KS Doãn Mạnh Dũng
Như BVN đã đề xuất ở Lời mở đầu bài viết của TS Tô Văn Trường (http://www.boxitvn.net/bai/46379), nói đến việc đổi tên nước thì vấn đề không phải là một cái tên mà là toàn bộ những thay đổi bản chất đi theo cái tên đó. Phải có một thể chế dân chủ, thể chế ấy phải đặt mục tiêu bảo vệ Tổ quốc và bảo vệ quyền sống của người dân lên hàng ưu tiên, chứ không để cho bất kỳ một tổ chức phe phái nào ngang nhiên ngồi thượng lên trong Hiến pháp như một quyền uy bất khả xâm phạm, đó mới là sức mạnh đích thực của tên nước khi muốn thay đổi tên hiện nay bằng một danh xưng khác. Và nếu có thay đổi thì tên gọn gàng và đủ ý nhất đúng như Tô Văn Trường gợi ý, vẫn là Cộng hòa Việt Nam. Chỉ thế là đủ. Tuy nhiên, tôn trọng quyền góp ý của bạn đọc, dưới đây, chúng tôi xin đăng một đề nghị khác.Bauxite Việt Nam
Vừa qua nhiều ý kiến đề xuất đổi tên nước. Tên nước “Cộng hòa xã hội chủ nghĩa ViệtNam” hiện nay thật sự nhạy cảm, khơi gợi lại những năm tháng chiến tranh lạnh giữa hai phe sau Chiến tranh thế giới II. Còn tên nước “Việt Nam dân chủ cộng hòa” là cách gọi theo văn phạm Trung Quốc, vừa gợi lại chính sách kinh tế một thời đã làm mọi người phải cùng khổ, đồng thời cũng vừa gợi lại sự thắng, thua trong cộng đồng người Việt Nam sau khi Mỹ rút khỏi Việt Nam theo Hiệp định Pari 27/1/1973.
Với gợi ý của GS Nguyễn Minh Thuyết, tên nước nên là: “Cộng hòa dân chủ ViệtNam”. Có thể nói đề xuất của Nguyễn Minh Thuyết là đã có nhiều tiến bộ.
Tuy vậy theo sử Việt Nam, Nguyễn Vương Phúc Ánh sau khi lên ngôi Gia Long Hoàng đế năm 1802 có cử Lê Quang Định “làm Chánh sứ sang nhà Thanh xin phong vương và đổi tên nước là Nam Việt. Nhà Thanh cho rằng tên nước là Nam Việt sẽ lẫn với nước của Triệu Đà (gồm cả Đông Việt, Tây Việt), nên đổi là ViệtNam.
Thế là năm Giáp Tý (1804) Á sát Quảng Tây Tề Bồ Sâm được vua Thanh phái sang phong vương cho Gia Long và nước ta có tên là Việt Nam” ( Theo Huỳnh Cư – Đỗ Đức Hùng – Các triều đại Việt Nam, NXB Thanh niên, 2001).
Vì tên nước ViệtNamdo nhà Thanh đặt nên ít nhiều đã tạo ra một tâm trạng tự ti của các thế hệ người ViệtNamtrong quan hệ với Trung Quốc.
Năm 2010, Việt Nam vừa kỹ niệm 1000 năm vua Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư về thành Đại La và đổi tên là thành Thăng Long (Hà Nội) với mục tiêu xây dựng một nước Việt độc lập, hòa bình và cường thịnh. Với ý chí đó, năm 1054 nhà Lý đã đổi tên nước là Đại Việt.
Vậy tại sao chúng ta không đổi tên nước là “Cộng hòa Đại Việt ” ?
Bản thân chữ “cộng hòa” đã bao hàm sự dân chủ, nên không cần thiết có từ “dân chủ” trong tên nước.
Chúng ta vừa đón nhận di sản tập quán thờ tổ tiên ở đền vua Hùng, tại sao chúng ta không quan tâm đến nguyện vọng đặt tên nước của tổ tiên chúng ta.
Đề xuất này là ý tưởng của nhiều bạn bè đã gặp tôi và nhờ tôi chuyển thông tin đến cộng đồng. Đó là lòng yêu nước đang đọng lại đâu đó trong trái tim sâu thẳm mỗi người ViệtNam.
Với tên nước “Cộng hòa Đại Việt” vừa khẵng định thế hệ hôm nay tiếp tục thừa kế ý chí của cha ông trong việc xây dựng một nước Việt độc lập, hòa bình, cường thịnh, vừa tranh thủ tình cảm của cộng đồng các nước trên thế giới với nước Việt, vừa góp phần tốt hơn trong hòa giải dân tộc.
D.M. D.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét