Nguyễn Trung Chính
Góp ý hay phản biện
Không phải ngẫu nhiên mà đề nghị sửa đổi Hiến pháp 1992 được nhiều giới phản biện – rõ ràng là phản biện chứ không phải góp ý. Lần đầu tiên từ khi “Đảng được “lịch sử (?)” giao cho nhiệm vụ lãnh đạo đất nước và dân tộc”, Bản kiến nghị bảy điểm, tập trung một số vấn đề quan trọng, với nhiều đề xuất cụ thể do 72 người đề xướng đã được hơn 5.000 người ký tên ủng hộ, trong đó, cũng là lần đầu tiên, có đủ mọi thành phần, từ nông dân, công nhân, cựu quân nhân hai miền, sinh viên học sinh, trí thức trong cũng như ngoài nước.
Ông Bùi Đức Lại, nguyên là chuyên gia cao cấp Ban Tổ chức Trung ương, người có một số bài viết thường đăng trên các báo chính thống, nhưng đến bài “Sửa đổi Hiến pháp: Mấy điều nghĩ ngợi“ thì không báo chính thống nào dám đăng nên phải gửi đăng trên các “phương tiện thông tin đại chúng” (Cùng viết Hiến pháp). Trong bài báo này ông viết: “lãnh đạo Đảng nhìn tổng thể, thì tư duy vẫn lạc hậu khá xa so với thực tiễn đất nước và thế giới. Chịu ảnh hưởng của tư duy cũ và bị ám ảnh về nguy cơ “mất ổn định” nên trong việc sửa Hiến pháp lần này có vẻ khuynh hướng bảo thủ vẫn chiếm ưu thế. Biểu hiện của nó là chỉ muốn sửa Hiến pháp một cách “nhẹ nhàng”, né tránh động chạm đến những vấn đề cơ bản. Trong khi đó, nhiều ý kiến đóng góp tâm huyết, xác đáng, nhưng khác với Dự thảo bị tiếp nhận một cách lạnh nhạt, nếu không nói là bị kỳ thị”.
Nhà báo Trần Định, từng là phóng viên TTXVN thường trú ở Nga, trong bức thư gửi cho nhóm chủ trương “Cùng viết hiến pháp” khẳng định:”Vấn đề của Việt Nam hiện nay không phải chỉ là sửa chữa câu chữ của Dự thảo Hiến pháp. Vấn đề bây giờ là giúp cho toàn dân nhận biết thực chất của vấn đề chọn lựa con đường nào cho Việt Nam: DÂN CHỦ HAY ĐỘC TÀI”.
Rõ ràng là nội dung của Hiến pháp 1992 đang bị nhiều tầng lớp đòi hỏi thay thế chứ không phải chỉ đơn thuần sửa đổi.
Thời đại đã thay đổi, nhưng tư duy của lãnh đạo không thay đổi kịp thời, vẫn “Đảng được “lịch sử (?)” giao cho nhiệm vụ lãnh đạo đất nước và dân tộc”, cho nên Đảng vẫn một mình một chợ, áp đặt độc tài, đưa đất nước đến tình trạng hiện nay.
Với não trạng như thế, những sửa đổi Hiến pháp từ năm 1980 đến nay không giải phóng được tiềm năng dân tộc, mà chỉ áp đặt, củng cố, co siết sự lãnh đạo của Đảng, đưa Cương lĩnh của 3 triệu đảng viên, qua Hiến pháp, áp đặt cho toàn thể người Việt Nam, làm cho xã hội ngày càng lún sâu trong bất cập. Lần sửa đổi Hiến pháp này cũng không ngoại lệ khi TBT Nguyễn Phú Trọng ra lệnh: “sửa gì thì cũng phải trong khung khổ Cương lĩnh và Điều lệ Đảng, quyền lực của hệ thống chính trị là thống nhất, không có tam quyền phân lập, gác lại vấn đề sở hữu đất đai…”.
Khi tư duy không thay đổi thì có sửa đổi Hiến pháp cũng chỉ là làm cái việc trau chuốt từng dấu phẩy, từng từ ngữ nhằm che đậy ý đồ co cụm của một Đảng đã mất dân.
Để làm việc này, Đảng không cần chúng ta vì Đảng có trong tay những “tinh hoa” ngôn ngữ học, thứ “ngôn ngữ qua mặt” mà không bị huýt còi, như nhà báo Trần Định viết cho Giáo sư Vật lý Đàm Thanh Sơn, nhóm chủ trương “Cùng viết Hiến Pháp” sau khi một ý kiến của Giáo Sư Sơn bị nhà nước kiểm duyệt:
“Hiến pháp bao giờ cũng do những tầng lớp tinh hoa của dân tộc soạn thảo để làm nền tảng dài lâu cho Đất Nước. Tiếc rằng, có những cá nhân trong tầng lớp tinh hoa đó đã nỡ dùng tài năng vào những xảo thuật để soạn ra những điều không nên làm, đánh lừa được cả Giáo sư và tất nhiên cả rất nhiều người khác nữa. Họ đã quên mất trách nhiệm với dân tộc”.
Sửa đổi Hiến Pháp mà vẫn không chịu thay đổi tư duy thì Đảng đã đặt cái cày trước con trâu. Cái cày trước con trâu thì cha ông ta đã từng nói nhưng sao Đảng cứ bắt buộc phải cắn răng cắn lợi mà làm? Vì sao?
Trăm sự chỉ vì “Nhóm lợi ích khủng”
Từ một thời gian nay, những “nhóm lợi ích” về kinh tế, ngân hàng, nói chung là về mọi mặt, đã được xã hội nói đến vì sự lũng đoạn tàn hại của nó. Cơ chế hiện nay không cho phép điểm mặt chỉ tên những ai đứng sau các nhóm lợi ích này vì một lẽ dễ hiểu. Họ là những đảng viên cán bộ có chức có quyền đã suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, mất đi phẩm chất cách mạng. Họ có quyền kiểm soát báo chí và dùng báo chí như một công cụ tuyên truyền, che đậy bằng sự không thông tin cho dân biết. Phóng viên Nguyễn Việt Chiến lãnh hai năm tù vì muốn phanh phui vụ tham nhũng PMU18. Đòn kết án này đã làm tuyệt đại đa số phóng viên, tổng biên tập phải lấy mũ ni che tai.
Nhưng trên hết, có một nhóm lợi ích tạm gọi là nhóm lợi ích khủng, nhóm này là bà mụ đỡ của tất cả các nhóm lợi ích khác.
Nhóm lợi ích khủng đã và đang làm mọi cách thâu tóm quyền lực, quyền lực thực tế họ đã có, nay còn tham lam hợp thức hóa ngày càng chi tiết trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 với những xảo thuật nhào trộn chữ nghĩa nhuần nhuyễn như người nhào bột làm bánh. Chữ độc tài được họ gọi hoa mỹ là “chuyên chính”, chữ dân chủ trở thành “dân chủ xã hội chủ nghĩa”, chữ tự do trở thành “tự do gấp triệu lần tư bản chủ nghĩa”. Họ còn bùa phép để chữ Tổ quốc trở thành “Tổ quốc xã hội chủ nghĩa” và đưa chữ Đảng lên một tầm cao trên và trước Tổ quốc.
Họ không phải là những người phát minh ra thủ thuật nhào trộn chữ nghĩa, trước họ, Đức Quốc Xã của Hitler đã ghép thành công những chữ tự do, xã hội vào chương trình chính trị phát-xít, kỳ thị chủng tộc, hiếu chiến và đã đẩy nước Đức cùng thế giới vào cuộc chiến vô cùng thảm khốc.
Những ai vì lương tâm muốn điểm mặt chỉ tên nhóm lợi ích khủng hãy nghe người đầu nhóm hăm he trước: “Vừa rồi đã có các luồng ý kiến thì cũng có thể quy vào được là suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống chứ gì nữa… Xem ai có tư tưởng là muốn bỏ Điều 4 Hiến pháp không, phủ nhận vai trò lãnh đạo của đảng không? Muốn đa nguyên đa đảng không? Muốn “tam quyền phân lập” không? Muốn “phi chính trị hóa quân đội” không? Người ta đang có những quan điểm đấy!… Đưa cả lên phương tiện thông tin đại chúng đấy. Thì như thế là suy thoái chứ còn gì nữa! Ở đâu nữa nào? … Tham gia đi khiếu kiện, biểu tình, ký đơn tập thể … thì nó là cái gì?! …Cho nên các đồng chí quan tâm xử lý cái này”.
Đau đáu những người có tâm có tầm
Từ hơn 10 năm nay, không thiếu những người có tâm có tầm đã góp ý qua các lần đại hội Đảng. Trong số những người này, ông Nguyễn Trung được biết đến như một người lo lắng cho tiền đồ của tổ quốc, đồng thời lo lắng cho tiền đồ của Đảng. Những bài viết của ông Nguyễn Trung như phơi bày tất cả ruột gan của mình trước Đảng. Ông viết rất ôn hòa: “Tình hình mọi mặt hiện nay của đất nước đã đi tới thời điểm không thể trì hoãn cuộc cải cách chính trị toàn diện. Bối cảnh quốc tế vừa đòi hỏi, thách thức, cũng vừa tạo ra những thuận lợi chưa từng có cho một cuộc cải cách chính trị để xây dựng nên một thể chế chính trị dân chủ cho Việt Nam. Đất nước ta hiện nay lại đang đứng trước yêu cầu bức thiết phải sửa đổi Hiến pháp và thực tế đang cho thấy Hiến pháp 1992 dù sửa thế nào cũng không thể đáp ứng những đòi hỏi phát triển mới của đất nước; vì những lẽ này, xây dựng một Hiến pháp mới phù hợp là bước khởi đầu đúng đắn cho tiến hành cải cách chính trị”.
Cũng có những người nói thẳng như nguyên Ủy viên BCT, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An: “Nếu Đảng làm thay, quyết thay thì Nhà nước và dân sẽ trở thành hình thức, hữu danh vô thực, người ta có cảm giác Đảng là vua. Không phải là một ông vua như thời phong kiến mà là vua tập thể thời CH XHCN. Nếu vậy thì còn gì là dân chủ nữa mà là Đảng chủ, là Đảng bao biện, làm thay. Và như vậy là mất dân chủ. Dân chủ thì quyền lực nhà nước phải thống nhất ở nơi dân. Nếu Đảng coi mình đương nhiên là lực lượng lãnh đạo thì chẳng khác gì nhà vua cha truyền con nối. Từ một nhà vua cá nhân thời quân chủ, nay trở thành một nhà vua tập thể thời cộng hòa xã hội chủ nghĩa. Như vậy là Đảng chủ chứ không phải dân chủ”.
Như nước đổ lá môn, như nước đổ đầu vịt, nhóm lợi ích khủng đã không nghe, không hồi âm, lại còn hăm dọa “Cho nên các đồng chí quan tâm xử lý cái này”.
Những ý kiến tâm huyết xuất phát từ lòng đau đáu với vận mệnh đất nước và dân tộc từ trước đến nay vẫn không được nhóm lợi ích khủng nghe ra là vì lý do gì. Chỉ có một giả thuyết để giải thích lý do này là lợi ích của đất nước và dân tộc đối kháng với nhóm lợi ích khủng.
Đừng mất thêm thì giờ
Kinh nghiệm và những lời báo trước của TBT Nguyễn Phú Trọng “sửa gì thì cũng phải trong khung khổ Cương lĩnh và Điều lệ Đảng, quyền lực của hệ thống chính trị là thống nhất, không có tam quyền phân lập, gác lại vấn đề sở hữu đất đai…” đủ cho chúng ta cho thấy trước kết quả của cuộc sửa đổi Hiến pháp lần này: đất nước lại nhỡ con tàu thời đại.
Chúng ta đã phản biện với đầy đủ tinh thần công dân rồi, những phản biện của chúng ta “bị tiếp nhận một cách lạnh nhạt, nếu không nói là bị kỳ thị” thì âu đó cũng do vận mệnh đất nước đang còn trong cơn bỉ cực, chúng ta đã làm bổn phận người dân, không còn gì phải ân hận.
Bản kiến nghị bảy điểm, do 72 người đề xướng có kèm theo một bản dự thảo : DỰ THẢO HIẾN PHÁP 2013. Đây là điều đáng cho chúng ta để thì giờ thảo luận. Bởi lẽ, nếu có phép lạ làm cho nhóm lợi ích khủng hồi tâm, hoặc có tình huống cần phải đưa ra một Hiến pháp khác Hiến Pháp 1992 thì chúng ta sẽ không mất nhiều thì giờ khi đề nghị một DỰ THẢO HIẾN PHÁP 2013 đã được góp ý.
Trong bài viết “Dự thảo sửa đổi Hiến Pháp 1992 hay DỰ THẢO HIẾN PHÁP 2013?” đăng trênhttp://huynhngocchenh.blogspot.fr/ và tudoimoi.org vào cuối tháng 1/2013 tôi đã bắt đầu góp ý cho DỰ THẢO HIẾN PHÁP 2013 một cách vô cùng hồ hởi.
26/02/2013
N.T.C.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.
Nguồn: http://www.boxitvn.net/bai/45286
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét