Chủ Nhật, 5 tháng 10, 2014

Những ngôi sao thầm lặng cho Việt nam

Những ngôi sao thầm lặng của Việt nam

  • 2 tháng 10 2014
Ca sỹ Shane Filan - cựu thành viên nhóm nhạc Westlife
Văn hóa trong thế kỷ 21 tràn ngập ám ảnh về người nổi tiếng. Ca sỹ, cầu thủ bóng đá, diễn viên và người mẫu được thần tượng trên toàn cầu, đặc biệt là khi mà mọi suy nghĩ của họ được hàng triệu người đọc và chia sẻ ngay lập tức nhờ mạng xã hội.
Trong suốt nhiều năm, Việt Nam khép mình trước các hiện tượng văn hóa ở thế giới bên ngoài, nhưng nay đang bắt kịp với xu hướng này.
Thực thế, với rất nhiều người nổi tiếng, Việt Nam đã trở thành nơi cần đến để phát triển lượng người hâm mộ trung thành, những người sẽ mua các sản phẩm của họ.
Shane Filan, từng trong nhóm nhạc Westlife và giờ đang đi lưu diễn cho album riêng, là ca sỹ nổi tiếng gần đây nhất trong chuỗi các nhân vật ngành giải trí nhận được chào đón nồng nhiệt ở Việt Nam.
Trong vài năm qua, ngôi sao ở cấp độ nổi tiếng khác nhau được chào đón cuồng nhiệt ở sân bay, trong đó có ca sỹ Kelly Rowland, Shayne Ward và Backstreet Boys; đội bóng Arsenal; tiền đạo đã nghỉ hưu Ruud van Nistelrooy; và người mẫu Omar Borkan Al Gala.
Những ồn ào xung quanh nhân vật cuối cùng - người trở nên nổi tiếng sau tin đồn bị trục xuất khỏi Ả Rập Saudi vì quá đẹp trai - được 3000 người hào hứng chờ đợi trong cơn mưa (dù nhiều người đã thất vọng không lâu sau đó) chỉ để thấy anh xuất hiện chớp nhoáng trong một chương trình thời trang ở sân vận động Quân khu 7. Đấy là khi tin đồn trục xuất của anh còn chưa rõ có thực hay không.
Kiểu hâm mộ khó hiểu như thế này đã làm dấy lên chỉ trích từ các nhà bình luận xã hội Việt Nam, những người vốn vẫn bảo vệ văn hóa Việt Nam khỏi ảnh hưởng từ bên ngoài và muốn mọi người tìm kiếm các hình mẫu có ý nghĩa, những người có thể đem lại điều gì đó quan trọng.
Không ngạc nhiên khi một số người đặt câu hỏi những người được thần tượng hóa như Al Gala, chỉ nhờ bề ngoài, đã làm gì để được hưởng sự hâm mộ đến như vậy.

Trò chơi danh vọng

Nick Vujicic diễn thuyết ở sân vận động Mỹ Đình chật kín khán giả
Sự phát triển của Internet và hệ quả của việc tiếp xúc với văn hóa bên ngoài chắc chắn đóng vai trò nhất định, khi số người nói tiếng Anh ở Việt Nam tăng nhanh trong thập niên qua.
Việt Nam từng là nơi bị hạn chế và chỉ mới trong giai đoạn gần đây mở cửa ra thế giới khiến người ta phải chơi trò đuổi bắt. Điều này có thể giải thích vì sao rất nhiều khách mời nổi tiếng đến Việt Nam là những người đạt đỉnh cao danh vọng từ nhiều năm trước; đã lâu rồi kể từ khi Filan, Ward và Backstreet Boys có những bản nhạc thịnh hành nhất.
Những người làm quảng cáo ở Việt Nam đã nhắm vào ngôi sao nước ngoài nhằm đẩy cao hình ảnh của Việt Nam và cũng góp phần vào đời sống văn hóa. Bằng cách phối hợp chặt chẽ với truyền thông, những công ty này tạo ra các thần tượng ở Việt Nam và thu bộn tiền.
Chính điều này dẫn tới sự xuất hiện của Nick Vujicic, diễn giả và là nhà truyền bá kinh Phúc âm, nổi tiếng thế giới nhờ những kinh nghiệm và trải nghiệm khi phải sống với hội chứng tetra-amelia (hội chứng thiếu tứ chi), được mời tới Việt Nam với sự hoan nghênh rộng rãi hồi tháng Năm 2013.
Chuyến thăm của anh làm dậy lên các chiến dịch quảng cáo và truyền thông trên khắp cả nước, hàng chục ngàn người đến nghe anh nói chuyện và hàng triệu người theo dõi trên truyền hình.
Hoa Sen, công ty sản xuất mái tôn, chi trả cho chuyến đi và giá cổ phiếu tăng vọt lên 10%. Không có gì đáng ngạc nhiên khi họ mời anh quay lại vào năm sau.
Ngoài ra cũng không thể đánh giá thấp vai trò của truyền thông trong việc quảng bá cho các ngôi sao nước ngoài.
Những ngày này báo chí lá cải Việt Nam tập trung rất nhiều vào hấp dẫn giới tính và cuộc sống lãng mạn của những người giàu có, nổi tiếng. Điều này đã xảy ra nhiều năm ở phương Tây, nhưng còn khá mới ở châu Á. Những chuyến thăm như của Ward và Al Gala nhằm bán báo và cho độc giả thêm chút thông tin đa dạng hơn là những chuyện vẫn thấy hàng ngày như scandal, phẫu thuật thẩm mỹ và cuộc sống tình cảm của giới sao Việt.
Mặc dù ám ảnh với các nhân vật nổi tiếng nước ngoài còn tiếp tục, có lẽ cuối cùng người ta cũng tìm được sự cân bằng.
Thành công gần đây của đội bóng U19 Việt Nam khi vào vòng chung kết giải Đông Nam Á khá ấn tượng, và được người Việt Nam khen ngợi vang dội, đặc biệt là trên mạng xã hội.
Thành công vượt qua khó khăn của họ là chén nước mát vốn đã thiếu vắng trong một thời gian dài. Thật vui khi nhìn thấy nỗ lực, chăm chỉ, kỹ năng và cả niềm tự hào dân tộc của những người trẻ đã được công nhận.
Theo ý tôi, có nhiều người Việt Nam khác còn chưa được công nhận rộng rãi trong mảng thể thao, giải trí và diễn thuyết trước công chúng, mà tôi thấy xứng đáng được biết đến nhiều hơn vì những nỗ lực của họ.

Nguyễn Tiến Minh – Cầu lông

Tiến Minh thực sự là một trong những vận động viên xuất sắc và ổn định nhất mọi thời đại của ngành thể thao Việt Nam.
Anh bắt đầu sự nghiệp từ năm 18 tuổi, thành công ở các giải đấu nội địa trước khi trở thành đại diện đầu tiên của cầu lông Việt Nam tham gia Olympics vào năm 2008.
Anh đã giành rất nhiều danh hiệu trong sự nghiệp của mình, và đoạt huy chương đồng giải Vô địch Thế giới 2013 ở Bắc Kinh. Trong giai đoạn đỉnh cao, anh đứng thứ năm trên bảng xếp hạng thế giới.
Mặc dù được coi trọng ở quê nhà, Tiến Minh không được chào đón như siêu sao ở Việt Nam, mà những người như anh ở một số nước khác chắc chắn sẽ nhận được.
Khi trở về từ chiến thắng vang dội năm 2013 – và có lẽ là thành tích quan trọng nhất trong sự nghiệp – một nhóm nhỏ gồm gia đình, đồng nghiệp và người hâm mộ tới đón anh ở sân bay.
Mặc dù bóng đá vẫn là môn thể thao thịnh hành hơn cầu lông ở Việt Nam, thật đáng tiếc là Tiến Minh, hiện thân của những giá trị truyền thống Việt Nam như khiêm nhường, quyết tâm, tự hào và đầy khả năng, lại ít được công nhận hơn.

Nguyễn Công Hùng và Nguyễn Thảo Vân – Chủ doanh nghiệp xã hội

Nguyễn Công Hùng qua đời năm 2012, và em gái anh, Thảo Vân là ví dụ sáng về những người vượt qua khó khăn để đạt tới sự vĩ đại. Cả hai anh em sinh ra với hội chứng khiến họ bị liệt gần như toàn thân, và người chỉ rất nhỏ, nhưng họ đã không để căn bệnh này chặn bước.
Hùng là chuyên gia về máy tính và được nhận danh hiệu Hiệp sỹ Công nghệ Thông tin vào năm 2005, đã thành lập trung tâm Nghị lực Sống cách đây hơn 10 năm, mặc dù anh chỉ có thể di chuyển hai ngón tay.
Trung tâm đào tạo các kỹ năng máy tính miễn phí cho người khuyết tật và giúp họ tìm việc trong ngành này. Hàng trăm người đã được nhờ vào đây.
Thảo Vân quản lý trung tâm sau khi anh trai qua đời, tiếp tục công việc thiện nguyện và cống hiến cuộc đời mình để giúp người khuyết tật sống cuộc sống hạnh phúc, độc lập và đầy đủ hơn.
Một khoản tiền rất lớn được chi vào chuyến thăm Việt Nam của Nick Vujicic, trong khi Nghị lực Sống từng chật vật để có được hỗ trợ tài chính.
Mặc dù ngôi sao người Úc có vẻ thật sự tài năng, ấn tượng và là diễn giả đầy cảm hứng và nên được khen ngợi khi phần nào làm thay đổi nhận thức về khuyết tật ở Việt Nam, thật tiếc là Hùng và Vân chưa bao giờ nhận được sự hoan nghênh và tiếp xúc với công chúng lớn như thế.
Câu chuyện của họ được người ta biết đến, nhưng có lẽ khó có thể thấy Thảo Vân sẽ diễn thuyết trong sân vận động chật kín khán đài ở Hà Nội, và phát trực tiếp trên truyền hình khắp cả nước.
Lớp tin học đầu tiên của Trung tâm Nghị lực Sống, Công Hùng và Thảo Vân (ngồi giữa)

Nguyễn Phi Hùng – ca sỹ, diễn viên

Lần đầu tiên Phi Hùng trở nên nổi tiếng đã từ vài năm trước và nay dần lùi vào yên lặng để tập trung hơn vào công việc kinh doanh và từ thiện. Trong suốt sự nghiệp của mình, anh vẫn xuất hiện với vẻ hiền lành, lòng trắc ẩn và tài năng – anh từng học ballet và đã giành giải cho diễn viên ở Cánh Diều Vàng.
Theo chân các ngôi sao làm từ thiện khác như Mỹ Tâm (với quỹ từ thiện mang tên ca sỹ chuyên xây nhà cho người nghèo); ca sỹ Phi Hùng dùng danh tiếng của anh vào việc có ích. Ngoài việc xuất hiện trên chương trình truyền hình từ thiện như Dấu ấn Tình Người và thu âm bài hát Vì một Thế giới Đẹp tươi để tăng cường nhận thức về nạn nhân nhiễm chất da cam, Phi Hùng cũng mở nhà hàng theo dạng doanh nghiệp xã hội để giúp người thiệt thòi.
Nói về hoạt động từ thiện của mình, Phi Hùng nói với báo Người Đưa Tin: "Làm từ thiện là tấm lòng của mỗi người, nên nó là một chuyện không thể để quảng bá hình ảnh bản thân mà cần phải công bố rộng rãi. Mỗi khi tham gia vào hoạt động từ thiện này, tôi thấy cuộc sống của mình có ý nghĩa hơn rất nhiều, tôi luôn muốn chia sẻ cho những người có hoàn cảnh khó khăn. Điều tôi cảm thấy vui và hạnh phúc nhất là đem lại một chút niềm vui cho mọi người và học hỏi được rất nhiều từ những hoàn cảnh khó khăn ấy. Họ không may mắn về vật chất lẫn tinh thần, nhưng họ có nghị lực phi thường vượt lên tất cả khẳng định mình."
Nguyễn Phi Hùng có thể không được hưởng ứng hay nổi tiếng bằng Shayne Ward hay Backstreet Boys, nhưng anh xứng đáng được công nhận cho những nỗ lực của mình. Anh thành thật với bản thân và những giá trị của mình dù phải chịu áp lực khi làm việc trong công nghiệp giải trí ở Việt Nam.
Nếu có hình mẫu nào bạn thấy cần được biết đến nhiều hơn, các bạn hãy chia sẻ với BBC Tiếng Việt trên Facebook của chúng tôi nhé.
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/forum/2014/10/141001_vietnam_unsung_heroes_kim_megson

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét