Chủ Nhật, 26 tháng 10, 2014

Kinh tế Việt nam đã hết động lực phát triển?

Đăng bởi Trung Lập vào Thứ Hai, ngày 27 tháng 10 năm 2014

000_Hkg10110903.jpg
Lối vào khu dân cư mới Times City tại Hà Nội hôm 23 tháng 10 năm 2014.

 Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư Bùi Quang Vinh, người ca ngợi kinh tế thị trường là tinh hoa nhân loại một lần nữa kêu gọi nhà nước thực hiện cải cách. Trong khuôn khổ kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIII, theo VnExpress tại phiên họp Tổ ở Quốc hội ngày 21/10/2014, ông Bùi Quang Vinh khẳng định “đến thời điểm hiện tại nền kinh tế Việt Nam đã hết động lực để phát triển và Việt Nam cần cơ chế, chính sách mới để phát triển.”

Động lực đổi mới

Phát biểu mới nhất của Bộ trưởng Bùi Quang Vinh làm rõ hơn nhu cầu cải cách đổi mới ở Việt Nam. Nhiều chuyên gia cho rằng, nếu Việt Nam muốn tiếp tục phát triển thì sẽ phải thực hiện cuộc đổi mới lần thứ hai trong lịch sử.

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương từ Hà Nội nhận định:

“Theo tôi, công cuộc đổi mới sắp tới đây sẽ khó khăn hơn và đòi hỏi nỗ lực mạnh mẽ hơn của phía lãnh đạo Đảng và Nhà nước vì nó liên quan đến việc phải thay đổi thể chế, bộ máy Nhà nước, chống được tham nhũng, thay đổi được vai trò và chức năng của Nhà nước. Hiện nay, các chuyên gia đều xem xét tính toán thấy rằng Việt Nam đến năm 2020 không thể đạt được mục tiêu cơ bản trở thành một nước công nghiệp hóa theo hướng hiện đại và đấy là một điều lỡ hẹn nữa đối với chính các kế hoạch mà Việt Nam đề ra, điều này, rõ ràng là nền kinh tế VN tăng trưởng dưới tiềm năng và chậm hơn nhiều so với các nền kinh tế trong khu vực.”

Việt Nam thống nhất năm 1976, trong một thập niên tiếp theo nền kinh tế đất nước rơi vào ngõ cụt đe dọa sự tồn vong của chế độ toàn trị. Lúc đó Đảng Cộng sản Việt Nam quyết định tiến hành đổi mới và tạo ra các động lực chưa từng có để vực dậy nền kinh tế. Ông Lê Văn Triết nguyên Bộ trưởng Thương mại phân tích về những động lực để phát triển trong thời kỳ đổi mới 1986-1989.

"Động lực đổi mới là sự chuyển hướng từ nền kinh tế kế hoạch hóa sang kinh tế thị trường, nó mở ra một tiềm năng rất lớn cho nhân dân mà đầu tiên tác động là nông dân. Cho nên mới có chuyện xuất khẩu gạo lần đầu tiên của Việt Nam sau bao nhiêu năm. Từ đó trở đi sự phát triển vươn lên từ nông nghiệp đó, sự đổi mới xóa cấm chợ ngăn sông; xóa vấn đề định giá cố định để mua 4 hào 1kg thóc; rồi ai cũng được quyền tự do lưu thông; hàng hóa lương thực được quyền tự do lưu thông và lúc đó đã xóa bỏ việc nhà nước đứng ra thu mua và định giá thu mua theo giá cố định như cũ. Tất cả những cơ chế tạo lập ra hồi mới đổi mới thì chính là những động lực rất là quan trọng để làm cho nền kinh tế nông nghiệp của Việt Nam lúc đó nó phát triển và từ đó nó kéo dần đi đến nền kinh tế thị trường được mở ra.”

Tuy vậy nguyên Bộ trưởng Lê Văn Triết nhấn mạnh tới việc đổi mới quan hệ đối ngoại mà ông cho là rất quan trọng. Lúc đó cùng với đổi mới kinh tế, Đảng và Nhà nước chủ trương Việt Nam làm bạn với tất cả các quốc gia trên thế giới bên ngoài thị trường truyền thống là các nước Xã hội Chủ nghĩa như Liên Xô, các nước Đông Âu…sự đổi mới đó và thành quả của nó dần dần được thế giới ủng hộ và điều này chính là động lực để phát triển.

Cựu Bộ trưởng Lê Văn Triết nói là ông không có điều kiện để hiểu thật rõ ý nghĩa về điều gọi là động lực phát triển của Việt Nam đã tới hạn, qua phát biểu của Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư Bùi Quang Vinh. Tuy vậy đối với nhu cầu đổi mới đang được đặt ra ông nhận định:

“Việc cần có những đổi mới nữa thì không phải là đến thời điểm này đâu, mà trong quá trình từ lần đổi mới thứ nhất tôi thấy rằng, cần phải rút ra những kết luận, cái gì đúng cái gì sai, cái gì phát triển tốt phù hợp với trong nước, phù hợp với nền kinh tế, phù hợp với lòng dân và phù hợp với bạn bè thế giới thì những cái đó phải phát triển. Trong quá trình vừa qua không thể tránh được có những cái này cái nọ không phù hợp với qui luật phát triển, không phù hợp với sản xuất, với kinh tế ở trong nước và cũng có những cái có khi không phù hợp với bạn bè trên thế giới khi quan sát hay đến làm ăn ở Việt Nam thì đáng lý mình phải ngồi nhìn lại để mà đúc kết rút ra kết luận để phân định cái gì cần phát triển cái gì cần xóa đi. Tôi nghĩ việc nó lâu lâu cần nên làm chứ không phải tới giờ này mới ngồi lại xem có cần đổi mới như lần đầu hay không.”

Cần đổi mới thể chế

Trở lại các ý kiến được Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư Bùi Quang Vinh đưa ra trong buổi họp tổ đoàn đại biểu quốc hội tỉnh Lai Châu hôm 21/10/2014 trong khuôn khổ kỳ họp thứ 8 Quốc hội Khóa XIII, theo VnExpress ông Bộ trưởng nhấn mạnh: “Việt Nam cần đổi mới thể chế để tìm ra những động lực mới. Phải thực hiện tốt 3 đột phá đã được đề ra: Thể chế kinh tế; cơ sở hạ tầng; chất lượng nguồn nhân lực. Những việc này không chỉ làm trong năm 2015 mà phải làm thường xuyên, liên tục mạnh mẽ trong thời gian dài.”

Trong dịp trả lời chúng tôi, Tiến sĩ Kinh tế Phạm Chí Dũng một nhà phản biện độc lập từ Saigon nhận định:

“Điều gì quyết định thể chế, chủ thể và chủ thuyết lợi ích đã chiếm tuyệt đại đa số trong các chi phối về các mối quan hệ xã hội, mối quan hệ kinh doanh và cả các mối quan hệ chính trị ở Việt Nam hiện nay. Cho nên vấn đề anh Nam Nguyên đặt ra cần phải giải quyết thể chế kinh tế, điều đó là đúng thì lại phải cái gốc của nó là vấn đề chính trị. Và không thể giải quyết vấn đề chính trị nếu không giải quyết vấn đề các nhóm lợi ích hiện nay. Cho nên đó là một cái vòng luẩn quẩn, các nhóm lợi ích lại thao túng chính trị, xây dựng chính trị và thậm chí hoàn chỉnh chính trị”

Theo báo chí Việt Nam, tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIII sáng 20/10/2014, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhìn nhận nợ công đang tăng nhanh. Không nêu số liệu cụ thể nhưng người đứng đầu chính phủ khẳng định hiện các tỷ lệ nợ công, nợ Chính phủ và nợ nước ngoài của Việt Nam đều trong giới hạn cho phép. Được biết Việt Nam qui định ngưỡng an toàn về nợ công là không quá 65% GDP. Tuy vậy Bộ Tài chính Việt Nam đưa ra con số tổng nợ công không bao gồm nợ của khối doanh nghiệp nhà nước, hoặc nợ của chính quyền địa phương. Phó Giáo sư Tiến sĩ Ngô Trí Long từ Hà Nội nhận định:

“Hiện nay về cách tính nợ công của Việt Nam và quốc tế có sự vênh nhau, không khớp với nhau. Điều đó có nghĩa nợ của doanh nghiệp nhà nước, nợ của một số chính quyền địa phương hoặc tổ chức thuộc nhà nước được nhà nước không tính vào đó. Trước quốc tế thực chất hiện nay với khối nợ của doanh nghiệp nhà nước cực kỳ lớn thì trong tình hình như vậy mức nợ công không phải là dưới 65%. Thực tế các chuyên gia, các nhà khoa học không phải tổ chức nước ngoài người ta tính toán nợ công trên 100% tức là trên mức báo động rất nhiều. Với tỷ lệ nợ công so với GDP như vậy đồng thời với những khó khăn thách thức cũng như xu hướng nợ công tăng, khả năng chi trả và việc xử dụng không hiệu qủa thì đây là tình trạng đáng báo động. Chính vì vậy cho nên vấn đề này đang được đặt ra trên bàn nghị sự của Quốc hội trong kỳ họp này.”

Cũng trong kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khóa XIII sẽ xem xét nhiều dự án quan trọng trong đó đặt nặng việc hoàn thiện thể chế kinh tế, tổ chức bộ máy nhà nước, quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân, cải cách hành chính, cải cách tư pháp theo tinh thần và nội dung của Hiến pháp 2013.

Không phải là bất ngờ khi Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư kêu gọi đổi mới thể chế kinh tế để tìm ra những động lực mới. Tuy có chút ít hy vọng Việt Nam cải tổ pháp luật cho phù hợp Hiến pháp 2013 sẽ dẫn tới một số cải cách nhất định. Nhưng liệu có thể cải cách thể chế kinh tế mà không cải cách thể chế chính trị hay không? Các chuyên gia luôn thống nhất một điều, cải cách thể chế phải được thực hiện một cách đồng bộ. Sự khẳng định kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa và kinh tế nhà nước là chủ đạo nền kinh tế sẽ vẫn là một chướng ngại không nhỏ cho yêu cầu đổi mới lần nữa ở Việt Nam.  

Nam Nguyên

(RFA)
http://www.tintuchangngayonline.com/2014/10/kinh-te-viet-nam-het-ong-luc-phat-trien.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét