Thứ Bảy, 16 tháng 3, 2013

Anh, Pháp tính vũ trang phiến quân Syria


Cập nhật: 05:39 GMT - thứ bảy, 16 tháng 3, 2013
Phiến quân Syria đang chiến đấu
Phiến quân Syria được trang bị kém hơn rất nhiều so với quân chính phủ
Tổng thống Pháp Francois Hollande đã lên tiếng biện hộ cho kế hoạch của ông cung cấp vũ khí cho phiến quân Syria nhân kỷ niệm đúng hai năm cuộc nổi dậy chống chính phủ ở Syria.
Phát biểu sau một cuộc gặp thượng đỉnh của Liên minh châu Âu (EU), ông Hollande nói rằng phiến quân đã cam kết các vũ khí mà họ nhận được ‘sẽ không rơi vào tay kẻ xấu’.
Cả Pháp và Anh đều muốn EU dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí trong khi Đức cho biết họ vẫn chưa quyết định liệu họ có đồng ý hay không.
Hai năm sau ngày cuộc khủng hoảng ở Syria bắt đầu đã có 70.000 chết và một triệu người đã bỏ chạy khỏi đất nước này.
Vấn đề nhìn nhận lực lượng nổi dậy Syria như thế nào đã là một trong những vấn đề gai góc nhất đối với chính phủ các nước phương Tây.
Một số các vụ nổ và tấn công liều chết được cho là do các nhóm vũ trang có liên hệ với tổ chức khủng bố al-Qaeda và phiến quân thực hiện.

‘Hành động đơn phương’

Nga vẫn tiếp tục ủng hộ chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad và phản đối vũ trang cho phiến quân.
Chính phủ Syria thì gọi tất cả phiến quân là ‘băng nhóm vũ trang’ hay ‘những kẻ khủng bố được nước ngoài hậu thuẫn’.
"
Bởi vì chúng tôi đã được cam kết nên chúng tôi đang tính đến việc dở bõ cấm vận. Chúng tôi đã chắn chắn những vũ khí này sẽ được sử dụng như thế nào."
Tổng thống Pháp Francoise Hollande
Liên minh châu Âu đã đồng ý cấm vận vũ khí Syria hồi tháng Tư năm 2011.
Cả London và Paris giờ đây nếu muốn dỡ bỏ lệnh cấm này. Cả hai nước đều tỏ dấu hiệu cho thấy họ có thể hành động đơn phương để trợ giúp phiến quân nếu các lãnh đạo EU vẫn tiếp tục muốn duy trì lệnh cấm.
Phát biểu trong một cuộc họp báo, Thủ tướng Anh David Cameron nói: “Nếu chúng tôi muốn hành động đơn phương và chúng tôi nghĩ rằng đó là vì lợi ích quốc gia của chúng tôi thì dĩ nhiên chúng tôi được tự do hành động.”
Sau đó Tổng thống Hollande nói rằng ông thừa nhận trước khi giao bất kỳ vũ khí nào cho phiến quân thì họ phải đưa ra ‘tất cả những cam kết cần thiết’.
“Bởi vì chúng tôi đã được cam kết như thế nên chúng tôi đang tính đến việc dở bõ cấm vận. Chúng tôi đã chắn chắn những vũ khí này sẽ được sử dụng như thế nào,” ông nói.
Cả hai nhà lãnh đạo đều nhấn mạnh quyết tâm tìm kiếm giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng nhưng cũng nói rằng thế giới không thể đứng nhìn các cuộc thảm sát xảy ra.
Cameron và Hollande
Hai nhà lãnh đạo Anh và Pháp đang vận động mạnh mẽ cho việc dỡ bỏ cấm vận vũ khí đối với Syria
Tuy nhiên, Thủ tướng Đức Angela Merkel lại nói rằng bà chưa có lập trường cương quyết trên vấn đề này.
“Vấn đề là hai nước thay đổi quan điểm chưa đủ cho 25 nước còn lại làm theo,” bà nói.
Các ngoại trưởng EU dự kiến sẽ bàn bạc lần nữa lệnh cấm vận này vào ngày 22 và 23/3 tới tại Dublin.
Nước Anh đã úp mở rằng họ sẽ bỏ phiếu chống trong lần bỏ phiếu sắp tới, dự kiến vào tháng Năm, để kéo dài lệnh cấm vận vũ khí sau khi nó hết hạn vào ngày 1/6.

Kỷ niệm hai năm

Phóng viên BBC Chris Morris ở Brussels cho biết Pháp và Anh cùng chia sẻ quan điểm rằng Nga và Iran đang cung cấp vũ khí cho quân Chính phủ Syria nên họ cũng nên cung cấp vũ khí cho phe đối lập như là cách duy nhất để gây sức ép lên chế độ của ông Assad.
"
Nếu chúng tôi muốn hành động đơn phương và chúng tôi nghĩ rằng đó là vì lợi ích quốc gia của chúng tôi thì dĩ nhiên chúng tôi được tự do hành động."
Thủ tướng Anh David Cameron
Tuy nhiên, cũng theo Morris thì Đức, Áo và Thụy Điển là những nước còn do dự trong việc dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí.
Trong khi đó, bà Valerie Amos, quan chức cao nhất phụ trách vấn đề nhân đạo của Liên Hiệp Quốc đã nói rằng việc vũ trang cho phiến quân sẽ làm cho công việc của các cơ quan cứu trợ thêm khó khăn.
Cũng nhân ngày kỷ niệm cuộc nổi dậy ở Syria, Ủy hội Chữ Thập Đỏ quốc tế (ICRC) đã kêu gọi các lãnh đạo thế giới gây sức ép với cả hai phía để chấm dứt các cuộc tấn công nhằm vào dân thường.
“Thật đáng lên án là thương vong dân thường giờ đây đã là chuyện hàng ngày,” ông Robert Mardini, người đứng đầu ICRC ở Trung Đông cho biết.
“Những hành vi vi phạm luật pháp nhân đạo quốc tế và các nguyên tắc nhân đạo cơ bản từ tất cả các bên phải được chấm dứt,” ông nói.
Cuộc nổi dậy ở Syria bắt đầu từ ngày 15/3 năm 2011 với các cuộc biểu tình phản đối trên toàn quốc sau các vụ bắt giữ ở thành phố miền Nam Deraa.
Phiến quân giờ đây đã kiểm soát nhiều khu vực rộng lớn của Syria tuy nhiên cuộc xung đột ở đây dường như đã lâm vào thế bế tắc trong nhiều tháng qua.
Nguồn: http://www.bbc.co.uk/vietnamese/world/2013/03/130316_syria_arms_embargo_disputed.shtml

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét