Thứ Tư, 15 tháng 10, 2014

Các sai lầm ở Marx

Nguyễn Tiến Dũng

Đăng bởi Trung Lập vào Thứ Tư, ngày 15 tháng 10 năm 2014

Marx đề ra những học thuyết của mình vào thế kỷ 19 nhằm cải thiện thế giới, giúp những người vô sản thoát khỏi cảnh nghèo đói khổ cực. Tuy nhiên, sau hơn một thế kỷ áp dụng, con đường do Marx vạch ra đã thất bại trên thế giới. Thay vì đem lại  dân chủ thì nó đem lại các chế độ độc tài mới, và thay vì đem lại sự phồn vinh thì nó gây ra sự trì trệ, tham nhũng và phá sản của nhiều nền kinh tế, và các nạn đói gây thiệt mạng hàng chục triệu người ở Liên Xô, Trung Quốc, Triều Tiên, v.v.

Ngày nay,  do giáo điều hay do giả dối, ở một vài nơi trên thế giới người ta vẫn bám lấy chủ nghĩa Marx, và những kẻ dám phê bình nó được coi là tà đạo, phản động, trong khi thế giới tiến bộ đã bàn nhiều về các sai lầm của Marx từ lâu nay. Vậy đâu là các sai lầm quan trọng nhất trong các học thuyết của Marx? Ở đây, tôi sẽ thử liệt kê một số sai lầm chính.

1) Duy vật cực đoan.

Hình ảnh Các Mác
Những người duy tâm cực đoan có thể dễ dàng tin vào các chuyện thần thành vô căn cứ thậm chí phản khoa học. Ở một thái cực khác, những người duy vật cực đoan coi mọi tôn giáo là nhảm  nhí, coi linh hồn là vô lý. Mô hình con người của Marx(-Lenin) chỉ còn là “con người xôi thịt”, nặng về vật chất mà nhẹ về tinh thần, mất đi sự thiêng liêng. Từ đây dẫn đến các điểm cực đoan khác, như là coi rẻ sinh mạng, thích bạo lực, dễ giết người, thô thiển hóa mọi mâu thuẫn thành mâu thuẫn quyền lợi vật chất.

2) Định kiến tư bản  bóc lột

Lý thuyết “Tư bản” của Marx giải thích nguyên lý hoạt động của chế độ tư bản thế kỷ 19, nhưng với một định kiến là đã là tư bản tức là bóc lột người lao động. Định kiến đó có thể đúng ở một số nơi trong một số giai đoạn lịch sử nhất định, nhưng coi nó là tiên đề thì là sai. Vì định kiến đó và những định kiến khác, mà Marx đã không thấy được (hay không chấp nhận) nhiều yếu tố đóng góp thiết yếu khác cho sự phát triển kinh tế (ngoài sức lao động của công nông dân), như là quản lý, sáng chế, đầu tư, v.v. Theo quan điểm cực đoạn của Marx, nhà tư bản là xấu xa tham lam, chứ không thể là người tốt, có văn hóa, làm việc từ thiện, cũng có thể là từ vô sản tay trắng làm nên, v.v. Marx không nhận thấy rằng quan hệ giữa công nhân và chủ tư bản không chỉ có mâu thuẫn quyền lợi mà còn là quan hệ có đi có lại phụ thuộc lẫn nhau và có thể tốt cho nhau. Các nhà tư bản sản xuất đồ hàng loạt thì cũng cần phải có người tiêu thụ đồ đó (nên công nhân ở các nước tư bản ngày nay “bị có nhà lầu xe hơi” để chủ bóc lột cho dễ!) , và cũng phải lo cho giáo dục và y tế của tầng lớp lao động thì mới có lao động khỏe mạnh và tay nghề cao có lợi cho họ, chứ không thể “hưởng riêng một mình” như Marx hình dung.

3) Chuyên chính vô học

Do Marx không coi trọng văn hóa và học thức, khả năng quản lý và sáng tạo như là các yêu tố thiết yếu cho nền kinh tế, nên đã lầm tưởng rằng giai cấp vô sản chỉ cần chiếm được công cụ sản xuất là có thể tăng sản lượng một cách nhanh chóng, và đề ra chuyên chính vô sản, mà về bản chất trên thực tế  là chuyên chính vô học, dẫn đến sự lãng phí, trì trệ,  rồi sự xuất hiện tất yếu của một giai cấp bóc lột mới mang danh vô sản.

4) Chủ trương bạo lực

Xuất phát từ các ý tưởng duy vật cực đoan, Marx đề ra chủ trương dùng bạo lực (tịch thu, cưỡng ép, v.v.) để giải quyết mâu thuẫn giữa các tầng lớp xã hội. Bởi vậy, các cuộc cách mạng theo học thuyết của Marx đều có tính bạo lực, giết chóc cướp bóc rất cao.

5) Tiêu diệt tự do

Khi Marx đòi xóa bỏ tư hữu, biết mọi thứ thành “sở hữu quốc gia”, ông muốn xóa bỏ chênh lệch giàu nghèo và hiện tượng người bóc lột người. Nhưng có một điều quan trọng khác mà ông không nhận thấy là, khi người dân bị tước đi mất quyền tư hữu thì cũng bị mất luôn sự tự do, mọi hoạt động đều phải “xin” chính quyền. Khi một chính quyền nắm toàn bộ nền kinh tế trong tay, thì dân cũng trở thành nô lệ của chính quyền đó.

Nguyễn Tiến Dũng

(Blog Zetamu)
http://www.tintuchangngayonline.com/2014/10/nguyen-tien-dung-cac-sai-lam-cua-marx.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét