Thứ Tư, 13 tháng 2, 2013

Giữ ký ức!

Giáo sư Toán học Ngô Bảo Châu


Một người bạn Pháp, sống ở Đức từ hơn ba chục năm nay, nói với tôi về thái độ dũng cảm của người Đức khi phải đối mặt với ký ức đen tối của dân tộc mình, so sánh với sự thiếu dũng cảm của người Pháp. Bà nói rằng, ở Essen nơi bà sống, vùng bắc sông Ranh, học sinh trung học được giao việc, như bài tập về nhà, đi điều tra trong khu phố nơi mình đang sống đã từng có những gia đình Do thái nào sinh sống, họ đã bị Đức quốc xã bắt đi như thế nào, họ đã chết ở trại tập trung như thế nào. Ký ức về một trong những tội ác kinh khủng nhất trong lịch sử nhân loại cần được làm sống lại, không chỉ qua những trang sách lịch sử, mà cả bởi những ngôi nhà, những khu phố thân quen. Cần phải mở toang những cánh cửa cứ muốn khép lên số phận những con người đã từng bị đối xử như súc vật.
Ký ức đen tối của dân tộc là một nỗi đau qua lớn đối với tâm hồn trẻ thơ. Một đứa trẻ còn ở tuổi cắp sách tới trường không có trách nhiệm với những tội ác mà ông cha nó đã phạm. Liệu có cần thiết hay không khuấy lên cái nỗi đau đó, làm sống lại cái nỗi đau đó qua từng năm tháng, qua từng thế hệ. Tại sao người lớn muốn làm đau trẻ con với ký ức về tội ác xảy ra nửa thế kỷ trước khi chúng ra đời. Tại sao trẻ con không được quyền sống một cuộc sống hồn nhiên, tin tưởng rằng đất nước mình luôn luôn tươi đẹp, cha ông mình không làm điều gì mà mình phải cảm thấy xấu hổ.
Với tôi, lý do ở đây là dân tộc Đức là một dân tộc đã trưởng thành, người Đức muốn con mình trở thành thành viên của một dân tộc trưởng thành. Mỗi người thừa kế từ cha ông mình tài sản hữu hình là nhà cửa, đường sá, tài sản vô hình là thể chế xã hội, là nền tảng đạo đức, tài sản tâm hồn là ký ức cả vinh quang và nhục nhã. Cái làm nên lòng yêu nước chính là việc cùng thừa kế, cùng chia sẻ những tài sản đó, có cái hữu hình, cái vô hình, có cái vinh quang và cái nhục nhã.  Tại sao không lờ những gì nhục nhã, chỉ lưu lại lại những gì vinh quang, ngọt ngào? Người Đức có lẽ hiểu rất rõ rằng thức ăn cho tâm hồn con người chính là sự thật. Những dân tộc quen nấu sự dối trá cho mình ăn, sẽ dần dần quen với sự bạc nhược, sự đớn hèn của chính mình. Thế nhưng người ta vẫn thích nấu sự dối trá cho mình ăn. Vì sự thật nhiều khi không có lợi, hoặc là cứng quá, không tốt cho lợi.
Ông bà ngoại tôi sinh ra ở làng Bạch Mai, người ở giữa làng, người ở cuối làng, gần ngã tư Trung Hiền. Có lần tôi hỏi bà ngoại, làm sao mà ông bà, người ở giữa làng, người ở cuối làng lại gặp được nhau. Ông ngoại tôi đã mất, bà ngoại tôi đã lớn tuổi nên cơ hội cho tôi tìm lại ký ức của mình không còn nhiều nữa. Bà tôi bảo, hôm ấy ông đứng ở gốc bàng dưới phố mà ngửa cổ gọi vọng lên: “Cô Hằng ơi, cô Hằng ơi”. Được một lúc thì cụ thân sinh ra bà ngoại tôi thò đầu ra ngoài cửa sổ mắng: “Cái anh kia, sao cứ đứng giữa đường mà réo người ta thế. Anh gọi con tôi có việc gì?”. Ông tôi trả lời: “Dạ, con chỉ rủ cô Hằng đi dạy bình dân học vụ thôi ạ.” Vậy là ông bà ngoại tôi quen nhau khi đi dạy bình dân học vụ.
Tôi đưa bà ngoại về phố Bạch Mai với hy vọng tìm lại được gốc bàng nơi ông ngoại tôi đứng gọi bà ngoại tôi ngày xưa. Bà tôi cũng chỉ nhớ mang máng số nhà và dáng dấp của ngôi nhà nên chúng tôi phải vòng đi vòng lại mấy lần mà chưa thấy. May mà có cây bàng. Dọc phố Bạch Mai vốn trồng toàn bàng. Cái không may nhưng lại là may trong trường hợp của tôi là số bàng còn sống sót cũng không nhiều. Cái nhà giống nhất với những gì bà tôi còn nhớ bây giờ là một hiệu cầm đồ. Cả dãy phố đó còn lại một hai cây bàng nhưng có cả chục hiệu cầm đồ. Cái nào cũng giống cái nào, một đống máy vi tĩnh cũ nát, ba bốn cái xe máy lấm bùn. Tuy là trưa hè, nhưng người ta vẫn ngồi thành vòng trên hè phố quanh cỗ bài tá lả. Một vài người nhìn hai bà cháu tôi với ánh mắt thù địch. Tự nhiên nảy ra trong đầu tôi có một ý nghĩ vu vơ, nhưng là một sự tiếc nuối vô bờ cho một ký ức đẹp đẽ tinh khôi đã bị mất, để đổi lại hình ảnh bạc nhược của một đống máy vi tính vô hồn cũ nát, của những chiếc xe máy gỉ sét trong tiệm cầm đồ. Đành rằng, cầm đồ là một loại hình kinh doanh có lợi.
Giáo sư Toán học Ngô Bảo Châu

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét