Cập nhật: 15:15 GMT - chủ nhật, 1 tháng 12, 2013
Media Player
Một thành viên của Hội đồng Lý luận Trung ương, cơ quan tham mưu, cố vấn cho Ban Chấp hành Trung ương và Bộ chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam, giải thích lý do vì sao Hiến pháp Việt Nam sửa đổi mới thông qua hôm 28/11/2013 có nhiều điểm không thay đổi căn bản so với Hiến pháp cũ.
Trao đổi với BBC từ Hà Nội hôm thứ Năm, Giáo sư Đỗ Quang Hưng, người đồng thời là Chủ nhiệm Bộ môn Chính trị Quốc tế, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng do các đặc thù của 'hệ thống chính trị' và 'cấu trúc quyền lực' với đặc thù do Đảng Cộng sản lãnh đạo hiện nay, Việt Nam chưa có những thay đổi về các mặt từ xây dựng các đạo luật về lập đảng, lập hội, thừa nhận báo chí tư nhân, vai trò chủ đạo của kinh tế tư nhân, sở hữu tư nhân về đất đai cho tới nhiều vấn đề khác về quyền của công dân.
Tuy nhiên, ông cho rằng những gì đã đang được công nhận và tồn tại là 'có sự hợp lý' riêng và đã được chứng nhận bởi sự thông qua thống nhất cao của các Đại biểu Quốc hội như trong cuộc biểu quyết hôm 28/11.
Giáo sư Hưng cũng cho rằng Việt Nam do quyết định của Quốc hội nên sẽ vẫn thừa nhận vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước, vai trò của Đảng Cộng sản trong lãnh đạo toàn thể nhà nước và xã hội, quân đội và lực lượng vũ trang tiếp tục được xác định có nghĩa vụ trung thành với Đảng Cộng sản và có trách nhiệm bảo vệ thể chế chính trị do Đảng lãnh đạo.
'Sẽ đến lúc nào đó'
"Ở Việt Nam không dùng chữ thể chế chính trị, mà quen gọi là hệ thống chính trị. Với cấu trúc quyền lực như thế này, người Việt Nam vẫn chấp nhận cấu trúc quyền lực như thế này, thì việc liên quan đến quân đội như thế cũng dễ hiểu," Giáo sư nói.
Trong phần đầu của cuộc trao đổi gồm 2 phần với BBC hôm cuối tuần này, nhà lý luận cũng hé lộ khả năng Việt Nam trong tương lai có thể cứu xét thay đổi môi trường luật pháp về thể chế từ soạn thảo luật về đảng phái, hội đoàn cho tới cho phép báo chí tư nhân và nhiều vấn đề khác được cộng đồng quan tâm.
Tuy nhiên vẫn theo ông, việc này chưa xảy ra mà phải đợi tới tương lai vào một thời điểm nào đó được cho là phù hợp, chín muồi so với tình hình, nhu cầu và trình độ phát triển của Việt Nam.
"Về lô-gic chính trị, có tính của thời đại nữa, tôi nghĩ rằng sẽ đến một lúc nào đó, tôi chưa biết là lúc nào, thì chắc chắn phải nghĩ đến điều đó, cũng như luật về hội," ông Hưng nói với BBC.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét