan, những “triết gia mới” trẻ tuổi tại Paris giữa thập niên 1970, như André Glucksman hoặc Bernard-Henri Lévy, nói chung lại cũng không nói được điều gì mới mẻ. Tác phẩm của Glucksmann Les Maitres Penseurs [Những bậc thày tư tưởng] phát hành vào tháng 3 năm 1977 và được ca tụng khắp thế giới, nhưng thực ra cuốn này chẳng có mấy điều mà Raymond Aron đã không nói hay hơn trong tác phẩmOpium des Intellectuels [Thuốc phiện của giới trí thức] ra đời 22 năm trước đó. Cũng không có gì trong tác phẩm Barbarie à Visage Humain[Man rợ với khuôn mặt người] của Lévy, ra đời hai tháng sau cuốn của Glucksmann, mà độc giả Pháp không tìm thấy trong cuốnL’Homme révolté [Kẻ nổi loạn] của Albert Camus. Trớ trêu thay, nếu tác phẩm của Camus bị Jean-Paul Sartre bác bỏ thẳng tay khi nó ra đời năm 1951 thì Lévy và Glucksmann lại trở thành những tác giả ngôi sao có sách bán chạy nhất. Quả là thời thế đã khác.
Jean-Paul Sartre
Tính chất khốc liệt đến chết người của cuộc bể dâu tri thức này thật rõ ràng. Bề ngoài, những biến động này như nhắm vào chủ nghĩa Marx, một ngã rẽ tai hại trong hành trình tư tưởng Phương Tây, nhưng phần lớn hỏa lực của nó trước hết lại nhắm vào những nhân vật dẫn đầu sinh hoạt trí thức hậu chiến, ở Pháp và các nước khác, những người đã đứng nhìn lịch sử từ trên cao, phấn khích tung hô kẻ thắng trận, trong khi lại ra vẻ lịch sự đảo mắt chỗ khác, không nhìn cho rõ những nạn nhân. Bản thân Jean-Paul Sartre, người trí thức nổi tiếng nhất trong số họ, cũng bị gạt ra khỏi vị trí được ưa chuộng trong những năm này, kể cả trước khi ông chết năm 1980, di sản sáng tạo của ông bị ố bẩn bởi những lời biện hộ cho cộng sản Xô-viết, và sau này là chủ nghĩa Mao.[3]
“Cách mạng Pháp đã chết!”
Cuộc “biến đổi khí hậu” trí thức này tại Paris còn được mở rộng hơn nữa, chứ không dừng lại ở việc tách bạch phải trái các thế hệ trí thức dấn thân. Năm 1978, tác phẩm The Logic of Scientific Discovery [Logic khám phá khoa học] của Karl Popper lần đầu tiên được xuất bản bằng tiếng Pháp, đã khởi đầu cho thời kỳ hấp thu đều đặn vào dòng chính tư tưởng Pháp toàn bộ triết học và khoa học xã hội từ Anh-Mỹ, mà trong vài chục năm trước đó trí thức Pháp gần như không hề biết đến. Cũng trong năm này, nhà sử học François Furet cho xuất bản tác phẩm có tính đột phá Penser la Révolution Française [Nghĩ về Cách mạng Pháp], trong đó ông phủ nhận toàn bộ “giáo lý cách mạng”, mà người Pháp trong nhiều thập niên đã được dạy để hiểu về đất nước và quá khứ của mình.
Trong bộ “Giáo lý” này, như Furet mổ xẻ, Cách mạng Pháp đã là khoảnh khắc tiêu biểu của thời hiện đại: Đó là cuộc xung đột khơi mào cho việc chia cắt Pháp thành các trường phái chính trị đối lập giữa Tả và Hữu, được xác định một cách hình thức dựa trên thành phần giai cấp của người trong phe nổi dậy. Câu chuyện này được xây dựng trên hai trụ cột đồng dạng là sự lạc quan thái quá đầu thế kỷ 19 và tầm nhìn Mác-xít về cải tổ xã hội cấp tiến. Theo cách nhìn của Furet, hai trụ cột đó đến nay đã hoàn toàn sụp đổ – nhất là vì cộng sản Xô-viết, người thừa kế ngai vàng cách mạng trong câu chuyện ngụ ngôn về cuộc cải tổ cấp tiến tốt lành này, đã đầu độc ngược toàn bộ di sản của mình. Cách mạng Pháp, dùng đúng chữ của Furet, thực ra đã “chết”.
Tội ác hiện nguyên hình
Luận văn của Furet có ảnh hưởng chính trị rất lớn, như ông dự đoán. Sự thất bại của chủ nghĩa Marx như một đường lối chính trị là một việc – tuy luôn có thể đổ lỗi cho những biến động ngoài ý muốn hay hoàn cảnh khách quan – nhưng vấn đề nằm ở chỗ nếu chủ nghĩa Marx không còn là câu chuyện lớn, là đại tự sự – có nghĩa là nếu lý tính và nhu cầu tất yếu của xã hội không phải là những động lực thúc đẩy lịch sử nữa – thì mọi tội ác của Stalin, mọi sinh mạng bị hủy hoại, mọi tài nguyên bị phí phạm trong công cuộc thay đổi xã hội dưới sự chỉ đạo của nhà nước, mọi sai lầm và thất bại của những cuộc thí nghiệm cấp tiến mà loài người trong thế kỷ 20 trải qua, để xây dựng xã hội không tưởng bằng đường lối độc tài, sẽ không còn có thể được biện minh một cách “biện chứng” như những bước sai lầm nhỏ trên con đường đúng được nữa. Chúng hiện nguyên hình là những mất mát, phí phạm, thất bại và tội ác, y như những gì các nhà phê bình đã từng cảnh báo.
Furet và các trí thức trẻ đương thời bác bỏ thói quen viện dẫn lịch sử để biện minh, vốn là sắc thái riêng của giới trí thức dấn thân Châu Âu từ đầu thập niên 1930. Họ cho rằng không có một “đại tự sự” nào chi phối, điều động những biến chuyển trong hành vi của loài người, và vì thế không thể biện minh cho các chính sách hay việc làm của nhà nước gây khổ đau thật hôm nay, nhân danh những lợi ích tưởng tượng ngày mai. Đập trứng thì làm được món trứng tráng ngon lành, nhưng không ai có thể xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn bằng cách đập nát con người. Nhìn lại thì có thể thấy đây là một kết cuộc nhạt nhẽo, đầu voi đuôi chuột, sau mấy chục năm đấu đá lý thuyết và chính trị căng thẳng. Nhưng, đó cũng là bằng chứng cho thấy thời đại đã thay đổi đến mức nào.
Một thời đã qua
Năm 1969, phim Ma Nuit Chez Maud [Đêm tôi ở nhà Maud] của Eric Rohmer được trình chiếu, kể câu chuyện có tính ngụ ngôn về một triết gia cộng sản và một đồng nghiệp Công giáo tranh cãi nhiều giờ quanh những ý kiến mâu thuẫn của Pascal về Thượng đế và của lý luận Mác-xít về lịch sử. Giờ nhìn lại có thể thấy rằng điều đáng ngạc nhiên nhất không phải là những cuộc tranh cãi kia, vốn hết sức quen thuộc với bất cứ ai lớn tuổi còn nhớ về thập niên 1960 tại Châu Âu, mà là sự nghiêm túc theo dõi cuộc tranh cãi, không chỉ của nhân vật trong phim mà còn của hàng triệu người xem phim. Mười năm sau, đề tài này, nếu không kể cả bộ phim, đã trở thành cổ lỗ sĩ. Việc nhân danh lịch sử để biện hộ cho những chọn lựa chính trị không thể chấp nhận được đã trở nên một việc làm ngây thơ về mặt đạo đức, và thậm chí còn ác độc nữa. Như Camus đã nhận xét từ nhiều năm trước “Trách nhiệm với lịch sử đã khiến con người đánh mất trách nhiệm với đồng loại”.[4]
Đi về đâu?                              
Sự hụt hẫng trước vai trò của “lịch sử” (và của lịch sử nói chung) mở màn cho một thập niên tệ hại đối với giới trí thức Tây Âu. Họ hiểu ra, và chẳng lấy gì làm vui, rằng sự tan vỡ những đại tự sự và các kế hoạch lớn lao của lịch sử sẽ là thảm họa cho tầng lớp có trách nhiệm chính trong việc phổ biến chúng bằng tài hùng biện của mình. Không những thế, giờ đây họ còn trở thành đối tượng của sự ghẻ lạnh, nhục mạ, và con số này dường như khá nhiều. Tháng 9, 1986, trong một lần trò chuyện riêng tiết lộ nhiều thông tin với một nhà báo Pháp, ông Pierre Bourdier, nhà xã hội học Pháp, đã tỏ lòng tiếc thương cho tình trạng ngã ngựa của giới trí thức dấn thân. Ông nói: “Với tôi, nếu còn một chính nghĩa lớn lao nào sót lại hôm nay, thì đó chính là việc bảo vệ những người trí thức.”[5]
Sự hiến mình của giới trí thức trên bàn thờ lịch sử trước đây đã được Isaiah Berlin mô tả như “một hành vi bi tráng kiểu người Đức, khi chọn lựa vác thập giá đạo đức trên lưng”. Nhận xét này hơi nặng với người Đức, vốn không phải là dân tộc duy nhất hạ mình hiến thân trên bàn thờ được gọi là quy luật tất yếu của lịch sử, mặc dù quả thật ý tưởng này có gốc rễ từ triết học lãng mạn Đức. Nhưng nhận xét này đã cho thấy một khoảng trống đang xuất hiện trong tư duy chính trị tại Châu Âu, đó là: nếu không còn những “chính nghĩa vĩ đại” nào nữa; nếu di sản cấp tiến đã gẫy cánh, đỗ vỡ; nếu không còn có thể vay mượn lịch sử, hoặc quy luật tất yếu của lịch sử, để biện hộ cho một hành động, một chính sách hay một dự án, thì người ta phải căn cứ vào đâu để biết đâu là vấn đề lớn của thời đại mình đang sống?
Câu hỏi này không là vấn đề đối với những người cấp tiến theo trường phái Thatcher [thủ tướng Anh thập niên 1980], vốn xem chính sách công là cánh tay nối dài của quyền lợi riêng, còn thị trường là bộ điều chỉnh vừa cần thiết vừa hữu hiệu cho các giá trị và thành quả. Câu hỏi này cũng không làm khó giới bảo thủ Châu Âu thời kỳ này, vì với họ thước đo tốt xấu trong cuộc sống con người được cắm neo trong các giá trị tôn giáo và quy ước xã hội – họ cũng bị trầy trụa đôi chút, nhưng không bị trận sóng thần văn hóa của thập niên 1960 cuốn phăng đi. Chỉ có những người cánh Tả cấp tiến, vốn là lực lượng chủ chốt trong sinh hoạt chính trị và văn hóa Châu Âu, mới là đối tượng bức bách, cần gấp một kịch bản khác.
Ngọn cờ mới
Điều họ tìm thấy, đáng ngạc nhiên thay, là một ngôn ngữ chính trị mới, hay nói đúng hơn là một ngôn ngữ rất cũ nay được làm mới lại. Đó là ngôn ngữ dân quyền, nhân quyền, các quyền tự do, là điều được viết trong tất cả mọi bộ hiến pháp tại Châu Âu, kể cả hiến pháp các nước Dân chủ Nhân dân trong khối cộng sản. Dân quyền và nhân quyền, như một lý tưởng hoặc nội dung chính trị, đã không được xem như một loại thời trang phù hợp tại Châu Âu trong rất nhiều năm trời. Ngay sau Thế chiến thứ Nhất, các loại quyền, nhất là quyền tự quyết, đã giữ một vai trò cốt lõi trong mọi thương lượng về giải quyết hậu quả chiến tranh, hầu hết mọi quốc gia thành viên tại Hội nghị Hòa bình Versailles đã khẳng định quyền của mình một cách dứt khoát và mạnh mẽ khi đưa ra yêu sách với các đại cường. Nhưng đây là quyền của những tập thể, của các khối quốc gia, của các dân tộc, của các nhóm thiểu số.
Thêm vào đó, lịch sử cho thấy việc thực thi các quyền của tập thể này đã diễn ra không mấy êm đẹp. Khi có xung đột về quyền giữa hai hay nhiều hơn các cộng đồng sắc tộc hoặc tôn giáo, thường là về tranh chấp đất đai lãnh thổ, thì đáng buồn thay, phương pháp ưu tiên được dùng để giải quyết xung đột lại không phải là luật pháp, mà là vũ lực. Quyền của các sắc dân thiểu số đã không được bảo vệ trong một quốc gia, tương tự như vậy, quyền của các nước nhược tiểu đã không được bảo vệ trước yêu sách của các nước láng giềng hùng mạnh hơn. Những nước thắng trận khi Thế chiến thứ Hai kết thúc năm 1945, rút kinh nghiệm từ những hứa hẹn không thành của Hội nghị Hòa bình Versailles [1919], đã đi đến kết luận, như đã thấy, rằng quyền lợichung sẽ được thực hiện bằng một giải pháp hiệu quả hơn, dù đau đớn hơn, là sắp xếp lại lãnh thổ (sau này được gọi là thanh lọc chủng tộc). Còn với những người mất tổ quốc, họ sẽ không còn bị xem như một khối dị vật về pháp lý trong cộng đồng các quốc gia hay dân tộc, mà sẽ được xem như những cá nhân bị ngược đãi, những nạn nhân phải chịu đựng bất công.
Những thảo luận về quyền sau năm 1945, vì vậy, đã tập trung nói về quyền của cá nhân. Đây cũng là một bài học khác của chiến tranh. Mặc dù con người, nam lẫn nữ, bị đàn áp vì một nhân dạng chung (vì là dân Do Thái, dân du mục, dân Ba Lan…) họ đã phải chịu đau khổ như những cá nhân riêng lẻ. Chính những con người cá nhân này và quyền cá nhân của họ là đối tượng để tổ chức Liên Hiệp Quốc vừa thành lập đứng ra bảo vệ. Những Công ước về Nhân quyền, về Nạn Diệt chủng hoặc về Quyền Xã hội, Quyền Kinh tế được đưa vào luật quốc tế và hiệp ước quốc tế đã có tác động rất lớn đối với cảm nhận của công chúng: Những quyền này kết hợp những quyền tự do cá nhân được cổ vũ tại Anh, Mỹ trong thế kỷ 18 với những chủ trương vào giữa thế kỷ 20 về nhiệm vụ của nhà nước phải bảo đảm cho dân được hưởng các quyền ngày càng nhiều, từ lớn đến nhỏ, từ quyền được sống đến “quyền” được nghe “quảng cáo đúng sự thật”, và hơn thế nữa.
Helsinski và quyền con người
Một sự kiện giúp đưa những ngôn ngữ pháp lý về quyền cá nhân vừa kể trở thành một thực tế chính trị – vào lúc chủ nghĩa Marx đang trên đà suy thoái – là Hội nghị về An ninh và Hợp tác Châu Âu tại Helsinski năm 1973, cùng năm tác phẩm Quần đảo ngục tù phát hành tại Paris. Cho tới thời điểm đó thì các cuộc thảo luận về quyền cá nhân không được coi trọng trong hàng ngũ cánh tả Châu Âu, phản ánh phần nào ảnh hưởng quan điểm đình đám của Marx cho rằng “cái được gọi là quyền con người” chỉ là thứ giá trị đầy ích kỷ và rất “tư sản”. Trong những nhóm cấp tiến thì những cụm từ như “quyền tự do’, “tự do” hoặc “quyền hạn” và những giá trị khác liên quan đến “con người nói chung” chỉ được đề cập tới một cách nghiêm túc khi đi kèm với những tính từ bổ nghĩa đi kèm như “tư sản”, “vô sản” hoặc “xã hội chủ nghĩa”.
Vì vậy mà vào năm 1969, một nhóm các nhà trí thức cánh tả của Parti Socialiste Unifié [Đảng Xã hội Chủ nghĩa Thống nhất] tại Pháp đã chỉ trích đảng của mình (lúc đó do Michel Rocard và Pierre Mendes-France lãnh đạo) vì đã ủng hộ thành phần cải cách tại Praha [tạo nên Mùa Xuân Praha 1968 tại Tiệp Khắc]. Họ cho rằng những người cải cách ở Praha đã “tự nguyện trở thành nạn nhân của những lý tưởng tiểu tư sản (nhân bản, tự do, công bằng, tiến bộ, bầu cử tự do và kín, v.v.).” Đây không phải là trường hợp riêng lẻ. Vào thập niên 1960, rất nhiều nhà bình luận thiên tả tại Phương Tây, dù khuynh hướng chính trị trong nhiều trường hợp là khá ôn hòa, vẫn thường tránh dùng các ý niệm như “quyền” hoặc “tự do” vì sợ bị cho là ngây thơ chính trị. Trong khi đó thì ở Đông Âu, các nhà cải cách cộng sản và những người ủng hộ họ cũng tránh dùng những từ ngữ như vậy, nhưng vì một lý do khác, vì ý nghĩa của những cụm từ này đã bị bóp méo trong ngôn ngữ chính thống của nhà nước và không còn giá trị nữa.
Nhưng từ giữa thập niên 1970, điều trở nên ngày càng phổ biến là các diễn văn và luận văn thuộc mọi khuynh hướng chính trị tại Tây Âu đã không còn ngần ngại nói tới “quyền con người” và “quyền cá nhân”. Như nhận định của một quan sát viên Ý đưa ra vào năm 1977, thì ý tưởng và lý tưởng về quyền tự do “không bị cắt xén” đã được cánh Tả đưa ra thảo luận rất cởi mở mà “không bị đánh tráo khái niệm, không mang tính tuyên truyền” lầu đầu tiên kể từ sau chiến tranh.[6] Tuy nhiên, những thảo luận này vẫn chưa trở thành một thực tế chính trị ngay lập tức – vì trải qua hầu hết thập niên 1980, các Đảng Xã hội Chủ nghĩa và Lao động tại Tây Âu đã chao đảo không gượng lại được, trong nhiều trường hợp họ phải loay hoay vay mượn công khai những chủ trương, chính sách của các đảng đối thủ để che bớt sự trần trụi của mình. Tuy vậy, sự cởi mở vừa có, cùng với từ vựng của các quyền con người và quyền tự do, đã cho phép các học giả và giới trí thức Tây Âu tiếp cận với ngôn ngữ đối lập chính trị đang biến chuyển mạnh tại Đông Âu, và cho họ một công cụ truyền thông để vượt qua rào cản ngăn cách đôi bên. Điều này đã diễn ra rất đúng lúc, vì chính ở phía đông của Bức màn Sắt mới là nơi đang diễn ra những thay đổi thực sự mới mẻ và lớn lao.
Nguồn: Tony Judt, Post War - A History of Europe Since 1945,Penguine Books, 2005
Bản tiếng Việt © 2013 Phan Trinh & pro&contra


[1] Evgenia Ginzburg, Journey into the Whirwind (Harcourt, 1967); Margarete Buber-Neumann, Von Potsdam nach Moskau: Stationen eines Irrweges (Stuttgart: Deutsche Verlags-Anstalt, 1957); Wolfgang Leonhard, Child of the Revolution (Pathfinder Press, 1979), xuất bản lần đầu năm 1955 với tên Die Revolution entlässt ihre Kinder; Victor Serge, Mémoires d’un révolunionnaire (Paris, 1951); Boris Souvarine, Stalin. A Critical Survey of Bolshevism (xuất bản lần đầu bằng tiếng Anh năm 1939).[2] Giữa 1975 và 1981, chỉ riêng nước Pháp đã tiếp nhận 80.000 người tị nạn từ Đông Dương.
[3] Năm 1963, khá lâu sau khi không còn quan tâm tới những người cộng sản tại Pháp nữa, thì Jean-Paul Sartre, tác giả của cuốn Les Mains Sales [Những bàn tay bẩn], vẫn còn thuyết trình sôi nổi tại Praha về chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa trước một cử tọa những người cầm bút và giới trí thức Tiệp Khắc.
[4] ‘La responsabilité envers l’Histoire dispense de la responsabilité envers les êtres humains’
[5] ‘Pour ma part, je pense que s’il y a une grande cause aujourd’hui, c’est la defense des intellectuals’. Trích từ Le Nouvel Observateur, #1140, septembre, 1986. ‘Les Grandes Causes, ca existe encore?’
[6] Antonino Bruno, Marxismo e Idealismo Italiano (1977), tr.99-100

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét