Thứ Bảy, 28 tháng 6, 2014

LÝ THUYẾT TỔNG QUÁT VỀ KINH TẾ THỊ TRƯỜNG (V-1)

JB. Hà Huy Toàn

I – HÀNG HOÁ HOẶC KINH TẾ THỊ TRƯỜNG.

1. Sự thống nhất giá trị sử dụng với giá trị trao đổi.

Nhân loại bao gồm tất cả các cá nhân khác nhau về cả thể chất lẫn trí tuệ nhưng lại giống nhau về bản năng sinh tồn, tức là bản năng ham sống hoặc bản năng sợ chết; bản năng này bắt buộc mỗi cá nhân nhất định phải tiêu dùng nhiều thứ khác nhau để kéo dài sự sống cho mình, nhưng mỗi cá nhân nhất định lại chỉ tạo ra được một hoặc một số ít thứ nhất định để thoả mãn mình mà thôi, tức là mỗi cá nhân nhất định luôn luôn có một mâu thuẫn nội tại giữa nhu cầu tiêu dùng vô hạn với khả năng sản xuất hữu hạn; chính cái mâu thuẫn này đã làm cho nhân loại nói chung cũng như mỗi cá nhân nhất định luôn luôn phải sống bằng kinh tế đổi chác hoặc kinh tế thị trường như vẫn thường gọi.
Kinh tế thị trường là kinh tế dựa vào việc trao đổi để mọi cá nhân tham dự đều có thể được thỏa mãn nhu cầu 1).
Bản năng sinh tồn thể hiện trước hết thành nhu cầu tiêu dùng những đối tượng hữu ích ở bên ngoài. Vì những đối tượng này không có sẵn nên nhân loại phải dựa vào thế giới xung quanh để tạo ra chúng, tức là phải lao động hoặc hoạt động sản xuất. Vậy chính bản năng sinh tồn đã thúc đẩy nhân loại phải hoạt động sản xuất mới tồn tại được.
Nói đến nhân loại không thể chỉ nói đến một hoặc một số cá nhân nào đó với đời sống tư riêng của nó mà phải nói đến thực tại đặc biệt biểu hiện thành tất cả các cá nhân khác nhau về cả thể chất lẫn trí tuệ nhưng lại giống nhau về bản năng sinh tồn. Hình dung nhân loại như vậy ta hiểu được ngay rằng bản năng sinh tồn hiện hữu ở tất cả các cá nhân nói trên chứ không phải chỉ hiện hữu ở một hoặc một số cá nhân nào đó, tức là mỗi cá nhân nhất định cũng như tất cả các cá nhân khác đều có bản năng sinh tồn.
Bản năng sinh tồn làm cho mỗi cá nhân nhất định có nhu cầu tiêu dùng nhiều đối tượng hữu ích khác nhau để kéo dài đời sống của mình, nhưng mỗi cá nhân này lại chỉ có thể tạo ra được một số ít sản phẩm đơn giản để tự thoả mãn mình, tức là mỗi cá nhân nhất định luôn luôn có một mâu thuẫn nội tại giữa nhu cầu tiêu dùng vô hạn với khả năng sản xuất hữu hạn, theo đó mỗi cá nhân này luôn luôn cần phải tiêu dùng nhiều loại sản phẩm khác nhau để kéo dài đời sống nhưng lại chỉ có thể sản xuất được một hoặc một số ít loại sản phẩm đơn giản để tiêu dùng hoặc thoả mãn mình mà thôi. Cái mâu thuẫn này tồn tại tự nhiên ở mỗi cá nhân nhất định làm cho nhân loại tất yếu phải sống bằng kinh tế thị trường, theo đó các cá nhân khác nhau phải sản xuất rồi trao đổi với nhau làm cho sản phẩm của lao động chuyển hoá thành hàng hoá 2).
Hàng hoá là những đối tượng vừa có giá trị sử dụng vừa có giá trị trao đổi hoặc giá trị như vẫn thường gọi vắn tắt.
Giá trị sử dụng là công dụng hữu ích có thể thoả mãn được nhu cầu của nhân loại, cả nhu cầu tiêu dùng lẫn nhu cầu sản xuất, chẳng hạn: thực phẩm để ăn, y phục để mặc, nhà cửa để cư trú, phương tiện giao thông để vận chuyển; hoặc máy móc để sản xuất, v. v..
Về mặt giá trị sử dụng, mỗi hàng hoá nhất định phải được xét theo cả hai mặt: mặt chất và mặt lượng. Với mặt chất, mỗi giá trị sử dụng nhất định biểu hiện thành một tổng thể gồm nhiều thuộc tính hữu ích khác nhau, nhờ đó mà có thể hữu ích về nhiều mặt khác nhau đối với nhu cầu của nhân loại. Khoa học kỹ thuật mà càng phát triển, người ta sẽ tìm được càng nhiều thuộc tính đó. Với mặt lượng, mỗi giá trị sử dụng nhất định phải biểu hiện thành một số lượng nhất định, như một tấn thực phẩm hoặc một tá đồng hồ, v. v..
Giá trị là sức lao động đã hao tổn để tạo ra hàng hoá. Mỗi loại hàng hoá nhất định đòi hỏi phải được sản xuất theo một cách thức riêng biệt, khiến sức lao động phải bị hao tổn theo nhiều cách thức khác nhau, mỗi cách thức đó lại có nhiều mức độ hoặc cường độ khác nhau. Nhưng sức lao động lại có sự thống nhất thể lực với trí lực mà muốn tạo ra một giá trị lớn hơn, người ta phải giảm bớt hao phí thể lực đồng thời phải gia tăng hao phí trí lực.
Vậy, về mặt chất, giá trị được quyết định bởi sức lao động nhưng về mặt lượng, giá trị lại được quyết định bởi mức độ hoặc cường độ của lao động, cái này lại được quy theo tỷ lệ thuận thành thời gian lao động, thời gian này chỉ được tính theo thời gian cần thiết để tạo ra một đơn vị hàng hoá.
Theo sự quy định như vậy, tổng số giá trị phải bằng tổng số sức lao động đã hao tổn ở mức độ cần thiết để tạo ra hàng hoá. Các hàng hoá có số lượng sức lao động bằng nhau hoặc được sản xuất với cùng một thời gian bằng nhau, đều như nhau về số lượng giá trị hoặc có số lượng giá trị bằng nhau. Tỷ số của giá trị trong một đơn vị hàng hoá này với giá trị trong một đơn vị hàng hoá kia, cũng bằng tỷ số của thời gian cần thiết để sản xuất hàng hoá này với thời gian cần thiết để sản xuất hàng hoá kia. Nếu thời gian đó mà không thay đổi thì số lượng giá trị chứa đựng trong mỗi đơn vị hàng hoá cũng không thay đổi. Nhưng thời gian đó hoặc mức độ hao tổn sức lao động lại thay đổi trái ngược với sự thay đổi về năng suất của lao động. Nếu năng suất của lao động mà càng lớn thì thời gian đó càng ngắn, hoặc số lượng sức lao động chứa đựng trong một đơn vị hàng hoá càng nhỏ, làm cho số lượng giá trị của một đơn vị hàng hoá cũng càng nhỏ; ngược lại, tự nó đã rõ ràng.
Tóm lại, số lượng giá trị của một đơn vị hàng hoá tỷ lệ thuận với số lượng sức lao động hoặc thời gian cần thiết để tạo ra nó, nhưng lại tỷ lệ nghịch với năng suất của lao động.
Về mặt giá trị sử dụng, các hàng hoá khác nhau về chất; nhưng về mặt giá trị, các hàng hoá lại chỉ có thể khác nhau về lượng mà thôi, theo đó các hàng hoá chỉ khác nhau về số lượng sức lao động đã hao tổn để tạo ra mà thôi.
Hơn nữa, vì về mặt chất, giá trị được quy định bằng sức lao động, làm cho về mặt lượng, số lượng giá trị phải được quy thành số lượng sức lao động mà dựa vào đấy, các hàng hoá được trao đổi với nhau theo nguyên tắc ngang bằng nhau, nên giá trị biểu hiện tính chất bái vật của hàng hoá hoặc biểu hiện quan hệ sản xuất giữa người với người, tức là quan hệ giữa người sản xuất này với người sản xuất khác.
Quan hệ sản xuất, xét đến cùng, chỉ biểu hiện quan hệ ngoại tại, mà quan hệ này lại được quy định bởi lực lượng nội sinh. Lực lượng nội sinh là toàn bộ năng lực sinh tồn cho mỗi cá nhân nhất định, còn quan hệ ngoại tại là toàn bộ các mối quan hệ giữa cá nhân ấy với tất cả các cá nhân khác. Lượng nào, chất ấy; cũng như chất nào, lượng ấy: với mỗi trình độ phát triển nhất định, lực lượng nội sinh lại có quan hệ ngoại tại tương ứng; quan hệ ngoại tại luôn luôn phù hợp với lực lượng nội sinh, vừa biểu hiện vừa định hướng (mở rộng hoặc thu hẹp) lực lượng nội sinh, làm cho lực lượng nội sinh luôn luôn diễn biến theo một chiều hướng nhất định.

2. Tính chất hai mặt của lao động biểu hiện qua hàng hoá.

Sở dĩ hàng hoá vừa có giá trị sử dụng lại vừa có giá trị trao đổi, đồng thời lại có sự biến thiên trái ngược nhau giữa hai mặt đó, vì lao động tạo ra nó có tính chất hai mặt: tính chất vừa cụ thể vừa trừu tượng 3).
Về mặt cụ thể, lao động đó phải được quy thành lao động cụ thể. Nhưng về mặt trừu tượng, lao động đó lại phải được quy thành lao động trừu tượng.
Lao động cụ thể là lao động được tiến hành nhằm vào một mục đích riêng biệt, theo một phương pháp riêng biệt với một đối tượng riêng biệt bằng một phương tiện riêng biệt, để tạo ra một sản phẩm riêng biệt biểu hiện thành một giá trị sử dụng nhất định.
Về mặt này, lao động chỉ được xét theo năng suất của nó hoặc tỷ số giữa số lượng sản phẩm với một đơn vị thời gian. Nếu tỷ số này mà gia tăng thì sự thể đó cho thấy năng suất của lao động gia tăng; hoặc ngược lại. Năng suất của lao động phụ thuộc vào cả khả năng lao động lẫn điều kiện sản xuất.
Mọi hàng hoá, đặc biệt đối với hàng hoá vật phẩm, đều được cấu thành bởi hai yếu tố: vật chất và lao động. Nếu trừ tất cả các loại lao động chứa đựng trong các hàng hoá đó thì chỉ còn lại cái xác vật chất có sẵn trong tự nhiên chứ không phải được tạo ra bởi lao động. Như vậy, lao động không phải là nguồn gốc duy nhất của của cải vật chất, mà chỉ là một trong hai nguồn gốc cơ bản của của cải đó, bên cạnh điền địa. Hoặc nói như William Petty đã nói: lao động là cha, còn điền địa là mẹ của mọi của cải vật chất.
Lao động trừu tượng là lao động được thực hiện thông qua mọi lao động cụ thể biểu hiện thuần tuý thành sự hao tổn sức lực của nhân loại trong quá trình lao động.
Về mặt này, lao động chỉ được xét theo mức độ hoặc cường độ của nó, mà cường độ của lao động lại được quy thành thời gian cần thiết để tạo ra một đơn vị hàng hoá; nếu cường độ của lao động mà càng lớn thì phải được quy thành một thời gian lao động càng dài, đồng thời phải chuyển hoá thành một số lượng giá trị càng lớn; ngược lại, tự nó đã rõ ràng.
Làm thế nào để giảm bớt cường độ cho lao động trong việc sản xuất một đơn vị hàng hoá? Hoặc nói theo một cách khác: muốn rút ngắn thời gian cần thiết để sản xuất một đơn vị hàng hoá, cần phải làm gì? Cần phải gia tăng năng suất cho lao động. Nhưng năng suất lại thuộc về lao động cụ thể. Vậy lao động cụ thể đối lập với lao động trừu tượng về cả tác dụng lẫn xu hướng, theo đó năng suất của lao động mà gia tăng sẽ làm giảm sút cường độ cho lao động, hoặc rút ngắn thời gian cần thiết để tạo ta một đơn vị hàng hoá, từ đó làm giảm sút giá trị cho đơn vị đó; hoặc ngược lại, tự nó đã rõ ràng. Cái hiện tượng theo đó, số lượng giá trị của một đơn vị hàng hoá tỷ lệ thuận với số lượng sức lao động hoặc thời gian cần thiết để tạo ra nó nhưng lại tỷ lệ nghịch với năng suất của lao động, chỉ biểu hiện sự đối lập giữa lao động cụ thể với lao động trừu tượng mà thôi.
Thật ra, trong hàng hoá không hề có hai loại lao động khác nhau, mà chỉ có một loại lao động duy nhất tự đối lập với bản thân, tuỳ theo người ta liên hệ nó với giá trị sử dụng của hàng hoá, quy giá trị này thành sản phẩm của nó; hoặc liên hệ nó với giá trị trao đổi của hàng hoá, quy giá trị này thành hình thức biểu hiện trừu tượng của nó. Về mặt này, bất cứ một lao động nào cũng đều là sự hao tổn hoặc sự tiêu phí sức lực của nhân loại; với tư cách là lao động giống nhau hoặc trừu tượng như vậy, nó tạo ra giá trị cho hàng hoá. Về mặt kia, bất cứ lao động nào cũng là sự tiêu phí sức lực của nhân loại dưới một hình thức sản xuất nào đó, sự tiêu phí đó được quyết định bởi một mục đích riêng biệt; với tư cách là lao động hữu ích hoặc cụ thể như vậy, nó tạo ra giá trị sử dụng cho hàng hoá. Cũng như hàng hoá phải có giá trị sử dụng mới được quy thành giá trị, lao động phải có tính chất hữu ích mới được quy thành sự tiêu phí sức lực của nhân loại hoặc lao động xã hội hiểu theo ý nghĩa trừu tượng.

3. Điều kiện để trao đổi hoặc điều kiện để sản phẩm của lao động chuyển hoá thành hàng hoá.

Sự trao đổi chỉ xảy ra giữa những đối tượng khác nhau về giá trị sử dụng nhưng lại phải giống nhau hoặc bằng nhau về giá trị trao đổi (giá trị). Theo tất yếu kinh tế, những đối tượng giống nhau về giá trị sử dụng không thể trao đổi được với nhau, dù chúng giống nhau hoặc khác nhau về số lượng giá trị cũng vậy. Vậy muốn có sự trao đổi, cần phải có sự phân công xã hội của lao động làm điều kiện trực tiếp.
Sự phân công xã hội của lao động là sự phân chia toàn bộ hoạt động sản xuất của nhân loại thành nhiều ngành nghề sản xuất khác nhau với nhiều loại lao động hữu ích khác nhau tương ứng với nhiều loại tư liệu sản xuất cũng khác nhau, dựa trên sự độc lập với nhau về cả kỹ thuật sản xuất lẫn lợi ích kinh tế giữa những người sản xuất khác nhau, để tạo ra nhiều loại sản phẩm khác nhau về giá trị sử dụng. Chính sự phân công này đã làm cho lao động phải biểu hiện thành hai mặt mà ta đã biết, đồng thời làm cho mỗi người sản xuất trong một ngành nghề sản xuất nhất định trở thành một nhà sản xuất tư nhân.
Do mỗi cá nhân nhất định có mâu thuẫn nội tại giữa nhu cầu tiêu dùng vô hạn với khả năng sản xuất hữu hạn nên hoạt động sản xuất của nhân loại tất yếu phải xảy ra sự phân công xã hội. Nhưng sự phân công xã hội lại đòi hỏi các cá nhân phải khác nhau về khả năng sản xuất, nếu các cá nhân mà giống nhau về khả năng đó thì tuyệt đối không thể xảy ra sự phân công xã hội. Tuy nhiên, sự khác nhau về khả năng sản xuất lại đòi hỏi các cá nhân phải khác nhau về cả thể chất lẫn trí tuệ – một yêu cầu mới chỉ được phát hiện một nửa bởi Friedrich August von Hayek với “Sự Phân hữu Tri thức”! Quả thật, do khác nhau về cả thể chất lẫn trí tuệ nên các cá nhân tất yếu phải khác nhau về khả năng sản xuất. Vậy chính sự khác nhau về cả thể chất lẫn trí tuệ đã làm điều kiện tự nhiên cho sự phân công xã hội.
Sự phân công xã hội làm điều kiện trực tiếp cho sự trao đổi, nếu không xảy ra sự phân công xã hội thì cũng không thể xảy ra sự trao đổi. Thông qua trao đổi mà mọi cá nhân khác nhau đều được thoả mãn nhu cầu. Chính vì thoả mãn được nhu cầu phong phú của mọi cá nhân khác nhau nên sự trao đổi làm cho sự phân công xã hội trở nên độc lập khách quan đối với ý muốn chủ quan của mỗi cá nhân nhất định, theo đó việc sản xuất cái gì được thực hiện bởi mỗi cá nhân này sẽ được quyết định bởi nhu cầu tiêu dùng của các cá nhân khác chứ không phải được quyết định bởi ý muốn chủ quan của chính người sản xuất, tức là mỗi cá nhân nhất định không thể thích sao làm vậy được cũng như không thể muốn sản xuất cái gì cũng được hoặc không được sản xuất những sản phẩm có giá trị sử dụng đối với mình mà chỉ có thể phải sản xuất những sản phẩm có giá trị sử dụng đối với các cá nhân khác. Cái tất yếu này làm cho thuộc tính hàng hoá của sản phẩm lao động trở thành thuộc tính cố hữu của chính sản phẩm đó: một khi sản phẩm lao động đã chuyển hoá thành hàng hoá rồi sẽ mãi mãi không thể chuyển hoá ngược trở lại thành sản phẩm đơn thuần được nữa, thành ra tiêu dùng chỉ có tiêu dùng hàng hoá cũng như sản xuất chỉ có sản xuất hàng hoá; hoặc sản xuất nói chung một khi đã chuyển hoá thành sản xuất hàng hoá rồi sẽ mãi mãi không thể chuyển hoá được ngược trở lại thành sản xuất đơn thuần nữa. Sự thể này không thể hình dung nổi đối với những người có tư tưởng chống kinh tế thị trường như các nhà marxist.
Cần phân biệt sự phân công xã hội với sự phân công kỹ thuật của lao động. Sự phân công kỹ thuật là sự phân chia một ngành nghề sản xuất nhất định thành nhiều chức năng khác nhau được thực hiện bởi nhiều người lao động bộ phận khác nhau với nhiều công cụ lao động khác nhau, dựa trên sự phụ thuộc lẫn nhau về cả kỹ thuật sản xuất lẫn lợi ích kinh tế giữa những người lao động đó, để cùng tạo ra một sản phẩm nhất định. Sự phân công này chỉ biểu hiện cùng một lao động cụ thể mà thôi. Nếu điều kiện để thực hiện sự phân công xã hội là sự phân tán tư liệu sản xuất vào nhiều ngành nghề sản xuất khác nhau, độc lập với nhau, thì điều kiện để thực hiện sự phân công kỹ thuật lại là sự tập trung tư liệu sản xuất vào cùng một ngành nghề sản xuất nhất định. Nếu sự phân công xã hội là điều kiện để tạo ra những sản phẩm hoàn chỉnh, những sản phẩm này có thể trao đổi được với nhau như những hàng hoá, tức là những sản phẩm có tính cách hàng hoá, thì sự phân công kỹ thuật lại chỉ là điều kiện để tạo ra những sản phẩm bộ phận, những sản phẩm này chỉ có thể kết hợp được với nhau để tạo ra một sản phẩm hoàn chỉnh chứ không thể trao đổi được với nhau như những hàng hoá, tức là những sản phẩm thuần tuý, không có tính cách hàng hoá. Nếu sự phân công xã hội biểu hiện việc tư nhân hoá lao động xã hội thì ngược lại, sự phân công kỹ thuật lại biểu hiện việc xã hội hoá lao động tư nhân 4).
Muốn thực hiện sự phân công xã hội hoặc tư nhân hoá lao đông xã hội, cần phải tư nhân hoá tư liệu sản xuất xã hội hoặc biến tư liệu sản xuất xã hội thành tư liệu sản xuất tư nhân, theo đó mỗi nhà sản xuất tư nhân phải có quyền sử dụng tư nhân đối với tư liệu sản xuất xã hội bất kể nhà sản xuất đó có hay không có quyền sở hữu đối với tư liệu sản xuất đó 5). Tính chất tư nhân của tư liệu sản xuất biểu hiện qua việc tư liệu đó được sử dụng theo nhiều phương thức khác nhau bởi nhiều cá nhân sản xuất khác nhau có lợi ích độc lập với nhau, theo đó mỗi loại tư liệu sản xuất nhất định với một bộ phận nhất định được sử dụng theo một cách thức nhất định bởi một cá nhân sản xuất nhất định hoặc một nhóm cá nhân nhất định có lợi ích kinh tế phụ thuộc lẫn nhau chứ không phải được sở hữu riêng bởi từng cá nhân nhất định. Tư liệu sản xuất vốn có tính chất xã hội, theo đó tư liệu sản xuất được tạo ra đồng thời lại được sử dụng trong quan hệ giữa người với người, – quan hệ này có thể biểu hiện thành sự hợp tác hoặc cũng có thể biểu hiện thành sự trao đổi giữa người với người, – chứ tuyệt nhiên không biểu hiện qua tình trạng mà nó được sở hữu chung bởi toàn thể xã hội hoặc toàn thể cộng đồng. Trong các xã hội văn minh, tư liệu sản xuất phải bị phân chia thành nhiều loại khác nhau với nhiều bộ phận khác nhau, mỗi loại đó với một bộ phận nhất định chỉ có thể được sở hữu riêng bởi từng cá nhân nhất định mà thôi.
Cần phải phân biệt rõ ràng tư nhân hoá tư liệu sản xuất xã hội với tư hữu hoá tư liệu sản xuất đó. Tư nhân hoá tư liệu sản xuất xã hội là xác lập tính chất tư nhân cho việc sử dụng tư liệu sản xuất đó. Ví dụ, đối với cùng một thửa đất, nếu A được quyền sử dụng thì A dùng vào canh tác; nhưng nếu B được quyền sử dụng thì B dùng vào xây nhà; v. v., bất kể A hoặc B có hay không có quyền sở hữu đối với thửa đất. Chính việc canh tác hoặc việc xây nhà, v. v., đã biểu hiện việc tư nhân hoá thửa đất đồng thời đã làm nên tính chất tư nhân cho thửa đất. Còn tư hữu hoá tư liệu sản xuất xã hội lại là xác lập quyền sở hữu tư nhân đối với tư liệu sản xuất đó, vốn được sở hữu bởi một giai cấp nhất định hoặc một tập thể nhất định, như bất cứ nhà nước nào chẳng hạn; hoặc biến tư liệu sản xuất đó thành tài sản của một cá nhân nhất định. Ví dụ, nhà nước quý tộc ban phát một phần tài sản của mình cho một cá nhân nào đó, như thế nhà nước đó đã tư hữu hoá một phần tài sản ấy; hoặc một quan chức nhà nước chiếm đoạt một phần tài sản của nhà nước chuyên chế bằng cách ăn cắp hoặc lừa lọc, v. v., như thế quan chức đó đã tư hữu hoá một phần tài sản của nhà nước kia, v. v.. Nhưng nếu nhà nước kia bán tài sản của mình cho các cá nhân thì như thế, nhà nước kia chỉ làm thay đổi hình thức cho tài sản của mình mà thôi. Tài sản đó không bị mất đichỉ thay đổi hình thức từ hình thức này sang hình thức khác, từ hình thức hàng hoá sang hình thức tiền tệ.
Tuỳ theo số lượng tư liệu sản xuất có trong xã hội mà việc tư nhân hoá tư liệu sản xuất đó phải có những tính chất khác nhau tương ứng với những hình thức khác nhau thích hợp với điều kiện thực tế. Lúc đầu, tư liệu sản xuất đó còn ít ỏi, việc tư nhân hoá tư liệu sản xuất đó nhất định phải biểu hiện thành sở hữu tư nhân, theo đó quyền sở hữu tư nhân gắn liền với quyền sử dụng tư nhân hoặc người sản xuất vừa sử dụng tư liệu sản xuất vừa sở hữu tư liệu đó; khi ấy, sở hữu tư nhân chi phối trực tiếp việc sản xuất để trao đổi. Về sau, nhờ tích luỹ mà tư liệu sản xuất đó ngày càng nhiều, đến nỗi mỗi chủ tư hữu không thể thực hiện được quyền sử dụng tư nhân đối với tư liệu sản xuất đó. Nếu cố tình thực hiện quyền sử dụng tư nhân đối với tư liệu sản xuất đó thì người đó sẽ bị mất mát hoặc bị thua thiệt bởi cạnh tranh hoặc áp lực xã hội gia tăng, v. v.. Lúc đó, muốn thực hiện được lợi ích tư nhân của mình, các chủ tư hữu phải bán quyền sử dụng đối với tư liệu sản xuất của mình cho người khác có khả năng sử dụng tư liệu sản xuất đó, tức là tín dụng hoá tư liệu sản xuất của mình, làm cho quyền sở hữu tư nhân bị tách khỏi quyền sử dụng tư nhân hoặc bị tách khỏi việc sử dụng tư liệu sản xuất tư nhân. Nền sản xuất xã hội trở thành nền sản xuất tư nhân bị tách khỏi quyền sở hữu tư nhân hoặc không còn bị kiểm soát trực tiếp bởi quyền sở hữu tư nhân.
Tóm lại, muốn có sự trao đổi, cần phải tư nhân hoá cả hai mặt của sản xuất nói chung: cả bản thân lao động lẫn tư liệu sản xuất. Sự kiện này chỉ xác nhận rằng: kinh tế thị trường không phụ thuộc vào sở hữu tư nhân mặc dù sở hữu tư nhân có thể làm động lực trực tiếp thúc đẩy kinh tế thị trường phát triển.
Điều kiện để sản xuất hàng hoá bắt nguồn từ cái mâu thuẫn cơ bản ở mỗi cá nhân nhất định, tức là cái mâu thuẫn nội tại giữa nhu cầu tiêu dùng vô hạn với khả năng sản xuất hữu hạn; cái mâu thuẫn đó đã được xác định ngay từ đầu chương này, nó không thể hình dung nổi đối với các nhà marxist!

II – TIỀN TỆ HOẶC LƯU THÔNG HÀNG HOÁ.

1. Hàng hoá biến hoá hình thái thành cực đối lập với mình, hoặc sự xuất hiện tiền tệ.

Các hàng hoá có một hình thái giá trị chung khác hẳn hình thái riêng biệt của chúng. Hình thái đó chính là tiền tệ. Vậy ta phải trình bày quá trình phát sinh hình thái đó từ hình thái giản đơn nhất.

a. Hình thái giản đơn hoặc ngẫu nhiên của giá trị (x hàng hoá A = y hàng hoá B, hoặc x hàng hoá A có giá trị bằng y hàng hoá B).
Ví dụ: 1 cái áo = 20kg lúa, hoặc 1 cái áo có giá trị bằng 20kg lúa.
Ở đây, giá trị sử dụng của hàng hoá này trở thành hình thái biểu hiện giá trị của hàng hoá kia. Hình thái này biểu hiện trực tiếp sự phân công xã hội, theo đó lao động đã được thực hiện với ít nhất hai hình thái khác nhau về chất tương ứng với hai loại sản phẩm khác nhau về giá trị sử dụng.

b. Hình thái đầy đủ hoặc mở rộng của giá trị (z hàng hoá A = u hàng hoá B, hoặc = v hàng hoá C, hoặc = x hàng hoá E, hoặc = vân vân).
Ví dụ:                               2 cái áo hoặc 40 kg lúa hoặc 15kg                      

                  1 con cừu =     chè hoặc 0,01gr vàng hoặc 2kg càfé                                                                                                              hoặc 5 quyển sách hoặc vân vân.
Ở đây, giá trị của một hàng hoá nhất định được biểu hiện bằng giá trị sử dụng của nhiều loại hàng hoá khác nhau được dùng làm vật ngang giá. Vậy hình thái này biểu hiện sự phân công xã hội được thực hiện sâu rộng hơn, sản phẩm được trao đổi nhiều hơn, khiến tỷ lệ trao đổi được xác định rõ ràng hơn.

c. Hình thái chung của giá trị (x hàng hoá A; y hàng hoá B; z hàng hoá C; v. v., bằng d hàng hoá W).
Ví dụ:          1 cái áo   =      

                                                10kg lúa  =        20m2 vải.
                                                4kg càfé  =
Ở đây, giá trị của nhiều hàng hoá khác nhau được biểu hiện qua giá trị sử dụng của một loại hàng hoá đặc biệt được dùng làm vật ngang giá chung.
Lúc đầu vật ngang giá chung được cố định vào nhiều đối tượng khác nhau, như súc vật, da thú, vỏ sò, v. v.. Nhưng về sau, sự phân công xã hội được thực hiện sâu rộng hơn nữa, làm cho thị trường được mở rộng hơn nữa, tình trạng có nhiều vật ngang giá chung đã làm khó khăn cho việc trao đổi. Tình hình đó đòi hỏi phải có một vật ngang giá chung duy nhất, theo đó vai trò làm vật ngang giá chung chỉ được cố định vào một đối tượng duy nhất làm cho đối tượng này trở thành tiền tệ.

d. Hình thái tiền tệ của giá trị (a hàng hoá A hoặc b hàng hoá B hoặc c hàng hoá C hoặc vân vân = d hàng hoá D).
Hình thái tiền tệ chỉ khác hình thái chung ở điểm này: vai trò làm vật ngang giá chung đã được cố định hẳn vào một đối tượng duy nhất, làm cho đối tượng này trở thành tiền tệ.
Lúc đầu, vai trò làm tiền tệ hoặc vật ngang giá chung được gắn cho một số kim loại quý, như vàng, bạc, đồng, v. v.. Về sau, vai trò đó được gắn cho một loại kim loại quý duy nhất. Kim loại đó chính là vàng.
Nói chung, sự phân công xã hội phát triển đến một mức độ nhất định sẽ làm phát sinh sự sai lệch nhu cầu trong xã hội, theo đó A cần sản phẩm của B nhưng B lại không cần sản phẩm của A mà cần sản phẩm của C, còn C lại không cần sản phẩm của B mà cần sản phẩm của A, v. v., cứ như thế mở rộng cho nhiều ngành sản xuất khác nữa. Tình trạng đó đòi hỏi phải có một loại hàng hoá đặc biệt được dùng làm vật ngang giá chung để trao đổi lẫn nhau giữa các hàng hoá thông thường. Loại hàng hoá đặc biệt đó chính là tiền tệ.
Tiền tệ xuất hiện làm cho thế giới hàng hoá bị phân hoá thành hai cực đối lập nhau: một cực gồm các hàng hoá thông thường hoặc những đối tượng sử dụng; còn một cực lại chỉ có tiền tệ hoặc hàng hoá đặc biệt làm vật ngang giá chung cho tất cả các hàng hoá thông thường. Sự chuyển hoá lẫn nhau giữa hai cực đó lại làm phát sinh các hàng hoá đặc biệt khác, khác hẳn cả tiền tệ lẫn các hàng hoá thông thường, các hàng hoá đó được gọi là hàng hoá ảo; hàng hoá này có thể có giá cả mà không nhất thiết phải có giá trị, như quyền sử dụng tiền tệ cũng như quyền sử dụng lao động, v. v., khác hẳn hàng hoá thực vốn có cả giá cả lẫn giá trị. Nhưng dù thế giới hàng hoá có chuyển hoá như thế nào đi chăng nữa, tiền tệ vẫn nổi lên làm cực đối lập với tất cả các hàng hoá khác, tức là làm vật ngang giá chung cho tất cả các hàng hoá đó.
Sự đối lập giữa tiền tệ với hàng hoá thể hiện rõ rệt nhất qua hiện tượng này: giá trị sử dụng của hàng hoá chỉ biểu hiện qua việc sử dụng nhưng giá trị sử dụng của tiền tệ lại chỉ biểu hiện qua việc trao đổi mà thôi. Giá trị sử dụng của hàng hoá biểu hiện như thế nào qua việc sử dụng, sự thể đó tự nó đã rõ ràng; nhưng giá trị sử dụng của tiền tệ biểu hiện như thế nào qua việc trao đổi, sự thể đó lại tỏ ra mơ hồ cùng cực. Vậy cần phải khảo sát giá trị sử dụng của tiền tệ biểu hiện cụ thể như thế nào trong trao đổi.

2. Chức năng của tiền tệ.

Trong trao đổi, giá trị sử dụng của tiền tệ biểu hiện qua các chức năng của nó: thước đo giá trị, phương tiện lưu thôngtiền tệ hoặc tiền bạc (của cải xã hội).

a. Thước đo giá trị.
Để đơn giản hoá sự việc, ta giả định vàng được dùng làm tiền tệ mặc dù tiền tệ không nhất thiết chỉ phải biểu hiện thành vàng.
Vì cũng có giá trị hoặc cũng được tạo ra bằng lao động nên vàng được dùng làm thước đo để đo lường giá trị của các hàng hoá khác. Tuy nhiên, vì trong thực tế, giữa giá trị của hàng hoá với giá trị của vàng đã có một tỷ lệ nhất định, nên khi làm thước đo giá trị, vàng không nhất thiết phải có thật mà chỉ cần được giả thiết thành vàng tưởng tượng cũng được.
Nhờ được đo lường bằng vàng mà giá trị của hàng hoá chuyển hoá thành giá cả. Ở đây, vàng trở thành giá cả của hàng hoá. Vậy giá cả, về mặt chất, được quy định bởi giá trị, nhưng về mặt lượng, lại được quy định bởi số lượng giá trị, theo đó tổng số giá cả phải bằng tổng số giá trị. Tuy nhiên, vì vàng được dùng để đo lường giá trị của hàng hoá nên giá cả hoặc số lượng vàng tỷ lệ thuận với giá trị của hàng hoá nhưng lại tỷ lệ nghịch với giá trị của vàng.
Giá cả có đại lượng luôn luôn bị ảnh hưởng bởi tương quan giữa cung với cầu về hàng hoá, nếu cung lớn hơn cầu thì giá cả giảm sút hoặc nhỏ hơn giá trị của hàng hoá; hoặc ngược lại, nếu cung nhỏ hơn cầu thì giá cả gia tăng hoặc lớn hơn giá trị của hàng hoá.
Để làm thước đo giá trị, bản thân vàng hoặc tiền tệ cũng phải được đo lường bằng các đơn vị đo lường tiền tệ. Đơn vị đo lường đó là một khối lượng nhất định kim loại quý được dùng làm tiền tệ. Đơn vị đo lường đó cùng các phần chia nhỏ của nó được dùng làm tiêu chuẩn giá cả. Tác dụng của tiền tệ được dùng làm tiêu chuẩn giá cả khác hẳn tác dụng của tiền tệ được dùng làm thước đo giá trị. Làm thước đo giá trị, tiền tệ đo lường giá trị của các hàng hoá khác; nhưng làm tiêu chuẩn giá cả, tiền tệ lại đo lường số lượng của chính cái kim loại được dùng làm tiền tệ. Giá trị của vàng thay đổi như thế nào không ảnh hưởng đến cái chức năng làm tiêu chuẩn giá cả của nó.

b. Phương tiện lưu thông.
Vì làm vật ngang giá chung nên tiền tệ được dùng làm môi giới trung gian cho sự trao đổi lẫn nhau giữa các hàng hoá, tức là tiền tệ được dùng làm phương tiện lưu thông. Làm phương tiện lưu thông, tiền tệ làm thay đổi hình thức cho sự trao đổi: từ sự trao đổi trực tiếp hàng hoá này với hàng hoá khác, H – H, sự trao đổi trở thành sự trao đổi gián tiếp hàng hoá này với hàng hoá kia được môi giới bởi tiền tệ, H – T – H, theo đó hàng hoá (H) trao đổi với tiền tệ (T), rồi tiền tệ lại trao đổi với hàng hoá. Cứ như thế, sự trao đổi trở thành lưu thông hàng hoá hoặc quá trình lưu thông. Vì hàng hoá có thể chuyển hoá thành tiền tệ cũng như tiền tệ có thể chuyển hoá thành hàng hoá nên lưu thông hàng hoá biểu hiện thành H – T – H có thể chuyển hoá thành lưu thông tiền tệ biểu hiện thành T – H – T, theo đó tiền tệ chuyển hoá thành hàng hoá rồi hàng hoá lại chuyển hoá thành tiền tệ. Sự thể này không thể hình dung nổi đối với các nhà marxist!
Ở đây, hàng hoá di chuyển từ người bán sang người mua làm cho tiền tệ phải di chuyển ngược lại từ người mua sang người bán. Vậy muốn thực hiện được sự trao đổi này, cần phải có tiền tệ thật sự chứ không phải tiền tệ tưởng tượng như tiền tệ làm thước đo giá trị.
Phương tiện lưu thông lúc đầu biểu hiện thành vàng thoi hoặc bạc nén. Nhưng vì những cái này gây nên khó khăn cho sự trao đổi, như phải phân chia thành nhiều mảnh nhỏ hoặc phải xác định số lượng cùng mức độ nguyên chất, v. v., gây lãng phí cả thì giờ lẫn sức lực, nên về sau chúng được thay thế dần dần bằng tiền đúc, tức là khối kim loại đúc được xác định rõ ràng về cả trọng lượng lẫn giá trị, ngoài ra còn có hoa văn tượng trưng. Qua quá trình lưu thông, tiền đúc bị hao mòn làm cho nó bị hao mòn giá trị. Tình trạng tiền đúc bị hao mòn như vậy đã dẫn đến việc thay thế nó bằng tiền tệ bằng giấy (paper–money). Bản thân cái tiền tệ này chỉ có giá trị quy ước chứ không có giá trị thực tế, nó chỉ được dùng làm ký hiệu cho giá trị mà thôi. Nhà nước nói chung phát hành đồng thời bắt buộc xã hội phải công nhận. Việc phát hành tiền tệ bằng giấy để lưu thông thay vàng, phải căn cứ vào giá trị của số lượng vàng được thay thế. Nếu lạm phát, tức là phát hành tiền tệ bằng giấy với số lượng lớn hơn số lượng cần thiết cho lưu thông, thì sẽ làm thua thiệt cho những người nào bán chịu đồng thời làm lợi lộc cho những người nào mua chịu; nhưng nếu giảm phát, tức là phát hành tiền tệ bằng giấy với số lượng nhỏ hơn số lượng cần thiết cho lưu thông, thì sẽ ngược lại: làm lợi lộc cho những người nào bán chịu đồng thời làm thua thiệt cho những người nào mua chịu.
Trao đổi xong, hàng hoá được sử dụng rồi biến mất, nhưng tiền tệ lại phải được giữ lại để tiếp tục làm phương tiện lưu thông. Vậy phương tiện lưu thông phải có một số lượng nhất định hoặc một số lượng cần thiết để lưu thông hàng hoá.
Khối lượng tiền tệ cần thiết để làm phương tiện lưu thông (được ký hiệu bằng M) bằng tổng số giá cả của tất cả các hàng hoá cần được bán (được ký hiệu bằng P) chia cho tốc độ luân chuyển của một đơn vị tiền tệ (được ký hiệu bằng V), tức là M = P/V. Hoặc có thể diễn đạt quy luật đó theo một cách khác: M = P.Q/V, trong đó P đại biểu cho tổng số giá cả của một loại hàng hoá nhất định cần được bán, còn Q đại biểu cho tất cả các hàng hoá cần được đưa vào lưu thông.
Vì làm cho việc mua có thể tách khỏi việc bán nên phương tiện lưu thông có thể tạo ra sự gián đoạn cho lưu thông hàng hoá hoặc gây nên khủng hoảng kinh tế tuỳ thuộc vào xã hội được tổ chức theo chính thể nào. Nếu xã hội được tổ chức theo chính thể chuyên chế thì khả năng đó chắc chắn sẽ trở thành hiện thực; ngược lại, nếu xã hội được tổ chức theo chính thể dân chủ thì khả năng đó sẽ khó hoặc thậm chí không thể trở thành hiện thực. Tôi sẽ chứng minh cho sự thể này bằng mục V.

c. Tiền tệ hoặc tiền bạc. Của cải xã hội hoặc sự thống nhất thước đo giá trị với phương tiện lưu thông thành của cải đó.
Ta đã biết tiền tệ với hai chức năng: thước đo giá trị và phương tiện lưu thông. Làm chức năng thứ nhất, tiền tệ chỉ biểu hiện trên ý niệm thành tiền tệ tưởng tượng hoặc biểu hiện thành giá cả của hàng hoá; còn làm chức năng thứ hai, tiền tệ lại phải biểu hiện thành tiền tệ thực tế để thực hiện giá cả của hàng hoá, nhờ đó mà nó có thể được biểu hiện bằng những ký hiệu tượng trưng. Nhưng ở đây cũng còn có một chức năng nữa đòi hỏi tiền tệ phải thực hiện để trở thành hàng hoá tiền tệ hoặc vật ngang giá thật sự của hàng hoá, tức là cái chỉnh thể thống nhất thước đo giá trị với phương tiện lưu thông. Với chức năng này, tiền tệ phải thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau tuỳ từng trường hợp cụ thể. Tuy nhiên, trong tất cả các trường hợp đó, tiền tệ đều biểu hiện thành tiền tệ hoặc tiền bạc, hoặc biểu hiện thành của cải xã hội như người ta thường nói để phân biệt với hai chức năng kia 6).

c1. Việc tích trữ tiền tệ – phương tiện tích trữ.
Vì tiền tệ vừa làm thước đo giá trị vừa làm phương tiện lưu thông nên nó đem lại cho người nắm giữ nó những lợi thế trong trao đổi, khiến người này muốn nắm giữ mãi mà không muốn rời bỏ tiền tệ, hơn nữa còn muốn tích trữ tiền tệ càng nhiều càng tốt. Vậy muốn giành được lợi thế trong trao đổi, người ta buộc phải tích trữ tiền tệ để rồi trở thành kẻ tích trữ tiền bạc.
Nhờ được tích trữ mà tiền tệ trở thành tiền bạc. Xét về mặt chất, tiền bạc không bị hạn chế gì, nó có thể chuyển hoá ngay thành mọi thứ hàng hoá. Nhưng xét về mặt lượng, tiền bạc lại bị hạn chế bởi số lượng của nó, theo đó, với mỗi số lượng nhất định, tiền bạc chỉ có một sức mua hữu hạn mà thôi. Mâu thuẫn đó bắt buộc kẻ tích trữ tiền bạc phải liên tục tích trữ tiền bạc. Sự thể này cũng tất yếu như nhân loại phải sống bằng kinh tế thị trường vậy.
Thông thường chỉ có vàng hoặc bạc mới được tích trữ hoặc được dùng làm phương tiện tích trữ. Khối lượng vàng hoặc bạc được tích trữ có thể co giãn theo lưu thông hàng hoá. Nếu lưu thông hàng hoá mà giảm sút thì khối lượng vàng hoặc bạc được dùng làm phương tiện tích trữ lại có thể gia tăng; hoặc ngược lại.
Vậy tích trữ tiền bạc chẳng qua chỉ dự trữ tiền tệ cho lưu thông hàng hoá mà thôi.

c2. Việc thanh toán nợ nần – phương tiện thanh toán.
Muốn mua được hàng hoá mà vẫn giữ lại được tiền tệ, người ta chỉ có thể phải mua chịu mà thôi. Hoặc muốn bán được hàng hoá cho những người có tiền tệ vốn cũng không muốn chi ra tiền tệ để mua hàng hoá, người ta chỉ có thể phải bán chịu mà thôi. Việc mua bán chịu như vậy làm cho tiền tệ trở thành phương tiện thanh toán được dùng để thanh toán nợ nần.
Việc mua bán chịu mà được mở rộng sẽ làm giảm sút khối lượng tiền tệ cần thiết cho lưu thông (M). Ở đây, khối lượng tiền tệ đó sẽ bằng tổng số giá cả cần được thực hiện của các hàng hoá được đưa vào lưu thông (P) cộng với tổng số nợ nần đã đến kỳ hạn thanh toán (W) trừ đi tổng số nợ nần đã bù trừ cho nhau (K) rồi lại trừ đi việc sử dụng hai lần hoặc nhiều hơn thế cùng một đơn vị tiền tệ được dùng làm cả phương tiện lưu thông lẫn phương tiện thanh toán (I), rồi cuối cùng chia cho tốc độ luân chuyển của đơn vị tiền tệ đó (V), tức là M = (P + W – K – I)/V = [(P + W) – (K + I)]/V.
Việc mua bán chịu mà được mở rộng cũng sẽ tạo ra những điều kiện chắc chắn cho khả năng khủng hoảng trở thành một hiện thực tất yếu. Quan hệ nợ nần mà được mở rộng đến một mức độ nào đó, nếu một khâu nợ nần nhất định mà không thanh toán được thì sẽ kéo theo hàng loạt khâu nợ nần khác không thanh toán được, làm cho toàn bộ hệ thống kinh tế sụp đổ. Muốn né tránh được cái tai hoạ đó, người ta phải dự trữ được tiền tệ thực tế với một khối lượng đủ lớn để bảo đảm thanh toán được nợ nần.

c3. Thị trường thế giới – tiền tệ thế giới.
Sự trao đổi mà được mở rộng trên khắp thế giới sẽ hình thành thị trường thế giới làm cho tiền tệ phải trở thành tiền tệ thế giới, được dùng làm phương tiện mua giữa các nước khác nhau, hoặc được dùng làm phương tiện thanh toán giữa các nước đó, hoặc được dùng để di chuyển của cải từ nước này sang nước khác. Thông thường chỉ có vàng mới được dùng làm tiền tệ thế giới. Muốn có một đơn vị tiền tệ nào đó có thể thay thế được vàng trên thị trường thế giới đồng thời có thể làm được một loại tiền tệ duy nhất trên thị trường đó, nền kinh tế thế giới phải được nhất thể hoá triệt để đến tận từng tế bào của nó. Nhưng muốn cho nền kinh tế thế giới được nhất thể hoá như vậy, lại cần phải dân chủ hoá thế giới để thiết lập một thế giới đại đồng với một nhà nước chung hoạt động theo nguyên tắc dân chủ bảo đảm được cho mọi cá nhân đều được tự do.

III – KHÁI QUÁT QUY LUẬT GIÁ TRỊ.

Do mỗi cá nhân nhất định có nhu cầu phong phú về nhiều thứ khác nhau trong khi lại chỉ có khả năng hạn chế để tự thoả mãn nhu cầu đó nên nhân loại nói chung tất yếu phải sống bằng kinh tế thị trường, theo đó các cá nhân sản xuất rồi trao đổi với nhau theo quy luật giá trị để thoả mãn nhu cầu của mình.
Quy luật giá trị quy định rằng: 1) Sự trao đổi chỉ xảy ra giữa các đối tượng khác nhau về giá trị sử dụng đồng thời phải giống nhau hoặc bằng nhau về giá trị trao đổi (giá trị). Hoặc chỉ những đối tượng khác nhau về giá trị sử dụng đồng thời phải giống nhau hoặc bằng nhau về giá trị mới trao đổi được với nhau. 2) Tổng số giá trị phải bằng tổng số sức lao động đã hao tổn để tạo ra hàng hoá. 3) Việc trao đổi phải dựa vào sự hao tổn sức lao động bằng nhau, tức là phải có sự cân bằng trong trao đổi. Sự cân bằng ở đây chỉ có ý nghĩa tương đối, tức là sự cân bằng chỉ được xác định bởi lòng tin thông qua sự thoả thuận giữa các bên trao đổi, theo đó các bên trao đổi tin tưởng rằng các hàng hoá được trao đổi với nhau đại biểu cho những sức lao động bằng nhau mà không hề có bất cứ một thước đo nào có thể đo lường được chính xác những sức đó. 4) Số lượng tiền tệ cần thiết cho lưu thông bằng tổng số giá cả cần được thực hiện của tất cả các hàng hoá cần bán chia cho tốc độ luân chuyển của chính bản thân tiền tệ. Hoặc nói thật rõ ràng hơn: số lượng tiền tệ cần thiết cho lưu thông được quyết định bởi tổng số giá trị của chính số lượng tiền tệ đó. 5) Mặc dù cung lớn hơn cầu sẽ làm cho giá cả giảm sút hoặc cung nhỏ hơn cầu sẽ làm cho giá cả gia tăng, nhưng xét theo từng giai đoạn hoặc từng thời hạn nhất định, tổng số giá cả phải bằng tổng số giá trị. Tuy nhiên, quy luật giá trị tác động sẽ phát sinh các hàng hoá đặc biệt khác, khác hẳn cả tiền tệ lẫn các hàng hoá thông thường, các hàng hoá đó được gọi là hàng hoá ảo; hàng hoá này có thể có giá cả mà không nhất thiết phải có giá trị, như quyền sử dụng tiền tệ cũng như quyền sử dụng lao động, v. v., khác hẳn hàng hoá thực vốn có cả giá cả lẫn giá trị. Khi ấy, giá cả có đại lượng tuỳ thuộc trực tiếp vào mối tương quan giữa cung với cầu mà không tuỳ thuộc trực tiếp vào lượng giá trị, tức là không tuỳ thuộc vào giá trị có đại lượng ra sao. Sự thể đó có ý nghĩa rằng: quy luật giá trị tác động làm cho giá cả độc lập với giá trị khiến tổng số giá cả không nhất thiết phải bằng tổng số giá trị hoặc hai đại lượng đó bị chi phối bởi hai đại lượng khác nhau, theo đó nếu số lượng giá trị được quy định bởi số lượng sức lao động thì số lượng giá cả lại được quy định bởi lợi ích giới hạn. Số lượng giá cả được quy định như thế nào bởi lợi ích giới hạn, vấn đề này đã được giải đáp chính xác bởi lý thuyết giới hạn, mà trong đó điển hình nhất thuộc về lý thuyết giá cả được xác lập bởi Alfred Marshall (xin hãy xem mục IV, tiết 4, tại chương này). Vân vân.
Mặc dù quy luật giá trị đòi hỏi sự cân bằng trong trao đổi, tức là mọi sự trao đổi đều phải dựa vào sự hao phí sức lao động bằng nhau. Nhưng sự cân bằng chỉ tồn tại thực tế trên lý thuyết mà thôi; trong thực tế, quy luật giá trị có hay không đạt được sự cân bằng hoặc đạt được sự cân bằng như thế nào còn phụ thuộc vào thể chế chính trị có tính chất ra sao. Nếu thể chế chính trị mà có tính chất dân chủ thì quy luật giá trị có thể đạt được sự cân bằng nhưng sự cân bằng ở đây chỉ biểu hiện tương đối thành một xu hướng tất yếu mà thôi, nó có thể được xác lập ở chỗ này vào lúc này nhờ các quy tắc nghiêm minh nhưng lại có thể bị phá vỡ ở chỗ khác vào lúc khác bởi những phát kiến cá nhân xảy ra thường xuyên trong chính thể dân chủ, những phát kiến này làm cho năng suất lao động gia tăng, năng suất lao động gia tăng lại làm cho lượng giá trị luôn luôn thay đổi, một lượng giá trị nhất định vào lúc này có thể đại biểu cho 2 giờ lao động nhưng vào lúc khác lại chỉ có thể đại biểu cho 1 giờ lao động mà thôi. Sự thay đổi như vậy tất yếu phải phá vỡ nguyên tắc ngang bằng về hao phí sức lao động trong sự trao đổi. Xu hướng tất yếu này đã được đề cập rất mập mờ bởi George Soros với những khái niệm hết sức kỳ lạ, như tính có thể sai, tính phản xạ, xã hội mở, v. v.. Nếu thể chế chính trị mà có tính chất chuyên chế thì quy luật giá trị không thể đạt được sự cân bằng mà chỉ rơi vào sự xiêu lệch biểu hiện trực tiếp thành tình trạng bất công, ở đây sự cân bằng luôn luôn bị phá vỡ bởi một quyền lực độc đoán vừa mù quáng vừa tàn nhẫn làm cho quy luật giá trị bị biến dạng quay quắt hoặc chỉ biểu hiện quay quắt đến nỗi hình như không tồn tại, từ đó làm cho nhiều nhà kinh tế học phủ nhận nó. George Soros không hề biết được sự thể này.
Chính vì chỉ tồn tại như vậy nên quy luật giá trị luôn luôn phân hoá nhân loại thành nhiều loại người khác nhau tương ứng với nhiều thành phần xã hội khác nhau.
Vì quy luật giá trị đòi hỏi việc trao đổi phải dựa vào sự hao tổn sức lao động bằng nhau khiến việc sản xuất chỉ đòi hỏi phải hao tổn sức lao động ở mức độ cần thiết nên muốn được lợi trong trao đổi, tất cả các nhà sản xuất đều phải cách mạng hoá công nghệ của mình để giảm bớt sự hao tổn sức lao động sao cho thấp hơn mức độ cần thiết, qua đó làm cho lực lượng sản xuất phát triển. Hơn nữa, do các cá nhân khác nhau luôn luôn khác nhau về cả thể chất lẫn trí tuệ nên trong cuộc chạy đua về cách mạng hoá công nghệ, nhà sản xuất nào mà nhanh nhạy hơn sẽ thành công rồi trở nên giàu có; ngược lại, nhà sản xuất nào mà chậm chạp sẽ thất bại rồi trở nên bần cùng. Như vậy, quy luật giá trị có tác dụng hai mặt: kích thích lực lượng sản xuất phát triển đồng thời phân hoá nhân loại thành hai loại đối lập nhau, bao gồm những người giàu tồn tại song song với những người nghèo, tức là nó tạo ra cái cơ sở kinh tế cho tất cả các trật tự xiêu lệch sau này cùng tất cả các phương thức bóc lột khác nhau dựa trên các trật tự đó. Do có tác dụng hai mặt như vậy nên quy luật giá trị đòi hỏi xã hội phải được tổ chức theo chính thể dân chủ để quy luật này có thể phát huy được tác dụng tích cực (kích thích lực lượng sản xuất phát triển) đồng thời có thể tiêu giảm tác dụng tiêu cực (phân hoá nhân loại thành các giai cấp hoặc các tầng lớp đối lập nhau), tức là chính thể dân chủ có thể ngăn ngừa được những hậu quả tai ác phát sinh từ chính quy luật giá trị.
Điều kiện trực tiếp để quy luật giá trị hoạt động là một mặt phải có sự phân công xã hội cho lao động hoặc tư nhân hoá lao động xã hội; mặt khác, phải tư nhân hoá tư liệu sản xuất xã hội hoặc mỗi nhà sản xuất tư nhân phải có quyền sử dụng tư nhân đối với tư liệu sản xuất xã hội.

IV – CÁC LÝ THUYẾT VỀ GIÁ TRỊ, HOẶC QUÁ TRÌNH KHẢO SÁT QUY LUẬT GIÁ TRỊ TỪ NHỮNG GÓC ĐỘ KHÁC NHAU.

Do có tác dụng chi phối đối với hoạt động kinh tế của nhân loại, nên quy luật giá trị đã cấu thành nền tảng cơ bản nhất cho toàn bộ kinh tế học chính trị, nó được quan sát từ nhiều góc độ khác nhau đồng thời được khái quát theo nhiều chiều hướng khác nhau, tương ứng với nhiều lý thuyết khác nhau. Ở đây ta chỉ đề cập những lý thuyết có ảnh hưởng lớn đối với tư duy kinh tế học mà thôi.

1. Lý thuyết cổ điển (the classical theory).

Hầu hết các yếu tố cơ bản nhất của quy luật giá trị đã được thiết lập bởi lý thuyết cổ điển. Lý thuyết này được bắt đầu từ William Petty ở Anh cùng với François Quesnay ở Pháp, phát triển đến đỉnh cao với Adam Smith ở Anh, rồi được kết thúc bởi David Ricardo cũng ở Anh cùng với Simonde de Sismondi ở Thuỵ sỹ và Pháp.
Theo lý thuyết cổ điển, giá trị của hàng hoá được quyết định bởi lao động đã hao phí để tạo ra hàng hoá; các hàng hoá phải có số lượng giá trị bằng nhau hoặc phải được tạo ra trong một khoảng thời gian bằng nhau với một mức độ hao phí lao động bằng nhau, mới trao đổi được với nhau; khối lượng tiền tệ cần thiết để lưu thông hàng hoá được quyết định bởi hai yếu tố: tổng số giá cả của tất cả các hàng hoá được đưa vào lưu thông và tốc độ luân chuyển của một đơn vị tiền tệ; tổng số giá cả bằng tổng số giá trị; v. v.. Nhưng khi quy định giá trị, lý thuyết cổ điển chỉ nói đến lao độngkhông hề nói đến sức lao động hoặc động lực của lao động. Sự thể đó cho thấy rằng, ở lý thuyết này, lao động bị tách rời khỏi sức lao động, hoặc hai cái đó bị tách rời nhau. Sự tách rời này, vốn chỉ được thực hiện rất tự phát, rõ ràng chỉ biểu hiện thế giới quan cơ học của vật lý học cổ điển đang rất thịnh hành vào thời kỳ đó, tức là lý thuyết cổ điển vẫn chưa có một định nghĩa nào hoàn toàn đúng đắn về giá trị mà chỉ có một định nghĩa gần đúng cùng với một định nghĩa hoàn toàn sai lầm về giá trị. Từ đó lý thuyết này không giải thích được sự đối lập giữa giá trị sử dụng với giá trị trao đổi của hàng hoá. Mặc dù nó đã cố gắng rất nhiều để làm việc này, nhưng càng cố gắng, nó càng bị sa vào những mâu thuẫn trong việc quy định giá trị. Sự thể này biểu hiện rõ rệt nhất qua các định nghĩa của A. Smith về giá trị, ông này có một định nghĩa gần đúng về giá trị: “lao động là thước đo thực tế của giá trị”, đồng thời cũng lại có một định nghĩa sai lầm về giá trị: “giá trị của một hàng hoá nhất định hoặc bằng số lượng lao động mà người ta có thể mua được bằng hàng hoá đó” (định nghĩa này chỉ phù hợp với cái hình thức biểu hiện trái ngược của quan hệ tư bản, có tác dụng che đậy hoặc xuyên tạc nội dung thực tế của quan hệ đó; theo định nghĩa này, lao động của người làm thuê chỉ tạo ra tiền công cho mình chứ không tạo ra lợi nhuận cho nhà tư bản, tức là nhà tư bản đã chi trả cho người làm thuê toàn bộ giá trị đã được tạo ra bằng chính lao động của người làm thuê, hoặc nhà tư bản không hề bóc lột lao động của người làm thuê). Chính vì cái mâu thuẫn này, nên về sau một mặt lý thuyết cổ điển không thể giải thích được nhiều hiện tượng kinh tế của nền sản xuất tư bản; mặt khác, lý thuyết này bị phân hoá thành hai xu hướng đối lập nhau: xu hướng thứ nhất biểu hiện thành lý thuyết tầm thường, còn xu hướng thứ hai lại biểu hiện thành lý thuyết marxist. Hơn nữa, lý thuyết cổ điển cũng bỏ qua hoặc không đề cập tính chất bái vật của hàng hoá, tính chất mà theo đó, giá trị biểu hiện quan hệ lợi ích giữa người với người làm cho bất cứ đối tượng nào được đặt vào đấy cũng có giá cả hoặc trở thành cái có giá cả dù đối tượng đó có hay không có giá trị hoặc có hay không được tạo ra bằng lao động. Chính vì bỏ qua tính chất bái vật của hàng hoá nên lý thuyết cổ điển chỉ phản ánh được sự tồn tại của các hàng hoá thông thường chứ không phản ánh được sự tồn tại của các hàng hoá đặc biệt vốn cấu thành đặc trưng riêng biệt cho một nền sản xuất nhất định trong lịch sử, tức là lý thuyết này biểu hiện quan niệm cơ giới về thế giới hàng hoá, từ đó tất yếu phải dẫn đến quan niệm tự nhiên chủ nghĩa về các hiện tượng kinh tế. Kể cả D. Ricardo, mặc dù luôn luôn dựa vào định nghĩa gần đúng của A. Smith về giá trị để cố gắng giải thích sự trao đổi giữa nhà tư bản với người làm thuê, nhưng ông vẫn không phát hiện được một loại hàng hoá đặc biệt tồn tại trong sự trao đổi đó, một loại hàng hoá mà hình thái giá cả của nó biểu hiện thành tiền công, tức là ông không giải thích được đúng đắn hoặc chỉ giải thích sai lầm bản chất của tiền công. Tương tự như vậy, D. Ricardo cũng như tất cả các nhà kinh tế học cổ điển đều không phát hiện được một loại hàng hoá đặc biệt tồn tại trong sự trao đổi giữa người cho vay với người đi vay mà hình thái giá cả của nó biểu hiện thành lợi tức, tức là không giải thích được đúng đắn bản chất của lợi tức.
Nói chung, với lý thuyết cổ điển, quy luật giá trị được mô tả theo xu hướng dung hoà, vừa thừa nhận lại vừa phủ nhận, cái mâu thuẫn đối kháng giữa nhà tư bản với người làm thuê, sao cho phù hợp với lợi ích của cả nhà tư bản lẫn người làm thuê đồng thời có lợi cho giai cấp tư bản trong cuộc đấu tranh chống chế độ phong kiến, cho sự thắng thế của nền sản xuất tư bản đối với nền sản xuất phong kiến.

2. Lý thuyết tầm thường (the normal theory).

Lý thuyết tầm thường đã tầm thường hoá lý thuyết cổ điển, nó được bắt đầu từ Jean Baptiste Say ở Pháp (1803), phát triển qua cả Thomas Robert Malthus (1820) lẫn James Mill (1821) ở Anh, rồi được kết thúc bởi Henry Charles Carey ở Mỹ (1837 và 1840) với nhiều cố gắng rất lớn nhằm một mặt xoá nhoà sự đối lập giữa giá trị sử dụng với giá trị trao đổi của hàng hoá, hoặc quy hai cái đó thành một; mặt khác phủ nhận vai trò quyết định của lao động đối với sự hình thành giá trị trao đổi để khẳng định vai trò quyết định của tư liệu sản xuất đối với sự hình thành giá trị đó, qua đó mà biện minh cho lợi ích của các nhà tư bản (kể cả các địa chủ) vốn sở hữu tư liệu sản xuất, tức là phủ nhận sự bóc lột của nhà tư bản đối với người làm thuê cũng như phủ nhận sự bóc lột nói chung của người hữu sản đối với người vô sản.
Theo J. B. Say, lao động tạo ra giá trị sử dụng hoặc tính chất hữu ích, tính chất này lại truyền giá trị cho các vật phẩm làm cho các vật phẩm có giá trị hoặc trở thành hàng hoá (!) tức là về mặt chất, giá trị được quy định bằng giá trị sử dụng, theo đó, về mặt lượng, nếu giá trị sử dụng mà càng lớn thì giá trị cũng vậy; hoặc ngược lại. Nhưng thực tế lại trái ngược với sự quy định này, thực tế số lượng giá trị biến thiên trái ngược với số lượng giá trị sử dụng, theo đó nếu giá trị sử dụng mà gia tăng thì giá trị lại giảm sút, hoặc ngược lại. Để giải thích sự biến thiên trái ngược như vậy, J. B. Say đã tạo ra sự đối lập giữa tính chất dồi dào với tính chất khan hiếm cho giá trị sử dụng, rằng hàng hoá nào mà càng ít hoặc càng khan hiếm, hàng hoá đó sẽ có giá trị càng lớn; hoặc ngược lại. Như vậy, J. B. Say đã rơi vào một mâu thuẫn logic: một mặt cho rằng, giá trị tỷ lệ thuận với giá trị sử dụng, mặt khác lại cho rằng, hai cái đó tỷ lệ nghịch với nhau. J. B. Say đã giải quyết mâu thuẫn này bằng việc quy tiền công thành giá trị được tạo ra bởi giá trị sử dụng của lao động, quy lợi nhuận thành giá trị được tạo ra bởi giá trị sử dụng của tư bản và quy địa tô thành giá trị được tạo ra bởi giá trị sử dụng của điền địa, qua đó mà quy cả ba yếu tố vật chất: lao động, tư bản và điền địa, thành ba yếu tố sản xuất, tức là J. B. Say đã thiết lập được lý thuyết về ba yếu tố sản xuất để phủ nhận sự bóc lột.
Dựa vào sự quy định sai lầm của lý thuyết cổ điển, theo đó giá trị của một hàng hoá nhất định được quyết định bởi cái lao động có thể mua được bằng hàng hoá đó, T. R. Malthus đã quy định lại (vào năm 1820) rằng, số lượng lao động có thể mua đuợc bằng hàng hóa, bằng những chi phí cần thiết để tạo ra hàng hoá (những chi phí này bao gồm: chi phí về cả lao động hiện tại lẫn lao động quá khứ, cộng với lợi nhuận của tư bản ứng trước, tức là T. R. Malthus đã thiết lập được lý thuyết về chi phí sản xuất để phủ nhận sự bóc lột). Sự quy định như vậy đã củng cố vững chắc sự quy định sai lầm của lý thuyết cổ điển, một sự quy định trái ngược hoàn toàn với sự kiện thực tế. Chính vì trái ngược như vậy nên sự quy định của T. R. Malthus đã bị phản bác dữ dội bởi J. Mill.
Vì muốn bảo vệ D. Ricardo nên J. Mill đã dựa vào sự quy định gần đúng của lý thuyết cổ điển, theo đó giá trị được tạo ra bằng lao động. Nhưng J. Mill lại quy định thêm (vào năm 1821) rằng, lao động ở đây phải bao gồm cả lao động hiện tại lẫn lao động quá khứ. Từ sự quy định này, người ta dễ dàng suy ra rằng: lao động hiện tại tạo ra tiền công, lao động quá khứ (biểu hiện thành tư bản) tạo ra lợi nhuận, cũng tương tự, điền địa tạo ra địa tô, tức là vừa đi đến lý thuyết về chi phí sản xuất vừa đi đến lý thuyết về ba yếu tố sản xuất, mà cả hai trường hợp này đều phủ nhận sự bóc lột. Vậy J. Mill không những không bảo vệ được D. Ricardo, mà “vô tình” còn tầm thường hoá hơn nữa lý thuyết cổ điển.
Cuối cùng, H. C. Carey đã hoàn thiện lý thuyết tầm thường bằng việc quy giá trị thành chi phí để tái sản xuất hàng hoá, theo đó giá trị của hàng hoá được quyết định bởi chi phí để tái sản xuất hàng hoá. H. C. Carey lập luận rằng, với việc gia tăng năng suất cho lao động, chi phí lao động để tái tạo ra các sản phẩm sẽ giảm sút, làm cho cả giá trị của tư bản lẫn lợi tức cũng giảm sút, nhưng giá trị của lao động cũng như phần tỷ lệ của nó trong sản phẩm của nó lại gia tăng tương ứng. Vậy theo cách lập luận này, người làm thuê không những không bị bóc lột mà còn được lợi lộc một cái gì đó nữa (!) Sự thể này trái ngược hoàn toàn với sự kiện thực tế.
Nói chung, với lý thuyết tầm thường, quy luật giá trị đã được mô tả theo xu hướng phủ nhận hoặc che đậy cái mâu thuẫn đối kháng giữa nhà tư bản với người làm thuê sao cho phù hợp với lợi ích cục bộ của nhà tư bản cũng như địa chủ.

3. Lý thuyết marxist (the marxist theory).

Lý thuyết marxist được thiết lập vào khoảng giữa thế kỷ XIX bởi cả Karl Marx lẫn Friedrich Engels, hai nhân vật nổi bật nhất trong số các lãnh tụ hàng đầu của phong trào công nhân quốc tế vốn rất tin tưởng rằng rồi mai đây nhân loại sẽ xây dựng được một thiên đường ngay trên địa cầu, tức là xã hội cộng sản chủ nghĩa, trong đó mọi người bình đẳng với nhau về mọi mặt.
Loại bỏ sự quy định sai lầm về giá trị, K. Marx đã cố gắng kế thừa những yếu tố khoa học của lý thuyết cổ điển, ông đã giải thích được chính xác sự đối lập giữa giá trị trao đổi với giá trị sử dụng của hàng hoá bằng tính chất hai mặt của lao động tạo ra hàng hoá, tức là tính chất vừa cụ thể vừa trừu tượng của lao động đó. Theo K. Marx, chính tính chất hai mặt của lao động sản xuất hàng hoá đã tạo ra sự đối lập giữa giá trị trao đổi với giá trị sử dụng cho hàng hoá. Đây là một trong các phát kiến lớn nhất đối với toàn bộ kinh tế học chính trị từ trước đến nay; với phát kiến này, phép biện chứng duy vật (mà về thực chất lại rất phibiện chứng) đã được áp dụng lần đầu tiên vào kinh tế học chính trị để dẫn đến các kết luận cực đoan về kinh tế thị trường. Chính nhờ phát kiến này mà một mặt K. Marx đã phát hiện được tính chất bái vật của hàng hoá, theo đó giá trị chỉ biểu hiện quan hệ sản xuất giữa người với người, mà quan hệ này, theo K. Marx, phải được lấy làm đối tượng nghiên cứu cho môn kinh tế học chính trị; mặt khác, K. Marx đã giải thích được chính xác hầu hết các hiện tượng kinh tế của nền sản xuất tư bản, trừ tiền công cùng với lợi tức vẫn chưa được giải thích chính xác theo lý thuyết của ông về giá trị.
Có thể nhận định rõ ràng hơn rằng: ở lý thuyết marxist có hai định nghĩa khác nhau về giá trị. Định nghĩa thứ nhất chỉ lặp lại định nghĩa gần đúng của lý thuyết cổ điển cho rằng giá trị là lao động đã hao phí để tạo ra hàng hoá. Định nghĩa thứ hai hoàn toàn đúng đắn cho rằng giá trị là sức lao động đã hao phí để tạo ra hàng hoá. Nhưng thật đáng tiếc, cái định nghĩa đúng đắn như vậy chỉ xuất hiện có một lần duy nhất đồng thời lại thể hiện rất mờ nhạt qua cái mệnh đề này: “sức lao động của toàn thể xã hội biểu hiện trong toàn bộ các giá trị7). Cái định nghĩa này không bao giờ được dùng làm cơ sở khách quan hoặc điểm xuất phát cho toàn bộ lý thuyết kinh tế marxist. Trái lại, toàn bộ lý thuyết kinh tế marxist đều dựa cả vào định nghĩa thứ nhất vốn liên quan hữu cơ với cái định nghĩa đầy tư biện về lao động trừu tượng (K. Marx đã định nghĩa rất mâu thuẫn về lao động đó), từ đó không sao tránh khỏi cái mâu thuẫn ngay trong định nghĩa về giá trị: một mặt khẳng định rằng lao động nói chung (bao gồm cả lao động cụ thể lẫn lao động trừu tượng) tạo ra giá trị, nhưng mặt khác lại khẳng định rằng chỉ có lao động trừu tượng mới tạo ra giá trị. Cái mâu thuẫn này không cho phép giải thích được đúng đắn bản chất của cả tiền công lẫn lợi tức.
Thật vậy, mặc dù đã biết rằng, tổng số giá trị phải bằng tổng số sức lao động đã hao tổn để tạo ra hàng hoá cũng như tổng số giá cả phải bằng tổng số giá trị, nhưng K. Marx vẫn quy tiền công thành giá cả của sức lao động, theo đó sức lao động được quy thành một loại hàng hoá đặc biệt được đem trao đổi giữa nhà tư bản với người làm thuê mà hình thái giá cả của nó biểu hiện thành tiền công, trong khi thực tế, tổng số tiền công bao giờ cũng nhỏ hơn tổng số giá trị được hình thành từ tổng số sức lao động của người làm thuê đã hao tổn để tạo ra hàng hoá cho nhà tư bản, tức là tổng số tiền công phải nhỏ hơn tổng số sức lao động đó. Vậy sự quy định đó chỉ đúng đắn đối với quan hệ giản đơn (thuần tuý) của nền sản xuất hàng hoá, chứ hoàn toàn sai lệch hoặc không đúng đắn đối với quan hệ tư bản của sản xuất đó, tức là sự quy định đó nếu tuân theo quy luật giá trị thì vẫn chưa khám phá được một loại hàng hoá đặc biệt tồn tại trong sự trao đổi giữa nhà tư bản với người làm thuê mà hình thái giá cả của nó biểu hiện thành tiền công, tức là giải thích không được chính xác bản chất của tiền công.
Cũng tương tự như thế, mặc dù đã biết rằng tổng số giá cả phải bằng tổng số giá trị, nhưng K. Marx vẫn quy lợi tức thành giá cả của tư bản, theo đó tư bản được quy thành một loại hàng hoá đặc biệt được đem trao đổi giữa người cho vay với người đi vay mà hình thái giá cả của nó biểu hiện thành lợi tức, trong khi thực tế, với một thời hạn nhất định, khối lượng của lợi tức phải nhỏ hơn khối lượng của “tư bản” hoặc tổng số giá trị được đem cho vay phải nhỏ hơn tổng số giá trị được hoàn trả cho người cho vay sau một thời hạn nhất định, bao gồm “tư bản” cộng với lợi tức. Vậy sự quy định này, nếu tuân theo quy luật giá trị thì vẫn chưa khám phá được một loại hàng hoá đặc biệt được đem trao đổi giữa người đi vay với người cho vay mà hình thái giá cả của nó biểu hiện thành lợi tức, tức là cũng giải thích không được chính xác bản chất của lợi tức. Ở lý thuyết marxist, mối liên hệ hữu cơ giữa lao động với sức lao động đã được xác lập nhưng rất mờ nhạt, chỉ biểu hiện ngẫu nhiên qua một mệnh đề duy nhất mà ta đã biết: “sức lao động của toàn thể xã hội biểu hiện trong toàn bộ các giá trị”, tức là tổng số giá trị bằng tổng số sức lao động đã hao phí để tạo ra hàng hoá, cũng như tổng số giá trị bằng tổng số lao động đã hao phí để tạo ra hàng hoá, từ đó suy ra rằng lao động được đồng nhất với sức lao động hoặc được đồng nhất với động lực của nó. Tuy nhiên, về sau mối liên hệ này lại bị xoá nhoà hoặc bị gạt bỏ, biểu hiện qua việc quy tiền công thành giá cả của sức lao động, tức là cũng chỉ lặp lại dưới một hình thức khác sự quy định của lý thuyết cổ điển, theo đó sức lao động vẫn bị tách rời khỏi lao động hoặc hai cái đó vẫn bị tách rời nhau. Vì theo sự quy định thật sự khoa học, sức lao động phải được quy thành lao động hoặc lao động phải được quy thành sức lao động, cũng như khối lượng phải được quy thành năng lượng vậy, nên rõ ràng, sự quy định tiền công của lý thuyết marxist chỉ lặp lại sự quy định tiền công của lý thuyết cổ điển mà thôi.
Tuy nhiên, hạn chế đặc thù của lý thuyết marxist về giá trị lại không biểu hiện qua hai sự việc đó (hai sự việc đó thật ra đã có ở lý thuyết cổ điển) mà chỉ biểu hiện qua việc quy định điều kiện trực tiếp cho quy luật giá trị hoạt động. Theo K. Marx, sản xuất hàng hoá không chỉ dựa vào sự phân công xã hội cho lao động mà còn phải dựa vào quyền sở hữu tư nhân đối với tư liệu sản xuất nữa, theo đó mỗi loại tư liệu sản xuất phải được sở hữu bởi một người sản xuất nhất định. Thật ra, sự quy định này chỉ có ý nghĩa thực tế đối với các xã hội trước kia vốn chỉ được tổ chức theo nguyên tắc chuyên chế, trong đó quả thật, mỗi loại tư liệu sản xuất vừa được sử dụng lại vừa được sở hữu bởi một người sản xuất nhất định; còn đối với xã hội hiện đại được tổ chức theo nguyên tắc dân chủ, trong đó mỗi loại tư liệu sản xuất nhất định thường được sở hữu bởi rất nhiều cổ đông hoặc chủ nợ ở bên ngoài sản xuất, hoặc chẳng liên quan gì đến sản xuất, sự quy định ấy lại mất ý nghĩa thực tế. Thực tế trong xã hội hiện đại, sở hữu tư nhân vẫn tồn tại cùng với sản xuất hàng hoá nhưng lại mất tác dụng chi phối trực tiếp đối với sản xuất đó; ở đây sản xuất hàng hoá không dựa vào sở hữu tư nhân mà lại dựa vào sở hữu tập thể, theo đó mỗi doanh nghiệp nhất định được sở hữu bởi một tập thể rất đông gồm cả các cổ đông lẫn các chủ nợ. Sự thể đó chứng tỏ rằng sản xuất hàng hoá tồn tại độc lập với tính chất cũng như hình thức của chế độ sở hữu, làm bộc lộ cái hạn chế đặc thù của lý thuyết marxist về giá trị. Hạn chế này bắt nguồn từ cái giả thuyết communist cho rằng, xã hội tư bản nhất định phải được thay thế bằng xã hội cộng sản chủ nghĩa, trong đó sở hữu tư nhân bị thủ tiêu hoàn toàn hoặc được thay thế bằng sở hữu công cộng, theo đó toàn bộ tư liệu sản xuất xã hội đều được sở hữu chung bởi mọi thành viên cấu thành xã hội, làm cho sản xuất hàng hoá cũng bị tiêu vong cùng với sự bóc lột được sinh ra từ sản xuất đó. Chính giả thuyết này về sau lại được dùng làm kết luận cho toàn bộ lý thuyết kinh tế marxist, rằng sản xuất tư bản nhất định phải được thay thế bằng sản xuất cộng sản chủ nghĩa. Một kết luận như vậy đã làm cho K. Marx không thể nhìn thấy việc gia tăng giá trị có thể được thực hiện theo nhiều phương thức khác nhau tùy theo xã hội được tổ chức theo trật tự nào, tức là K. Marx không thể nhìn thấy chế độ chính trị có vai trò quyết định đối với phương thức sản xuất. Ông không thể nào hình dung được rằng việc gia tăng giá trị không chỉ được thực hiện theo phương thức tư bản mà còn có thể được thực hiện theo phương thức tín dụng một khi kinh tế thị trường hoặc kinh tế hàng hóa được định hướng bởi chính thể dân chủ.
Tóm lại, so với lý thuyết cổ điển, lý thuyết marxist tiến bộ hơn với phát kiến về tính chất hai mặt của lao động cùng tính chất bái vật của hàng hoá, nhờ đó mà lý thuyết này đã xác lập được một cơ sở lý thuyết tương đối hoàn chỉnh cho phép giải thích khá chính xác một số hiện tượng kinh tế của nền sản xuất tư bản (mặc dù phải trừ tiền công cùng với lợi tức vẫn chưa được giải thích chính xác theo lý thuyết này, nhưng sự thể đó không phải vì lý thuyết giá trị mà thật ra chỉ vì thực tế của nền sản xuất đó). Tuy nhiên, do sai lầm trong việc quy định điều kiện trực tiếp cho sản xuất hàng hoá – quy quyền sở hữu tư nhân đối với tư liệu sản xuất thành một trong hai điều kiện trực tiếp để sản xuất hàng hoá, cùng với sự phân công xã hội cho lao động – đồng thời bỏ qua mà không giải thích nguyên nhân sâu xa dẫn đến kinh tế thị trường, nên lý thuyết này không thể được dùng làm cơ sở khoa học để giải thích chính xác bản chất của nền sản xuất hiện đại, vốn không chỉ khác biệt mà còn đối lập hẳn với nền sản xuất tư bản về cả chế độ sở hữu lẫn phương thức vận hành. Muốn trở thành cơ sở khoa học để làm được việc đó, lý thuyết marxist phải được giải phóng khỏi cái giả thuyết nói trên, vốn có thái độ phủ nhận đối với sản xuất hàng hoá cùng với quy luật giá trị. Cũng như trước kia, cách đây gần một trăm năm, vật lý học phải được giải phóng khỏi giả thuyết éther mới phát triển được rực rỡ như ngày nay. Nhưng quan trọng hơn, cần phải giải thích được đúng đắn nguyên nhân sâu xa dẫn đến kinh tế thị trường như tôi đã làm bằng chương này.
Với lý thuyết marxist, quy luật giá trị đã được khái quát theo xu hướng thừa nhận cái mâu thuẫn đối kháng giữa nhà tư bản với người làm thuê nhằm biện minh cho lợi ích của người làm thuê đồng thời chống lại lợi ích của nhà tư bản, tức là nhằm xoá bỏ cái mâu thuẫn đó bằng bạo lực, từ đó dẫn đến những hệ quả tai ác không thể lường trước được.

4. Lý thuyết giới hạn (the marginal theory).

Lý thuyết giới hạn còn được gọi là lý thuyết cận biên xuất hiện vào cuối thế kỷ XIX, được đề xuất bởi Stanley JevonsAnh, Herman GossenĐức, Karl Menger, Bohm BawerkLudwig von MisesÁo, được phát triển lên đến đỉnh cao bởi John Bate ClarkMỹLeon WalrasThuỵ sỹ, rồi được kết thúc bởi Alfred MarshallAnh.
Về nội dung, lý thuyết giới hạn bắt nguồn trực tiếp từ lý thuyết tầm thường, cũng lấy giá trị sử dụng làm cơ sở cho giá trị. Nhưng khác với lý thuyết tầm thường, lý thuyết giới hạn đã quy giá trị thành lợi ích giới hạn cho giá trị sử dụng. Theo lý thuyết này, giá trị sử dụng được quyết định bởi lợi ích ở chính nó, cả lợi ích chủ quan lẫn lợi ích khách quan, cả lợi ích trừu tượng lẫn lợi ích cụ thể, cả lợi ích hiện thực lẫn lợi ích tiềm tàng. Theo đà thoả mãn nhu cầu, lợi ích có xu hướng giảm sút; việc gia tăng số lượng cho giá trị sử dụng để thoả mãn nhu cầu sẽ làm cho nhu cầu gia tăng mức độ bão hoà nhưng giảm sút mức độ cấp thiết, nhu cầu giảm sút mức độ cấp thiết làm cho giá trị sử dụng sau sẽ có lợi ích nhỏ hơn lợi ích ở giá trị sử dụng trước; với một số lượng nhất định, giá trị sử dụng cuối cùng sẽ trở thành giá trị sử dụng giới hạn, làm cho lợi ích ở giá trị sử dụng đó trở thành lợi ích giới hạn, lợi ích này có tác dụng quyết định đối với lợi ích chung cho toàn bộ giá trị sử dụng. Vậy nếu giá trị sử dụngcàng lớn thì giá trị đó sẽ có lợi ích giới hạn càng nhỏ, làm cho giá trị đó có giá trị cũng càng nhỏ; hoặc ngược lại. Tóm lại, lý thuyết giới hạn đã lấy lợi ích giới hạn để giải thích sự đối lập giữa giá trị trao đổi với giá trị sử dụng trong hàng hoá.
Về hình thức hoặc phương pháp, lý thuyết giới hạn đã kết hợp sự kiện kinh tế với sự kiện toán học, đã sử dụng khái niệm giới hạn của toán học vào giải thích các hiện tượng kinh tế cùng mối liên quan số lượng giữa các hiện tượng đó. Sự thể đó biểu hiện việc bắt chước khoa học tự nhiên nhằm cố gắng đạt được những thành công có ảnh hưởng như ảnh hưởng từ những phát minh được thực hiện bởi khoa học đó, đồng thời gán những tính chất vốn chỉ có ở khoa học đó cho kinh tế học chính trị. Vì giải thích các sự kiện kinh tế bằng các sự kiện toán học, tức là lượng hoá các hiện tượng kinh tế hoặc quy mỗi hiện tượng đó thành một đại lượng toán học, nên một mặt, lý thuyết giới hạn chỉ giải thích các mối liên quan bên ngoài giữa các sự kiện kinh tế, nhờ đó mà chỉ đúng đắn đối với giá cả mà không đúng đắn đối với giá trị; mặt khác, lý thuyết đó lại bỏ qua hoặc không giải thích những quan hệ lợi ích giữa người với người trong xã hội hiện đại bị che giấu bởi chính các sự kiện đó, mặc dù thực tế, ngay cả việc giải thích giá trị, nó cũng đã ngấm ngầm che giấu hoặc biện minh hết sức tinh vi cho các quan hệ đó theo chiều hướng thiên vị cho những người nào chỉ dựa vào sở hữu để tiêu dùng mà không sản xuất. Thật vậy, việc lấy lợi ích giới hạn để quy định giá trị cho hàng hoá đã biểu hiện rõ ràng nhãn quan cho một giai cấp mới đang hình thành, giai cấp thực lợi vào giai đoạn hình thành, giai cấp này chỉ dựa vào quyền sở hữu để tiêu dùng mà không hề sản xuất. Theo sự quy định ấy, giá trị của hàng hoá được quyết định bởi ước muốn chủ quan của giai cấp thực lợi chứ không phải được quyết định bởi sức lao động của các giai cấp sản xuất.
Nói chung, với lý thuyết giới hạn, quy luật giá trị đã được mô tả theo xu hướng phủ nhận đối với sự bóc lột nói chung. Chính vì phủ nhận sự bóc lột nói chung nên lý thuyết này chỉ tỏ ra đúng đắn với kinh tế thị trường đã phát triển đầy đủ thành nền kinh tế tín dụng dựa trên chính thể dân chủ làm cho sự bóc lột bị suy giảm đến con số không (0) nhưng sai lầm nghiêm trọng với kinh tế thị trường phát triển cực đoan thành nền kinh tế tư bản dựa trên chính thể chuyên chế làm cho sự bóc lột được gia tăng đến xung đột xã hội, tức là phủ nhận một phương thức bóc lột hoàn toàn mới lạ chỉ thông qua trao đổikhông phải dựa vào sản xuất. Lý thuyết giới hạn chỉ cho phép người ta thấy được chính thể dân chủ tốt đẹp như thế nào mà không cho phép người ta thấy được chính thể chuyên chế xấu xa như thế nào. Nguyên nhân thật đơn giản: lý thuyết này tách rời kinh tế khỏi chính trị hoặc bỏ qua mà không tính đến tác động ảnh hưởng từ chế độ chính trị đến hoạt động kinh tế. Chính nguyên nhân này cũng đã giải thích được tại sao lý thuyết giới hạn lại có thể bị lạm dụng dễ dàng vào việc biện bạch tinh vi cho việc bóc lột tàn tệ người lao động trong chính thể chuyên chế. Với cái vẻ bề ngoài rất hợp lý nhờ các công thức toán học, lý thuyết giới hạn thường tự mâu thuẫn với chính mình khi phải giải quyết các vấn đề chính trị: từ chỗ chỉ thấy được bản chất nhân loại có khuyết tật mà không thấy được bản chất nhân loại có tính chất hai mặt (vừa tốt vừa xấu), lý thuyết này đi đến chỗ không thể nào toán học hóa được bản chất nhân loại, tức là không thể nào chuyển hóa được bản chất nhân loại thành các đại lượng toán học, khiến lý thuyết này đành phải giả định sai lạc rằng: bản chất nhân loại có khuyết tật. Thật ra, việc giả định sai lạc rằng: bản chất nhân loại có khuyết tật, chỉ đã cho thấy lý thuyết giới hạn có khuyết tật.

5. Nhận xét khái quát.

Có một thực tế rất đáng chú ý là hầu hết tất cả các lý thuyết kinh tế học từ trước đến nay đều có khả năng mắc sai sót, chính khả năng này đã làm cho chúng chỉ có giá trị nhất thời: có thể đúng đắn với nơi này nhưng chưa chắc đã đúng đắn với nơi khác hoặc có thể đúng đắn với lúc này nhưng chưa chắc đã đúng đắn với lúc khác. Một điều đáng chú ý hơn nữa là hầu hết các nhà kinh tế học nói riêng cũng như các nhà xã hội học nói chung đều không nắm được nguyên nhân làm cho các lý thuyết kinh tế học đó bị lâm vào tình trạng nói trên. Đó là tác động ảnh hưởng từ thể chế chính trị đến các quy luật kinh tế cũng như sự tác động qua lại (thậm chí xung đột quyết liệt!) giữa các loại chính thể khác nhau cùng tồn tại trên địa cầu. Chính những tác nhân này đã làm cho các quy luật kinh tế luôn luôn bị biến dạng, từ đó làm cho các lý thuyết kinh tế học nói trên không thể phản ánh được chính xác về chúng. Ví dụ, quy luật giá trị luôn luôn đòi hỏi phải có sự cân bằng đồng thời luôn luôn hướng tới sự cân bằng nhưng không phải ở đâu nó cũng đạt được sự cân bằng mà cũng không phải lúc nào nó cũng đạt được sự cân bằng, nó có hay không đạt được sự cân bằng còn phụ thuộc vào thể chế chính trị có tính chất ra sao, nó tuyệt đối không thể đạt được sự cân bằng trong chính thể chuyên chế (nơi mà toàn bộ quyền lực đều tập trung hết cả vào một số ít cá nhân nào đó!) mà chỉ có thể đạt được sự cân bằng trong chính thể dân chủ (nơi mà mọi cá nhân đều có quyền lực như nhau!) nhưng sự cân bằng ở đây cũng chỉ được xác lập tạm thời rồi lại bị phá vỡ bởi hành động tự do của các cá nhân khác nhau để rồi sau một thời hạn nhất định lại được tái xác lập với một trạng thái khác, cứ như thế mà sự cân bằng trở thành sự cân bằng động, tức là sự cân bằng ở đây cũng chỉ rất tương đối mà thôi. Tôi sẽ chứng minh cho sự thể này bằng các chương sau.
Sở dĩ có tình trạng trên đây chỉ vì hầu hết các nhà kinh tế học cũng như các nhà xã hội học nói chung đều lấy quyết định luận kinh tế làm nền tảng triết học để lập luận. Theo quyết định luận đó, kinh tế quyết định chính trị; đối lập với quyết định luận chính trị cho rằng: chính trị quyết định kinh tế. Xin quý độc giả hãy nghiên cứu nghiêm túc toàn bộ khoa học xã hội để hiểu được sâu rộng hơn về mối liên quan giữa chính trị với kinh tế 8).

V – PHÂN CHIA LOẠI HÌNH CHO KINH TẾ THỊ TRƯỜNG.

Kinh tế thị trường được phân chia rõ ràng thành hai loại hình khác nhau hoặc thậm chí đối lập nhau như nước với lửa: kinh tế thị trường theo nguyên tắc áp đặt khác hẳn với kinh tế thị trường theo nguyên tắc tự do.
Kinh tế thị trường theo nguyên tắc áp đặt là kinh tế thị trường dựa trên chính thể chuyên chế hoặc chế độ độc tài làm cho một hoặc một số ít cá nhân nhất định nắm được quyền lực chính trị sẽ chi phối toàn bộ kinh tế thị trường để áp bức bóc lột tất cả các cá nhân khác.
Chính thể chuyên chế là chế độ chính trị tập trung cả ba quyền lực khác nhau: lập pháp, hành pháptư pháp, vào một cá nhân duy nhất hoặc một số ít cá nhân nào đó có chung cả quyền lợi lẫn ý đồ, làm cho chế độ này vận hành theo ba nguyên tắc tương ứng: 1/ Nhà nước chuyên chế phải bạo hành đối với dân chúng làm cho dân chúng khiếp sợ mà phục tùng nhà nước đó; 2/ Nhà nước chuyên chế phải cướp bóc đối với dân chúng làm cho dân chúng nghèo túng mà phục tùng nhà nước đó; 3/ Nhà nước chuyên chế phải dối trá đối với dân chúng làm cho dân chúng ngu dốt mà phục tùng nhà nước đó.
Dựa trên chính thể chuyên chế, kinh tế thị trường ắt chỉ có tình trạng bóc lột diễn biến ngày càng tàn tệ: lợi nhuận gia tăng song song với tiền công giảm sút, từ đó ắt phải dẫn đến xung đột xã hội, tạo ra tiền đề cần thiết cho sự phủ định đối với nền kinh tế đó. Hiện nay, Trung quốc cũng như Việt nam đang vận hành nền kinh tế thị trường thuộc về loại này.
Kinh tế thị trường theo nguyên tắc tự do là kinh tế thị trường dựa trên chính thể dân chủ với nhà nước pháp quyền bảo đảm công bằng cho tất cả mọi cá nhân tham dự.
Chính thể dân chủ là chế độ chính trị phân chia cả ba quyền lực khác nhau: lập pháp, hành pháp và tư pháp, cho mọi cá nhân, làm cho chế độ này vận hành theo ba nguyên tắc tương ứng: 1/ Nhà nước dân chủ phải được tổ chức theo quy chế phân lập tam quyền, theo đó nhà nước này phải được phân chia thành ba cơ quan khác nhau để thực hiện độc lập ba quyền lực tương ứng: cơ quan lập pháp thực hiện quyền lực lập pháp, cơ quan hành pháp thực hiện quyền lực hành pháp và cơ quan tư pháp thực hiện quyền lực tư pháp; sự phân chia quyền lực như vậy làm cho các nhà cầm quyền không thể lạm dụng được quyền lực nhà nước; 2/ Nhà nước dân chủ phải được làm chủ theo nguyên tắc đa nguyên bình đẳng bởi toàn thể nhân dân, theo đó nhà nước này phải bị kiểm sát chặt chẽ bởi xã hội dân sự với nhiều tổ chức độc lập để ngăn ngừa các điều luật bất công dẫn đến tai hoạ cho dân chúng, cũng như phương tiện giao thông phải có phanh hãm thật tốt để phòng tránh tai nạn giao thông; 3/ Nhà nước dân chủ phải được bảo tồn theo chế độ bầu cử tự do hoặc phải hoạt động theo nhiệm kỳ; sau mỗi nhiệm kỳ nhất định, nhà nước này phải thay đổi nhân sự thông qua bầu cử tự do, theo đó mọi cá nhân đều phải được tham gia lựa chọn những người có cả tài năng lẫn đức hạnh làm người lãnh đạo đồng thời cũng đều phải được ứng cử làm người lãnh đạo, nhưng chỉ được ứng cử vào một trong ba cơ quan khác nhau: lập pháp, hành pháptư pháp, nếu ứng cử vào cơ quan này thì không được ứng cử vào hai cơ quan kia hoặc nếu đắc cử vào cơ quan này thì phải từ bỏ chức vụ ở hai cơ quan kia để người đắc cử chỉ nắm được một trong ba quyền lực khác nhau: lập pháp, hành pháptư pháp.
Dựa trên chính thể dân chủ, kinh tế thị trường ắt phải loại trừ tình trạng bóc lột: lợi nhuận gia tăng song song với tiền công gia tăng. Thu nhập cho người lao động không chỉ có tiền công mà còn phải bao gồm cả một phần lợi nhuận được phân chia thông qua thị trường chứng khoán. Thị trường này chỉ tồn tại được chủ yếu phụ thuộc vào lòng tin vốn chỉ được nuôi dưỡng thường xuyên bởi chính chính thể dân chủ. Chính thể dân chủ ắt phải dẫn đến hợp tác xã hội làm nền tảng chắc chắn cho nền kinh tế thị trường phát triển bền vững với những hình mẫu điển hình nhất thuộc về Tây Âu châu, Bắc Mỹ châu, Úc châu, Nhật bản, v. v..
Do hoạt động theo quy luật giá trị nên kinh tế thị trường dù dựa trên bất cứ chính thể nào cũng luôn luôn diễn biến theo từng chu kỳ nhất định: hết hưng thịnh sẽ đến khủng hoảng. Tuyệt đối không thể có bất cứ phương thuốc nào có thể làm cho kinh tế thị trường tránh được khủng hoảng mà chỉ có thể có phương thuốc hữu hiệu khắc phục được khủng hoảng cho kinh tế thị trường. Chỉ những người nào có trí óc lành mạnh mới có thể tìm kiếm được phương thuốc đó, ngoài ra chỉ những bệnh nhân tâm thần mới tìm kiếm phương thuốc nào đó làm cho kinh tế thị trường tránh được khủng hoảng: chính K. Marx đã hiểu được đúng như vậy khiến ông không tìm kiếm bất cứ phương thuốc nào để làm cho kinh tế thị trường tránh được khủng hoảng mà chỉ lấy cách mạng cộng sản làm phương thuốc đặc trị để tiêu diệt kinh tế thị trường nhưng cuộc Cách mạng Dân chủ ở Đông Âu châu từ năm 1989 đến năm 1991 đã chứng tỏ rõ ràng rằng phương thuốc đó còn nguy hiểm hơn cả phương thuốc nào đó làm cho kinh tế thị trường tránh được khủng hoảng 9).
Nếu xã hội được tổ chức theo chính thể chuyên chế thì kinh tế thị trường sẽ bị biến dạng quay quắt thể hiện trần trụi qua các hiện tượng phổ biến sau đây:
1. Áp đặt giá cả cho cả người mua lẫn người bán.
Nhà nước chuyên chế thường phải khống chế chặt chẽ hoặc độc quyền kiểm soát các loại hàng hoá cần thiết nhất cho đời sống bao gồm cả sản xuất lẫn tiêu dùng, như năng lượng, tài nguyên, nước sạch, các phương tiện tải chuyển thông tin, v. v.. Nhà nước chuyên chế phải áp đặt giá cả cao ngất cho các hàng hoá đó để làm giàu cho các nhà cầm quyền chuyên chế đồng thời khống chế toàn bộ sinh hoạt kinh tế của dân chúng. Nếu người mua mà không mua các hàng hoá đó của nhà nước chuyên chế thì sẽ không thể mua được các hàng hoá đó của người khác, người khác không có các hàng hoá đó. Người mua buộc phải mua các hàng hoá đó của nhà nước chuyên chế với giá cả cao ngất. Tình trạng này làm cho các công ty tư nhân phải gia tăng chi phí sản xuất dẫn đến doanh lợi cũng như lợi nhuận giảm sút, tức là việc kinh doanh tự do gặp rất nhiều khó khăn bắt nguồn trực tiếp từ việc nhà nước chuyên chế luôn luôn bán hàng hoá với giá cả cao hơn giá trị của nó. Ở đây chính thể chuyên chế làm biến dạng quy luật giá trị làm cho quy luật này tác động theo xu hướng cực đoan: làm giàu cho những kẻ bất lương đồng thời bần cùng hoá tất cả những người lương thiện hoặc thúc đẩy kẻ mạnh bóc lột tàn tệ kẻ yếu. Quy luật này đã bị biến dạng thành sự trao đổi sai lệch giá trị theo nguyên tắc ép buộc, không thuận mua mà cũng chẳng vừa bán, theo đó kẻ mạnh bắt buộc người yếu phải mua hàng hoá với giá cả cao hơn giá trị của nó đồng thời phải bán hàng hoá với giá cả thấp hơn giá trị của nó. Chính thể chuyên chế làm cho quy luật giá trị chỉ phát huy được tác dụng tiêu cực đối với xã hội: phân hoá giàu nghèo đồng thời sinh ra các tệ nạn.
2. Làm giả hàng hoá hoặc sản xuất hàng hoá kém chất lượng.
Cùng với việc áp đặt giá cả cho cả người mua lẫn người bán, nhà nước chuyên chế còn làm giả hàng hoá hoặc sản xuất hàng hoá kém chất lượng, cụ thể là bớt xén năng lượng, ăn cắp nguyên liệu, sử dụng lao động có tay nghề thấp, v. v., tạo ra những hàng hoá kém chất lượng để bán với giá cả cao hơn giá trị của nó. Trong các hàng hoá này phải kể đến các công trình xây dựng cũng như các dịch vụ về giáo dục, y tế, thông tin, v. v.. Nói chung tất cả các hàng hoá nào được tạo ra bởi nhà nước chuyên chế đều kém chất lượng nhưng lại có giá cả rất cao. Nếu có một công ty “quốc doanh” nào đó mà sản xuất được những hàng hoá có chất lượng tốt lại rẻ nữa thì cái công ty ấy thật ra đã bị tư hữu hoá đến tận từng tế bào của nó rồi, chủ sở hữu công ty ấy không phải là nhà nước chuyên chế nữa mà là những cá nhân nào đó, những cá nhân này có thể vẫn làm quan chức cho nhà nước chuyên chế nhưng phải làm nhà kinh doanh chân chính mới có thể tạo ra được các hàng hoá vừa tốt vừa rẻ. Với trường hợp này, danh nghĩa quan chức chỉ làm chỗ dựa cho các chủ sở hữu tiến hành được thuận tiện việc kinh doanh mà thôi, người ta làm quan chức để bòn rút tài sản của dân chúng rồi dùng tài sản bòn rút được để mua cổ phần của các công ty quốc doanh, biến các công ty quốc doanh thành các công ty tư doanh rồi mới có thể kinh doanh nghiêm chỉnh được. Nhưng vì tất cả các công ty tư doanh như vậy chỉ cạnh tranh với nhau theo nguyên tắc chuyên chế nên chỉ có công ty nào mạnh hơn hoặc được bảo kê bởi nhà nước chuyên chế mới tồn tại được.
Lưu ý rằng làm giả hàng hoá khác hẳn hàng hoá làm giả mặc dù hai cái đó có mục đích giống nhau: làm giả hàng hoá là làm ra hàng hoá có chất lượng kém nhưng lại có giá cả rất cao, cao hơn giá trị của nó; còn hàng hoá làm giả lại là hàng hoá có giá trị sử dụng không có lợi hoặc thậm chí còn nguy hiểm cho người tiêu dùng nữa. Tất nhiên việc làm giả hàng hoá mà phát triển thái quá cũng sẽ đưa đến việc tạo ra hàng hoá làm giả.
Ở đây chính thể chuyên chế đã làm biến dạng quy luật giá trị ngay từ quá trình sản xuất, quy luật này vốn đòi hỏi việc sản xuất chỉ phải hao phí sức lao động ở mức độ cần thiết mà thôi, nhưng ở đây quy luật này lại biểu hiện thành hai dạng đối lập nhau phân hoá thành hai cực đối lập nhau: ở cực này, những kẻ mạnh chỉ hao phí sức lao động thấp hơn mức độ cần thiết dẫn đến làm giàu bất chính; còn ở cực kia, những kẻ yếu lại phải hao phí sức lao động cao hơn mức độ cần thiết dẫn đến phá sản hàng loạt rồi trở nên bần cùng, tức là ở đây chính thể chuyên chế làm cho quy luật giá trị tác động theo xu hướng cực đoan làm cho kẻ mạnh dựa vào bạo lực mà trở nên giàu có đồng thời làm cho kẻ yếu bị o ép bởi bạo lực mà trở nên bần cùng.
3. Làm giả tiền tệ hoặc làm cho tiền tệ bằng giấy giảm sút giá trị quy ước: lạm phát và cất giấu vàng.
Với quyền lực tuyệt đối trong tay, bao gồm cả ba quyền lực khác nhau: lập pháp, hành pháp và tư pháp, lại cộng thêm sự ngu dốt bẩm sinh làm cho bản tính vị kỷ: ích kỷ, tư lợi và tham lam, nổi lên ngút trời, nhà cầm quyền chuyên chế sẵn sàng lạm phát hoặc phát hành bừa bãi tiền tệ bằng giấy để xây dựng thiên đường cho mình ngay trên địa cầu đồng thời thiết lập luôn cả địa ngục cho dân chúng ngay trước mắt mình nữa làm cho tiền tệ bằng giấy bị giảm sút giá trị quy ước trên mỗi đơn vị của nó.
Lạm phát làm cho lưu thông hàng hoá bị ngưng lại. Do tiền tệ bằng giấy bị giảm sút giá trị quy ước trên mỗi đơn vị của nó nên những người có hàng hoá không muốn bán hàng hoá, nếu phải bán hàng hoá thì họ không muốn đổi hàng hoá lấy tiền tệ bằng giấy mà chỉ muốn đổi hàng hoá lấy kim loại quý, tức là vàng. Nói như thế tôi muốn khẳng định rằng: lạm phát làm cho lưu thông hàng hoá chỉ đòi hỏi vàng phải làm phương tiện lưu thông chứ không cần tiền tệ bằng giấy làm phương tiện đó. Nhưng chính lạm phát lại cản trở vàng làm phương tiện lưu thông để phải làm phương tiện tích trữ: khi xảy ra lạm phát, người ta đua nhau săn bắt vàng để tích trữ hoặc cất giấu, làm cho vàng gia tăng giá cả; vàng gia tăng giá cả lại cản trở việc dùng vàng vào lưu thông hàng hoá: người ta sẵn sàng bán hàng hoá với giá cả được quy ra vàng nhưng chẳng dại dột gì mà mua hàng hoá với giá cả được quy ra vàng, tức là lạm phát làm cho vàng không được dùng làm tiền tệ mà chỉ được dùng làm hàng hoá, hoặc nói theo một cách khác dễ hiểu hơn: lạm phát làm cho vàng không được dùng làm phương tiện lưu thông mà chỉ được dùng làm phương tiện tích trữ, khiến những người có tiền tệ chỉ muốn dùng tiền tệ làm phương tiện tích trữ mà không muốn dùng tiền tệ làm phương tiện lưu thông: họ chỉ muốn đổi tiền tệ bằng giấy lấy vàng để cất giấu vàng!
Lưu thông hàng hoá làm cho vàng bị kéo ra khỏi lòng đất để đi vào lưu thông, nhưng lạm phát lại đẩy vàng ra khỏi lưu thông để quay trở về lòng đất. Bị dùng làm phương tiện tích trữ để rồi bị cất giấu vào nơi kín đáo an toàn sẽ chẳng khác gì bị chôn cất vào lòng đất, cũng như một người đang sống mà chẳng làm gì để khẳng định nhân tính của mình sẽ chẳng khác gì một người đã chết 10). Lạm phát còn dẫn đến hàng loạt hệ quả tai ác nữa: 1) Người bán không muốn bán chịu nữa làm cho người mua không thể mua chịu được nữa, hoặc nếu người bán vẫn bán thì phải bán với giá cả cao hơn trước làm cho người mua cũng gặp khó khăn. 2) Các chủ nợ đòi hỏi các con nợ phải thanh toán nợ nần mà các con nợ lại đang thiếu phương tiện thanh toán để có thể thanh toán nợ nần, từ đó dẫn đến những xung đột khốc liệt. 3) Những người làm thuê nhận được tiền công thực tế ít hơn trước dẫn đến mức sống thấp hơn trước. Quyền sử dụng đối với lao động của họ đã bị giảm sút giá cả. Hệ quả này làm cho đời sống của họ khốn khổ hơn trước. 4) Những người có tiền bạc làm tín dụng, bao gồm cả cho vay lấy lãi lẫn đầu tư chứng khoán, cũng nhận được lợi tức thực tế ít hơn trước, tức là quyền sử dụng đối với tiền bạc của họ cũng bị giảm sút giá cả. Ở đây thị trường tài chính nói chung cũng như thị trường chứng khoán nói riêng bị biến dạng hoàn toàn. Hệ quả này làm cho thị trường tài chính nói chung bị rối loạn hoàn toàn. 5) Những người có tài sản đua nhau tích trữ hoặc đầu cơ thực phẩm làm cho thực phẩm gia tăng giá cả, thực phẩm gia tăng giá cả lại làm cho người nghèo khốn đốn hơn trước.
Lạm phát đưa dân chúng xuống địa ngục nhưng lại đưa nhà cầm quyền chuyên chế lên thiên đường. Dân chúng bị mất bao nhiêu cái gì, nhà cầm quyền chuyên chế lại được bấy nhiêu cái đó. Cái giá trị chênh lệch giữa giá cả trước khi lạm phát với giá cả sau khi lạm phát của tất cả các loại hàng hoá không thể chui xuống địa ngục cùng với dân chúng được mà chỉ có thể bay lên thiên đường cùng với nhà cầm quyền chuyên chế mà thôi.
Khác với các thủ đoạn cướp bóc khác, vốn chỉ cướp bóc cục bộ đối với một bộ phận này hay bộ phận khác trong dân chúng, việc lạm phát lại cướp bóc tổng thể đối với toàn thể dân chúng với một mức độ như nhau tuỳ theo tỷ lệ lạm phát mà dân chúng rất khó lường.
Cướp bóc dân chúng đến một mức độ nào đó mà dân chúng không còn gì để ăn nữa bắt đầu phản kháng chống trật tự nô lệ, nhà cầm quyền chuyên chế sẽ phải lạm phát để nuôi sống bộ máy đàn áp đang phình ra ngày càng to lớn hơn. Trong bộ máy này, thực tế có một thiên đường thật sự, làm theo năng lực hưởng theo nhu cầu hoặc thậm chí không làm cũng hưởng, dẫn đến vô số tệ nạn khác nhau. Lạm phát đưa nhà cầm quyền chuyên chế lên thiên đường nhưng lại đưa dân chúng xuống địa ngục: thu nhập vốn đã ít ỏi rồi lại càng ít ỏi hơn nữa mỗi khi xảy ra lạm phát, làm cho các giai cấp lao động ngày càng khốn khổ hơn.
Hãy lưu ý rằng làm giả tiền tệ bằng lạm phát khác hẳn làm giả tiền tệ bằng giấy. Làm giả tiền tệ bằng lạm phát là bằng việc lạm phát, nhà cầm quyền chuyên chế làm cho tiền tệ bằng giấy giảm sút giá trị quy ước biểu hiện thành giá cả leo thang, tức là đánh vào linh hồn của tiền tệ; còn việc làm giả tiền tệ bằng giấy lại là việc làm ra tiền tệ bằng giấy giống cái tiền tệ bằng giấy đã được phát hành bởi nhà nước, tức là đánh vào thể xác của tiền tệ. Cả hai việc này đều có tác dụng tai ác như nhau: đều chiếm đoạt của cải của dân chúng, nhưng hai việc này lại được thực hiện bởi hai chủ thể khác nhau. Việc làm giả tiền tệ bằng việc lạm phát chỉ được thực hiện bởi nhà nước chuyên chế, còn việc làm giả tiền tệ bằng giấy lại chỉ được thực hiện bởi vài ba cá nhân tép diu mà thôi. Ở đây, nếu muốn né tránh được những hệ quả tai ác phát sinh từ lạm phát thì tuyệt đối không nên phát hành tiền tệ bằng giấy để lưu thông thay kim loại quý, chỉ như vậy mới thích hợp với chính thể chuyên chế. Nhưng nếu làm như vậy thì nhà cầm quyền chuyên chế sẽ khó có thể cướp bóc được nhiều đối với dân chúng. Vậy nhà cầm quyền chuyên chế cần phải phát hành tiền tệ bằng giấy để lưu thông thay kim loại quý, chỉ như vậy nhà cầm quyền chuyên chế mới dễ dàng cướp bóc được dân chúng với một quy mô to lớn nhất mà dân chúng không thể hình dung được. Do pháp luật mù quáng làm mất hết lòng tin nên người ta phải cất giấu kim loại quý chứ không đưa kim loại này vào lưu thông mà chỉ đưa tiền tệ bằng giấy vào lưu thông thay thế kim loại này. Sự thể này làm cho tiền tệ bằng giấy tràn ngập thị trường với giá trị quy ước giảm sút nghiêm trọng.
Quy luật lưu thông tiền tệ phát biểu rằng khối lượng tiền tệ được đưa vào lưu thông bằng tổng số giá cả của tất cả các hàng hoá cần được bán chia cho tốc độ luân chuyển của mỗi đơn vị tiền tệ. Quy luật này vốn phù hợp với ý chí chung của mọi cá nhân khác nhau cấu thành xã hội, nhưng ở đây quy luật này đã bị biến dạng bởi tác dụng tai ác của chính thể chuyên chế. Ở đây tốc độ luân chuyển của mỗi đơn vị tiền tệ chỉ được quyết định bởi nhà cầm quyền chuyên chế, tổng số giá cả của tất cả các hàng hoá cần được bán cũng chỉ được quyết định bởi nhà cầm quyền chuyên chế, nhà cầm quyền này vốn dùng bạo lực để kiểm soát mọi thứ, làm cho khối lượng tiền tệ cần thiết được đưa vào lưu thông cũng chỉ được quyết định bởi chính nhà cầm quyền chuyên chế. Sự thể này biểu hiện tập trung rõ rệt nhất qua việc lạm phát.
Một khi kinh tế thị trường đã phát triển hết giới hạn cho phép được quy định bởi chính chính thể chuyên chế, người ta sẽ không thể tìm kiếm được phương thuốc hữu hiệu có thể khắc phục được khủng hoảng cho kinh tế thị trường, trừ khi phải thay thế chính thể chuyên chế bằng chính thể dân chủ; nếu kinh tế thị trường dựa trên chế độ này mà chưa phát triển hết giới hạn cho phép như trên thì ngoại lực có thể giúp kinh tế thị trường vượt qua được khủng hoảng, như khủng hoảng kinh tế tại Việt nam từ năm 1997 đến năm 1999 nhờ được trợ giúp từ Trung quốc mà thoát khỏi đổ vỡ (vì Việt nam bị khủng hoảng kinh tế sẽ làm cho Trung quốc bị nguy khốn toàn diện nên Trung quốc trợ giúp Việt nam chẳng qua chỉ để tự cứu mình!) nhưng tình hình thực tế từ nay trở đi sẽ khác trước rất nhiều: kinh tế thị trường ở Trung quốc đã phát triển hết giới hạn cho phép, hết tiền dự trữ hoặc còn tiền đó nhưng tiền đó bị giấu diếm ở nước ngoài (chủ yếu ở Mỹ) dưới dạng trái phiếu bị khống chế bởi chính phủ ở nước ngoài, mâu thuẫn nội bộ ngày càng gia tăng theo chiều hướng nguy hiểm, v. v., khiến Trung quốc không thể trợ giúp Việt nam mà chỉ có thể phá hoại Việt nam để duy trì sự ổn định tạm thời cho Trung quốc mà thôi.
Nếu xã hội được tổ chức theo chính thể dân chủ thì dù kinh tế thị trường diễn biến theo từng chu kỳ nhất định, người ta vẫn có thể dẫn dắt được kinh tế thị trường vượt qua khủng hoảng để lại phát triển bền vững hơn như nước Mỹ từ năm 2011 đến nay. Quả thật, quy luật giá trị tác động làm cho kinh tế thị trường vận động theo từng chu kỳ nhất định: tăng trưởng đến một mức độ nhất định sẽ bị suy thoái nhưng nhờ được định hướng bởi chính thể dân chủ mà né tránh được đổ vỡ. Với pháp luật nghiêm minh, chính thể dân chủ vừa thúc đẩy dân chúng lựa chọn được những người có tài năng làm người lãnh đạo vừa đòi hỏi nhà nước dân chủ phải được lãnh đạo bởi chính những người có tài năng, làm cho nhà nước này hiểu biết được các quy luật kinh tế hoạt động như thế nào, từ đó bắt buộc nhà nước này phải dự trữ tiền tệ thực tế, tức là tiền tệ làm phương tiện lưu thông, bao gồm cả tiền tệ bằng giấy lẫn kim loại quý (vàng hoặc bạc, nhưng vàng có tầm quan trọng hơn), với một khối lượng đủ lớn để đưa vào lưu thông hàng hoá mỗi khi xuất hiện các dấu hiệu cho thấy sắp sửa xảy ra khủng hoảng kinh tế, chính nhờ có tiền tệ thực tế được dự trữ như vậy mà nền kinh tế thị trường vượt qua được khủng hoảng. Vậy trong chính thể dân chủ, nền kinh tế có thể bị suy thoái nhưng khó có thể hoặc thậm chí không thể bị đổ vỡ. Kết luận này đã được chứng minh rất thực tế bởi lịch sử kinh tế từ năm 1933 đến nay. Vào năm đó, Chính phủ Mỹ đã thiết lập Cục Dự trữ Liên bang (FED) để điều tiết nền kinh tế ở Mỹ; chính nhờ FED mà từ đó đến nay, nền kinh tế ở Mỹ chỉ bị suy thoái mà không bị khủng hoảng như trước đó.

VI – CHỦ NGHĨA XÃ HỘI.

Chủ nghĩa xã hội (Socialism) là một hệ tư tưởng lấy xã hội làm căn bản cho mình, theo đó xã hội bao gồm mọi quan hệ giữa người với người vốn luôn luôn thay đổi vừa làm điểm xuất phát vừa làm phương pháp luận cho việc nhận thức về đời sống xã hội (social existence) nhằm giải phóng xã hội hoặc mưu cầu hạnh phúc cho xã hội, trong đó xã hội được xác định bao gồm tất cả các quan hệ khác nhau luôn luôn thay đổi làm cho tất cả các cá nhân được thỏa mãn nhiều nhu cầu khác nhau vốn cũng luôn luôn thay đổi để tồn tại.
xã hội biểu hiện thành mọi quan hệ giữa người với người vốn luôn luôn thay đổi nên chủ nghĩa xã hội vốn lấy xã hội làm căn bản cho mình cũng phải luôn luôn thay đổi. Chính vì luôn luôn thay đổi nên chủ nghĩa xã hội nhất định phải tồn tại với nhiều loại khác nhau làm cho loại nào cũng không thể tồn tại cố định hoặc không thể tồn tại bất biến mà chỉ có thể tồn tại tạm thời hoặc tồn tại nhất thời thôi. Vì chủ nghĩa xã hội luôn luôn thay đổi với mọi loại hình khác nhau đều chỉ tồn tại tạm thời nên nếu lấy chủ nghĩa xã hội làm nền tảng tinh thần cho xã hội thì xã hội sẽ luôn luôn biến động tang thương. Chủ nghĩa xã hội làm nền tảng tinh thần cho xã hội sẽ làm cho xã hội không thể được tổ chức theo chính thể dân chủ hoặc chính thể cộng hòa vốn phải tồn tại cố định hoặc tồn tại bất biến làm cho xã hội luôn luôn ổn định mà chỉ có thể được tổ chức theo chính thể chuyên chế vốn chỉ tồn tại bất định hoặc tồn tại bấp bênh làm cho xã hội luôn luôn bất ổn. Chính thể chuyên chế làm cho người ta không thể sống đời sống nhân tínhchỉ có thể sống đời sống vật tính. Đời sống vật tính làm cho người ta ắt phải suy nghĩ bằng chủ nghĩa duy vật với ý nghĩa sâu rộng nhất cho khái niệm đó, theo ý nghĩa đó chủ nghĩa duy vật không chỉ biểu hiện thuần túy thành chủ nghĩa duy vật thô lậu hoặc chủ nghĩa duy vật trần trụi mà còn phải biểu hiện trái ngược thành hình thức đối lập với chính nó, tức là chủ nghĩa duy vật còn phải biểu hiện trái ngược thành chủy nghĩa duy tâm nữa làm cho chủ nghĩa duy tâm chẳng qua chỉ làm hình thức trái ngược cho chủ nghĩa duy vật mà thôi. Suy nghĩ bằng chủ nghĩa duy vật ắt phải làm cho người ta coi trọng đời sống kinh tế hoặc lấy đời sống kinh tế làm trọng tâm cho đời sống xã hội. Theo cái tất yếu đó, Karl Marx (1818 – 1883) đã xây dựng chủ nghĩa xã hội bằng chủ nghĩa duy vật kinh tế vốn đầy mâu thuẫn logic bắt nguồn từ chủ nghĩa duy vật biện chứng đã được xác lập trước bởi chính K. Marx. Chính quá trình nhận thức như vậy đã làm logic nội tại cho Chủ nghĩa Marx khiến Chủ nghĩa Marx tất yếu phải trở thành hình thức điển hình nhất cho chủ nghĩa xã hội. Chủ nghĩa xã hội tồn tại bất định với nhiều loại hình khác nhau nhưng trong đó chủ nghĩa xã hội marxist tỏ ra điển hình nhất cho chủ nghĩa xã hội để người ta hễ nghe nói về chủ nghĩa xã hội liền lập tức nghĩ ngay đến Chủ nghĩa Marx hoặc thậm chí nghĩ ngay đến K. Marx. Người ta yêu K. Marx về chủ nghĩa xã hội nhưng người ta cũng ghét K. Marx về chính chủ nghĩa xã hội. K. Marx đã tỏ ra nổi bật hơn ai hết về chủ nghĩa xã hội nhưng chính K. Marx lại tỏ ra yếu kém hơn ai hết về chủ nghĩa xã hội. K. Marx đã nói nhiều về xã hội nhưng không hiểu xã hội chỉ tồn tại được nhờ có cá nhân. K. Marx không hiểu cá nhân làm nền tảng cho xã hội khiến Chủ nghĩa Marx đã chống lại chủ nghĩa cá nhân.
Cái mâu thuẫn nội tại giữa nhu cầu tiêu dùng vô hạn với khả năng sản xuất hữu hạn ở từng cá nhân nhất định đã làm cơ sở tự nhiên cho kinh tế đổi chác. Đến lượt mình, kinh tế đổi chác lại làm cơ sở tự nhiên cho chủ nghĩa xã hội, tức là chủ nghĩa xã hội chỉ xuất hiện từ khi xuất hiện kinh tế đổi chác mà thôi, nếu không có kinh tế đổi chác thì tuyệt đối không thể có chủ nghĩa xã hội. Vậy chống lại kinh tế đổi chác chẳng qua chỉ chống lại chính chủ nghĩa xã hội.
Vì lấy xã hội vốn luôn luôn thay đổi làm căn bản cho mình nên chủ nghĩa xã hội không bao giờ phản ánh chính xác về đời sống xã hội. Vì xã hội luôn luôn thay đổi nên nếu chủ nghĩa xã hội có thể phản ánh chính xác đời sống xã hội vào một thời điểm nào đó thì ngay sau thời điểm đó hoặc qua thời điểm đó chủ nghĩa xã hội sẽ không còn chính xác nữa hoặc không còn chân thực với đời sống xã hội nữa, tức là chủ nghĩa xã hội không bao giờ phản ánh chính xác về đời sống xã hội. Vì không bao giờ phản ánh chính xác về đời sống xã hội nên chủ nghĩa xã hội tuyệt đối không thể mang lại giải pháp đúng đắn cho việc giải phóng xã hội hoặc chủ nghĩa xã hội không thể giải phóng được xã hội bằng bất cứ giải pháp nào được đề ra bởi chính nó mà chỉ có thể thay thế xiềng xích này bằng xiềng xích khác cho xã hội thôi. Vì không thể giải phóng xã hội mà chỉ có thể thay đổi xiềng xích cho xã hội nên chủ nghĩa xã hội không thể mưu cầu hạnh phúc cho xã hội mà chỉ có thể gây nên đau khổ cho xã hội thôi. Hơn nữa, vì lấy xã hội vốn luôn luôn thay đổi làm căn bản cho mình đối lập với chủ nghĩa cá nhân vốn lấy cá nhân với bản tính vị kỷ luôn luôn tồn tại cố định hoặc tồn tại bất biến làm căn bản cho mình, nên cùng với lý do kia, chủ nghĩa xã hội không thể được lấy làm nền tảng tinh thần cho xã hội. Nếu lấy chủ nghĩa xã hội làm nền tảng tinh thần cho xã hội thì xã hội sẽ chỉ đầy biến động tang thương!

VII – KINH TẾ THỊ TRƯỜNG THEO PHƯƠNG THỨC XÃ HỘI CHỦ NGHĨA (?)

Hiện nay, Việt nam cũng như Trung quốc đang áp dụng kinh tế thị trường theo “phương thức xã hội chủ nghĩa”. Ở Trung quốc, kinh tế này được gọi là kinh tế thị trường mang đặc sắc Trung quốc; ở Việt nam, kinh tế này lại được gọi là kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Mặc dù mỗi nước gọi kinh tế này bằng một tên gọi riêng phù hợp với “điều kiện thực tế” ở từng nước nhưng thực chất lại chỉ có chung nền kinh tế thị trường được định hướng chính trị theo mô hình xã hội chủ nghĩa, đó chẳng qua chỉ là kinh tế thị trường theo nguyên tắc áp đặt được áp đặt bằng bạo lực cách mạng bởi một tổ chức chính trị theo Chủ nghĩa Marx – Lenin, tức là Đảng Cộng sản. Đảng Cộng sản độc quyền lãnh đạo mà tuyệt đối không chấp nhận bất cứ một tổ chức nào làm đối trọng với mình, tức là không chấp nhận các tổ chức đối lập.
Trên lý thuyết, kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa bảo đảm dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh. Nhằm mục đích đó, Đảng Cộng sản nhân danh giai cấp công nhân, nhân dân lao động và toàn thể dân tộc đã áp đặt một chế độ chính trị được gọi là tập trung dân chủ theo kiểu marxist – leninist bằng Hiến pháp 1992. Hiến pháp này được sao chép từ Hiến pháp Soviet 1977 với điều khoản 6 đã quy định như sau:
Lực lượng lãnh đạo và dẫn dắt xã hội Soviet và hạt nhân của hệ thống chính trị, của tất cả các tổ chức nhà nước và tổ chức xã hội, là Đảng Cộng sản Soviet. Đảng là của dân, và vì dân.
Đảng Cộng sản, được trang bị bằng Chủ nghĩa Marx – Lenin, quyết định mô hình chung cho sự phát triển của xã hội và đường lối đối nội và đối ngoại của Liên bang Soviet, chỉ đạo các kế hoạch lớn của nhân dân Soviet, và có vai trò lên kế hoạch, hệ thống hóa và chứng minh lý thuyết trong cuộc đấu tranh của nhân dân vì sự thắng lợi của chủ nghĩa cộng sản.
Mọi tổ chức đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp Soviet”.
      Điều khoản này hoàn toàn bất bình đẳng hoặc trái ngược hoàn toàn với nguyên tắc bình đẳng. Không cần phải thông minh lắm cũng có thể hiểu được rằng điều khoản này đối lập thù địch với pháp luật. Pháp luật phải tuân thủ nguyên tắc bình đẳng làm cho quyền lợi phải thống nhất với nghĩa vụ hoặc nghĩa vụ phải song hành với quyền lợi, nhưng điều khoản này đã tập trung cả ba quyền lực khác nhau: lập pháp, hành pháptư pháp, vào Đảng Cộng sản trong đó chỉ có một số ít đảng viên chủ chốt nắm quyền lãnh đạo thâu tóm cả ba quyền lực đó đồng thời tước đoạt cả ba quyền lực đó đối với mọi cá nhân khác, tức là điều khoản này không chỉ tách rời quyền lợi với nghĩa vụcòn đem đối lập quyền lợi với nghĩa vụ nữa hoặc tập trung mọi quyền lợi vào một số ít đảng viên chủ chốt đồng thời tập trung mọi nghĩa vụ vào mọi cá nhân khác, cũng tức là quy định một số ít đảng viên chủ chốt phải làm kẻ thù không đội trời chung với mọi cá nhân khác hoặc quy định mọi cá nhân khác phải làm kẻ thù không đội trời chung với một số ít đảng viên chủ chốt làm cho xã hội soviet trở thành trạng thái tự nhiên đã được mô tả chân thực bởi Thomas Hobbes (1588 – 1679) với những cuộc chiến tranh triền miên cho tất cả chống lại tất cả, chưa kể điều khoản này còn áp đặt Chủ nghĩa Marx – Lenin cho xã hội soviet làm cho xã hội đó bị suy thoái trầm trọng về mọi mặt: sùng bái các giá trị kinh tếchà đạp lên tất cả các giá trị khác, như tự do, đạo đức, tâm linh, v. v.. Đây chính là điều khoản quan trọng nhất trong Hiến pháp Soviet 1977 nhưng, không còn nghi ngờ gì nữa, điều khoản này không phải là pháp luậtchỉ là một quy định độc đoán mạo nhận pháp luật để bảo tồn chế độ nô lệLiên bang So viết làm cho Liên bang Soviet vốn đã rối ren lại càng rối ren hơn nữa. Tình trạng rối ren chỉ thể hiện chân thực cái mâu thuẫn loại trừ nhau giữa điều khoản này với hầu hết các điều khoản khác trong Hiến pháp Soviet 1977. Vậy Hiến pháp đó chỉ thuộc về Hiến pháp Giả ngụy thể hiện trần trụi xu hướng lạm dụng đối với Hiến pháp từ năm 1924 qua năm 1936 đến năm 1977. Chính Hiến pháp Soviet đã làm nguồn cảm hứng chủ đạo cho Adolf Hitler (1889 – 1945) cùng với Đảng Quốc gia Xã hội chủ nghĩa Đức (NAZI) làm ra Hiến pháp 1933 (được gọi là Hiến pháp Fascist) cho nước Đức từ năm 1933 đến năm 1945 mặc dù A. Hitler luôn luôn chửi rủa Cộng sản Nga là bọn sát nhân đẫm máu (!?) Hiến pháp 1992 cho Việt nam cũng được làm ra theo cùng một cung cách máy móc như vậy 11). Tuy khác biệt về câu chữ, tức là khác biệt về hình thức thể hiện, nhưng điều 4 trong Hiến pháp 1992 lại tương đồng về nội dung quy định với điều khoản 6 trong Hiến pháp Soviet 1977. Chính vì tương đồng về nội dung quy định nên điều 4 trong Hiến pháp 1992 cũng tương đồng về hệ quả tất yếu với điều khoản 6 trong Hiến pháp Soviet 1977.
Hiến pháp 1992 cũng như lý thuyết về kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa đã bỏ quakhông thèm đếm xỉa đến một thực tế hiển nhiên vốn tồn tại cố định hoặc tồn tại bất biến, thực tế đó là cá nhân nào cũng có bản tính vị kỷ (ích kỷ, tư lợi và tham lam) đòi hỏi xã hội phải được tổ chức theo chính thể dân chủ với nhà nước pháp quyền mới có thể bắt buộc người ta hành xử theo ĐẠO ĐỨC hoặc phải phục vụ người khác để thỏa mãn mình mới tồn tại được, nếu không có nhà nước pháp quyền thì chẳng mấy ai biết gì về ĐẠO ĐỨC để mà hành xử theo ĐẠO ĐỨC. Chính vì không lường được thực tế đó nên điều 4 trong Hiến pháp 1992 đã bị tác động tự phát bởi chính thực tế đó mà dẫn đến các hệ quả tất yếu sau đây:
Về chính trị, tập trung cả ba quyền lực khác nhau: lập pháp, hành pháptư pháp, vào Đảng Cộng sản trong đó chỉ có một số ít đảng viên chủ chốt nắm quyền lãnh đạo thâu tóm cả ba quyền lực đó đồng thời tước đoạt cả ba quyền lực đó đối với mọi cá nhân khác, tức là điều khoản này không chỉ tách rời quyền lợi với nghĩa vụcòn đem đối lập quyền lợi với nghĩa vụ nữa hoặc tập trung mọi quyền lợi vào một số ít đảng viên chủ chốt đồng thời tập trung mọi nghĩa vụ vào mọi cá nhân khác, cũng tức là quy định một số ít đảng viên chủ chốt phải làm kẻ thù không đội trời chung với mọi cá nhân khác hoặc quy định mọi cá nhân khác phải làm kẻ thù không đội trời chung với một số ít đảng viên chủ chốt làm cho xã hội Việt nam dần dần trở thành trạng thái tự nhiên đã được mô tả chân thực bởi Thomas Hobbes với những cuộc chiến tranh triền miên cho tất cả chống lại tất cả, chưa kể điều 4 còn áp đặt Chủ nghĩa Marx – Lenin cho xã hội Việt nam làm cho xã hội này bị suy thoái trầm trọng về mọi mặt: sùng bái các giá trị kinh tếchà đạp lên tất cả các giá trị khác, như tự do, đạo đức, tâm linh, v. v..
Về kinh tế, nhà nước chuyên chính nhất định phải làm kinh tế bằng các doanh nghiệp nhà nước để bảo tồn chính nhà nước đó, nếu không làm kinh tế bằng các doanh nghiệp nhà nước thì nhà nước chuyên chính sẽ không thể tồn tại được. Để bảo tồn nhà nước chuyên chính, các doanh nghiệp nhà nước phải đóng vai trò chủ đạo để làm thành phần chủ đạo trong nền kinh tế quốc dân. Vì đóng vai trò chủ đạo nên các doanh nghiệp nhà nước đương nhiên phải giành, giữ và sử dụng mọi đặc quyền đặc lợi cho mình thể hiện đúng cái bản tính vị kỷ vốn có mọi cá nhân sống vào mọi lúc. Thành phần chủ đạo được hưởng mọi ưu đãi về cả đầu vào lẫn đầu ra lẽ ra phải thành công vượt trội so với tất cả các thành phần khác nhưng do cơ chế quản trị theo nguyên tắc độc đoán vẫn quen được gọi là tập trung dân chủ được quy định nghiệt ngã bởi chính điều 4 ngay trong Hiến pháp 1992 đã làm thui chột cả tài năng cá nhân lẫn đầu óc sáng tạo nên thành phần này không thể thành công vượt trộichỉ có thể thất bại thê thảm thôi hoặc không thể phát triển đượcchỉ có thể suy sụp thôi! Cơ chế quản trị theo nguyên tắc độc đoán nói trên làm cho ngay cả các cá nhân tài ba nhất được bổ nhiệm làm người lãnh đạo cho các doanh nghiệp nhà nước cũng nhanh chóng bị tha hóa biến chất thành những kẻ tầm thường vô tích sự chỉ sau một thời gian ngắn thực hiện quyền lãnh đạo đối với các doanh nghiệp nhà nước. Lỗi không phải tại các cá nhân tài ba mà chỉ tại cơ chế quản trị. Đó không phải  lỗi chi tiết mà chỉ là lỗi hệ thống, đúng như Cựu Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An đã khẳng định đúng đắn như vậy từ năm 2010! Chính lỗi hệ thống đã làm cho các doanh nghiệp nhà nước suy sụp. Các doanh nghiệp nhà nước suy sụp sẽ làm cho nhà nước chuyên chính nguy khốn: đấu đá nội bộ ngày càng gia tăng gay gắt theo chiều hướng nguy hiểm. Chính điều 4 trong Hiến pháp 1992 đã đẻ ra các doanh nghiệp nhà nước nhưng chính điều 4 trong Hiến pháp 1992 lại đang tiêu diệt các doanh nghiệp nhà nước và sẽ tiêu diệt hoàn toàn các doanh nghiệp nhà nước. Tiêu diệt các doanh nghiệp nhà nước đồng nghĩa với tiêu diệt nhà nước chuyên chính, cũng tức là đồng nghĩa với tiêu diệt Đảng Cộng sản!
Cần phải biết phân biệt doanh nghiệp nhà nước ở các nước độc tài, như Việt nam cũng như Trung quốc, v. v., với doanh nghiệp nhà nước ở các nước dân chủ, như Nhật bản, Nam Triều tiên, Indonesia, v. v., nếu doanh nghiệp nhà nước ở các nước dân chủ bị kiểm sát chặt chẽ bởi xã hội dân sự với nhiều tổ chức độc lập khiến doanh nghiệp nhà nước ở các nước dân chủ phải giải trình thường xuyên để phòng tránh tiêu cực thì doanh nghiệp nhà nước ở các nước độc tài lại không hề bị kiểm sát chặt chẽ như vậychỉ có thể bị chế tài lỏng lẻo bởi một số ít nhân sự chóp bu vốn quá ít khiến họ không thể nào bao quát được hết tất cả các doanh nghiệp nhà nước: cấp dưới đông đảo hơn cấp trên nhưng thường xuyên báo cáo sai lạc với cấp trên khiến cấp trên không thể biết được hết cấp dưới làm gì hoặc thậm chí lại chỉ biết sai lạc cũng như chỉ biết thiếu sót cấp dưới làm gì, tức là thông tin không được thông suốt khiến cấp trên không thể biết được kết quả thật mà chỉ có thể nắm được thành tích giả được ngụy tạo tài tình bằng con số ma bởi chính cấp dưới. Đến một lúc nào đó, các doanh nghiệp nhà nước sẽ đua nhau nổ vỡ theo chuỗi bùng nổ - đổ vỡ đã được mô tả chân thực bởi George Soros 12). Nói như vậy để hiểu rằng tuyệt đối không thể cứu chữa được doanh nghiệp nhà nước ở các nước độc tài đang lâm vào khủng hoảng toàn diện ngày càng trầm trọng hơn bằng bất cứ phương thuốc nào ngoài phương thuốc dân chủ hóa, tức là thay thế chế độ độc tài bằng chính thể dân chủ, để doanh nghiệp nhà nước phải bị kiểm sát chặt chẽ bởi xã hội dân sự với nhiều tổ chức độc lập hoặc giải thể doanh nghiệp nhà nước thông qua tư hữu hóa để rồi cuối cùng cũng vẫn phải dân chủ hóa xã hội như đã nói ở trên. Đàng nào cũng phải dân chủ hóa xã hội. Vậy tại sao không chủ động làm sớm việc đó để né tránh mọi tai họa trong cơn đau đẻ? Gần đây tôi lại được nghe một số “học giả vĩ đại” lớn tiếng kêu gọi lấy Kinh nghiệm Trung quốc để học tập!? Thật không thể ngu muội hơn được nữa! Chủ nghĩa Marx – Lenin đã làm cho các học giả đó mê muội cùng cực đến nỗi không còn phương thuốc nào có thể cứu chữa được họ. Đây cũng chính là hệ quả tất yếu từ điều 4 trong Hiến pháp 1992!
Về văn hóatư tưởng, như đã bắt đầu hé lộ ở trên, người ta không cần phải xem tôi trình bày dài dòng cũng đã có thể thấy được rõ ràng hệ lụy tai ác từ điều 4 trong Hiến pháp 1992. Cái văn hóa duy vật đã làm cho người ta bị suy thoái trầm trọng về mọi mặt: chỉ biết tôn sùng các giá trị kinh tếsẵn sàng chà đạp lên tất cả các giá trị khác, như tự do, đạo đức, tâm linh, v. v., làm cho tệ nạn xã hội lan tràn ngày càng trầm trọng hơn. Đặc biệt, tính chất vong thân trong cả Nho giáo lẫn Chủ nghĩa Marx – Lenin cùng với tâm lý bất dung phát sinh từ việc thực hành các hệ tư tưởng đó đã làm cho xã hội diễn biến ngày càng nhanh thành xung đột trầm trọng.
Tóm lại, con thuyền kinh tế dựa trên kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa đang chìm, không chỉ đang chìm về kinh tế thôi đâu mà còn sẽ chìm về mọi mặt khác. Việt nam nguy khốn sẽ làm cho Trung quốc nguy khốn hơn nữa. Vì to lớn về cả dân số lẫn lãnh thổ, lại sống bằng kinh tế thị trường mang đặc sắc Trung quốc vốn bất dung hung bạo bắt nguồn từ cả Nho giáo lẫn Chủ nghĩa Marx – Lenin – Stalin – Mao Trạch Đông, nên Trung quốc sẽ nguy khốn hơn nhiều so với Việt nam. Đó chính là lý do sâu kín nhất để Trung quốc hành xử xằng bậy trên Biển Đông!
Lấy mục đích biện minh cho phương tiện, Đảng Cộng sản Trung quốc luôn luôn thực hiện mọi biện pháp có thể được để kiểm soát Đảng Cộng sản Việt nam với một niềm tin đúng đắn cho rằng kiểm soát được Đảng Cộng sản Việt nam sẽ kiểm soát được cả Dân tộc Việt nam. Họ đã làm việc đó bằng hai phương thức cơ bản. Phương thức thứ nhất là dùng tiền để mua chuộc, theo đó nếu kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt nam mà bị khủng hoảng thì Đảng Cộng sản Trung quốc có thể cứu giúp Đảng Cộng sản Việt nam bằng tiền dự trữ, nhưng cứu giúp Đảng Cộng sản Việt nam chẳng qua Đảng Cộng sản Trung quốc chỉ tự cứu giúp chính mình mà thôi, đừng hoang tưởng mà tin rằng Đảng Cộng sản Trung quốc coi trọng Đảng Cộng sản Việt nam. Phương thức này chỉ thích hợp với một điều kiện duy nhất: có tiền hoặc còn tiền. Từ năm 1978 đến năm 2008, do kinh tế Trung quốc phát triển nhanh mạnh nên phương thức này đã giúp Đảng Cộng sản Trung quốc đạt được mục đích thực dân đối với Việt nam suốt từ năm 1990 đến nay. Nhưng từ nay trở đi, tình hình thực tế sẽ thay đổi quay quắt khiến nhiều người sẽ phải chóng mặt hoặc thậm chí còn có thể vỡ mặt nữa kia! Do kinh tế thị trường mang đặc sắc Trung quốc đã phát triển hết giới hạn cho phép được quy định bởi chính chế độ độc tài: hết đà tăng trưởng chuyển sang suy thoái, làm cho Đảng Cộng sản Trung quốc không còn tiền hoặc hết tiền, lại phải đối mặt với quá nhiều vấn nạn nghiêm trọng ngay từ nội bộ cũng như trong nước, nên phương thức này bất khả thi, tuyệt đối bất khả thi. Đảng Cộng sản Trung quốc tuyệt đối không thể cứu giúp được kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt nam đang chìm đắm trong cơn tuyệt vọng mặc dù Đảng Cộng sản Trung quốc luôn luôn khoe khoang có nhiều tiền dự trữ nhưng ai cũng biết cái tiền đó đang bị giấu diếm ở Mỹ thành trái phiếu đóng băng khiến Đảng Cộng sản Trung quốc bất đắc dĩ phải thay thế phương thức này bằng phương thức khác để cố gắng kiểm soát Đảng Cộng sản Việt nam. Phương thức thứ hai là dùng bạo lực để khống chế, theo đó Đảng Cộng sản Trung quốc phải dùng bạo lực với mọi hình thức có thể được để chấn chỉnh Việt nam. Tất cả những gì đang xảy ra trên Biển Đông đều chỉ phơi bày phương thức đó mà thôi. Chớ ngây thơ mà nói đạo đức về ĐẠO ĐỨC giữa chế độ độc tài ở nước này với chế độ độc tài ở nước khác, cũng như chớ ngây thơ mà nói đạo đức về ĐẠO ĐỨC trong chế độ độc tài thuộc về bất cứ nơi nào!
Đảng Cộng sản Việt nam, vốn có não trạng vong thân tương đồng bản chất với Đảng Cộng sản Trung quốc, rất muốn dựa dẫm vào Đảng Cộng sản Trung quốc để tồn tại bấp bênh thông qua danh nghĩa giả dối biểu hiện giả dối thành hợp tác bình đẳng để cùng được lợi hoặc cùng phát triển nhưng những quy luật tự nhiên trong bản chất con người 13), vốn bị bỏ qua mà không bao giờ được nhắc đến trong cả Nho giáo lẫn Chủ nghĩa Marx – Lenin, đã không cho phép Đảng Cộng sản Việt nam kéo dài quá lâu giấc mộng vàng son như vậy. Do kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt nam đang bị trượt dốc không phanh rất cần được trợ giúp từ bên ngoài bởi một hoặc nhiều cường quốc nên nếu Đảng Cộng sản Việt nam đã không thể dựa dẫm vào Đảng Cộng sản Trung quốc mà lại còn bị ngược đãi quay quắt bởi chính Đảng Cộng sản Trung quốc thì Đảng Cộng sản Việt nam sẽ phải quay mặt sang các nước dân chủ. Tình hình thực tế đang diễn biến theo đúng cái tất yếu đó. Nước Mỹ sẽ làm giải pháp duy nhất cho Việt nam!? Do nắm chắc tình hình thực tế ở cả Việt nam lẫn Trung quốc từ trước đến năm 2008 – năm bắt đầu chuỗi bùng nổ - đổ vỡ ở cả Việt nam lẫn Trung quốc – nên nước Mỹ đã xoay trục sang Á châu từ năm 2010 trở đi. Vì nước Mỹ chưa bao giờ rời bỏ Á châu mà chỉ rời bỏ Việt nam từ năm 1973 đến năm 2010 nhưng vẫn duy trì liên tục nhiều căn cứ quân sự tại Nhật bản, Nam Triều tiên, Singapore, Thái lan, v. v., nên xoay trục sang Á châu, về chực chất, chỉ xoay trục sang Việt nam, nói rằng: xoay trục sang Á châu, chẳng qua chỉ nhằm tránh gây nên phẫn nộ cho Đảng Cộng sản Trung quốc mà thôi. Biết trước Đảng Cộng sản Việt nam, theo tiến trình suy thoái về mọi mặt với ý thức hệ sẽ chuyển hóa dần dần từ chủ nghĩa xã hội (socialism) sang chủ nghĩa cá nhân (individualism), sẽ ngả theo nước Mỹ để cứu vãn kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa đang vỡ nát nhanh chóng, Đảng Cộng sản Trung quốc đã quyết định phá phách Việt nam về mọi mặt. Tất cả những gì đang xảy ra trên Biển Đông đều chỉ chứng tỏ rõ ràng cho sự thể đó.
Việt nam chỉ có một trong hai con đường duy nhất để lựa chọn: hoặc bị đổ vỡ tang thương thêm một lần nữa để tiêu vong hoàn toàn bởi Đế quốc Tàu, hoặc chuyển hóa nhanh chóng về dân chủ để trở thành một cường quốc văn minh. Vấn đề hệ trọng nhất được đặt ra cho Việt nam vào giai đoạn này là làm thế nào để chuyển hóa hòa bình về dân chủ? Giới cầm quyền tại Việt nam cần phải thay đổi về nhận thức để tìm kiếm sự đồng thuận chính trị bằng một dự án chung cho đất nước mình. Muốn đạt được dự án đó, họ phải biết thỏa hiệp với nhau hoặc tương nhượng lẫn nhau. Nhưng muốn thỏa hiệp hoặc tương nhượng, họ lại phải thay đổi nhận thức từ chủ nghĩa xã hội sang chủ nghĩa cá nhân.
Chủ nghĩa cá nhân phải như thế nàomột vấn đề triết học cực kỳ hệ trọng đang được đặt ra cho tầng lớp học sỹ (học sỹ = người có học thức nhưng chưa chắc đã được đào tạo đúng đắn, học sỹ khác hẳn với trí thức = người hiểu biết nhờ được đào tạo đúng đắn). Do Việt nam chưa có tầng lớp trí thức nên tầng lớp học sỹ phải đi tiên phong trong công cuộc dân chủ hóa đất nước theo phương thức hòa bình. Công cuộc đó thành công hay thất bại sẽ phụ thuộc nhiều nhất vào chính tầng lớp này. Tầng lớp này vốn dĩ không phải được đào tạo lành mạnh bằng tư tưởng đúng đắn để làm trí thức mà chỉ được đào tạo nhồi sọ bằng tư tưởng sai lầm (Chủ nghĩa Marx – Lenin) để làm đầu sai cho Đảng Cộng sản cai trị tất cả các thành phần khác. Vậy muốn đi tiên phong trong công cuộc dân chủ hóa đất nước hoặc muốn đóng vai trò chỉ dẫn cho công cuộc đó, chính tầng lớp học sỹ phải tự lột xác về tư tưởng thành tầng lớp trí thức theo đúng ý nghĩa đích thực cho khái niệm đó để mới có thể thay đổi nhận thức cho tất cả các thành phần khác. Nhận thức chung được thay đổi tích cực từ chủ nghĩa xã hội sang chủ nghĩa cá nhân sẽ dẫn đến sự đồng thuận chính trị cho giới cầm quyền bằng một dự án chung cho đất nước này. Với dự án đó, Việt nam chắc chắn sẽ chuyển hóa thành công về dân chủ. Việt nam đã phải trả quá nhiều giá đắt bằng quá nhiều máu cho những sai lầm kéo dài về văn hóatư tưởng cũng như ý thức hệ nhưng đứng trước cửa ngõ dẫn vào kỷ nguyên dân chủ hóa, Việt nam không được phép tái diễn những sai lầm đó.

VIII – CHỦ NGHĨA CÁ NHÂN.

Chủ nghĩa cá nhân (Individualism) là một hệ tư tưởng lấy cá nhân làm căn bản cho mình, theo đó cá nhân với bản tính vị kỷ vừa làm điểm xuất phát vừa làm phương pháp luận để xác lập các quan niệm đúng đắn về đời sống xã hội (social existence) nhằm giải phóng cá nhân hoặc mưu cầu hạnh phúc cho cá nhân, trong đó cá nhân chỉ biểu hiện trừu tượng trên ý niệm thành một khái niệm bao quát mọi cá nhân chứ không phải biểu hiện cụ thể trên thực tế thành một hoặc một số cá nhân nào đó, như a hoặc b, v. v..
Theo chủ nghĩa cá nhân đã được định nghĩa như trên, cá nhân là một khái niệm bao quát mọi đặc tính chung nhất cho mọi cá nhân mà không sa đà vào đặc tính riêng cho một hoặc một số cá nhân nào đó, chính vì chung nhất nên tất cả các đặc tính đó đều được quy về một đặc tính duy nhất, đặc tính đó là bản tính vị kỷ. Bản tính này tồn tại hiện thực trong thực tế với mọi cá nhân nhưng lại chỉ biểu hiện hư ảo trên ý niệm qua từng cá nhân nhất định mà thôi. Với ý nghĩa như thế, chủ nghĩa cá nhân cho phép mọi cá nhân đều có thể hiểu biết được đời sống xã hội (social existence) diễn biến theo các quy luật nào, đồng thời cũng nhờ có ý nghĩa như thế mà chủ nghĩa cá nhân rất cần thiết cho mọi cá nhân trong việc tìm kiếm phương tiện để thoả mãn mình.
Thoạt tiên, chủ nghĩa cá nhân chỉ có thể hình thành thông qua một số ít cá nhân đặc biệtkhả năng đặc biệt so với đại đa số cá nhân khác, như James Elishama Smith (1801 – 1857) chẳng hạn. Chính nhờ có khả năng tự nhận biết mình – khả năng này còn được gọi là khả năng tự ý thức – mà một số ít cá nhân kia có thể nói lên được các ý tưởng đầu tiên về bản tính vị kỷ với một hình mẫu điển hình nhất phải thuộc về Niccolò Machiavelli (1469 – 1527). Các ý tưởng đó được tích luỹ dần dần mà trở thành chủ nghĩa cá nhân vốn bắt đầu xuất hiện rõ ràngJohn Locke (1632 – 1704). Vì chỉ nảy sinh trực tiếp từ bản tính vị kỷ nên khi mới xuất hiện, chủ nghĩa cá nhân chỉ có thể thể hiện lợi ích của chính người phát biểu nó mà thôi; cũng chính vì chỉ có thể thể hiện lợi ích của chính người phát biểu vào lúc mới xuất hiện nên chủ nghĩa cá nhân ắt phải bị tấn công dữ dội từ mọi phía ngay từ lúc đó làm cho nó bị quy kết thành tư tưởng nguy hiểm đối với cộng đồng có thể bị lợi dụng vào việc chống lại cộng đồng. Quả thật, mặc dù mưu cầu hạnh phúc cho mọi cá nhân nhưng vì chưa vượt qua được vô số định kiến thâm căn cố đế về bản tính vị kỷ nên chủ nghĩa cá nhân ắt phải bị phản kích dữ dội như vậy khi mới xuất hiện ở bất cứ đâu bởi các tác gia sai lầm, chẳng hạn ở PhápHenri de Saint Simon (1760 – 1825) hoặc ở AnhRobert Owen (1771 – 1858), v. v.; chủ nghĩa cá nhân mới xuất hiện ở bất cứ đâu, nó cũng bị phản kích dữ dội ở đó, chính N. Machiavelli đã bị đả kích dữ dội như vậy bởi đa số người đương thời để rồi bị hiểu lầm tai hại kéo dài mãi về sau. Về sau kinh tế đổi chác phát triển thúc đẩy việc trao đổi tư tưởng làm cho người ta nhận thấy chủ nghĩa cá nhân có tính chất lành mạnh rất đáng để theo đuổi!
Về mặt lịch sử, chủ nghĩa cá nhân bắt đầu xuất hiện phổ biến ở Tây Âu châu vào Thời đại Phục hưng nhưng lại có nguồn gốc sâu xa ở Nam Âu châu, bao gồm cả Hy lạp lẫn La mã, vào Thời đại Cổ xưa với nhiều triết gia xuất chúng, trong đó đặc biệt phải kể đến Aristote. Do bảo tồn toàn bộ triết học ở cả Hy lạp lẫn La mã vào thời đại đó nên đến khi bắt đầu Thời đại Phục hưng, Chúa giáo (Christianity) đã trực tiếp truyền cảm hứng tinh thần cho chủ nghĩa cá nhân xuất hiện phổ biến rồi phát triển rực rỡ từ đấy về sau.
Về tên gọi cho tôn giáo này, tôi xin giải thích rõ ràng hơn như sau: vì Kinh thánh nói Chúa ở mọi nơi vào mọi lúc nên Christianity trong Anh văn cần phải được chuyển dịch sang Việt ngữ thành Chúa giáo mới thật sát nghĩa, nếu chuyển dịch Christianity thành Thiên Chúa giáo thì “Thiên Chúa giáo” không thể hiện được hết ý nghĩa đích thực cho Christianity; vì Thiên Chúa chỉ có nghĩa là Chúa Trời nên danh xưng này dễ làm cho người ta hiểu sai rằng Chúa chỉ có ở trên Trời, hiểu như vậy rất sai lạc so với Kinh thánh. Tức là trong quan hệ ý nghĩa với Christianity, Chúa giáo sát nghĩa hơn nhiều so với Thiên Chúa giáo: nếu Thiên Chúa giáo chỉ cho thấy Chúa ở trên Trời thì Chúa giáo lại phải cho thấy Chúa ở mọi nơi vào mọi lúc (cả trên Trời lẫn dưới Đất, cả trong Ta lẫn ngoài Ta, cả Không gian lẫn Thời gian, v. v.). Đó chính là lý do thực tế để tôi chỉ nói Chúa giáo mà không nói Thiên Chúa giáo như nhiều người vẫn nói sai như vậy, nói như vậy vừa sai lạc vừa dài dòng, thừa chữ nhưng thiếu nghĩa.
Về mối liên hệ thực tế giữa Chúa giáo với chủ nghĩa cá nhân, chính Friedrich August von Hayek (1899 – 1992), một trong những triết gia vĩ đại nhất trong thế kỷ XX, đã xác nhận rõ ràng trong “The Road To Serfdom” (Con đường Dẫn đến Nô lệ) như sau: “… Hiện nay chỉ cần nói rằng chủ nghĩa cá nhân, có nguồn gốc từ Chúa giáo cùng với cả Triết học Cổ xưa, vào Thời đại Phục hưng đã được thể hiện trọn vẹn rồi đặt nền móng cho cái được gọi là nền Văn minh Tây phương. Nó có đặc điểm chủ yếu là tôn trọng cá nhân như nó vốn là, nghĩa là trong sinh hoạt, dù đó có đặc thù đến đâu, mỗi người hoàn toàn có quyền giữ quan điểm riêng cũng như sở thích riêng và niềm tin rằng mỗi người cần phải phát triển những năng khiếu đã được ban cho bởi Tạo hoá” 14).
Với cội nguồn sâu xa như vậy, chủ nghĩa cá nhân đã làm nền tảng triết học cho Phong trào Khai minh từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XVIII mở đường cho nhận thức nhân văn đi đến các cuộc cách mạng xã hội: xoá bỏ chế độ chuyên chế để thiết lập chế độ dân chủ. Ngày nay, chủ nghĩa cá nhân vẫn tiếp tục chỉ dẫn cho các lực lượng tiến bộ đấu tranh chống chế độ chuyên chế nhằm xây dựng hoặc phát triển chế độ dân chủ. Chính vì bao quát được nhân loại có bản chất như thế nào rồi nhờ đó mà có vai trò làm kim chỉ nam cho mọi cá nhân tìm kiếm phương tiện để thoả mãn mình nên sau này, chế độ dân chủ tồn tại phổ biến hoặc trở thành một chính thể duy nhất trên khắp thế giới, chủ nghĩa cá nhân vẫn sẽ tiếp tục làm nền tảng tinh thần cho chế độ đó.
Chính vì làm vũ khí sắc bén nhất cho công cuộc dân chủ hoá thế giới nên chủ nghĩa cá nhân luôn luôn bị phản kích dữ dội bởi các thế lực phản động, các thế lực đó thường xuyên xuyên tạc chủ nghĩa cá nhân bằng nhiều luận điệu khác nhau thành chủ nghĩa tư riêng.
Chủ nghĩa tư riêng là một hệ tư tưởng lấy cái tư riêng làm căn bản cho mình, theo đó cái tư riêng vừa làm điểm xuất phát vừa làm phương pháp luận cho mỗi cá nhân nhất định tìm kiếm phương tiện riêng để thỏa mãn mình mà không cần biết đến lợi ích chung đồng thời cũng không cần biết hậu quả ra sao.
Về hình thức thể hiện, chủ nghĩa tư riêng rất giống chủ nghĩa cá nhân khiến người ta dễ bị lẫn lộn mà đồng nhất chủ nghĩa cá nhân với chủ nghĩa tư riêng. Nhưng về nội dung bên trong, chủ nghĩa tư riêng lại không chỉ khác biệt căn bảncòn đối lập thù địch với chủ nghĩa cá nhân. Nếu chủ nghĩa cá nhân bao quát mọi cá nhân khiến mỗi cá nhân nhất định phải hướng sự quan tâm đến toàn thể nhân loại thì chủ nghĩa tư riêng lại chỉ thể hiện một cá nhân nhất định mà thôi khiến cá nhân đó chỉ hướng sự quan tâm đến chính bản thânkhông cần biết đến các cá nhân khác, nếu chủ nghĩa cá nhân phải khuyến khích cả tình cảm vị tha lẫn hành động vị tha thì chủ nghĩa tư riêng lại chỉ kích thích cả tình cảm vị kỷ lẫn hành động vị kỷ mà thôi, nếu chủ nghĩa cá nhân làm cho người ta hiểu biết đúng đắn về đời sống xã hội thì chủ nghĩa tư riêng lại làm cho người ta hiểu biết sai lạc về đời sống đó.
Cả sự giống nhau về hình thức thể hiện lẫn sự khác nhau về nội dung bên trong giữa chủ nghĩa tư riêng với chủ nghĩa cá nhân đều có nguyên nhân thực tế. Vì cùng xuất phát từ bản tính vị kỷ vốn có ở mọi cá nhân nên chủ nghĩa tư riêng rất giống với chủ nghĩa cá nhân về hình thức thể hiện, nhưng vì chủ nghĩa tư riêng chỉ cho thấy bản tính vị kỷ về mặt xấu đối lập với chủ nghĩa cá nhân vốn phải cho thấy bản tính đó về cả mặt xấu lẫn mặt tốt khiến chủ nghĩa cá nhân phải chủ trương kiềm chế tác dụng tiêu cực cho bản tính đó đồng thời phát huy tác dụng tích cực cho bản tính đó, tức là chủ nghĩa tư riêng xuất phát từ bản tính vị kỷ chỉ nhằm phát huy tác dụng tiêu cực ở bản tính đó đối lập với chủ nghĩa cá nhân xuất phát từ bản tính vị kỷ phải nhằm phát huy tác dụng tích cực ở bản tính đó, nên chủ nghĩa tư riêng không chỉ khác biệt căn bảncòn đối lập thù địch với chủ nghĩa cá nhân về nội dung bên trong. Quả thật, về động cơ thúc đẩy, chủ nghĩa tư riêng đối lập thù địch với chủ nghĩa cá nhân: nếu chủ nghĩa cá nhân được thúc đẩy bởi tác dụng tích cực ở bản tính vị kỷ khiến người ta phải phục vụ lẫn nhau để thỏa mãn mình (bản tính vị kỷ thúc đẩy người ta làm điều tốt đẹp để bảo tồn lẫn nhau) thì chủ nghĩa tư riêng lại chỉ được thúc đẩy bởi tác dụng tiêu cực ở bản tính đó khiến người ta chỉ chế ước lẫn nhau để thỏa mãn mình (bản tính vị kỷ thúc đẩy người ta làm điều xấu xa để hãm hại lẫn nhau). Về nguồn gốc phát sinh, chủ nghĩa tư riêng đối lập thù địch với chủ nghĩa cá nhân: nếu chủ nghĩa cá nhân phát sinh từ một cách suy xét đúng đắn đồng thời được khuyến khích bởi một tình cảm lành mạnh thì chủ nghĩa tư riêng lại chỉ phát sinh từ một cách suy xét sai lạc đồng thời lại được khuyến khích bởi một tình cảm đồi bại. Về trình độ nhận thức, chủ nghĩa tư riêng thấp kém hơn nhiều so với chủ nghĩa cá nhân: nếu chủ nghĩa cá nhân thể hiện nhận thức lý tính cho phép người ta có thể hoài nghi mọi thứ đồng thời có thể lý giải mọi thứ, v. v., thì chủ nghĩa tư riêng lại chỉ thể hiện nhận thức cảm tính khiến người ta không cần phải hoài nghi, lại càng không cần phải lý giải, mà chỉ cần muốn. Về logic nội tại, chủ nghĩa tư riêng xung khắc kịch liệt với chủ nghĩa cá nhân: nếu chủ nghĩa cá nhân khẳng định mỗi cá nhân nhất định có thể giữ một quan điểm riêng nhưng không được áp đặt quan điểm độc đoán cho các cá nhân khác làm cho quan điểm độc đoán không thể có đất sống trong chủ nghĩa cá nhân thì chủ nghĩa tư riêng lại khẳng định mỗi cá nhân nhất định có thể giữ bất cứ quan điểm nào mang lại lợi ích tư riêng cho chính cá nhân đó dẫn đến chỉ thừa nhận quan điểm độc đoán mà thôi, nếu chủ nghĩa cá nhân phải chấp nhận nhiều quan điểm khác nhau nhưng tất cả các quan điểm đó đều phải mang tính chất đa nguyên thì chủ nghĩa tư riêng lại chỉ thừa nhận quan điểm độc đoán hoặc có thể cũng chấp nhận nhiều quan điểm khác nhau nhưng tất cả các quan điểm đó đều phải mang tính chất nhất nguyên dẫn đến xung đột khốc liệt giữa người với người, chủ nghĩa cá nhân thừa nhận mỗi người bất kỳ có thể giữ quan điểm riêng nhưng không được áp đặt quan điểm độc đoán cho người khác. Nguyên tắc đó đòi hỏi quan điểm riêng không được mang tính chất nhất nguyên mà phải mang tính chất đa nguyên. Sự thể đó cho thấy chủ nghĩa cá nhân chỉ dựa trên nền tảng đa nguyên có thể phải chấp nhận nhiều quan điểm khác nhau nhưng tuyệt đối không thể chấp nhận quan điểm độc đoán vốn dựa trên nền tảng nhất nguyên. Tuyệt đối không nên tin tưởng sai lầm rằng chủ nghĩa cá nhân phải chấp nhận mọi quan điểm, kể cả các quan điểm loại trừ nhau, mà phải hiểu đúng đắn rằng chủ nghĩa cá nhân chỉ chấp nhận các quan điểm khác nhau trên nền tảng đa nguyên mà thôi. Ví dụ: chủ nghĩa cá nhân có thể phải chấp nhận nhiều quan điểm khác nhau nhưng tuyệt đối không thể chấp nhận Nho giáo cùng với Chủ nghĩa Marx, vì cả Nho giáo lẫn Chủ nghĩa Marx đều độc đoán cùng cực không chỉ loại trừ nhau mà còn loại trừ cả chủ nghĩa cá nhân nên chủ nghĩa cá nhân sẽ bị loại trừ bởi cả hai cái hệ tư tưởng đó: một nhà Marxist cũng như một Nho sỹ có thể rất yêu thích cái hệ tư tưởng quái đản trong đầu óc mình nhưng không được áp đặt cái hệ tư tưởng đó cho người khác mà phải chấp nhận chủ nghĩa cá nhân mới có thể sống được hạnh phúc trong xã hội tự do. Về tác dụng chính trị, chủ nghĩa tư riêng lại càng đối lập thù địch hơn nữa với chủ nghĩa cá nhân: nếu chủ nghĩa cá nhân phải làm nền tảng tinh thần cho chính thể dân chủ thì chủ nghĩa tư riêng lại chỉ làm nền tảng tinh thần cho chính thể chuyên chế mà thôi, nếu chủ nghĩa cá nhân bị cấm đoán nghiệt ngã trong chính thể chuyên chế nhưng lại được phổ biến rộng khắp trong chính thể dân chủ làm cho chính thể này tồn tại bền vững thì chủ nghĩa tư riêng lại bị lên án chính đáng trong chính thể dân chủ nhưng lại được phổ biến rộng khắp trong chính thể chuyên chế làm cho chính thể này tồn tại dai dẳng, nếu chủ nghĩa cá nhân bồi đắp cả cách suy xét đúng đắn lẫn tình cảm lành mạnh thì chủ nghĩa tư riêng lại không chỉ tiêu diệt cả cách suy xét đúng đắn lẫn tình cảm lành mạnh mà còn khuyến khích cả các suy xét sai lạc lẫn tình cảm đồi bại – các nhà độc tài thường xuyên dạy bảo dân chúng chớ dại dột quan tâm đến các công việc chung mà hãy quan tâm đến các công việc riêng cho bản thân cùng với gia đình mình làm cho dân chúng chẳng ai ưa ai!
Chính chủ nghĩa tư riêng đã dẫn đến hệ quả đó nhưng các thế lực phản động đã gán hệ quả đó cho chủ nghĩa cá nhân, các thế lực đó không chỉ gán hệ quả xấu xa cho chủ nghĩa cá nhân mà còn gán cả nguồn gốc xấu xa cho hệ tư tưởng đó.
Quả thật, chủ nghĩa cá nhân thường được định nghĩa sai lầm bởi các thế lực phản động với rất nhiều quan niệm phiến diện được diễn đạt khái quát thành một định nghĩa sai lầm cho rằng chủ nghĩa cá nhân là một hệ tư tưởng chỉ lấy một hoặc một số cá nhân nhất định làm căn bản cho mình, theo đó một hoặc một số cá nhân nào đó được lấy làm điểm xuất phát đồng thời cũng được lấy làm phương pháp luận cho mình theo đuổi lợi ích tư riêng mà không cần biết đến lợi ích chung, trong đó cá nhân không biểu hiện trừu tượng trên ý niệm thành một khái niệm bao quát mọi cá nhânchỉ biểu hiện cụ thể trên thực tế thành một hoặc một số cá nhân nào đó, như a hoặc b, v. v. (mà thường biểu hiện thành chính người nào đặt để niềm tin vào định nghĩa này cho rằng định nghĩa này đúng đắn). Thật ra, như đã nói ở trên, định nghĩa này không hề đúng với chủ nghĩa cá nhân mà chỉ có thể đúng với chủ nghĩa tư riêng vốn đối lập thù địch với chủ nghĩa cá nhân.
Nếu chỉ có ý nghĩa phiến diện như chủ nghĩa tư riêng thì rõ ràng chủ nghĩa cá nhân rất đáng bị lên án. Nhưng thật ra, định nghĩa này chỉ cho thấy chủ nghĩa cá nhân đã bị xuyên tạc thành chủ nghĩa tư riêng mà thôi mặc dù chính định nghĩa này lại thường được phổ biến rộng rãi hơn làm cho chủ nghĩa cá nhân bị bài bác ở khắp nơi. Tuy nhiên, định nghĩa đúng đắn về chủ nghĩa cá nhân ở trên kia đã cho phép chúng ta đối phó thành công với thái độ chống chủ nghĩa cá nhân – một thái độ mà về bản chất, phản động hơn mọi thái độ phản động khác.
Muốn hiểu được chủ nghĩa cá nhân, nhất thiết phải hiểu được nhân loại có bản chất như thế nào đồng thời phải hiểu được đúng đắn về đời sống chính trị. Một lý thuyết khoa học về đời sống chính trị sẽ soi sáng tất cả những giá trị nền tảng cấu thành chủ nghĩa cá nhân.
Nhân loại là một thực tại siêu việt biểu hiện thành một sinh vật đặc biệt bao gồm tất cả các cá nhân vừa khác nhau vừa giống nhau: khác nhau về cả thể chất lẫn trí tuệ nhưng giống nhau về bản năng sinh tồn, tức là bản năng ham sống hoặc bản năng sợ chết, biểu hiện cụ thể qua mỗi cá nhân nhất định thành bản tính vị kỷ.
Bản tính vị kỷ biểu hiện thành xu hướng tâm lý lấy mình làm mục đích đồng thời lấy mọi thứ khác làm phương tiện để thoả mãn mình; xu hướng đó biểu hiện thành ba phẩm chất cơ bản: ích kỷ, tư lợitham lam. Vì ích kỷ nên cá nhân nào cũng chỉ quan tâm đến bản thân, nếu không quan tâm đến điều này thì cũng phải quan tâm đến điều khác liên quan như thế nào đó đến mình; vì tư lợi nên cá nhân nào cũng chỉ chăm lo thu vén cho bản thân, nếu không thu vén cái này thì cũng phải thu vén cái khác cho bản thân; vì tham lam nên cá nhân nào cũng chỉ chăm lo thu vén thật nhiều cho bản thân, nếu không thu vén thật nhiều của cải cho bản thân thì ít nhất cũng phải thu vén thật nhiều lương tâm cho bản thân, mà nếu thu vén được thật nhiều cả hai thứ đó cho bản thân thì càng tốt!
Với bản tính vị kỷ, người ta sử dụng mọi thứ đồng thời cũng lạm dụng mọi thứ! Vậy bản tính vị kỷ là bản tính tốt đẹp hay bản tính xấu xa? Đây là một vấn đề rất khó giải quyết nhưng sẽ giải quyết được bằng một não trạng sáng suốt nhất, cái não trạng này vượt qua tất cả những định kiến, những thành kiến và những thiên kiến để tự biết mình.
Tôi không xác định bản tính vị kỷ là bản tính tốt đẹp hay bản tính xấu xa, tôi chỉ dám khẳng định rằng tính chất (tốt đẹp hay xấu xa) của bản tính vị kỷ tuỳ thuộc hoàn toàn vào tính chất (tốt đẹp hay xấu xa) của những hành vi hoặc những hành động được thúc đẩy bởi chính bản tính vị kỷ. Nếu bản tính vị kỷ mà thúc đẩy người ta làm điều tốt đẹp thì chính nhờ đó mà bản tính vị kỷ cũng trở thành bản tính tốt đẹp, ngược lại tự nó đã rõ ràng. Tôi xin viện dẫn một sự kiện thực tế để chứng minh thật xác đáng cái định luật nhân văn này. Lòng tham của A thúc đẩy A chiếm hữu tiền bạc của B, nếu A trộm cắp tiền bạc của B thì vì việc trộm cắp hiển nhiên phải bị quy thành một hành động xấu xa nên việc đó đã làm cho lòng tham của A trở thành một bản tính xấu xa, nhưng ngược lại, nếu A làm ra một hàng hoá có công dụng hữu ích đối với B rồi đổi lấy tiền bạc của B thì vì việc làm ra một hàng hoá như vậy hiển nhiên phải được quy thành một hành động tốt đẹp nên việc này đã làm cho lòng tham của A trở thành một bản tính tốt đẹp.
Vậy bản tính vị kỷ vừa làm động lực đầu tiên vừa làm mục đích cuối cùng cho hành động, còn hành động lại chỉ làm phương tiện cho bản tính vị kỷ thể hiện mình, hoặc hành động chỉ thực hiện bản tính vị kỷ mà thôi.
Ở đây có hai loại hành động đối lập nhau, đó là hành động vị kỷ đối lập với hành động vị tha. Hành động vị tha là hành động tốt đẹp hoặc làm lợi cho người khác, vì người khác hoặc hướng tới người khác. Hành động vị kỷ là hành động chỉ làm lợi cho mình đồng thời làm hại cho người khác. Thật ra, nếu xét theo cả động lực đầu tiên lẫn mục đích cuối cùng thì hành động nào cũng chỉ cốt làm lợi cho mình mà thôi, nhưng xét theo tác dụng xã hội, hành động vị tha luôn luôn tạo nên sự cân bằng giữa các cá nhân, qua đó mà bảo tồn đời sống nhân văn cho cá nhân hoặc làm cho cá nhân trở thành nhân loại, tức là hành động vị tha có tác dụng văn minh hoá cá nhân thành nhân loại. Chẳng hạn A cung cấp thực phẩm cho B rồi B cung cấp y phục cho A để cả A lẫn B đều được thoả mãn nhu cầu. Trái ngược với hành động vị tha, hành động vị kỷ luôn luôn tạo nên sự xiêu lệch giữa các cá nhân, qua đó mà đẩy các cá nhân vào tranh chấp rồi huỷ diệt lẫn nhau, tức là làm cho nhân loại đứng trước nguy cơ bị huỷ diệt hoặc ít nhất cũng quay trở lại nguồn gốc thú vật. Chẳng hạn A trộm cắp y phục của B khiến B tức giận mà đánh A làm cho xã hội bị nhiễu loạn hoặc rơi vào trạng thái chiến tranh giữa người với người, tức là hành động vị kỷ lôi cuốn cá nhân quay trở về nguồn gốc thú vật với đầy rẫy hành động dã man. Tiếp theo, do cá nhân nào cũng có bản tính vị kỷ: ích kỷ, tư lợi và tham lam, nên các cá nhân chỉ lệ thuộc vào nhau theo nguyên tắc cân bằng: nếu cái này mà sinh thành cái kia thì cái kia phải phụ thuộc vào cái này để chỉ phục vụ cái này mà thôi, nếu cha mẹ sinh ra con cái thì con cái phải chịu ơn cha mẹ, nếu anh cho tôi thì tôi cũng cho anh, v. v.. Nguyên tắc này có thể có tác dụng tốt nhưng cũng có thể có tác dụng xấu tuỳ theo cái trật tự kỷ cương được thiết lập cho mối quan hệ giữa các cá nhân.
Vấn đề được đặt ra: với trật tự nào, bản tính vị kỷ sẽ thúc đẩy người ta thực hiện những hành động vị kỷ? Với trật tự nào, bản tính vị kỷ sẽ thúc đẩy người người ta thực hiện những hành động vị tha? Cần phải thiết lập trật tự nào hoặc cần phải tổ chức xã hội theo trật tự nào để bản tính vị kỷ sẽ chỉ thúc đẩy người ta thực hiện những hành động vị tha hoặc sẽ thúc đẩy các cá nhân đối xử vị tha với nhau rồi văn minh hoá lẫn nhau hoặc nâng nhau lên thành nhân loại?
Xã hội luôn luôn được tổ chức theo một trật tự nhất định, trật tự đó có thể tự phát nhưng cũng có thể tự giác tuỳ theo các cá nhân tham dựnhận thức chung như thế nào, cao siêu hay thấp kém: nếu nhận thức chung mà thấp kém thì trật tự đó càng tự phát; hoặc ngược lại, nếu nhận thức chung mà cao siêu thì trật tự đó càng tự giác; vì trật tự đó phụ thuộc nhiều như vậy vào nhận thức dù nhận thức chung hay nhận thức riêng nên ta cần phải xác định trật tự đó bằng quyết định luận nhận thức. Thật vậy, trật tự đó có thể cảm tính nhưng cũng có thể lý tính tuỳ theo nhận thức chung nặng về cảm tính hay thiên về lý tính: nếu nhận thức chung nặng về cảm tính thì trật tự đó sẽ nặng về cảm tính rồi được gọi là trật tự cảm tính; hoặc ngược lại, nếu nhận thức chung thiên về lý tính thì trật tự đó sẽ thiên về lý tính rồi được gọi là trật tự lý tính. Vì nhận thức cao siêu bao giờ cũng biểu hiện thành nhận thức lý tính cũng như nhận thức thấp kém bao giờ cũng biểu hiện thành nhận thức cảm tính nên đương nhiên trật tự tự phát phải đồng nhất với trật tự cảm tính cũng như trật tự tự giác phải đồng nhất với trật tự lý tính.
Lập luận như vậy cho phép chúng ta tin rằng có thể có nhiều trật tự khác nhau để tổ chức xã hội.
Nhưng nhiều bằng bao nhiêu? Lập luận bằng bản tính vị kỷ vốn có ở mọi cá nhân, tôi đã xác định được ba loại trật tự khác nhau cho việc tổ chức xã hội: chính thể chuyên chế, chính thể quý tộc và chính thể dân chủ. Ngoài ba trật tự đó sẽ không còn một trật tự nào khác. Xã hội ở bất cứ đâu vào bất cứ thời đại nào cũng phải được tổ chức theo một trật tự nhất định trong ba trật tự nói trên, nếu không phải trật tự này thì cũng phải trật tự khác chỉ trong ba trật tự đó thôi.
Bản tính vị kỷ vốn tồn tại ở mọi cá nhân đòi hỏi phải có pháp luật để ngăn ngừa mỗi cá nhân nhất định gây nên tổn thất cho các cá nhân khác trong khi theo đuổi mục đích riêng: tìm kiếm phương tiện riêng để thoả mãn nhu cầu riêng; đồng thời khuyến khích mỗi cá nhân đó sẵn sàng phục vụ các cá nhân khác để mình cũng được thoả mãn nhu cầu riêng.
Pháp luật (hoặc luật pháp) các quy tắc xử sự theo nguyên tắc bình đẳng mang tính chất bắt buộc đối với mọi cá nhân cấu thành xã hội được quy định chung đồng thời được bảo đảm thực hiện bởi ý chí chung biểu hiện thành những chuẩn mực cụ thể về quyền lợi cùng với nghĩa vụ tương ứng với quyền lợi: được làm gì, đồng thời phải làm gì.
Muốn pháp luật, trước hết phải làm ra pháp luật; làm ra pháp luật rồi lại phải sử dụng pháp luật; trong khi sử dụng pháp luật lại phải giữ gìn hoặc bảo vệ pháp luật. Nhưng muốn làm được ba việc đó lại đòi hỏi phải có ba quyền lực tương ứng: quyền lực lập pháp, quyền lực hành phápquyền lực tư pháp; trong đó quyền lực lập pháp bao hàm cả quyền lực hành pháp lẫn quyền lực tư pháp hoặc nếu không có quyền lực lập pháp thì tuyệt đối không thể có cả quyền lực hành pháp lẫn quyền lực tư pháp; chính vì bao hàm cả quyền lực hành pháp lẫn quyền lực tư pháp nên quyền lực lập pháp có hai chức năng đối lập nhau: chức năng quy định đối lập với chức năng ngăn cản; chức năng quy định là chức năng tự mình ra lệnh hoặc tự mình sửa lại quyết định đã được đưa ra bởi người khác; chức năng ngăn cản là chức năng làm vô hiệu hoá quyết định đã được đưa ra bởi người khác, nhưng nếu đã có thể ngăn cản được thì cũng có thể phê chuẩn được, mà đã phê chuẩn tức là lại không ngăn cản nữa. Mối quan hệ giữa ba quyền lực đó sẽ cấu thành ba trật tự khác nhau để tổ chức xã hội.
Trật tự thứ nhất được gọi là chính thể chuyên chế, theo đó cả ba quyền lực khác nhau: lập pháp, hành pháp và tư pháp, đều được tập trung cả vào một cá nhân duy nhất hoặc một nhóm cá nhân nào đó có chung cả quyền lợi lẫn ý đồ, trong đó lại chỉ có một cá nhân duy nhất làm thủ lĩnh nắm quyền quyết định, tức là xét đến cùng chính thể chuyên chế chỉ tập trung cả ba quyền lực nói trên vào một cá nhân duy nhất mà thôi. Cá nhân đó được gọi là nhà độc tài (dictator), tức là một người quyết định mọi việc. Nhà độc tài tập hợp một đám tay chân thân tín thành nhà nước chuyên chế hoặc nhà nước độc tài; trên cơ sở đó, nhà độc tài làm ra pháp luật rồi lại sử dụng pháp luật đồng thời bảo vệ pháp luật. Theo bản tính vị kỷ thúc đẩy, nhà độc tài sẽ chỉ làm ra pháp luật mù quáng, tức là pháp luật chỉ bảo đảm lợi ích cho một hoặc một số ít cá nhân nào đó mà thôi (một số ít cá nhân đó bao gồm nhà độc tài cùng với đám tay chân thân tín làm tay sai cho chính nhà độc tài), rồi sử dụng (thi hành) pháp luật đó bằng những phương pháp tuỳ tiện đồng thời bảo vệ pháp luật đó bằng những phương pháp độc đoán. Chính vì chỉ có pháp luật mù quáng nên chính thể chuyên chế chỉ tồn tại được với ba điều kiện cơ bản: bạo hành, cướp bócdối trá. Ba điều kiện đó bổ sung cho nhau đồng thời dẫn đến ba hệ quả tương ứng: khiếp sợ, bất côngngu dốt. Sự thể như sau: bạo hành gây nên sự khiếp sợ (nhà độc tài phải bạo hành với dân chúng làm cho dân chúng khiếp sợ mà phục tùng nhà độc tài, nếu nhà độc tài không bạo hành với dân chúng thì dân chúng sẽ không phục tùng nhà độc tài), cướp bóc gây nên sự bất công (nhà độc tài phải cướp bóc dân chúng làm cho nhà độc tài trở nên giàu có nhưng dân chúng lại trở nên nghèo khó, nếu không cướp bóc thì nhà độc tài sẽ không có phương tiện để cai trị dân chúng), dối trá gây nên sự ngu dốt (nhà độc tài phải dối trá với dân chúng làm cho dân chúng ngu dốt mà chấp nhận làm tôi tớ cho nhà độc tài, nếu nhà độc tài không dối trá với dân chúng thì dân chúng sẽ chỉ đòi hỏi quyền lợi cho mình mà không muốn phải thực hiện nghĩa vụ đối với nhà độc tài, tức là dân chúng sẽ đòi hỏi được bình đẳng với nhà độc tài). Pháp luật mù quáng không chỉ gây nên xung đột giữa nhà độc tài với dân chúng mà còn gây nên xung đột giữa cá nhân này với cá nhân khác, từ đó gây nên xung đột giữa nhóm người này với nhóm người khác, làm cho mọi cá nhân đều bị đau khổ như nhau; tức là pháp luật đó không chỉ ngăn cản người ta làm điều tốt đẹpcòn thúc đẩy người ta làm điều xấu xa làm cho bản tính vị kỷ trở thành bản tính xấu xa. Bằng pháp luật đó, chính thể chuyên chế gò ép mỗi cá nhân nhất định vào một khuôn khổ biệt lập dựa vào kinh tế tự túc làm cho mỗi cá nhân đó trở thành một phần tử cô lập hoặc một cá nhân phi xã hội. Hệ quả này cho thấy pháp luật mù quáng không những không nhắm đếncòn đi ngược lại mục đích chân chính đã được đề ra từ trước cho pháp luật, tức là chính thể chuyên chế làm cho pháp luật trở thành con số không hoặc pháp luật không thể tồn tại được với chính thể chuyên chế, chính thể này có thể có hẳn cả một rừng luật nhưng nó có thể chỉ dùng luật rừng mà thôi. Luật Rừng tức là Bạo lực. Bạo lực chỉ xác nhận rằng chính thể chuyên chế không cần có pháp luật. Chính vì làm cho pháp luật trở thành con số không hoặc chỉ quy pháp luật về bạo lực nên chính thể chuyên chế làm cho nhà nước chuyên chế hoặc nhà nước độc tài trở thành nhà nước bạo quyền, tức là nhà nước chỉ tồn tại bằng bạo lực: được thiết lập bằng bạo lực đồng thời được bảo tồn bằng bạo lực cũng như chỉ quản lý bằng bạo lực đồng thời bị quản lý bằng bạo lực. Chừng nào mỗi cá nhân nhất định vẫn có thể tự thoả mãn được mình trong khuôn khổ biệt lập, chừng đó chính thể chuyên chế còn có thể yên tâm tồn tại được. Nhưng nếu nhu cầu mà mở rộng hơn khuôn khổ đó khiến mỗi cá nhân nhất định phải thoả mãn mình bằng những phương tiện cần thiết bên ngoài khuôn khổ đó mới tồn tại được thì chính thể chuyên chế sẽ bị đe doạ bởi các nguy cơ thầm kín đến từ mỗi cá nhân nhất định, mỗi cá nhân đó sẽ tự phát phá vỡ cái khuôn khổ biệt lập đang giam hãm mình: cá nhân này sẽ trao đổi hoạt động với các cá nhân khác để thoả mãn mình: kinh tế đổi chác sẽ thay thế kinh tế tự túc.
Trật tự thứ hai được gọi là chính thể quý tộc, theo đó ba quyền lực khác nhau: lập pháp, hành pháp và tư pháp, được phân chia cho hai cơ quan khác nhau: cơ quan lập pháp thực hiện quyền lực lập pháp đồng thời thực hiện cả quyền lực tư pháp đối lập với cơ quan hành pháp thực hiện quyền lực hành pháp đồng thời cũng thực hiện cả quyền lực tư pháp, làm cho cơ quan này có thể bị xét xử bởi cơ quan kia. Chính vì cùng thực hiện quyền lực tư pháp làm cho cơ quan này có thể bị xét xử bởi cơ quan kia nên cơ quan lập pháp chỉ thực hiện được nửa vời quyền lực lập pháp cũng như cơ quan hành pháp chỉ thực hiện được nửa vời quyền lực hành pháp mà thôi. Cả ba quyền lực khác nhau: lập pháp, hành pháp và tư pháp, đều chỉ được thực hiện nửa vời làm cho chính thể quý tộc chỉ có pháp luật nửa vời mà thôi. Pháp luật này làm cho chính thể quý tộc đòi hỏi phải có danh diện mới tồn tại được. Danh diện chỉ đòi hỏi một điều kiện duy nhất, đó là sự điều độ, theo đó cái gì cũng phải điều độ. Nhưng vì cá nhân nào cũng có bản tính vị kỷ: ích kỷ, tư lợitham lam, nên tuyệt đối không thể có cái gì làm tiêu chuẩn hoặc cơ sở cho sự điều độ. Sự điều độ không có cơ sở nào hoặc tiêu chuẩn nào để hiện hữu làm cho chính thể quý tộc chỉ tồn tại được mập mờ mà thôi, tức là chỉ xác định được tương đối. Thực tế cho thấy chính thể này chỉ làm bước quá độ từ chính thể chuyên chế lên chính thể dân chủ. Chính vì chỉ làm bước quá độ như vậy nên chính thể quý tộc còn có thể biểu hiện thành chính thể quá độ hoặc chính thể nửa vời.
Trật tự thứ ba được gọi là chính thể dân chủ, theo đó ba quyền lực khác nhau: lập pháp, hành pháp và tư pháp, được phân chia độc lập với nhau cho ba cơ quan khác nhau: cơ quan lập pháp thực hiện quyền lực lập pháp, cơ quan hành pháp thực hiện quyền lực hành phápcơ quan tư pháp thực hiện quyền lực tư pháp; ba cơ quan đó cấu thành nhà nước dân chủ, tức là nhà nước dân chủ phải được tổ chức theo quy chế phân lập tam quyền để ngăn ngừa quan chức nhà nước lạm dụng quyền lực nhà nước. Do quyền lực lập pháp có hai chức năng đối lập nhau: chức năng quy định đối lập với chức năng ngăn cản, nên cơ quan lập pháp phải được phân chia thành hai thiết chế khác nhau: Thượng Nghị viện phân biệt với Hạ Nghị viện về cả số lượng thành viên lẫn nhiệm kỳ hoạt động. Để ngăn chặn sự liên kết bất chínhcông khai hay bí mật giữa ba cơ quan đó, chính thể dân chủ phải có nguyên tắc đa nguyên bình đẳng biểu hiện thành xã hội dân sự với nhiều tổ chức độc lập hoạt động bình đẳng theo nguyên tắc đa nguyên để nếu một nhóm người nào đó mà nắm được cả ba quyền lực kia thì nhóm người đó sẽ phải bị kiểm sát chặt chẽ (kiểm tra kết hợp với giám sát) bởi tất cả các nhóm người khác, làm cho ba cơ quan kia phải thật sự độc lập với nhau. Tiếp theo, muốn cho nguyên tắc đa nguyên bình đẳng được thực hiện triệt để, chính thể dân chủ phải có chế độ bầu cử tự do để ngăn ngừa được tệ nạn quan liêu trong nhà nước dân chủ hoặc bảo đảm được sự bình đẳng thật sự giữa nhà nước dân chủ với toàn thể công dân; chế độ bầu cử tự do làm cho người ta lựa chọn được những người có cả tài năng lẫn đức hạnh làm người lãnh đạo đồng thời cũng làm cho người lãnh đạo chỉ phụ thuộc vào nhân dân mà phải phục vụ nhân dân, tức là làm cho nhân dân thật sự làm chủ nhà nước dân chủ. Vậy xét đến cùng, chính thể dân chủ làm cho mọi cá nhân đều có cả ba quyền lực khác nhau: lập pháp, hành pháp và tư pháp. Mọi cá nhân đều làm ra pháp luật rồi lại đều sử dụng pháp luật đồng thời đều bảo vệ pháp luật. Theo bản tính vị kỷ thúc đẩy, mọi cá nhân đều phải làm ra pháp luật nghiêm minh, tức là pháp luật phải bảo đảm lợi ích cho mọi cá nhân, rồi sử dụng (thi hành) pháp luật đó bằng những phương pháp tự do đồng thời bảo vệ pháp luật đó bằng những phương pháp công bằng. Chính vì phải có pháp luật nghiêm minh nên chính thể dân chủ chỉ tồn tại được với ba điều kiện cơ bản: 1/ Nhà nước dân chủ phải được tổ chức theo quy chế phân lập tam quyền, theo đó nhà nước này phải được phân chia độc lập về nhân sự thành ba cơ quan khác nhau để thực hiện ba quyền lực tương ứng: cơ quan lập pháp thực hiện quyền lực lập pháp, cơ quan hành pháp thực hiện quyền lực hành pháp và cơ quan tư pháp thực hiện quyền lực tư pháp; sự phân chia quyền lực như vậy làm cho quan chức nhà nước không thể lạm dụng được quyền lực nhà nước; 2/ Nhà nước dân chủ phải được làm chủ theo nguyên tắc đa nguyên bình đẳng bởi toàn thể nhân dân, theo đó nhà nước này phải bị kiểm sát chặt chẽ bởi xã hội dân sự với nhiều tổ chức độc lập để ngăn ngừa các điều luật mù quáng dẫn đến tai hoạ cho dân chúng, cũng như phương tiện giao thông phải có phanh hãm thật tốt để phòng tránh tai nạn giao thông; 3/ Nhà nước dân chủ phải được bảo tồn theo chế độ bầu cử tự do hoặc phải hoạt động theo nhiệm kỳ; sau mỗi nhiệm kỳ nhất định, nhà nước này phải thay đổi nhân sự thông qua bầu cử tự do, theo đó mọi cá nhân đều phải được tham gia lựa chọn những người có cả tài năng lẫn đức hạnh làm người lãnh đạo đồng thời cũng đều phải được ứng cử làm người lãnh đạo, nhưng chỉ được ứng cử vào một trong ba cơ quan khác nhau: lập pháp, hành pháptư pháp, nếu ứng cử vào cơ quan này thì không được ứng cử vào hai cơ quan kia hoặc nếu đắc cử vào cơ quan này thì phải từ bỏ chức vụ ở hai cơ quan kia để người đắc cử chỉ nắm được một trong ba quyền lực khác nhau: lập pháp, hành pháptư pháp. Quy chế phân lập tam quyền ngăn ngừa được quan chức nhà nước lạm dụng quyền lực nhà nước. Nguyên tắc đa nguyên bình đẳng bảo đảm cho nhân dân làm chủ được nhà nước dân chủ. Chế độ bầu cử tự do làm cho nhà nước dân chủ phải phụ thuộc vào nhân dân mà phục vụ nhân dân; chế độ bầu cử đó phải tuân thủ cả quy chế phân lập tam quyền lẫn nguyên tắc đa nguyên bình đẳng để thực hiện được triệt để cả hai thiết chế đó, tức là ba điều kiện đó bổ sung cho nhau đồng thời cùng nhau bảo tồn pháp luật nghiêm minh, pháp luật này lại bảo tồn Tự do – Bình đẳng – Bác ái. Tự do là tình trạng được làm tất cả những gì có lợi cho mình đồng thời cũng có lợi cho cả người khác biểu hiện thành toàn bộ các quyền làm người của mỗi cá nhân nhất định hoặc nhân quyền như vẫn thường gọi. Bình đẳng là như nhau hoặc giống nhau về cả quyền lợi lẫn nghĩa vụ. Bác ái là yêu thương người khác như yêu thương chính mình. Pháp luật nghiêm minh ngăn ngừa sự xung đột giữa người với người làm cho mọi cá nhân đều được hạnh phúc như nhau; tức là pháp luật đó không chỉ ngăn cản người ta làm điều xấu xacòn thúc đẩy người ta làm điều tốt đẹp làm cho bản tính vị kỷ trở thành bản tính tốt đẹp, hoặc nói cụ thể hơn: pháp luật nghiêm minh thúc đẩy người ta hành xử theo đạo đức. Bằng pháp luật đó, chính thể dân chủ đặt để mỗi cá nhân nhất định vào một khuôn khổ liên đới dựa vào kinh tế đổi chác làm cho mỗi cá nhân đó trở thành một cá nhân xã hội. Hệ quả này cho thấy pháp luật nghiêm minh luôn luôn nhắm đến mục đích chân chính đã được đề ra từ trước cho pháp luật, tức là chính thể dân chủ bảo đảm cho pháp luật tồn tại hoặc pháp luật chỉ tồn tại được với chính thể dân chủ mà thôi. Cũng chính vì bảo đảm cho pháp luật tồn tại nên chính thể dân chủ làm cho nhà nước dân chủ trở thành nhà nước pháp quyền, tức là nhà nước chỉ tồn tại bằng pháp luật: được thiết lập bằng pháp luật đồng thời được bảo tồn bằng pháp luật cũng như chỉ quản lý bằng pháp luật đồng thời được quản lý bằng pháp luật.
Chính thể dân chủ đối lập thù địch với chính thể chuyên chế, nhưng chính thể quý tộc lại dung hoà chính thể chuyên chế với chính thể dân chủ. Tuy nhiên, vì chính thể dân chủ không thể dung hoà được với chính thể chuyên chế nên chính thể quý tộc không thể hiện hữu. Vậy chỉ còn lại sự tương tranh giữa chính thể chuyên chế với chính thể dân chủ mà thôi.
Chính thể chuyên chế không dựa vào sự giống nhau về bản năng sinh tồn giữa cá nhân này với cá nhân khác vốn làm bản chất bên trong cho cá nhân luôn luôn tồn tại cố định hoặc tồn tại bất biến mà chỉ dựa vào sự khác nhau về cả thể chất lẫn trí tuệ giữa cá nhân này với cá nhân khác vốn chỉ làm hiện tượng bề ngoài cho cá nhân luôn luôn tồn tại năng động hoặc tồn tại khả biến. Chính vì chỉ dựa vào sự khác nhau như vậy giữa cá nhân này với cá nhân khác nên chính thể chuyên chế luôn luôn bấp bênh đến mức độ mà bất kỳ sự chống đối nào cũng có thể làm cho chính thể này bị chao đảo. Chính sự thể này đã giải thích cho ta hiểu được tại sao chính thể chuyên chế luôn luôn đòi hỏi nhà nước chuyên chế phải truy bức bất cứ một cá nhân nào hoặc bất cứ một nhóm cá nhân nào có sự chống đối dù bằng hành vi hay bằng lời nói. Ngược lại, chính thể dân chủ không dựa vào sự khác nhau về cả thể chất lẫn trí tuệ vốn tồn tại năng động hoặc tồn tại khả biến mà chỉ dựa vào sự giống nhau về bản năng sinh tồn vốn tồn tại cố định hoặc tồn tại bất biến. Chính vì chỉ dựa vào sự giống nhau về bản năng sinh tồn nên chính thể dân chủ luôn luôn chắc chắn. Quả thật, vì chính thể dân chủ bảo đảm lợi ích cho mọi cá nhân, tức là chính thể dân chủ cắm rễ vào từng cá nhân nhất định, nên có thể có người nghĩ đến việc chống lại nhà cầm quyền nhưng chẳng mấy ai hoặc thậm chí không có cá nhân nào nghĩ đến việc chống lại chính thể dân chủ. Đó là một trong nhiều lý do quan trọng làm cho chính thể này tồn tại bền vững.
Chính thể chuyên chế làm cho nhân loại chỉ có thể phải sống bằng kinh tế vật tính, tức là nền kinh tế chỉ tuân theo các quy luật vật lý; nhưng ngược lại, chính thể dân chủ lại làm cho nhân loại phải sống bằng kinh tế nhân tính, tức là nền kinh tế phải tuân theo các quy luật luân lý hoặc các quy luật đạo đức như vẫn thường gọi.
Để thiết lập chính thể chuyên chế cũng như bảo tồn chính thể đó, người ta chỉ cần hành xử theo ý muốn mà không cần phải hành xử theo lý trí; hoặc chỉ cần nhận thức cảm tính mà không cần nhận thức lý tính, tức là chỉ cần muốn mà không cần phải hiểu rõ, không cần phải hoài nghi, không cần phải lý giải. Với sự ngu dốt (Ignorant) hoặc nhận thức cảm tính, người ta chỉ có thể tạo ra được chính quyền tồi dởkhông thể tạo ra được chính quyền tử tế. Sự thể đó cho thấy chính thể chuyên chế chỉ thuộc về trật tự tự phát. Quả thật, cứ đấu đá lung tung hoặc cứ truy bức bừa bãi theo nguyên tắc được làm vua thua làm giặc sẽ tự phát dẫn đến chính thể chuyên chế. Nhưng ngược lại, việc thiết lập chính thể dân chủ cũng như việc bảo tồn chính thể này lại đòi hỏi người ta phải có nhận thức lý tính, tức là cần phải hiểu rõ, cần phải biết hoài nghi và cần phải biết lý giải. Nhận thức này cho phép người ta nhận biết được chính mình rồi nhờ đó mà xác lập được quy chế phân lập tam quyền, nguyên tắc đa nguyên bình đẳngchế độ bầu cử tự do. Sự thể này cho thấy chính thể dân chủ phải thuộc về trật tự tự giác, nó cũng cho thấy rằng việc xoá bỏ một chế độ độc tài dù khó khăn đến đâu cũng chưa khó khăn bằng việc xây dựng một chế độ dân chủ.
Mỗi cá nhân nhất định luôn luôn có mâu thuẫn nội tại giữa nhu cầu tiêu dùng vô hạn với khả năng sản xuất hữu hạn, mâu thuẫn này bắt buộc mỗi cá nhân nhất định phải trao đổi hoạt động với các cá nhân khác để thoả mãn mình, tức là phải sống bằng kinh tế đổi chác hoặc kinh tế thị trường như vẫn thường gọi, kinh tế này lại đòi hỏi phải có Tự do – Bình đẳng – Bác ái. Tuy nhiên, chừng nào chính thể chuyên chế còn tồn tại ở bất cứ đâu vào bất cứ lúc nào, chừng đó đòi hỏi kia còn bị khước từ ở bất cứ nơi nào còn tồn tại chính thể đó vào bất cứ lúc nào.
Mâu thuẫn đối kháng giữa chính thể chuyên chế với kinh tế đổi chác ắt sẽ gây ra vô số tai hoạ khủng khiếp cho mọi cá nhân: không chỉ có chiến tranh giữa người với ngườicòn có cả chiến tranh giữa người với thiên nhiên nữa, biểu hiện thành nhiều loại thiên tai khủng khiếp, như hạn hán, lũ lụt, bão tố, địa chấn, v. v., nhưng nghiêm trọng nhất phải thuộc về ô nhiễm môi trường, cả môi trường tự nhiên lẫn môi trường xã hội đều bị ô nhiễm. Chính thể chuyên chế không chỉ gây nên ô nhiễm cho môi trường tự nhiên mà còn gây nên ô nhiễm cho cả môi trường xã hội nữa; khi bị ô nhiễm, môi trường xã hội rất hiếm hành vi tốt đẹp cũng như rất hiếm tư tưởng lành mạnh nhưng lại rất nhiều hành vi xấu xa cùng với rất nhiều tư tưởng độc hại, hai thứ đó nương tựa vào nhau để cùng nuôi dưỡng nhau làm cho mỗi cá nhân nhất định khó có thể hoặc thậm chí không thể nhận thức được bản thân, từ đó khó có thể hoặc thậm chí không thể có khả năng cần thiết để làm chủ bản thân, tâm lý sợ đấu tranh lan tràn từ cá nhân này đến cá nhân khác làm cho xã hội luôn luôn lầm đường lạc lối từ sai lầm này đến sai lầm khác. Các sai lầm đó lại trực tiếp dẫn đến nhiều tai hoạ mới.
Vô số tai hoạ khủng khiếp phát sinh từ chính thể chuyên chế đòi hỏi phải tổ chức xã hội theo một trật tự mới: chính thể dân chủ. Chính thể này chỉ tồn tại được với ba điều kiện cơ bản đã được trình bày ở trên kia, nhưng ba điều kiện đó lại phải dựa vào ba điều kiện khác: kinh tế đổi chác, xu hướng đa nguyênkhả năng hiểu biết. Ba điều kiện này bổ sung cho nhau đồng thời dẫn đến ba hệ quả trực tiếp: Tự do – Bình đẳng – Bác ái.
Hệ quả này đã dẫn dắt chúng ta đi thẳng đến một lý thuyết khoa học về Chúa giáo (Christianity), một tôn giáo về nền cộng hoà.
Aristote quan niệm rằng: mục đích cuối cùng của cuộc đời không phải là làm tốt, mà là hạnh phúc. “Chúng ta lựa chọn hạnh phúc vì chính giá trị tự tại của nó mà không vì những chuyện gì khác; còn khi lựa chọn danh dự, khoái lạc, tri thức, v. v., bởi vì chúng ta tin tưởng rằng chúng làm ta hạnh phúc”. “Nhân loại, theo bản chất tự nhiên, là động vật chính trị”, tức là động vật sống theo pháp luật, vì có khả năng trao đổi suy nghĩ về công lý, bất công và những điều tốt đẹp. Nhà nước tồn tại theo pháp luật hoặc dựa vào pháp luật để tồn tại (nhà nước pháp quyền) là điều tuyệt đối cần thiết cho cuộc sống. “Nhân loại, khi được làm cho hoàn thiện thêm (bởi giáo dục) là đỉnh cao nhất của thú vật, nhưng khi bị tách khỏi pháp luật và công lý, nó là một loại thú vật tồi tệ nhất ... Chính công lý là sợi dây nối kết nhân loại với nhà nước (pháp quyền) vì lẽ việc thực hiện công lý là nguyên lý cao nhất trong một tập thể chính trị”. Để đạt được hạnh phúc, nhân loại phải dựa vào chức năng duy nhất vốn chỉ có ở chính nó, đó là “hoạt động của tâm hồn theo lý trí” (activity of the soul according to reason).
Chúa giáo còn chỉ dẫn rõ ràng hơn nữa. Trước hết, Chúa giáo chỉ dẫn cho nhân loại phải biết sống theo pháp luật để có thể trở nên tốt đẹp hoặc được hạnh phúc; tiếp theo, Chúa giáo khẳng định cho nhân loại hiểu được rằng: muốn sống theo pháp luật, nhân loại phải biết thiết lập nhà nước dân chủ hoặc nhà nước cộng hoà; tiếp theo nữa, Chúa giáo chứng minh cho nhân loại hiểu được rằng: muốn thiết lập được nhà nước dân chủ hoặc nhà nước cộng hoà, nhân loại phải biết sống bác ái, tức là yêu thương người khác như yêu thương chính mình, nếu đấu tranh thì phải đấu tranh bằng ý chí thông qua đối thoại hoà bìnhtuyệt đối không được đấu tranh bằng bạo lực thông qua gây hấn chiến tranh. Chính Chúa Jesus đã dạy bảo các môn đệ rằng: “kẻ nào sử dụng đao kiếm sẽ bị chết bởi đao kiếm” (ý nói: sử dụng bạo lực sẽ bị chết bởi bạo lực!); rằng: “kẻ nào tự nâng mình lên sẽ bị hạ xuống, kẻ nào tự hạ mình xuống sẽ được nâng lên” (ý nói: mọi người đều như nhaubình đẳng!); rằng: “anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em; Thầy đã yêu thương anh em như thế nào, anh em hãy yêu thương nhau như thế” (ý nói: mọi người đều phải biết sống bác ái!). Như thế tức là phương pháp đấu tranh bằng ý chí hoặc phương pháp đấu tranh bất bạo động đã được xác lập lần đầu tiên bởi chính Chúa Jesus. Lời giáo huấn này đã xâm nhập sâu rộng vào toàn thể nhân loại, từ đó đã tạo nên nhiều quốc gia có nhà nước dân chủ hoặc nhà nước cộng hoà, như các quốc gia ở Mỹ châu (Canada, Mỹ, Mexico, Argentina, Brazil, v. v.), Âu châu (Anh, Pháp, Đức, Ý, Ba lan, v. v.), Úc châu (Australia, New Zealand, v. v.), Á châu (Ấn độ, Nhật bản, Israel, Đài loan, Nam Triều tiên, v. v.), Phi châu (Nam Phi, v. v.); nhờ biết lắng nghe Lời Chúa đồng thời biết vận dụng Lời Chúa vào đời sống của mình mà tất cả các quốc gia đó đều cực kỳ thịnh vượng: kinh tế giàu có, chính trị tự do, văn hoá tân kỳ (cả khoa học lẫn nghệ thuật đều nảy nở rực rỡ!), chứ không nghèo đói nhếch nhác như các quốc gia khác không có nhà nước dân chủ hoặc nhà nước cộng hoà.
Không phải ngẫu nhiên mà Thánh nhân Mahatma Gandhi (1869 – 1948) cũng đã từng thừa nhận rằng chính Chúa Jesus đã xác lập được một con đường chắc chắn nhất cho nhân loại đi lên. Với Chúa Jesus, Chúa giáo lại dẫn đến chủ nghĩa cá nhân như đã được xác nhận đúng đắn bởi F. A. Hayek. Đến lượt mình, chủ nghĩa cá nhân lại làm con đường hiện thực nhất dẫn đến Tự do. Như vậy tức là chủ nghĩa cá nhân tất yếu phải dẫn đến chủ nghĩa tự do.
Chủ nghĩa tự do (Liberalism) là một hệ tư tưởng lấy tự do làm căn bản cho mình, theo đó tự do vừa làm điểm xuất phát vừa làm phương pháp luận để xác lập các quan hệ chính trị theo nguyên tắc bình đẳng nhằm giải phóng cá nhân hoặc mưu cầu hạnh phúc cho cá nhân, trong đó cá nhân không chỉ biểu hiện cụ thể trên thực tế thành một hoặc một số cá nhân nào đó, như a hoặc b, v. v., mà phải biểu hiện trừu tượng trên ý niệm thành một khái niệm bao quát mọi cá nhân.
Vậy chủ nghĩa tự do chỉ biểu hiện cụ thể về mặt chính trị cho chủ nghĩa cá nhân ở từng cá nhân nhất định mà thôi.
Khác với chủ nghĩa cá nhân vốn phải bao quát cả quyền lợi cá nhân lẫn trách nhiệm cá nhân, chủ nghĩa tự do lại chỉ khái quát quyền lợi cá nhân mà thôi. Chủ nghĩa tự do chỉ nói đến trách nhiệm cá nhân thông qua quyền lợi cá nhân. Nói như vậy để hiểu rằng chủ nghĩa tự do nhỏ hẹp hơn so với chủ nghĩa cá nhân hoặc chỉ chiếm một bộ phận cấu thành cho chủ nghĩa cá nhân. Nếu chủ nghĩa cá nhân có thể giải thích được tất cả các chế độ chính trị (cả chính thể dân chủ lẫn chính thể chuyên chế) thì chủ nghĩa tự do lại chỉ có thể giải thích được chế độ dân chủ mà thôi.
Chủ nghĩa tự do đã phát triển qua hai giai đoạn khác nhau. Ở giai đoạn đầu tiên từ thời đại khai sáng đến cuối thế kỷ XIX, nó được gọi là chủ nghĩa tự do cổ điển với những đại diện điển hình nhất như David Hume (1711 – 1776), Adam Smith (1723 – 1790), Jeremy Bentham (1748 – 1832), Wilhelm Humboldt (1767 – 1835), David Ricardo (1772 – 1823) và John Stuart Mill (1806 – 1773), nhưng vai trò tiên phong phải thuộc về cả Niccolò Machiavelli (1469 – 1527) lẫn John Locke (1632 – 1704). Ở giai đoạn thứ hai từ đầu thế kỷ XX đến nay, nó được gọi là chủ nghĩa tự do cận đại với vai trò nổi bật thuộc về Ludwig von Mises (1881 – 1973). Chính tác gia này đã thiết đặt điểm xuất phát cho Friedrich August von Heyek (1899 – 1992) đưa chủ nghĩa tự do cận đại lên đến đỉnh cao vào cuối thế kỷ XX.
Mặc dù cùng theo đuổi một mục đích chung, tức là giống nhau về mục đích: giải phóng cá nhân hoặc mưu cầu hạnh phúc cho cá nhân, nhưng chủ nghĩa tự do cổ điển vẫn khác biệt với chủ nghĩa tự do cận đại trong quan niệm về nhân loại, tức là khác nhau về phương pháp luận.
Hãy xem L. Mises trình bày sự khác biệt giữa chủ nghĩa tự do cổ điển với chủ nghĩa tự do cận đại:
Sự khác biệt giữa chủ nghĩa tự do trước đây với chủ nghĩa tự do tân thời thể hiện rõ ràng nhất để được nhận thấy dễ nhất qua cách xử lý vấn đề bình đẳng. Các nhà tự do chủ nghĩa vào thế kỷ XVIII, được hướng đạo bởi tư tưởng về luật tự nhiên vốn xuất hiện từ thời đại khai sáng, đòi quyền bình đẳng về chính trị và dân sự cho tất cả mọi người vì họ cho rằng mọi người đều giống nhau. Chúa sinh ra mọi người như nhau, phú cho họ những khả năng và tài năng như nhau, phả vào tất cả mọi người cùng một hơi thở. Tất cả những khác biệt giữa người với người đều là nhân tạo, là sản phẩm của xã hội, của nhân loạinghĩa là do những định chế nhất thời mà sinh ra sự khác biệt giữa người với người. Cái còn lại vĩnh viễn trong con ngườitức là tâm hồn anh tachắc chắn giống nhau cho cả người giàu lẫn người nghèo, cả quý tộc lẫn thường dân, cả da trắng lẫn da màu.
Tuy nhiên, không có khẳng định nào lại thiếu căn cứ hơn lời khẳng định về sự bình đẳng giữa người với người như thế. Mỗi người một khác, không ai giống ai. Ngay cả anh em ruột cũng khác nhau rất xa về sức khỏe cũng như trí thông minh. Tự nhiên không bao giờ lặp lại sản phẩm của chính nó; nó không sản xuất hàng loạt và không có sản phẩm được tiêu chuẩn hóa. Mỗi người khi rời khỏi xưởng chế tạo của nó đều mang theo dấu ấn riêng, duy nhất và không bao giờ lặp lại. Mỗi người một khác, và đòi hỏi về sự bình đẳng trước pháp luật hoàn toàn không thể dựa vào khẳng định rằng những người giống nhau phải được đối xử như nhau.
Có hai lý do giải thích vì sao mọi người đều phải bình đẳng trước pháp luật. Lý do thứ nhất đã được nhắc tới khi phân tích những luận chứng nhằm chống lại chế độ nô lệ. Lao động sẽ có năng suất cao nhất khi và chỉ khi người công nhân được tự do vì chỉ có người lao động tự do, tức là người được hưởng thành quả lao động của mình dưới dạng tiền lương, mới cố gắng hết sức. Giữ gìn hòa bình trong xã hội là luận cứ thứ hai. Như đã chỉ ra ở trên, cần phải tránh mọi xáo trộn đối với sự phát triển một cách hòa bình quá trình phân công lao động. Nhưng giữ gìn hòa bình trong một xã hội mà quyền lợi và trách nhiệm được phân chia theo giai cấp là nhiệm vụ hầu như bất khả thi. Người nào không cho một bộ phận dân chúng được hưởng các quyền như các bộ phận khác, người đó phải luôn sẵn sàng đối phó với cuộc tấn công của những người bị tước quyền nhằm chống lại những kẻ được hưởng đặc quyền đặc lợi. Đặc quyền đặc lợi giai cấp phải bị bãi bỏ, lúc đó xung đột vì lý do giai cấp sẽ chấm dứt.
Như vậy, việc bới tìm sai lầm trong cách đặt vấn đề bình đẳng của chủ nghĩa tự do, rằng nó chỉ tạo ra sự bình đẳng trước pháp luật chứ không phải bình đẳng thật sự, là việc làm thiếu cơ sở. Dù có sử dụng toàn bộ sức mạnh của nhân loại cũng không thể làm cho người ta trở thành giống nhau. Con người đã và sẽ mãi mãi khác nhau. Chính những quan điểm tỉnh táo hữu ích vừa được trình bày là luận cứ ủng hộ cho việc mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. Chủ nghĩa tự do không bao giờ đặt ra mục tiêu cao hơn thế, cũng chẳng bao giờ đòi hỏi cao hơn. Biến một người da đen thành một người da trắng là việc làm bất khả thi. Nhưng cho người da đen được hưởng những quyền như người da trắng, và bằng cách đó tạo điều kiện cho anh ta có thu nhập như người da trắng nếu anh ta cũng có năng suất lao động như người kia.
Nhưng những người xã hội chủ nghĩa lại nói rằng làm cho mọi người bình đẳng trước pháp luật là chưa đủ. Muốn làm cho họ trở thành những người bình đẳng thật sự thì phải cho họ phân phối thu nhập giống nhau. Bãi bỏ đặc quyền đặc lợi được hưởng theo kiểu cha truyền con nối và theo chức tước là chưa đủ. Cần phải hoàn thành sự nghiệp, cần phải loại bỏ một trong những đặc quyền đặc lợi quan trọng nhất và lớn nhất, mà cụ thể là đặc quyền đặc lợi từ sở hữu tư nhân mang lại cho người ta. Chỉ có như thế thì cương lĩnh tự do mới được thực hiện trọn vẹn, và nếu nhất quán thì chủ nghĩa tự do cuối cùng sẽ dẫn đến chủ nghĩa xã hội, dẫn đến việc bãi bỏ sở hữu tư nhân đối với tư liệu sản xuất.” 15).
Chủ nghĩa tự do cổ điển vốn dựa trên tư tưởng về luật tư nhiêntuyệt đối hóa sự giống nhau giữa các cá nhân dẫn đến đòi hỏi sự bình đẳng về mọi mặt cho tất cả mọi người. Việc tuyệt đối hóa sự giống nhau giữa các cá nhân đã dẫn đến một quan niệm sai lạc về sự bình đẳng giữa người với người, theo đó sự bình đẳng đã bị đánh đồng với sự cào bằng làm cho ai cũng như ai hoặc tiêu diệt sự khác biệt giữa người với người. Chính quan niệm sai lạc như vậy đã làm một trong những nguồn gốc quan trọng nhất làm phát sinh chủ nghĩa xã hội vào khoảng đầu thế kỷ XIX vốn chủ trương tiêu diệt sở hữu tư nhân nhằm cào bằng xã hội từ dưới lên trên. Không có gì khó hiểu khi thấy những người cộng sản đã lợi dụng lỗ hổng này trong chủ nghĩa tự do cổ điển để tiêu diệt chủ nghĩa tự do bằng chủ nghĩa xã hội hoặc nhân danh chủ nghĩa tự do để truyền bá chủ nghĩa xã hội: họ xác quyết sai lầm rằng muốn đạt được tự do cần phải xây dựng chủ nghĩa xã hội! Sự thể đó đã giải thích được tại sao chủ nghĩa tự do đã bị thoái trào vào cuối thế kỷ XIX. Đối lập với chủ nghĩa tự do cổ điển, chủ nghĩa tự do cận đại lại tuyệt đối hóa sự khác nhau giữa các cá nhân dẫn đến đòi hỏi tự do cho mỗi cá nhân nhất định. Nhưng tự do lại đòi hỏi phải có pháp luật đồng thời lại đòi hỏi mọi cá nhân đều phải bình đẳng trước pháp luật. Tuy nhiên, do tuyệt đối hóa sự khác nhau giữa các cá nhân nên chủ nghĩa tự do cận đại đã không định nghĩa cho pháp luật đồng thời cũng không định nghĩa cho sự bình đẳng trước pháp luật. Chưa kể L. Mises chỉ đã đưa ra hai lý do trực tiếp mang tính chất kinh nghiệm nhằm biện minh cho sự bình đẳng trước pháp luật mà không hề lập luận duy lý ở mức độ cần thiết. Cũng chính vì không làm như vậy nên chủ nghĩa tự do cận đại lại càng không giải thích sự bình đẳng trước pháp luật bắt nguồn từ đâu. Nếu nhấn mạnh rằng các cá nhân không thể giống nhau chút nào mà chỉ có thể phải khác nhau hoàn toàn thì sự bình đẳng trước pháp luật chắc chắn không thể bắt nguồn từ sự khác nhau đó. Vậy sự bình đẳng trước pháp luật nhất định phải bắt nguồn từ một sự giống nhau nào đó giữa các cá nhân. Chính giả định này đã làm bộc lộ cái mâu thuận nội tại cho chủ nghĩa tự do cận đại: về mặt này, nó phủ nhận hoàn toàn mọi sự giống nhau giữa các cá nhân; nhưng về mặt khác, nó lại chủ trương sự bình đẳng trước pháp luật vốn phải dựa vào một sự giống nhau nào đó giữa các cá nhân. Cái mâu thuận nội tại về logic như vậy làm cho chủ nghĩa tự do cận đại bị lâm vào bế tắc hoặc thậm chí còn bị lạm dụng tàn nhẫn bởi các chế độ độc tài trên khắp thế giới. Để biện bạch cho mình, các chế độ đó suy diễn xằng bậy rằng vì mỗi cá nhân một khác hoặc chẳng ai giống ai nên mỗi quốc gia cũng phải một khác hoặc các quốc gia tự do không được phép áp đặt dân chủ cho các quốc gia khác, v. v.. Biện bạch như vậy để chính phủ độc tài tha hồ áp bức nhân dân ở các nước chuyên chế. Hệ quả này đòi hỏi chủ nghĩa tự do phải được phát triển cao hơn.
Nếu định nghĩa cho pháp luật rồi tìm hiểu nguồn gốc sinh ra pháp luật thì người ta sẽ tìm thấy ngay sự giống nhau giữa các cá nhân, đó chính là bản tính vị kỷ vốn có ở mọi cá nhân làm cho mọi cá nhân đều giống nhau về bản tính vị kỷ. Căn cứ vào bản tính này, ta có thể khẳng định chắc chắn mà không sợ sai lầm rằng: đòi hỏi về sự bình đẳng trước pháp luật hoàn toàn có thể dựa vào khẳng định rằng những người giống nhau phải được đối xử như nhau. Khẳng định chắc chắn như vậy để phê phán L. Mises đã cho rằng: “đòi hỏi về sự bình đẳng trước pháp luật hoàn toàn không thể dựa vào khẳng định rằng những người giống nhau phải được đối xử như nhau16). Thật ra, vì bản tính vị kỷ hiện hữu ở mọi cá nhân nên mọi cá nhân phải bình đẳng trước pháp luật bắt nguồn từ chính bản tính đó. Chính bản tính vị kỷ đã làm cơ sở tự nhiên nhất cho sự bình đẳng trước pháp luật.
Bình đẳng trước pháp luật có nghĩa là giống nhau hoặc như nhau về cả quyền lẫn nghĩa vụ hoặc nghĩa vụ luôn luôn đi theo quyền như hình luôn luôn đi liền với bóng. Các cá nhân vốn dĩ khác nhau về cả thể chất lẫn trí tuệ đương nhiên sẽ khác nhau về cả khả năng lẫn điều kiện để thực hiện cả quyền lẫn nghĩa vụ nhưng bù trừ cho nhau sẽ bằng nhau về cả quyền lẫn nghĩa vụ, mỗi cá nhân nhất định không thể thực hiện được một nghĩa vụ nào đó sẽ bị mất một quyền tương ứng. Ví dụ: một người nào đó bị khuyết tật ở chân sẽ không thể thực hiện được nghĩa vụ quân dịch nhưng cũng sẽ bị mất quyền tự do đi lại khiến người khác không thể ganh tỵ được với người đó. Vấn đề mấu chốt là xã hội phải được tổ chức theo chính thể dân chủ để quyền phải thống nhất với nghĩa vụ hoặc nghĩa vụ phải thống nhất với quyềntừng cá nhân nhất định. Đó chính là hệ quả tất yếu phải phát sinh từ chủ nghĩa cá nhân.
Đấy, chủ nghĩa cá nhân đã thể hiện mình như thế đó!
JB. Hà Huy Toàn
(Viêt vào 25 Tháng Sáu 2014)




1) Nhu cầu tiêu dùng của các cá nhân không có khả năng sản xuất, như trẻ con, người già, người tàn tật, v. v., sẽ được cộng gộp vào nhu cầu tiêu dùng của các cá nhân có khả năng sản xuất làm cho nhu cầu tiêu dùng của các cá nhân có khả năng sản xuất sẽ bằng nhu cầu tiêu dùng của chính các cá nhân đó cộng với nhu cầu tiêu dùng của các cá nhân không có khả năng sản xuất rồi cộng tiếp với nhu cầu tiêu dùng phát sinh từ quan hệ tương tác giữa các cá nhân có khả năng sản xuất với các cá nhân không có khả năng sản xuất. Nói như thế để hiểu rằng cá nhân tham dự chỉ có ý nghĩa tương đối thôi, ngay cả những cá nhân khác cũng tham gia kinh tế thị trường ngay cả khi không thích kinh tế này.
2) Hàng hoá đã được phân tích nhiều lần trong lịch sử bởi khoa kinh tế chính trị. Ở đây tôi chỉ tóm tắt thật khái quát sự phân tích đó mà thôi. Cái mới quan trọng nhất mà tôi thêm vào chỉ biểu hiện qua ba việc sau đây: thứ nhất, tôi giải thích được tại sao nhân loại phải lao động đồng thời phải sản xuất hàng hoá; thứ hai, tôi xác định sự khác nhau về chất giữa lao động với sức lao động nhưng lại xác định sự giống nhau về lượng giữa hai cái đó cũng như vật lý học hiện đại đã xác định chuyển động không thể tách rời khỏi năng lượng, từ đó tôi quy định giá trị bằng sức lao động chứ không quy định giá trị bằng lao động như nhiều tác giả khác đã quy định, như K. Marx chẳng hạn; thứ ba, tôi phân tích khái quát những điều kiện để trao đổi cùng với tính chất lịch sử cho giá trị (xin xem tiết 3 ở mục I thuộc chương này). Tuy nhiên, để hiểu được dễ dàng lý thuyết kinh tế của tôi, quý độc giả nên nghiên cứu kỹ lưỡng các lý thuyết kinh tế trước đây. Chỉ như vậy quý độc giả mới thấy được sự khác biệt căn bản giữa lý thuyết kinh tế của tôi với tất cả các lý thuyết kinh tế trước đó.
3) Tính chất hai mặt của lao động tạo ra hàng hoá được phát hiện lần đầu tiên đồng thời được trình bày rõ ràng vào giữa thế kỷ XIX bởi K. Marx (Karl Marx: Góp phần phê phán khoa kinh tế trính trị, Berlin 1859). Phát kiến này đã xác nhận K. Marx chỉ đóng góp được một phát kiến duy nhất cho khoa học xã hội.
4) Sự phân công xã hội của lao động cùng tác dụng tích cực của nó đã được khảo sát rất kỹ lưỡng bởi Adam Smith, một trong những đại biểu điển hình nhất cho kinh tế học cổ điển ở Anh, tác giả cho “Inquiry into the Nature and Causes of the Wealth of Nations”. London 1776. Nhưng ông cũng như tất cả những người kế tục ông lại không phân biệt được sự phân công xã hội với sự phân công kỹ thuật của lao động, trừ K. Marx đã làm được việc đó nhưng lại đồng nhất sự phân công kỹ thuật với hình thái tư bản của nó. Xin hãy xem Adam Smith: Nghiên cứu bản chất và nguồn gốc của sự giầu có của các quốc gia. Việt ngữ. Nhà xuất bản Giáo dục. Hà nội 1994.
5) Căn cứ vào thực tiễn của nền kinh tế hiện đại, theo đó mỗi doanh nghiệp cá biệt (biểu hiện về hình thức thành một công ty cổ phần) được sở hữu bởi rất nhiều cá nhân riêng biệt chứ không được sở hữu bởi một cá nhân đó, tôi đã quy định lại điều kiện thứ hai cho sản xuất hàng hoá; theo sự quy định này, việc sản xuất hàng hoá chỉ dựa vào quyền sử dụng tư nhân đối với tư liệu sản xuất. Ở đây tuyệt đối không nên hiểu “tư nhân” thành một cá nhân thuần tuý nào đó, mà phải hiểu nó thành một tập thể gồm nhiều cá nhân đó, các cá nhân này tuy khác nhau về hình thức thuần tuý nhưng lại cùng nhau tạo ra một hoặc một số giá trị sử dụng riêng biệt, tức là tính chất tư nhân của quyền sử dụng tư nhân đối với tư liệu sản xuất được xác định bằng giá trị sử dụng của những hàng hoá được tạo ra bởi một tập thể nhất định gồm nhiều cá nhân thuần tuý hợp thành.
6) Trong hệ thống kinh tế học marxist, lý thuyết tiền tệ là lý thuyết hoàn thiện nhất. Theo lý thuyết này, tiền tệ chỉ có ba chức năng thôi. Thế nhưng về sau, các nhà marxist (những người kế tục K. Marx) ở Việt nam cũng như ở Nga đã xuyên tạc lý thuyết này, họ quy định tiền tệ có năm chức năng: thước đo giá trị, phương tiện lưu thông, phương tiện cất trữ, phương tiện thanh toán và tiền tệ quốc tế. Thật ra, ba “chức năng” cuối cùng chỉ biểu hiện ba hình thức khác nhau cho cùng một chức năng thực tế mà thôi: tiền tệ hoặc tiền bạc. K. Marx phân tích hình thái của giá trị bằng phép biện chứng duy vật vốn giả định sai lạc rằng mọi sự vật đều chỉ tồn tại tạm thời nhằm phủ định tiền tệ bằng chủ nghĩa cộng sản. Trái ngược với K. Marx, tôi phân tích hình thái của giá trị bằng phương pháp luận cá nhân chủ nghĩa vốn giả định chân thực rằng bản tính vị kỷ luôn luôn tồn tại cố định hoặc tồn tại bất biến ở mọi cá nhân sống vào mọi lúc nhằm bảo tồn tiền tệ bằng chủ nghĩa tự do. Phép biện chứng duy vật, về thực chất, chỉ làm hình thức cực đoan theo kiểu duy vật cho phép siêu hình mà thôi. Đối lập với phép siêu hình biểu hiện cực đoan theo kiểu duy vật thành phép biện chứng duy vật, phương pháp luận cá nhân chủ nghĩa lại chỉ làm hình thức biểu hiện cho phép biện chứng trong đời sống xã hội. Phép biện chứng là phương pháp luận triết học làm cho chủ thể nhận thức có thể thấy được thế giới về cả hai mặt đối lập nhau: vừa vật chất vừa tinh thần, vừa biến đổi vừa cố định, vừa xác định vừa bất định, vân vân. Với ý nghĩa như vậy, phép biện chứng không duy vậtcũng chẳng duy tâm. Khoa học từ đầu thế kỷ XX đến nay đã chứng tỏ rõ ràng như vậy. Về hình thức, lý thuyết kinh tế của tôi dễ làm cho người ta lầm lẫn với lý thuyết kinh tế của K. Marx nhưng về nội dung, lý thuyết kinh tế của tôi lại đối lập hẳn với lý thuyết kinh tế của K. Marx. Ai đúng hay sai đến mức độ nào, cần phải được kiểm chứng khách quan bằng thực tiễn sinh động thông qua tranh luận học thuật.
7) Karl Marx: Tư bản – Phê phán khoa kinh tế chính trị. Việt ngữ. Quyển thứ nhất. Nhà xuất bản Sự thật, Hà nội 1959, tập I, trang 60. Cái mệnh đề cho rằng “sức lao động của toàn thể xã hội biểu hiện trong toàn bộ các giá trị” không chỉ cho thấy tổng số giá trị bằng tổng số sức lao động đã hao phí để tạo ra hàng hoá mà còn cho thấy không phải lao độngchính sức lao động đã cấu thành thực thể cho giá trị. Sự thể này hoàn toàn mâu thuẫn với sự quy định chủ yếu của chính K. Marx: “thực thể của giá trị: đó là lao động” (Sách đã dẫn, trang 63). Vậy tại sao cái mâu thuẫn này không được phát hiện bởi các viện sỹ hàn lâm vốn rất cần mẫn với việc canh phòng cho các ngôi đền đồ sộ ở các thủ đô mà lại chỉ có thể được phát hiện bởi một tay giáo viên quèn vốn phải sống mai danh ẩn tích ở thôn quê? Câu trả lời thật đơn giản: To be a wellfavoured man is the gift of fortune; but to write and read comes by nature. Đó là lời giáo huấn mà ông Dogerbery quý hoá nói với người tuần canh Cycle trong vở kịch của William Shakespeare: Much ado about nothing (Làm to chuyện về một việc không đâu), hồi III, màn 3.
8) Quyết định luận kinh tế chỉ biểu hiện nhận thức cảm tính khiến người ta dễ dàng tin tưởng rằng phải ăn, mặc, , v. v., rồi mới có thể làm các việc khác, như chính trị hoặc văn hoá, v. v., mà muốn có cái để ăn, mặc, , v. v., lại phải lao động hoặc sản xuất trước khi làm các việc khác, tức là phải hoạt động kinh tế trước khi tiến hành các hoạt động khác. Nhưng quyết định luận chính trị lại biểu hiện nhận thức lý tính khiến người ta phải suy xét sâu rộng mới có thể hiểu biết được rằng nhu cầu kinh tế chỉ cấu thành một bộ phận cho nhu cầu chiếm hữu mà thôi hoặc nhu cầu chiếm hữu bao hàm tất cả các nhu cầu khác, trong đó có nhu cầu kinh tế; rằng muốn hoạt động kinh tế lại phải có quyền lực liên quan đến hoạt động đó; rằng nếu mất mát về kinh tế thì chỉ mất mát về kinh tế nhưng nếu mất mát về chính trị thì sẽ mất mát về tất cả, ngay cả mạng sống cũng khó được bảo tồn; rằng kinh tế thăng tiến chưa chắc đã làm cho mọi thứ khác đều thăng tiến nhưng chính trị thăng tiến chắc chắn sẽ làm cho mọi thứ khác đều thăng tiến, hoặc ngược lại, kinh tế sa sút dù làm cho người ta đói khổ hoặc thiếu thốn vẫn có thể giữ được nhân tính nhưng chính trị sa sút hoặc sa đoạ sẽ làm cho người ta biến thành một loại thú vật tồi tệ nhất: các chế độ độc tài như chế độ độc tài fascist chẳng hạn đã làm cho nhân loại cắn xé nhau tàn khốc hơn cả thú vật khiến hàng chục triệu người bị chết hoặc bị tàn phế với nhiều mức độ khác nhau nhưng vẫn chưa bằng các chế độ độc tài khác sau đó còn làm cho nhân loại cắn xé nhau tàn khốc hơn nữa với hàng trăm triệu người bị chết hoặc bị tổn thương về cả thể chất lẫn tinh thần với nhiều mức độ khác nhau, tôi chưa từng thấy một loại thú vật nào lại cắn xé nhau tàn khốc như thế! Vậy quyết định luận kinh tế chỉ cho phép người ta thấy được cái hiện tượng bề ngoài mà không biết được cái bản chất bên trong nhưng quyết định luận chính trị lại cho phép người ta vừa thấy được cái hiện tượng bề ngoài vừa biết được cái bản chất bên trong. Nhiều người biết được rằng phải ăn mới sống được nhưng rất ít người hiểu được rằng chính thể chuyên chế làm cho người ta phải đối xử tàn tệ với nhau như thú vật mới có cái để ăn! Nếu quyết định luận kinh tế đồng nhất nhân loại với các sinh vật khác hoặc đặt để nhân loại ngang bằng các sinh vật khác thì quyết định luận chính trị lại phân biệt nhân loại với các sinh vật khác hoặc đặt để nhân loại cao hơn các sinh vật khác. Chẳng cần phải lập luận dài dòng cũng có thể biết được rằng quyết định luận kinh tế khuyến khích người ta tôn thờ các giá trị kinh tếchà đạp tất cả các giá trị khác, như tự do, đạo đức, tâm linh, v. v., từ đó dẫn đến nhiều tai hoạ khủng khiếp mà điển hình nhất thuộc về chính thể chuyên chế vốn sử dụng thành thạo như một bản năng quyết định luận kinh tế vào việc nô lệ hoá con người mà về mặt kinh tế, nó làm cho người ta càng tôn thờ các giá trị kinh tế lại càng thiếu thốn các giá trị kinh tế! Không ít người đã biết được nhân dân ở các nước dân chủ đã viện trợ nhiều như thế nào cho dân chúng ở các nước độc tài. Đây là một trong rất nhiều nghịch lý quái gở nhất chỉ tồn tại với chính thể chuyên chế mà thôi. Lịch sử tư tưởng đã cho thấy quyết định luận chính trị xuất hiện trước quyết định luận kinh tế: quyết định luận chính trị được xác lập bởi nhiều triết gia xuất chúngHy lạp vào thời đại cổ xưa, trong đó phải kể đến Aristote, rồi sau đó được khai triển sâu rộng bởi nhiều trào lưu tư tưởng khác nhau, từ Chúa giáo (Christianity) đến Chủ nghĩa Tự do với nhiều hình thức khác nhau, v. v., từ đó mà đã dẫn dắt đại đa số nhân loại đến nền dân chủ tự do; nhưng quyết định luận kinh tế lại chỉ được xác lập lần đầu tiên bởi Adam SmithAnh vào thế kỷ XVIII rồi được xác quyết mạnh mẽ nhất bởi Karl MarxĐức vào thế kỷ XIX, từ đó đã dẫn dắt một số dân tộc đến việc thiết lập các chế độ độc tài hết sức nghiệt ngã vào thế kỷ XX. Tuy nhiên nhờ chủ trương laissez–faireA. Smith đã được đặt để vào tư tưởng tự do chủ nghĩa, tức là ông được biện minh rằng ông chẳng liên quan gì đến các chế độ độc tài. Đúng là ông chẳng liên quan gì đến việc thiết lập các chế độ độc tài nhưng chắc chắn ông đã bị lợi dụng vào việc bảo vệ các chế độ đó với quan điểm cho rằng tự do kinh tế sẽ dẫn đến các tự do khác. Quan điểm này rõ ràng đúng đắn đối với nền dân chủ tự do nhưng các chế độ độc tài lại áp đặt một ý nghĩa hoàn toàn khác hẳn hoặc thậm chí trái ngược cho quan điểm đó nhằm biện minh cho mình, rằng dân chúng cứ làm kinh tế rồi tức khắc sẽ có tự do chính trị hoặc tự do tư tưởng, v. v., mà không cần phải đấu tranh chính trị để đòi hỏi các tự do đó. Kết cục thật bi thảm: dân chúng trong các chế độ độc tài càng ra sức hoạt động kinh tế lại càng thiếu thốn kinh tế, từ đó lại càng bị nô lệ về cả chính trị lẫn tư tưởng, v. v.. Tóm lại, quyết định luận nhận thức sẽ có tác dụng quyết định, theo đó hoạt động nhận thức sẽ quy định thế giới hiện thực được tạo ra từ đó.
9) David Held lược thuật Chủ nghĩa Marx về mặt chính trị trong “Models Of Democracy” (Các Mô hình Dân chủ). Bản dịch Việt ngữ: Các Mô hình Quản lý Nhà nước Hiện đại. Nhà xuất bản Tri thức. Hà nội 2013, từ trang 175 đến trang 217. Trong đó D. Held đã kết luận chính xác rằng: “Lịch sử của Chủ nghĩa Marx – được thể hiện bằng những xung đột sâu sắc giữa việc xác định các mục tiêu chính trị phù hợp với việc triển khai chiến lược chính trị trong những điều kiện lịch sử, thường khác xa với dự đoán của K. Marx – cho thấy đây là một trò mạo hiểm lành ít dữ nhiều” (trang 217).
10)Trong một nước chuyên chế, thói độc đoán làm mất lòng tin khiến cho người ta có nhiều bạc thường đem chôn chứ không đem ra lưu thông” (Charles de Secondat Montesquieu: Tinh thần Pháp luật. Bản dịch Việt ngữ được thực hiện bởi Hoàng Thanh Đạm. Nhà xuất bản Giáo dục. Hà nội 1996, quyển XXII, chương II, trang 164).
11) Friedrich August von Hayek (1899 – 1992) với The Road To Serfdom (Con đường Dẫn đến Nô lệ) đã chứng minh được rõ ràng sự tương đồng về bản chất giữa chủ nghĩa phát – xít (fascism) với chủ nghĩa cộng sản, rằng: “Nhưng trong mấy năm gần đây, các ý kiến bàn về những hậu quả không thể lường được của chủ nghĩa xã hội, tưởng như đã rơi vào quên lãng từ lâu, lại được gióng lên với một sức mạnh mới và từ những hướng bất ngờ nhất. Các nhà quan sát, hết người này đến người khác, xuất phát từ những xu hướng hoàn toàn trái ngược nhau, đã nhận ra sự tương đồng đến kinh ngạc giữa chủ nghĩa phát–xít với chủ nghĩa cộng sản. Trong khi những người “tiến bộ” ở Anh và một số nơi khác tiếp tục tự lừa dối mình rằng giữa chủ nghĩa cộng sản với chủ nghĩa phát–xít chỉ có sự trái ngược nhau hoặc mâu thuẫn nhau thì càng ngày càng có nhiều người tự hỏi rằng phải chăng các chính thể chuyên chế mới nổi lên đó có cùng cội rễ. Kết luận được rút ra bởi Max Eastman, một người bạn cũ của V. I. Lenin, đã làm cho ngay cả những người cộng sản cũng phải choáng váng, rằng “Chủ nghĩa Stalin không những không tốt hơn mà còn xấu hơn cả chủ nghĩa phát–xít vì nó tàn nhẫn hơn, dã man hơn, bất công hơn, vô luân hơn, và thiếu dân chủ hơn, không thể biện hộ bằng hy vọng hoặc sám hối”. Rồi ông viết tiếp: “Đúng hơn, phải gọi nó là siêu phát–xít”, và khi tác giả này công nhận rằng “Chủ nghĩa Stalin chính là chủ nghĩa xã hội, theo nghĩa đấy là kết quả tất yếu, dù không thể dự đoán được, của quá trình quốc hữu hóa và tập thể hóa, tức là thành phần của kế hoạch xây dựng xã hội phi giai cấp”, thì kết luận của ông còn có tầm quan trọng hơn nhiều”. Bản dịch Việt ngữ được thực hiện bởi Phạm Nguyên Trường: Đường Về Nô lệ. Nhà xuất bản Tri thức. Hà nội 2008, từ trang 89 đến trang 95. Xin lưu ý rằng F. A. Hayek được nhận Giải thưởng Nobel về Kinh tế học vào năm 1974.
12) George Soros: Khủng hoảng của chủ nghĩa tư bản toàn cầu. Việt ngữ. Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, Hà nội 1999.
13) Karl Marx đã định nghĩa cho bản chất con người là tổng hòa các quan hệ xã hội. Định nghĩa như vậy vừa mù mờ vừa tư biện rất dễ bị lạm dụng vào các mục đích xấu xa. Trái ngược với K. Marx, tôi đã định nghĩa cho bản chất con người là bản tính vị kỷ khiến các cá nhân phải phục vụ lẫn nhau để thỏa mãn mình mới tồn tại được. Bản tính vị kỷ vừa tốt đẹp vừa xấu xa, nó chỉ xấu xa khi thúc đẩy người ta làm điềù xấu xa hoặc nó chỉ tốt đẹp khi thúc đẩy người ta làm điều tốt đẹp, điều tốt đẹp làm lợi cho người ta đối lập với điều xấu xa vốn chỉ gây hại cho người ta. Với tính chất hai mặt như vậy, bản tính vị kỷ vừa làm cơ sở khách quan cho tôi nhận định khách quan về đời sống xã hội vừa làm cơ sở khách quan cho mọi cuộc tranh luận học thuật về đời sống đó để người ta có thể phân biệt được đúng với sai, phân biệt được tốt với xấu, phân biệt được chính với tà, v. v., giúp người ta đi đến thỏa hiệp hoặc tương nhượng rồi qua đó mà càng củng cố chắc chắn cho quan niệm chân thực về bản tính vị kỷ đồng thời soi sáng mọi quan điểm khác về bản tính đó.
14) Friedrich August von Hayek: The Road To Serfdom (Con đường Dẫn đến Nô lệ). Bản dịch Việt ngữ được thực hiện bởi Phạm Nguyên Trường: Đường Về Nô lệ. Nhà xuất bản Tri thức. Hà nội 2008, trang 71.
15) Ludwig von Mises: Liberalismus, 1927. Bản dịch Việt ngữ: Chủ nghĩa tự do truyền thống. Nhà xuất bản Tri thức. Hà nội 2013, từ trang 88 đến trang 91.
16) Ludwig von Mises: Sách đã dẫn, trang 89.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét