Đăng bởi Hai Hoang Van vào Thứ năm, ngày 06 tháng sáu năm 2013
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu tại phiên thảo luận chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, sáng qua (5/6).
ĐB Trương Trọng Nghĩa phát biểu ý kiến. Ảnh: Hồng Vĩnh. |
Phó Chủ tịch Quốc hội nói, Luật Biểu tình, Luật Lập hội, Luật Trưng cầu ý dân, nhiều ĐBQH đề nghị phải đưa ngay vào năm 2014 để chuẩn bị. Trong Báo cáo giải trình bước đầu tiếp thu ý kiến thảo luận ở tổ vào chiều ngày 24/5 vừa rồi, Thường vụ Quốc hội dự kiến, đây là những dự án đã có trong Chương trình khóa XIII.
“Những dự án luật này là cần thiết để thể chế hóa quy định tại Chương II quyền con người, quyền, nghĩa vụ cơ bản của công dân (Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 - PV). Vấn đề ở chỗ, bây giờ chúng ta phải chuẩn bị, lúc nào chuẩn bị tốt thì chúng ta đưa luôn vào năm đó” - Phó Chủ tịch Quốc hội nói.
Nợ dân 68 năm rồi
ĐB Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) cho rằng, chúng ta đang băn khoăn là có thể có mâu thuẫn ở đây, tức là có sự lợi dụng quyền biểu tình để làm mất an ninh trật tự, xã hội, thậm chí vận động chống Đảng, chống Nhà nước, với một bên là quyền hiến định của nhân dân và nhu cầu của người dân trong một xã hội ngày càng phát triển, một xã hội dân chủ.
“Tôi tin rằng, chính Luật Biểu tình giải quyết được mâu thuẫn này, tức là sẽ ngăn chặn, đề phòng và chống được việc lạm dụng gây mất trật tự an ninh xã hội. Thậm chí là những hành vi xấu chống lại chế độ, và đáp ứng được quyền hiến định của nhân dân” - ĐB Nghĩa khẳng định.
Theo ĐB Nghĩa, không nên nói nhiều về việc cần hay không cần vì không phải Thủ tướng, Chính phủ không nghiên cứu kỹ khi đưa ra điều này (Luật Biểu tình - PV), không phải ngẫu nhiên đa số ĐBQH đã biểu quyết đưa vào chương trình xây dựng luật Khoá XIII.
“Ngay từ năm 1945, hoàn cảnh đất nước thù trong, giặc ngoài, chính quyền còn trong trứng nước, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh không bãi bỏ quyền biểu tình mà chỉ yêu cầu báo trước 24 tiếng. Không có lý do gì mà phải lại không tin tưởng ở chúng ta, mà chúng ta ngại rằng có thể những kẻ lợi dụng và phá hoại điều này” - ĐB Nghĩa nói.
ĐB Hoàng Hữu Phước, người từng đề nghị QH bỏ Luật Biểu tình khỏi chương trình làm luật của QH trước đây, cũng khẳng định một đất nước dân chủ, tự do phải có những đạo luật để điều chỉnh sinh hoạt dân chủ, tự do của người dân và không thể không có Luật Biểu tình, nhưng cũng không có lý do gì nôn nóng.
Tuy nhiên, ĐB Lê Nam (Thanh Hóa) kiến nghị, nên sớm có Luật Biểu tình, bởi chúng ta đã “nợ” dân Luật Biểu tình trong suốt 68 năm qua (kể từ khi Hiến pháp 1946 hiến định quyền biểu tình).
Luật chưa bám sát cuộc sống
“Ngay từ năm 1945, hoàn cảnh đất nước thù trong, giặc ngoài, chính quyền còn trong trứng nước, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh không bãi bỏ quyền biểu tình mà chỉ yêu cầu báo trước 24 tiếng. Không có lý do gì mà không tin tưởng ở chúng ta, mà chúng ta ngại rằng có thể những kẻ lợi dụng và phá hoại điều này”.
ĐB Trương Trọng Nghĩa
Bàn về chương trình làm luật của Quốc hội, ĐB Trần Du Lịch (TPHCM) nhận xét, chúng ta chưa bám sát mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt là tái cơ cấu kinh tế. “Các chính sách của Đảng, mà không luật hóa thì không thể nào đi vào cuộc sống” - Ông Lịch lo ngại và nêu ví dụ: Để gỡ thị trường bất động sản, kỳ họp tới đây nên sửa ngay Luật Xây dựng, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản, không nên rải ra mỗi kỳ một luật. Tương tự, muốn cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, phải nhanh chóng sửa Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Phá sản...
Tình trạng làm luật hiện nay, nói như ĐB Lê Thanh Vân (Hải Phòng), là còn thiếu tập trung, tùy tiện điều chỉnh, đưa ra, đưa vào. Để khắc phục, sau khi Hiến pháp được thông qua, cần xúc tiến chiến lược lập pháp tương xứng trong khoảng 20 năm tới.
Một số ĐB cho rằng, có tâm lý cán bộ công chức không thực hiện theo luật mà cứ ngồi chờ nghị định, thông tư. Dẫn đến nhiều điều luật rất chi tiết, không được thực hiện. “Đây là vấn đề cần phải khắc phục trong việc chấp hành thực hiện luật; đồng thời, Quốc hội cũng nên cố gắng làm luật thật chi tiết, để đỡ hướng dẫn, có hiệu lực thực hiện ngay” - ĐB Phạm Đức Châu (Quảng Trị) phát biểu.
Nguyễn Tuấn
(Tienphong)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét