Đăng vào ngày 23rd, Tháng Bảy, 2012 | Chưa có bình luận mới
Nói tới cái tên Thảo Griffiths, không chỉ những người đã từng gặp hay được chị giúp đỡ mà kể cả những người chỉ mới được nghe kể những câu chuyện về chị cũng không thể giấu nổi lòng cảm phục với người phụ nữ giản dị nhưng đầy mạnh mẽ ấy.
Tôi may mắn được có dịp được trò chuyện với chị trong một buổi chiều cuối tuần mát mẻ tại Hà Nội, về cuộc sống, về người phụ nữ, về gia đình… Để tới khi chia tay chị, trong lòng tôi vẫn còn đọng lại những cảm xúc tuyệt vời như mình vừa được tiếp thêm sức mạnh vô hình trong cuộc đời tươi đẹp này.
Có thể giúp được ai sẽ làm hết mình
Sinh năm 1978 tại một gia đình có bố là thầy giáo dạy toán, mẹ là giáo viên dạy văn tại Hà Giang, chị và anh trai mình đã được bố mẹ quan tâm tới việc học hành ngay từ thuở nhỏ. Ấy thế nhưng ngày còn bé, cô bé Nguyễn Thu Thảo nghịch ngợm như một cậu con trai, chẳng bao giờ ở yên một chỗ.
Đến bây giờ trên người chị vẫn còn những vết sẹo mờ từ thời nghịch ngợm của tuổi thơ. Cá tính mạnh mẽ bộc lộ ra từ sớm nên ngày đó Thảo không chỉ giành được những giải thưởng về toán cấp tỉnh mà còn đã từng giành những giải cờ vua, bóng bàn.
Tốt nghiệp cấp 2, Thảo được bố mẹ hướng cho về Hà Nội, thi tuyển vào trường Chuyên Ngữ (thuộc ĐHNN – ĐHQG hiện giờ). Trúng tuyển và theo học cấp 3 tại Chuyên Ngữ, Thảo theo học lớp chọn của hệ tiếng Anh tại đây.
Có lẽ cũng chính bắt đầu từ thời gian này, ngoại ngữ bắt đầu “ngấm” vào người và ước mơ đi theo con đường ngoại giao dần hình thành trong cô học trò đến từ Hà Giang. So với các bạn khác sinh ra và sống tại Hà Nội, Thảo có những thiệt thòi và khó khăn riêng, nhưng nó đem lại cho Thảo sự tự lập và ý chí vươn lên trong mọi việc.
Sau khi tốt nghiệp Học viện Ngoại giao và có bằng thạc sỹ về Công nghệ hệ thống tại RMIT, năm 25 tuổi, Thảo là người Việt Nam trẻ nhất nhận được học bổng Fulbright danh giá của Mỹ. Chị Thảo bảo: “Chị không muốn nói nhiều về bản thân mình nhưng nếu câu chuyện của chị có giúp ích được gì đó tới người đọc thì chị luôn sẵn sàng”.
Suốt cả buổi chiều chúng tôi chỉ ngồi nói những chuyện thường nhật, về gia đình và con cái bởi những thành tích trong công việc của chị đã có rất nhiều báo đài nhắc tới.
Đặc biệt năm 2006, với tài giải quyết công việc tài tình và những tình cảm chân thật, nhiệt tình của mình, chị Thảo đã được báo chí quốc tế nói đến nhiều lần và đặc biệt giới ngoại giao Mỹ tại Việt Nam bày tỏ lòng khâm phục cũng như yêu mến.
Sáng ngày 05/12/2006, khi vừa từ Mỹ trở về ít ngày, chị Thảo nhận được một bức thư từ một người thân thiết với gia đình viết rằng ông có một người bạn, là một nhà toán học nổi tiếng thế giới vừa gặp tai nạn ở Việt Nam, nhờ Thảo vào Bệnh viện Việt Pháp – nơi nhà toán học đang được chữa trị để lo mọi việc.
Đó là tai nạn của Giáo sư Seymour Papert, người Mỹ gốc Nam Phi, một trong những nhà toán học hàng đầu của thế giới, bị người đi đường đâm xe máy và rơi vào tình trạng hôn mê sâu.
Vụ việc này chắc hẳn nhiều người vẫn còn nhớ, nhưng không phải ai cũng biết người đứng sau có công lớn nhất giải quyết chính là chị Thảo. Lúc ấy, chị vẫn là một người chưa có nhiều tiếng tăm hay các mối quan hệ nhưng tất cả mọi hy vọng của gia đình người bị nạn nơi xa xôi đều được đặt vào tay chị.
Nhận được email và hiểu được bản chất của những khó khăn cần giải quyết, chị Thảo sắp xếp quần áo xác định túc trực tại Bệnh viện Việt Pháp, là cầu nối giữa bệnh viện và gia đình của giáo sư cũng như là người tìm cách giải quyết những nguyện vọng của gia đình người bị nạn.
Mặc dù đã được phẫu thuật nhưng do tuổi đã cao và hôn mê sâu, tình trạng của giáo sư Papert vẫn đi theo chiều hướng xấu. Gia đình giáo sư có nguyện vọng đưa ông khi còn sống trở về đất Mỹ để nếu có chết cũng được chết trên mảnh đất quê hương.
Nguyện vọng chính đáng ấy gần như không thể thực hiện được khi gia đình cũng như các tổ chức trong và ngoài nước không tìm đâu ra một chiếc máy bay bay thẳng với trang thiết bị y tế để đưa giáo sư Papert về Mỹ.
Đúng lúc ấy, với những mối quan hệ cá nhân và tài ngoại giao cũng như sự linh hoạt của mình, chị Thảo đã thực hiện được nguyện vọng của gia đình giáo sư khi tìm được chiếc máy bay đáp ứng được yêu cầu và đứng ra lo các thủ tục cho chuyến bay thuận lợi.
Mặc dù được nhờ cậy với tư cách cá nhân, sự hết lòng và khả năng giải quyết mọi việc khéo léo của chị đều để lại sự trân trọng và yêu quý không chỉ của gia đình giáo sư Papert mà còn ở cả làng ngoại giao tại Hà Nội, nhất là cộng đồng chính khách Mỹ ở Việt Nam.
Sau này, sự nhiệt tình, hết mình và chân thành luôn được thể hiện trong công việc của chị. Là trưởng đại diện Quỹ cựu chiến binh Mỹ tại Việt Nam (VVAF), một tổ chức phi chính phủ đầu tiên trở lại Việt Nam sau chiến tranh, chị Thảo đã chứng tỏ được năng lực và sự tin tưởng của chủ tịch VVAF dành cho mình.
Không phụ lòng mong đợi của mình, chị đã có rất nhiều hoạt động và thành tích trong việc kéo gần thêm mối quan hệ Việt – Mỹ, cũng như các dự án nhân đạo và giải quyết hậu quả chiến tranh.
Không chỉ trong những vấn đề của công việc, dù bận rộn và kín mít lịch, nhưng ai có việc gì cần tới sự giúp đỡ của mình, chị Thảo vẫn sắp xếp trong khả năng để giúp đỡ. Năm 2008, Đài Truyền hình Việt Nam đã đưa chị đến gần hơn với tất cả mọi người trên cả nước qua chương trình Người đương thời.
Sau chương trình ấy, chị nhận được rất nhiều thư từ khắp cả nước. Từ những người nông dân muốn tìm con đường đi lên tốt đẹp hơn tới cô gái trẻ bị nhiễm chất độc màu da cam từ trong bụng mẹ tìm những sức mạnh sống mới vượt lên số phận.
Dù không có thời gian trả lời hết tất cả thư của mọi người nhưng thấy ai cần mà mình có câu trả lời chị đều viết thư lại. Có thư chị hồi âm còn dài hơn gấp nhiều lần thư của người gửi. Có người từng nói bất cứ ai gặp Thảo cũng tìm thấy được một điều gì đó thú vị để yêu mến trong con người chị. Tôi cũng là một trong số đó.
Cuộc đời cho tôi quá nhiều may mắn
Tính đến nay, cuộc đời anh và chị đã gắn bó với nhau 16 năm, kể từ khi chị Thảo còn là cô sinh viên năm thứ 2 trường Đại học Ngoại giao Hà Nội. Năm đó là năm 1996, là sinh viên ngành quan hệ quốc tế, chị và các bạn bè của mình có nhiều dịp giao lưu kết bạn với các bạn quốc tế tại Việt Nam.
Một lần, trong dịp đèo cô bạn gái người nước ngoài về, cô bạn ngỏ ý muốn giới thiệu cho chị một anh chàng người Úc mà cô ấy để ý và rất quý mến. Chị Thảo vui vẻ ở lại chơi với bạn mà không ngờ rằng đó cũng là ngày chị được gặp một nửa của mình.
Sự xuất hiện của Thảo trong khu lưu học sinh quốc tế hôm ấy ngay lập tức thu hút sự chú ý của Patrick và dần dần câu chuyện giữa hai người trở nên vui vẻ và sôi nổi bất ngờ một cách tự nhiên. Patrick là sinh viên người Úc sang Việt Nam trong chương trình trao đổi sinh viên quốc tế.
Đúng ra anh chỉ ở Việt Nam trong 3 tháng, nhưng vì mối quan hệ với Thảo diễn ra một cách tự nhiên và tốt đẹp, anh xin được ở lại thêm 3 tháng nữa. Nhưng rồi 3 tháng đó cũng trôi qua nhanh chóng, Patrick trở về nước và hai người cũng chẳng xác định điều gì bởi đường xá quá xa xôi mà thời gian hai người ở bên nhau chưa phải là dài.
Ấy thế nhưng khi Patrick về nước, những bức thư tay anh gửi cho Thảo hàng ngày khiến chị nhận ra tình cảm nhớ nhung thật sự trong trái tim mình.
Chẳng bao lâu sau Patrick cũng sắp xếp công việc sang lại Việt Nam để tiếp tục nghiên cứu và làm việc, một phần vì rất yêu mến đất nước Việt Nam, hơn nữa là để có điều kiện ở gần người con gái mà anh yêu nhiều hơn.
Vượt qua khoảng cách địa lý nhưng không phải tất cả mọi chuyện trong tình cảm của Patrick và Thảo đều suôn sẻ, nhất là khi ấy việc một cô gái Việt Nam đi ra đường cùng với “một ông Tây” luôn thu hút những ánh mắt hiếu kỳ của mọi người.
Bố mẹ chị mặc dù là người có tư tưởng hiện đại nhưng những ngày đầu Thảo dẫn Patrick về giới thiệu cùng gia đình, chuyện tình cảm của hai anh chị đã không được ủng hộ. Tôn trọng quyết định của con cái nên bố mẹ của chị Thảo không phản đối, cấm đoán gay gắt.
Patrick đến nhà chơi ông bà cũng không thể hiện điều gì nhưng trong nhà, người con trai đầu đã đi học ở nước ngoài xa xôi, đặc biệt là mẹ chị đều không khỏi lo lắng khi nghĩ tới việc cô con gái út cũng đi lấy một người chồng nước ngoài.
Sự lo lắng, không ủng hộ ấy không dữ dội nhưng nó cũng diễn ra âm thầm dai dẳng tới 3 năm. Chỉ tới khi Thảo tốt nghiệp đại học và thấy tình cảm của hai con vẫn luôn gắn bó, tốt đẹp, thấy Patrick là người tốt, biết quan tâm ủng hộ con gái mình, cha mẹ của chị mới chấp nhận.
Đối với bất cứ ai là sinh viên theo ngành Ngoại giao, Bộ Ngoại giao hay các bộ phận quan hệ quốc tế khác ở các cơ quan nhà nước luôn là mục tiêu phấn đấu không chỉ của riêng mình mà còn là niềm hi vọng, niềm tự hào của cha mẹ.
Thế nhưng việc quan hệ với một người nước ngoài, đặc biệt việc kết hôn với một người nước ngoài sẽ là việc đóng lại cánh cửa bước vào Bộ Ngoại giao của chị.
Có thể không vào được Bộ Ngoại giao nhưng còn có rất nhiều con đường khác để mình lựa chọn – chị Thảo đã nhận ra điều đó. Và tới tận bây giờ chị luôn thấy mình đã đúng khi lựa chọn con đường mình đang đi.
Patrick không chỉ là người chồng chị, là người cha của các con chị mà anh còn là một người bạn tâm giao như thuở nào. Việc lớn nhỏ gì anh đều là người ở bên cạnh, giúp đỡ, cổ vũ và động viên chị. Có việc gì khúc mắc chị cũng muốn trao đổi với anh.
Anh hơn chị đúng 1 giáp nên không những chị rất thích được nghe lời góp ý của anh mà còn bởi chẳng ai hiểu chị như anh cả. Mặc dù rất quan tâm và giúp đỡ chị trong mọi việc nhưng Patrick không bao giờ can thiệp vào công việc của chị.
Bên cạnh chị không chỉ có chồng mà còn có bố mẹ và những người thân thiết luôn giúp đỡ. Khi chị bận bịu công việc, đi công tác xa hoặc những buổi bận tiếp các đoàn khách chuyên gia trong tuần, ông bà ngoại là người giúp chị chăm sóc hai đứa con bé bỏng dễ thương của mình.
Đối với bố mẹ chị, việc chăm các cháu không chỉ là niềm vui mà cũng là một cách ủng hộ con gái trong cuộc sống. Ông bà cũng rất vui mừng vì những gì con gái mình đang theo đuổi và cố gắng vì nó.
Cuộc sống đặc biệt của người phụ nữ đặc biệt
Chị Thảo thừa nhận rằng bởi vì tính chất công việc ở nước ngoài rất nhiều nên mỗi lần về với Hà Nội chị mới cảm nhận được hết cái đẹp và cuộc sống tinh thần phong phú mà không ở đâu chị có được tại nơi đây.
Ở Hà Nội có bố mẹ, bạn bè và những người thân thiết của chị, có những con đường rợp bóng cây và những ngày cuối tuần yên bình bên các thiên thần nhỏ. Và cũng giống thế, công việc hàng ngày bận rộn lại khiến chị cảm nhận hết được tình cảm và sự quý giá của những phút giây dành cho gia đình mình.
Những ngày trong tuần của chị bận vô cùng với việc điều hành nhân viên, lên kế hoạch và triển khai các dự án cùng với việc tiếp đón các đoàn khách, chuyện gia nước ngoài liên tục. Chị thường dậy từ rất sớm, mở mắt ra dù mới chỉ là 5 giờ sáng chị cũng tới ngay cơ quan để giải quyết công việc.
Công việc nhiều, giữa Việt Nam và Mỹ lại lệch múi giờ nên nếu không tranh thủ giải quyết sẽ không thể làm hết việc trong ngày. Thế nhưng nếu đã dậy sớm đi làm thì chị luôn cố gắng sẽ về ăn bữa tối cùng gia đình.
Hôm nào biết lịch làm việc phải kéo dài tới tối muộn chị sẽ sắp xếp ăn bữa sáng cùng chồng và các con rồi mới bước ra khỏi nhà. Cuối tuần nếu sắp xếp được chị sẽ để công việc sang một bên và dành toàn bộ thời gian vui chơi cùng gia đình, đặc biệt là hai con của mình.
Bởi chính khoảng thời gian ấy, được chơi đùa cùng con, cùng trò chuyện và lắng nghe những suy nghĩ của trẻ thơ, tâm hồn chị như được hồi sinh và tươi mới hơn rất nhiều. Để rồi đến ngày thứ 2 đầu tuần, ngồi vào bàn làm việc, chị lại có những năng lượng mới tràn trề và mạnh mẽ.
Nói như vậy không phải lúc nào chị Thảo cũng thấy những khó khăn đều là chuyện nhỏ. Chị bảo không bao giờ chị nhìn nhận cuộc đời toàn màu hồng. Nó luôn tồn tại những khó khăn, những thử thách trước mắt, nhưng nó là một phần của cuộc sống.
Điều quan trọng là phải biết tìm cách giải quyết và biết chấp nhận kể cả những hi sinh. Chị Thảo tiết lộ chị sắp đưa con sang Úc đoàn tụ với Patrick bởi 3 năm gần đây Patrick làm việc và sống ở Úc.
Có thể nhiều người sẽ rất ngạc nhiên rằng tại sao một gia đình bình thường lại có thể mỗi người một nơi như vậy nhưng chưa bao giờ khoảng cách về địa lý lại là điều quá quan trọng ảnh hưởng tới hạnh phúc và mối quan hệ trong gia đình chị.
Chị có công việc yêu thích của mình tại Hà Nội và chị hiểu Patrick cũng có gia đình, có công việc, bạn bè tại Úc. Anh đã vì chị sống xa quê hương một thời gian dài và cũng có lúc, một phần vì công việc, anh cũng muốn trở lại Úc.
Hai vợ chồng đã bàn bạc và chuẩn bị một cách kỹ lưỡng về việc mỗi người ở một nơi như vậy trước khi anh trở về. Anh cũng biết công việc hiện nay của chị là công việc chị vô cùng yêu thích và anh không bao giờ bắt vợ phải từ bỏ những gì mình làm để theo chồng.
Trong suốt hơn chục năm là vợ chồng cũng đã có nhiều khoảng thời gian anh đi đi về về như vậy và có dịp là cả nhà lại đoàn tụ với nhau ở cùng một nơi.
Tôi hỏi chị liệu sống mỗi người một nơi như vậy có ai “dọa” chị rằng anh làm gì liệu chị có kiểm soát nổi không, thì chị cười và trả lời: “Có chứ, nhiều là đằng khác”, nhưng chị chẳng có ý định “kiểm soát” từng giây từng phút của chồng mình bởi điều quan trọng là sự tin tưởng và đặc biệt là sự quan tâm giữa hai người vợ chồng với nhau.
Từ trước tới nay anh Patrick luôn là người ủng hộ chị trong quá trình phấn đấu công tác và bây giờ vẫn vậy. Nhiều người chồng không muốn vợ học quá cao để có thời gian nhiều hơn cho gia đình nhưng ở gia đình chị thì ngược lại.
Patrick luôn là người động viên, thậm chí thuyết phục chị học lên bằng Tiến sĩ. Năm nay chị quyết định nộp đơn và được 2 trường danh giá ở Mỹ và Úc nhận vào và chị đã chọn theo học ở Úc mặc dù các điều kiện không tốt như ở Mỹ nhưng điều quan trọng là như thế gia đình chị sẽ được đoàn tụ trong một khoảng thời gian trước mắt.
Cuộc sống của hai vợ chồng đều gắn liền với những chuyến đi ở nhiều nước khác nhau nhưng anh Patrick luôn tin tưởng rằng người vợ thương yêu của mình sẽ luôn tự biết dung hòa công việc và cuộc sống của mình một cách tốt nhất.
Chị Thảo là người dẫn và trực tiếp hỏi chuyện bà ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton khi bà tới giao lưu cùng các sinh viên Đại học Ngoại thương trong vài giờ ngắn ngủi ghé thăm ngày 10/7 nên chị đã tìm đọc rất nhiều tài liệu về bà.
Càng hiểu thêm về bà, chị càng thấy khâm phục tài năng ý chí cũng như đức hi sinh của bà ngoại trưởng Clinton cũng như háo hức được gặp và trò chuyện với bà. Chị bảo là người phụ nữ sẽ phải chịu nhiều thiệt thòi trong công việc cũng như các quá trình phấn đấu, thăng tiến.
Chị yêu công việc vô cùng nhưng nếu được sinh ra một lần nữa chị vẫn muốn là một người phụ nữ, tất nhiên nếu vẫn được nhận những may mắn, sự thấu hiểu và yêu thương từ những người thân yêu như bây giờ.
Câu chuyện với chị cứ như một dòng chảy nhẹ nhàng mà thú vị khiến tôi không muốn dứt nhưng cũng đành xin phép đứng dậy để nhường thời gian cuối tuần cho ba mẹ con và các bạn.
Chị tiết lộ buổi trưa nay chị và các bạn đã thết đãi con và các bạn của Liam tới chơi một bữa ăn vui vẻ tại nhà trước khi tới địa điểm chúng tôi gặp nhau. Có thể ngày mai, khi bước tới cơ quan, chị là một trưởng đại diện khéo léo, quyết đoán và bận rộn điều hành hơn chục nhân viên với những công việc giải quyết trơn tru.
Nhưng đó là việc của ngày mai. Còn giờ đây khi đứng trước gia đình, ánh mắt chị ánh lên rạng ngời long lanh mà bình yên vô cùng – ánh mắt của một người phụ nữ đang chạm tay vào hạnh phúc.
Theo Phunutoday
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét