Thứ Tư, 5 tháng 6, 2013

Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết bật mí "những chuyện về anh Hồ Đức Việt"

Đăng bởi Hai Hoang Van vào Thứ năm, ngày 06 tháng sáu năm 2013

Từng có 5 năm làm việc dưới sự lãnh đạo trực tiếp của ông Hồ Đức Việt ở Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội (2002-2007), GS.TS Nguyễn Minh Thuyết đã dành cho Infonet cuộc trò chuyện về vị lãnh đạo của mình.

GS.Nguyễn Minh Thuyết: "Anh Việt có tầm nhìn xa. Có lẽ tư duy của một tiến sĩ Toán học và kinh nghiệm thực tiễn của nhiều năm hoạt động chính trị đã tạo nên ở anh khả năng khái quát vấn đề nhanh và lối diễn đạt hàm súc"
"Năm 2002, anh Hồ Đức Việt được bầu làm Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (UBKHCNMT) của Quốc hội khóa XI. Tôi cũng chuyển từ Đại học Quốc gia Hà Nội về tham gia Thường trực ủy ban này. Thường trực chỉ có 7 người, nên có thể nói là quan hệ công tác rất gần" – GS Nguyễn Minh Thuyết  mở đầu câu chuyện.

“Ấn tượng mạnh nhất của tôi về cố Chủ nhiệm Hồ Đức Việt là cách làm việc của một người lãnh đạo xuất thân từ giới khoa học, có tầm nhìn, có tác phong dân chủ mà quyết đoán.”
"Anh Việt là người trầm tính, nhìn bên ngoài, không có sự vồn vã, cởi mở thường thấy ở nhiều nhà hoạt động xã hội. Một đại biểu Quốc hội là chỗ thân tình với tôi còn nhận xét: “Sếp của ông khó gần.” Khi đó, tôi chỉ cười: “Đấy là vẻ ngoài thôi. Bắt tay vào việc hay vào một cuộc vui, anh sẽ thấy khác.” Quả nhiên, sau một chuyến công tác chung, vị đại biểu đó thừa nhận: “Ông nói đúng. Ông Việt thực ra sống rất sôi nổi và dễ hòa đồng.”

Trong những lần đi công tác, giờ nghỉ, anh Việt sẵn sàng cầm đàn hát vui cùng anh em. Đến bây giờ, nhiều người vẫn còn nhớ hình ảnh anh ôm cây đàn ghi-ta hát bài “Mimosa, em từ đâu tới?” trong một hội nghị ở Đà Lạt với giọng ca rất có hồn.
Hồ Đức Việt là một người hiểu biết rộng. Trong thời gian làm việc, có nhiều dịp trao đổi, rồi cùng anh dự hội nghị, hội thảo, thẩm tra luật, thực hiện các đợt giám sát về công nghệ cao, sở hữu trí tuệ, thủy điện, khoáng sản, trồng rừng..., tôi thấy lĩnh vực nào anh cũng hiểu biết rất sâu và chắc chắn.

Anh Việt tâm sự: Ngày mới tham gia công tác Đoàn, có lần gặp Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Thủ tướng khuyên anh dù bận đến đâu, mỗi ngày cũng nên dành ít nhất 2 giờ đọc sách. Từ đó, dù bận tới mấy, anh vẫn duy trì nếp đọc hằng ngày để trang bị thêm hiểu biết, đáp ứng yêu cầu công việc.

Trong 5 năm làm Chủ nhiệm UBKHCNMT, anh Việt đã chủ trì biên soạn 3 cuốn sách: “Xây dựng, phát triển thị trường khoa học và công nghệ trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN”, “Công nghệ thông tin và truyền thông phục vụ sự nghiệp CNH-HĐH đất nước” và “Sổ tay hướng dẫn hoạt động giám sát của HĐND cấp tỉnh trong lĩnh vực KHCN, bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên”. Cuốn sách thứ 1 là một công trình nghiên cứu khoa học công phu mà anh Việt làm chủ nhiệm đề tài với sự tham gia của nhiều nhà khoa học nổi tiếng.

Dành thời gian nghiên cứu các vấn đề lý luận và thực tiễn làm cơ sở đề xuất chủ trương, chính sách và viết sách hướng dẫn thực thi nhiệm vụ, đó là tác phong của một nhà lãnh đạo xuất thân từ giới khoa học.

Điều gì ở ông Hồ Đức Việt khiến anh em cấp dưới nể phục, thưa GS?

Anh Việt có tầm nhìn xa. Có lẽ tư duy của một tiến sĩ Toán học và kinh nghiệm thực tiễn của nhiều năm hoạt động chính trị đã tạo nên ở anh khả năng khái quát vấn đề nhanh và lối diễn đạt hàm súc. Đặc biệt, những ai từng tham dự các hội nghị, hội thảo do anh Việt chủ trì đều thích cách tổng kết hội nghị của anh. Anh tóm lược vấn đề rất sắc sảo, chuẩn xác và bao giờ cũng nêu lên những việc cần làm, kèm theo phân công cụ thể.

Anh em cũng thích tính thẳng thắn của anh Việt. Tôi nhớ hồi trình phương án xây dựng nhà Quốc hội, anh em thiết kế đều khẳng định nhà Quốc hội không được cao hơn lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhiều người nhận thấy hạn chế độ cao như vậy thì rất khó thiết kế nhưng chẳng ai dám nói ra vì lý do tế nhị. Nhưng anh Việt hỏi thẳng: “Ai đưa ra quy định ấy?”. Lúc đó, mọi người mới “vỡ” ra: chẳng có cấp nào, văn bản nào quy định cả. Một phần nhờ giải quyết được vấn đề chiều cao mà thiết kế nhà Quốc hội đáp ứng được nhiều công năng hơn.

Anh Việt có lẽ cũng là lãnh đạo duy nhất ở cơ quan Quốc hội không “quản” anh em Thường trực Ủy ban theo chế độ 8 tiếng/ngày. Anh bảo: “Các anh chị là đại biểu Quốc hội, phải đi gặp dân, gặp các cơ quan, đi thực tế. Không thể yêu cầu các anh chị ngồi cơ quan 8 tiếng. Điều quan trọng nhất là hoàn thành công việc được giao.” Khi đã giao việc cho ai thì anh tin tưởng, trao toàn quyền, chỉ tham gia giải quyết khi có vướng mắc và làm người nghiệm thu cuối cùng.

Tôi còn nhớ thời gian UBKHCNMT thẩm tra Luật Sở hữu trí tuệ, anh Việt giao việc cho tôi. Mọi việc từ tiếp xúc, thảo luận với các bộ, ngành liên quan, tổ chức khảo sát, hội nghị, hội thảo..., tôi được toàn quyền chủ động, chỉ báo cáo anh những việc quan trọng. Vì được chủ động nên tôi thấy rất thoải mái và làm việc có hiệu quả hơn.

Đồng chí Hồ Đức Việt thăm một gia đình cách mạng tỉnh Lào Cai
Quan sát cách làm việc của anh Việt, tôi cứ nghĩ khi người ta được giao một cương vị đúng tầm thì sẽ có phong cách làm việc mới mẻ và khoáng đạt.

Trước ông Hồ Đức Việt đã có nhiều “cây đa cây đề” trong lĩnh vực khoa học về làm Chủ nhiệm UBKHCNMT của Quốc hội. Theo GS, điều thành công nhất trên cương vị lãnh đạo UB mà ông Hồ Đức Việt đã làm được là gì?

Thú thật là hồi đầu, khi anh Việt về phụ trách Ủy ban, tôi thấy lo cho anh vì người tiền nhiệm của anh là một nhà khoa học lớn, rất có uy tín trong giới khoa học –GS.TS Vũ Đình Cự. Liệu trên cương vị mới, anh Việt sẽ làm thế nào, có ghi được dấu ấn gì không? Bây giờ nghĩ lại thấy buồn cười, vì bản thân tôi lúc ấy cũng mới chân ướt chân ráo về Quốc hội, còn chưa biết có gánh nổi nhiệm vụ không. Đúng là “Ốc chẳng mang nổi mình ốc, lại còn mang cọc cho rêu”.

Nhưng thời gian đã chứng tỏ vị Chủ nhiệm Ủy ban đảm đương rất tốt công việc của mình. Chỉ nói riêng về lĩnh vực xây dựng pháp luật, UB KHCNMT khóa XI là cơ quan Quốc hội đầu tiên đề xuất, soạn thảo và trình Quốc hội thông qua một đạo luật (Luật Giao dịch điện tử). Cũng trong khóa XI, UB KHCNMT đã chủ trì thẩm tra, trình Quốc hội thông qua 14 luật và Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua 4 pháp lệnh. Mặc dù mỗi thời kỳ có hoàn cảnh, nhiệm vụ riêng nhưng so với con số 2 luật và 8 pháp lệnh được UB KHCNMT khóa X chủ trì thẩm tra thì đây là một nỗ lực rất lớn. Ngoài ra, nhiều vấn đề liên quan đến những công trình quan trọng của đất nước như quy mô công trình Thủy điện Sơn La, chủ trương đầu tự dự án Đường Hồ Chí Minh, dự án Khí - Điện - Đạm Bà Rịa – Vũng Tàu,… Quốc hội đều giao cho UB KHCNMT chủ trì thẩm tra. Trong thành quả chung của UB KHCNMT khóa XI có đóng góp quan trọng của Chủ nhiệm Ủy ban Hồ Đức Việt.

Nguyễn Hoài

(Infonet)
http://www.tintuchangngayonline.com/2013/06/gs-nguyen-minh-thuyet-bat-mi-nhung.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét