Thứ Tư, 15 tháng 10, 2014

Về 5 điều 'không phải vậy' ở Hong kong

Nguyễn Giang

  • 14 tháng 10 2014
Sau hơn hai tuần biểu tình, cuộc vận động dân chủ ở Hong Kong đã thoái trào nhưng các ý kiến về phong trào bất tuân dân sự này vẫn chưa hết.
Nhân dịp này ta cũng cần đánh giá lại một số nét về làn sóng sinh viên học sinh đòi dân chủ ở Hong Kong và hóa giải một số hiểu lầm.

1. Không phải Thiên An Môn

Dù nhiều báo chí quốc tế nhắc đến vụ Thiên An Môn, họ chủ yếu cho rằng biểu tình tại Hong Kong là thách thức chính trị lớn nhất từ 1989 cho Bắc Kinh, chứ không nói về các diễn biến của hai sự kiện.
Vì dù cùng được coi là đòi dân chủ, hai phong trào có định hướng, yêu sách khác nhau khá lớn.
Hồi tháng 5 và 6 năm 1989, sinh viên Trung Quốc còn dâng thỉnh nguyện thư lên lãnh đạo để muốn họ cải tổ nội bộ hệ thống xã hội chủ nghĩa qua cách tăng cường dân chủ, chống tham nhũng, cửa quyền.
Một số lãnh đạo cao cấp như Triệu Tử Dương đã lắng nghe họ, cùng khóc với họ ở Thiên An Môn (có trợ lý Ôn Gia Bảo đứng cạnh), làm tăng thêm cảm xúc rằng Đảng và dân vẫn cùng chia sẻ nhiều nguyện ước.
Howard Zhang, phóng viên BBC, người từng tham gia biểu tình ở Thiên An Môn nói với tôi:
"Hồi năm 1989, cuộc đấu tranh khởi đầu cũng không phải là đấu tranh dân chủ mà sinh viên và hàng triệu người dân bình thường chủ yếu bày tỏ bực bội vì tham nhũng tràn lan, vì sự phân biệt giàu nghèo bắt đầu tăng."
"Những lời kêu gọi dân chủ và thay đổi chế độ chỉ đến vào những phút kết cục của đối đầu chính trị."
Trái lại, thanh niên, sinh viên Hong Kong ngay từ đầu không còn chút ảo tưởng nào về lòng thương của lãnh đạo.
Họ cũng không ảo tưởng rằng Bắc Kinh sẽ nhượng bộ về chính trị vì chủ quyền Hong Kong đã thuộc về Bắc Kinh nhưng muốn mở ra cuộc đấu tranh về mặt pháp lý, căn cứ vào thỏa ước Anh – Trung năm 1984, và nhấn mạnh vào quyền đầu phiếu.

Một quốc gia, hai lối tư duy ngày càng xa cách?
Đây là cuộc vận động pháp quyền rất cụ thể, không đòi lật đổ chế độ nào cả và vì thế có sự hưởng ứng rộng mà Bắc Kinh không thể cho quân đội bước ra khỏi doanh trại đã đóng ở Hong Kong để đàn áp.
Về sách lược và tiếng vang, nó có nhiều điểm tương đồng với Phong trào Ngũ tứ năm 1919 khi sinh viên Trung Quốc ồ ạt xuống đường đòi chính phủ Dân quốc hủy Hiệp ước 21 điều, nhượng bộ quá nhiều với Phương Tây.
Trong những lần sang Hong Kong, cảm nhận của tôi là đặc khu này dù 'thuộc về Trung Quốc' vẫn là nơi tự do học thuật, báo chí được tôn trọng khá tốt.
Từ môi trường đó, điều không lạ là tính văn minh, lịch sự của cuộc đấu tranh, và như nhiều bạn trẻ từ Trung Quốc nói với tôi, dù kết cục chưa thành, đây là cuộc biểu tình cần thiết cho thể nghiệm tương lai về dân chủ ở Đại lục.

2. Không dân tộc chủ nghĩa

Khác hẳn với các cuộc xuống đường biểu tình bài Nhật ở Trung Quốc, tuần hành phản đối Trung Quốc ở Việt Nam, biểu tình phản đối Việt Nam ở Campuchia, bạo động chống Hồi giáo ở Myanmar...thanh thiếu niên Hong Kong đấu tranh đòi đảm bảo dân chủ – một khái niệm phổ quát hơn các khẩu hiệu dân tộc chủ nghĩa - như họ đã được hứa.
Các biểu tượng của họ như nơ vàng (đã có trong cuộc đấu tranh dân chủ Philippines 1986 và rất phổ biến trong các phong trào dân sự Anh, Mỹ, Úc) không hề dính gì đến cờ Hong Kong hay Trung Quốc, điều khiến sức lan tỏa quốc tế của câu chuyện Hong Kong rất mạnh.
Ngoài ra, nhóm Chiếm Trung Tâm ở Hong Kong rõ ràng đã học chiến thuật của các nhóm Occupy Central tương tự từng tổ chức bao vây khu tài chính London, New York.
Thông điệp ngầm của họ là đòi công bằng xã hội, và phần nào chống toàn cầu hóa, theo cách hiểu toàn cầu hóa có lợi cho giới có quyền và có tiền.
Nhưng cũng có điểm giống giữa phong trào này và một số cuộc xuống đường gần đây ở châu Á.
Đó là sự lo ngại trước sức ép đến từ một Trung Quốc ngày càng to, ngày càng áp đảo.
Frank Ip, nhà báo của BBC Tiếng Trung và là người Hong Kong nói với tôi rằng:
“Hong Kong đúng là là một trong những khu vực thịnh vượng nhất về kinh tế trên thế giới nhưng ta không nên quên rằng khoảng cách giàu nghèo cũng rất lớn như chỉ số GINI gần nhất cho thấy. Và thế hệ trẻ đang chịu nhiều áp lực.”
Tại khu vực hành chính đặc biệt hơn 7 triệu dân, căng thẳng với người từ đại lục tới đã diễn ra từ lâu nay:
“Áp lực từ Trung Quốc, từ những người lục địa đến, sang mua từ sữa, đồ dùng sang trọng đến các thứ khác. Đó là một trong số những điều khiến người trẻ tuổi ở Hong Kong cảm thấy bị đe dọa”, theo Frank Ip.
Ngoài ra trên thị trường địa ốc, thị trường lao động và cơ hội việc làm, thanh thiếu niên Hong Kong cũng chịu nhiều sức ép.
Ngay ở học đường, số sinh viên từ Trung Quốc ngày càng đông, và ở một những trường đại học hàng đầu ở Hong Kong, số liệu mới nhất, theo Frank Ip, nói số sinh viên bậc sau đại học từ Trung Quốc lục địa có khi chiếm tới 30%.
Dù mức sống cao, thanh thiếu niên Hong Kong vẫn cất lên tiếng nói chung như giới trẻ Phương Tây.
Vì chỉ một chủ nghĩ̉a tăng trưởng được nhiều chính phủ tôn thờ nay không đủ để trả lời rất nhiều câu hỏi cuộc sống nêu ra cho nhân loại.

3. Không chỉ có chính trị

Các báo Anh đã giải thích nhiều vì sao các lãnh đạo quốc tế yên lặng lạ thường khi xảy ra các cuộc biểu tình ở Hong Kong.
Trang Sunday Times từng trích lời một trong số quan chức Anh tham gia đàm phán trao trả Hong Kong về cho Trung Quốc trong thập niên 1980 cho rằng khi đó, London “đặt cược là Trung Quốc sẽ tự do hóa”.
Nhu cầu 'giữ gìn' nền kinh tế khiến cuộc vận động dân sự Hong Kong bị hạn chế
Nay thì cú đặt cược đó bị coi là “thất bại”.
Nhưng một phần chính giới Anh cũng coi ngay cả trước khi Hong Kong thuộc về chủ quyền Trung Quốc, vùng đất này cũng chỉ là nơi để làm ăn kinh tế hơn là một địa bàn mang tính chính trị.
Hiện nay, các mối làm ăn với Trung Quốc cũng khiến lãnh đạo Pháp, Đức không phát biểu cá nhân ủng hộ cuộc vận động dân chủ ở Hong Kong.
Hoa Kỳ cùng Nhật Bản thì còn đang chuẩn bị cho chuyến thăm của lãnh đạo nước họ tới APEC ở Bắc Kinh tháng 11 này.
Vì dù các chính phủ lên tiếng ủng hộ dân chủ và đối thoại trên nguyên tắc, các nhà lãnh đạo quốc tế đều có vẻ tránh làm mất lòng chủ nhà Trung Quốc.
Mặt khác, nhìn từ Trung Quốc, vai trò của Hong Kong tuy vẫn quan trọng nhưng không còn như xưa.
Trang The Guardian ở Anh nói khi về với Hoa lục năm 1997, Hong Kong đóng góp tới 18% lượng xuất khẩu của cả nước, nhưng nay khi kinh tế Trung Quốc đã lên như vũ bão, tỷ lệ đó chỉ còn 3%.
Hong Kong từng hưởng lợi ở vị thế đặc thù – là khu vực tự do và vận hành theo luật Anh – nhưng nay, với quá trình mở cửa ngày càng mạnh của chính Trung Quốc, lợi thế này cũng bị sút giảm.
Thâm Quyến ngay cạnh Hong Kong đã có thể giành lấy nhiều dịch vụ làm ăn và Thượng Hải cũng có tham vọng trở thành trung tâm tài chính của châu Á.
Và điều các quốc gia Phương Tây không muốn vì Hong Kong mà bỏ mất cơ hội vào thị trường lục địa rộng lớn.

4. Không kiên nhẫn chờ đợi

Một số nhà báo ở London nói đùa với tôi là yêu sách ‘One man, one vote’, mỗi người một lá phiếu, mà giới đấu tranh Hong Kong đòi hỏi hóa ra lại là ‘Một người – ông Tập Cận Bình – quyết định bằng một lá phiếu tối hậu’.
Quả vậy, các yếu tố kể trên dù có tác động mạnh đến đâu cũng không vượt quá được quyết định của ông Tập.
Vấn đề là gần nhau, các đánh giá quốc tế cho rằng quyền lực của ông lên đến đỉnh cao nên cách nhìn của Chủ tịch Tập về khu vực gần Trung Quốc lại trở nên cứng rắn lạ thường.
Theo một bài trên trang The Diplomat, ông Tập Cận Bình sau khi xử lý nội bộ với các nhóm Bạc Hy Lai, Chu Vĩnh Khang và cả một số tướng lĩnh quân đội, đã mạnh tay ra bên ngoài với các quốc gia nhỏ hơn ở Biển Đông, và mất dần cả sự kiên nhẫn với Đài Loan và Tổng thống Mã Anh Cửu.
Lần đầu tiên công khai chào đón một số đảng phái từ Đài Loan thuộc nhóm thần phục Bắc Kinh, ông Tập nhấn mạnh lại nguyên tắc “Một quốc gia, hai chế độ” cho Đài Loan.
Theo tác giả Michael Cole đây cũng có thể là ông Tập đang cảm thấy "mất dần sự kiểm soát" với vùng ngoại vi, từ Tân Cương, Đài Loan cho tới Hong Kong.
Tổng thống Mã Anh Cửu (giữa) nay kêu gọi TQ chấp nhận dân chủ hóa và để Hong Kong cải tổ
Chính vì thế, Hong Kong đang là phép thử với ông Tập Cận Bình và cũng là nơi người Đài Loan quan sát ngày đêm để xem Bắc Kinh quyết định thế nào.
Phản ứng mới nhất là phát biểu của Tổng thống Đài Loan, Mã Anh Cửu hôm 10/10 công khai nói chính Trung Quốc cần "cải tổ dân chủ" theo hệ thống nghị viện, và Bắc Kinh cần đối thoại với phe dân chủ Hong Kong.
Vấn đề là dù ai thay thế ông, kể cả sau cuộc đầu phiếu năm 2017, dư luận vẫn tin rằng ông Tập Cận Bình vẫn là người quyết định cuối cùng cho mọi vấn đề Hong Kong.
Vì thế, câu hỏi với ông Tập là ông sẽ kiên nhẫn theo lời Đặng Tiểu Bình và tuyệt đối tôn trọng cam kết ‘Một quốc gia hai chế độ’ hay đang biến Hong Kong thành xứ ‘một quốc gia một chế độ’.

5. Không giống cả Trung Quốc và Hong Kong

Sự khác biệt đầu tiên đến từ cách báo chí hai nước Trung Quốc và Việt Nam đưa tin về Hong Kong.
Trong một blog trên trang Washington Post 06/10, cây bút Ishaan Tharoor ghi nhận rằng tại Việt Nam, nhiều tờ báo “do Đảng Cộng sản kiểm soát” đã đưa tin nhiều và khá thoải mái về tình hình Hong Kong, kể cả chuyện giới thiệu những gương mặt nổi bật trong phong trào sinh viên học sinh như Joshua Wong, 17 tuổi.
Báo chí và truyền thông ở Việt Nam có cách đưa tin khác nhau về các cuộc xuống đường tại Hong Kong từ hơn 10 ngày đầu.
Trong những ngày đầu, dù VTV, các báo Nhân Dân, Quân đội Nhân dân không đưa tin gì, các tờ báo như Thanh Niên, Tuổi Trẻ, Dân Trí, Người Lao Động...đã chạy tin, bài, phân tích, bình luận khá rộng rãi về chuyện Hong Kong.
Điều này cho thấy một mặt thì môi trường truyền thông Việt Nam thoáng hơn hẳn so với Trung Quốc, mặt khác, các báo đài ở Việt Nam đều phải ‘giành khách’ với các mạng xã hội, nhất là Facebook.
Vì giả sử không báo chính thống hay bán chính thống nào đưa tin, người dân đọc tin trên mạng ở Việt Nam cũng không thiếu tin về chuyện Hong Kong.
Các cuộc thảo luận trên mạng xã hội cũng rộng rãi và không thiếu chiều sâu, và gồm cả thái độ cảm phục ‘văn hóa biểu tình’ sạch sẽ, hòa bình của thanh thiếu niên Hong Kong.
Các vụ ‘xã hội đen’ tấn công sinh viên học sinh ở Mong Kok cũng nhanh chóng bị dân mạng Việt Nam phê phán.
Biểu tình ở Việt Nam mang tính dân tộc chủ nghĩa hơn Hong Kong
Nhưng khác biệt nữa còn đến khi ta nhìn vào các phong trào dân sự ở Việt Nam.
Giới trẻ Hong Kong, từ lứa tuổi 17-20 đã thành công trong việc buộc cả thế giới lắng nghe quan điểm của họ nhờ tạo ra được một phong trào đấu tranh mang tính pháp lý, được tổ chức hòa bình, văn minh và hiện đại về thông tin.
Rộng hơn, cuộc đấu tranh ở Hong Kong này còn đang tạo ra một hình ảnh "người Trung Hoa mới", hiện đạ̣i, giàu nhiệt huyết và dấn thân dân sự, không nặng đầu óc dân tộc Đại Hán, như nhận đị́nh của James Palmer trang The Spectator gần đây.
So với chúng thì các cuộc biểu tình ở Việt Nam không chỉ thường đề cao biểu tượng quốc gia mà còn đông người cao tuổi đi đầu hơn là thanh thiếu niên.
Không chỉ có nhiều nghị trình khác nhau và dàn trải, các đợt vận động ở Việt Nam cũng chưa tạo ra được những hình ảnh, gương mặt khiến thế giới phải chú tâm.
Cũng không lạ vì so với Hong Kong, các cuộc vận động dân chủ hóa ở Việt Nam vẫn còn ở giai đoạn 'tích lũy' để trở thành 'vốn xã hội' (social capital) cho các chuyển đổi tương lai.
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/forum/2014/10/141007_hongkong_impression

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét