Thứ Sáu, 17 tháng 10, 2014

Từ Fukazawa Yukichi nhìn về Nguyễn Trường Tộ

Nguyễn Cảnh Bình

Nguyễn Cảnh Bình
Dân Luận: Tác giả bài viết này, ông Nguyễn Cảnh Bình, hiện là giám đốc Công ty cổ phần sách Alpha Books, và là người vừa quyết định ra ứng cử đại biểu Quốc Hội khóa tới.
Chia sẻ bài viết này
Có thể nói, ở hai ông Nguyễn Trường Tộ và Fukuzawa Yukichi (Phúc-Trạch Dụ-Cát). Có rất nhiều sự tương đồng về thời đại, về đất nước, về tình hình thế giới bởi cả hai sống cùng trong một giai đoạn lịch sử. Từ thực tế trên, việc so sánh hai nhân vật lịch sử này, đồng thời cũng là những nhà tư tưởng về cải cách, mở cửa có thể mang lại cho chúng ta nhiều điều thú vị.

Những điểm tương đồng

Có thể nói, Fukuzawa Yukichi và Nguyễn Trường Tộ là hai người sinh cùng thời, và cả hai đều học rất giỏi. Điều thú vị nữa là hai người đều sinh ra từ một vùng đất có truyền thống, chứ không không phải ở thủ đô. Hai ông không xuất thân từ gia đình quá giàu có, nhưng cũng không phải ở gia đình quá nghèo.
Hai nước Nhật và Việt Nam ở thời mà các ông sinh sống thì cũng có một vài điểm tương đồng. Thí dụ như hai nước cùng đóng cửa với thế giới, nhưng bắt đầu bị các quốc gia phương Tây nhòm ngó.
Tại Nhật, năm 1853, hạm đội Mỹ xuất hiện gây một cú sốc lớn trên khắp nước Nhật. Anh trai thúc giục Fukuzawa tới Nagasaki học tiếng Hà Lan để nắm vững về súng ống phương Tây. Khi đó, ông mới 23 tuổi. Đến tháng 8-10/1858, Fukuzawa được bổ nhiệm làm người dạy tiếng Hà Lan cho lãnh địa Nakatsu. Tháng 7/1859: Nhật mở cửa ba cảng biển theo các điều khoản của "Hiệp ước hoà bình và hữu nghị", được ký một năm trước đó với Mỹ và một số nước châu Âu.
Ở Việt Nam, năm 1858, Pháp đánh Đà Nẵng. Nguyễn Trường Tộ lúc đó 30 tuổi, Nhà thờ xã Đoài mời ông làm giáo viên dạy chữ Hán. Giám mục Gauthier dạy ông tiếng Pháp và khoa học thường thức phương Tây.
Hai người cùng đi nước ngoài hầu như cùng thời điểm, như vậy cả Nguyễn Trường Tộ và Fukuzawa có điều kiện tiếp xúc Tây học từ sớm, biết tiếng Hà Lan, tiếng Anh, tiếng Pháp. Lại có dịp được ra nước ngoài nên hai ông có điều kiện tiếp xúc trực tiếp với văn minh, với thế giới vật chất và công nghệ của phương Tây, từ đó hình dung trong đầu những hoạt động, những tư tưởng mang tinh thần cải cách.
Đầu năm 1860, trong khuôn khổ các điều khoản của hiệp ước, chính quyền Shogun quyết định phái sứ giả sang Mỹ. Fukuzawa tình nguyện đi theo đoàn sang San Francisco, Mỹ. Từ Mỹ về trong năm đó, ông dịch và xuất bản cuốn sách đầu tay “Kaeitsugo”. Khoảng ba năm đầu sau đó, Fukuzawa chỉ chuyên tâm học hành và viết cuốn sách đầu tiên.
Trong những năm 1861-1863, ông sang châu Âu theo đoàn đàm phán mở thêm cảng biển và điều chỉnh tỷ giá hối đoái. Ông đến các nước như Pháp, Anh, Hà Lan, Đức, Nga và Bồ Đào Nha. Trong vai trò phiên dịch, Fukuzawa quan sát được rất nhiều điều mới mẻ và các thể chế tổ chức như bệnh viện, kho vũ khí, hầm mỏ, trường học. Dựa vào những điều chứng kiến trong chuyến đi, Fukuzawa xuất bản tập đầu tiên của tác phẩm Thực trạng phương Tây (Seiyo jijo). Tác phẩm này của ông được bán chạy nhất lúc bấy giờ. Đến năm 1866, ông hoãn việc viết tiếp tập hai cuốn Thực trạng phương Tây để giành thời gian dịch cuốn Kinh tế chính trị của J. H. Burton. Trong cuốn sách xuất bản năm 1867, ông thảo luận về “những cột trụ chính yếu” và mạng lưới xã hội vô hình thiết lập nên xã hội văn minh. Sau đó, ông tiến hành dịch các tác phẩm quan trọng của Anh cho người Nhật đọc, học tập và tiếp thu.
Còn ở Việt Nam, những năm 1859-1860, Nguyễn Trường Tộ được giám mục Gauthier đưa qua Hương Cảng, Singapore, Thụy Sĩ. Trên đường đi ông có ghé Roma yết kiến Giáo hoàng rồi cuối cùng sang Paris theo học trong gần 2 năm.
Vào năm 1861, khi Đại đồn Kỳ Hoà thất thủ, ông nhận làm phiên dịch cho Pháp với mong muốn góp phần mình cho sự hoà hoãn hai bên. Ông viết thư gửi triều đình trong đó nêu ý kiến là nên hoà với Pháp. Sau đó, ông viết bản điều trần đầu tiên. Đến quãng năm 1862-1863, ông thôi không làm phiên dịch nữa vì thất bại trong việc điều đình. Thời gian này, ông tham gia xây cất tu viện ở Sài Gòn và dồn tâm trí soạn kế hoạch giúp phát triển đất nước. Vào tháng 3/1863, ông gửi triều đình văn bản “Bàn về tình thế lớn trong thiên hạ”. Tiếp đó, ngày 29/3/1863, ông gửi bản Trần tình. Một năm sau đó, ông gửi triều đình văn bản “Kế hoạch duy trì hoà ước mới”, và “Kế hoạch làm cho dân giàu nước mạnh”. Tất cả là những bản điều trần!

Và những khác biệt

Nhưng đáng tiếc thay, nếu so sánh với Fukuzawa, Nguyễn Trường Tộ có nhiều nhược điểm, thiếu sót. Điểm mấu chốt làm nên sự khác biệt giữa công cuộc Duy Tân Minh Trị ở Nhật và thời kỳ trì trệ của Tự Đức ở Việt Nam có lẽ cũng bắt nguồn từ chính sự khác biệt về lối tư duy và hành động của hai nhà trí thức đại diện này.
Năm 1867, Fukuzawa lại sang Mỹ, tới Washington và New York với nhiệm vụ thương lượng mua tàu chiến của chính phủ Mỹ. Nhưng mục đích chính của Fukuzawa là tìm mua sách cho các sinh viên và ông đã mua sách bằng tất cả số tiền mà ông có. Về nước, Fukuzawa mở trường KEIO. Chỉ trong năm đó (1867), số học sinh của trường đã lên đến 100. Thời gian này, ông chủ yếu đọc, viết sách và giảng dạy. Những cuốn sách miêu tả cuộc sống phương Tây của ông rất được người dân Nhật Bản yêu thích, điều đó cho thấy sự quan tâm của người dân đối với thế giới bên ngoài.
Với kinh nghiệm học được từ người phương Tây qua sách vở và những chuyến thị sát, ông đã nhiệt huyết truyền bá những tư tưởng tiến bộ bằng mọi cách có thể. Ông đã tách mình ra khỏi biến động chính trị cuối thời Mạc phủ Edo, thầm lặng dịch và viết sách.
Ngày 4/7/1868, cuộc nội chiến giữa hai phe cải cách và bảo thủ ở Nhật Bản bùng nổ. Fukuzawa đã nói với học sinh, lúc bấy giờ chỉ còn 18 người: “Cho dù có bất kỳ điều gì xảy ra, cho dù cuộc chiến tranh tàn phá đất nước ta như thế nào, chúng ta sẽ không bao giờ từ bỏ kiến thức của phương Tây. Chừng nào ngôi trường này còn đứng vững, Nhật Bản vẫn sẽ là quốc gia văn minh trên thế giới”.
Sau năm 1868, Fukuzawa dành hết thời gian, sức lực cho công việc giảng dạy ở Keio và giúp lập thêm nhiều trường học mới. Ông cũng dịch và viết thêm nhiều sách về phương Tây, viết những sách giáo khoa cơ bản về rất nhiều lĩnh vực như vật lý, địa lý, nghệ thuật quân sự, nghị viện Anh, các mối quan hệ quốc tế. Sau đó, vào năm 1876, Fukuzawa xuất bản cuốn Khuyến học, tác phẩm nổi tiếng nhất. Ông thúc giục người Nhật học đọc, học viết, học những phép toán và bàn tính, cách để sử dụng khối lượng và dụng cụ đo đạc, rồi tiếp đến là học những lĩnh vực khoa học khác như địa lý, vật lý, lịch sử, kinh tế và đạo đức. Lúc này, ông 41 tuổi.
Về Nguyễn Trường Tộ, những công việc thì vẫn như vậy. Năm 1865, ông gửi triều đình văn bản “Về việc mua thuyền và đóng thuyền máy”. Vào đầu năm 1866, khi được mời đến Huế, ông tiếp tục gửi văn bản “Kế hoạch khai thác tài nguyên đất nước”. Đến tháng 4/1866: ông thảo thư Tây Soái có châu phê của Vua. Đây vẫn là một bản điều trần và gửi thư cho Vua. Tháng 8/1866, Nguyễn Trường Tộ cùng giám mục Gauthier đến Huế, chuẩn bị đi Pháp, được vua Tự Đức tiếp kiến.
Từ tháng 9 đến hết năm 1866, ông tiếp tục gửi văn bản và thư tới triều đình, cụ thể như văn bản “về việc học thực dụng” và “Phải tạm thời dựa vào Pháp” và những bức thư về vấn đề khác nhau. Vào năm 1867,ông cùng một số quan chức đáp tàu đi Pháp. Tháng 3 năm đó, ông tới Paris. Rồi đến ngày 15/11/1867, ông soạn văn bản “Tế cấp bát điều”. Tháng 2/1868, về tới Huế, ông được vua Tự Đức tặng thưởng. Tháng 3 năm sau đó, Nguyễn Trường Tộ viết: “Tổ chức gấp việc khai mỏ”.Trong các tháng 3-5/1868, ông viết nhiều văn bản thúc giục triều đình cử người đi Pháp học
Tiếp tục như vậy, suốt năm 1871, Nguyễn Trường Tộ viết rất nhiều văn bản đề xuất việc thông thương với Pháp như “Chỉnh đốn quân đội và quốc phòng”, “Canh tân và mở rộng quan hệ ngoại giao”, “Về chính sách nông nghiệp”; “nên mở cửa chứ không nên khép kín”. Rất tiếc, ngày 24/11/1871, Nguyễn Trường Tộ mất ở quê, hưởng thọ 41 tuổi. Nguyễn Trường Tộ mất sớm nhưng tôi tin rằng, dù ông còn sống, ông sẽ vẫn không làm gì khác hơn ngoài việc viết tấu trình.
Nguyễn Trường Tộ đã liên tiếp gửi lên triều đình Huế 30 bản điều trần đề xuất canh tân, xây dựng đất nước giàu mạnh và gần sáu chục bản điều trần khác đề cập đủ mọi lĩnh vực.
Tôi không nghĩ rằng ở thời đại Nguyễn Trường Tộ, việc mở trường có quá nhiều khó khăn. Việc dịch sách, ngược lại thì rất khó vì lúc đó hầu như chúng ta chỉ sử dụng tiếng Hán và phụ thuộc nhiều vào sách dịch của người Trung Quốc. Tại Trung Quốc, mãi đến những năm 1903, Lương Khải Siêu và Khang Hữu Vi mới ồ ạt triển khai dịch sách của phương Tây cho người Trung Quốc, điều này cho thấy Nguyễn Trường Tộ khó lòng làm được việc này ở Việt Nam thời điểm đó.
Còn Fukuzawa thì vào năm 1875 xuất bản cuốn "Văn minh khái luận" ra đời, nhằm thuyết phục trí thức Nhật Bản chấp nhận quá trình hiện đại hoá. Ngày 1/3/1882, Fukuzawa tự mình xuất bản tờ Jiji-shimpo. Trước đó, Fukuzawa muốn mở một tờ báo nhằm thúc đẩy việc sớm thiết lập Nghị viện nhưng kế hoạch này đã bị gác lại vì sự chia rẽ nội bộ. Năm 1885, Fukuzawa viết bài báo gây rất nhiều tranh cãi Datsu - a - ron [Thoát Á Luận], kêu gọi Nhật Bản hãy học theo phương Tây và nhanh chóng hiện đại hóa…

Đánh giá của hậu thế

Lịch sử biết đến Fukuzawa Yukichi như một nhà cải cách chính trị xã hội, nhà giáo dục tiên phong, nhà tư tưởng tiêu biểu của Nhật Bản từ cuối thời Edo, đầu thời Minh Trị, thời kỳ diễn ra những chuyển biến lớn lao trong lịch sử Nhật Bản. Tư tưởng của ông có ảnh hưởng rất lớn tới phong trào Khai sáng ở Nhật Bản vào cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, tạo tiền đề cho Nhật Bản trở thành một cường quốc trên thế giới. Lòng biết ơn của người Nhật đối với Fukuzawa được thể hiện qua việc in hình ông trên tờ tiền 10.000 yen, dù ông không phải là một đấng quân vương hay võ tướng lỗi lạc của đất nước Mặt trời mọc.
Fukuzawa để lại ngôi trường Keio mà ngày nay là Đại học Keio (hiện trường Keio hệ chính thức có khoảng 28.000 sinh viên và 5.000 nghiên cứu sinh). Ông cũng để lại hàng chục cuốn sách dịch và nhiều sách do ông viết. Ông được coi là người khởi xướng cho việc dịch sách ở Nhật Bản, mang lại tác động to lớn cho xã hội Nhật Bản.
Còn đối với Nguyễn Trường Tộ, theo nhiều học giả và công chúng, các bản điều trần của ông nếu được áp dụng là một sách lược lớn biến Việt Nam thành một nước hùng cường, tạo nên chuyển biến quan trọng trong lịch sử giữ nước của dân tộc Việt Nam.
Học giả Lê Thước phê bình công nghiệp bình sinh của ông: "Nguyễn Trường Tộ là nhà khoa học, nhà chính trị và cũng là nhà tân học nước ta xưa. Tư tưởng và kiến thức của tiên sinh hơn người đồng thời muôn nghìn".
Tên của ông được đặt cho nhiều trường học và đường phố tại Việt Nam, nhưng chưa có đồng tiền nào mang hình ông mặc dầu ông cũng được coi là nhà tư tưởng tiến bộ, có tinh thần cách tân. Nguyễn Trường Tộ thường được trí thức Việt Nam coi là hình mẫu thất bại trong mong ước hiện đại hóa Việt Nam vào thế kỷ 19. Nhiều người cũng coi ông như bài học để chỉ ra sai trái của triều đình mà quên đi những sai lầm của chính ông.

Tư tưởng tiền nhân để lại

Fukuzawa tin rằng giáo dục là cách duy nhất để đạt tới văn minh, bởi bản chất của văn minh là sự phát triển kiến thức và đạo đức nội tại của dân tộc:
"Văn minh có nghĩa là đạt được cả những tiện nghi vật chất lẫn sự nâng cao tinh thần của con người. Nhưng cái tạo ra những tiện nghi vật chất và nâng cao tinh thần của con người là kiến thức và đạo đức, [do đó] bản chất của văn minh chính là quá trình phát triển kiến thức và đạo đức con người."
Fukuzawa là người đưa ra nguyên tắc nổi tiếng: "Độc lập quốc gia thông qua độc lập cá nhân", tức là một xã hội muốn phát triển phải dựa trên những cá nhân có khả năng tư duy độc lập và sáng tạo, chứ không phải dựa vào Chính phủ. Ông kêu gọi các sĩ phu Nhật Bản làm việc theo phương châm "coi trọng quốc gia và coi nhẹ chính phủ", tự tin vào sức mạnh cá nhân mà không phụ thuộc vào sức mạnh của người khác.
Tháng 5 năm 1863, Nguyễn Trường Tộ soạn xong ba văn bản để gửi lên Triều đình Huế: bản thứ nhất là Tế cấp luận, bản thứ hai là Giáo môn luận, bản thứ ba là Thiên hạ phân hợp đại thế luận. Trong ba bản đó, bản Tế cấp luận là văn bản quan trọng nhất. Nội dung của bản này đề cập đến việc canh tân và phát triển đất nước. Với Tế cấp luận ông đã khẳng định: "Tế cấp luận thâu tóm trí khôn của thiên hạ 500 năm nay... Bài Tế cấp luận của tôi nếu đem ra thực hành hàng trăm năm cũng chưa hết".
Trong giáo dục, ông phản đối lối học tầm chương trích cú, đóng cửa khư khư giữ lấy cái sự học lỗi thời chỉ cốt có học vị bằng cấp. Ông chủ trương học để thực hành. Ngay cả bản thân, ông không hề đề tên ứng thí một khoa nào, không hề có bằng cấp gì nhưng kiến thức của ông sâu rộng mang tầm bách khoa, uyên thâm trong nhiều lĩnh vực.
Theo ông cần phải đưa vào chương trình giáo dục những tri thức về nông nghiệp, địa lý, thiên văn, công nghệ, luật pháp, nghĩa là những gì xã hội, cuộc sống hiện đại thực sự cần tới trước mắt và lâu đài, chứ không phải dùi mài tứ thư ngũ kinh với những giáo huấn xa vời của Khổng Mạnh. Ông cũng sớm đề xuất soạn Tự điển cho người học, nghiên cứu Hán học, Tây học.
Dường như toàn bộ sự nghiệp, tư tưởng của Nguyễn Trường Tộ chỉ gói gọn trong mấy từ viết điều trần. Không thể đếm được ông đã viết bao nhiêu bản điều trần trong cuộc đời ngắn ngủi của ông, và dù những bản điều trần này được rất nhiều trí thức Việt Nam hiện đại ca ngợi là tư tưởng lớn thì cũng chỉ dừng lại ở mức độ đề xuất, chứ không phải là bắt tay vào làm (thực hiện).
Trong khi đó, Fukuzawa đã dịch và viết nhiều sách, mở trường dạy học, lập báo, hợp tác và hướng dẫn các trí thức quốc gia láng giềng. Fukuzawa có gửi điều trần lên Thiên Hoàng nhưng không nhiều và không phải là hành động chính yếu của ông. Có thể khi đó, Minh Trị đã là một nhà vua anh minh nhưng ở Fukuzawa, tư duy là hành động. Điều quan trọng hơn nữa, đó là Fukuzawa hướng những đề xuất, ý tưởng, giải pháp của mình vào đông đảo người dân và trí thức Nhật Bản. Ông truyền tinh thần canh tân của mình cho hàng nghìn sinh viên theo hoc ở Keio, cho hàng triệu người Nhật qua các cuốn sách ông dịch, và qua những bài báo gây nhiều tranh cãi…
Qua bài học thành công và thất bại của Fukuzawa Yukichi và Nguyễn Trường Tộ có thể tìm ra được cách hành xử thích đáng hơn của trí thức Việt Nam trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.
Nguồn: Tạp chí Tia sáng điện tử,
đăng ngày 23/6/2010, truy cập gần nhất ngày 13/3/2011
Admin gửi hôm Thứ Ba, 22/03/2011
Bạn đánh giá bài viết này thế nào?
Ai nuôi Nhà nước?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét