Vaclav Havel
Phạm Nguyên Trường dịch
Bản dịch được thực hiện nhân giỗ đầu Vaclav Havel (18/12/2011-18/12/2012)
Lễ kỉ niệm lần thứ 15 Cách mạng Nhung (ngày 17 tháng 11 năm 1989), cuộc Cách mạng đã đưa chế độ độc tài cộng sản ở Tiệp Khắc đến chỗ cáo chung, là cơ hội để suy tư về ý nghĩa của hành vi mang tính đạo đức và hành động tự do. Hiện nay chúng ta đang sống trong xã hội dân chủ, nhưng nhiều người - không chỉ ở Cộng hòa Czech – vẫn tiếp tục tin rằng họ không phải là chủ nhân của số phận của mình. Họ đã đánh mất niềm tin rằng họ có thể thực sự có ảnh hường đối với những sự kiện chính trị, và còn có ít ảnh hưởng hơn đối với xu hướng phát triển của nền văn minh của chúng ta.
Trong giai đoạn cộng sản, đa số người dân đều tin rằng những cố gắng của cá nhân nhằm tạo ra thay đổi đều chẳng có ý nghĩa gì. Các nhà lãnh đạo cộng sản luôn luôn khẳng định rằng hệ thống đó là kết quả của những quy luật khách quan của lịch sử, những quy luật không thể nghi ngờ và những người không chấp nhận logic này đã bị trừng phạt – chỉ có thế thôi.
Đáng tiếc là, cách nghĩ được các chế độ độc tài cộng sản ủng hộ đó đã không biến mất hoàn toàn. Một số chính khách và học giả khẳng định rằng chủ nghĩa cộng sản chỉ sụp đổ dưới sức nặng của chính nó – một lần nữa, lại nhờ “những quy luật khách quan” của lịch sử. Một lần nữa, trách nhiệm cá nhân và hành động cá nhân bị coi nhẹ. Họ bảo chúng ta rằng chủ nghĩa cộng sản chỉ là một trong những ngõ cụt của chủ nghĩa duy lí của phương Tây, chỉ cần chờ đợi ngày diệt vong của nó mà thôi.
Trong giai đoạn cộng sản, đa số người dân đều tin rằng những cố gắng của cá nhân nhằm tạo ra thay đổi đều chẳng có ý nghĩa gì. Các nhà lãnh đạo cộng sản luôn luôn khẳng định rằng hệ thống đó là kết quả của những quy luật khách quan của lịch sử, những quy luật không thể nghi ngờ và những người không chấp nhận logic này đã bị trừng phạt – chỉ có thế thôi.
Đáng tiếc là, cách nghĩ được các chế độ độc tài cộng sản ủng hộ đó đã không biến mất hoàn toàn. Một số chính khách và học giả khẳng định rằng chủ nghĩa cộng sản chỉ sụp đổ dưới sức nặng của chính nó – một lần nữa, lại nhờ “những quy luật khách quan” của lịch sử. Một lần nữa, trách nhiệm cá nhân và hành động cá nhân bị coi nhẹ. Họ bảo chúng ta rằng chủ nghĩa cộng sản chỉ là một trong những ngõ cụt của chủ nghĩa duy lí của phương Tây, chỉ cần chờ đợi ngày diệt vong của nó mà thôi.
Chính những người đó lại thường tin vào những lời tuyên bố về tính tất yếu của những quy luật của thị trường và “bàn tay vô hình” định hướng cuộc sống của chúng ta. Vì trong cách tư duy đó không có nhiều chỗ cho hành động mang tính đạo đức của cá nhân, cho nên những người phê phán xã hội thường bị chế nhạo, bị coi là những nhà đạo đức ngây thơ.
Đấy có thể là một trong những lí do vì sao 15 năm sau ngày sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản chúng ra lại phải chứng kiến thái độ lãnh đạm chính trị. Chế độ dân chủ ngày càng được xem như một nghi thức đơn thuần. Nói chung, xã hội phương Tây dường như đang trải qua một cuộc khủng hoảng của các đặc tính dân chủ và quyền công dân tích cực.
Có khả năng là những gì chúng ta đang chứng kiến là chỉ một sự thay đổi hệ hình, do công nghệ mới tạo ra, và không có gì phải lo lắng cả. Nhưng có lẽ vấn đề nằm sâu hơn: các tập đoàn toàn cầu, các tập đoàn truyền thông và các cơ quan nhà nước đầy sức mạnh, đang biến cải các đảng phái chính trị thành các tổ chức mà nhiệm vụ chính không phải là phục vụ xã hội mà là bảo vệ các thân chủ và quyền lợi cụ thể. Chính trị đang trở thành chiến trường cho những người vận động hành lang; các phương tiện truyền thông đại chúng biến những vấn đề quan trọng thành tầm thường; chế độ dân chủ trông giống như một trò chơi cho người tiêu dùng, chứ không còn là một công việc nghiêm túc dành cho những công dân nghiêm túc nữa.
Chắc chắn là chúng tôi, những người bất đồng chính kiến khi mơ về tương lai dân chủ, đã có một số ảo tưởng mà hiện nay chúng tôi đã nhận thức được một cách rõ ràng. Nhưng chúng tôi đã không lầm khi khẳng định rằng chủ nghĩa cộng sản không chỉ là một ngõ cụt của chủ nghĩa duy lí của phương Tây. Trong hệ thống cộng sản quá trình quan liêu hóa, thao túng theo kiểu nặc danh và nhấn mạnh vào thái độ phục tùng của quần chúng đã được đưa đến mức “hoàn thiện”, nhưng chính những mối đe dọa này hiện nay vẫn đang song hành cùng chúng ta.
Lúc đó chúng tôi đã biết chắc rằng nếu chế độ mà thiếu các giá trị và chỉ quy giản xuống còn là sự cạnh tranh giữa các đảng phái, tức là những đảng phái “cam đoan” có những giải pháp cho mọi vấn đề thì đấy có thể là chế độ hoàn toàn phi dân chủ. Đấy là lí do vì sao chúng tôi nhấn mạnh đến chiều kích đạo đức của chính trị và xã hội công dân đầy sức sống, coi chúng như là đối trọng đối với các đảng phái chính trị và các thiết chế của nhà nước.
Chúng tôi còn mơ về một trật tự quốc tế công bằng hơn. Sự cáo chung của thế giới lưỡng cực là cơ hội tuyệt vời cho việc thiết lập một trật tự quốc tế nhân bản hơn. Thay vào đó, chúng ta đang chứng kiến quá trình toàn cầu hóa về mặt kinh tế, thoát khỏi sự kiểm soát chính trị; và nó đang tạo ra những tàn phá về mặt kinh tế cũng như tàn phá hệ sinh thái tại nhiều khu vực trên thế giới.
Sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản là cơ hội để tạo ra những thiết chế chính trị toàn cầu hiệu quả hơn – dựa trên các nguyên tắc dân chủ - những thiết chế có thể chặn đứng những thứ dường như là xu hướng – trong hình thức hiện thời – tự hủy của thế giới công nghiệp của chúng ta. Nếu chúng ta không muốn bị những lực lượng ẩn danh giày xéo thì những nguyên tắc của tự do, bình đẳng và đoàn kết - nền tảng của ổn định và thịnh vượng trong các chế độ dân chủ ở phương Tây – phải bắt đầu có hiệu lực trên bình diện toàn cầu.
Nhưng, trên hết – cũng như thời còn cộng sản – chúng ta không được đánh mất niềm tin vào những trung tâm tư duy thay thế và hành động dân sự. Xin đừng để người ta lèo lái dẫn đến tin rằng mọi cố gắng nhằm thay đổi trật tự “đã được thiết lập” và thay đổi những quy luật “khách quan” là việc làm vô nghĩa. Xin hãy cố gắng xây dựng xã hội công dân toàn cầu, và xin hãy luôn luôn khẳng định rằng chính trị không chỉ là công nghệ của quyền lực, mà nó cần phải có chiều kích đạo đức nữa.
Đồng thời, các chính khách trong những quốc gia dân chủ cần suy nghĩ một cách nghiêm túc về những cuộc cải cách các thiết chế quốc tế, vì chúng ta rất cần những thiết chế đủ sức quản trị thế giới. Thí dụ, chúng ta có thể bắt đầu với Liên hiệp quốc, với hình thức như hiện nay tổ chức này chỉ là di vật của tình hình ngay sau khi Thế chiến II kết thúc. Nó không phản ánh được ảnh hưởng của một số siêu cường mới ở các khu vực, trong khi đánh đồng những nước mà những người đại diện được bầu một cách dân chủ với những nước mà những người đại diện, trong trường hợp tốt nhất cũng chỉ đại diện cho chính họ hay cho nhóm sĩ quan cầm quyền, là việc làm vô đạo đức
Người châu Âu chúng ta có một nhiệm vụ đặc biệt. Nền văn minh công nghiệp, nay đã lan ra toàn thế giới, có xuất xứ từ châu Âu. Tất cả những điều kì diệu, cũng như những mâu thuẫn làm người ta phải khiếp sợ của nó, có thể được lí giải như là hậu quả của một đặc tính có xuất xứ từ châu Âu. Vì vậy mà châu Âu thống nhất phải thiết lập một thí dụ về cách đối diện với những mối hiểm nguy và kinh hoàng khác nhau đang nhấn chìm chúng ta hôm nay cho phần còn lại của thế giới thấy.
Thực ra, nhiệm vụ như thế - tức là nhiệm vụ gắn chặt với sự thành công của sự hội nhập của châu Âu – sẽ là sự hoàn thành một cách xác thực ý thức trách nhiệm toàn cầu của châu Âu. Và nó sẽ là chiến lược tốt hơn hẳn so với việc đổ lỗi cho Mỹ về những vấn đề khác nhau của thế giới đương đại.
Bài này được viết bởi Vaclav Havel vào ngày 12 tháng 11 năm 2004
Bài đã đăng trên Bauxite Việt nam
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét