Thứ Hai, 11 tháng 8, 2014

Có thật loại “bài toán con cừu” tạo ra khả năng phản biện?

Trần Dương

Trần Dương
Chia sẻ bài viết này
Không biết chính xác từ khi nào, nhưng trong vài tháng qua đã có nhiều dư luận về một bài toán trong đề kiểm tra do một vị giáo sư, nguyên trưởng bộ môn phương pháp dạy Toán Tiểu Học của trường ĐH Sài Gòn, ra cho học trò của mình. Bài toán đó bây giờ được gọi là “bài toán con cừu”. Nội dung của nó ở trong hình kèm theo dưới đây.
Đầu tiên là dư luận xôn xao lên và cho rằng đó là một câu hỏi cực kỳ vớ vẩn. Sau đó, khi nghe vị GS này giải thích đó là loại toán dùng để phát triển khả năng “phản biện” thì có nhiều người bỗng “à” lên một tiếng, dường như đã hiểu được tư tưởng cực kỳ sâu xa thâm thúy và tân tiến trong việc ra những loại đề kiểm tra như vậy. Rồi, với sự thất vọng về một nền giáo dục “phi phản biện”, chuyên đào tạo những con người không biết phản biện là gì, người ta liền chấp nhận ngay cách dạy phản biện thông qua loại “bài toán con cừu”.
Nhưng nói đi rồi cũng phải nói lại. Nói lại mà vẫn chưa thấu đáo thì vẫn cần nói thêm lần nữa. Những vấn đề cao siêu to tát như “triết lý giáo dục” thì tôi không dám bàn, và thấy càng đọc thì càng không hiểu gì, nhưng về vấn đề “bài toán con cừu” thì xin mạo bàn một chút.
Phản biện? Có cần không? Tất nhiên là cần. Học mà rồi trở thành kẻ không biết phản biện, không phân biệt được đúng-sai trong kiến thức phổ thông, không biết bác bỏ những điều vô lý thì học mà làm gì? Để thành con cừu chăng? Và kẻ viết bài ngắn này cũng rất thất vọng vì nền giáo dục đương đại của VN chưa bao giờ tạo ra và khuyến khích được tinh thần phản biện.
Nhưng đã theo tinh thần phản biện thì lại không thể ủng hộ vô điều kiện mọi loại đề kiểm tra nhằm mục đích khuyến khích phản biện. Biết rằng mục đích là như thế, rằng người ra muốn khuyến khích phản biện bằng những đề sai, vô lý, nhưng bài toán cụ thể có đạt được mục đích đó hay không lại là chuyện khác.
Với toán tiểu học, có thể ra một đề loại khuyến khích phản biện, ví dụ như sau: “Bạn A có 20 viên bi. Sau khi cho bạn B một số viên thì A còn 25 viên. Hỏi A đã cho B bao nhiêu viên?” Khi đọc đề này, học trò loại trung bình sẽ có thể viết trong phần làm bài: “Số viên bi mà A đã cho B là: 20 – 25 =” và để trống kết quả. Học trò khá và giỏi có thể giơ tay: “Thưa thầy, đề sai ạ.” hoặc viết vào bài: “Đề sai vì không thể cho một số lớn hơn số hiện có.” Với học trò tiểu học, phản biện được đến mức đó và với loại đề như vậy là quý lắm rồi. Phản biện cấp cao hơn hãy để dành cho các cấp học cao hơn.
Một ví dụ khác. “Ông A đang vừa đi vừa hát nghêu ngao ngoài đường. Hỏi bà B trong nhà ăn mấy bát cơm?” Cái gọi là “bài toán” này có thể tạo ra được tính phản biện ở học trò hay không? Xin lỗi. Tôi là kẻ bị một số người ghét vì hay “lật lại vấn đề”, tức là hay phản biện, như thế đã mấy chục năm rồi, nhưng nếu gặp một đề như vậy, tôi sẽ cho là ai đó “copy” và “paste” nhầm, chứ không nghĩ đó là loại đề để thử khả năng phản biện. Còn nếu được báo động trước rằng đó là loại đề để thử khả năng đó thì tôi cũng sẽ cho rằng đó là chuyển ngu xuẩn! Bắt học trò tiểu học xử lý tình huống đó là điều vớ vẩn. Hơn nữa, chỉ cần cho đề “phản biện” kiểu đó vài lần thì chính học trò dốt sẽ nhận ra hết, nên đâu có thực sự luyện được khả năng phản biện!
Phản biện ư? Tốt lắm! Nhưng liệu có thể vì mục đích phản biện mà đưa MỌI THỨ VỚ VẨN NHẤT vào đề kiểm tra?
Hãy hình dung một tình huống khác. Trên bảng, thầy đang giải cho trò một bài toán khó. Và thầy tính nhầm. Học trò nhắc – đó là phản biện. Một thầy thông thái có thể thỉnh thoảng cố tình “nhầm” để trò tập phản biện. Nhưng nếu thầy đứng trên bục mà đó trò cái gọi là “bài toán” như cái ví dụ thứ hai ở trên thì đầu thầy có vấn đề, chứ chẳng có phản biện phản bội gì ở đây cả!
Kẻ viết bài này có quen với một số người dạy toán ở đại học. Và được nghe họ nói rằng họ sợ kiểu tư duy của các chuyên gia về phương pháp giảng dạy. Giáo sư về phương pháp giảng dạy thì càng đáng hãi!
TRẦN DƯƠNG
http://www.danluan.org/tin-tuc/20140810/tran-duong-co-that-loai-bai-toan-con-cuu-tao-ra-kha-nang-phan-bien

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét