Thứ Năm, 25 tháng 4, 2013

Không nên đổi quốc hiệu thành Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa hay Cộng Hòa Dân Chủ Việt Nam


Dương Danh Huy

Việc đổi quốc hiệu thành Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa hay Cộng Hòa Dân Chủ Việt Nam  (lưu ý Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa hay Cộng Hòa Dân Chủ Việt Nam dịch sang tiếng Anh thì cũng là Democratic Republic of Vietnam) sẽ rất bất lợi cho việc tranh thủ dư luận quốc tế về chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.
Từ năm 1954 đến 1976, chính phủ VNDCCH đã không hề có tuyên bố hay hành động để khẳng định chủ quyền trên hai quần đảo này. Không những thế, Công hàm 1958 của Thủ tướng VNDCCH Phạm Văn Đồng cùng với một số phát ngôn và ấn phẩm khác của các cơ quan nhà nước VNDCCH trong thời kỳ đó là bất lợi cho Việt Nam trong tranh chấp chủ quyền.
Mặc dù việc đổi quốc hiệu thành VNDCCH hay CHDCVN riêng nó không có giá trị pháp lý để làm cho Việt Nam ngày nay bị ràng buộc hay hạn chế bởi hành vi của VNDCCH trong giai đoạn 1954-1976, việc đổi quốc hiệu như thế sẽ rất bất lợi trong lãnh vực tranh thủ dư luận. Trong khi Trung Quốc không chịu ra tòa về Hoàng Sa, Trường Sa, thì lãnh vực tranh thủ dư luận là vô cùng quan trọng.
Đổi quốc hiệu như thế sẽ rất tiện lợi cho Trung Quốc khi họ tuyên truyền “VNDCCH đã công nhận chủ quyền Trung Quốc ở Tây Sa và Nam Sa, và tới sau 1975, khi thấy về tiềm năng dầu khí, mới đòi chủ quyền”. Dĩ nhiên tuyên truyền như thế là không tôn trọng sự thật, và sẽ là đánh tráo khái niệm VNDCCH của 1954-1976 với VNDCCH của thế kỷ 21, nhưng sự trùng tên sẽ nối giáo cho việc tuyên truyền và đánh tráo khái niệm đó.
Trong khi Việt Nam còn chưa có đủ người để đấu tranh với Trung Quốc trong lãnh vực tranh thủ dư luận quốc tế về Hoàng Sa, Trường Sa, thì chúng ta càng không nên gây thêm lợi thế cho đối phương trong lãnh vực quan trọng đó.
D.D.H.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN

Có đôi điều tiến bộ trong kiến nghị sửa đổi Hiến pháp của chính quyền?


Nguyễn Trung Chính

Cái cày vẫn trước con trâu
Bản dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 (bản đầu tiên) chứa đựng tất cả những gì phải có của tư duy giáo điều, khép kín với tất cả những gì là tiến bộ của thế kỷ 21. Không hiểu đầu óc giới lãnh đạo quyền thế nghĩ gì khi áp đặt điều lệ đảng Cộng sản Việt Nam vào Hiến pháp, buộc Quân đội phải trung thành với Đảng trước Tổ quốc, đồng thời buộc toàn xã hội phải cúi đầu chấp nhận sự lãnh đạo của một đảng đang trên đà thoái hóa.
Ngay từ những ngày đầu tiên khi nói về sửa đổi Hiến pháp 1992, nhiều tiếng nói đã cảnh báo rằng phải đổi mới tư duy trước khi sửa đổi Hiến pháp, nếu không là lại “đặt cái cày trước con trâu”. Bản dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 (bản đầu tiên) ra đời chứng tỏ thế lực lãnh đạo quyền thế của Đảng bịt tai trước tiếng nói người dân, tiếng nói của trí thức, tiếng nói của lô-gic.
Trước khi sửa đổi Hiến pháp, phải đặt lại trên bàn cân một số điều cơ bản: Tổ quốc, nhân dân, con người, đất đai, Đảng,…
Khi không cân rõ những điều cơ bản này thì sẽ loạn ngôn, kiểu “Quốc hội là quyền lực cao nhất”, nhưng “Đảng là lực lượng lãnh đạo đất nước và toàn xã hội”, hoặc thay Điều 45 (“Các lực lượng vũ trang nhân dân phải tuyệt đối trung thành với Tổ quốc và nhân dân…”bằng Điều 70 (“Các lực lượng vũ trang phải trung thành với Đảng Cộng sản…”), gạt Tổ quốc ra đằng sau; hoặc doanh nghiệp nhà nước hết chủ đạo, nhưng nhà nước nắm toàn bộ ngân hàng; hoặc là nói nhân quyền và quyền công dân nhưng cấm tự do ngôn luận, tự do tư tưởng, tự do lập hội, cấm phản biện, cấm biểu tình yêu nước chống Trung Quốc, cấm công nhân đình công tự phát, cấm tụ tập đông người, cấm dân oan khiếu kiện tập thể, cấm đảng viên cùng ký khiếu kiện với dân dù quyền lợi cũng bị xâm phạm như dân, cấm đảng viên không được ứng cử vào Quốc hội nếu không được tổ chức đảng cho phép, để thế lực lãnh đạo quyền thế cài đặt người tín cẩn của họ…
Cho đến nay, thế lực lãnh đạo quyền thế của Đảng chỉ có một tâm niệm: Đảng trên hết. Họ đối kháng với nhân dân: Nhân dân đặt Tổ quốc trên hết chứ không phải Đảng.
Vì thế, cuộc thảo luận sửa đổi Hiến Pháp thực chất đã trở thành một cuộc thảo luận về Tư duy, mà tiếng pháo đầu tiên là bản Kiến nghị 72 (do 72 trí thức đưa ra và được ký tên bởi gần 15.000 người trong đó có mặt đủ thành phần xã hội. Điều đáng chú ý là rất đông nông dân, công nhân ở những tỉnh được xem là cái nôi của cách mạng như Nghệ an, Hà Tĩnh, Thái Bình… tham gia ký tên). Tư duy mới trong Kiến nghị 72 này, theo tôi, đặt trọng tâm trên một số nhận định hợp với tự nhiên:
- Lập pháp, Tư pháp, Hành pháp được phân định rõ ràng mới có công bằng xã hội và chống được tham nhũng; đất đai có sở hữu của tư nhân do tư nhân tự quản lý, có sở hữu của đất nước do nhà nước quản lý mới tránh được tham nhũng đất đai đang hoành hành.
- Quyền con người theo luật pháp quốc tế mà Việt Nam đã ký kết phải được tôn trọng, không bị ràng buộc bởi “theo quy định của luật pháp/theo luật định” để tránh những vụ đàn áp trắng trợn những công dân có suy nghĩ độc lập như vừa qua, sự việc đã bị Quốc hội Âu Châu lên án, làm mất thể diện quốc gia.
- Phân biệt Đảng và đất nước, cái gì của Đảng thì trả lại cho Đảng (như “Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa”) , cái gì của đất nước như biển đảo thì quyết tâm bảo vệ tích cực…
Cuộc quần thảo tư duy kiểu “châu chấu đá voi” đang diễn ra phức tạp nhưng dường như đang vượt khỏi sự bế quan tỏa cảng truyền thông của thế lực lãnh đạo quyền thế trong Đảng. Thời đại của truyền thông mạng thì không ai có thể ngăn chặn được tiếng nói của dân. Trên mạng còn xuất hiện rất nhiều phản kháng mà chính quyền quy kết là “lực lượng thù địch”. Họ là cựu quan chức Đảng, là đảng viên lâu năm nay bức xúc trước những bầy sâu, những nhóm lợi ích đang tự tung tự tác đục khoét đất nước, họ là những sinh viên, học sinh, giới trẻ đang nhận diện ra được lẽ phải, họ là những người yêu nước, trong nước cũng như hải ngoại. Họ nói lên tư duy Hiến pháp mới mà không quan tâm việc Đảng có nghe hay không vì họ biết thừa rằng những đóng góp của họ là đóng góp với Dân chứ không phải với Ban soạn thảo Hiến pháp của Đảng.
Ngọn đèn đom đóm le lói
Thì đùng một cái có một tín hiệu gì đó đang le lói từ hai người có chức vụ cao trong Bộ chính trị: Chủ tịch nước qua Ban chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương với “Chế độ chính trị, Đảng, Hội đồng Hiến pháp ” và Thủ tướng qua cuộc họp chuyên đề về Hiến pháp của Chính phủ với “Quyền phúc quyết Hiến pháp, Quyền con người, Thu hồi đất và Quyền sử dụng đất“. Những tín hiệu này còn rời rạc, kiểu chân phải đá chân trái, nhưng cũng đáng được nêu lên ở đây để suy ngẫm vì không biết thực chất ai đang chơi con bài gì, ai đang củng cố cái gì, ai đang cấu kết với ai, sau những sự việc nổi cộm thời gian gần đây như: Cụm từ đồng chí X; Việc đòi kỷ luật lãnh đạo Đà Nẵng, mặc nhiên trong đó có tân Trưởng ban Nội chính Trung ương Nguyễn Bá Thanh; Việc đòi kỷ luật những thất thoát của thành phố Hà nội từ trước đến nay, mặc nhiên trong đó có Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng; rồi những cú đánh phá cá nhân được tung ra trên mạng qua những trang mạng mang tên những vị lãnh đạo cao cấp.  
Phía Chủ tịch nước nói gì?
1- Về chế độ chính trị: “Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc”. Như thế là những ý niệm về “giai cấp, nguyên tắc tập trung dân chủ” không còn chỗ đứng trong Hiến pháp và được trả về cho Đảng.
2- Về Đảng: “Đảng Cộng sản VN, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc VN, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội”.
Như vậy “đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng” bị loại ra khỏi Hiến pháp.
3 – Về Hội đồng Hiến pháp: do Chủ tịch nước đứng đầu. Hội đồng Hiến pháp có quyền Giải thích Hiến pháp, có quyền tạm đình chỉ thi hành các văn bản Quốc hội nếu phát hiện vi phạm Hiến pháp và có quyền ngưng thi hành các văn bản cơ quan nhà nước nếu phát hiện vi phạm Hiến pháp.
Xem ra đây là những tính chất phải có của một Hội đồng Bảo Hiến, nhưng nếu Hội đồng này không độc lập mà vẫn chịu sự lãnh đạo của Đảng (Chủ tịch nước là lãnh đạo Đảng) thì cũng như không.
Phía Thủ tướng nói gì?
4 – “Quốc hội không phải là cơ quan lập hiến, công dân có quyền biểu quyết về Hiến pháp và các việc trọng đại của quốc gia“.
Khẳng định “Quốc hội không phải là cơ quan lập hiến” là đúng vì 98% đại biểu Quốc hội là đảng viên. Cho Quốc hội quyền lập hiến chẳng khác nào giao cho Đảng quyền lập hiến!
5 – Quyền con người, quyền cơ bản của công dân: “chỉ có thể bị giới hạn bằng luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia và sức khỏe của cộng đồng”.
Trật tự, an toàn xã hội”, “đạo đức xã hội” đã bị gạt bỏ do bị lạm dụng quá nhiều cho đến nay.
6- Thu hồi đất và quyền sử dụng đất: “Nhà nước trưng mua, trưng dụng tài sản, hay thu hồi đất thì đều phải bồi thường theo giá thị trường“.
“Bồi thường theo giá thị trường” nghe ra có vẻ tiến bộ, nhưng thực tế lại khác hẳn vì thời điểm nào thì một giá được gọi là giá thị trường: trước, trong hay sau khi dự án đã hình thành? Rốt cuộc quyết định giá thị trường vẫn dựa trên đối trọng giữa quan và dân. Có ai mơ hồ gì trong một thể chế không có tam quyền phân lập không?
Đánh giá thế nào về ngọn đèn đom đóm
Dù sao những ý kiến của phía Chủ tịch nước và phía Thủ tướng cũng có cái gì mới so với bản dự thảo Hiến pháp đầu tiên. “Vùng cấm”, “nhạy cảm” đang teo lại. Sự kiện này sẽ có tác dụng như một sức bật khuyến khích người dân mạnh dạn đi vào các vùng “nhạy cảm”. Vì thế không lạ gì khi trên báo chí nhà nước, người ta dám đặt ra việc đổi tên nước, đòi cạo bỏ cụm từ Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa, lấy lại tên Việt Nam Dân chủ Cộng hòa hoặc ngon lành hơn là Cộng hòa Dân Chủ Việt Nam.
Xã hội sẽ bớt đi một ít “vùng cấm”, “nhạy cảm” mở cửa cho dân chúng nói rộng hơn.
Nhưng những đề nghị nói trên của giới cầm quyền nếu được ghi trong Hiến pháp sẽ tạo ra nhiều kiểu “trống đánh xuôi kèn thổi ngược” giữa những điều khoản của Hiến pháp.
Thí dụ khi nói “tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân”, thì làm sao chấp nhận được trên nhân dân còn có “Đảng là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội”? Lãnh đạo được hiều là người dẫn đưòng chỉ lối mà dân phải theo, Đảng vừa lãnh đạo vừa cầm quyền thì mặc nhiên “quyền lực nhà nước nằm trong tay Đảng.
Cũng giống như nói “Đất đai thuộc sở hữu toàn dân nhưng do nhà nước quản lý” thì cái sở hữu đó chẳng có nghĩa lý gì. Đã là sở hữu sao còn bị cưỡng chế lấy lại?
Cái “quyền lực”, cái “sở hữu” như thế chỉ là bánh vẽ.
Lại nữa, tuy những đề nghị về Hội đồng Hiến pháp là một đòi hỏi mới, tiến bộ. Hội đồng Hiến pháp như là một ông trùm công an giao thông ở các ngã tư: Ai đi trái luật sẽ bị huýt còi chặn lại, xử phạt. Nhưng khi phủ nhận tam quyền phân lập thì Hội đồng Hiến pháp có còi cũng không thể tự ý huýt được vì không độc lập. Siêu quyền lực đang nằm đâu đó trên cả Hiến pháp.
Những điều được xem là có tiến bộ nói trên xuất phát từ hai lãnh đạo cao nhất nước, nếu được ghi vào Hiến pháp sẽ tạo ra được thay đổi gì không?
Câu trả lời là KHÔNG.
Như trên đã nói, khi chưa thay đổi được tư duy thì muốn thay đổi Hiến pháp cũng chỉ là chắp nối, vá đùm vá đụp để phục vụ cho đảng cầm quyền chứ không phải là dân.
Khi tư duy còn độc tài, còn Mác-Lê thì không thể nào viết ra một Hiến pháp cho người dân hưởng tự do dân chủ.
Vẫn chưa chịu vứt bỏ tư duy độc tài thì những ngọn đèn đom đóm kia chỉ là dấu hiệu của một sự tranh dành nội bộ giữa thế lực lãnh đạo quyền thế mà dù ai thắng thì đất nước vẫn thua.
23/04/2013
N.T.C.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN

Các khái niệm dân chủ, pháp quyền, cộng hoà và xã hội: Lý thuyết và thực tế


Đỗ Kim Thêm

Vấn đề
Một trong những góp ý tu chỉnh Hiến pháp Việt Nam là đề xuất du nhập mô hình dân chủ của nhà nước phương Tây. Dân chủ là một khái niệm luật Hiến pháp nhằm quy định hình thức cai trị, nhưng lại gắn liền với các khái niệm pháp quyền, cộng hoà và xã hội. Dù có liên hệ nhau nhưng các khái niệm này có nhiều giá trị tương đồng và dị biệt mà bài viết này sẽ giới thiệu những mối quan hệ lý thuyết để đối chiếu với thực tế của Hiến pháp Việt Nam.
Lý thuyết luật Hiến pháp 
Dân chủ và pháp quyền 
Ý nghiã dị biệt 
Ý nghĩa chính của dân chủ là toàn dân có thẩm quyền tối thượng trong việc quyết định vận mệnh của đất nước và con người, mà không ai khác thay thế. Vào thời trung cổ giáo quyền chiếm vai trò chủ yếu trong việc quyết định mọi sinh hoạt thế quyền. Sau khi Cách mạng Pháp thành công, toàn dân trở thành nguồn quyền lực duy nhất của đất nước, điển hình là thẩm quyền lập hiến. Toàn dân là tác giả Hiến pháp mà nội dung là quy định một trật tự cho sự chung sống trong xã hội và quan trọng nhất là các nguyên tắc tổ chức nhà nước. Tại Đức, nguyên tắc quyền dân tộc tối thượng lần đầu tiên được ghi trong Hiến pháp Weimar 1919, nguyên tắc này cũng được công nhận trong Hiến pháp các tiểu bang; Hiến pháp Paulkirchen 1849 tuy đề cao một vài yếu tố dân chủ nhưng lại không công nhận quyền dân tộc tối thượng như Pháp. Dân chủ, do đó, không đi sâu về nội dung luật pháp, tính chính thống hay kiểm soát các hoạt động nhà nước. 
Khái niệm dân chủ tại Hoa kỳ và châu Âu có nhiều dị biệt. Dân chủ tại Hoa kỳ không là một phong trào đấu tranh trong nội bộ của một nước mà trước tiên là đòi hỏi quyền tự do tôn giáo và quyền tự trị. Sự hình thành các tiểu bang New England (Đông Hoa Kỳ) nhằm tách rời khỏi quyền thống trị của mẫu quốc Anh là một minh chứng. Truyền thống tư duy tại châu Âu khác hơn. John Locke cho rằng dân quyền tại Anh là tình trạng tự nhiên có sẵn của xã hội mà vai trò của chính quyền là phải bảo đảm quyền này được thực thi. Locke không coi dân chủ là quyền tối thượng và nằm trong truyền thống đấu tranh như tại Pháp. Lịch sử của Pháp cho thấy toàn dân có một quá trình chống đối và với cải cách liên tục của chính quyền mà khái niệm về dân chủ mới thành hình. Nhờ thế dân chủ trở thành quyền tốí thượng và không thể chuyển nhượng 
Nhà nước pháp quyền, ngược lại, đặt vấn đề nội dung, phạm vi và luật thủ tục trong việc điều hành các hoạt động của nhà nước, cụ thể là quy định mọi giới hạn của nhà nước và người dân vào luật pháp. Nguyên tắc ràng buộc này nhằm bảo đảm quyền tự do của cá nhân, cụ thể là nhà nước phải tôn trọng việc thực thi dân quyền, các thủ tục luật hành chính và có nền tư pháp độc lập. Tôn trọng luật pháp là một phương tiện cho nhà nước thực thi nguyên tắc dân chủ được hữu hiệu hơn. 
Lịch sử chứng minh các chế độ quân chủ hiến định vào thế kỷ XIX, dù không dân chủ, nhưng cũng tôn trọng nguyên tắc nhà nước pháp quyền. Nguợc lại, các chế độ dân chủ hiện nay luôn đề cao trọng pháp, mà mức độ áp dụng trong thực tế bị giới hạn. 
Mục tiêu tương đồng 
Nội dung của khái niệm nhà nước pháp quyền nhằm bảo vệ dân quyền một cách tổng quát, không đặc biệt hướng về ý kiến của người dân trong các quyết định cụ thể. Dù khác nhau về chiều hướng nhưng hai khái niệm dân chủ và pháp quyền cùng theo đuổi một mục tiêu chung là bảo vệ dân quyền, mà tự do ngôn luận, báo chí, thông tin và hội họp là điển hình. Quyền tự do dân chủ là một điểm nối kết cho hai khái niệm này gặp nhau. Đó cũng chính làm điểm phân biệt giũa chế độ dân chủ và độc tài. Tự do có quan hệ với dân chủ vì là nguyên tắc hình thức tổ chức cho một nhà nước, trong khi chế độ độc tài, ngược lại, không tạo điều kiện này. Do đó, dân chủ và pháp quyền có một chức năng chung là bảo vệ dân quyền và tự do trong một thể thống nhất. 
Hai nguyên tắc dân chủ và pháp quyền không hề cạnh tranh hay đối nghịch mà bổ sung nhau, tạo thành một khuôn khổ chung làm cho luật Hiến pháp có giá trị bền vững hơn. Ý nghĩa của phân quyền nếu nằm trong khuôn khổ dân chủ thì sẽ dễ thành hình hơn; quyền lực của nhà nước, do đó, được quân bình hơn và có điều kiện kiểm soát chặt chẽ hơn. Thí dụ điển hình nhất là vai trò độc lập của cơ quan tư pháp. Tinh thần độc lập và khách quan của tòa án làm cho việc giải quyết các tranh chấp không bị quyền lợi cá nhân hay phe nhóm gây ảnh hưởng. 
Toàn dân nắm quyền lực cai trị đất nước, nên nhà nước pháp quyền cũng bị giới hạn trong nguyên tắc này. Có lập luận cho là tam quyền phân lập ngày càng chuyên môn hoá cao độ nên làm suy yếu việc thực thi dân chủ. Thực tế cho thấy phân biệt chức năng trong quyền lực của bộ máy nhà nước không làm mất đi quyền kiểm soát của người dân, vì việc quân bình và kiểm soát sẽ hữu hiệu hơn, dĩ nhiên trong điều kiện là nếu nhà nước tôn trọng uy lực của luật pháp
Dân chủ và cộng hòa 
Cộng hoà là một khái niệm cổ điển của luật Hiến pháp nhằm quy định về tổ chức nhà nước và có hai nghĩa hình thức hay nội dung. 
Hình thức 
Miachiavelli là người đầu tiên du nhập khái niệm cộng hoà vào luật Hiến pháp. Ông cho  rằng nhà nước cộng hoà có hai chức năng là nắm quyền lực và lãnh đạo mà trước đó thuộc về nhà vua. Nhà nước cộng hoà được hiểu là tương phản và thay thế cho nhà nước quân chủ. Do đó, chúng ta không thể gọi chế độ quân quyền của Anh và Thụy Điển là cộng hoà. Qua sự hình thành và phát triển của khái niệm dân chủ, chế độ cộng hoà sẽ làm dân chủ hóa cho đất nước về hình thức. Ngày nay, khái niệm cộng hoà đã thay đổi nhiều vì không chú trọng đến cá nhân lãnh đạo mà coi là một hình thức cai trị cộng đồng, bao gồm tất cả sinh hoạt chung của đất nước và con người. 
Mối quan hệ giữa dân chủ và cộng hòa không đối nghịch hay đồng nghĩa vì cả hai có   chiều hướng khác nhau. Nhưng du nhập khái niệm cộng hoà cho một chế độ dân chủ cũng không làm cho nguyên tắc dân chủ suy yếu hay mạnh hơn. Thực tế cho thấy các nước độc tài chuyên chế hoặc theo xã hội chủ nghĩa đã lạm dụng khái niệm cộng hòa khi khái niệm chuyên chính vô sản không hề phù hợp với cộng hoà dù theo nghĩa hình thức. 
Nội dung 
Nội dung của khái niệm cộng hoà được Cicero và Kant đề cao. Cicero cho là dân tộc không chỉ là một tập hợp của một số người hổn tạp mà là một sư đồng thuận chung sống trong quy luật chung và sử dụng các tài sản chung. Cộng hoà là việc điều hành các vấn đề chung cho mọi người trong cộng đồng, thí dụ như trong cùng thành phố thời cổ Hy Lạp. Do dó, quyền lợi của cá nhân hay một phe nhóm không có ý nghĩa cộng hoà mà thuộc về tất cả các thành viên trong cộng đồng. Cá nhân và lãnh đạo cùng theo đuổi mục đích chung sống trong chế độ cộng hoà trong tinh thần trọng pháp. Chế độ cộng hoà không còn là một hình thức không quân chủ hay chuyên chế mà là một chế độ chính trị, một biểu hiện có nội dung là mọi quyết định phải phù hợp với quyền lợi công cộng. Trong nội dung này, cộng hoà có ý nghiã của khái niệm nhà nước pháp quyền hiện nay.
Theo Kant, cộng hoà không có nội dung giáo điều mà là một khái niệm luật Hiến pháp đề ra các quy phạm căn bản cho sự chung sống trong xã hội và ba điều kiện tiên quyết là tự do, ràng buộc về luật pháp và bình đẳng. Nội dung này không cách biệt với khái niệm tự do dân chủ hiện đại. Kant mơ ước là nếu Hiến pháp cộng hoà thực hiện được trong từng quốc gia và có sự hợp tác quốc tế hữu hiệu thì một nền hoà bình vĩnh cữu cho nhân loại là khả thi. 
Dân chủ và xã hội 
Ủy nhiệm mục tiêu 
Nhà nước xã hội là một khái niệm hiện đại của luật Hiến pháp, không phải là một nguyên tắc hiến định để tạo thành nhà nước XHCN, không thuộc về dân quyền hay pháp quyền, mà là một mục tiêu của nhà nước để đem lại công bình và an toàn xã hội. Đúng hơn đây là một sự ủy nhiệm của luật Hiến pháp cho nhà nước và các cơ quan chức năng thi hành các biện pháp xã hội để bảo đảm cuộc sống cho toàn dân, thí dụ tạo an sinh cộng đồng, phúc lợi xã hội, phòng chống thiên tai, công bình trong hệ thống thuế khọá, phân phối lợi tức, các biện pháp bảo hiểm sức khoẻ, thất nghiệp, hưu bổng và trợ cấp xã hội vv…  
Hai khái niệm dân chủ và nhà nước xã hội không đối nghịch mà hổ trợ nhau. Nếu bất công là một hậu quả tất yếu trong đời sống xã hội, thì dân chủ là một khả năng để giải quyết vấn đề. Việc thực hiện các mục tiêu của nhà nước xã hội đề ra cần đến dân chủ. Dân chủ đem lại sư bình đẳng chính trị cho toàn dân, dân có quyền định chọn lãnh đạo qua hình thức đầu phiếu. Do đó, các bất công xã hội cũng phải do dân giải quyết qua phương thức dân chủ. 
Trin vọng khó khăn 
Trở ngại chính là nguyên tắc dân chủ quy định quá tổng quát, trong khi mang lại công bình và an toàn xã hội cho toàn dân là mục tiêu lý tưởng. Đồng thuận dân chủ không thể đề ra một thể chế tối ưu và một giải pháp khi nhà nước không có phương tiện. Hiện nay, bất công xã hội không thuần túy nằm trong sự bóc lột công nhân qua quá trình sản xuất như Marx mô tả mà thực tế phức tạp hơn nhiều. Toàn cầu hoá, nợ công lan tràn và suy thoái kinh tế là các vấn đề xã hội trầm trọng của các nuớc phương Tây. Khả năng giải quyết vấn đề càng thu hẹp, nên nhà nước càng cần hợp tác quốc tế và các tổ chức dân sự, kể cả sự chấp nhận hy sinh và khắc khổ của dân chúng. 
Luật Hiến pháp không cho phép nguời dân có tố quyền hiến định về một quyền lợi xã hội. Triển vọng về việc phát triển quyền này thành một nhân quyền càng khó khăn hơn vì tình hình kinh tế không cho phép. Tạo công bình trong phân phối phúc lợi và an toàn xã hội cho toàn dân, giải quyết bất công qua đánh thuế doanh nghiệp, thuế di sản và thuế lợi tức là những biện pháp luật định. Do đó, vấn đề không những cần dân chủ mà còn cần đến pháp quyền. Mối quan hệ này cần được đặt ra. Việc phân chia phúc lợi xã hội công bình trong tương lai càng bất trắc hơn. 
Thực tế Hiến pháp Việt Nam 
Thực trạng 
Dù tự hào dân chủ của Việt Nam là tốt đẹp vạn lần hơn của các nước phương Tây, nhưng Việt Nam chưa hề có một Hiến pháp nào đúng nghĩa là của dân làm ra, nên không có điều kiện tương đồng để so chiếu với các khái niệm vừa trình bày và suy diễn về tương lai Hiến pháp. Nếu chấp nhận giá trị phổ quát của các khái niệm trên để soi sáng cho thực trạng Hiến pháp thì chúng ta thấy một thực tế khác.    
Hiến pháp không có dân chủ, vì ngườì dân không có cơ hội hành xử thẩm quyền lập hiến và không có tố quyền hiến định về các vi phạm nhân quyền. Hiến pháp không bảo đảm tự do báo chí mà trước đây thực dân Pháp đã triệt để tôn trọng.
Hiến pháp không có pháp quyền soi sáng vì Đảng quyền can thiệp toàn diện và triệt để vào mọi sinh hoạt xã hội, do đó vi phạm về sự phân biệt giữa chính quyền và xã hội. 
Hiến pháp không theo thể chế cộng hoà dù quốc hiệu minh danh là cộng hòa xã hội chủ nghiã. Quyền dân chủ nhân dân mà chế độ Đảng cử dân bầu và quyền sở hữu nhà nước  không phù hợp theo ý niệm cổ điển cộng hoà. 
Hiến pháp không theo quan điểm nhà nước xã hội vì định hướng XHCN. Chính sách này không đem lại công bình trong phân chia phúc lợi và an toàn xã hội. Bốn khiếm khuyết này quá hiển nhiên nên không cần lý giải thêm. 
Nguyên nhân 
Lý thuyết Mác xít cho rằng các khái niệm thượng tôn luật pháp, tôn trọng nhân quyền, tam quyền phân lập, chính thể lập hiến và đại nghị là những sản phẩm sai lầm của ý thức trong xã hội tư sản mà tranh chấp quyền lợi của các giai cấp là một thực tại khách quan. Hiến pháp phản ảnh một tình trạng đấu tranh giai cấp, một phương tiện cho giai cấp thống trị đàn áp các giai cấp khác và cuối cùng đi đến thoả hiệp về hình thức hay nội dung trong một thời kỳ nhất định. Sự thoả hiệp này không còn nữa khi giai cấp công nhân thắng thế trong cuộc đấu tranh cách mạng. Giai cấp vô sản là đại diện chính thống cho toàn xã hội và có thẩm quyền tối thượng về lập hiến. Với bạo lực cách mạng và độc quyền chuyên chính vô sản Hiến pháp XHCN là một công cụ lý tưởng để xây dựng xã hội và đem lại công bình tuyệt đối. Các mối quan hệ về các khái niệm dân chủ, pháp quyền, cộng hoà và xã hội sẽ bị hủy diệt theo ánh sáng của nền dân chủ nhân dân. 
Thực tế đấu tranh cách mạng dành độc lập và giải phóng dân tộc tạo cho Đảng có một ưu quyền tối thượng và Việt Nam có một đặc thù là Đảng, nhà nước và xã hội là một thể thống nhất. Soạn thảo Hiến pháp là sự cải biên các Nghị quyết và Cương lĩnh của Đảng; Hiến pháp không do thẩm quyền lập hiến của toàn dân quyết định và nội dung không là ý chí chung sống của toàn dân trong nguyên tắc đồng thuận. Từ sự áp đặt của Đảng quyền mà Hiến pháp không có giá trị về mặt pháp lý và thực tế.    
Giải pháp 
Lý thuyết về luật Hiến pháp rất đa dạng cần được góp ý, nhưng ít ai quan tâm, kể cả học giới. Đảng chưa thuyết phục được về khái niệm Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và không còn thuyết phục được về khái niệm chuyên chính vô sản và quyền sở hữu toàn dân. Tất cả lý thuyết làm kìm chế sự thịnh vượng đất nước. Nếu Quốc hội tiếp tục sao chép Cương lĩnh của Đảng thì Hiến pháp tương lai sẽ là một áp đặt của tư bản nhà nước với giai cấp vô sản mới, nạn nhân của Đảng. Cuối cùng, Hiến pháp không phát huy được khái niệm đối lập chính trị trong sinh hoạt dân chủ mà chỉ duy trì khái niệm phản động, thế lực thù địch và suy thoái đạo đức. 
Thực tế về góp ý tu chỉnh không dựa theo lý thuyết luật pháp XHCN mà theo công lý cá nhân và đạo đức xã hội để lập luận. Dân oan thấy là luật pháp không còn là công cụ của tư sản bóc lột mà đã trở thành phương tiện cưỡng chế của tư bản thân tộc. Dân không thấy có thành phần giai cấp vô sản vùng lên mà chỉ biết có các nhóm lợi ích dành nhau định đoạt vận mệnh đất nước. Dân không tự xác định được mình có thẩm quyền lập hiến tối thượng, vì cho là hoang tưởng và dè dặt hơn khi góp ý theo chỉ đạo của Đảng. Dĩ nhiên cũng có một thiểu số khác phê phán Đảng nghiêm khác hơn với tất cả thành tâm. Dù cả hai thiện chí này đều đáng được tôn trọng, nhưng không đem lại giá trị cho việc tu chỉnh được cao cả hơn, vì vô hình chung là họ chấp nhận duy trì tình trạng vô luật pháp hiện nay. 
Đảng muốn tiếp tục lãnh đạo, nhưng dân cần có cơ hội đối thoại trong tinh thần bình đẳng hơn là theo sự chỉ đạo của Đảng. Giữa dân và Đảng cần hiểu nhau nhiều hơn mà hệ thống thông tin của nhà nước và cộng đồng mạng không thể đáp ứng được nhu cầu này. Để chuẩn bị tìm ra mô hình Hiến pháp mới, các khái niệm hiến định là quan trọng cho học giới, vì họ cần có cơ sở để đóng góp thiết thực hơn. Một cuộc thăm dò dư luận khách quan sẽ đem lại nguồn thông tin khả tín và phương tiện cần thiết. Tìm hiểu y kiến công luận về triển vọng hình thành các định hướng lập hiến này là một sinh hoạt bình thường của một đất nước dân chủ. Việc Đảng và dân chúng đồng thuận tham gia cho bước khởi đầu này trở thành vấn đề nghiêm túc cần thảo luận sâu rộng hơn.      
Kết luận 
Trình độ luật pháp biểu hiện nền văn hoá của một nước. Tu chỉnh Hiến pháp là một nhu cầu bức thiết của thời đại để chứng tỏ là một tinh hoa văn hóa đáng cho thế hệ hôm nay tự hào và mai sau kế thừa. Tiến trình cải cách thêm xa vì chúng ta không có một chủ thuyết lập hiến mở lối và cũng không có kinh nghiệm thực tế để thu ngắn. 
Nguyên uỷ chuyển động cho tương lai Hiến pháp cần đến một khởi điểm tinh thần: cả nước tìm hiểu và mến yêu những giá trị cao đẹp của Hiến pháp và biến kiến thức và ý thức này thành một tinh thần yêu nước. Luận đề này do triết gia Jürgen Habermas khởi xướng. Tinh thần yêu nước hôm nay là phát huy những giá trị đích thực của tự do, công bình, nhân quyền và ràng buộc pháp luật. Toàn dân thay đổi tư duy về thẩm quyền lập hiến là khởi điểm và Đảng thăm dò dư luận theo phương cách khoa học là biện pháp. 
Dr. Đỗ Kim Thêm L.L. M., M. A, Legal Member, Competition Law and Policy and Consumers Protection Branch, United Nations Conference on Trade and Development (UNCTAD), Geneva. Views expressed are personal. Bài viết thể hiện quan đim cá nhân. 
Đ.K.T.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN

Phong trào Hiến chương 77 và Phong trào Hiến chương 08


Nguyễn Văn Thạnh

Phong trào hiến chương 77
Con người trên trái đất này là một, dù có nhiều điểm khác biệt giữa các dân tộc, các nền văn hóa nhưng các nguyên lý xã hội căn bản chi phối là giống nhau.
Là một dân tộc đi sau, nếu chịu khó nghiên cứu bài học thành công, thất bại của các nước đi trước có mô hình giống mình để tìm ra nguyên lý, hẳn chúng ta sẽ sớm thành công hơn trên con đường dân chủ hóa.
Nước tôi muốn đề cập làm bài học đem ra phân tích mổ xẻ là Tiệp Khắc. Có nét tương đồng với Việt Nam, trong chiến tranh thế giới 2, Tiệp Khắc bị phát xít Đức chiếm đóng, được Hồng quân Liên Xô giải phóng và theo thể chế cộng sản. Tất cả các đảng CS trên thế giới cai trị đất nước theo một chủ thuyết giống nhau: độc quyền về chính trị, độc quyền về kinh tế, trấn áp bằng bạo lực theo kiểu chuyên chính vô sản – kiểu cai trị này được nhiều học giả chính trị kết luận là kiểu toàn trị.
Ông Vaclav Havel và các cộng sự
Ông Vaclav Havel và các cộng sự
Sống trong chế độ toàn trị, người dân trở nên ươn hèn và sợ sệt. Từ Liên Xô, TQ đến các nước Đông Âu hay Bắc Hàn, Cuba, VN,… đều thế cả. Nhiều người bất mãn trước sự sợ hãi của người dân trong nước (VN) đi đến kết luận dân ta vô cảm, ươn hèn hơn các dân tộc khác. Tôi thì cho rằng loài người chỉ có một, khi bị cai trị toàn trị thì một dân tộc anh hùng không tiếc máu xương trong chiến trận như LX hay VN đều ươn hèn. Cái qui luật tổng quát chi phối xã hội nó rất quan trọng, muốn cải biến xã hội phải nhận diện nó, có giải pháp cho nó chứ kêu gọi tinh thần từng cá thể là không thành công.
Trong các quốc gia Đông Âu hậu CS, Tiệp Khắc là nước sóng gió nhất: vừa dân chủ hóa hệ thống chính trị, vừa chia tách đất nước, nhưng Tiệp đã thành công, không để xảy ra thảm họa bạo lực, phe phái hay nội chiến tàn phá đất nước. Sự thành công này có công rất lớn của ông Vaclav Havel, người tham gia khởi thảo Hiến chương 77, Tổng thống đầu tiên của đất nước hậu CS. Ông là người giám sát quá trình chuyển đổi sang dân chủ, và cuộc phân chia quốc gia năm 1993 giữa Cộng hòa Séc và Slovakia. Hai nhiệm vụ cực kỳ khó khăn, nhưng dưới sự lãnh đạo của ông, Tiệp Khắc chuyển mình trong hòa bình để đến thịnh vượng. Tiệp Khắc là bài học thành công chuyển đổi hậu CS mà các nước khác học hỏi. Chính vì thành tựu này mà khi biết tin ông qua đời vào ngày 18 tháng 12, 2011, Ngoại trưởng Thụy Điển Carl Bildt đã nói: “Vaclav Havel là một trong những người Châu Âu vĩ đại nhất của thời đại chúng ta”.
Sự thành công của một chính trị gia có nhiều yếu tố chi phối, trong đó có sự may mắn. Tuy nhiên trí tuệ và bản lĩnh người đó cũng rất quan trọng. Ngoài bản lĩnh, sự dũng cảm, tinh thần yêu nước, yêu quê hương xứ sở, chính trị gia còn là người hiểu biết sâu sắc cuộc sống, hiểu và cảm nhận được lòng người.
Chúng ta hãy đọc bài luận “sức mạnh của thảo dân” (Power of Powerless) của ông. Bắt đầu bài luận, ông nêu ra một thực tế diễn ra hàng ngày trên đất nước lúc đó, từ anh quản lý cửa hàng rau củ đến nhân viên văn phòng đến quan chức chính phủ, công sở đều treo khẩu hiệu “Vô sản toàn thế giới liên hiệp lại”. Ông chỉ ra rằng họ làm như thế không hẳn họ thích, họ tin mà họ làm vì “mọi người đều làm như thế, và vì đó là việc phải làm. Nếu từ chối, anh ta có thể gặp rắc rối. Anh ta có thể bị phê bình vì không có vật trang trí thích hợp trong cửa sổ, thậm chí có người còn tố cáo anh là không trung thành nữa. Anh ta làm vậy bởi vì cần phải làm thế, nếu muốn yên thân. Đó là một trong hàng ngàn tiểu tiết đảm bảo cho anh ta một cuộc sống tương đối yên ổn trong sự “hòa hợp với xã hội”, như họ vẫn thường nói”.
Rõ ràng, có một quyền lực vô hình bắt buộc mọi người phải làm những việc mà họ chẳng thấy có ích hay lợi lộc gì. Mọi người bị “không khí” xã hội vô hình bao quanh, khống chế họ. Người dân bị nỗi sợ ràng buộc, bóp nghẹt đến mức không ai có thể sống tự chủ, sống thật với chính mình.
Trong một môi trường xã hội như vậy, kêu gọi người dân dũng cảm, sống thật với mình, cổ vũ những điều ích nước lợi dân hơn là những giá trị tuyên truyền phù phiếm vô bổ cũng khó. Bởi lẽ như ông nói, nếu một ngày ai đó làm khác đi sẽ bị xã hội xúm lại “đánh” hội đồng. Dù cái bảng “vô sản toàn thế giới liên hiệp lại” chẳng có ý nghĩa gì với anh quản lý cửa hàng rau củ cũng như khách hàng, nhưng nếu lấy xuống thì anh ta sẽ gặp rắc rối ngay. Chính những con người trung thực lương thiện nhất cũng có thể là người đi tố cáo anh với cơ quan an ninh, hoặc nhiều người lên tiếng dọa dẫm (một cách vô tình hay cố ý) gây ra nỗi sợ mà chưa cần đến cơ quan an ninh biết. Chính những ràng buộc này đã vô tình tiếp thêm sức mạnh cho kẻ thống trị. Quyền lực của kẻ thống trị trong hệ thống hệ thống toàn trị không chỉ đến từ công cụ bạo lực do nhóm cầm quyền sử dụng để trấn áp người dân mà còn là do người dân tự mua dây trói mình. Ông gọi quyền lực ràng buộc này là “quyền lực của thảo dân” hay “quyền lực của không quyền lực”.
Ngoài việc thấy được sự trói buộc do chính người dân tạo ra, ông còn thấy sự ràng buộc ở tầm hệ thống to lớn hơn. Các nước theo chế độ CS, dù ở đâu, qui mô và trình độ phát triển thế nào đều có dây nhợ liên kết đến siêu cường Liên Xô. Trong thế đối đầu hạt nhân một mất một còn, các nước nhỏ không thể muốn làm gì thì làm, chúng phụ thuộc lẫn nhau, chúng can thiệp quân sự vào nhau để tránh sự sụp đổ có tính dây chuyền. Trong tình thế này, nếu kêu gọi sự dũng cảm nổi dậy thì chỉ có con đường tự sát như trường hợp Hungary năm 1956 và Tiệp Khắc năm 1968, tốn xương máu mà không giải quyết được vấn đề gì.
Trước tình hình đất nước như vậy, nhiều người trí thức Tiệp Khắc đã đi tìm giải pháp cho vấn đề: một số người đấu tranh cho bầu cử tự do theo tinh thần dân chủ; một số người viết kiến nghị, gửi đến lãnh đạo cấp cao của đảng và nhà nước với mong muốn thực hiện những chủ trương đường lối tốt đẹp cho dân cho nước; một số khác dũng cảm vượt qua sợ hãi, viết bài chỉ trích nặng hơn, chấp nhận rủi ro đi tù với mong muốn trí thức, dân chúng thức tỉnh; đến phương pháp khởi nghĩa bạo động,… rất rất nhiều cách thức được tiến hành, nhưng hòn đá toàn trị không suy suyển gì.
Trước tình thế mà trăm phương, nghìn hướng đều khó, lực bất tòng tâm, Vaclav Havel đã có cách tiếp cận thông minh: quyền con ngườiTuyên ngôn Hiến chương 77, do Václav Havel, Jan Patočka, Zdaněk Mlynář, Jiří Hájek và Pavel Kohout chủ xướng, được công bố vào tháng Giêng năm 1977. Với một bản tuyên ngôn ngắn gọn (bản dịch tiếng Việt có 2.476 từ; tầm 4 trang A4 đánh máy) nhưng nó đã nói lên đầy đủ những quyền cơ bản mà người dân Tiệp Khắc được hưởng, trong đó đặc biệt tập trung vào hai quyền là tự do ngôn luận (quyền tự do phát biểu) và quyền không phải sợ hãi.
Bản hiến chương chỉ ra một cách rõ ràng rằng các quyền trên được ghi trong “Công ước Quốc tế về Quyền Dân sự và Chính trị và Công ước Quốc tế về Quyền Kinh tế, Xã hội và Văn hóa” (sau đây gọi tắc là từ Công ước) mà đất nước Tiệp Khắc ký kết tham gia năm 1968, tái cam kết vào năm 1975, được báo chí nhà nước đăng tải năm 1976.
Ngoài ra bản hiến chương còn  mạnh mẽ chỉ ra “việc công bố những công ước đó, cũng là lời nhắc nhở đanh thép rằng các quyền con người căn bản của ở đất nước chúng ta, đáng tiếc là vẫn chỉ mới nằm trên giấy mà thôi”. Nó còn chỉ ra rất nhiều hành vi gian lận của chính phủ nhằm trốn tránh thực thi hoặc vi phạm nghiêm trọng các quyền đã ký.
Bản hiến chương chỉ đòi những điều đơn giản như vậy nhưng cũng rất khó khăn để người dân vượt qua nỗi sợ mà ký tên ủng hộ. Ra đời từ năm 1977 nhưng mãi đến giữa những năm 1980 mới có 1.200 người ký. Thế mới biết để chuyển biến một xã hội không phải dễ. Nhưng nếu tiếp cận vấn đề đúng thì sẽ thành công.
Bí quyết thành công của phong trào Hiến chương 77 là ở chỗ bản tuyên bố đơn giản, ngắn gọn dễ hiểu, tập trung đòi một số quyền căn bản mà pháp luật đã thừa nhận, dư luận dễ đồng tình.
Nó chỉ tập trung đòi những quyền căn bản, trong đó quan trọng nhất là “quyền tự do ngôn luận” và “quyền không phải sợ hãi” là đủ để làm chuyển động xã hội đi đến cái đích dân chủ.
Từ nền tảng Hiến chương 77, đất nước Tiệp Khắc đã chuyển biến sang nền dân chủ thành công như ta đã biết.
Phong trào Hiến chương 08
Năm 2008, những người trí thức cấp tiến Trung Quốc cũng nhận ra vấn đề dân tộc, đất nước họ mắc phải. Họ cũng cùng nhau khởi thảo một tuyên bố được gọi là Hiến chương 08. Kể từ khi được phát hành, hơn 8.100 người bên trong và ngoài Trung Quốc đã ký vào bản Tuyên ngôn này. Một trong những tác giả của Hiến chương 08 là nhà văn Lưu Hiểu Ba đã được trao giải Nobel Hòa bình vào năm 2010. Tuy nhiên sức lan tỏa của Hiến chương 08 rất yếu dù dân TQ rất đông và ngày nay công nghệ nghe nhìn hiện đại hơn xưa (dân TQ trên 1,3 tỷ mà có 8.100 chữ ký). Một trong những nguyên nhân căn bản dẫn đến thất bại là do tính hoàn hảo của nó. Nó đòi hỏi quá nhiều thứ, vì đòi hỏi nhiều thứ như vậy nên nó rất dài. Người dân bình thường không thể đọc hiểu hết và nếu có đọc hiểu hết người ta cũng sẽ nhanh chóng nhận ra tính bất khả thi, những điều bản Hiến chương 08 đòi chẳng khác nào đội đá vá trời. Chúng ta hãy xem nó đòi hỏi những gì. 
Nhà đấu tranh dân chủ TQ Lưu Hiểu Ba và giải thưởng Nobel hòa bình
Nhà đấu tranh dân chủ TQ Lưu Hiểu Ba và giải thưởng Nobel hòa bình
Các nội dung chính của bản Hiến chương 08:
  •  Sửa đổi Hiến pháp;
  •  Phân quyền;
  • Dân chủ lập hiến;
  • Tư pháp độc lập;
  • Kiểm soát xã hội đối với công chức;
  • Bảo đảm quyền con người;
  • Bầu cử các quan chức trong bộ máy công;
  • Bình đẳng Nông thôn – Thành thị;
  • Tự do lập hội;
  • Tự do hội họp;
  • Tự do ngôn luận;
  • Tự do tôn giáo;
  • Giáo dục toàn dân;
  • Bảo vệ quyền sở hữu tư nhân;
  • Cải cách Tài chính và thuế;
  • An sinh xã hội;
  • Bảo vệ môi trường;
  • Chế độ Cộng hòa liên bang;
  • Hoà giải dân tộc
Quá nhiều và quá hoàn hảo, bản dịch tiếng Việt của nó đến 4.953 từ (gấp đôi bản Hiến chương 77, ai có thời gian xin đọc nó ở đây). Bất cứ ai có trí não sáng suốt nhìn vào bảng đòi hỏi như vậy hoặc là thấy bất lực hoặc là không biết nên đòi cái nào trước, cái nào sau; chín người mười ý cuối cùng là cãi vã và giải tán.
Dân chủ là một toà nhà cao, để có nó có rất nhiều việc phải làm, việc đầu tiên rõ ràng là đi xây móng. Hãy làm tốt cái móng rồi mới tính đến chuyện dựng cao ốc.
N.V.T.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN

Tiên Lãng lại xảy ra xô xát vì đất


Vừa có thêm vụ xô xát vì đất đai ở huyện Tiên Lãng, Hải Phòng hôm 21/4 giữa nông dân và hàng chục người tự xưng là “bảo vệ” của công ty cổ phần Hoa Thành.
Nơi xảy ra xô xát giữa nông dân và nhóm 'bảo vệ' công ty Hoa Thành
Nơi xảy ra xô xát giữa nông dân và nhóm ‘bảo vệ’ công ty Hoa Thành
Hoa Thành là công ty được chính quyền Huyện Tiên Lãnh cho thuê lại đất để sản xuất giày với diện tích khoảng hơn 88.000 mét vuông.
Ông Lương Văn Chinh, nông dân ở xã Đại Thắng, Tiên Lãng nói với BBC, khoảng 12 giờ trưa hôm 21/04, ông nghe mọi người báo là có đông người đến đập phá ruộng dưa của bà con.
Ông Chinh cho biết khi ông ra đến nơi thì thấy có “hai chục người mặc áo bảo vệ, áo chống đạn và bốn mươi người xã hội đen, đầu trọc xăm trổ đầy mình, cởi trần,” đang xô xát với bà con.
“Lúc đầu chỉ có khoảng một chục nông dân, nhưng sau bà con gõ kẻng thì thêm rất nhiều người nữa cũng tham gia,” phía nông dân có 11 người bị thương, ông Chinh nói với BBC.
“Những người vận áo chống đạn đứng chặn ở cửa công ty, còn bà con xô xát với nhóm côn đồ, nên phía họ không ai làm sao hết”, ông nói thêm.
‘Chính quyền làm ngơ’
“Bọn đánh người dân như thế mà đứng nhìn xong đi ra ngoài thôi, chuồn dần hết thôi. Rất thất vọng và lại còn nghi ngờ với chính quyền nữa”.
Lương Văn Chinh, nông dân xã Đại Thắng, huyện Tiên Lãng
Theo ông Chinh, lúc xảy ra xô xát có mặt Chủ tịch, Phó chủ tịch và Trưởng công an xã Đại Thắng, và sau đó khoảng ba phút, thì Chủ tịch, Phó chủ tịch huyện Tiên Lãng và công an huyện cũng có mặt, “thế mà họ thờ ơ”.
“Bọn đánh người dân như thế mà đứng nhìn xong đi ra ngoài thôi, chuồn dần hết thôi. Rất thất vọng và lại còn nghi ngờ với chính quyền nữa,” ông Chinh nói.
“Chủ tịch có mặt ở đấy mà có giải quyết được vấn đề gì đâu. Mà hôm qua [21/04] về hội trường dân lập biên bản mà tất cả các cấp lãnh đạo với cả Giám đốc công ty Hoa Thành cũng không ký, bây giờ muốn gặp tôi tôi không tiếp”.
Khi BBC liên hệ với ông Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch huyện Tiên Lãng, ông Tùng cắt máy sau khi nghe thấy phóng viên muốn hỏi về vụ việc ở xã Đại Thắng.
Trưởng công an Huyện Tiên Lãng nói nên hỏi người phát ngôn, nhưng không thể cho số điện thoại vì “đã để quên”; còn Chủ tịch xã Đại Thắng cũng dập máy.
Tuy nhiên, theo truyền thông trong nước, ông Nguyễn Văn Tùng nói trong buổi họp báo ngày 22/04, đã chỉ đạo cho công an làm rõ vụ ‘côn đồ’ đánh dân.
Ông Tùng được báo Dân Trí trích lời xác nhận có vụ việc khoảng 70 người tự xưng là bảo vệ công ty xô xát với dân, và việc làm của công ty Hoa Thành “không được báo cáo với Ủy ban Nhân dân huyện,” và “đích thân Chủ tịch huyện đã ra hiện trường chỉ đạo cơ quan chức năng giải tán đám đông”.
‘Anh Vươn là anh hùng’
Theo ông Chinh, các vụ bất đồng giữa người dân với chính quyền liên tục xảy ra gần đây ở Tiên Lãng là do quyết định thu hồi đất trái luật và giá đền bù.
Riêng chuyện của xã Đại Thắng, 153 hộ dân đã làm đơn khiếu nại từ tháng 08/2004 đến nay, “và đã có rất nhiều công văn gửi về kể cả từ thành phố Hải Phòng đến huyện Tiên Lãng, nhưng không cấp nào đứng ra giải quyết.”
“Giá đền bù khi ấy người ta tính các khoản hỗ trợ, tất cả là có 20.700 đồng một mét vuông, tính ra 8,5 triệu trên một sào”, ông Chinh nói.
Phía các hộ dân khiếu kiện cũng cho rằng, quyết định thu hồi đất của huyện Tiên Lãng là sai luật, vì chỉ được tính là thu hồi đất cho nhà nước nếu đó là các công trình của nhà nước và có Thủ tướng ký.
Trường hợp thu hồi đất cho công ty Hoa Thành thuê là để làm kinh doanh, thì phải đền bù theo cơ chế thị trường, có thỏa thuận về giá cả giữa hai bên, huyện Tiên Lãng và thành phố Hải Phòng không thể áp dụng mức giá đền bù của nhà nước.
Mặt bằng do chính quyền Tiên Lãng muốn giải phóng để cho thuê vẫn chưa được giải quyết do người dân không nhận tiền đền bù và không giao đất, mâu thuẫn giữa phía công ty cổ phần Hoa Thành và nông dân đã căng thẳng từ nhiều năm nay, theo truyền thông trong nước. 
Ông Nguyễn Văn Tùng, chủ tịch huyện Tiên Lãng cắt máy sau khi BBC nói muốn hỏi về vụ xô xát
Ông Nguyễn Văn Tùng, chủ tịch huyện Tiên Lãng cắt máy sau khi BBC nói muốn hỏi về vụ xô xát
Cách đây không lâu, phiên tòa xử gia đình ông Đoàn Văn Vươn và chính quyền huyện Tiên Lãng trong vụ xô xát do cưỡng chế đất đai cũng mới xảy ra, gặp phải nhiều phản ứng khác nhau trong dư luận.
Ông Lương Văn Chinh nói với BBC, ông Đoàn Văn Vươn là “anh hùng của hàng ngàn, hàng triệu người nông dân Việt Nam, vì anh ấy đã dùng cái sai để chống lại cái sai”.
Báo Tuổi Trẻ ngày 22/04 chạy bài ‘Côn đồ hành hung dân Tiên Lãng‘ trong đó mô tả hơn 50 đối tượng lạ mặt đã dùng gậy gộc đánh đập những người dân không chịu bàn giao đất cho Công ty TNHH Hoa Thành.
Bình luận về bài báo này, nhà báo Huy Đức trên Facebook viết ‘Nếu không bắt và trị tội những kẻ sử dụng côn đồ thì làm sao chính quyền tránh khỏi bị mang tiếng côn đồ’.
Báo Dân Trí cùng ngày có bài ‘Thuê côn đồ “quét” dân, giải phóng mặt bằng’ cho biết mô tả UBND huyện Tiên Lãng thông báo cho Cty CP Hoa Thành ngừng triển khai xây dựng trên đất tranh chấp.
“Tuy nhiên đơn vị này vẫn cố tình không chấp hành ý kiến chỉ đạo của TP Hải Phòng, cố tình dùng sức mạnh cá nhân để thay luật định”, bài báo bình luận.
 ***
Hải Phòng:
Thuê côn đồ “quét” dân, giải phóng mặt bằng
Thu Hằng
 (Dân trí) – Khoảng hơn 12h ngày 21/4, tại khu đất của dự án xây dựng công ty giày đã xảy ra một vụ “đàn áp” của gần trăm côn đồ với những nông dân mất đất. Hậu quả khiến 6 người dân bị đánh trọng thương.
Gần 100 côn đồ đánh dân không tiếc tay
Anh Hoàng Văn Hào, 46 tuổi, trú thôn Trâm Khê, xã Đại Thắng, huyện Tiên Lãng, TP Hải Phòng – nơi có dự án kể trên, thuộc Công ty CP Hoa Thành, kể lại: Khoảng 12h, khi vừa đi làm đồng về, anh có việc đi qua đồng dưa (khu đất dự án) thấy có rất đông người lạ mặt đáp hàng chục taxi vào ruộng của dân, dỡ lều, phá bỏ hoa màu. Anh Hào chạy vào thì bị một nhóm người mặc đồng phục vệ sĩ, mặt bặm trợn, xăm trổ đầy tay ngăn lại, hỏi đi đâu. Anh Hào nói muốn đi xem ruộng đất sao lại bị phá, liền bị đám người đánh đấm túi bụi. Anh Hảo bỏ chạy về làng đánh kẻng báo động cho mọi người.
Hiện trường nơi xảy ra hỗn chiến
Hiện trường nơi xảy ra hỗn chiến
Bà Đoàn Thị Bé, 58 tuổi, trú đội 11 thôn Trâm Khê, chỉ vào vết bầm tím to ở đùi, nói: “Tôi nghe kẻng báo động vội chạy ra thì thấy cả đoàn người mặt mũi hung tợn dàn thành 3 vòng. Vòng trong cùng vây quanh ông Hà Như Nam (Giám đốc công ty cổ phần Hoa Thành). Chưa kịp định thần thì nhóm côn đồ này lao tới túm tóc, dùng cuốc xẻng tấn công mọi người. Tôi bị mấy cái cán cuốc vụt tới tấp vào đùi, bụng,… Bà con ở phía ngoài ức quá cũng hốt cát ném trả nhưng không lại vì bọn họ đông quá mà lại to khỏe, đầy sát khí”. 
Chị Lương Thị Dích, 47 tuổi, bị những “cơn mưa” gạch xối vào. Những viên gạch này ngày thường nông dân dùng để chèn ni lông phủ dưa, nay thành vũ khí lợi hại cho bọn côn đồ. Hậu quả chị Dích bị thủng đầu, mất nhiều máu. 
30 phút sau khi xảy ra vụ việc, lực lượng công an có mặt. Lúc này đã có 6 người dân bị trọng thương, được cơ quan an ninh đưa đi viện cấp cứu. Riêng nhóm côn đồ không hiểu sao bình yên lên taxi rút đi. 
Chị Lương Thị Dính bị đánh vỡ đầu
Chị Lương Thị Dính bị đánh vỡ đầu
Đi tìm nguyên nhân 
Sau khi vụ việc xảy ra, người dân chia làm 2 nhóm, một ở lại căng cờ giữ đất, giữ hoa màu; một kéo nhau về UBND xã Đại Thắng. Tại đây đã diễn ra cuộc đối chất rất căng thẳng giữa Giám đốc Công ty cổ phần Hoa Thành và 153 hộ dân bị lấy đất làm dự án. Tuy nhiên cuộc đối chất “vỡ” như chợ khi ông Hà Như Nam, Giám đốc công ty không trả lời được bà con lý do vì sao lại thuê giang hồ về đánh dân?
Đối thoại bất thành giữa dân và doanh nghiệp
Đối thoại bất thành giữa dân và doanh nghiệp
Trao đổi với phóng viên cuối giờ chiều ngày 21/4, ông Vũ Đức Cảnh – Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng – nêu quan điểm: Vụ việc cả trăm người lạ với thái độ du côn về đây phá hoa màu của dân, dùng vũ lực đánh nhiều người dân bị thương sẽ được điều tra làm rõ. Tuy nhiên mấu chốt của vấn đề là ở việc UBND TP Hải Phòng đã có văn bản (4/2004) yêu cầu Sở TN-MT, UBND huyện Tiên Lãng thông báo cho Cty CP Hoa Thành ngừng triển khai xây dựng trên đất đó. Tuy nhiên đơn vị này vẫn cố tình không chấp hành ý kiến chỉ đạo của TP Hải Phòng, cố tình dùng sức mạnh cá nhân để thay luật định. 
Được biết năm 2004, UBND TP Hải Phòng đã có quyết định thu hồi hơn 88.000 m2 đất tại thôn Trâm Khê, xã Đại Thắng cho Cty CP Hoa Thành thuê. Tuy nhiên những hộ dân có đất chưa nhận được quyết định thu đất đến từng cá thể như quy định của luật pháp. Vì thế trong 153 hộ, có 9 hộ dân không nhận đền bù và không thuận bàn giao ruộng đất. 
Vệ sĩ trở lại ngay sau vụ đổ máu
Vệ sĩ trở lại ngay sau vụ đổ máu
Ông Hoàng Văn Khang, một người dân không đồng tình với quy trình giao đất cũng như mức giá đền bù, cho biết, dân chưa nhận hết tiền đền bù và chưa bàn giao mặt bằng mà vẫn giao đất cho doanh nghiệp. Đất bị thu hồi với giá bèo bọt (hơn 7 triệu đồng/360 m2 đất nông nghiệp). 
Ông Khang cho biết đã khiếu kiện gần chục năm nay nhưng vẫn chưa được giải quyết theo đúng luật khiếu nại tố cáo. Đất đã được UBND thành phố giao và sau đấy lại được chính thành phố ra quyết định yêu cầu không xây dựng trên đất này vì đang có tranh chấp, nhưng doanh nghiệp vẫn cứ tiến hành. 
Cụ thể ngày 26/3/2013, công ty cổ phần Hoa Thành đã ký hợp đồng giao nhận thầu xây dựng với Cty TNHH Quỳnh Dương. Ngày 10/4 vừa qua, Cty TNHH Quỳnh Dương lại ký hợp đồng với Cty cổ phần dịch vụ bảo vệ Toàn Cầu thuê 120 người bảo vệ an ninh cho việc xây dựng trái phép. Hợp đồng nêu rõ: Trong bất cứ tình huống nào, lực lượng bảo vệ cũng không thể để xảy ra tình trạng lấn chiếm, tái chiếm của nông dân trong khu đất dự án.
Gần tối ngày 21/4, côn đồ và xe vẫn túc trực cách hiện trường 500 mét
Gần tối ngày 21/4, côn đồ và xe vẫn túc trực cách hiện trường 500 mét
Vì lẽ đó mà sau ít phút gây ra đổ máu, lực lượng vệ sĩ của công ty bảo vệ trên lại trở lại khu đất bám trụ cùng nông dân và lực lượng công an địa bàn. Trong khi đó cách hiện trường khoảng 500 mét, tại Km 40, quốc lộ 10, đoạn dưới chân cầu Cựu, hàng chục đối tượng lạ mặt vẫn ngồi túc trực, cạnh đó là 11 chiếc ô tô đang trong tư thế chờ sẵn. 
T.H.