Thứ Bảy, 13 tháng 4, 2013

Tại sao người Nga luôn cảm thấy bị cô lập và tỏ ra thù địch với thế giới bên ngoài?


Richard PipesThe Moscow Times

Nhất Phương dịch
Richard Pipes nói rằng người Nga “không tin vào dân chủ vì họ luôn gắn nó với hỗn loạn và tội ác”, rằng họ “muốn chính phủ của họ phải thật mạnh để che chở cho họ khỏi thù trong giặc ngoài, mà hầu hết là tự tưởng tượng như kiểu sợ ma”, rằng họ “coi thường pháp luật”, rằng “hầu như không còn khái niệm coi sở hữu tài sản cá nhân là một trong những quyền của con người”, rằng họ có “thái độ thù địch với thế giới bên ngoài, đặc biệt với châu Âu và Hoa Kỳ”.
Chắc chắn Richard Pipes chỉ nói về nước Nga, chứ không hề nói gì đến nước ViệtNamta. Mọi sự suy diễn, nếu có, là lỗi của người đọc. Nhất định thế!
Bauxite Việt Nam
Những ai thấy ngạc nhiên về những sự lặp lại trong lịch sử Nga dường như quên mất rằng văn hóa phổ thông thay đổi rất chậm, nếu có.
Lịch sử Hoa Kỳ là một ví dụ. Hoa Kỳ tự giải phóng khỏi sự đô hộ của Anh 250 năm trước đây để thành lập một nền cộng hòa với ý định có một không hai. Thế nhưng, đến nay văn hóa pháp lý và chính trị của Hoa Kỳ vẫn đậm các khái niệm và giá trị được thừa hưởng của Anh.
Người Nga cũng không phải là một ngoại lệ, họ mang trong tâm khảm mình cả nỗi sợ và hy vọng thừa hưởng từ tổ tiên họ. Tham vọng thay đổi lớn lao và độc ác nhất trong lịch sử Nga và đã thất bại thảm hại là cố gắng tạo ra “con người Xô viết”. Khi tôi đọc những kết quả thăm dò ở nước Nga hậu Xô viết, tôi vô cùng sửng sốt khi thấy biết bao suy nghĩ giống hệt những suy nghĩ của nước Nga thời Tsar (Nga) Hoàng.
Lấy hệ thống chính trị làm ví dụ. Người Nga không tin vào dân chủ vì họ luôn gắn nó với hỗn loạn và tội ác. Khi được hỏi họ coi trọng cái gì – giữa an toàn bản thân và tự do – tuyệt đại đa số chọn an toàn bản thân. Rõ ràng họ không ý thức được rằng hai thứ đó lại tương thích với nhau.
Họ muốn chính phủ của họ phải thật mạnh để che chở cho họ khỏi thù trong giặc ngoài, mà hầu hết là tự tưởng tượng như kiểu sợ ma. Nhiều thế kỷ nay họ vẫn một mực tin rằng nước Nga phải có quyền làm một siêu cường khiến kẻ khác phải sợ hơn là tôn trọng.
Sự lặp lại nữa của lịch sử là hành vi của người Nga coi thường pháp luật và tài sản cá nhân. Cho tới 1864, Nga chưa có hệ thống pháp luật đáng được gọi là pháp luật. Khách du lịch nước ngoài tới Nga trước 1864 có nhận xét rằng người dân Nga bị phán xử một cách rất tùy tiện bởi Nga hoàng và quan lại của ông ta. Ngay cả sau cải cách tư pháp 1864 có hiệu lưc, tội chính trị không được xét xử bởi tòa án mà bởi các cơ quan chính quyền. Sự khinh bỉ luật pháp do vậy vẫn sống dai và khỏe đến tận ngày nay. Theo thăm dò dư luận công chúng, đa số dân Nga coi tòa án là nơi thối nát và tham nhũng.
Về mặt lịch sử mà nói, tài sản cá nhân chính là nền tảng của tự do. Tại những quốc gia tài sản cá nhân được tôn trọng, chính phủ phải dựa vào công dân để có thu nhập và do vậy phải tôn trọng công dân. Cho tới cuối thế kỷ 18 ở nước Nga, tài sản cá nhân, vì bất cứ lý do gì, không được phép tồn tại. Tất cả đất đai, nguồn của cải chính, thuộc về nhà vua. Ông ta không những cai trị đất nước mà trong thực tế ông ta sở hữu đất nước.
Hơn thế nữa, dựa vào thể chế của cộng đồng nông thôn, người nông dân, chiếm 4/5 dân số cả nước, không sở hữu ruộng đất họ cày cấy mà chỉ được tạm thời sử dụng. Là hậu quả của di sản lịch sử này, được củng cố thêm bởi mấy chục năm chế độ cộng sản, người Nga hầu như không còn khái niệm coi sở hữu tài sản cá nhân là một trong những quyền của con người.
Di sản khổ sở của quá khứ đáng kể nữa là thái độ thù địch với thế giới bên ngoài, đặc biệt với châu Âu và Hoa Kỳ. Thái độ này có nguồn gốc tôn giáo. Nhà thờ Chính thống giáo Nga, qua  nhiều thế kỷ ngự trị trong  tư duy và thái độ của cả nước gieo mầm vào đầu tín đồ của nó niềm tin rằng tất cả tôn giáo phương Tây đều là dị giáo. Dị đoan này được thế tục hóa thời hiện đại và diễn dịch thành ý niệm rằng phương Tây luôn là kẻ thù địch. Được hỏi năm 1998: “Quý vị có cảm thấy mình là Âu không?” chỉ có 12% trả lời “Có, luôn luôn vậy”, trong khi 56% nói “hầu như chưa bao giờ”. Kết quả cho thấy hầu hết người Nga luôn cảm thấy mình tách biệt khỏi thế giới bên ngoài.
Tôi tin rằng một khi đa số người Nga bắt đầu nhận ra rằng đất nước họ không bị thế giới bên ngoài đe dọa, họ mới có thể nhiệt thành thay đổi thái độ và các thể chế của họ, trong đó pháp quyền và nhân quyền là quan trọng nhất.
R. P.
Richard Pipes, giáo sư danh dự của Đại học Harvard, là tác giả cuốn “Nước Nga dưới chế độ cũa” và “Tài sản và Tự do”. [Phần chú thích này là của hãng thông tấn Nga Vedomosti].

Dịch giả gửi trực tiếp cho BVN.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét