Thứ Hai, 11 tháng 8, 2014

Cần phương án hòa giải, đừng chiến tranh pháp lý với Luật sư Lão luyện Nguyễn Đăng Trừng

LS. Trần Vũ Hải - Cần phương án hòa giải, đừng chiến tranh pháp lý với Luật sư lão luyện Nguyễn Đăng Trừng

LS. Trần Vũ Hải
Chia sẻ bài viết này
Dân Luận: Để độc giả có cái nhìn đa chiều, Dân Luận xin đăng hai bài viết ở hai góc nhìn khác nhau về vụ việc của luật sư Nguyễn Đăng Trừng sau đây.
I.Tóm tắt sự việc
Khi hết nhiệm kỳ 2008-2013, Đoàn luật sư Tp. Hồ Chí Minh (ĐLS TPHCM) phải tiến hành Đại hội Đoàn Luật sư để bầu Ban Chủ nhiệm nhiệm kỳ mới. Theo Luật luật sư (sửa đổi, bổ sung năm 2012) và Nghị định 123/2013/NĐ-CP hướng dẫn Luật Luật sư, Đoàn luật sư đã trình Đề án tổ chức Đại hội luật sư cho Liên đoàn Luật sư Việt Nam (LĐLSVN) để góp ý kiến và để UBND TPHCM phê duyệt.
Ngày 10/4/2014, Chủ tịch LĐLSVN đã ký Công văn số 74/LĐLSVN cho ý kiến về Đề án này, gắn thêm tiêu chuẩn: Chủ nhiệm Đoàn Luật sư không quá 70 tuổi và chỉ được bầu là chủ nhiệm nhiều nhất 02 nhiệm kỳ liên tiếp. Tiếp đó, ngày 3/6/2014, UBND Tp. HCM đã ban hành Công văn số 2495/UBND-PCNC không phê duyệt Đề án tổ chức Đại hội Nhiệm kỳ với lý do Đề án này không tuân theo ý kiến trên của LĐLSVN.
Ngày 7/6/2014, Phó Chánh Văn phòng Sở Tư pháp Tp. Hồ Chí Minh đã mời Ban chủ nhiệm ĐLS TPHCM dự cuộc họp do Ông Trưởng ban Nội chính Thành ủy chủ trì, tại địa điểm 187 Lý Chính Thắng, Quận 3, Tp. HCM. Ông Nguyễn Đăng Trừng không tham dự cuộc họp này vì thấy không bình thường, ông không chấp nhận một cuộc họp Ban chủ nhiệm ĐLS do ông Trưởng Ban Nội chính chủ trì và không chấp nhận Nghị quyết từ cuộc họp này mang danh Ban chủ nhiệm ĐLS.
Ngày 9/6/2014, Ông Trừng đã gửi văn bản số 135A/ĐLS phúc đáp Công văn số 2495/UBND-PCNC, trong đó phân tích tiêu chuẩn Chủ nhiệm ĐLS không quá 70 tuổi và không quá 2 nhiệm kỳ liên tiếp là không phù hợp với Luật Luật sư, Điều lệ LĐLSVN và Điều lệ Đoàn luật sư TPHCM.
Ngày 31/7/2014, Thành ủy Tp. Hồ Chí Minh khai trừ ông Nguyễn Đăng Trừng ra khỏi Đảng Cộng sản Việt Nam.
Đến nay, ông Trừng vẫn tiếp tục là Chủ nhiệm ĐLS TPHCM, nhưng không thể tổ chức Đại hội Đoàn Luật sư này đúng hạn. ĐLS TPHCM có số luật sư đông nhất cả nước, chiếm khoảng một nửa số luật sư toàn quốc, nên việc không tổ chức được Đại hội ĐLS TPHCM ảnh hưởng đến việc tổ chức Đại hội Đại biểu của LĐLSVN. Sự việc đang bế tắc, chưa có hướng giải quyết ổn thỏa.
II.Sơ lược về Luật sư Nguyễn Đăng Trừng:
Ông Nguyễn Đăng Trừng là một nhân vật nổi tiếng của Sài Gòn trước đây và thành phố Hồ Chí Minh hiện nay. Ông từng học Luật khoa Sài gòn, là lãnh tụ sinh viên Sài gòn (Chủ tịch Tổng hội Sinh viên Sài Gòn khóa 1967-1968), bị chế độ cũ kết án vắng mặt 10 năm tù khổ sai. Sau đó, ông ra chiến khu hoạt động, làm cán bộ an ninh. Từ năm 1989 đến 1995, ông là Phó chủ nhiệm Thường trực ĐLS TPHCM và từ 1995 đến nay là chủ nhiệm ĐLS TPHCM. Ông từng là Đại biểu quốc hội khóa XII (2007-2011), bí thư Đảng đoàn ĐLS TPHCM cho đến khi bị khai trừ Đảng.
Hiếm có một nhà hoạt động nào còn đương nhiệm ở Việt Nam được học hành bài bản, kinh qua thực tiễn đấu tranh phong phú như luật sư Nguyễn Đăng Trừng. Ông có đủ những phẩm chất tinh hoa và khôn ngoan từ những giới luật sư, an ninh, chính trị và kinh nghiệm của một thủ lĩnh được quần chúng tín nhiệm cao. Đến nay, ông vẫn được sự tín nhiệm của khoảng 70-80 % các luật sư của ĐLS TPHCM.
III. Phân tích vụ việc dưới góc độ pháp lý.
1. Vụ việc của ông Nguyễn Đăng Trừng phải được xem xét theo các quy định của Luật Luật sư (sửa đổi, bổ sung năm 2012) và Nghị định 123/2013/NĐ-CP hướng dẫn Luật Luật sư, Điều lệ LĐLSVN, Điều lệ ĐLS TPHCM.
2. Luật luật sư (được sửa đổi, bổ sung năm 2012) có nhiều sửa đổi, bổ sung trong đó có 02 quy định sau (mà trước đây không có):
- Bổ sung khoản 11 - Điều 65 (Nhiệm vụ, quyền hạn của LĐLSVN): Cho ý kiến về đề án tổ chức đại hội, phương án xây dựng nhân sự Ban chủ nhiệm, Hội đồng khen thưởng kỷ luật của Đoàn luật sư; chỉ đạo đại hội của Đoàn luật sư.
- Bổ sung khoản 4.b- Điều 83 (Trách nhiệm quản lý nhà nước về luật sư và hành nghề luật sư):phê duyệt đề án tổ chức đại hội của Đoàn luật sư.
3. Cá nhân tôi cho rằng chính 02 quy định này là nguyên nhân của sự việc bế tắc liên quan đến Chủ nhiệm ĐLS TPHCM – ông Nguyễn Đăng Trừng. Hai quy định này không phù hợp với nguyên tắc tự quản của tổ chức xã hội nghề nghiệp của luật sư, không theo thông lệ quốc tế.
4. Luật Luật sư (sửa đổi, bổ sung 2012) và Nghị định 123/2013/NĐ-CP không nói rõ giá trị và hiệu lực pháp lý của ý kiến của LĐLSVN về đề án tổ chức đại hội, phương án xây dựng nhân sự Ban chủ nhiệm, Hội đồng khen thưởng kỷ luật của Đoàn luật sư. Ý kiến này có giá trị bắt buộc để Đoàn luật sư tuân theo hay chỉ có ý nghĩa để Đoàn luật sư tham khảo. Nếu ý kiến đó không phù hợp với Luật Luật sư và các quy định liên quan khác, Đoàn luật sư có nghĩa vụ phải thực hiện hay không, có quyền phản đối và khước từ hay không? Nếu Đoàn luật sư không thực hiện theo ý kiến của LĐLSVN, hậu quả pháp lý gì? Những câu hỏi trên được để ngỏ. Theo tôi, dựa vào nguyên tắc tự quản, Đoàn luật sư có quyền tham khảo ý kiến của LĐLSVN, nhưng không bắt buộc phải tuân theo nếu ý kiến đó không phù hợp với Luật Luật sư và các quy định liên quan và/hoặc không được đa số luật sư tán thành.
5. Tương tự vậy, Luật Luật sư (sửa đổi, bổ sung 2012) và Nghị định 123/2013/NĐ-CP tuy quy định về việc UBND cấp tỉnh phê duyệt Đề án tổ chức đại hội của Đoàn luật sư, nhưng không quy định trường hợp UBND cấp tỉnh không phê duyệt Đề án này (trong những trường hợp nào UBND cấp tỉnh không phê duyệt Đề án). Điều này có nghĩa, UBND cấp tỉnh về nguyên tắc phải phê chuẩn Đề án, trừ trường hợp UBND chứng minh rằng Đề án đó có quy định trái pháp luật.
6. Vấn đề chính được bàn cãi là tiêu chuẩn ứng cử viên Chủ nhiệm ĐLS TPHCM. LĐLSVN và UBND TPHCM yêu cầu hai tiêu chuẩn chủ nhiệm mới không quá 70 tuổi và không làm chủ nhiệm quá 02 nhiệm kỳ liên tiếp. Hai tiêu chuẩn này loại Luật sư Nguyễn Đăng Trừng ra khỏi danh sách ứng cử viên. Trong khi Luật Luật sư (sửa đổi, bổ sung 2012) và Nghị định 123/2013/NĐ-CP không quy định về tiêu chuẩn ứng cử chủ nhiệm Đoàn luật sư. Điều lệ LĐLSVN cũng không quy định về tiêu chuẩn ứng cử Chủ nhiệm Đoàn luật sư, giao cho Điều lệ Đoàn luật sư từng đoàn quyết định về thủ tục chi tiết bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ nhiệm Đoàn luật sư.
7. Điều lệ ĐLS TPHCM (được UBND TPHCM phê duyệt ngày 30/5/2012, đến nay vẫn còn hiệu lực) quy định luật sư có quyền ứng cử hoặc được đề cử vào Ban Chủ nhiệm phải có thâm niên nghề nghiệp ít nhất 5 năm. Chủ nhiệm được Đại hội Đoàn luật sư bầu ra từ những người trúng cử Ban Chủ nhiệm. Không có quy định nào của Điều lệ này hạn chế những người trên 70 tuổi và đã làm chủ nhiệm 2 nhiệm kỳ liên tiếp ứng cử Chủ nhiệm, và không có quy định nào của Luật Luật sư, Nghị định 123/2013/NĐ-CP và Điều lệ LĐLSVN cho phép các cơ quan khác quy định về tiêu chuẩn của Chủ nhiệm Đoàn luật sư. Như vậy, việc áp đặt 2 tiêu chuẩn trên là hạn chế quyền ứng cử của luật sư, cụ thể của Luật sư Nguyễn Đăng Trừng, và không đảm bảo nguyên tắc tự quản của tổ chức nghề nghiệp luật sư (ĐLS TPHCM).
8.Theo Điều lệ ĐLS TPHCM, khoản 2 và khoản 3, Điều 17
“2. Chủ nhiệm điều hành các công việc của Ban Chủ nhiệm và đại diện cho Đoàn Luật sư trong các giao dịch. Phó Chủ nhiệm giúp Chủ nhiệm làm nhiệm vụ và có thể được Chủ nhiệm ủy quyền thay mặt
3. Chủ nhiệm hoặc Phó Chủ nhiệm có thể bị miễn nhiệm, bãi nhiệm theo quy định tại khoản 3, khoản 4 Điều 17 Điều lệ Liên đoàn Luật sư Việt Nam và do Đại hội đại biểu luật sư quyết định”
Và khoản 3 và khoản 4, Điều 15, Điều lệ ĐLS TPHCM
3. Đại hội đại biểu luật sư được coi là hợp lệ nếu có 2/3 số đại biểu luật sư được triệu tập có mặt. Chậm nhất là 10 ngày trước ngày khai mạc Đại hội, Chủ nhiệm phải gửi đến các luật sư thư triệu tập Đại hội và các tài liệu được thảo luận tại Đại hội.
4. Đại hội đại biểu luật sư họp thường niên, nhiệm kỳ hay bất thường theo đề nghị của Ban Chủ nhiệm hoặc theo đề nghị ít nhất ½ số luật sư hiện có trong danh sách luật sư hoặc theo đề nghị của Ban thường vụ Liên đoàn Luật sư Việt Nam hoặc của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
Nghị quyết của Đại hội đại biểu luật sư được thông qua khi được quá nửa số đại biểu luật sư có mặt tại Đại hội tán thành.”
Như vậy, cho dù bị khai trừ khỏi Đảng, nhưng Luật sư Nguyễn Đăng Trừng vẫn đương kim Chủ nhiệm ĐLS TPHCM, việc triệu tập Đại hội ĐLS TPHCM (kể cả trong những trường hợp theo đề nghị của Ban Thường vụ LĐLSVN hoặc UBND TPHCM) vẫn phải do ông đảm nhiệm và chỉ khi ông ủy quyền cho Phó Chủ nhiệm khác, người đó mới có quyền nhân danh Chủ nhiệm ĐLS TPHCM triệu tập Đại hội. Việc một cơ quan nào đó tự ý giao một Phó Chủ nhiệm khác của ĐLS TPHCM triệu tập Đại hội ĐLS TPHCM mà không được Luật sư Nguyễn Đăng Trừng ủy quyền là trái Điều lệ ĐLS TPHCM và Điều lệ LĐLSVN, không phù hợp với Luật Luật sư (sửa đổi, bổ sung 2012) và Nghị định 123/2013/NĐ-CP. Một Đại hội không được triệu tập hợp lệ đương nhiên không thể coi là một Đại hội hợp pháp.
IV. Giải pháp tốt nhất cho các cá nhân, cơ quan liên quan để giải quyết bế tắc là phương án hòa giải giữa các bên.
Hiện nay, Luật sư Nguyễn Đăng Trừng muốn triệu tập Đại hội ĐLS TPHCM, nhưng do chưa được UBND TPHCM phê duyệt Đề án tổ chức Đại hội nên chưa thể triệu tập được mặc dù ĐLS TPHCM đã có những bước chuẩn bị cơ bản. Nếu một Phó Chủ nhiệm khác không được Luật sư Nguyễn Đăng Trừng ủy nhiệm triệu tập Đại hội, như phân tích trên, thì Đại hội cũng không hợp pháp. Mặt khác, cũng không thể ngăn cản quyền ứng cử Chủ nhiệm ĐLS TPHCM của Luật sư Nguyễn Đăng Trừng. Nói một cách khác, trong mọi trường hợp, không thể tùy tiện áp đặt để triệu tập Đại hội và loại bỏ ứng cử viên đối với Luật sư Nguyễn Đăng Trừng nếu không được sự nhất trí của chính Luật sư Nguyễn Đăng Trừng, trong khi vị Luật sư này đang nhận được sự tín nhiệm cao từ giới luật sư thành phố Hồ Chí Minh. Những luật sư nào có ý định ứng cử Chủ nhiệm ĐLS TPHCM mà đồng ý loại Luật sư Nguyễn Đăng Trừng khỏi danh sách ứng cử viên sẽ không được đánh giá cao về bản lĩnh và uy tín vì chính việc đồng ý loại ứng cử viên như vậy sẽ bị các luật sư khác đánh giá là không tự tin mình thắng cử trước Luật sư Nguyễn Đăng Trừng, kém cỏi hơn về nhiều mặt so với vị Luật sư này.
Sự giằng co giữa các bên sẽ ảnh hưởng không tốt đến uy tín và hoạt động của giới luật sư thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và giới luật sư nói chung, cũng như gây tiếng không tốt cho những cơ quan liên quan vì được coi là can thiệp không phù hợp pháp luật vào công việc nội bộ của ĐLS TPHCM, trái thông lệ quốc tế về nguyên tắc tự quản của tổ chức nghề nghiệp luật sư. Vì vậy, tất yếu phải có một phương án hòa giải.
Cá nhân tôi đề nghị, các luật sư trong và ngoài ĐLS TPHCM cần thuyết phục các bên liên quan để Luật sư Nguyễn Đăng Trừng triệu tập Đại hội ĐLS TPHCM. Việc Luật sư Nguyễn Đăng Trừng có ứng cử tiếp hay không sẽ do chính Đại hội này quyết định. Mặt khác, LĐLSVN cần chuẩn bị nội dung để sửa đổi, bổ sung Điều lệ LĐLSVN về tiêu chuẩn Chủ nhiệm Đoàn luật sư cũng như Chủ tịch LĐLSVN theo hướng các vị này không được quá 70 tuổi, nếu quá 70 tuổi phải từ chức sau 01 năm kể từ ngày Điều lệ mới của LĐLSVN có hiệu lực, và cũng không nên cho phép vị nào làm thủ lĩnh luật sư địa phương hoặc toàn quốc quá 01 nhiệm kỳ (thậm chí theo tôi không nên quá 2 năm để thường xuyên tạo sức sống mới cho hoạt động của tổ chức luật sư, nếu sau 4 năm vẫn còn uy tín, luật sư cựu thủ lĩnh có quyền tranh cử lại).
Hy vọng mọi việc sẽ trở nên bình thường cho giới luật sư. Các luật sư cần đoàn kết lại để đấu tranh vì quyền hành nghề của giới mình, đặc biệt khi một thông tư của Bộ công an sắp có hiệu lực từ ngày 25/8/2014 có vẻ sẽ vô hiệu hóa vai trò của luật sư trong giai đoạn điều tra hình sự.
Tái bút: Sau khi website của ĐLS TPHCM bị đánh sập vào ngày 4/8/2014, Luật sư Nguyễn Đăng Trừng đã lập trang facebook cá nhân riêng và đến nay đã gần 3000 người kết bạn. Rất nhiều luật sư trong và ngoài ĐLS TPHCM đã bày tỏ ủng hộ Luật sư Nguyễn Đăng Trừng trong cuộc tranh đấu bảo vệ các nguyên tắc dân chủ, độc lập, tự chủ, tự quản của tổ chức nghề nghiệp luật sư theo thông lệ quốc tế.
T.V.H
* * * * *

CHIỀNG CHẠ - ĐÃ QUÁ MUỘN NẾU MUỐN CỨU NGUYỄN ĐĂNG TRỪNG


Ls Nguyễn Đăng Trừng
Giới luật sư trong nước gần như chết lặng sau hung tin vị Bí thư Đảng đoàn, Chủ nhiệm Đoàn luật sư TP Hồ Chí Minh Nguyễn Đăng Trừng bị khãi trừ khỏi Đảng; một động thái có phần quen thuộc để tiến tới xử lý những hoạt động liên quan cá nhân đó trước pháp luật.
Mặc dù chưa có những phát ngôn chính thức nhưng từ lâu giới luật sư trong nước đã xem ông Trừng là người anh cả bởi cả phương diện tuổi đời lẫn tuổi nghề: "Ông Nguyễn Đăng Trừng là một nhân vật nổi tiếng của Sài Gòn trước đây và thành phố Hồ Chí Minh hiện nay. Ông từng học Luật khoa Sài gòn, là lãnh tụ sinh viên Sài gòn (Chủ tịch Tổng hội Sinh viên Sài Gòn khóa 1967-1968), bị chế độ cũ kết án vắng mặt 10 năm tù khổ sai. Sau đó, ông ra chiến khu hoạt động, làm cán bộ an ninh. Từ năm 1989 đến 1995, ông là Phó chủ nhiệm Thường trực ĐLS TPHCM và từ 1995 đến nay là chủ nhiệm ĐLS TPHCM. Ông từng là Đại biểu quốc hội khóa XII (2007-2011), bí thư Đảng đoàn ĐLS TPHCM cho đến khi bị khai trừ Đảng". Nhưng xem chừng việc một con người nổi danh như ông Trừng dính vào những hệ lụy đáng tiếc vừa qua đang khiến những kẻ núp bóng giới luật sư thêm phần sợ hãi. Đến ông Trừng còn chưa tự cứu được mình thì những hạng "tép riu" như Trần Vũ Hải sẽ khó qua cơn vận hạn oan nghiệt ấy. Cho nên, sẽ vô cùng dễ hiểu và cảm thông khi biết giới số luật sư này đang vô cùng sốt sắng sau tin dữ ấy. Họ cũng hiểu rằng, cứu ông Trừng không chỉ là nghĩa vụ giữa những người cùng hội cùng thuyền mà chính là đang tìm thêm một đường sống cho họ?
Với những gì đã diễn ra khi bản án kỷ luật đã được công bố, thành phần liên quan đã nhận được văn bản chính thức thì có vẻ như những nỗ lực ấy có phần muộn màng. Số này đang cố gắng tách bạch chức danh Đảng và Chính quyền (Chủ nhiệm đoàn luật sư) để thúc dục ông Trừng nhân danh Chủ nhiệm Đoàn luật sư TP Hồ Chí Minh để triệu tập Đại hội ĐLS TPHCM hòng tạo ra một sự đồng thuận nhất định tại tổ chức quy tụ số lượng luật sư lớn nhất cả nước này phản kháng lại quyết định kỷ luật của Thành ủy TP Hồ Chí Minh. Bởi họ nghĩ rằng, đến thời điểm hiện tại chỉ có tiếng nói tập thể (như chính cách giới luật sư Đài Loan và Hồng Kông thực hiện mới hi vọng tạo ra sự khác biệt).
Trên thực tế, sau những lời thúc dục, hiệu triệu đó vị Chủ nhiệm già này đã nhanh chóng thực hiện với một sự quy củ thường thấy. Ông Trừng đã có hẳn một Đề án tổ chức Đại hội gửi tới các Cơ quan cấp trên trực thuộc (UBND TPHCM) phê duyệt trước khi thực hiện tiếp công tác chuẩn bị cho Đại hội. Tuy nhiên, xem ra thì ông Trừng đã quá ngây thơ khi quên mất rằng, bản thân ông dù chưa có quyết định "thôi chức danh Chủ nhiệm Đoàn luật sư TP Hồ Chí Minh" nhưng cái quyết định khai trừ khỏi Đảng thực sự là một cái án tử đối với ông.
Xưa nay, việc tổ chức Đại hội Đoàn luật sư mặc dù là một công việc nội bộ để những người tham gia bầu chọn những người lãnh đạo và định hướng những nội dung thực hiện cho một nhiệm kỳ tiếp theo nhưng liệu nó sẽ đi về đâu nếu một công việc quan trọng như thế lại được trao tay một con người vừa mới bị kỷ luật Đảng không lâu. Ai sẽ đảm bảo được một kẻ bất mãn như ông Trừng sẽ không tạo ra một "điểm mới tai họa" cho một sứ mệnh nếu ông được cầm cương, chỉ đạo. Và cũng xin lưu ý rằng, sau quyết định kỷ luật đó cái gì sẽ đến với ông Trừng còn chưa rõ nét và cơ hồ việc duy trì chức danh "Chủ nhiệm Đoàn luật sư" cũng chỉ là một động thái để những cơ quan chức năng có thêm điều kiện để chứng minh, làm rõ những hành vi vi phạm của ông Trừng trên khía cạnh công tác chuyên môn. Cho nên, dù với cương vị gì, uy tín đến đâu thì việc chấp nhận cho ông Trừng đứng ra tổ chức Đại hội Đoàn luật sư đều không có tính khả dĩ. Đó là chưa kể theo quy định tại Công văn số 74/LĐLSVN ngày 10/4/2014 do Chủ tịch LĐLSVN đã ký thì tiêu chuẩn cho người giữ chức danh "Chủ nhiệm Đoàn Luật sư không quá 70 tuổi và chỉ được bầu là chủ nhiệm nhiều nhất 02 nhiệm kỳ liên tiếp" (Trong khi ông Trừng đã hơn 10 năm giữ cương vị này và ông Trừng đã 72 tuổi và lẽ ra ông đã thuộc diện nghỉ hưu từ lâu).
Việc Ủy ban nhân dân TP Hồ Chí Minh không chấp thuận nội dung đề án tổ chức Đại hội không thể xem là "Sự giằng co giữa các bên" mà có chăng chỉ phản ánh việc Đoàn luật sư TP Hồ Chí Minh chấp nhận thay đổi để phát triển.
Đoàn luật sư TP Hồ Chí Minh đã ở quá lâu trong một tư duy cũ gắn với quá trình lãnh đạo, điều hành của cá nhân ông Trừng. Dù chưa chứng kiến một sự phản kháng mãnh mẽ nào từ các thành viên trong Đoàn luật sư TP Hồ Chí Minh nhưng quá trình tại vị quá lâu của ông Trừng từ lâu đã bị đặt ra những dấu hỏi hoài nghi? Liệu ông Trừng có thực sự giành được sự tín nhiệm bằng uy tín, năng lực hay cũng chỉ là việc ông này có được thành quả từ những sự "Phe cánh" và cả những thủ đoạn mà ông này có được tư bề dày hoạt động trên lĩnh vực Luật sư?
Tất cả đang là ẩn số nhưng một điều dễ nhận thấy là ở trên cương vị Chủ nhiệm Đoàn luật sư TP Hồ Chí Minh cá nhân ông Trừng đã vi phạm nghiêm trọng những quy định gắn với tư cách của người Đảng viên: "Theo Kết luận của Ban Thường vụ Thành ủy TP HCM, từ năm 2012, đảng viên Nguyễn Đăng Trừng - Bí thư Đảng đoàn, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP HCM - trong lãnh đạo, điều hành hoạt động của Đảng đoàn đã có khuyết điểm, vi phạm, xem nhẹ vai trò lãnh đạo của Đảng đoàn đối với hoạt động của Đoàn Luật sư TP HCM, không tổ chức cho Đảng đoàn thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Đảng đoàn theo Quy chế làm việc đã ban hành. Thực hiện công tác phân công, bổ nhiệm, đề bạt một số cán bộ tại Đoàn Luật sư TP HCM vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ trong công tác cán bộ của Đảng, vi phạm Quy chế làm việc của Đảng đoàn". Và liệu có một kết quả khác biệt ngoài sự tại vị nhiệm kỳ tiếp theo của ông Trừng không khi chính ông "chỉ đạo chuẩn bị nhân sự Đại hội Đoàn Luật sư TP HCM nhiệm kỳ VI (2013-2018) không đúng quy trình, thiếu công khai, minh bạch, phong cách lãnh đạo thiếu dân chủ, độc đoán…
Rõ ràng, không một ai có định kiến với cá nhân ông Trừng mà còn xem trọng những đóng góp cho ông nhưng việc chấp nhận một con người (cho dù con người đó tài năng) nhưng làm xáo trộn, mất đoàn kết cả một tập thể luôn là một hạ sách và sẽ không có một đơn vị hành chính sự nghiệp nào (như UBND TP Hồ Chí Minh) chấp nhận một sự tụt lùi đến thê thảm như vậy, nhất là khi nó đang nằm trong tầm tay. Và khi đọc nội dung sau của Kết luận của Ban Thường vụ Thành ủy TP Hồ Chí Minh về những nội dung sai phạm trên cương vị là người Đảng viên thì đủ hiểu cái gì sẽ diễn ra tiếp theo đối với ông Trừng: "Ngoài ra, ông Nguyễn Đăng Trừng cũng đã lợi dụng chức vụ Chủ nhiệm Đoàn Luật sư, không thông qua Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP HCM, tự ý ký 4 văn bản để phản bác ý kiến chỉ đạo của UBND TP HCM, của Liên đoàn Luật sư Việt Nam, đồng thời xuyên tạc, nói không đúng sự thật về ý kiến chỉ đạo công tác chuẩn bị Đại hội Đại biểu Đoàn Luật sư TP HCM, nhiệm kỳ VI (2013-2018) với một số cán bộ lãnh đạo trong Ban Thường vụ Thành ủy và Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam...". Sẽ là mạo hiểm và thiếu sáng suốt nếu đồng thuận sự tại vị của một con người khi con người đó không chỉ đang tạo ra những mầm mống phản loạn từ bên trong mà còn đang hướng tới những tổ chức cao hơn (Ban Thường vụ Thành ủy TP Hồ Chí Minh và Liên đoàn Luật sư Việt Nam...). Vì vậy, có thể dễ thấy rằng, bản thân quyết định không đồng ý của Ủy ban nhân dân TP Hồ Chí Minh đối với nội dung đề án tổ chức Đại hội của ông Trừng xem ra là một khởi đầu cho một sự đổi thay trong lòng Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh và vấn đề được chọn lựa không ngoài cá nhân ông Trừng. Đáng lưu ý hơn, ai sẽ dám đứng lên tiếp nhận một con người đang cận kề với những xử lý nghiêm khắc từ luật pháp?
Đã đến lúc không nên vin vào một chức danh vốn đã bị lu mờ và dẫn dụ những điều luật trong luật Luật sư cùng những quy định liên quan để khai mào cho một cuộc chiến pháp lý cho những điều không tưởng liên quan đến cá nhân ông Trừng. Những ý tứ như cách nói của Luật sư Trần Vũ Hải ("Cần phương án hòa giải, đừng chiến tranh pháp lý với Luật sư lão luyện Nguyễn Đăng Trừng") có chăng chỉ là tiếng dọa khỉ đơn thuần khi giới luật sư bắt đầu sợ hãi vì những động thái tươn tự, sau cá nhân ông Trừng./.
Chiềng Chạ
Nguồn: Blog Mõ Làng
http://www.danluan.org/tin-tuc/20140811/ls-tran-vu-hai-can-phuong-an-hoa-giai-dung-chien-tranh-phap-ly-voi-luat-su-lao

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét