Chủ Nhật, 25 tháng 11, 2012

GHI CHÉP TRIẾT HỌC VỀ SỰ TƯƠNG ĐỒNG TỰ NHIÊN GIỮA NHO GIÁO VỚI CHỦ NGHĨA MARX

Khổng Tử (551 - 479 Trước Công nguyên)
Theo Hán tự, chữ “Nho” () được tạo thành bởi chữ “Nhân” (, tức là Người) ghép với chữ “Nhu” (, tức là Cần thiết hoặc Nhu cầu). Chuyển dịch đầy đủ, “Nho” có nghĩa là người cần thiết cho việc gì đó hoặc người cần được dùng vào việc nào đó. Từ đó suy ra rằng, “Nho” có nghĩa là con người công cụ hoặc con người được dùng làm phương tiện (cho người khác sử dụng). Quả thật, thực tế xã hội đã chứng thực rằng, nho sỹ (hoặc “nhà nho” theo Việt ngữ) chẳng qua chỉ là người cần thiết để các vua chúa trị nước mà thôi, tức là tầng lớp được đào tạo để làm tay sai hoặc đầu sai cho vua chúa cai trị tất cả các tầng lớp dưới (vì tầng lớp này “có học” hoặc chỉ làm việc bằng đầu óc nên nói “đầu sai” sẽ chính xác hơn nói “tay sai”). Vậy Nho giáo (儒 教 hoặc Confucianism theo Anh văn) chính là một hệ tư tưởng vong thân, tức là cái hệ tư tưởng làm cho người ta bị mất mình, cũng như Chủ nghĩa Marx quan niệm sai lạc về cái tất yếu khách quan làm cho người ta bị mất mình.
Được áp dụng vào thực tế, Nho giáo sẽ chỉ tạo ra Nho sỹ, tức là trở thành công cụ tư tưởng được dùng để tạo ra những kẻ thừa hành hoặc những kẻ chỉ biết tuân theo mệnh lệnh được đưa ra bởi người khác (Vua chúa hoặc Đảng Toàn trị, v. v.) mà không thể tạo ra được những con người tự do. Khai triển đến cực điểm, Nho giáo sẽ bộc lộ đầy đủ tính chất chuyên chế vốn có tự thân, thể hiện qua cái niềm tin hết sức độc đoán: “Quân xử, Thần tử; Thần bất tử bất trung. Phụ xử, Tử vong; Tử bất vong bất hiếu. Phu xướng, Phụ tuỳ”! Đó chính là lý do nội tại đã giải thích được tại sao Nho giáo dễ dàng được lấy làm nền tảng tư tưởng (hệ tư tưởng chính chống) cho các nền chuyên chế hết sức nghiệt ngã ở một số nước thuộc Đông Á châu mà điển hình nhất thuộc về nước Tàu, các nền chuyên chế này lại làm cho các nho sỹ tranh nhau làm tên đầy tớ hạng nhất cho Vua chúa hoặc các nhà cầm quyền chuyên chế rồi đẩy các nho sỹ vào các cuộc đấu đá chí chết với nhau trong cuộc tranh giành đó khiến họ phải dùng các thủ đoạn thâm độc nhất để triệt hạ lẫn nhau. Chính vì thế nên người ta thường nói: “thâm nho” hoặc “thâm như nho”!
Vốn có tính chất vong thân ngay từ nội tại, Nho giáo làm tê liệt hoàn toàn khả năng nhận thức khiến khả năng đó bị giam hãm chặt chẽ vào cấp độ cảm tính với não trạng đầy định kiến thâm căn cố đế về cả ngoại giới lẫn bản thân mà không thể đạt tới cấp độ lý tính, tức là Nho giáo không cho phép người này hiểu biết về người khác đồng thời lại càng không cho phép người ta hiểu biết về chính mình. Quả thật, hễ thấy xảy ra khủng hoảng chính trị với vô số tai hoạ khủng khiếp, nho sỹ làm cho người ta lập tức đổ lỗi cho nhà cầm quyền đã không thực hiện đúng đắn Nho giáo mà không đổ lỗi cho chính Nho giáo, tức là người ta chỉ thấy thực hiện sai lầm mà không hề thấy tư tưởng sai lầm, người này chỉ biết tố giác người khác mà không biết tố giác chính mình. Đó là bi kịch triền miên kéo dài từ thế hệ này sang thế hệ khác ở các dân tộc bị nhiễm nặng Nho giáo hoặc các nước chuyên chế lấy Nho giáo làm hệ tư tưởng chính thống. Đây cũng là lý do sâu xa đã giải thích được tại sao các dân tộc đó (hoặc các nước đó) thường phải trả giá rất đắt khi thay đổi chế độ chính trị từ chính thể chuyên chế lên chính thể dân chủ: Nhật bản bị ném hai quả bom nguyên tử khiến nhiều người thiệt mạng hoặc bị tổn thương, hoặc Triều tiên phải trải qua một cuộc nội chiến tàn khốc từ năm 1950 đến năm 1953 mà chỉ Nam Triều tiên mới thiết lập được chế độ dân chủ, cả nước Tàu lẫn Việt nam còn bi đát hơn: Việt nam bị mất khoảng chục triệu người trong cuộc nội chiến tương tàn từ năm 1959 đến năm 1975 mà vẫn chưa được thụ hưởng tự do, nước Tàu bị mất mát nhiều hơn nhưng xem ra cũng chẳng hơn gì Việt nam.

Căn cứ vào đó, ta có thể kết luận Nho giáo không phải là một tôn giáo đơn thuần mà là một hệ tư tưởng vong thân về nhân loại. Bị chìm sâu vào hệ tư tưởng đó, người ta rất khó (nếu không muốn nói không thể) tiếp nhận được các tư tưởng lành mạnh. Việc truy bức tàn tệ Chúa giáo (Christianity) có thể là một thí dụ điển hình nhất đã chứng minh cho sự thể đó. Nhưng ngược lại, Nho giáo làm cho người ta rất dễ dàng tiếp nhận các tư tưởng mê lầm khác. Việc tiếp nhận có phần dễ dãi Chủ nghĩa Marx rất có thể là thí dụ sinh động nhất nói lên sự thể này.
Karl H. Marx (1818 - 1883)
Chủ nghĩa Marx (Marxism) quan niệm rằng cái tất yếu khách quan là cái tất yếu tồn tại độc lập với hoạt động nhận thức hoặc không phụ thuộc vào hoạt động nhận thức. Quan niệm này cho phép người ta có thể biện minh cho mọi tội ác được gây nên bởi chính mình, rằng mọi sự kiện (cũng như mọi tội ác) đều tuân theo cái tất yếu độc lập với hoạt động nhận thức hoặc không phụ thuộc vào hoạt động nhận thức dù hoạt động đó có như thế nào cũng không thể tránh khỏi gây nên tội ác hoặc không thể thay đổi được cái tất yếu khách quan. Vậy Chủ nghĩa Marx cũng là một hệ tư tưởng vong thân hoặc cái hệ tư tưởng làm cho người ta bị nô lệ vào cái tất yếu tồn tại độc lập với hoạt động nhận thức hoặc không phụ thuộc vào hoạt động đó, tức là cái tất yếu mù quáng. Không có gì đáng ngạc nhiên khi thấy những người cộng sản đích thực tỏ ra hết sức thản nhiên biện bạch cùn quỵt cho những tội ác tày trời được gây nên bởi chính họ nhân danh cái tất yếu lịch sử vốn hết sức mù mờ thường được viện dẫn từ các tác phẩm lý luận được xây dựng công phu bởi cả K. Marx lẫn F. Engels! Đó cũng chính là lý do nội tại rất logic đã giải thích được tại sao Chủ nghĩa Marx lại trở thành nền tảng tư tưởng cho các chế độ độc tài cộng sản vốn có tác dụng tai ác vượt xa mọi chế độ độc tài khác. Nhìn lại những sự kiện đẫm máu, như Cách mạng Văn hoá, v. v., ở nước Tàu hoặc Cải cách Điền địa, Nhân văn Giai phẩm, Xét lại Chống Đảng, Nội chiến 1959 – 1975, Cải tạo Tư sản, v. v., ở Việt nam, bất cứ người nào có lương tri cũng hiểu được rằng các sự kiện đó cũng có nguyên nhân sâu xa trong đời sống tinh thần hoặc có vô số khả năng rất hiện thực để né tránh được các sự kiện đó nhưng những người cộng sản đích thực lại thản nhiên cho rằng đấytất yếu lịch sử, rằng vì tất yếu lịch sử nên không thể tránh được, rằng những người đưa ra mệnh lệnh cũng như những kẻ thi hành mệnh lệnh đều chỉ thực hiện cái tất yếu đó mà thôi (!)
Tuy nhiên, toàn bộ khoa học từ đầu thế kỷ XX đến nay đã quan niệm hoàn toàn khác về cái tất yếu khách quan, rằng các quy luật được xác lập bởi khoa học luôn luôn bị quy định một phần bởi chính hành vi quan sát, hoặc cái tất yếu khách quan chỉ tồn tại thông qua hoạt động nhận thức đồng thời chỉ được xác nhận phổ quát bởi chính hoạt động đó. Chẳng hạn, muốn nhìn thấy một electron, nhà quan sát phải soi sáng electron bằng một tia sáng; nhưng khi được dùng để soi sáng electron, tia sáng lại truyền một phần năng lượng từ nó sang electron làm cho electron phải thay đổi quỹ đạo chuyển động từ quỹ đạo vốn có sang một quỹ đạo khác được gọi là quỹ đạo thấy được, tức là quỹ đạo thấy được hoàn toàn khác hẳn quỹ đạo vốn có; sự thay đổi này làm cho nhà quan sát chỉ có thể nhìn thấy được quỹ đạo khác mà không thể nhìn thấy được quỹ đạo vốn có; quỹ đạo vốn có như thế nào, người ta không thể biết được mà chỉ có thể đặt để niềm tin vào đó thôi; trái lại, người ta chỉ có thể biết được quỹ đạo khác, quỹ đạo này chỉ được xác lập bởi hành vi quan sát mà không phải tồn tại tự thân, tức là quỹ đạo này không tồn tại tự thân hoàn toàn mà được quy định một phần bởi chính hành vi quan sát vốn thuộc về hoạt động nhận thức. Từ đó người ta rút ra được một kết luận triết học cho rằng cái tất yếu khách quan luôn luôn bị quy định một phần bởi hoạt động nhận thức đồng thời phải có giá trị phổ quát hoặc phải có giá trị như nhau đối với mọi người, theo đó cái gì đúng với một người cũng phải đúng với mọi người hoặc cái gì sai với một người cũng phải sai với mọi người, tức là nếu cái gì đúng với người này mà lại sai với người khác thì cái đó tuyệt đối không thể khách quan. Từ kết luận đó, người ta lại rút ra được một nguyên tắc xử sự rất quan trọng đối với mọi người, theo đó mỗi người phải chịu trách nhiệm với mọi hệ quả được gây nên bởi chính mình. Nguyên tắc này làm cho nhân loại phải có sự hiểu biết về chính mình mới có thể né tránh được sai lầm; sự hiểu biết về chính mình lại làm cho nhân loại được tự do, đối lập hẳn với cả Nho giáo lẫn Chủ nghĩa Marx vốn làm cho nhân loại bị mất mình hoặc bị nô lệ vào cái tất yếu mù quáng như đã nói ở trên kia!
Nhiều người đã biết được Chủ nghĩa Marx cực kỳ phản động về mặt chính trị thể hiện lộ liễu qua cả cách mạng bạo lực lẫn chuyên chính vô sản, nhưng rất ít người hoặc thậm chí chẳng mấy ai biết được Chủ nghĩa Marx cũng cực kỳ sai lầm về mặt khoa học thể hiện ẩn ngầm qua cái quan niệm độc hại cùng cực về cái tất yếu khách quan.
Ngoài sự tương đồng nói trên, giữa Nho giáo với Chủ nghĩa Marx còn có ít nhất một sự tương đồng nữa, đó là thái độ bất dung. Do muốn bao quát mọi thứ để trở thành tư tưởng phổ quát nhưng lại chứa đầy mâu thuẫn đối kháng ngay từ nội tại rồi nhờ đó mà chỉ có thể làm nền tảng tư tưởng cho chính thể chuyên chế nên cả hai hệ tư tưởng này đều phủ nhận hoặc không chấp nhận các tư tưởng khác đồng thời cũng không chấp nhận lẫn nhau, hoặc thậm chí còn biện minh cho việc truy bức các ý kiến khác biệt đồng thời cũng truy bức lẫn nhau bằng bạo lực, cả hai hệ tư tưởng này đều rất hung bạo. Tuy nhiên, do có sự tương đồng nội tại như vậy nên hai cái hệ tư tưởng này lại có thể thay thế lẫn nhau để cùng nhau bảo tồn chính thể chuyên chế, sự xung đột giữa Nho giáo với Chủ nghĩa Marx xảy ra ở cả nước Tàu lẫn Việt nam vào khoảng đầu thế kỷ XX cũng như việc khôi phục Nho giáo ở nước Tàu vào đầu thế kỷ XXI đã chứng tỏ rõ ràng sự tương đồng nói trên.
Với phẩm chất đặc thù hết sức tư biện, Chủ nghĩa Marx rất khó hiểu đối với nhiều người nhưng lại được tiếp nhận dễ dãi bởi tuyệt đại số dân chúng ở Việt nam. Nghịch lý này làm cho họ ngộ nhận mình rất thông minh đến nỗi làm hại lẫn nhau mà vẫn cứ nghĩ hoặc tin mình rất anh hùng để rồi từ vốn dĩ đã bảo thủ lại càng bảo thủ hơn nữa. Tuy nhiên, ngộ nhận luôn luôn chỉ là ngộ nhận. Thật ra, họ không hiểu được đúng đắn về cái hệ tư tưởng này, nếu hiểu được đúng đắn về cái hệ tư tưởng này thì họ sẽ không tiếp nhận mà sẽ tránh xa nó như người ta tránh xa bệnh hủi vậy. Chẳng qua họ đã có sẵn Nho giáo trong đầu óc khi tiếp nhận Chủ nghĩa Marx vốn tương đồng tự nhiên với Nho giáo khiến họ hiểu sai về Chủ nghĩa Marx với niềm tin ngây thơ rằng Chủ nghĩa Marx vừa khoa học vừa cách mạng. Do tương đồng tự nhiên với Nho giáo nên Chủ nghĩa Marx đã không xóa bỏ chính thể chuyên chế mà chỉ thay đổi hình thức bề ngoài cho chính thể đó: thay thế nền Chuyên chế Nho giáo bằng nền Chuyên chế Marxist (nền Độc tài Cộng sản) vốn tai ác hơn nhiều so với nền Chuyên chế Nho giáo. Chủ nghĩa Marx đã không xóa bỏ Vuachỉ thay thế Vua Cá thể bằng Vua Tập thể. Vua Tập thể còn đáng sợ hơn nhiều so với Vua Cá thể.
Chính sự tương đồng tự nhiên giữa Nho giáo với Chủ nghĩa Marx đã giải thích được tại sao chính thể chuyên chế có thể tồn tại dai dẳng ở các nước bị nhiễm nặng cả hai hệ tư tưởng đó, như nước Tàu chẳng hạn, v. v.. Cũng chính sự tương đồng đó đã làm cho công cuộc dân chủ hoá xã hội ở các nước đó gặp nhiều khó khăn gấp bội: không chỉ đương đầu với Nho giáo mà còn phải đương đầu với cả Chủ nghĩa Marx nữa. Muốn đạt được kết quả thành công, phong trào dân chủ ở các nước đó phải chiến thắng cả Nho giáo lẫn Chủ nghĩa Marx. Ở Việt nam vào đầu thế kỷ XX, phong trào dân chủ chỉ có một kẻ thù tư tưởng, đó là Nho giáo. Nhưng ở Việt nam vào đầu thế kỷ XXI, phong trào dân chủ lại có ít nhất hai kẻ thù tư tưởng: ngoài Nho giáo còn có Chủ nghĩa Marx. Nước Tàu cũng ở vào tình thế tương tự.

Vậy nếu Việt nam thật sự có một tầng lớp trí thức (?) thì tầng lớp này sẽ phải giải thoát dân tộc Việt nam khỏi cái xiềng xích tư tưởng được thiết lập chắc chắn bởi cả Nho giáo lẫn Chủ nghĩa Marx! Nhưng tiếc rằng hình như Việt nam vẫn chỉ có tầng lớp nho sỹ hiện đại biểu hiện thành “trí thức xã hội chủ nghĩa” mà thôi, tầng lớp này hầu như chỉ bao gồm những kẻ được đào tạo để làm công chức y hệt như nho sỹ ngày xưa vậy, cũng được gọi là người có học nhưng loại người này chỉ học vẹt mà thôi. Trí thức thật sự may mắn lắm cũng chỉ có vài ba mống nhưng luôn luôn phải đối mặt với nguy cơ bị giam cầm hoặc thậm chí bị hạ sát!

J. B. Hàvăn Huytoàn
(Viêt vào Tháng Năm 2010)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét